Hỏi đáp về thánh lễ trong dịp Tết Nguyên Đán

0
120

HỎI ĐÁP VỀ THÁNH LỄ TRONG DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN

WHĐ (5.2.2021) – Trong những ngày chuẩn bị mừng tết Tân Sửu, một vài câu hỏi được đặt ra cho các cử hành phụng vụ theo truyền thống Việt Nam. Uỷ ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam trân trọng giới thiệu tài liệu giải thích của linh mục Giuse Phạm Đình Ái, dòng Thánh Thể, thành viên Uỷ ban Phụng tự.

Câu hỏi 1: Trong Sách Lễ Rôma [bản Việt ngữ 1992], liên hệ đến Tết Nguyên Đán, có những Thánh lễ đặc biệt của riêng Hội Thánh Việt Nam phải không?

Trả lời: Đúng vậy. Dựa theo văn hóa và truyền thống riêng của dân tộc Việt Nam cũng như dựa trên tinh thần của Hiến chế “Phụng vụ Thánh” [= PV] (số 40), Hội đồng Giám mục Việt Nam đã ra hai quyết định (vào 16/08/1971 và 04/1991) để hình thành một số lễ đặc biệt cho Hội Thánh Việt Nam được gọi là lễ cầu mùa hay lễ theo truyền thống dân tộc.[1] Những Thánh lễ đó là:

– 5 lễ vào dịp Tết Nguyên Đán: Tất Niên (tâm tình tạ ơn cuối năm); Giao Thừa (cầu bình an cho năm mới); Mùng Một/ Tân Niên (cầu bình an); Mùng Hai (kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ); Mùng Ba (thánh hóa công ăn việc làm).

– 1 lễ vào dịp Tết Trung Thu (cầu cho thiếu nhi)

– 1 lễ vào ngày 05/05 Âm lịch (cầu mùa)

– 1 lễ vào dịp Quốc Khánh 02/09 (cầu cho tổ quốc)

Câu hỏi 2: Có cần thay đổi gì trong phụng vụ để làm nổi bật nét văn hóa Việt Nam trong các Thánh lễ vào dịp Tết cổ truyền không?

Trả lời: Cho đến nay, trong tinh thần hội nhập văn hóa một cách thận trọng mà vẫn diễn tả đúng đức tin Kitô giáo và nghệ thuật thánh đích thực, chúng ta có thể tác động trên một số các yếu tố phụng vụ để tạo ra khung cảnh và bầu khí của ngày Tết cổ truyền như: [i] Môi trường phụng vụ: trang trí thánh đường với các thực thể hoặc biểu tượng của ngày tết như “cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, chưng các loại hoa như: mai, đào, lan, cúc, trạng nguyên… (QCSL 305); [ii] Cuộc rước nhập lễ (chứ không phải tiến lễ) với bánh chưng bánh dày trong các lễ Tất Niên, Giao Thừa, Mùng Một/ Tân Niên, với các sản phẩm do địa phương làm ra trong Thánh lễ Mồng Ba Tết như biểu tượng cho một công việc đặc biệt hoặc căn tính của cộng đoàn địa phương (CHTL 180);[2] [iii] Âm nhạc: sử dụng các bài thánh ca phụng vụ mang âm điệu dân gian Việt Nam (QCSL 393; MVTN 90).

Ngoài ra, khi cử hành những Thánh lễ trên đây, vì phụng vụ không phải là những hoạt động riêng tư nhưng là cử hành của toàn thể Hội Thánh (nói đúng hơn đó là động tác của chính Chúa Kitô, Thủ Lãnh Hội Thánh và của Hội Thánh Người mà thừa tác viên cử hành là đại diện) cũng như nhằm tránh ngộ nhận và gìn giữ sự hiệp nhất trong Hội Thánh, “tuyệt đối không ai khác, dầu là linh mục, được lấy quyền riêng tư thêm bớt hay thay đổi một điều gì trong phụng vụ” mà phải sử dụng một cách đúng đắn các yếu tố sau cho phù hợp với ngày lễ/mùa phụng vụ (x. PV 22, 26): [i] Bài lễ/ bản văn phụng vụ đã được phê chuẩn nằm trong Sách Lễ Rôma. Nên nhớ rằng bài lễ của các lễ theo truyền thống dân tộc cũng đích thực là yếu tố phụng vụ đặc sắc và đậm chất văn hóa Việt Nam; [ii] Bài đọc Kinh Thánh riêng của ngày lễ nằm trong Sách Bài Đọc (QCSL 362, 390); [iii] Bài hát/thánh ca phù hợp với ngày lễ và nghi thức cử hành (QCSL 47-48, 74, 86-87, 367, 393; MVTN 73, 133, 162, 179, 180, 183); [iv] Phẩm phục phụng vụ: Theo QCSL 342, tại Việt Nam, đang khi còn cần phải nghiên cứu về lễ phục phụng vụ sao cho hợp với truyền thống dân tộc, trong khi cử hành Thánh lễ, không được sử dụng những lễ phục chưa được Hội đồng Giám mục chuẩn nhận và Toà Thánh châu phê. Vì vậy, trong dịp Tết, các tư tế không nên tự tiện sử dụng các loại áo tụng/ áo dài khăn đống… mà nên mặc phẩm phục được quy định cho những ngày lễ này là màu trắng hoặc mặc lễ phục màu vàng vốn được coi là lễ phục long trọng tại Việt Nam vì là màu vương giả quý phái (QCSL 346g, 390).

