Hướng tới một Giáo hội hiệp hành: Tài liệu làm việc cho Giai đoạn Châu lục

0
24

HƯỚNG TỚI MỘT GIÁO HỘI HIỆP HÀNH:
TÀI LIỆU LÀM VIỆC CHO GIAI ĐOẠN CHÂU LỤC

WHĐ (18.01.2023) – Một năm sau khi khai mạc vào tháng 10. 2021, Thượng Hội đồng “Hướng tới một Giáo hội Hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia, và Sứ mạng” đã đạt được một bước quyết định. Thật vậy, Thượng Hội đồng thậm chí còn được kéo dài thêm. Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin vào Chúa nhật, ngày 16. 10. 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thông báo rằng Đại hội chung thường lệ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục sẽ diễn ra theo 2 khóa họp: Phiên họp thứ nhất, như đã được ấn định vào tháng 10. 2023, và phiên thứ hai sẽ được tiến hành vào tháng 10. 2024.[1]

Ban Tổng thư ký của Thượng Hội đồng giải thích “Quyết định này xuất phát từ mong muốn rằng, vì phạm vi rộng lớn và tầm quan trọng của nó, chủ đề về Giáo hội Hiệp hành phải là chủ đề của sự phân định lâu dài, không chỉ bởi các thành viên của Hội đồng Thượng Hội đồng, nhưng bởi toàn thể Giáo Hội. […] Do đó, Đại hội chung thường lệ của Thượng Hội đồng Giám mục cũng sẽ đảm nhận một chiều hướng của tiến trình, dưới hình thức của ‘một hành trình trong một hành trình’, với mục đích thúc đẩy một suy tư trưởng thành hơn vì lợi ích lớn hơn của Giáo hội”.[2]

Giáo hội đang hướng tới những ngày đó, và cuộc hành trình đã bước vào Giai đoạn Châu lục, một điều mới lạ của Thượng hội đồng hiện tại[3]. Trên thực tế, Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn Châu lục (TLCL – Working Document for the Continental Stage) với tựa đề “Hãy nới rộng lều ngươi đang ở” (Is 54, 2) đã chính thức được công bố vào ngày 27. 10. 2022”, sẽ là nền tảng để làm việc và là “khung quy chiếu” cho giai đoạn thứ hai của tiến trình hiệp hành.  

Bài viết dưới đây có mục đích trình bày về Tài liệu Làm việc giai đoạn Châu lục này.[4]

Một tình yêu lớn lao dành cho Giáo Hội

Việc phục vụ giai đoạn Châu lục

Cấu trúc của Tài liệu làm việc Giai đoạn Châu lục

Năm Bản lề quan trọng

Nhiều tiếng nói để xây dựng sự hài hòa

Một tình yêu lớn lao dành cho Giáo Hội

TLCL thu thập và khởi động lại những thành quả của năm đầu tiên trong hành trình hiệp hành đã diễn ra trên khắp thế giới, với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đối thoại giữa các Giáo hội địa phương[5]. Vì lý do này, như chúng ta sẽ thấy, TLCL được đan xen với những trích dẫn từ tài liệu của Giáo hội địa phương. Do đó, ngay cả trước khi cân nhắc những quan điểm về các vấn đề và câu hỏi cụ thể, người ta đã tính đến cung bậc cảm xúc của Dân Chúa trên con đường của họ dọc theo lộ trình hiệp hành. Theo những góp ý đến từ Zimbabwe: “Phần lớn, những gì phát xuất từ hoa trái, hạt giống và cỏ dại của sự hiệp hành là những tiếng nói đầy yêu mến Giáo hội, những tiếng nói mơ ước về một Giáo hội có khả năng làm chứng một cách khả tín, một Giáo hội trở nên Gia Đình của Thiên Chúa mang tính dung nạp, cởi mở và chào đón” (TLCL, số 16).

Dấu chỉ đầu tiên của tình yêu này là niềm vui và sự nhiệt thành của những người đã tự nguyện thông phần: trên toàn cầu, hàng triệu người đã tham gia, tham dự các buổi họp, đồng hành bằng lời cầu nguyện, làm việc để thúc đẩy và điều phối tiến trình. Họ cùng nhau giải quyết câu hỏi căn bản đang thúc đẩy và hướng dẫn toàn bộ tiến trình hiệp hành, như được đưa ra trong Tài liệu chuẩn bị (TLCB), được công bố vào ngày 07. 9. 2021: “Câu hỏi căn bản thúc đẩy và hướng dẫn chúng ta là: Hiện nay việc “đồng hành cùng nhau” này đang diễn ra thế nào tại các bình diện khác nhau (từ bình diện địa phương đến bình diện hoàn vũ), cho phép Giáo hội loan báo Tin Mừng đúng theo sứ vụ Giáo hội được ủy thác; và Chúa Thánh Thần mời gọi chúng ta thực hiện những bước nào để thăng tiến như một Giáo hội hiệp hành?” (TLCB, số 2).

