Lịch sử các thánh Kitô giáo

0
30

LỊCH SỬ CÁC THÁNH KITÔ GIÁO

Tác giả không có tham vọng thuật lại cuộc đời của tất cả các thánh nhân Kitô giáo, nhưng chỉ muốn theo dõi sự tiến triển trong quan niệm của các Kitô hữu về thánh nhân trải qua lịch sử, đặc biệt là qua những lối trình bày các khuôn mẫu nếp sống cũng như những cách thức diễn tả lòng tôn kính đối với các thánh. Bài này tóm lại cuốn sách Storia della santità nel cristianesimo occidentale do một nhóm giáo sư đại học Italia biên soạn, được chia làm 6 giai đoạn. Ở mỗi giai đoạn, tác giả tập trung vào hai đề tài: 1/ Các nhân vật (những khuôn mẫu điển hình của các vị). 2/ Các chứng tích (những hình thức diễn tả cuộc đời các thánh).

I/.NHỮNG THẾ KỶ ĐẦU TIÊN

Tân Ước không nhắc đến việc tôn kính các thánh, khi mà tất cả các Kitô hữu đều được gọi là “thánh”. Sang thế kỷ II, giữa những cơn bách hại, giám mục Inhaxiô đề cao tấm gương đặc biệt của những tín hữu dám hy sinh cuộc sống để làm chứng cho đức tin, theo gương Chúa Kitô. Sang thế kỷ III, các “chứng nhân” không chỉ được cộng đoàn tưởng nhớ mà còn trở thành những người chuyển cầu cho các tín hữu. Sau khi Hội thánh được tự do hành đạo, bên cạnh việc tôn kính các thánh “chứng nhân” (martyres) xuất hiện thêm những thánh “tuyên tín” (confessores): những nhà khổ hạnh, đan sĩ, giám mục. Việc tôn kính các thánh cũng phát sinh thể văn viết hạnh tích các thánh.

A/.Các nhân vật

Tiếp nhận từ truyền thống Cựu Ước, Tân Ước áp dụng tính từ “thánh” (hagios) cho Thiên Chúa (Xh 19,6; Ga 17,11; Kh 15,4) cũng như cho Đức Kitô “Đấng thánh của Thiên Chúa” (Lc 1,35; 4,34; Ga 6,69) và cho “Thần Khí thánh” (Lc 3,22; 10,21). Qua Thần Khí Thánh, Chúa Kitô cũng thánh hóa các tín hữu nhờ đức tin và phép rửa. Cộng đoàn các tín hữu họp thành Dân thánh của Thiên Chúa (1Cr 3,16-17; x. Ep 2,22). Không lạ gì mà thánh Phaolô đã gọi các Kitô hữu là các “thánh” (Rm 8,27; 1Cr 6,1-3; Ep 1,15). Tuy vậy, điều này không ngăn cản việc nhìn nhận một vài người đã đạt đến lý tưởng thánh thiện cách đặc biệt vì họ đã họa lại hành động hy sinh mạng sống giống như Đức Kitô.

Trong những thế kỷ đầu tiên, khuôn mẫu đầu tiên là các thánh tử đạo, rồi từ thế kỷ IV, lần lượt xuất hiện các khuôn mẫu “tuyên tín”: đan sĩ, giám mục.

  1. Các chứng nhân và tử vì đạo

Khi vừa mới ra đời, cộng đồng các Kitô hữu đã gặp phải sự chống đối của những người sống xung quanh họ, và chính những người lãnh đạo cũng bị cầm tù. Tuy nhiên, những cuộc bách hại không bị coi như sự thất bại nhưng là cơ hội tham dự vào cái chết của Đức Giêsu. Cái chết của ông Stêphanô được kể lại với nét tương tự như cuộc tử nạn của Đức Giêsu (Cv 7,57-60 = Lc 23,34.48). Giám mục Inhaxiô van nài các tín hữu Rôma đừng ngăn cản mình bắt chước (imitatio) cuộc khổ nạn của Đức Giêsu để xứng đáng làm môn đệ Người.

Những cuộc bách hại về phía nhà cầm quyền đế quốc Rôma thường được coi như bắt đầu từ hoàng đế Nero và kéo dài cho đến đầu thế kỷ thứ IV, tuy mức độ khốc liệt không đồng đều theo không gian và thời gian. Các Kitô hữu được tự do hành đạo với thông tư năm 313 của hoàng đế Constantinô, mặc dù trên thực tế các cuộc bách hại vẫn tiếp diễn ở mạn Đông của Đế quốc, và tiếp tục dưới thời hoàng đế Giulianô (361-363).

Từ thế kỷ II, cái chết của những người hy sinh mạng sống để làm chứng cho đức tin được gọi là “tử vì đạo” (martyrium, theo nguồn gốc Hy-lạp có nghĩa là việc “làm chứng”, một danh từ thuộc ngôn ngữ pháp đình). Thực ra, dưới khía cạnh chuyên môn, người ta phân biệt hai cấp độ chứng nhân: martyres dành cho những người đã tuyên xưng đức tin và bị giết; confessores cũng là những người tuyên xưng, chịu cảnh tù tội, nhưng không bị giết.

  1. Các người tuyên tín (confessores)

Các thánh tử đạo được trình bày như khuôn mẫu của việc làm môn đệ Chúa Kitô. Họ được kính nhớ vào ngày bị trảm quyết, được xem như ngày sinh vào nước trời (dies natalis). Chứng tá của họ được kể lại để nâng đỡ tinh thần cho các tín hữu.

Sau thời kỳ bách hại, tấm gương của các vị tử đạo được duy trì không chỉ ở mức tột đỉnh của việc hy sinh mạng sống, mà còn qua việc thực hành các nhân đức nữa. Những người này cũng đáng gọi là “chứng nhân” về tinh thần, và mang một tên chung là “tuyên tín”. Trên thực tế, người ta có thể phân biệt nhiều hàng ngũ khác nhau: ẩn sĩ, đan sĩ, giám mục.

a) Các ẩn sĩ và đan sĩ

Hình thức ẩn sĩ và đan sĩ được nói đến kể từ giữa thế kỷ III. Họ rút lui khỏi nếp sống xã hội, để hiến thân trọn vẹn cho Thiên Chúa, qua việc khổ chế thân xác để chế ngự các dục tình (bị coi như là các cám dỗ của ma quỷ). Nói cách khác, họ cũng phải trải qua nhiều cuộc chiến đấu để trung thành với việc làm môn đệ Đức Kitô. Xuất xứ của hình thức đan tu là ở Ai-cập, và cuộc đời của thánh tổ phụ Antôn (251-335) được thánh Athanasiô kể lại, như một cuộc hành trình đi theo Chúa: từ bỏ mình (tài sản, gia đình) và hy sinh cầu nguyện. Cũng như trong cuộc đời các thánh tử đạo, Thiên Chúa đã can thiệp để giúp họ trung thành với đức tin, thì nay trong cuộc đời của các đan sĩ, Thiên Chúa cũng can thiệp để giúp họ chiến đấu chống lại ma quỷ. Những lần can thiệp của Thiên Chúa được gọi là “phép lạ”, và không phải là họa hiếm.