Câu hỏi 3: Tết cổ truyền năm nay vào dịp cuối tuần, vậy Thánh lễ chiều thứ bảy (mùng 2 tết) và Chúa nhật (mùng 3 tết) được cử hành Lễ Chúa nhật hay không?

Trả lời: Chúng ta tham khảo Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [2000] tại các số sau:

373. Lễ cầu cho những nhu cầu khác nhau hoặc trong những hoàn cảnh khác nhau là những lễ được cử hành trong một số hoàn cảnh hoặc đôi lúc xảy ra hoặc vào những thời kỳ nhất định. Các vị có thẩm quyền có thể chọn trong các lễ cho các nhu cầu khác nhau làm lễ Khẩn Cầu (Supplicationibus), mà Hội Đồng Giám Mục ấn định phải cử hành vào những dịp nhất định trong năm. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã chỉ định những ngày khẩn cầu và sám hối trong năm như sau: a)Những ngày cầu mùa:  1. Mồng Một Tết: Cầu cho năm mới; 2. Mồng Hai Tết: Cầu cho ông bà tổ tiên; 3. Mồng Ba Tết: Cầu cho công việc làm ăn; 4. Tết Trung Thu: Cầu cho Thiếu nhi. b) Những ngày sám hối: 1. Thứ Sáu quanh năm và mùa Chay (GL điều 1250); 2. Thứ Tư lễ Tro. Vì Thứ Tư lễ Tro thường hoặc trùng vào dịp Tết Nguyên đán, nên Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã quyết định và đã xin Toà Thánh phê chuẩn để được dời việc xức tro và ăn chay vào ngày thứ Sáu hoặc thứ Bảy tiếp theo. Khi phải dời, Hội Đồng Giám Mục sẽ có thông báo cụ thể (x. Notitiae số 35 năm 2000, p. 32).

374. Khi gặp một nhu cầu hoặc một lợi ích mục vụ quan trọng, Giám Mục giáo phận có thể ra lệnh hoặc cho phép cử hành một Thánh lễ thích hợp vào bất cứ ngày nào, trừ các lễ trọng, các Chúa Nhật mùa Vọng, mùa Chay và mùa Phục Sinh, các ngày trong Tuần bát nhật Phục Sinh, ngày lễ mọi tín hữu đã qua đời (2-11), thứ Tư lễ Tro và Tuần Thánh.

Thông thường, như Lịch Những Ngày Lễ Công Giáo (2020-2021) đã ấn định: chúng ta được cử hành Thánh lễ Chúa nhật vào chiều thứ Bảy (mùng 2 tết) và Chúa nhật (mùng 3 tết) trong dịp Tết Nguyên Đán năm nay. Tuy nhiên, chiếu theo Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma (các số 373-374) vừa trích dẫn ở trên, vào chiều thứ Bảy (mùng 2 tết) và Chúa nhật (mùng 3 tết), chúng ta được phép và rất nên cử hành Thánh lễ Mồng Hai Tết (kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ) vào cả ngày thứ Bảy và Thánh lễ Mồng Ba Tết (thánh hóa công ăn việc làm) vào Chúa nhật vì những Thánh lễ này được coi là ưu tiên hơn Thánh lễ Chúa nhật mùa Thường niên. Mặt khác, đó là những lễ theo truyền thống dân tộc và mỗi năm chỉ xảy ra một lần (xem phần trả lời câu hỏi 1).

Câu hỏi 4: Đối với các cộng đoàn nước ngoài cử hành Thánh lễ ngoại ngữ thì như thế nào?

