5 Phút Lời Chúa Tháng 10/ 2017

0
141

5 Phút Lời Chúa Tháng 10/ 2017


01/10/17
CHÚA NHẬT TUẦN 26 TN – A

Mt 21,28-32

ĐI LÀM VƯỜN NHO CHO CHÚA

“Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: ‘Này con hãy đi làm vườn nho.’ Nó đáp: ‘Con không muốn đâu!’ Nhưng sau đó nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai và cũng bảo vậy. Nó đáp: ‘Thưa Ngài, con đây!’ nhưng rồi lại không đi.” (Mt 21,28-30)

Suy niệm: Tục ngữ có câu: “Trăm voi không được bát nước sáo”. Nói có mà không làm tất nhiên không bằng nói không mà làm có. Và hơn nữa Chúa đánh giá chất lượng dựa trên tiêu chuẩn chẳng những chúng ta có làm mà còn làm với tâm tình con thảo đi làm “vườn nho” cho Cha của mình.

Phần bạn, bạn nghĩ sao? Trong dụ ngôn, Chúa Giê-su hỏi: “Ai trong hai người con đó đã thi hành ý muốn của người cha?” Câu hỏi của Chúa đặt ra cho chúng ta bây giờ còn cụ thể hơn nữa: Không phải là “Ai trong hai người con đó” mà là “Bạn là ai trong hai người con đó”? Hôm nay bạn đã thi hành ý muốn của Chúa là Cha của bạn chưa?

Chia sẻ: Bạn có cảm thấy thao thức trước biết bao nhiêu nhu cầu cấp bách trong Giáo Hội và bạn có thấy mình có trách nhiệm trước những nhu cầu ấy không? Còn công tác nào trong nhóm/đoàn thể của bạn đã cùng nhau đề ra mà chưa thực hiện?

Sống Lời Chúa: Cụ thể, công việc Chúa muốn giao cho bạn trong “vườn nho” Chúa là gì? Hôm nay bạn đã thực hiện việc đó chưa?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, biết bao nhiêu câu hỏi Chúa đặt ra cho con hôm nay mà con chưa thể trả lời, biết bao nhiêu công việc bề bộn trong vườn nho Giáo Hội mà con thờ ơ không bận tâm đến. Xin cho con biết hồi tâm rút lại lời nói “không” và quay trở lại “đi làm vườn nho cho Cha”.


02/10/17 thứ hai tuần 26 tn
Các thiên thần hộ thủ
Mt 18,1-5.10

tinh thần trẻ thơ

“Nếu anh em không trở lại mà nên như em nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 18,3)

Suy niệm: Bình thường người lớn dạy dỗ trẻ em nhưng có người lại bảo: “Trẻ em là trường dạy người lớn.” Câu nói nghịch lý này được chứng minh trong Tin Mừng hôm nay. Thấy các môn đệ quá chú trọng đến địa vị, Chúa Giê-su đem một trẻ em đến và dạy họ sống khiêm tốn đơn sơ như trẻ thơ. Nếu lòng ham muốn chức tước địa vị quyền hành trong xã hội đã là căn cớ cho bao nhiêu bất an xáo trộn tranh chấp thì tinh thần trẻ thơ khiêm nhu hiền hoà đơn sơ là nguồn bình an và bảo đảm hạnh phúc vĩnh cửu. Chúa muốn chúng ta trở nên như trẻ thơ là mặc lấy tâm tình yêu thương tín thác nơi Thiên Chúa như Chúa Giê-su, để mặc cho Thiên Chúa yêu thương và làm cho chúng ta lớn lên với những ân huệ của Ngài.

Mời Bạn: Thành thật nhìn vào chính mình, chúng ta sẽ thấy rõ nhưng giới hạn yếu kém và nhất là tội lỗi của mình. Tinh thần trẻ thơ giúp chúng ta khiêm tốn chấp nhận thân phận con người thật của mình và sẵn sàng phó thác cho lòng từ bi và quyền năng Thiên Chúa, để cho ơn thánh biến đổi mình trở nên con cái Thiên Chúa.

Chia sẻ: Có những anh chị em tân tòng nhưng rất trưởng thành về đức tin, trong khi đó những người “đạo gốc” nhưng đức tin vẫn còn trong tình trạng ấu trĩ. Chúng ta đang ở trong tình trạng nào?

Sống Lời Chúa: Bước đầu sống khiêm tốn là bằng cách nghiêm túc xét mình, dám nhận mình có lỗi và chân thành lắng nghe ý kiến của người khác.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su xin cho ơn khiêm tốn để con biết rõ con và con sống như trẻ thơ trong vòng tay yêu thương của Chúa. Amen.


03/10/17 THỨ BA TUẦN 26 TN
Lc 9,51-56

 

CÁI NHÌN MỚI THEO ĐỨC KI-TÔ

Thấy vậy, hai môn đệ Người là ông Gia-cô-bê và Gio-an nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy có khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không?” Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông. (Lc 9,54-55)

Suy niệm: Hai dân tộc Do Thái và Sa-ma-ri thù ghét nhau sâu sắc. Vì thế, việc người dân Sa-ma-ri cửa đóng then cài không đón tiếp các khách hành hương Do Thái là điều dễ hiểu. Phản ứng của hai cái “đầu nóng” là Gia-cô-bê và Gio-an muốn thiêu hủy cả làng cũng là chuyện ăn miếng trả miếng không hơn gì người Sa-ma-ri. Tuy nhiên, Đức Giê-su muốn các môn đệ của mình vượt lên trên cách ứng xử “thế gian lẽ thường” ấy, để có một cái nhìn hoàn toàn mới. Cái nhìn mới này có thể được tóm tắt qua chữ bao dung. Bao dung để mở lòng chấp nhận và tôn trọng những người khác chính kiến, khác quan niệm sống, khác niềm tin với mình. Bao dung để sẵn sàng tha thứ khi người khác xúc phạm đến mình.

Mời Bạn: Bạn thấy đó, “bá nhân bá tánh,” cái nhìn, suy nghĩ, lối sống của con người không ai giống ai. Sống đời Ki-tô hữu là tập luyện cho mình có được cái nhìn mới bao dung như Đức Giê-su. Có được cái nhìn mới này, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy cuộc đời an vui và hạnh phúc hơn nhiều.

Sống Lời Chúa: Để làm theo Lời Chúa dạy, tôi sẽ tập có cái nhìn mới, cái nhìn của Đức Kitô: nhân ái và cảm thông.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa là mẫu gương sống bao dung cho chúng con. Xin biến đổi chúng con theo cái nhìn của Chúa, để trong Chúa chúng con biết trân trọng người khác khi họ khác biệt với chúng con, cũng như biết sẵn sàng tha thứ cho người anh em. Amen.


04/10/17 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN
Th. Phan-xi-cô Át-xi-di
Tết Trung Thu
Mc 10,13-16

 

ĐIỀU KIỆN ĐỂ VÀO NƯỚC TRỜI

“Thầy bảo thật anh em: ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ thơ thì sẽ chẳng được vào.” (Mc 10,15)

Suy niệm: Những điều kiện để vào được Nước Trời mà Chúa Giê-su nói đến trong Tám Mối Phúc Thật là những phẩm chất thấy được nơi hình ảnh trẻ em. Trẻ em là hình ảnh của những người nghèo vì chưa sở hữu tài sản đồng thời cũng rất có khả năng đón nhận với tấm lòng đơn sơ: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,2). Một cách tự nhiên, trẻ em là những người hiền hoà dễ mến, từ nét mặt hiền hoà không cau có, không đe doạ ai, đến nụ cười tươi tắn, lời nói nhẹ nhàng như khơi gợi tình thương mến: “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp” (Mt 5,4). Trẻ em có tâm hồn trong sạch, không quanh co dối trá, không thủ lợi lừa đảo, không tính toan mưu mô: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8).

Mời Bạn: Khi chọn gọi các môn đệ, Đức Giê-su chỉ chọn người lớn; nhưng khi chọn mẫu người tiêu biểu làm công dân Nước Trời, Đức Giê-su lại chọn trẻ em. Điều này gián tiếp nhắc nhở “người lớn” rất có thể đã bị mất đi những đức tính đáng quý nơi trẻ em, đồng thời hãy can đảm tìm lại những gì tốt lành mình đã đánh mất, hầu tìm được một chỗ trong Nước Trời.

Sống Lời Chúa: Suy gẫm lý do tại sao Đức Giêsu ôm lấy trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa yêu thích người có tâm hồn trẻ thơ. Xin giúp chúng con dám can đảm làm một cuộc “sinh lại” để nên như trẻ thơ trước mặt Chúa.


05/10/17 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN
Lc 10,1-12

 

THIÊN ĐÀNG Ở ĐÂU?

“Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” (Lc 10,9)

Suy niệm: Trong tác phẩm Nhà Giả Kim, Paulo Coelho đã kể về cậu bé chăn chiên nằm mơ thấy kho báu. Thế là cậu bán hết đàn chiên, thu góp hành trang để đến xứ Ai Cập xa xôi. Nhờ đi ra, cậu đã học được nhiều điều về thế giới, về bản thân, và rốt cuộc cậu tìm được kho báu ngay đúng chỗ trước đây cậu đã nằm mơ. Song bài học lớn nhất là cậu biết đặt niềm tin vào sức mạnh siêu nhiên-sức mạnh luôn thúc đẩy và nâng đỡ cho những ai luôn khát khao truy tìm chân lý. Câu chuyện của Paulo Coelho có thể cho chúng ta có một cái nhìn rõ hơn về Tin Mừng hôm nay. Các môn đệ cũng được sai đi với hai bàn tay trắng, phải đối diện với khó khăn như chiên giữa bầy sói. Thế nhưng, nhờ ra đi hành động cho Chân Lý, các ông đã vượt qua sợ hãi để tìm được niềm vui. Niềm vui không phải bởi việc đã làm, nhưng vì nhận ra được giá trị của sự từ bỏ, sức mạnh nội tại của lòng tin và trên hết là cảm nghiệm Thầy luôn kề bên: Thiên Chúa ở cùng các ông và Bình An của Người lan tỏa nơi các ông.

Mời Bạn: Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi Giáo Hội nói chung và từng Ki-tô hữu nói riêng cần phải ‘ra đi’ đến những vùng ngoại biên để loan báo Tin Mừng. Bạn nghĩ gì khi nhiều gia đình trẻ của Giáo Hội Hàn Quốc sẵn sàng đến những vùng xa lạ và nghèo khổ để sống làm chứng cho Tin Mừng? Bạn có nghĩ và tin rằng: phải đi ra, bạn mới được biến đổi và tìm được hạnh phúc của mình ngay ở đời này không?

Sống Lời Chúa: Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37,5).

Cầu nguyện: Hát Kinh Hòa Bình.


06/10/17 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN
Th. Bru-nô, linh mục
Lc 10,13-16

 

KHỐN CHO KHO-RA-DIN

“Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn thì từ lâu họ đã mặc áo vải thô, ngồi trên tro tỏ lòng sám hối rồi.” (Lc 10,13)

Suy niệm: Trong Kinh Thánh Cựu Ước, thành Tia và Xi-đôn là đối tượng của những lời rủa xả nặng nề nhất của các tiên tri (x. Gr 47; Is 23; Ed 26). Những đô thị này là nơi phát sinh những sa đọa luân lý, óc tự mãn và tôn thờ ngẫu tượng. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su nói rằng: trong cuộc phán xét, Tia và Xi-đôn còn được xử khoan hồng hơn Kho-ra-din, Bết-xai-đa và Ca-phác-na-um, vì các thành này là ba điểm truyền giáo mà Chúa Giê-su hằng lui tới và đã chứng kiến rất nhiều phép lạ Chúa làm. Thế nhưng các thành này không sám hối. Chúa Giê-su đã dùng từ rất nặng để quở trách: Khốn cho ngươi.

Mời Bạn: Đôi khi đọc Tin Mừng có những đoạn Chúa lên án gay gắt, và chúng ta thường tránh né Lời Chúa. Chẳng hạn hôm nay, Chúa nói: Khốn cho ngươi. Tránh né Lời Chúa thì Lời Ngài không thể hoán cải đời sống chúng ta được. Vì thế, chúng ta hãy đón nhận Lời Chúa để được ơn hoán cải.

Chia sẻ: Một ai đó nói với bạn: Khốn cho ngươi, bạn phản ứng thế nào?

Sống Lời Chúa: Hoán cải một tật xấu nào đó.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đến loan báo niềm vui cho chúng con. Niềm vui mà thế gian không thể ban tặng được. Thế nhưng, nhiều khi chúng con đã khước từ Lời của Chúa, đến nỗi Chúa phải nặng lời: Khốn cho con. Chúng con xin lỗi Chúa và xin Chúa ban sức giúp chúng con hoán cải mỗi ngày. Amen.


07/10/17 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN
Đức Mẹ Mân Côi
Lc 1,26-38

 

TÍN THÁC VÀO THIÊN CHÚA

“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời Sứ Thần nói.” (Lc 1,26-38)

Suy niệm: Đối với rất nhiều tín hữu Việt Nam, thánh địa La Vang đã trở nên như một điểm hẹn hằng năm tiếp đón hàng hàng lớp lớp đoàn con cái từ muôn phương tuôn về hành hương. Có một điều ai cũng có thể nhận thấy, đó là trong bầu khí ấm áp linh thiêng nơi thánh địa, lời kinh Mân Côi vang lên khắp chốn thâu đêm suốt ngày: lúc thì rì rầm nơi những căn lều tạm, lúc thì thầm thĩ nơi người khách hành hương cô tịch nào đó dưới một gốc cây, có lúc lại rộn rã cùng với tiếng ca ngân vang của những đoàn thể nơi linh đài Mẹ nghi ngút khói hương. Trong bối cảnh đó, bất giác người người dường như trải  nghiệm được kinh nghiệm sống lời “xin vâng” của Mẹ năm xưa: từ khi đáp lời sứ thần truyền tin đến khi sinh con trong hang bò lừa, và cả khi đau đớn tột cùng với con trên đường lên Núi Sọ, dù tan nát trái tim đứng dưới chân thập giá với người con yêu, Mẹ vẫn một lòng tín thác vào lời hứa của Thiên Chúa.

Mời Bạn: Những lúc gặp thử thách, đau khổ bạn thường có thái độ nào? Có bao giờ bạn nhìn nhận rằng: “Đau khổ – Một thách đố của niềm tin”? (Lm Hồng Nguyên)

Sống Lời Chúa: Mời bạn nhớ lại một lần bạn gặp đau khổ, thử thách: bạn đã tín thác nơi Thiên Chúa thế nào, hay bạn đã than thân trách phận; rồi mời bạn đứng bên Đức Ma-ri-a nhìn ngắm Chúa Giê-su trên thập giá và cùng Mẹ sốt sắng cầu nguyện.

Cầu nguyện: Xin Chúa giúp con vững tin và can đảm vượt qua mọi khó khăn thử thách trong cuộc đời con. Xin Mẹ Maria giúp con sống ‘xin vâng’ như Mẹ đã sống.


08/10/17 CHÚA NHẬT TUẦN 27 TN – A
Mt 21,33-43

 

SINH LỢI CHO NƯỚC TRỜI

“Nước Thiên Chúa sẽ ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.” (Mt 21,43)

Suy niệm: Đối với nhiều người thời nay, lợi nhuận thường là tiêu chí số một cho mọi hoạt động. Làm cái gì cũng nhắm “lợi” trước hết; không có lợi là không làm, ngay cả những thương vụ nhiều rủi ro, “lợi thì có lợi mà răng không còn,” người ta cũng liều lĩnh lao vào, để rồi chuốc lấy những đổ vỡ đắng cay (như chơi biu, hụi…). Thật thú vị và hợp thời khi Tin Mừng hôm nay cũng đề cập đến vấn đề lợi nhuận. Nhưng ở đây không phải là tìm kiếm lợi nhuận ở đời này, mà là sinh hoa lợi cho Nước Trời. “Bọn tá điền sát nhân” là hình ảnh những người đòi sinh lợi từ những tài sản mà họ chiếm đoạt bằng bạo lực. Họ sẽ bị loại ra khỏi Nước Thiên Chúa; bởi vì ham lợi ích kỷ, chà đạp lên công bằng và sự thật, xúc phạm đến phẩm giá và sự sống con người, xét cho cùng, tất cả những điều đó đều là cách chối bỏ Thiên Chúa, và chiếm đoạt chủ quyền của Ngài trên tạo vật.

Mời Bạn: Vì lợi nhuận vật chất mà người ta đã phải lao tâm tổn trí biết bao! Ước chi các ki-tô hữu cũng thao thức, say mê như thế trong việc sinh lợi cho Nước Trời! Quả vậy, phải có niềm say mê đó, bạn mới có thể tẩy trừ được não trạng tham lam, hưởng thụ ích kỷ, óc bè phái, chủ nghĩa cá nhân, là những thứ đi ngược lại giá trị Tin Mừng.

Chia sẻ: Sinh lợi cho Nước Chúa là làm sao cho Tin Mừng được mọi người biết đến, yêu thích và sống theo. Bạn làm gì để thực hiện điều đó? Trước tiên, bạn cần sống thế nào?

Sống Lời Chúa: Tâm niệm trước khi làm một việc gì: “Xin cho con ý thức sinh lợi cho Nước Chúa thay vì tìm kiếm vinh dự và quyền lợi của con.”

