LỄ ĐỨC MẸ SẦU BI
Thứ Sáu Tuần Thánh khi tưởng nhớ cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu thì chúng ta cũng nghĩ đến Đức Mẹ Sầu Bi. Michelangelo thành Florence, thế kỷ 15, đã khắc một pho tượng rất nổi tiếng về Đức Mẹ Sầu Bi gọi là Pietà. Cũng có một lễ dành cho tước hiệu này vào ngày 15/09, sau lễ Suy Tôn Thánh Giá.
Lễ Đức Mẹ Sầu Bi (hay lễ Đức Bà Bảy Sự, lễ kính Bảy Sự Thương Khó của Đức Bà) trong tiếng Latin là Mater Dolorosa (hay Septem Dolorum), trong tiếng Anh là Dolors of Our Lady (hay Seven Dolors of Blessed Virgin, Seven Sorrows of Our Lady).
1. Nguồn gốc ngày lễ.
Trước cuộc cải tổ phụng vụ của Công Đồng Vatican 1969, trong phụng vụ có hai thánh lễ kính Đức Mẹ Sầu Bi. Việc tôn kính Đức Mẹ Sầu Bi do Dòng Citercian và Dòng Phanxicô khởi xướng từ thế kỷ XII và thế kỷ XIII.
Đến năm 1423, Công Đồng Cologne đã quy định thành lập lễ kính Đức Mẹ Sầu Bi (điều luật 11). Ý niệm khởi đầu chỉ hướng về mối đau khổ tổng thể, cụ thể hơn là tôn kính Đức Mẹ đau khổ đứng dưới chân thập tự giá. Thánh lễ được cử hành vào ngày thứ Sáu của tuần III sau lễ Phục Sinh.
Năm 1482, bảy sự thương khó của Đức Mẹ mới được khai triển và truyền giảng ở Âu Châu. Năm 1725 Đức Gíao Hoàng Bênêđictô XIV đưa lễ Đức Mẹ Sầu Bi qua ngày thứ Sáu trong tuần Khổ Nạn, trước Lễ Lá, đó là lễ thứ I. Năm 1668, Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ được Toà Thánh cho phép mừng lễ Đức Mẹ Sầu Bi ngày Chúa Nhật III tháng Chín.
Năm 1912 Đức Gíao Hoàng Piô X quyết định toàn thể Giáo Hội cử hành lễ này một lần nữa vào ngày 15/09 hàng năm, sau lễ kính Thánh Giá, đó là lễ thứ II. Cả hai thánh lễ đều dùng thánh thi “Stabat Mater” (Mẹ Sầu Bi đứng dưới chân Thập Giá) của Giacopone da Todi (1360), tu sĩ dòng Phanxicô, làm thánh ca cho buổi lễ.
Năm 1969, lễ Đức Mẹ Sầu Bi là ngày thứ Sáu trong tuần Khổ Nạn bị bãi bỏ do việc cải tổ phụng vụ sau Công Đồng Vatican II. Lý do việc bãi bỏ là vì Giáo Hội không muốn mừng một biến cố hay một mầu nhiệm hai lần trong một năm.
2. Ý nghĩa của “Đức Mẹ Sầu Bi”.
2.1. Đức Mẹ Sầu Bi có nghĩa là Đức Mẹ đau khổ, thương khó, thống khổ… Đức Mẹ là mẹ Chúa Giêsu, trong cuộc đời 33 năm của Chúa Giêsu, Mẹ đã cảm nhận nhiều nỗi đau thương:
1. Lời tiên báo của ông Simêon (Lc 2, 34-35);
2. Cuộc chạy trốn sang Ai-cập (Mt 2, 13-21);
3. Lạc mất Chúa ba ngày (Lc 41, 50);
4. Vác thập giá lên đỉnh Calvê (Ga 19, 17);
5. Chúa bị đóng đinh và tử nạn trên thập giá (Ga 19, 18-30);
6. Tháo xác Chúa (Ga 19, 39-40);
7. Táng xác Chúa (Ga 19,40-42).
Và cho đến ngày hôm nay, tuy đã về trời, Mẹ Maria vẫn còn tiếp tục phải chịu bao đau khổ khi chứng kiến biết bao ích kỷ, hận thù, chia rẽ, chiến tranh… giữa đoàn con cái của mình. Nhưng nỗi thống khổ lớn nhất của Mẹ chính là việc trầm luân của biết bao linh hồn đang sống trong tội lỗi và sẽ sa xuống hỏa ngục.
Lời tiên tri của cụ già Simêon khi xưa quả rất hiện thực, vì con tim của Mẹ vẫn không ngừng bị bao lưỡi đòng đâm thấu, và người đâm thấu tâm hồn Mẹ lại chính là những đứa con mà Mẹ đã một lần sinh ra trong ân sủng. Trong số những đứa con phản nghịch ấy, phải chăng có tôi và bạn?.
2.2. Giáo Hội đã đặt lễ Đức Mẹ Sầu Bi ngay sau ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá để như muốn nói rằng: “Khi Đức Kitô chịu treo trên thập giá, Chúa đã muốn cho Thánh Mẫu của Người đứng kề bên mà thông phần đau khổ”.