Trả lời: Vì 5 lễ vào dịp Tết Nguyên Đán [là Tất Niên (tâm tình tạ ơn cuối năm); Giao Thừa (cầu bình an cho năm mới); Mùng Một/ Tân Niên (cầu bình an); Mùng Hai (kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ); Mùng Ba (thánh hóa công ăn việc làm)] thuộc về những ngày lễ đặc biệt cho Hội Thánh Việt Nam được gọi là lễ cầu mùa hay lễ theo truyền thống dân tộc (dành cho tín hữu Việt Nam khắp nơi trên thế giới), cho nên cộng đoàn nước ngoài vẫn cử hành Thánh lễ Chúa nhật như thường vào chiều thứ Bảy (mùng 2 tết) và Chúa nhật (mùng 3 tết).

Câu hỏi 5: Nhiều nơi có thói quen cử hành Thánh lễ mùng 2 tết tại đất thánh (nghĩa trang), xin giải thích và hướng dẫn cử hành này.

Trả lời: Như phần trả lời câu hỏi 1 cho thấy “Thánh lễ Mùng Hai Tết” thuộc về phụng vụ rất riêng biệt của dân tộc Việt Nam. Cho đến nay, chúng ta hiểu Thánh lễ này được cử hành thích hợp tại nhà thờ/nhà nguyện chứ không thấy thẩm quyền Hội Thánh đề nghị hay quy định cử hành tại nghĩa trang/ đất thánh. Vì vậy, thực hành cử hành “Thánh lễ Mùng Hai Tết” tại nghĩa trang/ đất thánh Công giáo là một sáng kiến mục vụ hơn là thực hành thuộc về luật pháp và phụng vụ đúng nghĩa.

Có lẽ thực hành này phát sinh bởi những lý do sau: [i] Theo tập tục vẫn có từ đời cha Đắc Lộ, để thánh hóa ba ngày Tết Nguyên Đán, Hội Thánh đã chỉ định Ngày mồng một Tết Nguyên Đán, là Ngày cầu Hòa Bình cho gia đình, dân nước và thế giới. Ngày mồng hai Tết, cầu nguyện cho tiên nhân, cho ông bà, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc đã qua đời, theo tinh thần của Đạo Hiếu. Ngày mồng ba Tết, Ngày Cầu Mùa, để xin Chúa chúc lành cho công việc làm ăn được phát đạt;[3] [ii] Bản văn phụng vụ của “Thánh lễ Mùng Hai Tết” có chỗ hướng chúng ta đến việc cầu nguyện cho tiền nhân, những người đã “ra đi” trước chúng ta: “Nhớ cầu cho bậc tổ tiên, khắc ghi công đức một niềm tri ân” (Ca nhập lễ); “Phúc thay kẻ nhắm mắt lìa đời, đã lìa đời trong ơn nghĩa Chúa. Trải qua bao nhọc nhằn vất vả, giờ đây họ xứng đáng nghỉ ngơi. Vì công đức xưa kia vẫn còn theo họ mãi” (Ca nhập lễ); “Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận mà tuôn đổ hồng ân xuống trên tổ tiên và ông bà cha mẹ chúng con, để chúng con cũng được thừa hưởng phúc ấm của các ngài” (Lời nguyện tiến lễ); [iii] Bài đọc I trích trong sách Huấn Ca nói về tổ tiên và ông bà cha mẹ với “mồ yên mả đẹp và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế”.

Thực hành cử hành “Thánh lễ Mùng Hai Tết” tại nghĩa trang/ đất thánh Công giáo hiện đã lan truyền tại nhiều giáo xứ. Vậy có nên tiếp tục thực hành này không? Để trả lời câu hỏi trên, chúng ta cần làm một so sánh:

“Thánh lễ Mùng Hai Tết” rất khác với “Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời” được cử hành vào ngày 02/11 hàng năm và vốn thường diễn ra tại nghĩa trang/ đất thánh Công giáo. Ngoài ngày 02/11 ra, giáo xứ có thể cử hành Thánh lễ tại nghĩa trang/ đất thánh Công giáo (chẳng hạn hàng tháng) với bài lễ “Cầu cho các tín hữu đã qua đời” (QCSL 355, 381) và với lễ phục màu tím/ màu đen (QCSL 346). “Thánh lễ Mùng Hai Tết” cũng khác với tất cả những “Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời” như thế.

