Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

0
65

Ngày xưa, khi nhắc đến các Thánh tử đạo, nhất là các vị tử đạo Việt nam, chúng ta thường hình dung đến những cực hình ghê sợ mà người ta nghĩ ra để hành hạ các ngài. Các cực hình dã man ấy không những không làm lung lạc đức tin của các ngài, mà còn khiến các ngài càng mạnh mẽ hơn trong việc đón nhận và tuyên xưng đức tin. Ngày nay, những cái chết vì đức tin như vậy vẫn còn diễn ra dưới nhiều hình thức tử đạo mới. Hằng năm trên thế giới vẫn có hàng ngàn người đang phải chịu khốn khổ, bị kỳ thị vì đức tin của mình. Nhiều người đã phải bỏ quê hương để đi tìm một chỗ nương thân an toàn, ví dụ như tại Irăc và Sirya trong năm vừa qua. Nhà nước IS đã tuyên bố bất cứ ai kêu tên Giêsu mà người khác nghe được thì bị xử bắn. Vì thế, trong năm qua, có đến hàng trăm Kitô hữu đã bị giết tại Sirya chỉ vì họ nhận mình là Kitô hữu. Cũng giống như thế, tại quốc gia Bắc Hàn, các Kitô hữu phải sống một cuộc sống hết sức khó khăn, bị o ép và khủng bố, có thể bị tù đày, bị giết chết bất cứ lúc nào. Tại quốc gia này, cuốn Kinh Thánh trở thành cuốn sách bị cấm. Ai đọc hoặc giữ cuốn Kinh Thánh trong người, có thể bị tử hình.
Tại Việt Nam, kể từ những ngày đầu tiên khi Tin Mừng được gieo vãi trên quê hương đất nước cho đến nay, người Kitô hữu dường như liên tục bị bách hại về niềm tin của mình. Tổ tiên của chúng ta, các vị tử đạo Việt Nam, đã đón nhận đức tin trong hoàn cảnh hết sức khó khăn như thế. Các ngài đã phải chọn lựa và quyết định cho mình một niềm tin, một nếp sống khác với những người đồng hương lúc đó. Trong khi những người khác hoàn toàn sống theo tâm tình tôn giáo dân gian, sống một cuộc sống thoải mái dễ dãi, thì tổ tiên chúng ta đã chấp nhận đi vào con đường của Tin Mừng. Các ngài đi theo con đường hẹp, chấp nhận tuân theo giới răn lề luật của Thiên Chúa, từ chối các thần linh của dân ngoại. Các ngài mặc dù có chọn lựa riêng cho mình, sống giới răn riêng của Tin Mừng, nhưng các Ngài không sống tách biệt khỏi các người đồng hương, trái lại, các ngài đã sống đến cùng giới răn yêu thương, bác ái đối với những người khác. Có những thời kỳ chính quyền đã coi các tín hữu như công dân hạng hai, họ khắc trên mặt người Công giáo chữ “tả đạo” để dễ dàng phân biệt đối xử. Cha ông của chúng ta vẫn không hề thù oán, không phản kháng, không báo thù, các ngài vẫn tận tình sống tình yêu thương chan hoà với hết mọi người, khiến những người dân ngoại đã gọi họ là “những người theo đạo yêu nhau”.
Các vị tử đạo đã sống đúng như lời sách Khôn Ngoan đã nói : Linh hồn những người công chính ở trong tay Thiên Chúa, không một cực hình nào có thể động tới được các ngài…Trước mắt người đời, chúng tưởng như các ngài đã chết, nhưng thực ra các ngài vẫn đang sống… Người đời nghĩ rằng các ngài bị trừng phạt, nhưng các ngài vẫn chứa chan hy vọng. Ba trăm năm đầu tiên là quãng thời gian hết sức khó khăn đối với các tín hữu, thế nhưng, dường như những cơn đàn áp càng khốc liệt, thì Tin Mừng lại càng được loan truyền và con số những người tin theo Chúa lại càng gia tăng. Các ngài bị hành hạ nhưng các ngài vẫn hy vọng vào phần thưởng Nước Trời mà Thiên Chúa đã hứa.