Thành quả của công việc này, thường được thực hiện ở cấp độ các giáo xứ riêng lẻ, đã được gửi đến các Nhóm hiệp hành giáo phận, nhóm hiệp hành này sẽ tổng hợp và chuyển bản đúc kết của mình đến các Hội đồng giám mục. Sau đó, các Hội đồng giám mục đã soạn thảo một bản tổng hợp dựa trên cơ sở đề cương có trong TLCB và gửi bản tổng hợp đến Văn phòng Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng. Những bản tổng hợp này phản ánh công việc được thực hiện “tại cơ sở” của cơ cấu giáo hội. Đồng thời, những bản tổng hợp này đã được các Hội đồng giám mục chính thức chấp thuận theo những cách thế riêng biệt.

Sự phản hồi vượt quá mong đợi lạc quan nhất; các bản đóng góp đã được gửi đến Roma từ các Giáo hội địa phương ở mọi nơi trên thế giới, kể cả những nơi đang trải qua sự đàn áp và chiến tranh. Khó khăn không làm mọi người nhụt chí, trái lại, họ quyết định lên tiếng. Thậm chí so với kinh nghiệm của các Thượng hội đồng trước đây, lần này có được những con số thật đáng kinh ngạc:

Tổng cộng, Văn phòng Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng đã nhận được đúc kết của 112 trên 114 Hội đồng Giám mục và của tất cả 15 Giáo hội Công giáo Đông Phương, cùng với những suy tư của 17 trên 23 cơ quan của Giáo triều Rôma, cũng như của các Bề trên Dòng tu (USG/UISG), của các Hội đời sống thánh hiến và Hiệp hội đời sống tông đồ, các hiệp hội và phong trào giáo dân. Ngoài ra, còn hơn một ngàn đóng góp của các cá nhân và các nhóm cũng như những ý kiến thu thập được qua mạng xã hội nhờ sáng kiến “Thượng Hội đồng kỹ thuật số”. (TLCL, số 5)

TLCL được xây dựng từ những tài liệu này – tổng cộng gần 2.000 trang – nhờ sự làm việc của một nhóm chuyên gia (bao gồm các giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ, giáo dân, từ khắp các Châu lục). Sau khi đọc các bản Tổng hợp, các chuyên gia này đã gặp nhau gần 2 tuần, trong bầu khí cầu nguyện và phân định,

cùng với nhóm soạn thảo, bao gồm vị Tổng Tường trình viên, Tổng Thư ký Thượng Hội đồng, các phụ tá Tổng Thư ký và một số viên chức khác của Văn phòng Tổng Thư ký, cùng với các thành viên của Ủy ban Điều phối. Cuối cùng còn có sự tham gia của các thành viên trong Hội đồng Thường vụ của Thượng Hội đồng. (TLCL, số 5)

TLCL lên tiếng về niềm vui được khơi lên từ các buổi họp, trong đó, bắt đầu từ Lời Chúa, mọi người thảo luận về tương lai của Giáo hội, và ghi lại cảm xúc của nhiều người, mà theo họ, đây là lần đầu tiên họ được Giáo hội hỏi ý kiến. Sự nhiệt tình này không biến thành sự lạc quan ngây thơ và thiếu tính phê bình. TLCL nhận thức rõ những khó khăn gặp phải:

Một số bản Tổng hợp nhắc đến sự trùng hợp của giai đoạn thỉnh ý với đại dịch; những bản khác cho thấy sự khác biệt trong việc hiểu hiệp hành là gì, việc cần thiết phải nỗ lực nhiều hơn để dịch và hội nhập văn hoá các tài liệu, sự thất bại trong việc tổ chức các cuộc họp Thượng Hội đồng trong một số bối cảnh địa phương hoặc việc chống đối các đề nghị cơ bản. (TLCL, số 18)

Ngoài ra, cũng có những nghi ngờ về ý định thực sự và hiệu quả của tiến trình, những lo ngại về nguy cơ tính hiệp hành sẽ dẫn đến sự thống trị theo nguyên tắc đa số, bắt chước các nguyên tắc dân chủ, và cả những dấu hiệu tách biệt giữa hàng giáo sĩ và phần còn lại của Dân Chúa, với sự phản đối việc tham gia của một số linh mục và những khó khăn trong việc nói rõ vai trò của các mục tử trong động lực hiệp hành. Tại nhiều quốc gia, lộ trình hiệp hành cũng phải tính đến tác động của “vụ bê bối lạm dụng của các giáo sĩ hoặc của những người nắm giữ các chức trách trong Hội thánh […]. Đây là một vết thương hở và vẫn còn gây đau đớn cho các nạn nhân và những người sống sót, cho gia đình và cộng đồng của họ” (TLCL, số 20), cũng như làm xói mòn nghiêm trọng uy tín của Giáo hội.