Nên biết là các phụ nữ cũng có mặt trong hàng ngũ đan tu, nhưng không hiện diện trong hàng giáo sĩ mà điển hình là các giám mục.

b) Các giám mục

Trong thời kỳ bách hại, nhiều giám mục đã chịu tử đạo, chẳng hạn như: Inhaxiô giám mục Antiôkia, Polycarpô giám mục Smyrna, Sixtô II giám mục Rôma, Cyprianô giám mục Cartago. Khi Giáo hội được hưởng thanh bình, các giám mục giữ vai trò lãnh đạo cộng đoàn, đặc biệt qua việc giảng dạy, điều khiển phụng vụ và truyền giáo. Cho đến cuối thế kỷ V (thánh Grêgôriô Cả qua đời năm 604), các giám mục giữ vai trò quan trọng và mang tên “những người cha của Hội thánh” (patres Ecclesiae: giáo phụ). Các ngài xứng đáng được kể vào hàng các thánh nhờ đạo lý và hoạt động mục vụ.

B/.Các chứng tích

Trên đây chúng ta đã có khái niệm về các thánh, những chứng nhân của Đức Kitô: tử đạo, đan tu, giám mục. Giáo hội đã có những tâm tình nào đối với các vị ấy?

  1. Lòng tôn kính các thánh

Có lẽ nguồn gốc của việc tôn kính các thánh bắt nguồn từ phong tục dân gian: tưởng nhớ các bậc tiền nhân, tôn vinh các anh hùng dân tộc. Vào ngày giáp năm, các vị chứng nhân bị sát hại, các tín hữu tụ họp quanh mộ để tưởng nhớ; có điều khác là các tín hữu không chỉ nhớ đến người đã khuất nhưng là mừng ngày họ được sinh về trời (natalis in caelo). Hai chi tiết nên ghi nhận: về thời gian (kỷ niệm ngày sinh về trời) và về nơi chốn (nơi an táng). Thay vì tụ họp để ăn giỗ, các tín hữu còn cử hành Thánh lễ nữa. Trong buổi tưởng niệm, người ta đọc bài tường thuật cuộc tử đạo (passio).

Từ thế kỷ III, các vị tử đạo cũng được kêu cầu như là những kẻ bầu cử: các tín hữu nhờ họ chuyển cầu để xin Thiên Chúa tha thứ tội lỗi hoặc ban ơn. Không lạ gì mà dần dần phần mộ của các ngài được xây cất thành trung tâm thờ phượng, và các cuộc hành hương được tổ chức, hoặc người ta tìm cách cải táng hài cốt về các thánh đường giáo phận hoặc giáo xứ.

  1. Thánh ký

Song song với những hành vi thờ phượng là việc biên soạn các thánh ký, dưới nhiều dạng thức và công dụng khác nhau:

a) Sử ký

Ghi lại các biến cố, sự kiện. Các học giả phân biệt nhiều loại.

– Đối với các vị tử đạo: Có những văn thể khác nhau: Acta (biên bản cuộc thẩm vấn phiên tòa, có khi do chính lục sự ghi lại) , Passio (tường thuật cuộc tử nạn, do người trong cuộc kể lại , hoặc là chia sẻ sự kiện cho các cộng đoàn ). Các Acta thường là ngắn gọn; còn Passio thì thêm vào cảm tưởng hoặc nhận định của người viết.

– Đối với nhà tu hành: Vita (tiểu sử cuộc đời). Mở đầu cho loại này là Vita sancti Antonii do thánh Athanasiô biên soạn năm 357. Một cuốn tiểu sử khác khá nổi tiếng là Vita sancti Martini (+397) do Sulpitius Severus viết khi ngài còn sống. Theo chiều hướng này, sang thế kỷ V, ta thấy xuất hiện tiểu sử của các thánh Ambrôsiô và Augustinô, những giám mục nổi danh về hoạt động giảng thuyết và cai quản.

b) Ca ngợi

Với việc tăng gia lòng tôn kính các thánh, người ta không chỉ dừng lại ở việc thuật lại cuộc đời của các ngài, nhưng còn thêm các bài giảng (sermones) ca tụng công đức các ngài vào dịp cử hành, và nhất là thêm những “phép lạ” xảy ra chung quanh cái chết của các vị tử đạo, hoặc trong cuộc đời các thánh, hoặc nhờ lời chuyển cầu của các ngài. Từ đó có thể văn “truyền kỳ” (legenda) , trong đó nhà giảng thuyết không ngại thêm thắt nhiều chuyện lạ, để kích thích lòng ngưỡng mộ của các thính giả đối với vị thánh.

c) Di tích

Ngoài các lăng mộ được cất lên để tôn kính các vị thánh, chúng ta còn phải kể đến các “ảnh tượng” (imago, icona) họa lại chân dung hoặc cuộc đời các ngài. Trong số các vị được tôn kính, sau Chúa Kitô, ta cần phải nhắc đến Đức Mẹ Maria (đặc biệt kể từ công đồng Ephêsô năm 431), các thánh tông đồ, thánh Gioan Tẩy giả.

Sau cùng, để ghi nhớ “ngày sinh” của các thánh, nhiều cuốn lịch (Calendarium) được soạn, trong đó người ta nhắc đến nơi từ trần với tóm tắt tiểu sử. Đó là nguồn gốc của các Depositio martyrium và Depositio episcoporum; từ thế kỷ V, các sách này được đổi tên là Martyrologium (Tử-đạo-thư).

II/.THỜI TIỀN TRUNG ĐẠI

Từ thế kỷ VI, bản đồ của Kitô giáo đã thay đổi về nhiều mặt. Sự phân chia giữa hai miền Đông và Tây trở nên sâu đậm hơn vì nhiều lý do không hoàn toàn thuộc lãnh vực thần học. Mạn Tây bị xâm chiếm bởi những dân tộc mới (bị bên Đông gọi là “man di”), đang khi mạn Đông bị suy yếu với cuộc xâm chiếm của đạo Islam. Cách thức tổ chức Giáo hội bên Tây cũng khác, hướng đến sự tập trung quyền bính của Tòa Giám mục Rôma. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ giới hạn vào phạm vi tôn kính các thánh, chứ không đả động đến những khía cạnh khác của đời sống Giáo hội.

Trong giai đoạn này, chúng ta thấy có những khuôn mẫu của các đan sĩ, viện phụ, giám mục nổi tiếng về đời sống khổ hạnh, bác ái, bênh vực người nghèo, thường kèm theo những phép lạ lúc sinh tiền hay sau khi qua đời.

A/.Các nhân vật

  1. Các giám mục

Vào thời này, các vị thánh giám mục không nổi bật về việc bênh vực đạo lý đức tin như thời các giáo phụ, nhưng như là những vị lãnh đạo giáo đoàn hoặc đứng đầu công cuộc truyền giáo cho dân ngoại (chẳng hạn như thánh Augustinô Canterbury bên Anh, thánh Patrixiô bên Ai-len).

