NỮ VƯƠNG THIÊN ĐÀNG

0
591

 

Từ lễ Phục Sinh tới lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, thay vì kinh Truyền Tin, Giáo hội nguyện kinh Nữ Vương Thiên Đàng để cùng với Đức Mẹ kính mừng Chúa Giê-su Ki-tô đã từ cõi chết sống lại. Kinh được mở đầu bằng câu “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng hãy vui mừng. Alleluia.” Nhân dịp Giáo hội mừng kính mầu nhiệm Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15/8) và tôn xưng Đức Maria Nữ Vương (22/8), xin được dàn trải tấm lòng một người con khờ dại đối với Người Mẹ Chí Nhân Chí Thánh: ĐỨC MARIA MẸ THIÊN CHÚA – NỮ VƯƠNG THIÊN ĐÀNG, NỮ VƯƠNG VŨ TRỤ:

 

Nói về tước hiệu Nữ Vương mà toàn thể Giáo hội tôn vinh Đức Mẹ thì nhiều lắm, nhưng được ấn định vào một ngày lễ kính nhất định thì phải kể đến Thông địêp “Ad Cæli Reginam”. Lễ Mẹ Nữ Vương được Đức Thánh Cha Pi-ô XII lập trong Năm Thánh Mẫu, vào ngày lễ Đức Mẹ Thiên Chúa (11/10/1954). Qua Thông điệp này, ĐTC nhắc lại việc đội triều thiên cho Mẹ năm 1946 và quyết định: “Ta ban hành và thiết lập Lễ Maria Nữ Vương, được mừng chung Giáo Hội hằng năm vào ngày 31/5.” Đồng thời, ĐTC còn nhấn mạnh: “Việc hiến dâng loài người cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ phải được lập lại trong ngày này… Với niềm tin tưởng hơn trước, mọi người hãy đến với ngai tòa tình thương và ân sủng của Nữ Vương và Từ Mẫu để xin trợ giúp trong cơn quẫn bách, ánh sáng trong lúc tối đen, và sức mạnh trong lúc đau thương khóc lóc…”. Công đồng Va-ti-ca-nô II cũng hoàn toàn đồng quan điểm khi quả quyết trong Hiến chế “Tín Lý về Giáo Hội – Lumen Gentium” (số 59): “Sau khi hoàn tất cuộc đời dưới thế, Đức Nữ Trinh Vô Nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác, và được Thiên Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ, để nên giống Con Ngài trọn vẹn hơn, là Chúa các chúa (x. Kh 19,16), Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết.”

 

Sau Công Đồng Va-ti-ca-nô II, theo tinh thần canh tân phụng vụ, một số Lễ kính Đức Mẹ cũng được thay đổi, trong đó có lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ và lễ Đức Maria Nữ Vương. Lễ Đức Maria Nữ Vương được dời xuống ngày 22/8 thay vì 31/5 hằng năm, và lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ được dời lên ngày Thứ Bảy ngay sát Thứ sáu lễ Thánh Tâm Chúa trong tuần lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa. Sự thay đổi này rất có ý nghĩa: Dời Lễ kính Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ lên sát ngày lễ kính Thánh Tâm Chúa Giê-su là để tín hữu thấy được nguồn mạch Tình Yêu khơi nguồn từ Thiên Chúa Tình Yêu nơi Trái Tim Chúa Giê-su đã triển nở trong Trái Tim Tinh Tuyền Mẹ Maria Vô Nhiễm. Dời lễ kính Đức Maria Nữ Vương xuống tuần bát nhật Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, là có ý nghĩa tôn vinh Mẹ là Nữ Vương Thiên Đàng thì cũng là Nữ Vương Vũ Trụ (“Lễ trọng Đức Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác được tiếp nối bằng lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương, lễ này được cử hành một tuần sau lễ trước. Trong lễ này, người ta ngắm nhìn Đấng đang ngự bên cạnh Đức Vua muôn đời, Đức Maria sáng láng như Nữ Vương và nắm giữ vai trò cầu bầu như người Mẹ.” – Tông huấn ”Marialis cultus”, số 6).

 

Cũng đã có những bài chia sẻ đi sâu vào phân tích về mặt từ ngữ tước hiệu của Me (từ Nữ Vương đến Nữ Hoàng, Hoàng Hậu, Nguyên Hậu, Mẫu Hậu…). Phân tích như vậy là quá câu nệ về mặt từ ngữ, để rồi sa vào chiều hướng tìm hiểu Lời Chúa trong Thánh Kính theo “nghĩa chiểu tự”, mà quên mất “nghĩa thiêng liêng” vốn là chiều kích chủ yếu để suy niệm Lời Chúa. Để suy nịêm Lời Chúa, không thể chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu ngữ nghĩa, mà cần phải vượt qua chữ viết, đi sâu vào linh hồn của ngôn ngữ, mới có thể cảm nghiệm được Lời Toàn Năng (“Như thế, muốn tái khám phá hành động qua lại giữa các nghĩa khác nhau của Sách Thánh, điều chủ yếu là phải nắm chắc việc bước từ chữ viết qua tinh thần. Đây không phải là một bước tự động, tự phát; đúng hơn, cần phải vượt quá (transcended) chữ viết: “Lời Chúa không bao giờ đơn thuần là một với chữ viết trong bản văn. Muốn nắm được lời của Người, phải có một sự vượt quá (chữ viết) và một diễn trình tìm hiểu, được hướng dẫn bởi chuyển động bên trong của toàn bộ tác phẩm, và do đó, phải trở thành một diễn trình sống.” – Tông huấn Lời Chúa “Verbum Domini”, số 28).

