“Dạy Giáo Lý là Nhiệm Vụ Sống Còn”

0
574
Trong thánh lễ đại trào tại nhà thờ Chính Tòa Đà Nẵng (05/9/2011), Đại diện Tòa Thánh, Đức TGM Leopoldo Girelli đã khẳng định, dạy giáo lý và đào tạo giáo lý viên là nhiệm vụ trước hết. Lời quả quyết mang tính hướng dẫn ấy vừa xuất phát từ nhu cầu thực tế của sứ vụ dạy và học giáo lý tại giáo phận, vừa nhắc lại sứ mạng của Giáo hội địa phương này giữa một thế giới đang chuyển biến theo chiều hướng đi xuống và có nhiều người đang khủng hoảng đức tin. Đặc biệt, trong bối cảnh của Năm Đức Tin, với nỗ lực của Giáo Hội “không thể chấp nhận để cho muối trở nên nhạt và ánh sáng bị che khuất,”[1]việc dạy và học giáo lý giúp tín hữu khám phá sâu xa nội dung đức tin và gặp gỡ Đấng đang sống trong Giáo Hội.
Bài tham luận này chia làm ba phần: hiện trạng dạy và học giáo lý tại giáo phận, nhu cầu của các giáo xứ về dạy và học giáo lý, kế hoạch đề nghị cho việc dạy và học giáo lý tại giáo phận.
I.     Hiện Trạng Dạy Và Học Giáo Lý tại Giáo Phận
Không thể phủ nhận sự đóng góp nhiệt thành của nhiều thành phần Dân Chúa trong giáo phận cho việc huấn giáo từ nhiều năm trước. Riêng từ năm 2001 đến nay, hoàn cảnh xã hội tương đối thuận lợi, tạo không gian rộng hơn cho việc dạy và học giáo lý. Số linh mục trong giáo phận hiện nay tăng gần 50% so với năm 2001,[2]số giáo lý viên (GLV) trong giáo phận hiện có 744 người, một con số đáng trân trọng.
Tuy nhiên, hiện trạng không làm chúng ta an tâm, vì số linh mục tham gia trực tiếp dạy giáo lý quá hiếm hoi, hầu hết việc dạy giáo lý tại các giáo xứ được khoán trắng cho GLV. Từ năm 2000 đến nay, giáo phận không có một khóa đào tạo nào dành cho GLV, ngoại trừ những nỗ lực chắp vá của một vài giáo xứ cho việc đào tạo này. Vì thế, hầu hết GLV hiện nay chưa trải qua bất cứ một khóa đào tạo nào. Thử hỏi, có ai trong chúng ta lường được hết hậu quả của bất cập này? Điều này ít nhiều đã gây nên hậu quả là, nhiều giáo xứ hiện nay đang thiếu GLV, kể cả các giáo xứ lớn, có 4 giáo xứ chỉ có một hoặc hai GLV, thậm chí có giáo xứ không có GLV!
Về việc học giáo lý, mục đích học giáo lý bị giảm thiểu trong việc đối phó (để lãnh nhận các bí tích Thêm Sức, Hôn Nhân, v.v.), chứ không gắn liền với lý do hiện hữu của Ki-tô hữu là hiểu, sống đức tin và chia sẻ đức tin. Thêm vào đó, tình trạng GLV thiếu về số lượng lẫn trình độ, dù có nhiều nhiệt huyết tông đồ, còn là nguyên cớ khiến các em không tìm thấy niềm vui trong việc đào sâu đức tin. Phải chăng chúng ta đang để mặc cho giới trẻ rơi vào thế giới ảo khi nghĩ rằng chỉ có học văn hóa và kiếm tiền là thành hình nhân cách xã hội lẫn tôn giáo? Chúng ta có trách nhiệm gì trước tình trạng giới trẻ vì không được học giáo lý đang di cư khỏi Giáo Hội?
Trong thời gian từ năm 2001 đến nay, ngân sách của giáo phận và các giáo xứ đầu tư cho việc dạy giáo lý nếu có cũng không đáng kể so với các đầu tư vào cơ sở vật chất, lễ lạc hay những dịp hội hè khác. Việc đầu tư nhỏ giọt hoặc không đầu tư gì hết vào một lãnh vực cũng đủ nói lên tầm mức của lãnh vực đó trong định hướng của nhà đầu tư.
II.      Nhu Cầu Dạy và Học Giáo lý tại Giáo Phận
Trước hiện trạng không mấy sáng sủa này, Đại Hội Dân Chúa cấp giáo xứ trong toàn giáo phận đã nêu lên nhiều nhu cầu của việc huấn giáo, trong đó có hai nhu cầu cấp thiết: một là đào tạo GLV, hai là thống nhất chương trình giáo lý chung cho toàn giáo phận. Quả thật, Chúa Thánh Thần đã soi sáng và tác động trong Dân Chúa để mọi người cùng nêu lên những nhu cầu ưu tiên chính đáng, những nhu cầu phù hợp với ý Chúa và mong mỏi của Giáo Hội.