  1. Các viện phụ

Bên cạnh những vị tu hành nổi tiếng về đức độ cá nhân, ta thấy xuất hiện các viện phụ, tức là các vị lãnh đạo cộng đoàn đan tu. Nhân vật được biết đến hơn cả là thánh Bênêđictô Norcia (480-546), viện phụ Montecassino, người đã để lại cho hậu thế bản tu luật (Regula). Vào thời Tiền Trung đại, luật thánh Biển đức được áp dụng cho tất cả các đan viện châu Âu do ảnh hưởng của thánh Bênêđictô Aniane (751-821), dưới thời hoàng đế Charlemagne.

  1. Các thánh thuộc hoàng tộc

Đây là một nét mới của giai đoạn này: những vị vua chúa (và hoàng hậu) được nhìn nhận là thánh nhân, nhờ cuộc đời đức hạnh cá nhân hoặc công tác xã hội, cũng như nhờ việc góp phần vào hoạt động truyền giáo. Vài khuôn mặt tiêu biểu: hoàng hậu Matilda (+968) bên Đức, vua Robert Le Pieux (+ 1031) bên Pháp, hoàng hậu Margaret Scotland (+1093 bên Anh.

B/.Các chứng tích

Việc tôn kính các thánh không chỉ giới hạn vào nơi các ngài tạ thế, nhưng còn mở rộng sang những nơi lưu giữ hài cốt của các ngài, hoặc nơi nhận các ngài làm bổn mạng. Những địa điểm này cũng sớm trở thành đích điểm của những cuộc hành hương, tương tự như các cuộc hành hương sang Rôma (mộ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô), hoặc sang thánh địa (Giêrusalem) khi điều kiện chính trị cho phép.

  1. Văn chương

Tiếp tục truyền thống của giai đoạn trước, nhiều cuốn tiểu sử về các thánh được soạn ra, tựa như truyện thánh Bênêđictô Norcia (I Dialoghi) do thánh Grêgôriô Cả phổ biến năm 594. Những cuốn truyện không chỉ thuật lại cuộc đời của vị thánh mà còn muốn trình bày các nhân đức đáng bắt chước. Nói cách khác, những tiểu sử Vita đã trở thành khảo luận về đường tiến đức.

Bên Pháp, hai tác giả biên soạn hạnh các thánh là Venantius Fortunatus và Grégoire de Tours. Vị thứ nhất kể lại cuộc đời các giám mục, kể từ thánh Martinô (604). Vị thứ hai thuật lại cả hạnh tích các thánh tử đạo cũng như các giám mục lồng trong lịch sử Giáo hội (Historia Francorum, 595). Các thánh nhân không phải là những người rút lui vào hoang địa để tìm Chúa, nhưng phục vụ cộng đoàn, đặc biệt trong thời buổi khó khăn.

Riêng Giáo hội Rôma đã có tập quán ghi lại hoạt động của các Giáo hoàng (Liber Pontificalis). Dù sao, trong tiến trình cải tổ Giáo hội từ thời Giáo hoàng Grêgôriô VII (1073-1085), sự tập trung quyền bính vào tòa Rôma không chỉ chi phối khía cạnh hành chánh (bổ nhiệm các giám mục) mà cả khía cạnh phụng tự đạo đức, nhằm bảo vệ tính cách chính thống, chống lại các việc đạo đức bình dân của các phong trào lạc giáo.

III. THỜI TRUNG ĐẠI

Từ thế kỷ XII đến XV, xã hội châu Âu sống trong chế độ gọi là societas christiana, trong đó giáo quyền và thế quyền gắn chặt với nhau. Một yếu tố khác ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống chính trị và tôn giáo là sự thành hình các đô thị, là những đơn vị hành chánh được hưởng quyền tự trị, nhờ sự thành hình của các giai cấp trung lưu tư sản (khác với lối tổ chức thái ấp ở các nông thôn trước đây). Điều này cũng phản ảnh đến đời sống tôn giáo: một đàng là khuynh hướng tập trung quyền bính của các Giáo hoàng, một đàng là những khuynh hướng tự lập để bảo vệ những sắc thái địa phương. Trong phạm vi đang bàn, ngoài những vị thánh được tôn kính trong toàn thể Giáo hội, còn nhiều vị thánh được tôn kính tại các địa phương đặc biệt dưới hình thức các thánh bổn mạng: quốc gia, thành phố, giáo phận, giáo xứ, dòng tu, hiệp hội.

A/.Các nhân vật

Một khúc ngoặt trong việc nhìn nhận các vị thánh là những quy luật do Tòa thánh ban hành dưới thời Giáo hoàng Grêgôriô IX (năm 1234). Trước đây, các thánh được nhìn nhận do tiếng tăm địa phương và thường được chuẩn nhận bởi giám mục sở tại. Từ nay, việc tôn phong các thánh thuộc thẩm quyền của Tòa thánh, sau khi trải qua một thủ tục điều tra theo giáo luật. Dù sao, cũng cần nêu bật tính cách đa dạng của các chân dung các vị thánh trong giai đoạn này.

  1. Các vị sáng lập dòng tu mới

Cho đến nay, đời tu trì được đồng hóa với đời đan tu. Vào thế kỷ XI-XII, nhiều giáo dân dấn thân vào công tác xã hội qua việc phục vụ người nghèo, người lữ hành, nô lệ. Nhằm thể hiện công cuộc dấn thân cách bền bỉ hơn, họ tổ chức thành hiệp hội và thêm lời khấn dòng. Có ba dạng thức chính của các hiệp hội này: Dòng bệnh viện; Dòng hiệp sĩ; Dòng cứu chuộc.

  1. Thánh Phan Sinh (k.1181-1226) và thánh Đa Minh (k.1171-1221)

Hai vị thánh này cần được nhắc riêng: một đàng họ đã sáng lập dòng tu mới, với phạm vi hoạt động bao trùm toàn thể Giáo hội chứ không chỉ giới hạn vào một địa phương; đàng khác, họ đã gợi lên một trào lưu nên thánh mới, bao gồm các nữ tu chiêm niệm và các giáo dân. Con số các thánh gia tăng trong các dòng mới này. Chẳng hạn như trong gia đình Phan Sinh, ta có thể kể đến thánh Antôn Padova linh mục (1195-1231), Clara Assisi nữ tu (1194-1253), Elisabeth Hungary hoàng hậu và giáo dân (1207-1231).

