PHÁN XÉT TÌNH THƯƠNG
Hãy ngừng thói ngồi lê mách lẻo, nói hành nói xấu nhau và đừng biến hình ảnh tình thương thành những chủ đề để cân đo, đong đếm.
Những ngày qua, trong và ngoài nước tận mắt chứng kiến cảnh khúc ruột Miền trung(Việt Nam), đang phải gồng mình đương đầu với các thảm họa mà Thiên tai gây ra. Sức gió mạnh của các cơn bão lần lượt ập tới, kèm theo thể tích mưa lớn kéo dài gây ngập lụt và sạt lở đất nghiêm trọng, điều này khiến bao nhiêu người phải chết một cách đau thương, của cải hoa màu bị nhấn chìm trong biển lũ một cách chua xót. Người mất cha, mất mẹ, mất đi những người thân quen, những tiếng khóc, tiếng than kèm theo tiếng trách thiên nhiên tạo nên khung cảnh ảm đạm, u sầu và đau thương hơn bao giờ hết.
Ảnh minh họa: internet
Nhìn những cảnh đau thương vậy, đã là con người ai cũng động lòng xót thương và trắc ẩn. Thật vậy! nỗi đau ấy đã phần nào được san sẻ, khi người người, nhà nhà, lần lượt đổ về khúc ruột miền trung, để xoa dịu đi nỗi đau thực tại, đồng cảm với sự mất mát và chia cơm sẻ bánh với các gia cảnh nghèo đói, khó khăn. Như là một nghĩa cử cao đẹp “Lá lành đùm lá rách” mà cha ông ta để lại, tuy rằng không chung họ hàng nhưng cùng một dòng máu Lạc Hồng, không phân biệt giàu nghèo nhưng cùng một phẩm giá là con người và không cùng tôn giáo nhưng là con người với nhau chung sống trong một quả đất đã được tạo dựng một cách tài tình và công bằng.
Tuy nhiên, đứng trước những sự mất mát trên. Không ít người đánh mất đi lương tâm, căn tính của mình mà trục lợi một cách bất chính, trên mồ hôi, nước mắt và xương máu của những người dân nghèo nơi đây, khi thu lợi nhuận cho cá nhân bằng việc tăng giá các mặt hàng kinh doanh, tăng phí cao trên các chuyến xe hàng từ thiện, hay thu phần trăm trên các món quà để cắt xén vén lợi cho bản thân. Thậm chí, có thói ngồi lê, mách lẻo, phán xét như những vị quan tòa bằng những lời nói thâm độc, hay những bài viết ẩn ý nham hiểm gây hiểu nhầm và chia rẽ nhau.
Buồn, đáng buồn thay khi “văn hóa phán xét” lên ngôi, người ta chỉ thích là những ông quan tòa lớn hay những vị vua con đầy quyền lực mà áp đặt tư tưởng lên người khác một cách tàn nhẫn, chua xót và vô lương tâm. Có lẽ, đây là khoảng thời gian để mỗi chúng ta bình tâm suy nghĩ về cung cách sống của chính mình trong cách suy nghĩ, lời ăn tiếng nói, để sống sao cho đúng là một con người biết yêu thương, đồng cảm và sẻ chia, chứ không phải là một ông vua hay một vị quan tòa chỉ biết ngồi mà “Phán xét”.
Giữa một xã hội đang trên đà phát triển mọi phương diện các thành tựu Khoa học – Kĩ thuật giúp cho đời sống con người ngày được nâng cao. Tuy vậy, với sự phát triển tốc độ phát triển vũ bão đó đã kéo con người vào lối sống tự do, buông thả và đi ngược lại với các giá trị tiêu chuẩn của đạo đức. Sự thờ ơ, vô cảm và thực dụng đang là khuôn mẫu mà nhiều người chọn lựa, khi chỉ biết tìm kiếm các lợi ích cho cá nhân mà không quan tâm đến lợi ích cộng đồng, để lại bao hậu quả và tàn dư cho biết bao người. Nguy hiểm hơn đó là “Phán xét” lối sống đang âm thầm hủy hoại đi danh dự, nhân phẩm thậm chí là tính mạng của biết bao nhiêu người.
Thật vậy! Phán xét là động từ xem xét, đánh giá và đưa ra một quyết định nào đó nhằm lên án tố cáo hay kết luận một sự vật, sự việc hoặc một chủ thể. Nó có thể xảy ra hai trường hợp tốt và xấu, nếu chúng ta biết phán xét một cách hài hòa giữa lý trí và con tim dựa trên các quy tắc chuẩn mực của xã hội quy ước. Gần đây nhất, khi chúng ta thấy được sức mạnh của “phán xét” xoay quanh chủ đề giúp đỡ người dân trong mùa mưa lũ. Đã có những lời ngợi khen, ca ngợi và mến thương đối với những tấm lòng vàng cao cả, nhưng cũng không ít những lời khiển trách, soi mói và để nhờ đó trục lợi cho cá nhân một cách bất chính. Đúng là “Làm dâu trăm họ”, chẳng bao nhiêu cho vừa lòng người khi làm việc xấu thì bị người ta xa lánh, việc tốt thì bị bắt bẻ để cho mọi người đàm tấu.
Robert Southey, một nhà thơ người Anh đã nói: “Những người vội vã phán xét dựa trên bề ngoài hiếm khi thấy được bản chất sự việc.”. Thật vậy! Đôi khi chúng ta quá vội vàng và nôn nóng khi lên án và đặt cho họ những nhãn mác không đúng với bản chất của sự việc, làm gia tăng sự hoài nghi và chất vấn gây ra hiểu nhầm. Ít khi chúng ta đặt mình vào hoàn cảnh của chính họ để hiểu rõ hơn về bản chất sự việc, rồi từ đó phán xét sau cũng chưa muộn. Những ngày qua, báo chí và các trang mạng đã không ngừng đưa tin về những cuộc từ thiện, khi đề cập đến “cơn lũ” tình thương hướng về khúc ruột miền trung, làm cho chúng ta cảm nhận được tình người, tình làng nghĩa xóm và tình yêu quê hương đất nước. Bên cạnh đó cũng có những thông tin tương phản khi lên án người này quyên góp quá ít, giá trị các phần quà quá ít hay việc từ thiện chưa đúng quy trình.
Phải chăng! yêu thương cũng cần phải được cân đo, đong đếm hay so sánh? Thật khó hiểu, khi có quá nhiều người phán xét về điều này. Yêu thương đó là sự rung cảm trước những nỗi đau mất mát thực tại, được họ cảm nhận từ tiếng nói của lương tâm thể hiện qua các hành động cụ thể nhất. Chứ yêu thương không phải để đánh bóng tên tuổi, cạnh tranh địa vị, nếu có yêu thương đó thì là những thứ trên môi miệng, giả dối “Khẩu phật, tâm xà”, đáng lên án và chê trách.
Cuối cùng, giữa những khung cảnh đau thương mà miền trung đang phải gánh chịu. Làm ơn! hãy ngừng thói ngồi lê mách lẻo, nói hành nói xấu nhau và đừng biến hình ảnh tình thương thành những chủ đề để cân đo, đong đếm. Thay vào đó là sự rung cảm, sẻ chia và yêu thương nhau trong một thế giới quá nhiều tai ương.
Gioan Nguyen