Lễ Các Thánh Nam Nữ

0
95
Vào thế kỷ VIII, Ðức Giáo hoàng Grêgôriô III (731 -741) đã dành một nhà nguyện tại Vương Cung Thánh Ðường Thánh Phêrô, ở Rôma để cung hiến kính Các Thánh Nam Nữ và đặt ngày 1/11 cố định là Lễ Các Thánh Nam Nữ.
Ngày Lễ Các Thánh đầu tiên trong lịch sử được cử hành vào đầu thế kỷ IV để vinh danh và tưởng niệm “các vị tử đạo”. Sau này, khi Kitô hữu được tự do, Giáo hội Rôma không bị bách hại đạo nữa, Giáo hội đã dùng ngày lễ này để tỏ lòng kính trọng những người thánh thiện…
Vào thế kỷ VIII, Ðức Giáo hoàng Grêgôriô III (731 -741) đã dành một nhà nguyện tại Vương Cung Thánh Ðường Thánh Phêrô, ở Rôma để cung hiến kính Các Thánh Nam Nữ và đặt ngày 1/11 cố định là Lễ Các Thánh Nam Nữ. Sau đó, Ðức Grêgôriô IV (827-844) mở rộng Lễ Các Thánh vào 1.11 cho cả Giáo hội hoàn vũ và Ðức Urbanô IV (1261 – 1264) minh định: “Ngày Lễ Các Thánh Nam Nữ 1/11 được Giáo hội lập ra để kính nhớ tất cả các thánh, dù biết rõ hay không biết rõ, hầu  bổ túc các thiếu sót trong việc giáo hữu mừng kính các thánh vào các ngày lễ trong năm phụng vụ”.
Thánh Bênađô nói: “Trong dịp lễ kính các Thánh Nam Nữ tôi thấy một niềm vui khát vọng bừng cháy lên trong tôi… Chúng ta được vui hưởng trong cộng đoàn hạnh phúc với các ngài và đáng được nên những người đồng hương các Thánh Tổ Phụ, các Thánh Tiên Tri, các Thánh Tông Đồ, được gia nhập vào đạo binh các Thánh Tử Đạo, các Thánh Chủ Chăn, các Thánh Nam Nữ…”.
Đó chính là niềm vui mà trong một thị kiến Thánh Gioan Tông đồ đã thấy: Một đoàn người khác đông đảo không đếm được thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng: Tất cả những người đó đều “mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành lá thiên tuế chiến thắng” (x. Kh 7,2-9). Đó là hình ảnh loan báo các Thánh Nam Nữ trong Nước Thiên Chúa. Các Ngài  đã theo Chúa Giêsu – vì  “Ngài là Đấng Thánh” và “giặt và tẩy áo trắng mình trong máu Con chiên” (x. Kh 7,14).
Dù có cuộc sống khác nhau trên trần thế, nhưng các ngài đã đi theo tinh thần hiến chương của Nước Thiên Chúa – Tám Mối Phúc Thật mà Chúa Giêsu đã dạy trong bài giảng trên núi (x. Mt 5,1-12), đó là bước đi trọn lành trong lời mời gọi của Thầy: “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con ở trên trời là Đấng Trọn Lành” (Mt 5,48).
Mỗi mối phúc mà Chúa Giêsu đề cập, không được con người quan tâm như là những điều may mắn hạnh phúc: Hiền lành, khát khao nên người công chính, xót thương người, có tâm hồn trong sạch, xây dựng hòa bình. Hơn nữa, lại là những khổ đau mà con người luôn tránh: Tâm hồn nghèo khó, sầu khổ, bị bách hại. Những hoàn cảnh này Chúa Giêsu tuyên bố: Họ hạnh phúc thật. Chính sứ mạng của Chúa Giêsu đến thế gian để trao cho con người chìa khóa để mở cửa hạnh phúc, một niềm vui nội tại không bị chi phối khi ta sống giữa những hoàn cảnh khó khăn nhất.
Khi nghe giáo huấn Bát Phúc, Ghandi – vị thánh và là cha già của dân tộc Ấn Độ đã tuyên bố: Không có bản tuyên ngôn nào trên trái đất đẹp bằng Tám Phúc của Chúa Giêsu, và ông nói: “Chính bài giảng trên núi này làm cho tôi yêu mến Đức Kitô”.
Hãy yêu mến Chúa Giêsu nhiều hơn và đi theo con đường Bát Phúc. Yêu mến Thiên Chúa, noi gương các thánh như Công đồng Vaticăn II trong Hiến Chế Lumen Gentium có viết: “Các ngài tạo nên một toàn cảnh huy hoàng về những con người nam nữ, qua việc không mệt mỏi thực thi những công việc hằng ngày trong vườn nho của Chúa. Sau khi đã sống một cuộc đời âm thầm, chẳng ai biết đến, và có khi những người quyền cao mạnh thế hiểu lầm, các ngài đã được Thiên Chúa đón nhận. Các ngài là những người thợ khiêm tốn, nhưng vĩ đại đối với công việc phát triển Nước Chúa…” ( LG  40).
Mừng lễ Các Thánh, người tín hữu lắng nghe lời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II:
“Chúng ta vui mừng lễ để tôn kính các Thánh. Kinh nghiệm ấy tương tự như những điều chúng ta cảm nghiệm trong gia đình đông đúc, nơi đó chúng ta cảm thấy tình thân thương như ở nhà”.
Tình thân thương gia đình đó gợi hứng cho chúng ta sống nên thánh…
Một chàng thanh niên thuở xưa có tên là Salésio. Anh có tên thánh là Phanxicô. Một lần kia anh đọc lịch sử Giáo Hội, anh thấy trong Giáo Hội đã có 3 người mang tên Phanxicô đã làm thánh: Đó là thánh Phanxicô khó khăn, thánh Phanxicô đệ Phaolô, thánh Phanxicô Xaviê, tự nhiên anh cảm thấy mình cũng phải làm gì để được nên thánh.
Thế là anh đi tới một quyết định: Tôi sẽ là Phanxicô thứ 4. Anh đã giữ được quyết định đó và anh đã làm thánh. Đó là thánh Phanxicô Salésio.
Nên thánh đó là ơn gọi của mỗi chúng ta và  Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta những con đường nên thánh mang tên Bát phúc – Tám mối phúc thật…
Lm Vinh Sơn, SCJ