  1. Các phụ nữ

Ngay từ đầu, các phụ nữ đã có mặt trong hàng ngũ các thánh: các vị tử đạo, các trinh nữ tận hiến, các đan sĩ, các quả phụ. Vào thời Trung cổ, chúng ta nhận thấy những khuôn mặt mới của các thánh nữ. Nhờ những hình thức tu trì mới, phụ nữ có cơ hội tham gia vào những công tác bác ái tại các bệnh viện. Ngoài ra, họ cũng có thể là những giáo dân sống như bao nhiêu phụ nữ khác tại gia đình nhưng có cơ hội gia nhập các “hội dòng ba”, và đôi khi sống thành cộng đoàn. Hơn thế nữa, có những phụ nữ can thiệp vào đời sống của Hội thánh, tựa như các thánh Catarina Siena, Brigida Thụy-điển. Cũng nên ghi nhận rằng vào thời buổi mà phụ nữ ít khi có được cơ hội học hành, thì cũng có những vị trở thành “thầy dạy” những kiến thức thủ đắc (tựa như thánh Hildegard Bingen) hoặc nhờ những mặc khải tư (tựa như Mathilde Hackeborn, Gertrud Helfta).

  1. Những vị thánh lạc loài

Cần thêm rằng ngoài những vị thánh được tôn phong chính thức, còn có những vị thánh không chính thức, nghĩa là không được giáo quyền nhìn nhận bởi vì không rập theo khuôn mẫu do giáo luật quy định, (và đôi khi bị coi là lạc giáo), nhưng lại được dân gian đây đó kính nể như mẫu gương thánh thiện. Một vài thí dụ: Pierre Valdes (k.1140-k.1205), lãnh đạo của phong trào “nhóm nghèo Lyon”. Thật khó phân biệt phong trào này với nhóm nghèo của thánh Phanxicô Assisi. Sau đó, ngay trong nội bộ của Dòng Phanxicô cũng có một nhóm tự nhận là “thần khí” (Spirituales) vì muốn chủ trương sống khó nghèo triệt để hơn, và chắc là họ đã chịu ảnh hưởng của viện phụ Joachim de Fiore. Về phía nữ giới, vào thế kỷ XII, phong trào béguines phát triển mạnh ở Bắc Âu: họ sống đạm bạc, dành nhiều giờ để cầu nguyện. Tiếc rằng tiếp theo vụ chị Marguerite Porete bị kết án lạc giáo, công đồng Vienne (1311-12) đã quyết định giải thể phong trào này.

B/.Các chứng tích

Chúng tôi muốn nêu bật hai điểm: một đàng là những quy tắc chính thức do giáo luật đặt ra để được phong thánh; đàng khác là những hình thức mới để “kể chuyện” các thánh.

  1. Thủ tục phong thánh

Từ “phong thánh” trong tiếng Việt có thể gây hiểu lầm khi gợi lên những tục lệ “phong thần phong thánh” cho một nhân vật nào đã có công với làng nước. Trong tiếng La-tinh, canonizatio có nghĩa là ghi tên vào danh mục các thánh (canon: danh mục, mục lục). Thủ tục này đã có nhiều thay đổi trải qua lịch sử, và có thể tóm lại bốn chặng chính như sau:

a) Trong những thế kỷ đầu, như đã nói trên đây, các cộng đoàn tín hữu tôn kính các vị tử đạo vào dịp kỷ niệm ngày “sinh về trời” (dies natalis). Sự kiện chết vì đức tin đã được mọi người biết. Các tín hữu muốn tỏ lòng tôn kính các vị như tấm gương để noi theo, và nói được là một hành vi tự phát của “nhân dân” (vox populi), dưới sự hướng dẫn của các mục tử. Ta cũng có thể nói cách tương tự về tiến trình nhìn nhận các vị thánh “tuyên tín” (confessores). Việc tôn kính này mang tính địa phương.

b) Từ thế kỷ VI, các giám mục bắt đầu can thiệp vào tiến trình nhìn nhận các thánh, cách riêng nhân dịp di chuyển hài cốt (translatio) từ mồ nguyên thủy sang ngôi thánh đường mới xây, hoặc nhân dịp cải tổ nhà thờ nơi an táng vị thánh (elevatio).

c) Từ thế kỷ IX, người ta thấy bắt đầu có sự can thiệp của Tòa thánh. Nói đúng ra, các giám mục xin Giáo hoàng can thiệp để việc nhìn nhận vị thánh mang tính cách phổ quát hơn. Trường hợp đầu tiên là thánh Ulrich giám mục Augsburg (+4/7/973) dưới thời Giáo hoàng Gioan XV năm 993.

d) Việc dành riêng thẩm quyền phong thánh cho Tòa thánh cũng có tiến trình lâu dài. Nó bắt đầu bằng lá thư Aeterna et incommutabilis của Giáo hoàng Alexander III gửi cho vua Canutô và các giám mục nước Thụy-điển ngày 6/7/1170. Thực ra, đây chỉ là một trường hợp cụ thể nhằm ngăn ngừa những cuộc tuyên phong hấp tấp. Tuy nhiên, văn kiện này chỉ mang tính cách lập pháp khi được đưa vào bộ sưu tập giáo luật (Decretales) thời Giáo hoàng Grêgôriô IX (năm 1234). Thế nhưng một vài giám mục cho rằng văn kiện chỉ giới hạn vào việc tuyên phong những vị thánh mới, chứ không ngăn cản việc cho phép tôn kính công khai một vị tôi tớ Chúa đã được nhân dân nhìn nhận. Vì thế, bốn thế kỷ sau, Giáo hoàng Urbanô VIII đã ban sắc lệnh chỉ cho phép tôn kính công khai những tôi tớ đã được Tòa thánh công nhận (ngày 12/3/1642), và như vậy các giám mục mất thẩm quyền cho phép tôn kính công khai. Thủ tục điều tra được hoàn chỉnh với cẩm nang do Giáo hoàng Bênêđictô XIV viết khi còn là hồng y (De servorum Dei beatificatione et beatificatione Sanctorum, 1734-1738).

Nên lưu ý là sự phân biệt giữa hai cấp “chân phước” (beati) và “hiển thánh” (sancti) được du nhập từ năm 1634, nghĩa là vào thời cận đại như sẽ nói dưới đây.

Nói chung, thủ tục điều tra xoay quanh việc chứng minh sự tử đạo hoặc sự thực hành các nhân đức cách anh hùng. Sắc chỉ (Bulla canonizationis) sẽ tóm lại các nhân đức trổi vượt của vị thánh để cho các tín hữu noi theo.

  1. “Nói về các thánh” (hagiologia)

Chúng tôi đã nhắc đến sự xuất hiện các tiểu sử của các thánh ngay từ những thế kỷ đầu tiên dưới nhiều hình thức khác nhau (Acta, Passio, Legenda, Vita). Phần lớn những tác phẩm này được viết trong khung cảnh phụng vụ, nghĩa là dùng vào những buổi cử hành các vị thánh. Vào thời kỳ đang bàn, hạnh các thánh được soạn để mang tính cách xây dựng đời sống tâm linh, hoặc được đọc trong bữa ăn (trong thinh lặng) của các tu sĩ, hoặc được dùng trong các bài giảng. Điều này cho phép kéo dài nội dung của hạnh tích các thánh, cũng như trang điểm các câu chuyện bằng nhiều phép lạ. Dù sao, hạnh tích các thánh được viết không phải để kích thích lòng hiếu kỳ của người nghe hay người đọc, nhưng là để thúc giục họ hãy noi gương bắt chước các tiền nhân, ngõ hầu cũng được chia sẻ vinh quang thiên quốc với các ngài.