Sở dĩ “Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời” (02/11) được cử hành [ngoài trời] tại nghĩa trang/ đất thánh Công giáo là vì hôm ấy có thể coi là “ngày của người quá cố”. Chúng ta hiện diện và cử hành Thánh lễ ở đây thì thật là thích hợp để tưởng nhớ và cầu nguyện cho tất cả anh chị em tín hữu đã an giấc ngàn thu, những người vẫn tiếp tục phải trải qua thanh luyện hầu đạt tới sự thánh thiện cần thiết để sớm bao nhiêu có thể họ sẽ là những cư dân nơi thiên quốc (Roman Martyrology). Hơn nữa, tất cả không gian/ khung cảnh bên ngoài tại nghĩa trang/ đất thánh Công giáo cho thấy chúng hoàn toàn phù hợp với:

– [i] Bài lễ của “Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời” trong đó chúng ta khẩn cầu Chúa Giêsu, Đấng đã chết và đã sống lại (Ca nhập lễ 1; Lời nguyện nhập lễ 1&2), đã toàn thắng tội lỗi và thần chết (Lời nguyện hiệp lễ 2; Lời nguyện nhập lễ 3), đã đổ máu ra làm lễ tế giao hoà mở lòng khoan dung, từ bi nhân hậu mà rửa các tín hữu đã ly trần sạch mọi vết nhơ tội lỗi (Lời nguyện tiến lễ 2; Lời nguyện hiệp lễ 3), xin Người cứu họ thoát khỏi vòng tội lỗi (Lời nguyện hiệp lễ 2), giải thoát họ khỏi tử thần giam hãm và được sống muôn đời (Lời nguyện tiến lễ 3)/ đem lại cho họ “sự sống mới” (Ca nhập lễ 3)/ “sự phục sinh vinh hiển” (Lời nguyện nhập lễ 1)/ “vinh phúc muôn đời” (Lời nguyện nhập lễ 2)/ giúp họ hưởng niềm vui muôn đời” (Lời nguyện hiệp lễ 3)/ “chung hưởng vinh quang với Con Một Chúa” (Lời nguyện tiến lễ 1)/ “vào nhà Chúa, nơi đầy tràn ánh sáng và bình an” (Lời nguyện hiệp lễ 1)/  “cùng Người hưởng vinh quang phục sinh” (Lời nguyện hiệp lễ 2)/ “muôn đời chiêm ngưỡng Chúa là Ðấng tạo thành và giải thoát họ” (Lời nguyện hiệp lễ 3);

– [ii] Bài đọc Kinh Thánh được công bố nhằm giúp chúng ta thêm xác tín vào Thiên Chúa hằng sống (Bài đọc 1 – Lễ I), Đấng sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần (Bài đọc I – Lễ II; Bài đọc 2 – Lễ III), Đấng có ý định không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết (Bài Tin Mừng – Lễ I; Bài đọc 2 – Lễ III); xác tín vào Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Người là sự sống lại và là sự sống (Bài Tin Mừng – Lễ III, nhờ Máu của Người đổ ra mà chúng ta được cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa và được hoà giải cùng Thiên Chúa (Bài đọc 2 – Lễ I), Đấng có quyền năng làm cho những kẻ đã chết  sống lại trong ngày sau hết (Bài Tin Mừng – Lễ I); mời gọi về phía con người: ai tin vào Đức Giêsu thì dù đã chết, cũng sẽ được sống, còn ai sống và tin vào Người thì sẽ không bao giờ phải chết (Bài Tin Mừng – Lễ III), họ sẽ được sống muôn đời, được sống lại trong ngày sau hết (Bài đọc 1 – Lễ I), được ở với Người trên Thiên Đàng (Bài Tin Mừng – Lễ II), ai cùng chịu đau khổ với Người thì sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người (Bài đọc 2 – Lễ II); về các tín hữu đã qua đời: chúng ta đang dâng hy lễ để cầu cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi (Bài đọc 1 – Lễ III);

– [iii] Bài hát/thánh ca được cất lên có chủ đề về cuộc vượt qua của Chúa Kitô, về lượng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa, nhờ đó chúng ta tràn đầy hy vọng về số phận của những anh chị em đã qua đời sẽ được thoát hình khổ, thoát vực sâu vô tận, được từ cõi chết trở về nguồn sống, nguồn sống mà Chúa đã hứa cho Abraham và con cháu Người để rồi được Thiên Chúa cho sống mãi bên Chúa (x. Ca nhập lễ – Ca hiệp lễ và Ca tiến lễ ngày lễ 02/11 trong Graduale Romanum / Graduale Simplex).

