5 tên gọi và biểu tượng khác nhau của Tuần Thánh

0
167

5 TÊN GỌI VÀ BIỂU TƯỢNG KHÁC NHAU CỦA TUẦN THÁNH

WHĐ (11.4.2022) – Mùa Chay là khoảng thời gian phong phú và tuyệt vời của năm Phụng vụ. Khi hướng đến niềm vui của Lễ Phục sinh, Giáo hội gọi tuần cuối cùng của Mùa Chay bằng nhiều tên khác nhau nhằm nêu bật những chủ đề đa dạng của việc suy niệm. Có thể kể đến 5 tên gọi và biểu tượng khác nhau của tuần cuối cùng này như sau:

  1. Tuần Thánh

Một trong những tên gọi lâu đời và phổ biến nhất cho tuần này là “Tuần Thánh”. Đây là tuần lễ thánh thiêng nhất trong năm Phụng vụ của Giáo hội. Nói một cách đơn giản, tên gọi này đề cập đến sự thánh thiện của các mầu nhiệm được cử hành trong tuần này và phản ánh một truyền thống cổ xưa khác gọi mỗi ngày trong tuần này là Thánh. Chẳng hạn như: Thứ Hai Tuần Thánh, Thứ Ba Tuần Thánh, Thứ Tư Tuần Thánh và Thứ Năm Tuần Thánh.

  1. Tuần Cao Quý

Nhiều Kitô hữu Đông phương gọi tuần này là “Tuần cao quý”, phản ánh một truyền thống cổ xưa khác, được Thánh Gioan Kim Khẩu giải thích trong một bài giảng của ngài.

Chúng ta gọi là Tuần cao quý, không phải vì nó có nhiều giờ hơn, cũng không phải vì nó có nhiều ngày hơn, tất nhiên, chúng ta biết là nó có cùng số giờ, số ngày giống như các tuần lễ khác. Nhưng, tại sao chúng ta gọi tuần này là Tuần cao quý? Thưa, bởi vì trong tuần này hàm chứa nhiều điều cao đẹp không thể diễn tả được: trong đó cuộc chiến kéo dài được kết thúc; sự chết bị tiêu diệt; lời nguyền bị xóa bỏ; sự kìm kẹp của ma quỷ bị suy nhược; những điều xấu xa của ma quỷ bị khử trừ; sự hòa giải giữa Thiên Chúa và nhân loại được thực hiện; phàm nhân có thể vươn tới thiên đàng; con người được nâng lên giống với thiên thần, những mâu thuẫn được hoá giải; bức tường ngăn cách bị hạ thấp, thanh chắn bị dỡ bỏ; Thiên Chúa của hòa bình đã mang lại bình an cho mọi thứ trên trời  và dưới đất. Vì vậy, đây là lý do chúng ta gọi là tuần lễ cao quý, bởi vì trong đó Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta vô vàn hồng ân cao cả.

  1. Tuần Đau Thương

Một trong những tên gọi ít được biết đến đó là “Tuần Đau thương”. Tuy thế, tên gọi này phản ánh những nỗi đau khủng khiếp của Chúa Giêsu, đồng thời, Giáo hội cũng cảm thấy đau đớn khi chứng kiến ​​Đấng cứu độ của mình phải chịu đau khổ và bị giết chết.

  1. Tuần Ân Xá

Một cái tên gây chú ý khác đó là “Tuần Ân xá”. Tên gọi này phản ánh một truyền thống trước đây là việc chào đón sự trở lại của hối nhân, vốn là những người mắc những tội công khai, nên vào đầu Mùa Chay đã bị cấm tham gia vào các cử hành chung của Giáo hội. Khi việc đền tội của họ đã hoàn tất, Giáo hội lại mở rộng cánh cửa và chào đón họ hội nhập vào đoàn chiên.

  1. Tuần Của Chàng Rể

Một tên khác mà các Kitô hữu Đông phương dành cho tuần này là “Tuần của Chàng rể”. Tên này chủ yếu đề cập đến 3 ngày đầu tiên của Tuần Thánh, trong đó, theo truyền thống Byzantine, Phụng vụ đọc những lời sau đây:

Kìa, Chàng Rể đang đến vào lúc nửa đêm.

Phúc thay cho đầy tớ mà Người thấy còn tỉnh thức.

Nhưng kẻ mà Người thấy biếng nhác sẽ không xứng đáng với Người,

Vì vậy, hãy coi chừng, hỡi hồn tôi ơi! Đừng chìm vào giấc ngủ mê,

kẻo ngươi sẽ bị chết và cánh cửa Nước Trời sẽ đóng lại với ngươi.

Trái lại, hãy canh chừng và kêu lên:

Thánh, thánh, thánh là Ngài, Ôi lạy Thiên Chúa.

Nhờ lời cầu bầu của Thiên Mẫu, xin thương xót chúng con.

Con thấy buồng tân hôn của Người ngập tràn ánh sáng, hỡi Đấng Cứu Độ của con,

và con không có áo cưới để vào và vui hưởng ánh sáng chói ngời của Người;

xin hãy phủ tấm áo linh hồn con bằng ánh sáng, và cứu thoát con, Ôi lạy Đức Chúa, xin hãy cứu con.

Chính Chúa Giêsu đã nói về các sự kiện của Tuần Thánh theo thuật ngữ này, khi nhắc nhớ rằng “Nhưng khi tới ngày chàng rể đã bị đem đi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó” (Mc 2, 20).

Philip Kosloski

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: aleteia.org (6. 4. 2022)

#tengoivabieutuong #tengoivabieutuongcuatuanthanh #tuanthanh