Bảy Chìa Khóa Để Hiểu Bí Tích Hoà Giải

0
51

Bảy Chìa Khóa Để Hiểu Bí Tích Hoà Giải

Những ai đến nhận lãnh bí tích Hoà Giải đều được Thiên Chúa nhân từ tha thứ những xúc phạm đến Ngài. Ðồng thời họ được giao hòa cùng Hội Thánh mà tội lỗi họ đã làm tổn thương. Nhưng Hội Thánh hằng nỗ lực lấy đức ái, gương lành và kinh nguyện, để hoán cải họ” (Hiến chế tín lý về Giáo Hội, 11).

Bí tích này được gọi là Bí tích Thống hối, Giao hòa, Tha thứ, Xưng tội và Sám hối. Các danh xưng này đến từ gốc từ la-tin confiteri, “thú nhận”.

  1. Tội là gì?

Đằng sau từ “tội” xem ra nặng nề lại chứa đựng một thực tại cuộc sống. Từ nguyên thuỷ, con người đã là mỏng dòn và yếu đuối. Tất cả đều có khuynh hướng về tội. “Tội” là một lời nói, một hành vi hoặc một ước muốn xấu, thậm chí là một sự thiếu xót, khi trái nghịch với Luật vĩnh cửu. Những sai lỗi này xúc phạm đến Thiên Chúa, vì không vâng phục tình yêu của Người, đồng thời chúng cũng gây tổn thương cho bản thân và làm đổ vỡ tình liên đới giữa nhân loại. Nói cách khác, tội là sự thiếu vắng tình yêu.

  1. Tội trọng và tội nhẹ

Hội Thánh phân biệt có hai loại tội: Tội nặng (còn gọi là tội trọng) và tội nhẹ.

(1) Tội trọng là tội tự bản chất nó là sự dữ  như giết người, hiếp dâm, ngoại tình, tiếp tay với quân khủng bố đặt bom giết hại người khác, nhất là chối bỏ hay lăng mạ Thiên Chúa, Đức Mẹ và các Thánh, công khai chối đạo …

Ngoài bản chất là nghiêm trọng, tội trọng chỉ thành tội khi người ta đã biết rõ tính chất nghiêm trọng đó mà vẫn cố tình phạm với ý muốn tự do.

Hậu quả của tội trọng là phá hủy hoàn toàn đức ái và cắt đứt  mọi tình thân đối với Chúa vì đã chống lại Người cách quá nặng nề. Do đó, nếu ai chết trong khi đang mắc tội trọng mà không kịp xin tha qua bí tích hòa giải thì sẽ chịu hình phạt hỏa ngục (x. SGLGHCG số 1035).

(2) Tội nhẹ: không cắt đứt tình thân với Chúa nhưng cũng xúc phạm đến Người và làm tổn thương phần nào đức ái (x. SGLGHCG số 1855).

Đối lại với tội là sự tha thứ. Chính nhờ sự tha thứ mà tội nhân thoát khỏi những độc hại của tội lỗi. Nó giúp hối nhân nối lại tương quan với Thiên Chúa và tha nhân mà họ đã “cắt đứt” khi phạm tội. Với người tín hữu, qua cuộc khổ nạn, Đức Kitô cho thấy rõ tính chất trầm trọng của tội và đã chiến thắng nó nhờ vào lòng thương xót của Người. Đây là giáo lý của Hội Thánh mà mọi tín hữu phải tuân thủ cho được hiệp thông với Giáo Hội trong mục đích yêu mến, tôn thờ Thiên Chúa và thực hành các giới răn của Người hầu được hưởng nhờ ơn cứu độ của Chúa Kitô.

  1. Bí tích Hoà Giải và các thành phần

“Xưng tội” là tên cổ điển của bí tích Hoà Giải. Nó bao hàm ý nghĩa trước tiên là sự tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa, tiếp đến, như là hệ quả, là việc thú nhận tội lỗi của hối nhân. Đây là hành động tự do, can đảm và trung thực. Về phương diện tâm lý, nó có thể có tác dụng giải thoát. Đối với người tín hữu, hành động này thể hiện sự nhận biết tình yêu trung thành của Thiên Chúa và ước muốn sống một đời sống mới.

Ăn năn. Trước khi hối nhân đến xin nhận bí tích Hoà Giải, họ phải ăn năn tội. Hối nhân cần ý thức rõ, nhận biết mình đã hành động xấu, hối hận, “đau đớn trong lòng và chê ghét tội đã phạm, dốc lòng chừa từ nay không phạm tội nữa”(x. CРTrentô : DS 1676).

