Hướng Dẫn Phụng Vụ Thứ Tư Lễ Tro

0
1318

Hướng Dẫn Phụng Vụ Thứ Tư Lễ Tro

THỨ TƯ LỄ TRO

LỜI DẪN NHẬP LỄ

Kính thưa Cộng đoàn Phụng vụ,

Hôm nay, toàn thể Hội Thánh cử hành phụng vụ Thứ Tư Lễ Tro. Chúng ta đón nhận tro trên đầu để tỏ bày lòng ta chấp nhận lời Chúa Giêsu mời gọi: “Hãy Sám Hối và Tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).

 Sự sám hối không đơn thuần là một chút đau đớn về tội mình phạm và sửa đổi một vài hành vi luân lý bên ngoài. Hoán cải phải bắt đầu từ lòng tin. Tin vào Đức Kitô, Đấng Cứu Độ, Đấng duy nhất có thể giải thoát chúng ta khỏi tội và sự chết, khỏi cuộc sống vô nghĩa, vô vọng và hư hoại; Đấng đem lại cho cuộc sống chúng ta sự tự do, ý nghĩa, sự sống đích thực và đời đời.

Như vậy, việc hoán cải đích thực bắt đầu nhờ tin vào Đức Kitô, tuyên xưng Người là Chúa, là Đấng Cứu Độ của đời ta, đón nhận Người vào tâm hồn để Người đổi mới đời sống ta. Để từ nay, “Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa” (Rm 14,8). Để từ nay, chúng ta hân hoan bước vào tình yêu thắm thiết với Chúa, sống cho Chúa và vì Chúa, dẫu có phải từ bỏ thế gian và hy sinh bản thân, vì tin rằng: tình yêu Chúa ban lại cho chúng ta những điều cao quý vạn bội, mở cho cuộc đời ta một tương lai tươi đẹp và lớn lao, hạnh phúc viên mãn và bất diệt.

Cuộc đời chỉ có một lần, ý nghĩa đời sống và định mệnh đời đời của chúng ta hạnh phúc hay bất hạnh tùy thuộc chúng ta chọn Chúa hay chọn thế gian. Chỉ có Chúa Thánh Thần có thể chiếu soi ánh sáng thần linh, cho chúng ta biết mình chỉ là tội lỗi và hư hoại; cho ta biết Chúa yêu ta vô biên và Ngài quý giá vượt mọi giá trị chóng qua trần gian; cho chúng ta sức mạnh để chọn Chúa, theo Chúa giữa sức lôi kéo gớm ghê của tiền bạc, danh vọng và lạc thú thế gian.

Chúng ta bước vào thánh lễ với tất cả đức tin, lòng mến và khiêm tốn nài xin Thánh Thần đổi mới chúng ta. Kính mời cộng đoàn đứng.

I. NGHI THỨC NHẬP LỄ

  • Hát Ca Nhập Lễ.
  • Linh mục làm dấu Thánh Giá, chào chúc, rồi nói ít lời giúp giáo dân hiểu được ý nghĩa Thánh lễ mà tham dự cách tích cực.
  • Bỏ Hành động Sám Hối và đọc Lời Nguyện Nhập Lễ.

II. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

  1. Bài đọc I: Ge 2,12-18

“Hãy xé tâm hồn chứ đừng xé áo các ngươi”

Lời dẫn: Tiên tri Gioel mời gọi chúng ta hoán cải. Đó không chỉ là thay đổi một vài hành động bên ngoài, mà là tận cõi lòng mở ra với Thiên Chúa trong tin tưởng và yêu mến, để Chúa đổ đầy chúng ta lòng thương xót và muôn ân huệ dồi dào.

  1. Đáp ca: Tv 50,3-4.5-6a,12-13, 14 và 17.
  2. Bài đọc II: 2Cr 5,20-6,2

“Hãy làm hòa với Chúa đi… Bây giờ là cơ hội thuận tiện”

Lời dẫn: Thánh Phaolô, người đã trải nghiệm cách tuyệt vời quyền năng của ơn Chúa hoán cải, mời gọi chúng ta giao hòa với Thiên Chúa trong Đức Kitô, Đấng đã đến làm người để tẩy xóa tội lỗi và đưa chúng ta về lại với Thiên Chúa.

