1. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Việc kính trọng thể Đức Maria Théotokos (Mẹ Thiên Chúa) cử hành ngày 15 tháng 8, đã được chỉ định rõ rệt trong một sách bài đọc miền Géorgien thế kỷ thứ VIII, cho thấy cùng ngày hôm đó ở Jérusalem cũng có một lễ kính Đức Mẹ tại một nhà thờ do nữ hoàng Eudoxie cho xây tại Gethsémani. Lễ Đức Mẹ An giấc (Dormitio) mà hoàng đế Maurice (+ 602) cho thực hành trong thế kỷ thứ VI khắp Đế quốc Roma, đã được cử hành ở Roma trong thế kỷ thứ VII dưới tước hiệu Đức Mẹ An nghỉ (Pausatio), cùng với một số lễ Đức Mẹ khác như Lễ Dâng con vào Đền thánh, Lễ Truyền tin, Lễ sinh nhật Đức Mẹ, còn lễ Mẹ Thiên Chúa thì cử hành ngày 1 tháng giêng. Chỉ từ thế kỷ thứ XIII, mới có tên là lễ Đức Mẹ lên trời trong sách phụng vụ Bí tích Grégorien. Sách ghi: “Người đã chịu cảnh chết tạm thời nhưng không bị khuất phục bởi xiềng xích sự chết”. Thánh lễ đã thực sự trọng thể nhờ một cuộc kiệu đêm từ nhà thờ Saint-Adrien-au-Forum đến Đền Đức Bà Cả, một đêm canh thức, một ngày chay, đến thế kỷ thứ VIII có thêm tuần bát nhật.
Một số câu chuyện ngụy thư trong thế kỷ V và VI về bước Chuyển dịch (Transitus) của Đức Maria tìm cách giải thích cái chết của Đức Mẹ trong đó đã nói tới tư tưởng việc thân xác Người được triệu về trời. Truyền thống liên tục trong Giáo hội -mà thánh Grégoire thành Tours (+594) là người làm chứng đầu tiên, tiếp theo là các giáo phụ khác như Pseudo-Modeste ở Jérusalem (+khoảng 700)- minh nhiên khẳng định có việc đưa lên trời của Đức Mẹ. Trong khi một tác giả tên là Timothée linh mục ở Jérusalem (thế kỷ VI-VII) cho rằng “cho đến bây giờ Đức trinh nữ vẫn là bất tử (nghĩa là không chết)”, ý kiến của hầu hết các Giáo phụ, cũng như phụng vụ và truyền giáo điều công nhận cái chết của Người.
Việc khắp nơi tin tưởng Đức Maria được gọi về trời càng được khẳng định do việc hàng giám mục công giáo trả lời Đức Piô VII năm 1946. Quả thế, Đức giáo hoàng, sau khi gữi một bức thư hỏi ý kiến tất cả các Giám Mục trên thế giới xem có thể công bố thành tín điều việc thân xác Đức Maria được đưa về trời, và nhận được câu trả lời khẳng định của hầu như tất cả các vị, ngày 1 tháng 11 năm 1950, qua Hiến chế Munificentissimus Deus Đức Giáo hoàng đã công bố chân lý đức tin sau đây: “Đức Maria vô nhiễm trọn đời đồng trinh, Mẹ Thiên Chúa, sau cuộc sống trần gian, đã được cất nhấc cả hồn và xác về vinh quang trên trời”.
2. Thông điệp và tính thời sự
Lời nguyện lễ vọng, lấy từ Sách các phép Giáo hoàng thế kỷ VIII (của Đức Grégoire) nhấn mạnh dây liên đới giữa việc Đức Mẹ được triệu về trời với tính cách Mẹ Thiên Chúa của Người:
“Chúa đã ban cho Người ân phúc và vinh dự được làm mẹ con Một Chúa và đã ban triều thiêng vinh hiển không ai sánh bằng Người trong ngày hôm nay …”.Trong ngày đại lễ, chúng ta thấy ba tư tưởng chính xoay quanh hai chiều kích vừa cá nhân vừa giáo hội của biến cố này.
Lời nguyện trong ngày đặt tương quan giữa việc Đức Maria được triệu về trời với ơn vô nhiễm nguyên tội và ơn làm mẹ Thiên Chúa. Một trong các nền tảng của tín điều là lời tiên báo cuộc chiến thắng của Người phụ nữ trên con rắn (St 3,15), và ba điều chúc dữ, trong đó có cái chết (xem 1Co 15,55). Hơn thế nữa: trong phúc âm Luca, Đấng Đầy ân phúc (1,28) được bà Elisabeth chào là Người được phúc lành duy nhất (1,42) chứng tỏ Đức Maria đã không bị ảnh hưởng của lời chúc dữ bởi sách Sáng Thế 3,19, nhưng gắn liền với phúc lành Con của Người. Kinh tiền tụng, lấy tinh thần từ Hiến chế Lumen Gentium của Công đồng Vatican II (số 68) gọi Đức Maria là “hình ảnh trọn vẹn của Giáo hội mai sau” và tung hô “(Lạy Chúa), Chúa đã giữ gìn khỏi hư nát thân xác của Đấng từng cưu mang Con Một Chúa và sinh ra Đấng tạo nên cuộc sống …” Trong ngày này khi mừng việc Đức Maria được triệu về trời, chúng ta cũng mừng mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô. Sợi dây liên kết bất khả phân ly nối kết Mẹ với Con mang lại một ý nghĩa đặc biệt cho biến cố này, như các bài đọc sách thánh trong thánh lễ (1 Co 15,20-26) và trong phụng vụ giờ kinh (Ep 1,16-2,10) hôm nay nhấn mạnh. Đấng được cứu chuộc trước (Pré-rachetée) cũng là Đấng được phục sinh trước (Pré-ressuscitée): “Đức Kitô lên trời đã chuẩn bị cho mẹ mình một chỗ ở vĩnh hằng- Alleluia” (điệp ca thứ nhất kinh chiều ngày vọng). Tôn vinh Đức Maria chính là tôn vinh cuộc hành trình đức tin và ân sủng đã đưa Người đến chân thập tự giá (Ga 19,25). Bài đọc thứ nhất trong thánh lễ (Kh 11-12) có vẻ muốn đặt một sự song hành giữa Người phụ nữ, Con gái Sion và Giáo hội của thời Tân Ước. Vậy nên Đức Maria được đưa lên trời, trở thành hình ảnh thời thế mạt của Giáo hội và nhờ lời khẩn cầu của mình, Người giúp nhân loại “đạt tới vinh quang phục sinh” (lời nguyện tạ lễ)
Enzo Lodi