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.


09/10/17 THỨ HAI TUẦN 27 TN
Th. Đi-ô-ni-xi-ô, giám mục và các bạn, tử đạo
Lc 10,25-37

 

hãy đi và làm như vậy

“Một người Sa-ma-ri kia… cũng thấy và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu và rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi lại đặt người ấy lên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc.” (Lc 10,33-34)

Suy niệm: Có người nói tình yêu đích thực được thể hiện qua bốn phương diện: 1) sẵn lòng giúp đỡ; 2) biết xót xa trước đau khổ và 3) biết vui mừng trước hạnh phúc của người khác; cuối cùng 4) biết tha thứ. Chúa Giêsu đưa ra nhân vật người Samari như một điển hình về tình yêu đích thực đó. “Chạnh lòng thương” trước tình cảnh khốn khổ cấp bách của một người không quen biết, thay vì bỏ đi như thầy Lê-vi và thầy tư tế với những bận rộn của mình – mà ai lại không có những việc bận rộn cơ chứ? – ông sẵn lòng bỏ công ăn việc làm của mình, lại dốc toàn lực cứu chữa người bị nạn cách tận tình. Với nghệ thuật kể chuyện tài tình, Chúa mô tả tỉ mỉ những việc làm bác ái của người Sa-ma-ri; Ngài dạy chúng ta yêu thương đích thực phải thể hiện bằng việc làm cụ thể và Ngài kết luận cũng rất cụ thể: “Hãy đi và làm như vậy.”

Mời Bạn: Phải chăng bạn hay đưa ra những lời chống chế “tại, bị, vì, nhưng, nếu…” để không làm những việc bác ái cho anh em?

Chia sẻ trong nhóm của bạn để biết ai là người thân cận đang bị quên lãng, bỏ rơi, cùng khổ đang cần trợ giúp, bênh vực, và để giúp họ cách cụ thể.

Sống Lời Chúa: Sống giản dị, đạm bạc để sẵn sàng chia sẻ với người khác khi cần thiết.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con tâm hồn quảng đại và nhạy bén biết chạnh thương trước những đau khổ của tha nhân để con sẵn sàng chia sẻ với họ bằng một tình yêu đích thực.


10/10/17 thứ ba tuần 27 tn
Lc 10,38-42

 

chọn phần tốt nhất

“Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị lấy đi.” (Lc 10,42)

Suy niệm: Cuộc sống con người đầy ắp những lựa chọn. Có những cái người khác chọn cho mình như chọn hoa hậu, chọn ca sĩ, chọn cầu thủ xuất sắc v.v…; có những cái chính mình phải tự chọn lấy, nhất là những chọn lựa ảnh hưởng đến cả cuộc sống như chọn ngành học, chọn nghề nghiệp, chọn công việc, chọn vợ, chọn chồng,v.v… Những chọn lựa càng mang tính cơ bản cho cuộc sống lại càng quan trọng, bởi nếu chọn sai là có khi hỏng cả một đời người. Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta điều chọn lựa cơ bản ấy: chọn phần tốt nhất là chọn cho mình cuộc sống vĩnh cửu. Chị em Mác-ta và Ma-ri-a đã đón tiếp Chúa Giê-su và phục vụ Ngài tận tình. Thế nhưng đừng quên rằng việc phục vụ nào cuối cùng cũng phải dẫn chúng ta đến ngồi bên chân Chúa và nghe Lời Ngài dạy; đó mới là chọn lựa tốt nhất.

Mời Bạn: Sau một thời gian xả thân trong việc tông đồ, có khi bạn cảm thấy khủng hoảng vì nỗi trống vắng, hoặc có khi ê chề vì thất bại… Phải chăng bạn đã chọn công việc mà quên chọn Chúa? Lời Chúa nhắc bạn là một Mác-ta hoạt động cũng đừng quên dành thời gian để là một Ma-ri-a cầu nguyện; đừng tách rời hai chị em Bê-ta-ni-a trong đời sống ki-tô hữu của bạn. Bạn hãy chọn và làm điều đó cho tốt để có được phần thưởng đời đời.

Chia sẻ: Bạn đã “lý sự” thế nào khi chú trọng hoạt động mà coi nhẹ cầu nguyện?

Sống Lời Chúa: Ghi nhớ Lời Chúa: “Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị lấy mất” để luôn nhớ dành thời giờ thích đáng cho việc cầu nguyện.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết sống đời cầu nguyện để biết chọn lựa việc phải làm và luôn biết làm đẹp lòng Ngài trong cuộc sống. Amen.


11/10/17 THỨ TƯ TUẦN 27 TN
Th. Gio-an XXIII, giáo hoàng
Lc 11,1-4

 

“LẠY CHA”

“Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: ‘Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến’.” (Lc 11,2)

Suy niệm: Nhiều bạn trẻ hôm nay gọi người cha sinh ra mình là “ông già” hay “ông bô,” thay cho tiếng “cha” hay “ba” quen thuộc. Điều này cho thấy tâm tình với người cha phần nào thay đổi khi họ trưởng thành. Còn Chúa Giê-su, Ngài không bao giờ thay đổi cách xưng hô với Chúa Cha. Những khi cầu nguyện, Ngài thưa: “Abba, lạy Cha.” Khi dạy môn đệ cầu nguyện, Ngài hướng dẫn các ông gọi Thiên Chúa là “Cha.” Gọi Thiên Chúa là “Cha” là cách Chúa Giê-su bày tỏ niềm tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa. Những gì Ngài có đều do bởi Cha ban cho, và cuộc đời Ngài tùy vào ý muốn của Cha. Gọi Thiên Chúa là Cha và khẳng định mình là Con trong mọi hoàn cảnh có nghĩa là Chúa Giê-su tin tưởng và yêu mến Cha mọi lúc, mọi nơi. Để chứng minh sự quan phòng của Chúa Cha, Chúa Giê-su hỏi các môn đệ: “Khi Thầy sai anh em ra đi, không túi tiền, bao bị, giày dép, anh em có thiếu thốn gì không?” Họ đáp: “Thưa không.” Ngài sai họ đi trong niềm tín thác vào Chúa Cha, bởi vì Thiên Chúa “Cha của Thầy cũng là Cha của anh em.”

Mời Bạn: Mỗi khi gọi Thiên Chúa là Cha, bạn cũng đặt tất cả tin yêu, phó thác vào Ngài như Chúa Giê-su.

Chia sẻ: Bạn thường gán cho Chúa Cha những hình ảnh nào?

Sống Lời Chúa: Tập gọi Thiên Chúa là “Cha” trong những lúc cầu nguyện.

Cầu nguyện: Lạy Cha là Chúa trời đất, con xin dâng trọn đời con cho công trình cứu độ của Cha, như Chúa Giê-su, Con của Cha đã nêu gương cho con. Xin cho con nhận ra tình yêu Cha dành cho con mỗi ngày, ngay cả trong những lúc khó khăn gay go nhất. Amen.


12/10/17 THỨ NĂM TUẦN 27 TN
Lc 11,5-13

 

KIÊN TRÌ CẦU NGUYỆN

“Thầy bảo thật anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho.” (Lc 11,9-10)

Suy niệm: Thấy con trai đánh mất đức tin, chạy theo những đam mê, thói xấu của thời đại, thánh nữ Mô-ni-ca đã không ngừng rơi lệ và cầu xin Thiên Chúa ban ơn hoán cải cho con mình. Những giọt nước mắt, bao hy sinh âm thầm, và lời cầu nguyện của thánh nữ đã được Chúa đền đáp xứng đáng. Người con trai của bà đã trở lại, và hơn thế nữa, trở thành một vị thánh nổi danh trong Hội Thánh, đó là thánh Âu-tinh, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Tấm gương kiên trì cầu nguyện của thánh nữ minh họa rõ nét cho Lời Chúa hôm nay: “Ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho.”

Mời Bạn: Bạn đã nhiều lần cầu xin, nhưng thấy Thiên Chúa dường như thinh lặng, không nhận lời. Có thể Ngài đã ban cho bạn ơn lành khác còn tốt hơn ơn bạn xin, nhưng bạn không nhận ra. Cũng có thể do bạn chưa biết cầu xin cho đúng. Thánh Gia-cô-bê nói cho chúng ta biết: “Anh em xin không được là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc” (Gc 4,3).

Chia sẻ: Theo bạn, thế nào là lời cầu nguyện phù hợp và đúng với ý Chúa?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ tập cầu nguyện theo gương Chúa Giê-su: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha” (Lc 22, 42).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn kiên trì khi cầu nguyện. Xin cũng ban cho con luôn cầu xin cho ý Chúa được thể hiện trong mọi việc và trong đời sống của con, hơn là làm theo ý riêng con. Amen.