Có hai cách ăn năn tội:

(1) Ăn năn tội cách trọn: Khi hối nhân ăn năn vì lòng yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Nhờ việc ăn năn này, họ được xoá bỏ các tội nhẹ và cũng đem lại ơn tha các tội nặng, nếu họ quyết tâm đi xưng tội càng sớm càng tốt (x. CĐ Trentô, DS 1677). Thế nhưng, ai biết mình mặc tội trọng mà chưa xưng tội thì không được rước lễ, dù đã ăn năn tội cách trọn, ngoại trừ trường hợp có lý do hệ trọng và chưa thẻ xưng tội được. (x. CĐ Trentô, 1647)

(2) Ăn năn tội cách chẳng trọn: Khi hối nhân thấy việc xấu xa của tội lỗi mình đã phạm hoặc vì sợ hình phạt đời đời cũng như những khổ hình khác mà kẻ phạm tội phải chịu. Việc ăn năn cách chẳng trọn tự nó không đem lại ơn tha thứ các tội trọng, nhưng hối nhân có sự biến chuyển nội tâm và thúc giục họ chuẩn bị tâm hồn đón nhận ơn tha tội trong bí tích Hoà Giải (x. Trent ô, DS 1678).

Không thể có sự tha thứ nếu tội nhân không có sự hối hận, hay hối tiếc về những lỗi phạm, quyết tâm không tái phạm và quay về với Thiên Chúa tình yêu (chừa cãi).

Xưng tội. Lời thú tội với linh mục là phần cốt yếu của bí tích Hoà Giải. Khi xưng tội, hối nhân nói hết các tội trọng mình nhớ được sau khi xét mình cẩn thận, dù những tội này rất kín đáo, tuy nhiên, các tội này thường làm cho linh hồn bị tổn thường nặng nề và nguy hiểm hơn những tội phạm công khai (x. CĐ Trentô, 1680).

Qua lời xưng tội cá nhân, người tín hữu nhận biết sự tai hại của hành vi phạm tội. Khi thú nhận lỗi lầm với linh mục, họ sẽ được giải thoát, vì linh mục có thể ban ơn tha tội và bình an của Chúa.

Giải tội. Từ này có gốc từ la-tinh absolutio, có nghĩa là sự tha bổng của toà án. Đối với bí tích Giao Hoà, việc tha tội chính là absolutio, không phải vì hối nhân không phạm tội hay vô tội, nhưng vì Thiên Chúa làm cho họ trở nên ‘vô tội” qua sự tha thứ của Người. Hối nhân phục hồi sự tự do để có thể chọn lựa, từ chối mọi khuynh hướng xấu, hành vi xấu mà mình đã sai phạm trước kia. Trên hết, qua việc absolutio, hối nhân được trở lại tình trạng ân sủng của bí tích Rửa Tội.

Đền tội. Bí tích Giải Tội tha thứ tội lỗi, nhưng không xoá bỏ những hậu quả xấu do tội gây nên (x. Giáo Luật, điều 914). Do đó, sau khi được tha thứ, hối nhân còn phải phục hồi hoàn toàn sức sống thiêng liêng qua việc phải làm gì đó để sửa lại lỗi lầm của mình: phải đền bù cân xứng nhưng tội đã gây thiệt hại cho tha nhân, hoặc phải đền tạ tội lỗi của mình.

Linh mục chú ý đến tình trạng và mưu cầu lợi ích của hối nhân mà ra việc đền tội cho tương xứng với bản chất và tính chất trầm trọng của tội đã phạm.

  1. Ý nghĩa của bí tích Hoà Giải

Tình yêu của Thiên Chúa lớn hơn sự sa ngã của con người. Đối diện với Thiên Chúa, qua trung gian linh mục, bí tích Hoà Giải giúp hối nhân thể hiện sự tự do, nhận ra sự thiếu vắng tình yêu và có khả năng thay đổi thật sự.

Bí tích Hoà Giải thường gặp phải những quan niệm sai lầm khi xem nó như là một toà án hoặc đơn giản chỉ là việc thực hành tâm lý. Nó thật sự là một tiến triển trong đời sống đức tin, hướng về tình yêu của Thiên Chúa, của chân lý, của niềm hy vọng và của bác ái. Nó là một hành trình hoán cải, tha thứ và hoà giải. Hành trình này hướng hối nhân về một cuộc trở về mới.

Bí tích này bắt đầu bằng việc lắng nghe Lời Chúa. Chúa dùng lời của Người kêu gọi “hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”, “hãy trở về, trở về với Cha Nhân Lành”. Chính Người hướng dẫn hối nhân làm một cuộc trở về đích thật trong tâm hồn. Do đó, trong thực hành bí tích Hòa Giải, trước tiên, hối nhân có thể chọn một đoạn Lời Chúa thích hợp, đọc và giữ thinh lặng để Lời Chúa được thấu hiểu, để tâm hồn hòa nhịp với Lời Chúa, để có một cuộc trở về với Tình Yêu đích thực.