Việc phục vụ giai đoạn Châu lục

Nhận thức được sự phong phú của những hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho Dân Ngài trong năm đầu tiên của tiến trình hiệp hành là điều hết sức quan trọng, nhưng đó không phải là mục đích chính của TLCL, vốn hướng về tương lai, và đặc biệt là sự tiếp tục của giai đoạn lắng nghe thông qua việc mở ra Giai đoạn Châu lục nhằm phục vụ tính năng động của Thượng hội đồng.

Cụ thể, sau khi công bố, TLCL đã được gửi đến tất cả các giám mục trên thế giới, là những người được mời để tổ chức trong giáo phận của mình một tiến trình phân định mang tính Giáo hội. Các giám mục phải xác định, bắt đầu từ quan điểm của mỗi Giáo hội địa phương, trực giác nào cộng hưởng mạnh mẽ nhất, mới mẻ hoặc soi sáng nhất, và đâu là những căng thẳng và vấn đề đang nổi lên, để từ đó hình thành

những ưu tiên, chủ đề lặp lại và lời kêu gọi hành động có thể được chia sẻ với các Giáo hội địa phương khác trên thế giới và được thảo luận trong Phiên họp đầu tiên của Thượng hội đồng vào tháng 10. 2023. (TLCL, số 106)

Những suy tư của các giáo phận sẽ được gửi lại Hội đồng Giám mục, nơi sẽ tổng hợp những suy tư này để chuẩn bị cho bản đóng góp của riêng mỗi Hội đồng Giám mục tới Hội Đồng Châu Lục mà họ sẽ tham gia. Trong quý đầu tiên của năm 2023, 7 kế hoạch được lên chương trình: Trung Đông, đặc biệt sẽ chứng kiến sự đóng góp của các Giáo hội Công giáo Đông phương; Châu Phi và Madagascar; Châu Á; Châu Đại Dương; Mỹ Latinh và Caribe; Bắc Mỹ; và Châu Âu. Các Hội đồng Châu lục sẽ mang tính Giáo hội chứ không chỉ gồm các giám mục. Thành phần tham dự đại diện đầy đủ cho sự đa dạng của Dân Chúa: giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ và giáo dân.

Đối với những đại biểu tham gia Hội đồng Châu lục, điều quan trọng là phải đặc biệt chú ý đến sự hiện diện của phụ nữ và người trẻ (giáo dân nam và nữ, tu sĩ nam nữ đang được đào tạo, chủng sinh); những người sống trong điều kiện nghèo đói hoặc bị gạt ra ngoài lề xã hội và những người có liên hệ trực tiếp với những nhóm và người này; đại biểu huynh đệ từ các giáo phái Kitô giáo khác; đại diện của các tôn giáo và truyền thống tín ngưỡng khác; và một số người không theo tôn giáo nào. (TLCL, số 108)

Trong đó, các giám mục được kêu gọi gặp nhau để cùng nhau đọc lại kinh nghiệm từ lăng kính riêng vốn thuộc về đặc sủng và vai trò đặc thù của họ, và

thực hiện nhiệm vụ xác nhận và phê duyệt Văn kiện cuối cùng, đảm bảo rằng nó là thành quả của một hành trình hiệp hành đích thực, tôn trọng tiến trình đã diễn ra và trung thành với những tiếng nói đa dạng của Dân Chúa ở mỗi Châu lục. (TLCL, số 108)

Các Văn kiện Cuối cùng của 7 Hội đồng Châu lục sẽ là cơ sở cho việc soạn thảo Tài liệu làm việc, theo quan điểm của Đại hội Thượng Hội đồng vào tháng 10. 2023.

Sự năng động này của Giai đoạn Châu lục liên quan đến việc theo đuổi 2 mục tiêu quan trọng như nhau. Một đàng, giai đoạn này hoạt động như một sự nhắc lại những gì đã được nghe trong năm đầu tiên đối với các cộng đồng Giáo hội đã lên tiếng, và do đó, có thể xác minh xem những điều này đã được hiểu hay chưa. Đàng khác, giai đoạn này tạo điều kiện thuận lợi cho một cuộc đối thoại giữa các Giáo hội địa phương, giúp tạo ra một trải nghiệm về tính hiệp hành ở cấp độ Châu lục, mà cho đến nay, về cơ bản vẫn chưa được thiết lập, ngoại trừ một số khu vực được đặc trưng bởi tính năng động lịch sử cụ thể. Như TLCL giải thích,

trong bối cảnh của một thế giới vừa toàn cầu hóa vừa bị phân mảnh, mỗi Châu lục, do nguồn gốc lịch sử chung, do khuynh hướng tương đồng về văn hóa xã hội và do có cùng những thách đố đối với sứ mạng loan báo Tin Mừng, sẽ tạo nên một lãnh vực ưu tiên để khơi dậy tính năng động hiệp hành nhằm củng cố mối liên kết giữa các Giáo hội, khuyến khích việc chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi các ân huệ, cũng như giúp hình dung các lựa chọn mục vụ mới. (TLCL, số 73)