13/10/17 THỨ SÁU  TUẦN 27 TN
Lc 11, 15-26

 

BÍ TÍCH, NƠI GẶP GỠ CHÚA KI-TÔ

“Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông.” (Lc 11, 20)

Suy niệm: Đức Giê-su là hiện thân của Thiên Chúa trên trần gian. Ngài biểu lộ quyền năng cứu thoát và tình yêu thương của Thiên Chúa qua lời rao giảng và các phép lạ Ngài làm. Việc Chúa trừ quỷ cho thấy: Ngài đến phá đổ quyền thống trị của Sa-tan để thiết lập vương quốc của Thiên Chúa. Chúa trừ quỷ bằng quyền năng của Thiên Chúa, bằng “ngón tay của Thiên Chúa” để qua đó, người ta nhận biết Nước Thiên Chúa đang hiện diện. Trong khi đó những người Do Thái đã chối bỏ không tin vào Chúa và quyền năng của Ngài. Họ nói: Ngài dựa vào thế của tướng quỷ mà trừ quỷ. Như vậy, họ đã mất đi cơ hội gặp Chúa và lãnh ơn cứu thoát của Ngài.

Mời Bạn: Chúa Giê-su đã về trời, nhưng Ngài vẫn luôn hiện diện và tiếp tục công trình cứu rỗi trong các bí tích mà Ngài đã giao cho Hội Thánh cử hành. Các bí tích là những dấu hiệu hữu hình giúp ta tiếp xúc với Chúa không những bằng trí tuệ nhưng bằng giác quan của mình. Thánh giáo hoàng Lêô Cả đã nói: “Cái gì ta thấy nơi Chúa Giê-su, ta cũng thấy nơi các bí tích”. Trong các bí tích, ta có thể thấy “ngón tay của Thiên Chúa” đang hoạt động để thông ban ơn cứu rỗi cho ta.

Sống Lời Chúa: Tôi tham dự các bí tích với đức tin và lòng mộ mến chân thành vì tại đó tôi gặp Chúa Giê-su đang có mặt để tha thứ, chữa lành bệnh tật thiêng liêng, nuôi dưỡng giúp tôi thêm sức mạnh cho tôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa hằng luôn mong muốn đến gần chúng con, đi vào đời sống chúng con để tiếp tục thi ân giáng phúc cho chúng con. Xin cho chúng con sẵn sàng dành chỗ cho Chúa trong tâm hồn chúng con.


14/10/17 THỨ BẢY TUẦN 27 TN
Th. Ca-lít-tô I, giáo hoàng, tử đạo
Lc 11,27-28

 

LÊN TIẾNG GIỮA ĐÁM ĐÔNG

“Khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người…” (Lc 11,27)

Suy niệm: Hình dung cảnh đám đông người Do Thái vây quanh Đức Giê-su: Họ đang trầm trồ thán phục vì được chứng kiến những phép lạ phi thường và được nghe những lời giảng dạy khôn ngoan của Chúa. Các người phụ nữ mơ ước có một người con tài giỏi như Chúa. Người mẹ sinh ra Chúa thật có phúc. Vì thế, một trong số họ đã lên tiếng – và “lên tiếng giữa đám đông”. Một hành động dũng cảm, không chỉ là “một thoáng” cảm xúc, nhưng là sự bùng nổ của cõi lòng. Cõi lòng lên tiếng, vượt qua mọi sợ hãi, ái ngại của tâm lý thường tình, để có thể “lên tiếng” về cảm thức chân lý của mình – dù giữa đám đông –  nhờ đó đón nhận được mạc khải của Thiên Chúa trong Đức Giê-su. Vâng, chúng ta cần phải vượt qua tất cả – chính mình và tha nhân – để Chúa và Lời Ngài có thể “cư ngụ” giữa chúng ta.

Mời Bạn: Mẹ Ma-ri-a là người được chúc phúc, không chỉ vì Mẹ được phúc cưu mang Chúa, nhưng nhất là vì Mẹ đã cưu mang Chúa trong tâm hồn, trong mọi sự và trong suốt đời. Mẹ đáng được chúc phúc vì Mẹ chuyên tâm lắng nghe Ý Chúa và hết lòng thực hiện. Mẹ sống được như vậy nhờ vượt qua chính mình, kể cả “lên tiếng giữa đám đông” để “Chúa luôn ở cùng.” Bạn cũng là người hạnh phúc đích thực khi bạn cưu mang Chúa trong tâm hồn, để Chúa hiện diện trong cõi lòng, để tinh thần Chúa biểu lộ qua cách ăn nết ở. Bởi vì lúc đó bạn trở thành người thực sự “có liên hệ” là người anh em, bà con với Ngài.

Sống Lời Chúa: Hôm nay gia đình tôi đọc kinh Mân Côi chung sốt sắng hơn.

Cầu nguyện: Hát bài “Xin Vâng.”


15/10/17 CHÚA NHẬT TUẦN 28 TN – A
Mt 22,1-14

 

ƯU TIÊN SỐ MỘT CUỘC ĐỜI

“Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi.” (Mt 22,5)

Suy niệm: Tháng 9/2008 khi tông du nước Pháp, Đức Bê-nê-đi-tô XVI lúc đó nhận định “những giáo hội lớn – trong đó có nước Pháp – đang hấp hối.” Không hấp hối sao được khi 75% dân số là Công giáo, nhưng chỉ có 12% đi lễ hằng tuần, đa số ít khi hoặc không bao giờ tham dự thánh lễ; 62% nói rằng không tìm được an ủi hoặc sức mạnh từ tôn giáo. Chủ nghĩa tiêu thụ đã và đang làm xói mòn niềm tin Ki-tô giáo tại lục địa già nua này. Cuộc sống con người bị thu giảm thành việc hưởng thụ, và đằng sau nó là thú vui. Hạnh phúc có được nhờ thỏa mãn ước muốn: thêm tiện nghi vật chất. Chủ nghĩa tiêu thụ trở thành một thứ thần tượng, thật sự cạnh tranh với vai trò tối thượng của Đức Ki-tô trong tâm hồn người Kitô hữu.

Mời Bạn: Từ khi có nền kinh tế thị trường, chủ nghĩa tiêu thụ đã xuất hiện ở Việt Nam với tất cả sức mạnh, tuy âm thầm nhưng mạnh mẽ. Chủ nghĩa ấy cũng đang lấn sân tâm hồn bạn, giành lấy vị trí chủ tể của Chúa Ki-tô. Mỗi khi bạn đặt việc “đi thăm trại” hay “đi buôn” – nghĩa là nhiều loại ưu tiên – hơn việc tham dự Nước Trời, bạn đang dành chỗ cho chủ nghĩa tiêu thụ ấy lớn lên.

Chia sẻ: Ưu tiên lớn nhất của bạn là gì? Có giúp bạn đạt tới cùng đích đời bạn không?

Sống Lời Chúa: Xét lại các loại ưu tiên đời tôi và điều chỉnh để chúng có thể giúp bạn đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa mời gọi chúng con đặt hạnh phúc vĩnh cửu của Nước Trời lên trên mọi ưu tiên khác. Thế nhưng, chúng con lại đi tìm những hạnh phúc chóng qua trước mắt. Xin giúp chúng con biết qui hướng mọi sự trong đời về hạnh phúc Nước Trời.


16/10/17 THỨ HAI TUẦN 28 TN
Th. Ma-ga-ri-ta A-la-cốc, trinh nữ
Lc 11,29-32

 

HÃY SÁM HỐI

“Thế hệ này là một thế hệ gian ác, chúng xin dấu lạ nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na.” (Lc 11,29)

Suy niệm: Đức Giê-su kể lại dấu lạ ngôn sứ Giô-na ở trong bụng cá ba đêm ngày như một dấu lạ báo trước Ngài sẽ chịu khổ nạn và mai táng trong mồ, để rồi đến ngày thứ ba, Ngài phục sinh và nhờ đó, Ngài ban ơn cứu độ cho những ai tin vào Ngài. Dấu lạ Giô-na còn ở lời giảng dạy của ông cho dân thành Ni-ni-vê: dù ông chỉ miễn cưỡng thực thi lệnh truyền của Chúa nhưng việc đó đã giúp cho tất cả dân thành Ni-ni-vê ăn năn hối cải. Dấu lạ sẽ tiếp nối nếu chúng ta thành tâm để Chúa thực thi kế hoạch yêu thương của Ngài trên cuộc đời chúng ta, hầu qua chúng ta Ngài thông ban ân huệ cho những người khác.