Việc giảng dạy giáo lý là nhu cầu phù hợp với ý Chúa, vì đó cũng là việc ưu tiên trong chương trình sống của Chúa Giêsu ở trần gian. Ngài đã truyền lại nhiệm vụ này cho Hội Thánh và quả quyết Hội Thánh biết rõ ý muốn của Ngài: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15). Chính Chúa Giêsu đã dạy giáo lý (Cv 1,1),  lời giảng dạy của Ngài có uy lực (Mc 1,22), Ngài giảng dạy khắp nơi (Lc 23,5) bằng cả cuộc sống mình, Ngài sống những gì Ngài giảng dạy (Cv 1,1). Vì thế, Chúa Giêsu được người đương thời gọi là “Thầy”, “Tôn sư” (Ga 3,2).
Chúa Giêsu đã trao cho Hội Thánh nhiệm vụ giúp nhân loại tin vào Ngài là Đức Kitô, nhờ đó, mọi người được sống với Chúa và xây dựng Thân Mình Ngài. Nhiệm vụ này, từ rất sớm, được gọi là “dạy giáo lý”.[3]Ý thức tầm quan trọng của nhiệm vụ huấn giáo này, Giáo Hội đi khắp nơi thi hành nhiệm vụ với một khát khao cháy bỏng cho mọi người được học biết Chúa Giêsu Kitô (Rm 15,19-21) và mong mỏi mọi thành phần tham dự vào nhiệm vụ này. Giáo Hội quả quyết, “việc dạy giáo lý là một hoạt động loan báo Tin Mừng nằm trong khuôn khổ sứ mạng lớn lao của Hội Thánh. Từ nay trở đi, hoạt động giáo lý phải luôn luôn được coi là thành phần trong những nhu cầu khẩn thiết và những ưu tư đặc thù của mệnh lệnh truyền giáo cho thời đại chúng ta” (HDTQ, số 4). Rõ ràng, theo Tông HuấnDạy Giáo Lý trong Thời Đại Chúng Ta, đối với Giáo Hội, dạy giáo lý là nhiệm vụ tối thượng và là quyền lợi của Hội Thánh, một quyền bất khả xâm phạm vì phát xuất từ ý muốn của Thiên Chúa và là nhiệm vụ sống còn để “củng cố đời sống bên trong của cộng đoàn tín hữu và hoạt động truyền giáo bên ngoài.”[4]Khi xem nhiệm vụ này là nhiệm vụ tối thượng của sứ mệnh, Hội Thánh kêu gọi đầu tư cho việc dạy giáo lý những tài nguyên quý nhất về người và vật chất.[5]
III.   Kiến Nghị Giải Pháp cho việc Dạy và Học Giáo Lý
Nhu cầu dạy và học giáo lý quá lớn, vì thế, tham luận chỉ đưa ra kế hoạch giới hạn trong việc dạy giáo lý cho thiếu nhi và chương trình đào tạo GLV cho đối tượng này.
      1. Chương trình đào tạo GLV
a. Môn học gồm 12 môn:
Nhân Bản
Linh Đạo GLV
Lịch Sử Giáo Hội
Tín Lý
Luân Lý
Phụng Vụ-Bí Tích
Tân Ước
Cựu Ước
Lịch Sử Cứu Độ
Truyền Giáo
Sư Phạm Giáo Lý
Kỹ Năng Sinh Hoạt
            b. Địa điểm: sẽ được sắp xếp tùy theo điều kiện từng giáo hạt. Nơi nào được chọn, Ban Giáo Lý giáo hạt và giáo xứ nơi ấy lo liệu tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức lớp học.
c. Tài chánh: do giáo phận và các giáo xứ đóng góp.
         2. Thống nhất chương trình giáo lý:
Ban Giáo lý giáo phận cần tổ chức các cuộc hội thảo nhanh chóng đi đến việc thống nhất chương trình giáo lý trong giáo phận. Vì nhu cầu cấp bách, chưa cần thiết soạn một giáo trình riêng, có thể chọn lọc những giáo trình trong các giáo phận đang có để ứng dụng vào các lớp học. Tuy nhiên, tương quan giữa chương trình, dạy học Giáo lý và truyền giáo phải chặt chẽ. Chương trình và việc dạy học giáo lý phải là lực đẩy quan trọng giúp học sinh hiệp thông và tham dự sống động vào sứ mạng truyền giáo, vì “việc dạy giáo lý không thể tách biệt khỏi toàn thể các hoạt động mục vụ và truyền giáo của Hội Thánh.”[6]
Trên đây là những đề nghị thiết thực cho tình hình dạy và học giáo lý tại giáo phận Đà Nẵng chúng ta. Với ơn Chúa soi sáng và giúp sức, những giải pháp này không phải không thể thực hiện, chỉ sợ chúng ta không dám để Chúa Thánh Thần biến đổi và chấp nhận cuộc chuyển biến này.
Xin Mẹ Trà Kiệu phù trì cho giáo phận Đà Nẵng.
Đà Nẵng 14/10/2012
Câu Hỏi Thảo Luận
3. Chương trình đào tạo Giáo Lý viên sẽ gặp những thuận lợi và khó khăn gì? Quý vị có góp ý gì cho chương trình đào tạo trên? Có giải pháp gì cho những khó khăn ấy?
4. Quý vị có đề nghị gì để thống nhất thủ bản Giáo lý trong toàn Giáo phận?
 Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú,
Trưởng ban Giáo lý Giáo phận Đà Nẵng
Nguồn: http://mucvugiaodan.org