Bước sang thế kỷ 20 – 21, tình hình bắt bớ, giết hại những tín hữu có phần lắng xuống, nhưng không phải đã được tự do hoàn toàn. Người Kitô hữu Việt Nam lại trải qua một hình thức tử đạo khác. Họ vẫn phải cố gắng sống và thể hiện niềm tin của mình trong một môi trường xã hội mới. Nhiều nơi, các tín hữu vẫn bị o ép giới hạn cách này cách khác. Nhiều người đã bị tù tội chỉ vì mang danh là người Kitô hữu, vì nhiệt tâm phục vụ. Nhiều tín hữu đã chết trong tù hoặc nơi rừng sâu nước độc, chỉ vì muốn sống đến cùng đòi hỏi của Tin Mừng. Bên cạnh những người mạnh dạn tuyên xưng đức tin và hết mình bảo vệ quyền được sống và thể hiện đức tin của mình, thì cũng có những người đã chấp nhận thỏa hiệp với cơn bách hại của quyền lợi và danh vọng. Trong số đó, không thiếu những người vì quyền lợi, địa vị xã hội, sẵn sàng che giấu đức tin của mình, không dám nhận mình là người có đạo. Những người này còn muốn thể hiện ra bên ngoài như thể là mình chưa từng biết Chúa Giêsu. Họ công khai từ chối Chúa Giêsu và Tin Mừng, từ chối nếp sống của người tín hữu ; họ xấu hổ vì Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài.
Bước vào thời kỳ văn minh hiện đại hôm nay, ở một số nơi, các tín hữu Kitô vẫn đang bị bách hại bởi các nhóm khủng bố, các nhà cầm quyền; còn người Kitô hữu Việt Nam lại phải đương đầu với cơn bách hại khác. Cuộc bách hại này có lẽ không đến từ những áp lực bên ngoài, nhưng là một cuộc chiến liên tục bên trong mỗi người để chọn cho mình một cách sống. Ngày xưa, cha ông chúng ta đã chấp nhận cái chết đổ máu để giữ đạo; ngày nay, chúng ta cũng đang phải từng ngày rỉ máu vì chọn lựa sống đạo. Chúng ta chọn để sống theo Đức Kitô, có nghĩa là chọn sống giống như Ngài, sống nghèo khó và quảng đại phục vụ, sống yêu thương và tha thứ.
Ngày nay, trong khi con người đề cao tự do một cách thái quá thì người Kitô hữu lại chấp nhận khép mình vào trong khuôn thước của Tin Mừng. Chúng ta được mời gọi sống sự tự do của con cái Chúa, tức là thoát khỏi sự ràng buộc của vật chất, dục vọng để vươn lên sống đúng với tư cách là con Thiên Chúa, những người đã được cứu chuộc. Xã hội ngày nay tìm mọi cách để thoả mãn mọi nhu cầu của con người, thì người tín hữu lại chấp nhận một cuộc sống tiết chế, làm chủ bản thân, bắt mình phải quy hướng về Thiên Chúa và thần phục Ngài.
Giàu có, sung túc đang là mục tiêu của nhiều người, nó cũng biến con người trở nên tàn ác với nhau để giành được mục tiêu đó. Người Kitô hữu không thể đứng bên ngoài dòng chảy này. Tuy nhiên, chúng ta được mời gọi không thể để mình sống và đối xử với nhau theo bản năng của con thú, nhưng đối xử bằng tình bác ái và tình yêu thương. Con người khi đã đạt được sự giàu có thì dễ dẫn đến cuộc sống phô trương hưởng thụ, còn người tín hữu được mời gọi sống siêu thoát, tức là sống tinh thần nghèo khó khiêm nhường, phó thác cuộc đời, công viêc, tài sản cho Chúa và sử dụng của cải theo ý Chúa. Cuộc sống khi giàu có dễ biến căn nhà của chúng ta trở thành kín cổng cao tường, làm cho con người trở nên to bụng nhưng tay chân ngắn lại, trở nên khép kín và lạnh lùng đối với nhau. Người Kitô hữu được mời gọi mở rộng cửa nhà và mở rộng đôi tay để có thể bước đến với anh em, để chia sẻ và phục vụ họ.