Một tác phẩm tiêu biểu của loại văn này là Legenda aurea do cha Jacopo da Varazze (Iacobus a Voragine, 1228-1298) O.P. biên soạn khoảng năm 1260. Hạnh tích các thánh được phân phối quanh năm dựa theo lịch phụng vụ.

  1. Tự thuật

Ngoài tiếng nói của giáo quyền và các nhà giảng thuyết về các thánh, thiết tưởng nên thêm một loại thứ ba, đó là chính đương sự kể lại cảm nghiệm huyền bí của mình. Thể văn này đã gặp thấy nơi tác phẩm Confessiones (tuyên xưng, tự thú) của thánh Augustinô, và tái xuất hiện vào thời Trung đại (chẳng hạn quyền sách Đối thoại của thánh Catarina Siena), và sẽ phổ biến hơn vào thời Cận đại (chẳng hạn thánh Têrêsa Avila, thánh Inhaxiô Loyola).

IV/.THỜI PHỤC HƯNG

Sang thế kỷ XIV, Giáo hội trải qua một thời kỳ đen tối. Không kể những tranh chấp giữa Giáo hoàng và Hoàng đế đã kéo dài từ nhiều thế kỷ về trước, nội bộ Giáo hội bị chia rẽ vì có hai Giáo hoàng (tòa Rôma và tòa Avignon). Ngoài ra, phong trào “Phục hưng” (Rinascimento, mạnh ở bên Ý, lẽ ra phải dịch là “tái sinh”, Renaissance, mới đúng) muốn quay về các giá trị nhân bản hơn là vào các thực tại thần linh.

Trong bối cảnh khá đen tối như vậy, đã có những tiếng nói hô hào cải tổ Giáo hội qua việc quay về với đời sống nội tâm và kỷ luật khắc khổ.

A/.Nhân vật

Chúng ta có thể nêu bật vài khuôn mẫu điển hình của hai phong trào cải tổ ở châu Âu: Hà-Lan và Italia.

  1. Hà Lan

Trong thế kỷ XIV tại miền Bỉ và Hà-lan nổi lên phong trào Devotio moderna do Gerard Groote (1340-1384) khởi xướng, chủ trương canh tân đời sống đạo bằng việc chiêm niệm và thực hành các nhân đức, cách riêng qua việc bắt chước Đức Kitô. Tác phẩm tiêu biểu của phong trào này là cuốn De imitatione Christi (dịch sang tiếng Việt: “Gương Chúa Giêsu” hay Gương phúc), trở thành sách gối đầu giường cho nhiều thế hệ giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân cho đến công đồng Vaticanô II. Một cách gián tiếp, phong trào Devotio moderna muốn sửa chữa những lạm dụng trong việc tôn kính các thánh, chú trọng đến việc hành hương đến mộ các ngài, hoặc đi tìm các di tích các ngài, thay vì bắt chước đời sống nhân đức của các ngài.

  1. Italia

Trong khi ở các nước Bắc Âu, công cuộc cải tổ đời sống Kitô hữu chú trọng đến việc tâm nguyện và sống đạo, thì bên Ý, việc cải tổ mang tính cách công cộng, với hai khuôn mặt tiêu biểu là thánh Bernarđinô Siena (1380-1444) và thánh nữ Catarina Siena (1347-1380). Vị thứ nhất là một tu sĩ dòng Phan Sinh, tượng trưng cho khuynh hướng cải tổ trong các dòng hành khất. Việc cải tổ dòng tu gắn liền với tuân giữ kỷ luật nhiệm nhặt. Vị thứ hai là một giáo dân hội viên Dòng thống hối Đa Minh. Bà cũng giúp cho tổng quyền Raimondo Capua trong việc cải tổ các nam tu sĩ Đa Minh, và đặc biệt bà đã đứng ra hô hào hòa giải giữa các phe phái trong nước. Nói cách khác, qua hai vị này, ta thấy một khuôn mẫu thánh thiện liên kết ơn gọi kết hiệp huyền nhiệm với ơn gọi ngôn sứ.

Tuy nhiên, không phải tất cả các tiếng nói ngôn sứ đều được nhà cầm quyền Giáo hội chấp nhận. Tu sĩ Girolamo Savonarola O.P. người Ý (1452-1498) đã dám mạnh miệng tố giác tình trạng sa đọa của Giáo hội (dưới sự lãnh đạo của Giáo hoàng Alexandro VI) và chính trị, đã bị kết án lạc đạo, thiêu sống. Ngày nay, vụ án này đang được xét lại. Một trường hợp nổi tiếng hơn là thiếu nữ Jeanne d’Arc (1412-1431) bị kết án thiêu sinh vì tội lạc giáo, nhưng sau đó vụ án bị Giáo hoàng Callisto tuyên bố vô giá trị (1456), và chị được Giáo hoàng Bênêđictô XV phong thánh năm 1920.

Vì chỉ muốn chú ý đến việc tôn kính các thánh gương mẫu, cho nên ở đây chúng tôi không nói đến các việc tôn kính dành cho Đức Trinh nữ Maria, vốn chắc chắn là còn rộng lớn hơn.

B/.Chứng tích

Chúng tôi muốn nêu bật việc truyền bá hạnh các thánh như phương tiện để cổ động việc nên thánh. Tác phẩm Legenda aurea của cha Jacopo da Varazze, nguyên bản tiếng La-tinh, được chuyển dịch sang các ngôn ngữ địa phương. Tác phẩm được phổ biến còn rộng rãi hơn cả cuốn Kinh Thánh nữa (một đề tài mà sau này Martin Luther sẽ dùng để công kích lối sống đạo của người Công giáo). Thực ra, việc quảng bá hạnh các thánh cũng trùng hợp với việc đề cao các anh hùng danh nhân của phong trào nhân văn bên Italia (chẳng hạn các tác phẩm De viris illustribus của Petrarca và De claris mulieribus của Boccaccio.

Nói đến đường nên thánh, ngoài việc suy gẫm hãm mình phần nào cho các tu sĩ, các giáo dân được khuyến khích thực hành các “việc đạo đức bình dân”, đứng đầu là “Đàng thánh giá” do các cha dòng Phan Sinh mang từ thánh địa về, và Tràng chuỗi Mân côi do dòng Đa Minh quảng bá.