Cuộc đời Mẹ luôn kết hiệp với những nỗi khổ đau của Con. Có lẽ không đau khổ nào lớn hơn đau khổ của chính Mẹ Thiên Chúa, Đấng mà theo lời của thánh Gioan “đã đứng kề bên thập giá Đức Giêsu” (Ga 19, 25) trên đồi Calvê . Không ai hiểu con cho bằng người mẹ, và cũng không ai đau khổ hơn người mẹ khi phải chứng kiến sự đau khổ và cái chết của con mình:
“Mẹ sầu bi, tầm tã giọt châu,
đang đứng bên cây thập giá,
nơi Con Người đã bị treo lên.
Một lưỡi gươm nhọn đã đâm qua
tâm hồn Bà đang rên siết,
đang sầu khổ và đau buồn…”
(Thánh thi Stabat Mater)
Như Đức Giêsu Con của Mẹ, Mẹ Maria cũng tự đồng hóa chính mình với mầu nhiệm đau thương của thập giá. Bởi thế, Mẹ đáng được gọi là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc. Qua việc cử hành lễ Mẹ Sầu Bi, Giáo Hội mời gọi con cái mình hãy chiêm ngắm hình ảnh của một người Mẹ đau thương vì Con và vì chúng ta:
“Ai là người không tuôn châu lệ,
khi nhìn thấy Mẹ Chúa Kitô,
trong cảnh cực hình như thế?
Ai có thể không buồn bã nhìn xem
Mẹ Chúa Kitô, đang đau khổ cùng với con người ?’…”
(Thánh thi Stabat Mater)
Đồng thời Giáo Hội kêu mời chúng ta hãy an ủi Mẹ bằng cách bắt chước và yêu mến Mẹ hơn:
“Ôi lạy Mẹ là niềm yêu mến,
xin cho con cảm thấy mãnh lực của đau thương,
để cho con được khóc than cùng Mẹ.
Xin cho lòng con cháy lửa mến yêu,
mến yêu Đức Kitô là Thiên Chúa,
để cho con có thể làm đẹp ý Người…”
(Thánh thi Stabat Mater)
2.3. Chúng ta hãy nhớ rằng Mẹ Maria đã bắt đầu cuộc lữ hành đức tin bằng những lời xin vâng: “Tôi là nữ tỳ Chúa. Tôi xin vâng như lời Ngài truyền” (Lc 1,38) và những lời vui tươi hăng hái của người mẹ trẻ: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa … vì Chúa đã nhìn đến phận hèn tôi tớ Chúa …”.
Vì vậy, khi ngắm nhìn sự đau thương của Đức Giêsu và Mẹ Ngài trong ánh sáng Thánh Kinh, chúng ta không thể đồng hóa sự tuân phục của các Ngài với định mệnh thuyết hay thụ động tính. Trái lại, như Công Đồng Vatican II dạy: “Đức Trinh Nữ đã vững tiến trong cuộc lữ hành đức tin, và trung thành hiệp nhất với Con Mẹ cho tới khi đứng dưới chân thập giá, theo đúng chưng trình của Thiên Chúa” (LG 58):
“Ðức Maria, Nữ Vương cả đất trời,
Vẫn hiên ngang đứng vững
Gần bên thập giá Ðức Ki-tô.
Diễm phúc thay, Ðấng không phải chết
Mà được lãnh cành thiên tuế
Dành cho người tử đạo”
(Xướng đáp, Kinh Chiều Lễ Đức Mẹ Sầu Bi)
và đó là niềm vui của Mẹ cũng là niềm hi vọng của chúng ta:
Mừng vui lên, lạy Mẹ Sầu Bi,
Xưa kia cùng với Con yêu dấu,
Mẹ thông phần đau khổ,
Ngày nay Mẹ lại được cùng Người
Chung hưởng phúc vinh quang.
(Điệp ca Tin Mừng, Kinh Sáng Lễ Đức Mẹ Sầu Bi)
3. Kết luận.
Dựa theo giáo huấn Công Đồng Vatican II, Giáo Hội muốn lòng sùng kính Đức Mẹ của chúng ta hướng về Chúa Kitô. Do đó, Giáo Hội muốn chúng ta sùng kính Đức Mẹ đồng thụ nạn với Chúa Kitô khổ nạn để chúng ta noi gương Mẹ, mà kết hợp cuộc đời khổ đau của ta với cuộc đời tử nạn của Chúa Kitô, ngõ hầu mai sau chúng ta cùng được hưởng phúc trường sinh vinh hiển với Người như Đức Mẹ.
“Khi chúng con kính nhớ tình yêu đau khổ của Đức Trinh Nữ Maria, xin cho chúng con biết dùng đời sống mình để bù đắp những gì còn đang thiếu sót trong những đau khổ của Chúa Kitô để mưu ích cho Hội Thánh” (Lời nguyện hiệp lễ ngày 15-09).
Tìm kiếm thành viên
(mesaubi.com)