Mời Bạn: Những công việc nhỏ bé bạn làm với tình yêu lớn lao sẽ còn mang lại kết quả lớn lao hơn. Như Mẹ Tê-rê-xa Can-cút-ta nói: “Không phải bạn làm được bao nhiêu công việc nhưng là bao nhiêu tình yêu bạn dành cho công việc.” Tình yêu Chúa sẽ thúc đẩy bạn sám hối trở về với Chúa, làm việc lành, thực thi bác ái yêu thương để không những bạn được hạnh phúc bên Chúa mà còn dẫn đưa nhiều người đến nguồn ơn cứu độ là chính Đức Giê-su, Đấng là Ngôi Lời mặc lấy xác phàm, là dấu lạ cho thế hệ này còn hơn cả dấu lạ ngôn sứ Giô-na.

Sống Lời Chúa: Sẵn sàng ra đi theo lời mời gọi của Chúa để dẫn đưa nhiều người hoán cải trở về với Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, qua cái chết và sự Phục Sinh của Chúa, Chúa dẫn đưa chúng con vào cuộc sống mới. Xin cho tâm hồn chúng con rộng mở để đón nhận Tình Yêu của Chúa với niềm tin mạnh mẽ và sẵn sàng ra đi loan báo Tin Mừng của Chúa cho mọi người. Amen.


17/10/17 THỨ BA TUẦN 28 TN
Th. I-nha-xi-ô An-ti-ô-ki-a, giám mục, tử đạo
Lc 11,37-41

 

RỬA TAY, RỬA LÒNG

“Bên ngoài chén dĩa thì các ngươi rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà.” (Lc 11,39)

Suy niệm: Con người có hai phần: nội tâm và ngoại diện. Thường và lý tưởng là bên trong lòng thế nào thì phải được thể hiện như vậy ra bên ngoài, như người ta thường nói: “Lòng đầy tràn ra miệng,” hay “Hữu ư trung xuất hình ư ngoại.” Thế nhưng, sự đời không đơn giản như thế. Nhiều lúc và nhiều nơi, người ta che giấu cái bên trong bằng dáng vẻ bên ngoài khác hẳn, như câu ca dao: “Ngoài miệng thì niệm nam mô, trong lòng thì chứa ba bồ dao găm,” hay “Giận dẫu thâm gan, miệng mỉm cười.” Tình trạng không nhất quán ấy nơi người Pha-ri-sêu bị Chúa Giê-su vạch trần qua câu chuyện rửa tay. Họ quá chú trọng đến cái bên ngoài, trong khi tâm lòng của họ “đầy những chuyện cướp bóc, gian tà”.

Mời Bạn: Người Việt ta vốn có tính sĩ diện. Điều đó dẫn đến xu hướng thích trau chuốt cái vẻ bên ngoài mà không lo tu sửa cái tâm của mình, do đó dễ rơi vào lối sống giả dối, hai mặt, hai lòng.

Chia sẻ: Sự giả dối, giả đạo đức là điều ai cũng gớm ghét, nhưng lại dễ mắc phải. Để đề phòng, bạn cần luôn luôn “phản tỉnh,” nghiêm túc xét mình, với sự soi sáng của Chúa Thánh Thần.

Sống Lời Chúa: Hôm nay, bạn hãy mời Chúa Giê-su vào quan sát lòng bạn, và xin Ngài chỉ cho bạn thấy những gì cần phải sửa đổi từ trong ra ngoài nơi bạn, để bạn thật sự là một Ki-tô hữu “xứng danh” chứ không phải “đồ dỏm.”

Cầu nguyện: Đọc kinh Đức Chúa Thánh Thần với lòng sốt sắng, nài xin ơn đổi mới, nhất là khi đọc đến câu: – “Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con”.


18/10/17 THỨ TƯ TUẦN 28 TN
Th. Lu-ca, tác giả sách Tin Mừng
Lc 10,1-9

 

SỐNG CHO CÔNG LÝ HOÀ BÌNH

“Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: ‘Bình an cho nhà này’… Vào bất cứ thành nào… hãy nói: ‘Nước Thiên Chúa đã đến gần các ông.’  ” (Lc 10,5.8-9)

Suy niệm: Khi sai 72 môn đệ đi rao giảng, Chúa Giê-su dặn dò các môn đệ phải nói hai điều: 1/ Trước khi rao giảng bất cứ điều gì, hãy cầu chúc bình an, lời cầu chúc đó luôn được Chúa đáp lời: nếu người nghe không sẵn sàng đón nhận thì chính người nói lại là người hưởng được sự bình an. 2/ Trong bất kỳ tình huống nào, dù được tiếp đón hay không, người môn đệ cũng phải loan báo “Nước Thiên Chúa đã đến gần” – tức là rao giảng “một trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị” (2 Pr 3,13). Thực không phải là việc dễ dàng, bởi vì trong một thế giới còn đầy dẫy bất công, người môn đệ Chúa thay vì được đón tiếp, lại trở thành nạn nhân của bạo quyền. Để đối lại, thay vì sử dụng thủ đoạn hay bạo lực, người môn đệ phải là sứ giả hoà bình, cư xử hiền lành với những lời cầu chúc bình an.

Mời Bạn: Được Chúa sai đi nghĩa là được mời gọi rao giảng cho công lý và hoà bình. Đó là một thách đố kép cho ơn gọi làm ki-tô hữu hôm nay, bởi vì một mặt phải làm chứng bằng cuộc sống cho công lý và hoà bình, một mặt phải sẵn sàng hứng chịu những khó khăn và bách hại. Nếu bạn cảm thấy mình giống như “chiên con đi vào giữa bầy sói” thì hãy nhớ rằng Chúa đã báo trước đó là thân phận tất yếu của những môn đệ Ngài. Ngay cả khi bạn không thể làm gì hay nói gì, bạn hãy còn một vũ khí vô địch, đó là lời cầu nguyện của bạn.

Chia sẻ: Quanh bạn, ai là người bị quên lãng, loại trừ? Họ cần sự chia sẻ gì?

Sống Lời Chúa: Bạn làm một việc hy sinh phục vụ, kết hợp với lời cầu nguyện cho công lý và hoà bình.

Cầu nguyện: Hát Kinh Hoà Bình.


19/10/17 THỨ NĂM TUẦN 28 TN
Th. Gio-an Brê-bớp, I-sa-ác Giô-gơ, tử đạo
Lc 11,47-54

 

LỜI RĂN ĐE NGHIÊM KHẮC

“Khốn cho các người!…” (Lc 11,47)

Suy niệm: Chúa Giê-su là mục tử nhân lành và mạc khải cho chúng ta về Thiên Chúa là Cha luôn thương yêu và chúc lành cho con cái mình, vậy mà sao Ngài lại dùng những lời chúc dữ thật nặng nề: Khốn cho các người”? Mà đây đâu có phải là lần duy nhất Ngài thốt lên những lời như vậy! Nào cha ông ta đã chẳng nói: “Yêu cho roi cho vọt” sao? Nói như vậy không có ý cho rằng Thiên Chúa giống như một người cha thích hành hạ, làm khổ nhục con cái để thoả mãn cơn nóng giận của mình. Trước sứ điệp Tin Mừng, các kinh sư và biệt phái vẫn giả hình và cứng lòng tới mức khó lòng hoán cải. Đau lòng, nhưng Chúa muốn chỉ ra cho họ biết, tự thâm tâm, họ đồng lõa với sự ác, đi theo vết xe đổ của cha ông, chứ không chỉ là lỗi lầm nhất thời. Những lời chúc dữ có nặng nề thật đấy, nhưng Ngài chỉ ra cho họ một viễn tượng, và mời gọi tự nguyện hoán cải. Và nhất là Ngài đã chấp nhận trở thành “đồ bị chúc dữ” khi chịu chết trên thập giá để hoá giải chính lời chúc dữ. Qua con đường đó, phải chăng đã chẳng có những biệt phái và kinh sư hoán cải trở thành môn đệ Ngài như Ni-cô-đê-mô, Giu-se A-ri-ma-thi-a, Phao-lô… sao?

Mời Bạn: Khi một biến cố đau thương xảy đến trong đời bạn, bạn có coi đó như một lời răn đe nghiêm khắc của Chúa trước sự cứng lòng của bạn, của người thân, của nhân loại không?

Chia sẻ: Bạn noi gương Chúa thế nào trong việc răn dạy những người mà bạn có trách nhiệm khi họ sai lỗi?

Sống Lời Chúa: Chiêm ngắm Chúa chịu chết trên thánh giá và xin ơn đừng cứng lòng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con muốn chiêm ngắm Chúa chịu đóng đinh để con hoán cải và giúp tha nhân hoán cải.


20/10/17 THỨ SÁU TUẦN 28 TN
Lc 12,1-7

 

ĐIỀU GÌ ĐÁNG SỢ NHẤT?

