Hỏi – Đáp về những lưu ý phụng vụ dịp Trung Thu 2022

0
23

HỎI – ĐÁP VỀ NHỮNG LƯU Ý PHỤNG VỤ DỊP TRUNG THU 2022

WGPSG (09.9.2022) – Ngày 05 tháng 9, Ủy ban Phụng tự – Hội đồng Giám mục Việt Nam phổ biến “Lưu ý Phụng vụ dịp Trung Thu 2022” của linh mục Phêrô Kiều Công Tùng, Chưởng ấn Tòa Tổng Giám mục và đặc trách phụng tự của Tổng Giáo phận. Nhân dịp này, Ban Truyền thông Tổng Giáo phận có dịp đặt câu hỏi với Cha để mở rộng hiểu biết về những lưu ý phụng vụ liên hệ đến Trung Thu năm nay.

Hỏi: Thưa Cha, xin giải thích về hoàn cảnh xuất phát và cơ sở của những lưu ý mà Ủy ban Phụng tự đã phổ biến về Tết Trung Thu năm nay.

Trả lời: Những lưu ý phụng vụ dịp Trung Thu được Ủy ban Phụng tự giới thiệu xuất phát từ hoàn cảnh mục vụ hiện tại của Tổng giáo phận Sài Gòn. Một vài cha nêu thắc mắc và tôi đã căn cứ trên các quy định hiện hành đưa ra những lưu ý này trong vai trò Đặc trách phụng tự của Giáo phận.

Trước hết, theo Giáo luật điều 1248 §1, người nào tham dự Thánh lễ được cử hành theo nghi thức Công giáo vào chiều ngày thứ Bảy hoặc chiều ngày áp lễ buộc thì đã giữ trọn luật buộc tham dự Thánh lễ của ngày hôm sau. Về mặt Giáo luật, người tín hữu chỉ cần tham dự bất cứ Thánh lễ nào theo nghi thức Công giáo để chu toàn luật buộc.

Tuy nhiên, Thánh bộ Phượng tự và kỷ luật Bí tích đã hướng dẫn thêm trong Notitiae 20 (1984-1985) trang 603 như sau:

“về khả năng để đáp ứng cho luật buộc ‘buổi chiều của ngày hôm trước’, thì luôn luôn phải dành ưu tiên cho cử hành theo luật buộc tuân giữ, mà không tuỳ thuộc vào bậc phụng vụ của hai cử hành trùng nhau” (de possibilitate satisfaciendi praecepto iam «vespere diei praecedentis», praecedentia semper danda est celebrationi, quae est de praecepto servanda, independenter a gradu liturgico duarum celebrationum occurrentium).

Ở đây, nhằm lợi ích thiêng liêng cho người tín hữu là được nghe các bản văn phụng vụ, đặc biệt là các bài đọc Lời Chúa theo chu kỳ năm Phụng vụ, Thánh bộ yêu cầu phải ưu tiên cho cử hành bản văn của chính ngày lễ buộc. Đây là yêu cầu đối với mọi Thánh lễ của cộng đoàn vào chiều thứ Bảy hoặc chiều ngày áp lễ buộc, nhằm bảo vệ quyền lợi của người tín hữu. Hãy giả sử có những người vì hoàn cảnh phải thường xuyên dự lễ chiều thứ Bảy thay cho Chúa nhật nhưng linh mục lại không dâng lễ theo Chúa nhật, ta sẽ nhận ra sự thiệt thòi thiêng liêng của họ mà Hội thánh đã dự liệu.

Hỏi: Tết Trung Thu đã được Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM) ấn định là ngày cầu nguyện cho thiếu nhi và có bậc cao hơn Chúa nhật thường niên không?

Trả lời: Tết Trung Thu là một trong những ngày lễ theo truyền thống dân tộc được HĐGM Việt Nam quyết định đưa vào lịch riêng của Giáo hội Việt Nam và là ngày cầu cho thiếu nhi. Thẩm quyền trong việc thích nghi lịch phụng vụ của HĐGM được xác định qua Hiến chế về Phụng vụ thánh (số 107 quy chiếu theo số 22 §2) của Công đồng Vaticanô II. Thẩm quyền này được nhắc lại trong Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma (QCSL) số 394, kèm theo nguyên tắc:

“Trong khi thực hiện việc này, phải đặc biệt duy trì và bảo vệ ngày Chúa nhật như là ngày lễ hàng đầu; do đó, không được đặt các việc cử hành khác lên trên, trừ khi có trường hợp rất quan trọng” (QCSL, 394).

Cũng không được hiểu các lễ riêng theo quyết định của HĐGM đã mặc nhiên áp dụng năng quyền của Giám mục giáo phận được đề cập trong QCSL số 374 (số 332 quy chế cũ):

“Khi gặp một nhu cầu hay một lợi ích mục vụ quan trọng, Giám mục giáo phận có thể ra lệnh hoặc cho phép cử hành một Thánh lễ thích hợp vào bất cứ ngày nào, trừ các lễ trọng, các Chúa nhật mùa Vọng, mùa Chay và mùa Phục sinh, các ngày trong Tuần Bát nhật Phục sinh, ngày lễ mọi tín hữu đã qua đời (2-11), thứ Tư lễ Tro và Tuần Thánh”.