V/.THỜI CẢI CÁCH

Trong số những điều mà Martin Luther (1483-1546) chỉ trích Giáo hội, có vấn đề tôn kính các thánh (và Đức Maria) mà bỏ quên Chúa Kitô, cũng như những kinh kệ dựa theo tâm tình mộ đạo nhưng thiếu nền tảng Kinh Thánh. Ông cũng muốn loại trừ khỏi nhà thờ những ảnh tượng bị coi là thờ kính ngẫu tượng. Những luận đề của Luther sẽ được đưa ra bàn thảo ở công đồng Trento (1545-1563). Không phải tất cả những gì ông đề xướng đều là sai lạc . Có những phê bình tích cực đã được quan tâm đến, hình như trong số đó có thể kể đến việc hạn chế sự phong thánh: Tòa thánh không cử hành nghi thức tôn phong nào trong khoảng thời gian từ năm 1523 đến năm 1588. Dù sao một nhận xét chung là phong trào “Phản Cải Cách” (Controriforma) đã tạo ra sự đối chọi giữa Giáo hội Tin lành và Công giáo. Khi bước vào nhà thờ Tin lành, người ta nhận thấy trung tâm được dành cho tòa giảng và Kinh Thánh (và không có tranh ảnh nào ngoại trừ cây Thánh giá trần trụi). Khi bước vào nhà thờ Công giáo, người ta thấy trung tâm được dành cho bàn thờ tôn kính Thánh Thể, còn những bàn thờ bên hông dành cho Đức Mẹ và các thánh (nhưng khó kiếm được cuốn Kinh Thánh). Nhiều quốc gia phía bắc Âu châu ngả theo Tin lành, nhưng đồng thời, Giáo hội Công giáo bành trướng bên Mỹ châu La-tinh, và thêm các vùng truyền giáo mới ở châu Á và châu Phi. Công cuộc truyền giáo này lại tái sinh các vị thánh tử đạo giống như thời Giáo hội sơ khai

A/.Các nhân vật

Trước khi đi vào khuôn mẫu thánh thiện, thiết tưởng nên nói đôi lời về thủ tục phong thánh. Tòa thánh siết chặt hơn thủ tục phong thánh cũng như phê chuẩn các kinh nguyện, đặc biệt qua việc thành lập các Bộ Thánh vụ (nay gọi là Bộ Giáo lý đức tin) và Bộ Nghi Lễ (được thành lập năm 1588). Tiến trình phong thánh được siết chặt dưới nhiều phương diện. Trước hết, tiến trình phong thánh chỉ được bắt đầu 50 năm sau khi đương sự qua đời (sắc lệnh năm 1627). Kế đến, thủ tục được phân làm hai giai đoạn: giai đoạn thứ nhất là điều tra về tiếng tăm thánh thiện và việc thực hành các nhân đức; kế đến, giai đoạn thứ hai là điều tra các phép lạ. Mặt khác, vào năm 1602, ĐTC Clementê VII quyết định phân chia tiến trình phong thánh làm hai chặng: chặng thứ nhất là “chân phước” (beatus), với việc tôn kính được giới hạn trong giáo phận hoặc dòng tu; chặng thứ hai là “hiển thánh” (sanctus) với việc tôn kính được mở rộng cho toàn thể Giáo hội. Thánh Carolô Borromeô là vị thánh cuối cùng được tôn phong mà không phải trải qua giai đoạn chân phước (năm 1610).

  1. Các thánh tử đạo

Trong các sách phụng vụ (Sách Lễ và Phụng vụ Giờ kinh), các thánh tử đạo được xếp hàng đầu, liền sau Đức Mẹ và các thánh Tông đồ. Các thánh tử đạo bao gồm những vị bị sát hại vì đức tin vào thời Giáo hội sơ khai cũng như những chứng nhân sống vào thời cận đại. Có điều là các ngài không chỉ bị giết do bàn tay những kẻ “ngoại đạo” như trường hợp ở Nhật Bản, mà còn bởi những người “lạc đạo”, tức là những người ly khai khỏi Giáo hội Công giáo, như trường hợp ở Anh (như Thomas More và John Fisher), Hà Lan, Đức.

  1. Các thánh không tử đạo

Ngày 12/3/1622, Giáo hoàng Grêgôriô XV tuyên phong 5 vị thánh, có thể coi như tiêu biểu cho thời đại: a) thánh Inhaxiô Loyola (1491-1556), vị sáng lập Dòng Tên, được xem như đội ngũ chống lại cuộc Cải cách Tin lành ; b) thánh Phanxicô Xavier (1506-1552), đồng bạn với thánh Inhaxiô nhưng nổi tiếng vì công cuộc truyền giáo ở Viễn đông; c) thánh Philipphê Nêri (1515-1595), một linh mục lập tu đoàn Oratorio ở Rôma, cổ võ sự thánh thiện của hàng giáo sĩ; d) thánh Têresa Avila (1515-1582), nữ tu cải tổ dòng Cát-minh; e) vị thứ năm là Isiđôrô nông dân người Tây Ban Nha sống thời Trung cổ (+1130), tiêu biểu cho một vị thánh bình dân.

B/.Chứng tích

Trong các giai đoạn trước, việc “kể chuyện các thánh” là một cách thức cổ động nên thánh bằng cách noi theo gương các ngài. Điều này sẽ vẫn còn giá trị mãi mãi. Điều mới mẻ của giai đoạn này là việc biên soạn tiểu sử các thánh phải tuân theo những quy luật “khách quan” mà khoa sử học hiện đại đã đặt ra.

Quy tắc này được áp dụng trong thủ tục phong thánh: cuộc đời các “tôi tớ Chúa” được thuật lại dựa trên những chứng cớ “mắt thấy tai nghe” chứ không dựa theo tin đồn. Đồng thời, hạnh tích các vị thánh thời xưa cũng được duyệt lại, nhằm phân biệt những yếu tố trung thực với sự kiện, tách rời khỏi những yếu tố được thêu dệt nhằm tăng thêm tính cách “siêu nhân” của các thánh. Công cuộc này khởi đầu với nhóm Bollandistes, lấy tên từ vị khởi xướng là cha Jan van Bolland S.I. (1596-1665). Họ đã duyệt lại hạnh tích các thánh kính quanh năm theo lịch phụng vụ, và xuất bản thành Acta sanctorum, với cuốn đầu tiên ra đời năm 1643. Thực ra dự án này không chỉ nhằm đáp ứng những đòi hỏi của khoa sử học mà còn nhằm trả lời cho những lời tố cáo của nhóm Calvin: họ cho rằng các thánh được Giáo hội Công giáo tôn kính dựa trên truyền kỳ giả tưởng.

VI/.THẾ KỶ XIX-XX

Lịch sử Giáo hội trong những thế kỷ gần đây đã chứng kiến nhiều sự xáo trộn, chẳng hạn như những cuộc cách mạng dẫn đến sự tách rời lãnh vực trần thế khỏi lãnh vực tôn giáo (đánh dấu bởi cuộc cách mạng bên Pháp năm 1789), lãnh thổ của quốc gia Giáo hoàng bị thu hẹp chỉ còn 18 mẫu (Giáo hoàng mất đi quyền bính của một vị vua kể từ cuộc thống nhất nước Ý năm 1870), những cuộc xâm chiếm thuộc địa và giành lại độc lập tại các lục địa Á-Phi, hai cuộc thế chiến trong thế kỷ XX, v.v…

Giữa những thăng trầm ấy, lịch sử các thánh vẫn tiếp tục . Dĩ nhiên, chúng ta không thể mô tả hoạt động của Chúa Thánh Thần gợi lên những hoa trái thánh thiện giữa lòng thế giới, nhưng chỉ có thể điểm qua vài biến cố trong phạm vi chứng tích lịch sử.