“Anh em đừng sợ những kẻ chỉ giết thân xác mà sau đó không làm gì được nữa, Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai. Hãy sợ Đấng đã giết rồi lại có quyền ném vào hoả ngục.” (Lc 12,4-5)

Suy niệm: “Bình an cho anh em”, đó là món quà mà Chúa Giê-su đã trao ban cho nhân loại sau khi Ngài từ cõi chết sống lại. 2000 năm qua, nhân loại càng cần món quà đó hơn nữa bởi vì xã hội văn minh và hiện đại không đem lại sự bình an đích thực, mà còn phát sinh những lo lắng mới: khủng bố, chiến tranh, thực phẩm chứa hoá chất độc hại sợ những “chứng bệnh thời đại”, sợ thất nghiệp, sợ mất địa vị, sợ thù oán… và trăm ngàn nỗi sợ hãi không tên khác trong cuộc sống. Lời Chúa hôm nay như đuốc sáng soi dẫn chúng ta bước đi trong cái nhìn của Đức Tin trưởng thành, giúp chúng ta xác định đâu là điều mà chúng ta phải sợ nhất: Đau khổ, bệnh tật và cả cái chết, không phải là điều đáng sợ cho bằng việc chúng ta đắm chìm trong tội lỗi, việc chúng ta sống rời xa tình yêu Thiên Chúa.

Mời Bạn: Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta phải chạm trán với những nỗi sợ hãi từ ngoại cảnh đến nội tâm, những tác động bên ngoài của hoàn cảnh môi trường – con người, cũng như những yếu đuối từ chính bản thân. Mời bạn nhìn lại chính mình để biết đâu là điều khiến cho bạn lo lắng và sợ hãi nhất và cách nào giúp bạn tìm được sự bình an.

Sống Lời Chúa: Trong mỗi công việc, suy nghĩ và hành động. Luôn tự đặt câu hỏi với chính mình: Điều này có thực sự đem lại cho tôi sự bình an và làm vui lòng Chúa không?

Cầu nguyện: Xin cho con luôn SỐNG TRONG CHÚA, để cùng với Ngài con vẫn luôn bình tâm và hạnh phúc giữa bể đời nay thử thách và sóng gió. Amen.


21/10/17 THỨ BẢY TUẦN 28 TN
Lc 12,8-12

 

LÀM CHỨNG CHO TIN MỪNG

“Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.” (Lc 12,8)

Suy niệm: Rao giảng Tin Mừng luôn tiềm ẩn những nguy cơ cho người rao giảng, vì Tin Mừng đụng chạm tới những vấn đề tế nhị trong cuộc sống. Do hiểu lầm hoặc do lợi ích mang tính trần thế, người ta sẵn sàng loại bỏ, tiêu diệt, xóa sổ những kẻ loan báo Tin Mừng bình an và hy vọng. Số phận bi hùng ấy của người môn đệ đã được Chúa Giê-su báo trước: “môn đệ không hơn Thầy,” được chung số phận với Thầy là vinh dự rồi. Bù lại, Chúa Giê-su hứa cho các môn đệ phần thưởng xứng đáng là cuối cùng, họ sẽ được thấy Chúa tỏ tường, được Ngài công nhận trước mặt Cha Ngài, được đồng bàn với Ngài trong Nước Trời vinh hiển. Lời Chúa phán là chứng từ bảo đảm cho tương lai của môn đệ.

Mời Bạn: Lơ là với việc loan báo Tin Mừng có thể phát xuất từ chỗ bạn chưa xác tín được bản chất của người môn đệ Chúa Ki-tô. Môn đệ Chúa Ki-tô là người bước theo Ngài, học với Ngài, làm theo lời Ngài dạy, nhất là mệnh lệnh “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Một khi đã xác tín, bạn có đủ can đảm chấp nhận hay không?

Sống Lời Chúa: Ta cảm phục các môn đệ đang bôn ba khắp thế giới, chấp nhận thử thách để hiện diện nơi vùng sâu, vùng ngoại vi xa xôi. Ước gì thao thức của ta sẽ biến thành hành động thực tế trong việc loan báo Tin Mừng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin biến chúng con thành những nhân chứng của Tin mừng, vì hạnh phúc của bản thân và của anh chị em đồng loại. Đó cũng là khát vọng Chúa đặt nơi mỗi Ki-tô hữu chúng con hôm nay. Amen.


22/10/17 CHÚA NHẬT TUẦN 30 TN – A
Khánh Nhật Truyền Giáo
Mt 22,15-21

 

MUỐN TRUYỀN GIÁO PHẢI RA ĐI

“Những người Pha-ri-sêu… sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hê-rô-đê đến nói với Đức Giê-su rằng: “Xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?” (Mt 22,15-17)

Suy niệm:Có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?” là câu hỏi được đặt ra để bẫy Đức Giê-su. Không chỉ nhóm Pha-ri-sêu, phe Hê-rô-đê mà cả phái Xa-đốc cũng giăng bẫy để hại Ngài, như trường hợp họ chất vấn Ngài về người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình (Ga 8,1-11), hay câu hỏi “Có được phép rẫy vợ vì bất cứ lý do gì không?” (Mt 19,3)… Mặc dù những “đối thủ” luôn tìm cách gây hại, nhưng Đức Giê-su vẫn tỏ ra kiên nhẫn, và không e ngại tiếp xúc với họ, thậm chí còn tìm đến để đồng bàn (Lc 7,36-50; Lc 11,37-41…). Đúng như những gì họ nhận định về Ngài: “Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta” (c. 16).

Mời Bạn: Chúa Giê-su chẳng ngại đi bất cứ nơi đâu, kể cả những nơi  – theo tâm lý bình thường – người ta muốn né tránh như nhà người tội lỗi, gặp gỡ những kẻ chống đối hoặc tiếp xúc với những người mang bệnh truyền nhiễm… Ý thức vai trò người môn đệ Chúa Ki-tô, Đức giáo hoàng Phan-xi-cô, trong Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo, đã khuyến cáo chúng ta: “đi ra khỏi vùng an toàn của mình để đến tất cả các vùng ngoại vi đang cần ánh sáng Tin Mừng” (EG, 20).

Sống Lời Chúa: Mạnh dạn theo tiếng gọi của Chúa Thánh Thần để đến những nơi Ngài muốn ta xuất hiện.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, nầy con đây, xin hãy sai con. Amen.


23/10/17 THỨ HAI TUẦN 29 TN
Th. Gio-an Ca-pét-ra-nô, linh mục
Lc 12,13-21.

 

LÀM GIÀU TRƯỚC THIÊN CHÚA

“Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam.” (Lc 12,15)

Suy niệm: Chuck Feeney, tỉ phú người Mỹ, từ nhỏ đã chăm chỉ làm việc, từ những việc tầm thường cho đến khi trở thành một doanh nhân thành đạt, với phương châm “sống để làm việc chớ không phải để làm giàu”. Dù giàu có nhưng ông có lối sống thanh đạm và dạy con cách nghiêm khắc, để chúng tự làm việc chứ không cậy dựa vào của cải của cha mẹ. Với khát vọng “cho đi khi còn đang sống”, ông âm thầm cho đi toàn bộ tài sản của mình ước tính lên tới tám tỉ đô la cho các dự án y tế và giáo dục tại Mỹ, Úc, Nam Phi, Việt Nam… Ông nói “chiếc vải liệm không có túi”“chỗ Thượng Đế ở không có ngân hàng, mỗi người đều trần trụi sinh ra, cuối cùng cũng đơn độc ra đi, không ai có thể mang theo tài phú và danh tiếng mà bản thân đã đau khổ tìm kiếm cả đời”.

Mời Bạn: Con người được sinh ra với mục đích tối thượng là để tôn vinh Thiên Chúa, còn mọi tạo vật khác được ban cho để vì mục đích ấy mà thôi. Chúng ta được mời gọi biết sử dụng đúng những tạo vật được ban cho (tiền bạc, sức khỏe, kiến thức, các quan hệ…) vì mục đích cuối cùng của đời mình; biết dùng những “của cải” ấy mà “làm giàu” nhân đức trước mặt Chúa và vì Ơn Cứu rỗi của chính mình.

Chia sẻ: Chia sẻ một kinh nghiệm hay một nguy cơ thấy được, về lòng tham của cải có thể đánh mất đức tin như thế nào.

Sống Lời Chúa: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6,24).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết tránh xa mọi cám dỗ của lòng tham, biết thao thức tìm kiếm Chúa trên hết và biết sống phó thác nơi Chúa. Amen.