  1. Nguồn gốc của bí tích Hoà Giải

Vào thời Hội Thánh sơ khai, chưa xuất hiện một nghi thức tha tội đặc biệt. Chỉ có Thánh Thể giúp người tín hữu làm mới lại ân sủng đã lãnh nhân từ Chúa Kitô Phục Sinh.

Đến thế kỷ thứ III, bí tích sám hối mới thực sự xuất hiện trong Hội Thánh. Nhưng nó chỉ được ban một lần duy nhất: cho người tín hữu nào phạm tội trọng. Hối nhân phải xưng thú tội lỗi của mình cách kín đáo với giám mục hoặc linh mục; sau một thời gian thực hành sám hối, họ được nhận sự tha thứ (absolutio). Việc sám hối phải được thực hành cách công khai. Hối nhân phải hoàn tất “việc sám hối được chỉ định”. Bí tích Hoà Giải mang chiều kích cộng đoàn, vì chính cộng đoàn sẽ đón nhận tội nhân và sẽ tuyên bố công khai việc ăn năn của tội nhân.

Từ thế kỷ thứ IV – VII, thái độ của Giáo Hội rất nghiêm khắc với tội nhân. Nếu tội nhân công khai phạm những tội đặc biệt trầm trọng, chẳng hạn như bội giáo (chối bỏ đức tin công khai), giết người hoặc ngoại tình hay phạm thánh. Những tội nhân nhân sẽ bị khai trừ khỏi Cộng đoàn với nghi thức phạt vạ tuyện thông công khai. Trong nghi thức này, tội lỗi của tội nhân được công bố kèm theo việc công bố hình phạt nặng nề và lâu dài dành cho tội nhân. Họ trở thành hối nhân và được cộng đoàn cầu nguyện để xin Chúa tha thứ và chấp nhận sự sám hội của họ. Sau một thời gian, hối nhân được tái nhận vào công đoàn trong một nghi thức do Đức giám mục chủ sự, thường vào Thứ Năm Tuần Thánh. Đây là hình thức làm việc đền tội trước khi được ban ơn tha thứ !

Cũng từ thế kỷ VI, các đan sĩ Ailen đã thiết lập bản liệt kê việc đền tội dành cho linh mục giải tội, chẳng hạn tội công khai thì làm việc đền tội công khai, tội kín đáo thì đền tội kín đáo. Dần dần, việc xưng rội riêng và đền tội riêng được thực hành phổ biến hơn.

Từ thế kỷ thứ IX, việc xưng tội riêng được thực hành nhiều nơi trong Giáo Hội. Linh mục giải tội ban phép giải tội trước khi hối nhân làm việc đền tội.

Năm 1215, Công Đồng Laterano IV đã ấn định việc xưng tội một năm ít là một lần. Ba thế kỷ sau, Công Đồng Trentô tái khẳng định luật này, đồng thời Công Đồng cũng chỉ rõ tiến trình lãnh nhận Bí tích giải tội gồm các giai đoạn: xét mình, ăn năn tội, xưng tội và đền tội. Giáo lý này vẫn được dạy cho đến ngày này. Tuy nhiên, Công Đồng Vatican II đã tái khẳng định lại chiều kích cộng đoàn trong việc cử hành nghi thức sám hối.

  1. Cử hành bí tích Hoà Giải

Bí tích Hòa Giải được cử hành tại nơi và tòa giải tội theo luật quy định. Dù rằng việc giao hòa các hối nhân được cử hành trong mọi lúc và mọi nơi, thế nhưng, tín hữu cũng nên biết ngày giờ mà linh mục có thể cử hành bí tích này để việc mục vụ được diễn tiến tốt đẹp.

Diễn tiến nghi thức giao hòa từng hối nhân:

  • Linh mục và hối nhân dọn mình bằng việc cầu nguyện. Đọc một đoạn Lời Chúa để dọn mình xưng tội.
  • Tại nơi hay tòa giải tội, hối nhân làm dấu thánh giá trên mình: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, tiếp đến hối nhân có thể tùy nghi cho linh mục biết hoàn cảnh của mình, thời gian xưng tội lần cuối.
  • Hối nhân xưng tội đầy đủ với số lần phạm tội trọng còn nhớ rõ.
  • Linh mục có những lời khuyên bảo thích hợp, nếu cần, chỉ dẫn cho biết những nghĩa vị đời sống Ki-tô hữu.
  • Linh mục giao việc đền tội như phương thuốc thuyên chữa bệnh tật, tùy theo mức độ có thể tương xứng với tội nặng nhẹ và với bản tính của tội. Việc đền tội có thể là đọc kinh, từ bỏ mình, thực thi đức bác ái…
  • Hối nhân dục lòng ăn năn xin Chúa tha tội. Sau đó, linh mục giơ tay phải trên đầu hối nhân và đọc công thức giải tội.

