Tại sao chúng ta phải học hỏi Kinh Thánh?

0
253

Thư 2 Tm 3,16 trình bày một chân lí quan trọng về Kinh Thánh: “Tất cả những gì viết trong Kinh Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng”. Xác quyết này cho chúng ta thấy hai điều căn bản: Kinh Thánh xuất phát từ Thiên Chúa và chính là Lời Thiên Chúa. Điều này làm cho Kinh Thánh trở thành một cuốn sách có giá trị tuyệt đối và quan trọng nhất trong những sách đã được viết ra. Còn việc học hỏi Kinh Thánh có ý nghĩa gì đối với chúng ta?- Nếu tiếp tục đọc thêm, hết câu 17, chúng ta sẽ tìm thấy câu trả lời rất rõ ràng: “Tất cả những gì viết trong Kinh Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa trở nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành.” (2 Tm 3,16-17)

Có bốn động từ lần lượt xuất hiện ở cuối câu 16: giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục. Tất cả bốn động từ này đều xoay quanh một hoạt động vô cùng quan trọng, đó là tìm biết chân lí. Chúng ta hiểu chân lí là những thực tại khách quan phù hợp với Thiên Chúa, với ý định của Ngài, và với đường lối hành động của Ngài. Giảng dạy và sửa dạy hướng dẫn người đọc Kinh Thánh đi đến chân lí, trong khi biện bác và sửa dạy giúp họ tránh được những sai lầm để trở về với chân lí. Đây chính là mối quan tâm lớn lao của Thánh Phaolô khi ngài viết thư này cho ông Timôthê. Ở vài câu sau, ngài viết, “Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lí lành mạnh, nhưng lại nghe theo những dục vọng của mình” (4, 3). Giáo lí lành mạnh có nghĩa là “Chân lí toàn vẹn”. Đi vào sai lầm hoặc bị những lí thuyết giả dối làm lung lạc là mối đe dọa dồn dập đối với các Kitô hữu cũng như mọi người, nhất là sống trong thế giới hôm nay.

Kinh Thánh giúp người ta tránh được mối nguy này đồng thời dẫn họ tiến sâu vào chân lí của Thiên Chúa, để “người của Thiên Chúa trở nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành” (3, 17). Điều đó có nghĩa là Thiên Chúa hoạt động qua Lời của Ngài, là Kinh Thánh, để dẫn đưa mọi người đạt đến chân lí hầu cho họ có thể làm mọi việc mà Thiên Chúa kêu gọi họ. Như vậy, Kinh Thánh là nguồn mạch quan trọng và mang ý nghĩa quyết định mà chúng ta có thể tận dụng để đạt được cứu cánh cuộc đời của chúng ta.

Vậy Kinh Thánh hướng dẫn chúng ta đi đến sự thật nào? Sự thật trước hết và quan trọng nhất là sự thật về Thiên Chúa – Ngài là ai và Ngài đã làm những gì? Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sự và làm nên tất cả vũ trụ này, kể cả việc trao ban cho chúng ta Kinh Thánh để Ngài được nhận biết như Ngài phải được nhận biết. Đây là điều quan trọng nhất bởi vì Thiên Chúa là Đấng Tối Cao mà chúng ta cần phải học biết. Không nhận biết Thiên Chúa là một điều bi thảm cùng cực, và là một bất hạnh không gì có thể bù đắp được. Chính Chúa đã nói: “Đức Chúa phán thế này: kẻ khôn ngoan, đừng tự hào mình khôn ngoan; kẻ hùng mạnh, đừng tự hào mình hùng mạnh; kẻ giàu có đừng tự hào minh giàu có. Ai tự hào thì hãy tự hào về điều này là hiểu biết Ta, vì ta là Đức Chúa” (Gr 9, 22-23). Không có điều gì quan trọng hơn là nhận biết Thiên Chúa một cách đích thực. Từ sự nhận biết này, chúng ta mới nhận ra chân lí trong mọi sự.

Kinh Thánh cũng dẫn chúng ta vào sự thật về thế giới. Thế giới này do đâu mà có, và tại sao nó hiện hữu? Vũ trụ này không thể xuất hiện do ngẫu nhiên; nhưng nó được Thiên Chúa sáng tạo (St 1, 1). Bởi vậy, sự tồn tại của nó có một mục đích: tỏ hiện tình thương Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và tôn vinh Ngài. “Trời xanh tường thuật vinh quang Chúa; thanh không loan báo việc tay Ngài làm” (Tv 18,1).