24/10/17 THỨ BA TUẦN 29 TN
Th. An-tôn Ma-ri-a Cla-rét, giám mục
Lc 12,35-38

 

MẾN CHÚA TRÊN HẾT MỌI SỰ

“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay.” (Lc 12,35-36)

Suy niệm: Được mời gọi luôn tỉnh thức chờ Chúa đến, chúng ta đáp lại bằng thái độ sống đạo sốt sắng. Cung cách sống đạo ấy được diễn tả qua một hình ảnh cụ thể “thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn.” Với bao lo toan của cuộc sống hiện đại, chúng ta dễ bị cuốn hút theo nhịp sống đời thường, dễ phân vân trước chọn lựa theo con người tự nhiên hay tinh thần siêu nhiên, hơn – thiệt, được – mất khi theo Chúa.  Bề ngoài có thể ta vẫn sống đạo tốt đấy, nhưng kỳ thực chưa chắc tận đáy lòng “mến Chúa trên hết mọi sự.” Vì thế, “thức tỉnh” là thái độ cần thiết để hình thành thói quen ưu tiên cho Thiên Chúa trong các chọn lựa, ngõ hầu giữa trăm mối bận tâm của cuộc sống, chúng ta vẫn luôn thuộc về Chúa, chung hưởng niềm vui với Ngài.

Mời Bạn: Quyết tâm yêu Chúa không chỉ đưa bạn đến nhà thờ, mà còn dắt bạn đến với những thách đố trong đời thường, nơi đó bạn được tự do chọn lựa. Liệu bạn có can đảm để khước từ những gì ngược với lòng mến Chúa trên hết mọi sự không?

Chia sẻ: Chẳng ai biết được chữ “ngờ,” vậy khi có điều bất ngờ xảy đến, bạn phản ứng thế nào? Buồn? Vui? Lo lắng, bất an hay bình an, phó thác?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tâm niệm nhiều lần lời nguyện tắt: “Lạy Chúa, Chúa là gia nghiệp đời con, toàn thân con thuộc trọn về Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, giữa thế sự thăng trầm, xin cho con luôn biết can đảm chọn Chúa, để con mãi là người bạn trung thành của Chúa như Chúa đã trung thành với con. Amen.


25/10/17 THỨ TƯ TUẦN 29 TN
Lc 12,39-48

 

SỐNG DƯỚI CÁI NHÌN CỦA CHÚA

“Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: ‘Còn lâu ông chủ mới về’ thế rồi hắn bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa. Chủ hắn sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, ông sẽ tống cổ hắn đi, bắt chung số phận với những tên phản bội.” (Lc 12,39-48)

Suy niệm: Câu tục ngữ “Vắng chủ nhà, gà mọc đuôi tôm” áp dụng thật đúng vào hạng đầy tớ giả hình mà Đức Giê-su nói ở đây. Lợi dụng sự tín nhiệm của chủ, cây vào quyền thế, sống bê tha truỵ lạc và hà hiếp áp bức đồng loại: chân dung tên đầy tớ bất lương ấy tưởng rằng chỉ có trong dụ ngôn, sao lại giống hệt với đời thường đến thế! Trong thế giới hiện nay, Thiên Chúa dường như đi vắng trước những người xưng mình là “đầy tớ” nhưng lại thị oai tác quái với “chủ” của mình. Chỉ là quản lý mà lại tiếm quyền, tự tung tự tác với những tài sản của chủ mình, thế mà Chúa vẫn lặng im trước những con người như thế. Những điều Chúa Giê-su mô tả không ngờ lại mang tính hiện thực xã hội cao như vậy.

Mời Bạn: Bạn nhớ, ở đây, sự giả dối, tính hưởng thụ ích kỷ và cách cư xử tàn nhẫn đối với tha nhân đồng nghĩa với phản bội: “Chủ sẽ bắt hắn chung số phận với những tên phản bội.” Và cũng nhớ rằng Chúa không bao giờ đi vắng, nhưng luôn hiện diện trong cuộc đời bạn. Ý thức như thế bạn sẽ trưởng thành để luôn sống dưới cái nhìn yêu thương của Chúa và cư xử nhân ái với đồng loại.

Sống Lời Chúa: Luôn dâng lên Chúa một lời nguyện tắt trước mỗi công việc để ý thức Ngài đang hiện diện.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa vẫn luôn hiện diện và đồng hành trong cuộc sống của chúng con. Xin giúp chúng con luôn ý thức điều đó để chúng con biết sống trưởng thành dưới cái nhìn yêu thương của Chúa.


26/10/17 THỨ NĂM TUẦN 31 TN
Lc 12,49-53

 

LỬA THÁNH THẦN

“Thầy đã ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12,49)

Suy niệm: Thánh Ghê-gô-ri-ô Cả chú giải rằng “lửa” mà tác giả Lu-ca nói ở đây là chính Chúa Thánh Thần. Lửa Thánh Thần ấy được Đức Giê-su mang xuống trần gian và mong ước lửa tình yêu ấy bùng cháy lên nơi tâm hồn mỗi người. Lửa Thánh Thần ấy được ban xuống trên các tông đồ trong ngày lễ Ngũ tuần; lửa nhiệt thành thúc đẩy các ông ra khỏi phòng hội, bước ra với thế giới, đến với muôn dân, loan báo Tin mừng Nước Trời. Lửa ấy sưởi ấm tâm hồn hai môn đệ trên đường Em-mau, đưa các ông ra khỏi sự thất vọng, trở về với cộng đoàn anh em. Ta cũng đã đón nhận lửa Thánh Thần ấy trong bí tích Thánh Tẩy, và được lãnh nhận trọn vẹn qua bí tích Thêm Sức.

Mời Bạn: Vũ khí mạnh nhất trên mặt đất là tâm hồn con người đang rực cháy. Bạn đã được ban cho thứ lửa mạnh mẽ ấy rồi, vấn đề là bạn làm gì để lửa ấy bùng cháy lên trong quả tim bạn. Khi đi theo Chúa, bạn phải sống đức tin với tất cả lòng nhiệt thành của mình, chứ không phải chỉ là Ki-tô hữu trên danh nghĩa. Là Ki-tô hữu ngày Chúa Nhật lẫn ngày thường, trong nhà thờ và cả ngoài phố chợ, trong lời kinh Tin Kính lẫn sống lời kinh tuyên xưng ấy.

Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm trung thành sống tốt, làm chứng cho Chúa Giê-su qua đời sống quảng đại, yêu thương, thông cảm, tha thứ với người lân cận, để ngọn lửa mến Chúa yêu người được cháy mãi trong tim.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin đốt sáng ngọn lửa Thánh Thần tình yêu Chúa trong con, để con luôn kiến tạo bình an, hiệp nhất và yêu thương trong môi trường con đang sống. Amen.


27/10/17 THỨ SÁU TUẦN 29 TN
Lc 12,54-59

 

BIẾT PHÂN ĐỊNH CÁC DẤU CHỈ

“Sao các ngươi không tự mình xét xem cái gì là phải.” (Lc 12,57)

Suy niệm: Dấu chỉ đầu tiên và cơ bản của sự khôn ngoan là biết phân biệt phải / trái, thiện / ác. Khi nhận biết điều phải, ta mới có thể chọn hướng đi đúng; ngược lại, ta sẽ đi sai đường.  Trên bình diện tôn giáo, chọn đi theo Chúa là đúng đắn, nhưng còn phải nhạy bén nhận ra thánh ý Ngài muốn nói với ta qua các dấu chỉ của thời đại. Đây là một thách đố không nhỏ, có thể vì ta thiếu bén nhạy, không quan tâm, nên chẳng “đọc” được ý nghĩa của các dấu chỉ ấy. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su trách người Do Thái, vì họ nhanh nhẹn nhận ra những dấu hiệu của thời tiết, nhưng lại thiếu bén nhạy trước những dấu chỉ Nước Trời đang được thực hiện giữa họ. Nếu họ biết phân định những vấn đề đức tin tựa như am hiểu của họ về thời tiết, thì họ đã không để hụt mất ơn cứu độ.

Mời Bạn: Bạn có thể rất rành về các kiến thức của đời sống, nhưng lại mù mờ về phương cách thực hành đức tin thời đại hôm nay. Bạn có thể rất giỏi sử dụng các máy móc hiện đại, nhưng lại vụng về trong các mối tương quan với Chúa và với người khác. Bạn có thể rất quan tâm đến hàng hiệu, đồ dùng thời thượng, nhưng lại thiếu nhạy bén trước nỗi khổ của người lân cận. Sao bạn không tự xét xem cái gì là cốt lõi của cuộc đời để đầu tư vào điều cốt lõi ấy?

Sống Lời Chúa: Dự báo thời tiết cần cho sinh hoạt hằng ngày thế nào thì những cảnh báo của Chúa cũng cần thiết cho đời sống đức tin như vậy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết dùng ơn khôn ngoan của Thánh Thần con lãnh nhận trong bí tích Thêm Sức để nhận ra các dấu chỉ. Amen.