Cấu trúc của Tài liệu làm việc Giai đoạn Châu lục

Việc xem xét nguồn gốc và mục đích của TLCL cũng giúp xác định bản chất của Tài liệu này:

nó không phải là một tài liệu kết thúc, bởi vì tiến trình này còn lâu mới hoàn tất; nó không phải là một tài liệu của Huấn quyền Giáo hội, cũng không phải là bản tường trình một cuộc khảo sát xã hội học; nó không nhằm trình bày các chỉ dẫn, các mục tiêu, cũng không xây dựng trọn vẹn một viễn tượng thần học, ngay cả khi nó mang lấy kho tàng thần học chứa đựng trong kinh nghiệm của Dân Chúa khi lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần, làm phát sinh cảm thức đức tin (sensus fidei). Tuy nhiên nó vẫn là một tài liệu thần học theo nghĩa hướng đến việc phục vụ sứ mạng của Giáo hội: rao giảng Đức Kitô đã chết và sống lại để cứu độ thế giới. (TLCL, số 8)

Với nhãn quan này, cấu trúc của TLCL rất có ý nghĩa. Thật vậy, cấu trúc của TLCL có chức năng trong việc xây dựng và làm cho việc đọc lại kinh nghiệm của năm đầu tiên trở nên dễ tiếp cận trên cơ sở dàn ý được cung cấp cho các Hội đồng giám mục để soạn thảo các bản tổng hợp, đồng thời các Hội đồng giám mục cũng được tùy ý thích nghi. Do đó, có một nỗ lực để điều chỉnh tính năng động bên trong của những đóng góp nhận được, thay vì bị giới hạn trong việc sử dụng chúng như là nguồn của những đề tài cần xử lý, hoặc trích dẫn để chèn vào một cấu trúc khác.

Vì lý do này, Chương Mở Đầu của TLCL

không chỉ trình bày diễn tiến ‘những gì đã xảy ra’, mà còn là câu chuyện kể dưới ánh sáng đức tin về tính hiệp hành đã được trải nghiệm cho đến nay, với việc thỉnh ý Dân Chúa trong các Hội thánh địa phương và sự phân định của các mục tử trong các Hội đồng Giám mục. (TLCL, số 9)

TLCL tiếp tục bằng cách cung cấp, trong Chương Thứ Hai, một biểu tượng trong Kinh thánh, đó là hình ảnh của Căn Lều, được nhắc đến trong tiêu đề và lấy từ chương 54 của sách Isaia. Biểu tượng này tương thích với nhiều hình ảnh của Giáo hội được đề cập đến trong các Bản Tổng hợp của các Hội đồng giám mục, trước hết và trên hết là Gia đình và Mái ấm, và “đại diện cho chìa khóa giải thích nội dung của TLCL dưới ánh sáng của Lời, đặt chúng vào khuôn khổ của lời Thiên Chúa hứa, trở thành ơn gọi cho Dân Người và Hội Thánh của Người” (TLCL, số 10).

Đặc biệt, nó tập trung vào sự ăn khớp giữa các yếu tố cấu trúc của căn lều mà vị Ngôn sứ ám chỉ: “Trước hết là vải lều che nắng, gió và mưa, phân định không gian sống và vui vầy. Vải lều cần được căng ra, để cũng có thể bảo vệ những ai còn ở bên ngoài và cảm thấy được kêu gọi bước vào bên trong” (TLCL, số 26).

Sau đó là Dây Thừng, giữ các tấm vải lều lại với nhau, nhưng trên hết, chúng phải có độ căng phù hợp để lều không bị sập, đồng thời, có khả năng hấp thụ các lực mà nó phải chịu, nhất là tác động của gió. Ẩn dụ này nhắc lại sự cần thiết của sự phân định liên tục.

Cuối cùng là những Chiếc Cọc, neo lều xuống đất nhưng vẫn có thể di chuyển được. Những chiếc cọc tượng trưng cho “các nền tảng của đức tin, vốn không thay đổi nhưng có thể được chuyển dời và trồng xuống vùng đất mới, để lều có thể đồng hành cùng dân qua cuộc hành trình theo dòng lịch sử” (TLCL, số 27).

Chương Thứ Ba sử dụng hình ảnh căn lều như là “một không gian hiệp thông, một nơi để tham gia và là nền tảng cho sứ mạng” (TLCL, số 11), và về điều này, nó nói lên những hoa trái của việc lắng nghe Dân Chúa với những từ khóa của tiêu đề Thượng Hội Đồng: “Hiệp thông”, “Tham gia” và “Sứ mạng”. Từ đó, xuất hiện 5 bản lề được thực hiện bằng cách thâu tập các câu chuyện xoay quanh 5 căng thẳng phát sinh, vốn đan xen lẫn nhau, như sẽ được trình bày chi tiết dưới đây.

Cuối cùng, Chương Thứ Tư đưa ra một cái nhìn thoáng qua về tương lai của tiến trình hiệp hành, bao gồm 2 viễn tượng thời gian rất khác nhau:

Trước hết là viễn tượng lâu dài, trong đó hiệp hành mang hình thức là một lời kêu gọi hoán cải cá nhân và cải tổ Giáo hội lâu dài. Viễn tượng thứ hai, rõ ràng là để phục vụ viễn tượng thứ nhất, đó là tập trung sự chú ý của chúng ta vào các sự kiện của Giai đoạn Châu lục mà chúng ta đang trải qua. (TLCL, số 98)

Năm Bản lề quan trọng

Việc phân định được thực hiện dựa trên các tài liệu mà Ban Tổng thư ký của Thượng Hội đồng nhận được đã cho thấy 5 điểm then chốt, xoay quanh một loạt các căng thẳng, đôi khi rõ ràng và đôi khi tiềm ẩn, được đan xen với nhau. Một mặt, những điều này có thể tượng trưng cho các nguồn năng lượng để tiếp tục tiến trình hiệp hành, mặt khác chúng cho phép chúng ta thoáng thấy một số lĩnh vực quan trọng để tiếp tục công việc.

Vì lý do này, cần phải tiếp tục đương đầu với

hai trong số những cám dỗ chính mà Giáo hội phải đối diện trong việc đáp ứng với sự đa dạng và những căng thẳng mà nó tạo ra. Cám dỗ thứ nhất là vướng vào xung đột: các chân trời thu hẹp lại, cảm giác toàn thể bị mất và bị phân mảnh thành các bản sắc phụ. Đó là kinh nghiệm của Babel chứ không phải của Lễ Ngũ Tuần, có thể nhận thấy rõ ràng trong nhiều khía cạnh của thế giới chúng ta. Cám dỗ thứ hai là tách rời về mặt thiêng liêng và không quan tâm đến những căng thẳng liên quan, cứ đi theo con đường riêng của mình mà không hoà mình với những người thân cùng đi với mình. (TLCL, số 30)

Năm bản lề là một khí cụ theo hướng này, bởi vì chúng cho phép chúng ta nói rõ những điểm căng thẳng, vượt lên trên danh sách đơn thuần của các vấn đề và giúp chúng ta tập trung vào các mối tương quan.

Bản lề đầu tiên, xuất hiện mạnh mẽ từ các Bản Tổng hợp nhận được, là

Lắng nghe như một sự mở ra để đón nhận: điều này khởi đi từ mong muốn quy tụ triệt để – không ai bị loại trừ – hiểu theo một quan điểm hiệp thông với anh chị em và với Thiên Chúa, Vị Cha chung của chúng ta. Lắng nghe ở đây không phải là một hành vi thực dụng, mà là giả định thái độ cơ bản của một Thiên Chúa lắng nghe Dân mình, và sau đó của một Đức Chúa mà Tin Mừng không ngừng trình bày với chúng ta nơi hành động lắng nghe những người đến với Người trên những con đường của miền Thánh địa; theo nghĩa này, việc lắng nghe đã là sứ mạng và loan báo! (TLCL, số 11).

Sự thôi thúc dung nạp này giải nghĩa lời mời “nới rộng lều” của Isaia và hướng tới nhiều người và nhóm người, vì những lý do rất khác nhau đang sống trong tình trạng mà TLCL mô tả qua phạm trù lưu đày trong Kinh thánh, “một cuộc lưu đày tập thể mà hậu quả của nó ảnh hưởng đến toàn thể Dân Chúa: nếu Hội thánh không hiệp hành, không ai có thể thực sự cảm thấy đó là nhà mình” (TLCL, số 24).

Tại đây có chỗ dành cho sự quan tâm đến “những phụ nữ và người trẻ không cảm thấy tư chất và tài năng của họ được nhìn nhận” (TLCL, số 38), đến “nhiều thành viên của hàng giáo sĩ, họ không cảm thấy được lắng nghe, được nâng đỡ và trân trọng” (TLCL, số 34), cũng như đến “những người vì nhiều lý do khác nhau, cảm thấy căng thẳng giữa việc thuộc về Hội thánh và kinh nghiệm của họ về các mối quan hệ tình cảm riêng, chẳng hạn như: người ly dị tái hôn, cha mẹ đơn thân, người đa thê, người LGBTQ” (TLCL, số 39). Yêu cầu được chào đón liên quan chặt chẽ đến các cộng đồng Kitô hữu, nhưng lại xuất hiện những điều không chắc chắn về việc làm sao để đáp ứng yêu cầu đó: cần phải có một sự phân định sâu sắc hơn về phía toàn thể Giáo hội. Trong mọi trường hợp, việc lắng nghe rõ ràng là một vấn đề cấp bách mà chúng ta phải cam kết thực hiện ngay lập tức, chứ không cần đợi đến khi kết thúc tiến trình hiệp hành.

Bản lề thứ hai được cấu thành bởi sự thúc đẩy hướng tới sứ mạng, được thực hiện bằng cách sắp xếp lại một cách tận căn 2 căng thẳng luôn đi kèm với hành động của Giáo hội: đó là giữa việc công bố kerygma và đối thoại với thế giới, cũng như giữa việc loan báo đức tin và việc phục vụ sự phát triển con người toàn diện.

Đây là những căng thẳng mang tính cơ cấu, vốn không thể giải quyết được, nhưng cũng không được trở thành cơ sở để chia bè phái. Động lực để thực hiện sứ mạng này được diễn tả bằng từ ngữ của Laudato Si’ (“Dân Chúa bày tỏ ước muốn sâu xa được lắng nghe tiếng kêu của người nghèo và của trái đất”, TLCL số 45) và của Fratelli Tutti, và do đó đặc biệt chú ý đến đối thoại liên tôn và liên văn hóa:

Hiệp hành là lời Thiên Chúa kêu gọi chúng ta bước đi cùng với cả gia đình nhân loại. Tại nhiều nơi, các Kitô hữu sống giữa những người có tín ngưỡng khác hoặc không tin, tham gia vào các cuộc đối thoại được hình thành từ những trao đổi trong cuộc sống hàng ngày và sinh hoạt chung. (TLCL, số 43)

Nhưng trên hết, nó đưa vấn đề đại kết trở lại trung tâm: “Nhiều bản Tổng hợp nhấn mạnh rằng không thể có hiệp hành trọn vẹn mà không có sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu” (TLCL, số 48). Về chủ đề đối thoại với các tôn giáo và các nền văn hóa, TLCL không quên nhấn mạnh một số điểm có vấn đề, chẳng hạn như một nền văn hóa ngày càng mang đậm dấu ấn tục hóa, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tiêu thụ, và trên hết, nhắc lại rằng có những bối cảnh trong đó “việc làm chứng cho đức tin đã đưa đến tử đạo” (TLCL, số 52), một điều rất thường liên kết các Kitô hữu thuộc mọi niềm tin.

Bản lề thứ ba là phong cách mà một Giáo hội hiệp hành được kêu gọi đảm nhận,

dựa trên sự tham gia, điều này tương ứng với giả thiết phải có tinh thần đồng trách nhiệm của tất cả những người đã lãnh nhận bí tích Thánh tẩy để thi hành một sứ mạng duy nhất của Giáo hội, phát sinh từ phẩm giá chung do bí tích Thánh tẩy mang lại. (TLCL, số 11)

Việc tái định dạng sứ mạng đưa chúng ta ra khỏi tính hai mặt ad intra/ad extra (đối nội/ đối ngoại), là cách thế đóng góp khác nhau mời gọi chúng ta vượt thắng, và cho phép chúng ta tái tập trung toàn bộ đời sống Giáo hội xung quanh trách nhiệm truyền giáo của mọi người. Đây là yếu tố then chốt để hiểu đúng về tính Hiệp hành, vốn không phải là phương tiện tổ chức để phân chia vai trò và quyền hạn, nhưng vượt lên trên viễn cảnh về sự tan vỡ của kim tự tháp, thông qua việc hoán cải lại tầm nhìn. Ơn gọi, đoàn sủng và thừa tác vụ – kể cả thừa tác vụ giáo sĩ– phải được hiểu từ logic của sứ mạng, chứ không phải từ năng động tổ chức trong cộng đồng Giáo hội, vốn là khí cụ của sứ mạng.

Chẳng hạn, TLCL chỉ ra “tầm quan trọng của việc phải loại bỏ khỏi Giáo hội chủ nghĩa giáo sĩ trị để tất cả các thành viên của Giáo hội, bao gồm các linh mục và giáo dân, có thể hoàn thành một sứ mạng chung” (TLCL, số 58). Dưới lăng kính này, còn có vấn đề về thừa tác vụ giáo dân và đặc biệt là vị trí của phụ nữ trong Giáo hội, cũng như liên quan đến việc tham gia vào các tiến trình đưa ra quyết định và tiếp cận các cơ cấu quản trị: “Từ khắp các Châu lục, vang lên lời kêu gọi phụ nữ Công giáo phải được coi trọng, trước hết như những thành viên đã được rửa tội và bình đẳng trong Dân Chúa”. (TLCL, số 61)