Như vậy hầu như mọi yếu tố trong phụng vụ cho đến khung cảnh tại nghĩa trang/ đất thánh đều phù hợp với ý nghĩa và tâm tình của “Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời” là “Hy lễ Thánh Thể tưởng niệm cuộc vượt qua của Chúa Kitô, cầu cho những người đã qua đời, để nhờ sự hiệp thông giữa các chi thể trong nhiệm thể Chúa Kitô, thì điều mang lại ơn trợ giúp thiêng liêng cho các chi thể này cũng đem lại niềm an ủi cậy trông cho các chi thể khác” (QCSL 379).

Trong khi đó, “Thánh lễ Mùng Hai Tết” hướng chúng ta về tổ tiên, ông bà, cha mẹ là những đấng cộng tác với Thiên Chúa để sinh thành, dưỡng dục chúng ta thành người (Lời nguyện nhập lễ). Trong ý hướng kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ của “Thánh lễ Mùng Hai Tết” thì việc tưởng nhớ và cầu nguyện cho những người đã khuất chỉ là một phần vì đây không hẳn là ngày của người quá cố/ chỉ tập trung vào những người đã ly trần. Phần còn lại, lớn hơn và quan trọng hơn chính là giáo huấn của Hội Thánh liên quan đến đạo hiếu dành cho những người đang sống như một hình thái của sự thực hành đức tin đích thực: không được sống dựa vào truyền thống mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử” (Bài Tin Mừng: Mt 15, 4-6). Đạo hiếu ở đây có thể được hiểu như trong Cổ thư (Hiếu lớn nhất là tôn vinh cha mẹ, hai là không làm nhục cha mẹ, ba là có thể phụng dưỡng cha mẹ) vì những lời răn dạy này hoàn toàn phù hợp với thông điệp của Bài Tin Mừng ngày lễ Mùng Hai Tết nói riêng và tinh thần của Kitô giáo nói chung: “Con cái sẽ đáp lại công ơn cha mẹ với lòng biết ơn, tâm tình hiếu thảo và tin cậy, sẽ theo đạo làm con mà phụng dưỡng cha mẹ trong nghịch cảnh cũng như trong tuổi già cô quạnh”.[4] Đạo hiếu là hiếu nghĩa cả với những đấng bậc đã qua đời và những đấng bậc còn sống nữa. Đối với những bề trên đã qua đời, Hội Thánh khuyến dụ chúng ta biết tôn kính và noi gương các bậc tiền nhân vì các ngài là những người đạo hạnh, biết xót thương, tuân giữ Lề Luật, luôn tín trung son sắt đến cùng trong đức tin vào Chúa (Bài đọc I: Hc 44,10-15). Đối với bậc bề trên còn sống, Hội Thánh nhắc nhở chúng ta biết sống đạo làm con trong việc vâng lời cha mẹ và tôn kính các ngài như một bài học căn bản cho đời sống làm người và làm con cái Chúa (Bài đọc II: Ep 6, 1-3), “Con ơi giữ lấy lời Cha, chớ quên lời mẹ, nhớ mà ghi tâm” (Ca nhập lễ). Lời nguyện chúng ta dâng lên Chúa cũng chính là cam kết của chúng ta trong cuộc sống: “xin giúp chúng con luôn sống cho phải đạo đối với các ngài” (Lời nguyện nhập lễ), “xin giúp chúng con ngày nay sống sao cho tròn chữ hiếu đối với tổ tiên và ông bà cha mẹ” (Lời nguyện hiệp lễ).

Với những lý giải vừa trình bày, có lẽ sẽ không thích hợp lắm nếu chọn cử hành “Thánh lễ Mùng Hai Tết” tại nghĩa trang/ đất thánh Công giáo. Hơn nữa, trong một cử hành đặc biệt khá long trọng như “Thánh lễ Mùng Hai Tết”, cùng với bản văn phụng vụ của “Thánh lễ Mùng Hai Tết”, chúng ta được phép và rất nên hát kinh Vinh Danh (QCSL [1970] số 31; Notitiae 6 [1970] 263, no. 33; (QCSL [2002] số 53). Nhưng nếu hát kinh Vinh Danh ngay tại nghĩa trang thì thật là bất thường (QCSL 53). Dường như cũng bất thường không kém khi vào dịp Tết Nguyên Đán, chúng ta lại không theo chỉ dẫn của Lịch Những Ngày Lễ Công Giáo mà đổi sang cử hành “Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời” tại nghĩa trang với lễ phục tím (QCSL 355, 381, 346), và nếu còn lôi cả bộ lễ mồ/cầu hồn ra hát vào dịp này nữa thì thật là thảm họa. Sự thay đổi bài lễ/ áo lễ/ nơi cử hành Thánh lễ như thế thực sự là không cần thiết và không thuộc ý định của Hội Thánh.