 

Như vậy là đã rõ, tước hiệu Nữ Vương phải được hiểu là một người Nữ làm Vua theo nghĩa thiêng liêng: Đó là một Người Nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên 12 sao sáng, ngự trên ngai toà vinh hiển, bên cạnh Người Con là Đức Giê-su Thiên Chúa – Vua Vũ Trụ. Trong Thông điệp “Ad Cæli Reginam” (tr. 521), Đức Thánh Cha Pi-ô XII đã khẳng định: “Dân Chúa hằng tin tưởng một cách hữu lý trong mọi thế hệ rằng Đức Mẹ là đấng sinh ra Con Đấng Tối Cao, Đấng sẽ hiển trị trong nhà Gia-cóp (Lc 1, 32) cho tới đời đời, Ngài chính là Vua hòa bình (Is 9, 6), Vua muôn vua, Chúa các chúa (Apoc. 19, 16), và Ngài được mọi ơn hơn tất cả bất cứ vật thụ tạo nào. Và xét theo mối liên lạc mật thiết giữa Đức Mẹ và Chúa Giê-su thì ta phải kết luận một cách chắc chắn và dễ dàng rằng Đức Mẹ cũng phải được hưởng một vương quyền trên mọi thụ tạo. Và đây cũng là lý do khiến các đấng giáo phụ hiểu lời thiên thần chào Đức Mẹ, và báo trước về nước Con Ngài sẽ tồn tại đến muôn đời, và lời bà Elisabeth khi nghiêng mình kính chào Đức Mẹ là ‘Mẹ Chúa tôi’ ám chỉ một vương quyền Đức Mẹ được thông công với Chúa Con”. Đức Maria là Nữ Vương không phải chỉ vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, mà còn vì Mẹ đã cộng tác vào công cuộc cứu chuộc loài người, với tư cách là E-và mới cùng với A-đam mới (A-đam cuối cùng) là Trưởng Tử Giê-su Thiên Chúa, Con của Mẹ (1Cr 15, 45). Ấy cũng bởi vì Mẹ là Mẹ của Vua muôn vua, Mẹ của Chúa các chúa, thì tất yếu vương quyền của Mẹ  phải là Nữ Vương trên hết mọi nữ vương, là Nữ Vương Thiên Đàng, Nữ Vương hoàn vũ vậy.

 

Đàn con cái của Mẹ nơi trần gian được vinh dự mang tước hiệu Ki-tô hữu (là bạn của Đức Ki-tô, do chính Người phán dạy: “Thầy không gọi anh em là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu.” – Ga 15, 15) phải chăng chính là nhờ Mẹ đã vâng lời cưu mang trong cung lòng Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật? Thế thì tại sao lại không biết “nhờ Mẹ, đến với Chúa” (Ad Jesum, per Mariam), như lời dạy của Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội  “Lumen Gentium” (số 69): “Tất cả mọi Ki-tô hữu hãy thiết tha khẩn nguyện Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ loài người, để như Ngài đã trợ giúp Giáo Hội sơ khai bằng lời cầu nguyện của mình, thì ngày nay được tôn vinh vượt trên các Thần Thánh trên trời, Ngài cũng cầu bầu cùng Con Ngài trong sự hiệp thông toàn thể các Thánh cho tới khi mọi gia đình dân tộc hoặc đã mang danh hiệu Ki-tô hữu, hoặc chưa biết Ðấng Cứu Chuộc mình, đều hân hoan đoàn tụ trong an bình và hòa thuận, hợp thành một dân Thiên Chúa duy nhất, hầu vinh danh Ba Ngôi Thiên Chúa rất thánh và không phân chia.”

 

Ôi! “Lạy Chúa, Chúa đã đặt Thánh Mẫu của Đức Ki-tô Con Chúa làm Thánh Mẫu và Nữ Vương chúng con. Xin nhận lời Đức Nữ Vương chuyển cầu mà cho chúng con đạt tới phúc vinh quang Chúa dành sẵn trên trời cho con cái Chúa” (Lời nguyện nhập lễ, lễ Đức Maria Nữ Vương). Ôi! Lạy Nữ Vương cực khoan cực nhân! Cúi xin Mẹ cầu bầu cùng Trưởng Tử Giê-su Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ, thương ban cho mọi gia đình Ki-tô hữu chúng con luôn được sống trong an bình và hoan lạc dưới áo Mẹ Từ Bi Lân Tuất, để “chúng con sẽ quên hết ưu phiền, vui sống qua kiếp lưu đầy, mong ngày sau sung sướng cùng Mẹ muôn đời trên thiên đàng. Amen” (Kinh “Nữ Vương Gia Đình”).

 

JM. Lam Thy ĐVD.