  1. Câu xướng trước Tin Mừng: Tv 50,12a và 14.
  2. Tin Mừng: Mt 6,1-6.16-18.

“Cha ngươi, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi”.

  1. Giảng

NGHI THỨC LÀM PHÉP VÀ XỨC TRO

 Lời dẫn: Giờ đây là Nghi thức Làm Phép và Xức Tro. Xin cho chúng ta khi lên tiếp nhận tro, cũng mang trọn quyết tâm sám hối trong cõi lòng và đổi mới trong đời sống. Kính mời cộng đoàn đứng.

  • Nếu cử hành Thánh lễ tro sáng và chiều, nên chia tro làm hai phần, thực hiện Nghi Thức Làm Phép Tro vào cả hai lễ, để ý nghĩa của Nghi Thức được rõ ràng hơn.
  • Tại Việt Nam, Tòa Thánh cho phép chủ tế được dùng những người không có chức thánh giúp xức tro (chú thích trong Lịch Công Giáo).[1] Khi xức tro, thừa tác viên nói: “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” hoặc “Ta là thân cát bụi, sẽ trở về với cát bụi”.
  • Các Thừa Tác Viên không có chức thánh cần được chuẩn bị nghi thức và học trước những câu nói trên.
  • Nếu việc xức tro kéo dài, có thể đọc suy niệm chen giữa các bài hát hoặc đọc khi ca đoàn chịu tro.

Suy niệm: HÃY SÁM HỐI KHI CÒN CÓ THỂ

Bao lâu còn sống ở trần gian, chúng ta hãy sám hối! Chúng ta chỉ là nắm đất sét trong tay người thợ gốm. Đang khi nắn bình, nếu có chỗ nào méo mó hay sứt mẻ, người thợ gốm còn nắn lại được. Nhưng khi đã đưa vào lò nung rồi, thì ta không còn sửa chữa gì được nữa.

Bao lâu còn sống ở trần gian, khi còn thời gian sám hối, chúng ta hãy hết lòng sám hối về các tội đã phạm trong thân xác này, để chúng ta được Chúa cứu thoát. Vì sau khi đã ra khỏi trần gian, thì ở cuộc sống bên kia, chúng ta không thể thú tội hay sám hối được nữa. Vì vậy, khi chúng ta làm theo ý Chúa Cha, giữ mình trong sạch, và tuân giữ mệnh lệnh của Chúa, chúng ta sẽ được sống đời đời. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nói: “Nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em?” (Lc 16,11)Điều này có nghĩa là chúng ta cần giữ mình cho trong sạch, giữ lấy ấn tín của phép Thánh Tẩy cho tinh tuyền, để chúng ta được sống đời đời. [2]

Sự chọn lựa giữa Chúa và thế gian lúc này thật quan trọng. Chọn Chúa để được sống và chọn thế gian để phải chết. Chết đời đời. Việc chọn Chúa không chỉ làm nên ý nghĩa của từng phút giây sống của đời ta lúc này, mà còn làm nên định mệnh với vinh phúc đời đời. Cái đáng sợ nhất là vào ngày ta về trình diện Chúa hay ngày Chúa quang lâm xét xử thế gian, sự ân hận, tiếc nuối của chúng ta sẽ không còn cứu vãn vì bản xét xử này sẽ không còn đổi thay!

  • HÁT: …
  1. Lời Nguyện Chung
  • Xức tro xong, mời cộng đoàn đứng để dâng Lời Nguyện Chung.