Linh mục đọc: “THIÊN CHÚA LÀ CHA HAY THƯƠNG XÓT, ĐÃ NHỜ SỰ CHẾT VÀ SỐNG LẠI CỦA CON CHÚA MÀ GIAO HOÀ THẾ GIAN VỚI CHÚA VÀ BAN THÁNH THẦN ĐỂ THA TỘI. XIN THIÊN CHÚA DÙNG TÁC VỤ CỦA HỘI THÁNH MÀ BAN CHO ÔNG (BÀ, ANH, CHỊ, CON) ƠN THA THỨ VÀ BÌNH AN. VẬY TÔI (THA) THA TỘI CHO ÔNG (BÀ, ANH, CHỊ, CON) NHÂN DANH CHA + VÀ CON VÀ THÁNH THẦN.

Hối nhân đáp: Amen

Khi nhu cầu mục vụ đòi hỏi, linh mục có thể bỏ bớt hoặc rút ngắn vài phần của nghi thức, tuy nhiên phải luôn luôn luôn giữ đầy đủ nghi thức là: Xưng tội, lắng nghe lời khuyên nhủ và nhận việc đền tội, công thức giải tội và cho ra về. Nếu gặp trường hợp nguy tử, thì mục mục chỉ cần đọc những lời chính yếu: “VẬY TÔI (THA) THA TỘI CHO ÔNG (BÀ, ANH, CHỊ, CON) NHÂN DANH CHA + VÀ CON VÀ THÁNH THẦN.

Hối nhân đáp: Amen”

  1. Bí mật tòa giải tội

Giáo luật của Hội Thánh Công Giáo năm 1983 khoản 983 đạy:

(1) Ấn tích giải tội là điều bất khả vi phạm; do đó, tuyệt đối cấm chỉ cha giải tội không được tiết lộ về hối nhân bằng lời nói hay bằng cách nào khác, và vì bất cứ lý do gì.

(2) Nghĩa vụ phải giữ bí mật buộc cả những người thông ngôn nếu có, và mọi người khác, vì một cách nào đó, đã nghe biết các tội khi hối nhân xưng trong tòa.

Trong tinh thần cẩn trọng nhằm bảo vệ bí mật tòa giải tội, khoản 984 dạy thêm rằng:

(1) Tuyệt đối cấm chỉ cha giải tội không được xử dụng những điều biết được trong tòa giải tội để làm hại hối nhân, cho dù không có nguy cơ tiết lộ.

(2) Những người cầm quyền không bao giờ được dùng vào việc cai trị ở tòa ngoài những điều nghe biết trong tòa giải tội bất cứ vào thời gian nào.

Giáo luật khoản 1388 quy định hình phạt cho những ai vi phạm luật cấm trên như sau:

(1) Cha giải tội nào vi phạm trực tiếp ấn bí tích, phải bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh. Còn ai chỉ vi phạm gián tiếp, sẽ bị phạt tùy theo mức nặng của tội phạm.

(2) Thông dịch viên và những người khác nói ở điều 983, triệt 2, nếu vi phạm bí mật, phải bị phạt hình phạt xứng đáng, kể cả vạ tuyệt thông.

Ngày 23/9/1989, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã quy định: Giữ nguyên khoàn Giáo Luật 1388, bất cứ ai thu băng bằng bất cứ phương tiện kỹ thuật nào những gì cha giải tội hoặc hối nhân nói ra trong lúc xưng tội thực sự hoặc trá hình, hoặc phổ biến những điều đó bằng những phương tiện truyền thông xã hội thì sẽ bị vạ tuyệt thông.

Như vậy, luật của Giáo Hội cấm tiết mọi tội, dù là tội nhẹ hay nặng, do hối nhân xưng thú trong tòa giải tội, cho dù việc xưng thú tội có thể bị từ chối đi nữa. Đây là một bí mật và không một luật của quyền bính dân sự nào có thể chuẩn chước. Sự vi phạm trực tiếp ấn tòa giải tội là kể lại cho người khác nghe tội hối nhân xưng trong tòa giải tội, hoặc bày tỏ một cách mặc nhiên, nhưng qua đó tội của hối nhân có thể được xác định chắc chắn. Sự vi phạm gián tiếp ấn tòa giải tội là khi linh mục giải tội tuyên bố hành động hoặc bỏ sót và do hoàn cảnh mà ngài biểu thị có thể khiến người khác suy đoán hoặc nghi ngờ cách nào đó về tâm thức của hối nhân hoặc về đương sự đã phạm tội.

Lm. Gs. Lê Ngọc Ngà