Cuộc tử đạo của chúng ta hôm nay là liên tục sống tình yêu thương và tha thứ. Có lẽ vì vậy mà Giáo hội đang hoàn thiện hồ sơ để tôn phong Tôi Tớ Chúa, Đức Hồng Y Fancis Nguyễn Văn Thuận, lên bậc Chân phước Tử đạo cho dù Ngài không trực tiếp chết vì đạo. Giáo hội đã nhìn thấy gương sống yêu thương và tha thứ của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận như cuộc tử đạo liên tục. Trong thánh lễ an táng ngài, Đức Thánh Giáo Hoàng JP II và cả giáo triều lúc đó đã mặc phẩm phục màu đỏ thay cho màu tím truyền thống. Trong quan tài của Đức Hồng Y, người ta đã đặt vào đó một tấm bia bằng đồng ghi tóm tắt lịch sử cuộc đời của ngài. Việc làm này cho thấy sự kính trọng mà giáo triều đã dành cho ngài như truyền thống Giáo hội vẫn làm cho các vị tử đạo.
Đức hồng Y Fancis đã tử đạo bằng đời sống yêu thương và tha thứ cho những kẻ bách hại ngài. Sau hàng chục năm tù tội bất công, bị biệt giam như một con chó, vậy mà không bao giờ ngài kêu than oán trách. Trái lại, ngài luôn cầu nguyện cho những kẻ giam giữ mình. Trong các tác phẩm để lại, cũng như các cuộc nói chuyện, ngài kể về những năm tháng tù đầy như là những năm tháng ngài được tĩnh tâm, được sống thân mật với Chúa và làm việc mục vụ bằng lời cầu nguyện. Ngài tuyệt đối không dùng một lời lẽ cay cú hay thù oán, nhưng thay vào đó là một tâm hồn bình an, thanh thản đón nhận ý Chúa.
Chúng ta đang sống trong thời hiện đại, chúng ta cũng sẽ phải trải qua những cuộc tử đạo hiện đại và trở thành những vị tử đạo hiện đại. Chúng ta sẽ không chết vì gươm giáo hoặc đạn bắn, nhưng chúng ta sẽ phải chấp nhận chết, chấp nhận thiệt thòi vì Tin Mừng, vì sống đến cùng của lời mời gọi của Chúa : Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá hàng ngày mà theo Ta… Ai liều mạng sống mình vì tôi thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Chúng ta cũng sẽ phải hết mình để chu toàn vuông tròn giới răn lề luật của Chúa và Hội Thánh, không thoả hiệp cũng không giảm thiểu.
Chúng ta sẽ phải tử đạo bằng đổ mồ hôi và nước mắt trong gia đình để bảo vệ sự vĩnh viễn của hôn nhân và để xây dựng một gia đình Công Giáo đúng nghĩa. Trước sự tấn công của các trào lưu xã hội trên các gia đình, chúng ta sẽ phải là những chiến sĩ chấp nhận hy sinh, không ngại thương tích để bảo vệ hạnh phúc và phẩm giá cao quý của đời sống hôn nhân và gia đình. Trước sức ép của cuộc sống vật chất, chúng ta vừa phải lao vào cuộc sống để tìm kiếm cơm ăn áo mặc cho con cái, nhưng cũng phải chấp nhận rướm máu vì giữ giới luật công bằng, yêu thương và bác ái.
Các bạn trẻ cũng phải tử đạo liên tục để sống đúng với ơn gọi là một người trẻ Công Giáo trong xã hội biến chuyển này. Chúng ta sẽ phải đổ máu để bảo vệ sự tinh tuyền của linh hồn và thân xác khỏi cơn bão của hưởng thụ ích kỷ, phim ảnh sách báo và lối sống buông theo dục vọng. Chúng ta vẫn phải sống, phải bước đi với mọi người trong xã hội, nhưng vẫn phải chiến đấu để khỏi đánh mất mình và mục đích cuộc đời trong dòng chảy của xã hội hôm nay.
Như thế, cuộc tử đạo ngày nay xem ra không kém phần khốc liệt như cuộc tử đạo ngày xưa của các vị tiền nhân. Xin Chúa qua sự bầu cử của Đức Maria và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, giúp chúng ta là con cháu của các ngài, biết sống khí tiết anh hùng của các Tiền Nhân, dám sống cho tới cùng lý tưởng của Tin Mừng trong thời đại hôm nay. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc