Trong các bài giảng, các cha thường nói tới các mầu nhiệm của đạo công giáo. Mầu nhiệm là cái gì? Có bao nhiêu mầu nhiệm?
Thực ra không phải chỉ có trong các bài giảng, chúng ta mới nghe nói tới các mầu nhiệm (= MN). Đôi khi trong kinh nguyện chúng ta cũng thấy xuất hiện tiếng MN, thí dụ như các MN Kinh Mân côi. Và rồi trong cuộc nói chuyện hằng ngày, cũng có người buộc miệng thốt lên “thật là mầu nhiệm” để nói rằng: thật là khó hiểu, bí ẩn. Không rõ tiếng MN đã xuất hiện từ lúc nào trong ngôn ngữ Việt Nam, nhưng chắc chắn là trước khi Kitô giáo đến nước ta. Tuy rằng các tôn giáo khác không hay nói tới các MN, nhưng chúng ta cũng thấy những từ tương tự, thí dụ như là: phép mầu, nhiệm mầu, nhiệm lạ, huyền bí, huyền nhiệm, bí nhiệm, vv. Tất cả những từ đó đều có liên hệ với nhau. Riêng tiếng “MN” thì được sử dụng trong các sách thần học và giáo lý để dịch chữ mysterium tiếng La-tinh, hay mystère tiếng Pháp. Bởi thế thay vì đi truy nguyên các từ điển Hán việt để xem “mầu” là gì, “nhiệm” là gì, chúng ta hãy đi thẳng vào nội dung của tiếng “mysterium”. Có thể nói được là cho tới công đồng Vaticano II, hầu hết các sách thần học và giáo lý đều hiểu từ “mysterium” (MN) trong lãnh vực của đức tin, theo nghĩa là những chân lý vượt quá tầm hiểu biết của trí tuệ con người, sức con người không tài nào hiểu nổi. Chúng ta chỉ biết chấp nhận bằng đức tin dựa trên lời Chúa chân thật. Thí dụ mầu nhiệm một Chúa Ba ngôi: tại sao Cha, Con, Thánh Thần đều là Thiên Chúa, nhưng không phải là Ba Chúa mà chỉ là một Chúa? Một thí dụ khác là mầu nhiệm nhập thể: tại sao ông Giêsu là con người mà lại là Chúa được? Tại sao Thiên Chúa lại có thể xuống thế làm người được? Những điều đó vượt quá khả năng hiểu biết và suy luận của chúng ta. Sở dĩ chúng ta biết được những điều đó là do chính Chúa mặc khải; vì thế chúng ta chấp nhận những điều đó vì dựa vào chính uy tín của Chúa, tin rằng Chúa không sai lầm và cũng không lường gạt chúng ta. Chúng ta thú nhận rằng lý trí chúng ta không phải là tiêu chuẩn tối cao của chân lý; sự hiểu biết của chúng ta có giới hạn cũng như chính thân phận con người của chúng ta cũng giới hạn; còn có rất nhiều thực tại cao xa hơn tầm trí của con người. Nói tóm lại, thì các MN áp dụng vào lãnh vực chân lý đức tin, về những thực tại thần thiêng vượt quá thế giới hữu hình của chúng ta (hoặc là về bản tính của Thiên Chúa, hoặc là đường lối khôn dò của Chúa: MN đau khổ, MN sự chết). Thế rồi từ đó, người ta nới rộng ra những điều thuộc lãnh vực khác nữa, nghĩa là cái gì không hiểu nổi thì cũng coi là MN hết.
Như cha đã nói, đó là ý nghĩa của tiếng “mầu nhiệm” dùng trong các sách thần học và giáo lý cho tới công đồng Vaticano II. Thế còn từ công đồng trở đi thì sao? Không lẽ công đồng đã sửa sai hết các sách thần học giáo lý?
Công đồng Vaticanô II không nói rằng các sách giáo lý và thần học đã hiểu sai tiếng MN; nhưng công đồng đã mở rộng nhãn giới của tiếng đó ra. Như vừa nói, trước đây, MN có nghĩa là điều vượt quá sự hiểu biết của mình; cho nên đụng tới MN thì miệng lưỡi chúng ta tịt luôn, hết chỗ nói. Tuy nhiên, hiểu tiếng MN như vậy thì thật quá nghèo nàn. Thực vậy khi mở Tân ước, chúng ta thấy từ MN mang một ý nghĩa súc tích hơn nhiều. Theo thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô chương 3, thì MN không ám chỉ một chân lý vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta, cho bằng ám chỉ kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa. Kế hoạch này được gọi là MN bởi vì trước đây giấu kín không ai biết đến, và bây giờ thì mới tỏ lộ nhờ đức Kitô mặc khải. Chính nhờ đức Kitô mà chúng ta biết được ý định của Thiên Chúa muốn quy tụ hết muôn dân muôn nước thành một gia đình; hơn thế nữa chính đức Kitô là dụng cụ môi giới thực hiện cuộc hoà giải giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Nói tóm lại, theo thánh Phaolô, mầu nhiệm chính là kế hoạch hoà giải của Thiên Chúa nơi đức Kitô; vì vậy mà thánh tông đồ cũng gọi là ”mầu nhiệm đức Kitô”.
Mầu nhiệm đức Kitô có ảnh hưởng gì đến chúng ta hay không?
Có ảnh hưởng rất nhiều. Trên đây, chúng ta đã thấy rằng trước kia trong các sách giáo lý và thần học, tiếng MN được hiểu là điều gì vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta; vì thế mỗi lần nghe nói tới MN là chúng ta tự thú là mình mù tịt chẳng hiểu ất giáp gì. Còn khi nói đến MN của đức Kitô theo nghĩa của thánh Phaolô thì nhãn giới sẽ khác hẳn. Mầu nhiệm của đức Kitô bao gồm hết những gì Thiên Chúa đã thực hiện nơi đức Kitô vì phần rỗi của chúng ta, thí dụ việc Ngài đã nhập thể ở với chúng ta, tất cả những lời nói hành vi để tỏ bày tình yêu của Chúa, đặc biệt là qua biến cố Thập giá và Phục sinh. Do đó mầu nhiệm của đức Kitô không phải chỉ gồm những chân lý về bản thân đức Kitô nhưng còn gồm hết các việc làm và cuộc đời của Ngài, nhằm thông ban cho ta tình yêu của Chúa.
Thế thì tại sao gọi đó là “mầu nhiệm”?
Thánh Phaolô gọi là MN bởi vì những điều đó trước đây được giấu kín không ai biết; mãi nhờ đức Kitô chúng ta mới biết được. Dĩ nhiên, khi tán giải ra tiếng Việt, chúng ta có thể hiểu MN như là cái gì “tuyệt vời, diệu huyền, nhiệm mầu”, chứ không phải theo nghĩa là tối tăm khó hiểu. Dù sao, thì chúng ta cần phải ghi nhận thêm một nghĩa thứ ba của tiếng MN nữa, áp dụng trong lãnh vực phụng tự cầu nguyện. MN theo thánh Phaolo bao gồm kế hoạch yêu thương cứu rỗi của Thiên Chúa được mặc khải và thực hiện nơi đức Kitô. Nhờ đức Kitô, chúng ta lãnh nhận ơn tha thứ hoà giải của Thiên Chúa. Tuy nhiên những hồng ơn đó không những chỉ được ban cho nhân loại trong cuộc đời tại thế của đức Kitô, nhưng vẫn còn được tiếp tục ban cho chúng ta qua các bí tích. Trong tiếng Việt, tiếng “bí tích” chẳng thấy có dính dáng gì với tiếng MN hết; thế nhưng trong nguyên ngữ Hy-lạp, các bí tích được gọi là “mysterion”, và tiếng La-tinh khi thì dịch là “sacramentum” khi thì chuyển âm là “mysterium”. Có điều là các dịch giả ở Việt Nam hình như không để ý, vì vậy mà ở đầu Thánh lễ, chúng ta thường được nghe vị chủ tế mời gọi như sau: “Anh chị em, chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi chúng ta để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh”. Mầu nhiệm thánh là gì? Thưa chính là bí tích Thánh Thể. Chính qua dấu hiệu của bánh và rượu được biến đổi thành Mình và Máu đức Kitô, mà chúng ta tiếp xúc với đức Kitô và nhận lãnh những hồng ân cứu độ. Nói cách khác, MN ở đây đồng nghĩa với bí tích (hay có người dịch là nhiệm tích), có nghĩa là những lễ nghi, nhờ những dấu hiệu hữu hình, đưa chúng ta tiếp xúc với đức Kitô. Trong các bí tích dẫn đưa chúng ta tiếp xúc với đức Kitô thì nổi bật hơn cả là Thánh Thể; vì thế Sách lễ gọi Thánh lễ là “mầu nhiệm thánh”. Như thế, chúng ta đã có ba nghĩa của mầu nhiệm: (1) thứ nhất, MN là một chân lý do Chúa mặc khải, vượt quá tầm hiểu biết của trí tuệ và chúng ta chấp nhận bằng đức tin; (2) thứ hai, MN là chính đức Kitô, vì nơi Ngài Thiên Chúa đã bộc lộc kế hoạch cứu rỗi; (3) thứ ba, MN là bí tích đưa chúng ta lãnh nhận ơn cứu rỗi của đức Kitô. Nghĩa thứ ba cũng có thể áp dụng cho Hội thánh: Hội thánh được gọi là MN bởi vì qua các dấu chỉ hữu hình của HT (lời giảng, bí tích, cộng đoàn), mà ơn thánh Chúa được ban cho ta.
Khi lần chuỗi Mân côi, chúng ta suy gẫm các mầu nhiệm. Thế thì ở đây “mầu nhiệm” hiểu theo nghĩa nào?
Chúng ta biết rằng kinh Mân côi gồm có 15 mầu nhiệm Vui, Thương, Mừng; nhưng chung quy chỉ xoay quanh cuộc đời của Chúa Kitô từ lúc Nhập thể cho tới Phục sinh, và sẽ hoàn tất ở cánh chung. Như thế, các mầu nhiệm trong kinh Mân côi chính là mầu nhiệm của đức Kitô, hiểu theo nghĩa của thánh Phaolô. Chúng ta suy niệm những chặng đường trong cuộc đời của đức Kitô, tưởng nhớ lại những hồng ân mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua mỗi chặng ấy, để từ đó bày tỏ lòng biết ơn yêu mến Chúa, đồng thời chúng ta cũng muốn hoạ lại cuộc đời của đức Kitô ra chính cuộc sống của chúng ta bằng việc thực hành các nhân đức. Như vậy, các mầu nhiệm không phải là cái gì bí ẩn, tối tăm khó hiểu; nhưng là những việc huyền diệu mà tình yêu Chúa đã thực hiện; chúng ta muốn chiêm ngắm và hoạ lại trong đời, để đáp lại tình yêu đó. Việc cầu nguyện, suy gẫm và chiêm niệm các mầu nhiệm của đức Kitô dần dần đưa chúng ta tới sự kết hiệp thân mật với Ngài, gọi là kết hợp thần bí (hay huyền nhiệm: mystique).
Nói tới mầu nhiệm, chúng ta liên tưởng tới các nhiệm tích, bí tích. Thế còn “nhiệm cục” là gì?
Nếu tôi không lầm, “nhiệm cục” dịch bởi tiếng La-tinh economia (hay: économie tiếng Pháp). Nếu lật từ điển, chúng ta sẽ thấy “économie” có nghĩa là “kinh tế” hay là sự “tiết kiệm”. Tuy nhiên không thể nào dịch “économie du salut” là “kinh tế cứu rỗi”. Thực ra, ở trong nguyên ngữ Hy-lạp, oikonomia có nghĩa là sự quản lý nhà cửa (oikos là nhà; và nêmô: xếp đặt phân phát). Trong thư gửi Êphêsô 3,2 thánh Phaolo đã áp dụng từ oikonomia vào chính mầu nhiệm cứu rỗi, khi Thiên Chúa bày tỏ những điều trước đây giấu kín và phân phát các hồng ân trong đức Kitô. Vì vậy oikonomia được dịch ra La-tinh là “dispensatio”, vừa mang nghĩa là bày tỏ kế hoạch, vừa có nghĩa là ban phát hồng ân. Từ đó có người dịch là ”Nhiệm cục cứu rỗi” hiểu theo nghĩa là: chương trình, kế hoạch. Thế nhưng khi áp dụng vào khía cạnh ơn thánh, thiết tưởng phải dịch là sự “phân phát thông ban” (communication) thì mới đúng, như sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo đã giải thích ở số 1076: économie sacramentelle có nghĩa là thông chuyển những công ơn cứu chuộc của đức Kitô. Ngoài ra cũng nên biết là đôi khi thần học Đông phương không giới hạn economia vào mầu nhiệm nhập thể và cứu chuộc của đức Kitô, nhưng còn bao hàm tất cả các công trình của Thiên Chúa thực hiện từ lúc tạo dựng vũ trụ để thông ban tình yêu. Oikonomia đối lại với Theologia (dành đời sống nội tại của Thiên Chúa). Tuy nhiên đây chỉ là từ ngữ của thần học Giáo hội đông phương mà sách GLHTCG nói tới ở các số 236; 685 và 1066.
(Giuse Phan Tấn Thành, OP)