 LM: Anh chị em thân mến,

Thứ Tư Lễ Tro đặt chúng ta trên con đường Mùa Chay hướng về Lễ Phục Sinh, thúc đẩy chúng ta từ bỏ nếp sống cũ và mặc lấy đời sống mới trong Đức Kitô Phục Sinh. Chúng ta xin Chúa trợ giúp chúng ta trong hành trình hoán cải này:

  1. Chúa nói: “Các người hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh”. Xin cho các Kitô hữu chăm chỉ lắng nghe Lời Chúa, tham dự Thánh lễ, lãnh nhận Bí tích Hòa Giải trong Mùa Chay này, để có được tâm tình sám hối chân thật và mạnh mẽ canh tân đời sống.
  2. Lạy Chúa, nguyện thương con theo lượng nhân hậu”. Xin cho giới trẻ ngày nay biết thắng vượt tính ích kỷ, giả dối và tham lam, để xây dựng một thế giới huynh đệ và yêu thương.
  3. “Anh em hãy làm hòa cùng Thiên Chúa”. Xin cho anh chị em đang sống trong lầm lạc, tội lỗi biết tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa mà trở về với Người, hầu được sống trong ân sủng và bình an.
  4. Giờ đây là ngày cứu độ”. Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta quyết tiến bước trên đường thánh thiện, bằng cách thôi thúc nhau cầu nguyện, sống yêu thương và làm việc thiện, để niềm vui đức tin được thắp lên trong lòng mỗi người và lan tỏa đến nhiều người.

LM: Lạy Chúa, Chúa ban cho chúng con Mùa Chay là cơ hội thuận tiện để canh tân đời sống đức tin. Xin giúp chúng con nhiệt thành cầu nguyện, chay tịnh và thực thi bác ái, hầu được đón nhận tràn đầy sự sống mới từ mầu nhiệm phục sinh của Con Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

III. PHỤNG VỤ THÁNH THỂ

  • Nên đọc Kinh Nguyện Thánh Thể “Giao Hòa” I hoặc II (Sách Nghi Thức Thánh Lễ tr. 142 hoặc 147).
  1. NGHI THỨC KẾT LỄ

Phép Lành Trọng Thể

  • Trích Sách Lễ Rôma trong thánh lễ Hòa Giải tr. 936.

LM: Chúa ở cùng anh chị em.

CĐ: Và ở cùng cha.

  1. Thiên Chúa là Cha từ bi nhân hậu, đã cho anh chị em được hòa giải với Người nhờ Đức Kitô, xin Người thương tuôn đổ ơn phúc làm cho lòng tin cậy mến của anh chị em được củng cố vững vàng.

CĐ: Amen.

  1. Anh chị em đã tin tưởng bước theo Đức Kitô, xin Người ban ơn cho anh chị em một tâm hồn cởi mở để yêu mến tha nhân, và nhờ đó sẵn sàng đón nhận ơn Chúa trong thời gian cứu độ này, đồng thời cũng trở nên ánh sáng chiếu soi mọi người chung quanh.

CĐ: Amen.

  1. Đức Kitô đem lại cho chúng ta ơn hòa giải, xin Người cho anh chị em được sống và hoạt động trong bình an của Người. Xin Người cho tâm hồn anh chị em được vui mừng hoan hỷ và sau hết, xin Người dẫn đưa anh chị em vào cõi phúc trường sinh.

CĐ: Amen.

LM: Và xin phép lành của Thiên Chúa toàn năng là Cha, và Con và Thánh Thần, xuống trên anh chị em và ở lại cùng anh chị em luôn mãi.

CĐ: Amen.

LM: Lễ xong chúc anh chị em đi bình an.

CĐ: Tạ ơn Chúa.

[1] Thực ra, Nghi thức Làm Phép và Xức Tro trong Sách Các Phép, số 1062 có ghi: “Nghi thức này có thể được cử hành bởi một linh mục hay phó tế, và có thể được trợ giúp bởi các thừa tác viên giáo dân trong việc xức tro. Tuy nhiên, việc làm phép tro được dành cho linh mục hay phó tế”. Như vậy đã ngầm chứa sự cho phép này.

[2] Một Tác Giả TK II, Bài giảng Lòng Sám Hối Chân Thành, Kinh Sách Thứ Ba Tuần XXXII Thường Niên.

Giáo Phận Xuân Lộc