Để tránh những gì là không thích hợp và bất thường trên, nhiều nơi tiến hành cử hành “Thánh lễ Mùng Hai Tết” với bản văn phụng vụ của “Thánh lễ Mùng Hai Tết” tại nhà thờ vào buổi sáng. Còn vào buổi chiều thì cử hành Thánh lễ tại nghĩa trang với bản văn phụng vụ và bài đọc Sách Thánh của “Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời”. Tuy nhiên, sáng kiến/ thực hành này nên tránh vì đụng phải hai vấn đề: [i] Thứ nhất, [theo như bản trả lời câu hỏi 2 ở trên], vào ngày Mùng Hai Tết, tất yếu chúng ta nên cử hành Thánh lễ với đúng áo lễ màu trắng/ áo vàng, đúng bản văn phụng vụ và đúng bài đọc Kinh Thánh riêng của ngày lễ Mùng Hai Tết vốn được soạn thảo và quy định chỉ để sử dụng một ngày trong năm. Điều này có nghĩa là không được thay thế áo lễ/ bài lễ/ bài đọc của Thánh lễ Mùng Hai Tết; cũng không được “trộn lẫn” theo kiểu mặc áo tím rồi sử dụng bài lễ và bài đọc của Thánh lễ Mùng Hai Tết; [ii] Thứ hai, “Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời” với bản văn phụng vụ và bài đọc Kinh Thánh riêng của nó đã được cử hành cách long trọng tại nghĩa trang vào ngày 02/11. Không những thế, chúng ta vẫn có thể cử hành “Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời” tại nghĩa trang nhiều lần khác nữa trong năm phụng vụ mỗi khi cần thiết. Hơn nữa, ngày nào chúng ta cũng cầu “Xin Chúa cũng nhớ đến anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại, và mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con đã ly trần trong tình thương của Chúa. Xin cho hết thảy được vào hưởng ánh sáng tôn nhan Chúa” (Kinh Nguyện Thánh Thể). Vậy hà cớ gì lại dùng bài lễ của “Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời” để thay thế cho bản văn phụng vụ và bài đọc Kinh Thánh riêng của ngày lễ Mùng Hai Tết.

Từ những gì vừa trình bày, chúng ta rút ra kết luận thực hành cho phụng vụ ngày Mùng Hai Tết như sau:

– [i] Thứ nhất, cử hành “Thánh lễ Mùng Hai Tết” tại nhà thờ với lễ phục màu trắng/ vàng, với bản văn phụng vụ và bài đọc Sách Thánh của “Thánh lễ Mùng Hai Tết”;

– [ii] Thứ hai, không nên cử hành Thánh lễ tại nghĩa trang/ đất thánh Công giáo dù là với bản văn phụng vụ và bài đọc Sách Thánh của “Thánh lễ Mùng Hai Tết” hay “Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời”;

– [iii] Thứ ba, không được mặc lễ phục tím trong khi cử hành Thánh lễ với bài lễ của “Thánh lễ Mùng Hai Tết”;

– [iv] Thứ tư, các tín hữu nên đến nghĩa trang/ đất thánh để thăm viếng, chăm sóc mộ phần, tưởng nhớ và đọc kinh cầu nguyện cho tất cả những người thân yêu đã được Chúa gọi về như một việc đạo đức cá nhân mà không cần thiết phải có một thay đổi nào về phụng vụ (x. Hướng dẫn về Lòng Đạo đức Bình dân và Phụng vụ (2001), số 260).

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS

[1] “Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma” [2002] (= QCSL), các số 373, 26, 395-399); “Những quy luật tổng quát về năm phụng vụ và lịch chung Rôma”, các số 45-46.

[2] Xc. Catholic Bishops’ Conference of England Wales, Celebrating the Mass (Catholic Truth Society, 04/2005), 180.

[3] Đường Thi Trương Kỷ, Ý Nghĩa Linh Thiêng Ngày Tết Nguyên Đán”, < https://gpcantho.com/y-nghia-linh-thieng-ngay-tet-nguyen-dan/>

[4] Công đồng Vatican II, Gaudium et Spes, số 48.