A/.Các nhân vật

Điều đầu tiên đáng ghi nhận là sự tăng vọt con số những lần tuyên phong chân phước và hiển thánh, cách riêng trong hậu bán thế kỷ XX, dưới thời Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhờ việc cải cách giáo luật liên quan đến thủ tục phong thánh, với tông hiến Divinus Perfectus Magister (được ban hành cùng ngày với bộ giáo luật, 25 tháng giêng năm 1983). Trước đây, phải chờ 50 năm sau khi đương sự qua đời thì mới được mở án; ngày nay, thời hạn được rút xuống 5 năm (nhờ vậy dễ thu thập các chứng tích hơn). Trước đây, thủ tục bắt đầu cấp một ở giáo phận, rồi sau đó hồ sơ được chuyển lên cấp hai ở Rôma, và được lặp lại dường như từ đầu (và như vậy mất thêm thời gian); ngày nay, việc điều tra các nhân đức và các tác phẩm diễn ra ở địa phương, và sẽ không lặp lại ở Rôma. Trước đây, cần hai phép lạ để phong chân phước và hai phép lạ để phong thánh (tổng cộng bốn phép lạ); ngày nay chỉ cần một phép lạ để phong chân phước và thêm một phép lạ nữa để phong thánh.

Dưới triều đại Giáo hoàng Gioan Phaolô II (1978-2004), đã có 51 lễ nghi phong thánh (với 482 thánh) và 147 lễ nghi phong chân phước (với 1338 vị). Sự mới mẻ sẽ nổi bật hơn nữa nếu ta đối chiếu với 38 vị tiền nhiệm: từ khi thiết lập bộ phong thánh năm 1588 chỉ có 302 vị thánh được tôn phong.

Trong các vị thánh và chân phước được tôn phong, ta thấy tính cách đa dạng của các vị xét từ nhiều khía cạnh: họ thuộc về nhiều quốc gia và dân tộc khắp năm châu; họ thuộc về đủ mọi thành phần của Dân Chúa (giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân), thuộc đủ mọi lứa tuổi. Chúng tôi muốn điểm qua vài nhận xét. Về phương diện địa lý, ĐTC Gioan Phaolô II đã có hành động xé rào khi chủ tọa các lễ nghi tôn phong không phải tại đền thờ thánh Phêrô ở Rôma, nhưng tại quê hương của các thánh nhân dịp tông du tại nước này (12 lần phong thánh và 47 lần phong chân phước). Về các khuôn mẫu các thánh ta có thể nói như sau:

  1. Đứng đầu danh sách các thánh vẫn là các vị tử đạo (402 trong số 482 vị thánh, và 1032 trên 1338 vị chân phước được tôn phong dưới triều đại Gioan Phaolô II. Ngoài các vị tử đạo tại miền truyền giáo ở châu Á (Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, Thái Lan) và châu Phi, điều đáng ghi nhận là những vị tử đạo tại các quốc gia Công giáo, dưới thời các chế độ bài trừ tôn giáo (chẳng hạn như Tây Ban Nha, Mexicô, Ba Lan). Dù sao cũng nên ghi nhận hai trường hợp khá đặc biệt về tử đạo: một là thánh nữ Maria Goretti (1890-1902) chết để bảo vệ đức trinh khiết; hai là thánh Maximiliano Kolbe (1894-1941) chấp nhận chết thay cho một tử tù khác trong trại tập trung Auschwitz.
  2. Xét về các vị thánh không tử đạo, chúng ta ghi nhận nhiều vị thánh hoạt động xã hội, đặc biệt là các vị thánh lập dòng tu chuyên lo về bác ái, giáo dục, truyền giáo.
  1. Điều nổi bật trong thời đại chúng ta là các thánh thuộc hàng ngũ giáo dân. Thực ra trước đây không thiếu các giáo dân (hiểu theo nghĩa là những người không phải giáo sĩ hay tu sĩ) làm thánh, nhưng phần lớn là các vua chúa. Vào thời này, chúng ta thấy các giáo dân thuộc “hàng trung lưu”, có thể là các bác sĩ như Giuseppe Moscati, Gianna Beretta Molla, luật sư như Bartolo Longo, hoặc những đôi vợ chồng Luigi y María Beltrame Quattrocchi hoặc Louis y Azélie Martin, hoặc các bạn trẻ còn đi học như Giorgio Frassati. Điều này đưa chúng ta đến một nét đặc trưng khác.
  2. Một nét đặc trưng nữa là sự hiện diện của các bạn trẻ, được cổ động cách riêng do thánh Gioan Bosco. Thực ra, trong hàng ngũ các thánh tử đạo không thiếu các bạn trẻ, chẳng hạn như theo tục truyền thánh Agnès và Xêxilia chịu tử đạo lúc 12 tuổi, thánh Pancrazio và Vitô lúc 13 tuổi vào những thế kỷ đầu tiên. Nhưng ở đây chúng tôi muốn nói đến các vị không tử đạo. Nhiều người đã biết đến các thánh trẻ Dòng Cát Minh, chẳng hạn thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu 24 tuổi, Têrêsa (de los Andes) qua đời năm 1920 lúc lên 19 tuổi khi còn là tập sinh. Trong gia đình của thánh Gioan Bosco, cần nói đến thánh Đa Minh Saviô qua đời lúc 14 tuổi rưỡi, chân phước Laura Vicunha, người Chilê, 12 tuổi rưỡi. Hai anh em Phanxicô và Giaxinta Martô được thấy Đức Mẹ hiện ra ở Fatima vào năm 1917 đều còn trẻ: Phanxicô qua đời lúc chưa tròn 11 tuổi (11/6/1908- 4/4/1919) và Giaxinta qua đời lúc sắp lên 10 tuổi (11/3/1910- 20/2/1920); cả hai được phong thánh năm 2017 không phải vì được thấy Đức Mẹ hiện ra nhưng vì đã thực thi các nhân đức anh hùng: cả hai đều dâng những đau khổ để đền tội cho mình và cho tha nhân.

Một sự kiện không kém quan trọng trong thế kỷ XX là những cuộc phong thánh bên các Giáo hội Chính thống, được nối tiếp sau nhiều thế kỷ gián đoạn. Ngoài ra, nhân dịp Năm thánh 2000 (ngày Chúa nhật 7 tháng 5), ĐTC Gioan Phaolô II đã tổ chức tại hí trường Colosê một buổi lễ tưởng niệm tất cả những chứng nhân cho Tin Mừng, dù thuộc Giáo hội Công giáo, hay Giáo hội Chính thống và Tin lành. Điều này muốn nêu bật chiều kích đại kết của việc phong thánh.\

B/.Các chứng tích

Về điểm này, chúng ta có thể nêu bật hai điểm: nền tảng thần học của việc tôn kính các thánh, việc phê bình lịch sử trong việc tường thuật các thánh.

