Lời Chào trong Thánh lễ

0
748

Giải đáp phụng vụ

Hỏi: Thưa cha, trong thánh lễ có những lời chào đối đáp giữa linh mục và cộng đoàn, Chúa ở cùng anh chị em…và ở cùng cha”. Vậy đây là nguồn gốc và ý nghĩa của nó?

Trả lời:

Lời Chào trong Thánh lễ

Chủ tế: Chúa ở cùng anh chị em

Cộng đoàn: và ở cùng cha

Lời chào trong nghi thức thánh lễ, cũng như một trong các nghi thức phụng vụ khác, có một nền tảng vững chắc và ý nghĩa phong phú trong Thánh kinh chứ không chỉ là lời chào chúc thông thường. Lời chào này trong phụng vụ diễn tả thực tại về sự hiện diện của Thiên Chúa đang cư ngụ trong linh hồn mỗi tín hữu Kitô nhờ bí tích Rửa tội. Lời chào này gợi lại Lời Chúa nói với các Tổ Phụ và các người được Chúa tuyển chọn mà Thánh kinh ghi lại.

  1. Nguồn gốc Thánh kinh

Khi Thiên Chúa Yavê gọi một ai đó thi hành sứ vụ “quan trọng”, vượt “khả năng” của đương sự, Người thường ngỏ lời với họ “Ta sẽ ở với ngươi”, chẳng hạn, với Isaac (x. St 26,3.24), với Giacóp (x.St 28,13-15); với Môsê (x.Xh 3,12), với Giôsuê (Gs 1,5.9), với Davít (2Sm 7,3), với Giêrêmia (x. Gr 1, 6-8), với Ghitôn (x. Tl 6,12), về sau với Đức Maria (x.Lc 1,28).

Khi Yavê gọi Môsê trong bụi gai cháy bừng, Người sai ông đi thi hành sứ vụ khó khăn: Trở lại Ai Cập, nơi ông bị truy nã (x. Xh 2,15), để đối mặt với Pharaô, để thuyết phục vua này để người Do Thái ra đi. Dĩ nhiên, Môsê không khỏi lo sợ trước sứ vụ này, về giới hạn của bản thân, nhất là khả năng ăn nói và tài lãnh đạo. Thế nên, Thiên Chúa đã “bù đắp” khiếm khuyến cho ông: “Ta sẽ ở với ngươi” (Xh 3,12;4,12). Do đó, Môsê đã hoàn thành sứ vụ không phải vì kỹ năng hay tài nghệ của ông, nhưng vì ông được Yavê ở cùng và trợ giúp.

Về sau, Thánh Phaolô đã đã có kinh nghiệm này khi thốt lên rằng, “ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (X. 2Cr 12, 9-10).

  1. Ý nghĩa

Theo quan điểm Thánh kinh, lời chào “Chúa ở cùng anh chị em” khơi lên ơn gọi cao quý của người tín hữu. Là con Thiên Chúa, họ có sứ vụ đặc biệt để thi hành giống như các bậc vĩ nhân trong Thánh kinh (Môsê, Maria…), là những người đã đón nhận lời mời đặc biệt từ Thiên Chúa. Mỗi người tín hữu Kitô có sứ vụ tùy theo hoàn cảnh, tùy nhiệm vụ và bậc sống trong Hội Thánh và xã hội.

Đàng khác, lời chào này cũng là một lời hứa.  Người tín hữu sẽ được sự trợ giúp của Thiên Chúa để có thể vượt qua những gian nan thử thách trong cuộc sống. Đồng thời, họ cũng có thể hoàn thành sứ vụ mà Thiên Chúa trao cho họ, dù “vượt quá sức” của họ. Lời chào này nhắc nhở mọi tín hữu rằng, dù trong hoàn cảnh nào, dù họ đang phải đối mặt với những cam go của cuộc sống hiện tại, Chúa vẫn luôn ở cùng họ, cho dù họ có cảm nhận sự hiện diện của Người hay không. Nhưng vượt trên mọi ý nghĩa, lời chào “Chúa ở cùng anh chị em” của vị chủ sự Thánh lễ nhắc mọi người về sự hiện diện của Chúa Kitô trong cộng đoàn phụng vụ, chính Người cử hành Hy tế thập giá và chính Người sẽ nuôi sống dân Người bằng Lời, Mình và Máu Người.

Lời đáp “và ở cùng cha” vừa chứng tỏ cộng đoàn nhận ra sự hiện diện của Chúa Kitô, Thần Trí của Chúa Kitô đang ở trong và ở cùng thừa tác viên chức thánh. Đây chính là sự hiện diện của Chúa qua niềm tin và trong cộng đoàn đức tin. Chúa Kitô là Linh Mục Thượng Phẩm duy nhất và linh mục, là vị đại diện cho Người để cử hành “mầu nhiệm đức tin”. Đồng thời, câu đáp này cũng diễn tả một cuộc trao đổi cản bản giữa cộng đoàn và linh mục cử hành: “xin Chúa cũng ở cùng cha nữa !”. Cộng đoàn ước muốn các linh mục cử hành thánh lễ cách kính cẩn vì “Chúa ở cùng Cha”. Do đó, trong tư cách chủ sự, linh mục tuy là con người nhưng mặc lấy phẩm tính thần linh. Vì vậy, các ngài cần phải sạch sẽ trong phẩm phục, trang trọng trong các đồ dùng phụng vụ, tận tâm trong hành động và tránh vội vàng hấp tấp khi cử hành.

  1. Thực hành

Trong nghi thức mở đầu thánh lễ, có ba mẫu chào khác nhau dành linh mục (tùy nghi sử dụng) và một mẫu dành riêng cho giám mục. Các mẫu lời chào này được trích từ các thư của Thánh Phaolô (x. Rm 1,7; 1Cr 1,3; Gl 1,3; Ep 1,2; Pl 1,2). Các Giám mục là những người kế vị các Tông Đồ và, các ngài  đã chia sẻ sứ vụ tông đồ cho các linh mục. Do đó, khi nghe lời chào “nguyện xin ân sủng và bình an của Thiên Chúa, Cha chúng ta, và của Chúa Giêsu Kitô ở cùng anh chị em”, cộng đoàn phụng vụ đang sống đặc tính Tông Truyền của Hội Thánh, vì những lời chào này cũng là cách chào chúc nhau của cộng đoàn đức tin đã sử dụng ngay từ thời Giáo Hội sơ khai.

Lm. Gs. Lê Ngọc Ngà