“Một nhu cầu hay một lợi ích mục vụ quan trọng” của QCSL số 374 hay “trường hợp rất quan trọng” trong QCSL số 394 cần được các vị có thẩm quyền suy xét và hướng dẫn cụ thể cho từng trường hợp. Trước đây, HĐGM đều có hướng dẫn riêng cho những năm có Tết Nguyên Đán trùng vào Chúa Nhật, và ngay cả trùng vào thứ Tư lễ Tro (với phép của Tòa Thánh ngày 26/11/1998), vì những ngày này có tầm quan trọng đặc biệt trong truyền thống văn hóa của dân tộc. Tết Trung Thu năm nay là một trường hợp khác, tuy cũng quan trọng nhưng có lẽ chưa đủ để được đặt lên trên “ngày Chúa nhật như là ngày lễ hàng đầu” nên HĐGM không đưa ra bất cứ quyết định nào và thay vào đó Ủy ban Phụng tự chọn giới thiệu những lưu ý cử hành phụng vụ để bảo đảm lợi ích thiêng liêng của nhiều người dự lễ chiều thứ Bảy thay cho Chúa nhật.

Hỏi: Giám mục giáo phận có năng quyền quyết định hoặc cho phép cử hành theo bản văn Tết Trung Thu vào chiều thứ Bảy năm nay không?

Trả lời: Theo QCSL số 374 đề cập ở trên, các Giám mục giáo phận khi dựa trên hoàn cảnh thực tế và xét thấy đây là một nhu cầu hay lợi ích mục vụ quan trọng thì vẫn có quyền cho phép trong giáo phận của ngài cử hành ngày Trung Thu năm nay vào chiều thứ Bảy, 10/9/2022, với bản văn và các bài đọc của thánh lễ Tết Trung Thu, và bỏ qua yêu cầu phải “đặc biệt duy trì và bảo vệ ngày Chúa nhật như là ngày lễ hàng đầu”. Tại Sài Gòn, Đức Tổng giám mục Giuse chưa đưa ra quyết định nào cho phép dùng bản văn Tết Trung Thu vào chiều thứ Bảy này.

Vì thế, những lưu ý phụng vụ cho dịp Trung Thu năm nay hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh mục vụ tại Sài Gòn, không đi ngược cũng chẳng thay đổi những quy định sẵn có. Những lưu ý được Ủy ban Phụng tự phổ biến đã dự liệu tình huống “nếu giám mục giáo phận quyết định cách khác” theo QCSL đã được trích dẫn ở câu trả lời trên.

Hỏi: Nhân dịp này, xin Cha giải thích lễ Tết Trung Thu thuộc bậc nào? Có sự thay đổi hay hạ bậc không?

Trả lời: Tết Trung Thu cũng như các ngày Tết Nguyên Đán và ngày Quốc Khánh được xếp vào loại “Lễ theo nhu cầu và các hoàn cảnh khác nhau” theo phụng vụ, hoàn toàn khác với các ngày lễ cử hành mầu nhiệm của Chúa hoặc tôn kính chư thánh, nên không thể đặt vấn đề nâng hay hạ bậc phụng vụ. Vấn đề chúng ta đang trao đổi liên quan đến thứ tự ưu tiên khi cử hành chứ không phải bậc lễ theo phụng vụ.

Những lưu ý được giới thiệu chỉ tập trung vào khía cạnh phụng vụ, nghĩa là liên quan đến bản văn và các nghi thức Thánh lễ, chứ hoàn toàn không nhằm hạn chế hay “cấm” tổ chức ngày Trung thu cho thiếu nhi, cũng không xóa bỏ ngày cầu cho thiếu nhi đã được HĐGM ấn định. Mục đích của ngày này là để mọi thành phần dân Chúa ý thức quan tâm nhiều hơn đối với các em thiếu nhi. Dù không cử hành thánh lễ theo bản văn Tết Trung Thu nhưng cộng đoàn vẫn cầu cho thiếu nhi theo ý chung của Thánh lễ và đặc biệt qua ý nguyện trong Lời nguyện chung. Còn phần lễ hội ngoài thánh lễ hoàn toàn không bị ảnh hưởng gì chính là dịp để cộng đoàn thể hiện sự quan tâm và chăm lo cho các em một cái tết tuổi thơ thật vui tươi và đáng nhớ.

Hỏi: Cha có thể giải thích cụ thể hơn về những sáng kiến hội nhập?

Trả lời: Lưu ý về những sáng kiến hội nhập văn hóa trong phụng vụ cũng xuất phát từ thực trạng mục vụ của Sài Gòn trong thời gian qua được nhiều giáo dân phản ánh vì thấy không phù hợp với phụng vụ. Hiến chế về Phụng vụ thánh tuyên bố rõ các linh mục “không được tự ý thêm bớt hay thay đổi một điều gì trong phụng vụ” (PV, 22 §3). Trong vai trò đặc trách phụng tự, tôi chỉ phụ giúp Giám mục giáo phận chu toàn “nghĩa vụ bảo vệ sự duy nhất của Giáo Hội phổ quát” và “đề phòng đừng để du nhập các lạm dụng kỷ luật trong Giáo Hội” (x. GL 392; Huấn thị Bí tích Cứu độ, số 177) khi đưa ra lưu ý này. Cần biết rằng, thẩm quyền thẩm định và đề nghị xin Tòa Thánh chấp thuận những thích nghi hội nhập văn hóa chỉ dành riêng cho HĐGM (x. PV, 40 §1; QCSL 395).

Ban Truyền thông Tổng Giáo phận cám ơn Cha Phêrô Kiều Công Tùng đã trả lời các thắc mắc này.

Truyền thông TGP Sài Gòn

Nguồn: tgpsaigon.net

#luuyphungvu #phngvutettrungthu