28/10/17 THỨ BẢY TUẦN 29 TN
Th. Si-mon và Giu-đa, tông đồ
Lc 6,12-19

 

HAI NHỊP ĐẬP CỦA TRÁI TIM
TÔNG ĐỒ

Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện và đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. (Lc 6,12-13)

Suy niệm: Trong cơ thể con người có một bộ phận hoạt động liên lỉ từ khi thụ thai cho tới khi lìa đời, đó là trái tim. Dẻo dai như vậy, nhưng để vận chuyển máu đi khắp cơ thể, hoạt động của nó thật đơn giản chỉ có hai nhịp: bóp vào và mở ra. Các sách Tin Mừng cho biết cuộc sống của Chúa Giêsu cũng diễn ra trong hai nhịp như vậy: cầu nguyện và hoạt động; đan cử một ví dụ: Ngài đã cầu nguyện suốt đêm trước khi chọn 12 Tông Đồ. Và khi chọn các ông, Chúa Giêsu muốn họ chu toàn một cuộc sống gồm hai nhịp: ở lại với Chúa và ra đi loan báo Tin Mừng. Các động từ “ở lại”, “ở trong,” “đi theo” được các thánh sử dùng nhiều lần để diễn tả mối hiệp thông mà các Tông Đồ phải có với Chúa Giê-su như mối thông hiệp Ngài có với Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài, sự hiệp thông cần thiết đến mức trở nên ưu tiên hơn mọi hoạt động của Ngài. Mặt khác, “tông đồ” nghĩa là “người được sai đi”, tham dự vào sứ mạng cứu độ của Chúa Giêsu. Ở lại với Chúa và ra đi loan báo Tin Mừng là hai nhịp của trái tim Tông Đồ, cần thiết và không thể tách rời.

Mời Bạn: Đời sống tông đồ của bạn vẫn đều đặn hai nhịp đập đấy chứ?

Chia sẻ: Bạn có cho là tốn giờ vô ích khi dành thời giờ cầu nguyện trước khi làm một công tác tông đồ không?

Sống Lời Chúa: Thăm một gia đình gặp khó khăn và cầu nguyện cho họ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa chọn gọi con tham dự vào sứ mạng của Chúa. Xin cho con biết ở lại trong Chúa và đam mê chia sẻ niềm vui này cho tha nhân.


29/10/17 CHÚA NHẬT TUẦN 30 TN – A
Mt 22,34-40

 

CHỈ MỘT GIỚI RĂN YÊU THƯƠNG

Chúa Giê-su đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” (Mt 22,37-39)

Suy niệm: Nếu đã tin Đức Chúa là Thiên Chúa thì cũng dễ chấp nhận rằng yêu mến Người trên hết mọi sự là điều phải lẽ. Mặt khác, đạo lý “thương người như thể thương thân” không xa lạ gì với đạo làm người, cách riêng đối với dân tộc Việt Nam. Chúa Giê-su cũng dạy như thế. Nhưng điểm đặc biệt nơi giáo huấn của Ngài là Ngài đã nhập hai điều răn ấy thành một: hễ mến Chúa thì cũng phải yêu người, nếu không chỉ là nói dối (x. 1 Ga 4,20-21).

Mời Bạn: Phải chăng, để làm môn đệ chân chính của Thầy Giê-su, đây là thách đố lớn nhất cho chúng ta? Làm sao có thể nhìn thấy Chúa nơi người khác để yêu thương khi họ thật khó thương? Khi họ đang gây ra cho mình biết bao điều khó chịu? Khi họ khinh bỉ, cư xử lạnh nhạt với mình? Khi họ vu khống, mạ lỵ, áp bức mình cách bất công? Bạn ơi, bí quyết để yêu người như chính mìnhyêu người như Chúa yêu ta: Nếu như Chúa Cha yêu thương chúng ta khi Ngài nhìn chúng ta qua khuôn mặt Người Con Chí Ái chịu khổ nạn, thì chúng ta cũng phải nhìn người khác để yêu thương họ nơi dung mạo đau khổ của Đức Kitô chịu đóng đinh.

Sống Lời Chúa: Tìm ra một điểm đáng yêu, một lý do để yêu thương nơi người mà bạn cảm thấy khó thương nhất.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su đáng mến, trên thập giá, Chúa đã tiêu diệt sự thù ghét. Xin cho con biết yêu thương mọi người ngay cả kẻ thù khi con chiêm ngắm Chúa chịu đóng đinh vì yêu họ.


30/10/17 THỨ HAI TUẦN 30 TN
Lc 13,10-17

 

GIẢI THOÁT KHỎI LỐI MÒN

Đức Giê-su bảo: “Này bà, bà được giải thoát khỏi tật nguyền.” (Lc 13,12)

Suy niệm: Cử toạ ngày ấy quá quen với hình ảnh người phụ nữ còng lưng lom khom đến hội đường tham dự nghi thức ngày Sa-bát. Họ đâu nghĩ rằng mười tám năm bị bệnh còng lưng là mười tám năm người phụ nữ ấy không thể đứng thẳng, cũng như ngần ấy năm không thể nhìn thấy cả bầu trời bao la như người khác. Đức Giê-su thấu cảm được nỗi đau của bà đến độ coi căn bệnh còng lưng ấy như xiềng xích Xa-tan trói buộc bà, và Ngài phải giải thoát bà ngay lập tức, không để bà bị đau khổ thêm một phút nào. Có thể ta quen nhìn thấy những người bệnh lâu năm như một chuyện bình thường; quen nhìn người lơ là, bỏ đạo như hình ảnh quen thuộc; quen nhìn người nghèo chung quanh như điều phải có trong cuộc sống. Mẫu gương của Đức Giê-su phải thúc đẩy ta ra khỏi lối mòn quen thuộc của mình.

Mời Bạn: “Sợi xích trói buộc ta nhất là sợi xích ít đè nặng trên ta nhất” (S. Swetchine). Những sợi xích như tính ích kỷ, thói hưởng thụ, lòng tham lam, tham vọng… đang trói buộc bạn, không cho bạn đứng thẳng trong cuộc đời. Những sợi xích ấy quá thân thiết với bạn, khiến bạn không còn coi là xích xiềng nữa. Còn chần chừ gì nữa, hãy nhờ Chúa Giê-su giải thoát bạn!

Sống Lời Chúa: Tập nhận ra thói xấu của mình không phải là bình thường, và nỗi đau của người khác không phải là quen thuộc, để tích cực thay đổi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa luôn chạnh lòng thương khi thấy nỗi đau của người khác. Xin cho con có được trái tim nhạy cảm của Chúa, luôn biết rung động trước đau khổ của người lân cận, dù người ấy là người thân hay người không thân. Amen.


31/10/11 THỨ BA TUẦN 30 TN
Lc 13,18-21

 

LÀ MEN CHO CẢ KHỐI BỘT

“Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia vùi vào ba đấu bột cho đến khi tất cả bột dậy men.” (Lc 13,21)

Suy niệm: Theo cha N. Guillemette, ba đấu bột tương đương 25 ký bột, đủ làm bánh cho 100 người ăn no. Vậy mà khối lượng bột to lớn ấy nở ra để trở thành bánh thơm ngon chỉ nhờ một nắm men nhỏ được người đàn bà trộn đều vào khối bột. Để khối bột dậy men, cần phải có thời gian. Đời người Ki-tô hữu khác gì nắm men: tuy ít về số lượng nhưng vẫn có thể ảnh hưởng lớn lao đến “khối bột” của tập thể mình sống như công ty, trường học, khu xóm; tuy hiện diện âm thầm nhưng vẫn có thể được nhận biết nhờ tác động của “men Ki-tô” như quảng đại, sẵn sàng, hy sinh, quên mình… Sức tác động ấy không diễn ra trong một sớm một chiều, nhưng âm thầm, lặng lẽ qua chiều dài của thời gian năm tháng.

Mời Bạn: “Lòng nhiệt thành là men với khối bột” (J. Meyers). Bản chất của bạn là “men Ki-tô hữu” nhưng men ấy chỉ phát huy tác dụng nếu bạn có lòng nhiệt thành. Nhiệt thành trong việc xây dựng Nước Trời trong môi trường sống, làm việc của bạn. Nhiệt thành giới thiệu khuôn mặt Chúa Ki-tô cho người lân cận. Nhiệt thành làm cho các Ki-tô hữu sống đạo tích cực hơn.

Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm bỏ lối giữ đạo tiêu cực, cảm thấy đi lễ ngày Chúa nhật là đủ. Tôi nỗ lực sống đạo tích cực, nhiệt thành trong các công tác tông đồ giáo dân trong giáo xứ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con cảm thấy mình quá nhỏ bé trước khối lượng to lớn những người chưa biết Chúa chung quanh con. Xin cho Lời Chúa dạy hôm nay đem lại cho con cái nhìn lạc quan, tin tưởng về vai trò “men” của mình. Amen.