Kinh Thánh cũng dẫn chúng ta đi vào sự thật về chính chúng ta – chúng ta bởi đâu mà có và tại sao chúng ta có mặt ở đây? Là thụ tạo, con người không hiện hữu một cách ngẫu nhiên, do một bước tiến hóa nào đó nhưng được Thiên Chúa sáng tạo. Cuộc sống mỗi người chúng ta trên trần gian đều có một mục đích, tuy ở những mức độ khác nhau, nhưng cùng chung mục đích với vũ trụ, đó là để tôn vinh và ca ngợi Thiên Chúa. Đây là ý nghĩa của một thụ tạo được tạo dựng “Giống hình ảnh Thiên Chúa” (St 1, 26-27). Thiên Chúa sáng tạo loài người như một tấm gương phản chiếu sự hiện hữu và vinh quang của Ngài (Is 43, 7). Và đó chính là lý do tại sao chúng ta được mời gọi để làm mọi sự vì vinh quang Thiên Chúa (1Cr 10, 31).

Kinh Thánh cũng cho chúng ta biết về cảnh vực và thế giới mà chúng ta đang sống – một tình trạng tội lỗi và rối loạn. Do bởi con người bất tuân phục Thiên Chúa và kế hoạch của Ngài mà tất cả chúng ta đều mang dấu ấn của tội, nghĩa là phải tách lìa khỏi Thiên Chúa. “Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa” (Rm 3, 23). Còn tệ hại hơn thế nữa, chúng ta không còn có thể tuân phục Thiên Chúa và chu toàn mục đích mà Chúa muốn nơi chúng ta; chúng ta rơi vào tình trạng rối loạn; chúng ta chống lại Thiên Chúa: “Thật vậy, hướng đi của tính xác thịt là sự phản nghịch cùng Thiên Chúa, vì tính xác thịt không phục tùng luật của Thiên Chúa, mà cũng không thể phục tùng được” (Rm 8, 7). Tình trạng rối loạn này thâm nhập vào toàn thể vũ trụ. “Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy ” (Rm 8, 20; x. St 3, 17).

Kinh Thánh cũng đề ra cho chúng ta một đường lối, một kế hoạch để giải quyết các vấn đề mà chúng ta và thế giới đang trực diện – đó chính là Đức Giêsu Kitô và công trình cứu chuộc của Người. Thánh Phaolô đã diễn tả điều đó một cách hết sức cô động trong thư Titô 2, 14 “Vì chúng ta, Đức Giêsu Kitô đã tự hiến tế để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện.” Công trình của Đức Kitô cũng sửa lại những sai trệch mà tội đã gây ra cho toàn thể tạo thành của Thiên Chúa. “Thụ tạo có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang.” (Rm 8, 21)

***

Nếu chúng ta tin nhận những điều Chúa muốn tỏ bày cho chúng ta qua Lời Chúa, thì kết quả là chúng ta sẽ được “tái sinh”. Thư 1 Phêrô 1,23 nói: “Vì anh em đã được tái sinh, không phải do hạt giống mục nát, mà do hạt giống bất diệt, nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống và tồn tại mãi mãi”. Điều này có nghĩa là Chúa biến đổi con người bằng Lời Chúa. Họ sẽ bước đi trên hành trình mới, rất khác với tình trạng trước đó. Đó là lí do tại sao giờ đây họ “được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành” (2 Tm 3, 17) và có thể chu toàn mục đích mà họ được tạo dựng: để tôn vinh Thiên Chúa và làm đẹp lòng Ngài mãi mãi. Không có điều nào tốt đẹp hơn cho chúng ta như thế. “Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao! Vì Ngài mặc cho tôi hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh, như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang” (Is 61,10). Và thật là kì diệu khi chúng ta nghe lời Thánh vịnh nói: “Con cảm thấy lời Ngài đã hứa ngọt ngào hơn mật ong trong miệng” (Tv 119, 103).

Suy nghĩ:

1.      Kinh Thánh có vai trò nào trong đời sống đức tin?

2.      Bạn đã có thái độ nào đối với Lời Chúa?

3.      Có những khó khăn nào khi chúng ta học hỏi Lời Chúa?

4.      Hiện nay có những phương thế nào giúp chúng ta học hỏi Lời Chúa hiệu quả?

Lm. Giuse Ngô Quang Trung