Bản lề thứ tư là nhằm xây dựng những khả năng sống động của Hiệp thông, Tham gia và Sứ mạng. Giáo hội cần phải đề xuất một hình thức và phương cách thực hiện hiệp hành cho các tổ chức và cơ chế của chính mình, đặc biệt là với các tổ chức liên quan đến quản trị” (TLCL, số 71), đồng thời cũng thấy trước những đổi mới thích hợp trong giáo luật. Lộ trình được theo đuổi cho đến nay đã giúp xác định một số hạt nhân cấu trúc có tính liên quan chặt chẽ, để tiếp tục hoạt động: từ “sự hài hòa giữa lề lối thông thường trong việc thi hành thừa tác vụ giám mục và việc mang lấy cung cách hiệp hành hoàn hảo” (TLCL, số 76) tới sự phân biệt giữa tính hiệp hành của giáo hội và tính hiệp đoàn giám mục; tới sự hồi sinh các tổ chức có vai trò tham gia để chúng có thể trở thành những nơi đích thực của sự phân định cộng đồng. Tuy nhiên, “chỉ các cấu trúc thôi là chưa đủ: cần có công tác đào tạo liên tục, hỗ trợ nền văn hóa hiệp hành rộng rãi” (TLCL, số 82). Cuối cùng,

quan điểm mới mẻ này sẽ cần được hậu thuẫn bởi một nền linh đạo làm nền tảng cho việc thực thi tính hiệp hành, tránh biến tiến trình này thành vấn đề kỹ thuật và tổ chức. Chúng ta chỉ có thể sống theo quan điểm này, được xem như một sứ mạng chung, khi gặp gỡ Đức Chúa và lắng nghe Thánh Thần. Để có hiệp hành, phải có Thánh Thần, và không có Thánh Thần nếu không có cầu nguyện. (TLCL, số 72)

Đặc biệt, phương pháp chia sẻ tâm linh, mà nhiều người xác định là yếu tố chính mang lại hiệu quả trong năm đầu tiên của tiến trình hiệp hành, phải trở thành “một thực hành bình thường trong đời sống của Giáo hội, như nhiều người yêu cầu, [và …] cần phải phát triển phương pháp này theo hướng phân định cộng đoàn” (TLCL, số 86), hơn nữa, điều này thể hiện chân trời ý nghĩa đích thực của tiến trình hiệp hành.

Cuối cùng, Bản lề thứ năm, và cũng là yếu tố căn bản nhất, được cấu thành bởi “phụng vụ, đặc biệt phụng vụ Thánh Thể, là suối nguồn và đỉnh cao của đời sống Kitô giáo, đưa cộng đoàn đến với nhau, làm cho tính hiệp thông trở nên hữu hình, giúp thực thi tính tham gia và nuôi dưỡng động lực hướng tới sứ mạng qua Lời và các Bí tích” (TLCL, số 11). Chính trong Phụng vụ mà ba từ khóa của tiến trình hiệp hành tìm thấy sự tổng hợp đầy đủ của chúng, không chỉ trong nhận thức, mà còn trong kinh nghiệm sâu sắc của cộng đồng Kitô hữu.

Việc cử hành Thánh Thể là động cơ của sự năng động tông đồ và là nơi hình thành một cộng đoàn hiệp hành truyền giáo. Đây là lý do tại sao điều cơ bản là “khuyến khích mạnh mẽ việc cử hành phụng vụ theo cung cách hiệp hành, cho phép tất cả các tín hữu tham gia tích cực bằng việc đón nhận mọi khác biệt, trân trọng mọi thừa tác vụ và thừa nhận mọi đặc sủng” (TLCL, số 91).

Về vấn đề này, TLCL không quên nêu bật một số hạn chế và trở ngại: từ vai trò lấn át của linh mục trong phụng vụ và tính thụ động của tín hữu; từ chất lượng của các bài giảng hầu như đều được báo cáo là có vấn đề cho đến mối tương quan với các nghi thức Tiền Công đồng; từ những hình thức thiếu bí tích mà các cộng đồng sống ở những vùng xa xôi hẻo lánh phải gánh chịu, hoặc do “việc quy định biểu phí cho việc cử hành các nghi lễ, điều này khiến những người nghèo bị phân biệt đối xử” (TLCL, số 94), đến nỗi đau khổ của những người không thể lãnh nhận các bí tích liên quan đến kỷ luật hôn nhân.

Đồng thời, TLCL nhấn mạnh rằng “tiến trình Thượng Hội đồng cũng được coi là cơ hội để có trải nghiệm mới mẻ về tính đa dạng của các hình thức cầu nguyện và cử hành, do đó gia tăng mong muốn làm cho các hình thức này được dễ tiếp cận hơn trong cuộc sống bình thường của các cộng đoàn” (TLCL, số 95), và đánh giá cao “sự đa dạng của các truyền thống nghi lễ trong kinh nguyện phụng vụ, cũng như của các hình thức biểu tượng được các nền văn hóa khác nhau thể hiện” (TLCL, số 97).