  1. Nền tảng thần học: Ơn gọi phổ quát nên thánh

Như đã nói trên đây, con số các thánh (và chân phước) đã gia tăng dưới thời Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhờ việc cải tổ giáo luật về thủ tục phong thánh. Nói đúng ra, cuộc cải tổ này dựa trên một nền tảng thần học của công đồng Vaticanô II, ở chương V của Hiến chế Tín lý về Hội thánh (Lumen gentium) bàn về ơn gọi phổ quát nên thánh. Việc nên thánh là một ơn gọi dành cho tất cả các Kitô hữu, chứ không phải là độc quyền của một hàng ngũ nào. Điều này muốn làm thay đổi não trạng đã ăn sâu trong tâm thức của nhiều người, theo đó sự thánh thiện là một đặc ân dành cho những người được gọi vào đời sống thánh hiến qua ba lời khuyên Phúc Âm. Đó là lý do vì sao sau công đồng, người ta muốn cổ động việc phong thánh cho các giáo dân, thuộc mọi lứa tuổi, nghề nghiệp.

  1. Giáo hội phổ quát và giáo hội địa phương trong lịch phụng vụ

Tuy nhiên, nhân nói đến công đồng Vaticanô II, thiết tưởng cũng nên nhắc đến những quy định khác liên quan đến việc tôn kính các thánh trong lịch phụng vụ. Ở số 111 của Hiến chế về Phụng vụ thánh, một đàng công đồng nhìn nhận rằng “lễ kính các thánh loan truyền những việc kỳ diệu Chúa Kitô đã làm nơi các tôi tớ của Người và trình bày những gương sáng thích hợp cho các tín hữu noi theo”, đàng khác, công đồng cũng thêm rằng “ để lễ kính các thánh không lấn át các lễ kính nhớ những mầu nhiệm cứu chuộc, một số lễ các thánh sẽ được cử hành riêng nơi các Giáo hội địa phương, quốc gia hay dòng tu, và chỉ lễ kính những vị thánh thực sự có tầm quan trọng phổ quát mới được cử hành chung trong toàn thể Giáo hội”.

Sau công đồng, việc canh tân lịch phụng vụ đã giảm đi rất nhiều số ngày lễ kính các thánh trong lịch phổ quát. Trong lịch phụng vụ (Calendarium Romanum generale) được ban hành năm 1969, người ta đếm được 4 lễ trọng (Giuse, Gioan Tẩy giả, Phêrô và Phaolô, tất cả các thánh), 23 lễ kính (dành cho các thánh tông đồ, các tổng lãnh thiên thần, hai phó tế Stephano và Lorenzo; các thánh anh hài), 63 lễ nhớ bắt buộc và 95 lễ nhớ tự do. (Con số này thấp nếu so sánh với 270 vị thánh trong lịch phụng vụ trước Vaticanô II). Mặt khác, các thánh được ghi trong lịch phổ quát tượng trưng cho các lục địa khác nhau (trước đây phần lớn các thánh thuộc Giáo hội Rôma), nhờ thế chúng ta thấy có các thánh tượng trưng cho tất cả các lục địa: Mỹ châu Latinh (Turibio Mongrevejo, Martino Porres, Rosa Lima của Peru), Phi châu (Carolo Luanga thuộc nước Uganda), Á châu (các vị tử đạo ở Nhật), Đại Dương châu (thánh Pierre Chanel).

Thiết tưởng cũng nên biết là ngoài các thánh được mừng trong lịch phụng vụ, còn một danh sách dài hơn được ghi trong Tử-đạo-thư (Martyrologium). Sau công đồng Vaticanô II, Bộ phụng tự đã phát hành ấn bản mới (Martyrologium Romanum) vào năm 2001 với 6658 mục từ, gồm 9900 vị thánh và chân phước (bởi vì có những mục từ bao gồm nhiều “đồng bạn” tử đạo). Tác phẩm được tái bản ba năm sau (năm 2004), ngoài việc sửa những lỗi của ấn bản trước, còn được cập nhật thêm 117 vị mới được tôn phong.

  1. Quy tắc sử học

Về khía cạnh sử học, việc nghiên cứu cuộc đời các vị thánh mang tính cách khoa học hơn, và nhiều bộ sưu tập đã được xuất bản:

– Acta Sanctorum tiếp tục công trình của nhóm Bollandistes (gồm các cha dòng Tên Jean Bolland (1596-1665), Godefroid Henskens (1601-1681), Daniel Papebroch (1628-1714), gồm 61 pho từ 1643 đến 1940.

– Bibliotheca sanctorum là bộ từ điển các thánh, gồm 11 quyển, xếp theo tên gọi các thánh theo thứ tự ABC tiếng Ý (Rôma 1961-1969; tái bản vào các năm 1990-1996, với phụ thêm vào năm 2000).

VII/.KẾT LUẬN

Trong bài này, chúng ta đã rảo qua lịch sử các thánh của Kitô giáo trải qua các thời kỳ. Chúng ta không đối chiếu với quan điểm về các thánh trong các tôn giáo khác. Để kết luận, chúng ta có thể kể ra vài khuôn mẫu phân loại các vị thánh.

  1. Ở phần cuối Sách Các Giờ kinh Phụng vụ, chúng ta thấy phần chung gồm có: các thánh tông đồ, các thánh tử đạo, các thánh mục tử, các thánh tiến sĩ Hội thánh, các thánh trinh nữ, các thánh nam và các thánh nữ, trong số đó nổi bật là các thánh tu sĩ, các thánh lo việc bác ái, các thánh lo việc giáo dục. Tính chung thì cũng trên dưới mười loại khác nhau.
  2. Dưới một phương diện khác, thủ tục phong thánh vẫn duy trì hai khuôn mẫu cổ điển: tử đạo (martyr) và không tử đạo (confessor).

– Trong trường hợp tử đạo, phải chứng minh 3 điểm: a) đương sự bị sát hại; b) lý do sát hại là đức tin (in odium fidei); c) đương sự chấp nhận cái chết với tình yêu do đức tin thúc đẩy.

– Trong trường hợp không tử đạo, phải chứng minh 3 điểm: a) tiếng tăm thánh thiện; b) thực hành các nhân đức cách anh hùng; c) tiếng nói của Chúa (qua phép lạ).

– Mới đây, ngày 11/7/2017, qua tự sắc Maiorem hac dilectionem ĐTC Phanxicô thêm vào một lý do thứ ba, đó là “hiến dâng mạng sống mình cho tha nhân, vì đức mến, tự nguyện chấp nhận một cái chết chắc chắn”.

Roberto Rossetti 

Thời sự Thần học – Số 93, tháng 08/2021, tr. 11-42 

Nguồn: tsthdm.blogspot.com (9/2021)

#lichsucacthanhkitogiao