CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG- CHÚA NHẬT HỒNG GIỮA MÙA TÍM

0
200

Trong Hiến chế Gaudium et Spes, công đồng Vaticanô 2 đã mở đầu với đường hướng mục vụ như sau: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày hôm nay cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Đức Kitô, và không có gì là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ”. Những môn đệ của Chúa Giêsu phải sao chép lại cuộc sống của Thầy mình. Ngài đã đến trần gian chung hòa kiếp sống đi sâu vào phận người, vui với người vui, khóc với người khóc và tiến nhận cái chết trên Thập giá để khai mở cho nhân loại chân trời ơn cứu độ. Cái chết và sự Phục sinh của Đức Giêsu chính là căn nguyên của niềm vui, biến ưu sầu thành hoan lạc, biến khổ đau thành hạnh phúc cho con người chúng ta.

Nói tóm lại, đạo Công giáo không phải là một tôn giáo nhuốm vẻ bi thương và sầu khổ, cho dù khi nhìn lên Thánh giá, chúng ta dễ rơi vào tình cảm đạo đức mang dáng dấp khổ đau. Đạo hay con đường mà Chúa Giêsu mở toang ra cho chúng ta chính là con đường của niềm vui và hy vọng.

Đây cũng chính là chủ đề của phụng vụ Chúa nhật hôm nay, Chúa nhật Gaudete. Các bài đọc đều vang vọng lời hiệu triệu: “ Hãy vui lên vì Chúa đã gần đến, Đấng thánh Israel đang ở giữa ngươi”. Chúa Nhật hôm nay còn được gọi là ‘Chúa Nhật hồng giữa mùa tím’ với tâm tình hoan vui này.

Vui mừng và hy vọng

Các bài đọc Lời Chúa Giáo hội đọc lên trong phụng vụ hôm nay đều mang âm hưởng của một niềm vui sâu xa. Trong bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Sôphônia nhắc đi nhắc lại: “Reo vui lên hỡi thiếu nữ Sion, con cái Israel hãy nức lòng phấn khởi” (Sop 3, 14). Có một nét đặc thù nơi sứ điệp của Sophonia khi ông mời gọi nhà Israel cũng như thiếu nữ Sion hãy reo vui, vì Thiên Chúa sẽ thực hiện ơn cứu độ, đồng thời chính Ngài cũng sẽ vui mừng khi ở giữa dân và thể hiện lòng thương xót cho dân. “Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng như trong ngày lễ hội. Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ.” (Sop 3, 17). Đức Chúa là căn nguyên của niềm vui và Ngài cũng cảm nhận niềm vui thực sự nơi chính Ngài.

Cùng với lời hiệu triệu hãy vui lên, vị tiên tri còn nhắn nhủ dân chúng “ Hỡi Sion đừng sợ, chớ kinh hãi rụng rời”(c 38).

Trong Tin mừng, Đức Giêsu cũng nhiều lần nhắc đi nhắc lại khẩu lệnh đó, mời gọi các học trò tiến sâu vào quỹ đạo tình yêu nơi Ngài để có được bình an và thoát vượt mọi sợ hãi.

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã khởi đầu triều đại Giáo hoàng của mình với thông điệp ‘Đừng sợ’. Đây không phải là lời trấn an mang tính tâm lý nhưng là lời mời gọi chúng ta hãy đi sâu vào cảm thức đức tin để luôn bám chặt vào Thiên Chúa, Đấng mang lại niềm vui và sự an bình. Vì thế bắt đầu mùa vọng để khai mở năm thánh 2000, Ngài đã gửi đi bức thông điệp để nhắn nhủ mọi người, đặc biệt các bạn trẻ: “ Đừng sợ, hãy mở cửa đón Đức Kitô” (Don’t be afraid, open the door to Christ).

Kinh thánh Cựu ước kể lại câu chuyện về bà Sara vợ ông Abraham. Bà Sara đã già nua, đến tuổi gần đất xa trời, nhưng Đức Chúa lại nói cho bà biết bà sẽ sinh con trai. Có lẽ bà nghĩ Thiên Chúa cũng có đầu óc khôi hài, nên bà đã phì cười. Thần sứ hỏi tại sao bà cười, hay bà nghi ngờ và không tin lời Chúa nói. Bà chối phắt vì sợ (St 18, 16). Sự sợ hãi đã làm lịm tắt nụ cười trên đôi môi của bà. Nhưng khi bà sinh con, niềm vui đã trở lại, vì bà đã hoàn toàn tin tưởng nơi Chúa. Abraham được mệnh danh là cha của những kẻ tin. Còn bà Sara, (theo nguyên ngữ tiếng Aram, có nghĩa là ‘người đàn bà cười’), đã tìm lại niềm vui và thoát khỏi sợ hãi, vì cuối cùng bà cũng tin vào lời của Đức Chúa.

Vì vậy, để có được niềm vui, chúng ta phải quy hướng trọn vẹn về Chúa. Niềm vui và sự bình an chân thật không đến từ những ồn ào náo nhiệt bên ngoài của ngày lễ Giáng sinh, nhưng niềm vui phát xuất từ sâu tận bên trong tâm hồn. Chúng ta nhìn vào mẫu gương Mẹ Maria. Sau khi thưa lời xin vâng và đón nhận Đức Giêsu đến ẩn cư trong cung lòng mình, Mẹ liền vội vã lên đường với niềm vui tròn đầy. Vừa đến nhà bà chị họ Isave, Đức Maria đã thốt lên: “ Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Chúa Đấng cứu chuộc tôi” (Lc 1, 39). Đó là niềm vui sâu xa trong tâm hồn của những ai luôn sống kết hợp với Chúa là Chúa của niềm vui.

Thưa ông chúng tôi phải làm gì?

Để có được niềm vui thực sự, chúng ta cũng phải đặt ra câu hỏi giống dân Do thái ngày xưa khi nghe Gioan rao giảng: “ Thưa ông, chúng tôi phải làm gì?”. Câu trả lời của Gioan trong Tin mừng hôm nay cũng là sứ điệp Giáo hội muốn nhắn gửi đến chúng ta :“ Ai có hai áo hãy chia cho người không có…. Đừng đòi hỏi quá mức đã ấn định … Chớ hà hiếp ai, cũng đừng chiếm đoạt của người khác, hãy bằng lòng với đồng lương của mình” (Lc 3, 10-14). Điều mà Thánh Gioan tiền hô khuyên nhủ dân chúng là hãy thành tâm chỉnh sửa lối sống, thực thi công bằng và sống bác ái đối với nhau. Con đường đến với Chúa và con đường đến với tha nhân cũng chỉ là một, bởi vì tha nhân chính là bí tích hiển thị dung mạo của Đức Kitô, như Ngài đã nói: “Vì xưa Ta đói các ngươi đã cho ăn, Ta khát các ngươi đã cho uống, Ta trần trụi các ngươi đã cho mặc, Ta đau yếu hay ở tù các ngươi đã thăm nom” (Mt 25, 40).

Triết gia Nietzche đã có lần tuyên bố: “ Tha nhân là hỏa ngục”. Ông là một người vô thần, không tin Thiên Chúa nên không thể nào khám phá ra hình ảnh Thiên Chúa nơi những con người mà ông gặp gỡ hằng ngày. Ngược lại như Thánh Giacôbê đã viết: “ Ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà giận ghét anh em, đó là kẻ nói dối”. Thánh Gioan tiền hô là người dọn đường để chúng ta đến với Chúa, và con đường để đến được với Chúa phải đi ngang qua tha nhân.

Trước lễ Giáng sinh, chúng ta vẫn thường gửi những cánh thiệp để chúc nhau một lễ Noel vui tươi và an bình. Niềm vui và sự bình an đó chỉ có thể đạt được khi chúng ta biết giao hòa thực sự với Chúa và với nhau, gạt bỏ hết những thù hận và chia cách.

Có một vị linh mục đã có sáng kiến trang trí cho ngày lễ Giáng sinh bằng cách dựng một máng cỏ với cây Thánh giá bên cạnh thay cho cây Noel. Sáng kiến này khá độc đáo, bởi vì theo Ngài, Chúa Giêsu đến trần gian để bắt đầu cuộc hành trình yêu thương nơi chuồng bò Belem và kết thúc cuộc hành trình ấy nơi đỉnh cao Calvê. Máng cỏ Belem và Thập giá núi Sọ là hai thông số của một thực tại duy nhất, đó là tình yêu Thiên Chúa dành trao cho con người. Vì thế muốn hưởng nhận niềm vui Giáng sinh cách thật sự, chúng ta cũng phải cảm thấu và hiển thị tình yêu một cách rõ nét, không phải chỉ qua những buổi tham dự phụng vụ để đến với Chúa, mà còn trong trọn cuộc sống để đến với nhau, nhất là phải cải thiện mối tương quan với mọi người như lời nhắn nhủ của thánh Gioan tiền hô ngày hôm nay.

Kết luận

Chúa Nhật hôm nay còn được gọi là Chúa Nhật Gaudete, Chúa Nhật của niềm vui và cũng là Chúa Nhật hồng giữa mùa tím. Đạo Công giáo là đạo của niềm vui, đạo của mầu hồng tươi sáng. Chúa đến trần gian không phải để thiết lập một tôn giáo như người ta vẫn hay nghĩ tưởng. Hai ngàn năm trước, Ngài đi sâu vào phận người để công bố cho chúng ta một tin vui, đó là tin Thiên Chúa yêu thương con người. Tin vui hay Tin mừng này khởi đầu từ máng cỏ Belem và đạt đến đỉnh điểm khi Ngài bị treo thân trên Thập giá. Chúa Giêsu đến trần gian và mời gọi chúng ta nên thánh, nhưng như DonBosco đã nói cho các học sinh: “Bí quyết nên thánh là luôn sống vui tươi và chu toàn bổn phận của mình”. Cũng tương tự, Thánh Phanxicô Salê cũng dí dỏm nói rằng: “Một vị thánh buồn là một vị thánh thật đáng buồn”. Chớ gì chúng ta cảm nhận được niềm vui thánh thiện trong dịp lễ Giáng sinh sắp tới cũng như trong suốt cả ‘mùa vọng lớn’ là chính cuộc lữ hành đức tin chúng ta ngày hôm nay.

Văn Hào, SDB