Nhiều tiếng nói để xây dựng sự hài hòa

Phác thảo chân trời hoán cải và cải cách đối với các tín hữu, TLCL tuyên bố:

Các báo cáo không đòi phải có sự đồng nhất, nhưng yêu cầu chúng ta học cách lớn lên trong sự hòa hợp chân thành, giúp những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội hoàn thành sứ mạng của họ trong thế giới bằng cách tạo ra những mối dây cần thiết để cùng nhau hân hoan bước đi” (TLCL, số 102).

Do đó, nó diễn tả hướng đi mà Dân Chúa dự định tiếp tục cuộc hành trình, nhưng nó cũng kể lại những gì đã được trải nghiệm trong năm đầu tiên của tiến trình Hiệp hành.

Nhiều tiếng nói đã được cất lên, trong đó một số là lần đầu tiên. Nhưng suy cho cùng, sự đa dạng này không có gì mới, và đôi khi nó tạo ra sự phân cực trong cộng đồng. Tiến trình hiệp hành, thông qua phương pháp mà nó sử dụng, tự thể hiện như một thử nghiệm về cách thức để bắt đầu nói lên tính đa dạng của các tiếng nói, mà không tiêu chuẩn hóa chúng, nhưng thúc đẩy gặp gỡ và đối thoại.

Cụ thể là, thông qua tính năng động của việc lên tiếng, lắng nghe và đưa ra những gì đã được nghe, trong đó TLCL cũng được đưa vào, phương pháp mà tiến trình hiệp hành dựa trên đó cố gắng xây dựng các biện pháp hòa giải – điều không thể tránh khỏi khi làm việc trên quy mô toàn cầu – thoát khỏi nguy cơ bị giam hãm trong những chủ nghĩa đặc thù và đặc nét riêng, thừa nhận vai trò của mọi người trong khi vẫn tôn trọng những khác biệt trong cơ cấu giáo hội: tiến trình này không hỗn loạn hoặc vô tổ chức, không trở thành cấu trúc từ trên xuống hoặc hình kim tự tháp.

Tiên vàn, hiệp hành là một nỗ lực, mà những giới hạn của nó là điều hiển nhiên, và trên hết, là những giới hạn của khả năng cải thiện, như nhận thấy ngay từ đầu. Nhưng tiến trình hiệp hành đã phát huy tác dụng, ít nhất là đối với những người đã chọn dấn thân và tham gia vào tiến trình này:

Tính hiệp hành đã không còn là một khái niệm trừu tượng đối với họ nhưng mang diện mạo của một trải nghiệm cụ thể; họ đã nếm được hương vị của nó và muốn tiếp tục như vậy. ‘Qua tiến trình này, chúng tôi đã khám phá ra rằng tính hiệp hành là một cách để trở thành Giáo hội  – trên thực tế, đó là cách trở thành Giáo hội” (TLCL, số 3).

Thượng hội đồng vẫn đang tiếp tục, với các giai đoạn đã được hoạch định, nhưng, vượt lên trên những giai đoạn này, việc tìm kiếm những cách thức để trở thành một Giáo hội hiệp hành, hơn bao giờ hết, vẫn tiếp diễn. Đối với toàn thể dân Chúa, chúng ta cầu mong một Thượng Hội đồng tốt lành, nghĩa là một “hành trình cùng nhau” tốt đẹp!

Lm. Giacomo Costa, SJ
La Civiltà Cattolica (16.11.2022)

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: godgossip.org (12. 01. 2023)

[1] Lịch làm việc mới cho Thượng hội đồng về tính hiệp hành. Thông báo từ ban Tổng Thư ký Thượng Hội đồng, ngày 16. 10. 2022, tại www.synod.va/en/news/nuove-date-per-il-sinodo-sulla-synodalita.html

[2] Sđd.

[3] Để biết thêm thông tin về các giai đoạn đánh dấu tiến trình của Thượng Hội đồng Giám mục 2021-2024, đề nghị tham khảo trang web chính thức www.synod.va/

[4] Các tài liệu tham khảo được thực hiện theo cách đánh số của các đoạn văn (các số được chỉ định trong ngoặc trong văn bản của bài viết) chứ không phải của số trang. Các ngôn ngữ gốc là tiếng Ý và tiếng Anh, và có thể tải xuống miễn phí bằng nhiều ngôn ngữ khác từ trang web của Thượng hội đồng: www.synod.va

[5] Ở đây chỉ đề cập đến lộ trình của Thượng Hội đồng hoàn vũ 2021-2024 chứ không phải “Lộ trình Thượng hội đồng của các Giáo hội ở Ý”, được nêu rõ trong ba giai đoạn từ 2021 đến 2025, trong mọi trường hợp, giai đoạn này được đan xen với giai đoạn đầu tiên. Về vấn đề này, xem trang web: https://camminosinodale.chiesacattolica.it

#huongtoimotgiaohoihiephanh #giaidoanchauluc