Ý nghĩa và Mục đích của Năm Thánh Lòng Thương Xót

0
44

Hỏi : xin cha giải thích ý nghĩa và mục đích của Năm Thánh Lòng Thương Xót.

YearofMercy.jpg
Trả lời:

Theo tin tức đã được công bố thì ngày 8 tháng 12 sắp tới, nhân Lễ kình Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội ( immaculate Conception), Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chính thức khai mạc Năm Thánh Lòng Thương xót ( Jubilee  of Mercy) trong toàn Giáo Hội.

Hàng năm thì Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh được chọn để kính lòng thương xót Chúa ( Divine Mercy) theo sáng kiến của Đức cố Giáo Hoàng ( nay là Thánh) Gioan Phaolô II. Ngài muốn cho toàn thể Giáo Hội dành Chúa Nhật sau Phục Sinh để suy niệm và tôn  kinh lòng thương xót của  Chúa Cha đã sai Con Một là Chúa Cứu Thế Giêsu đến trần gian cách nay trên 2000 năm  để thi hành Chương Trình cứu chuộc cho nhân loại khỏi chết đời đời vì tội. Thiên Chúa thật quá yêu thương con người nên đã hy sinh Con Mình để cho nhân loại được hy vọng sống đời đời vì  Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý. ( 1 Tm 2 : 4)

Chúa Giê-su Kitô chính  là hiện thân của lòng thương xót Chúa Cha dành cho toàn thể con người tội lỗi và đáng phải phạt. Chúa đã hiện ra nhiều lần với nữ tu Faustina ( nay là Thánh) và truyền cho bà sứ mệnh quảng bá lòng thương xót của Chúa cho toàn thể nhân loại.  Chúa  đã thể hiện lòng thương xót ấy bằng cách vâng phục Chúa Cha  đến trần gian làm Con Người để hy sinh hiến “mạng sống mình  làm giá chuộc cho muôn người.” ( Mt 20:28).

Nếu không có công nghiệp cực trọng này thì tuyệt đối không ai có thể làm được việc gì xứng đáng để được cứu rỗi hầu được vào Nước Trời hưởng hạnh phúc vinh cửu với Thiên Chúa, sau khi phải chết đi trong thân xác có ngày phải chết này..

Nhưng hạnh phúc thay cho nhân loại được  Chúa  Kitô cũng vì  quá yêu thương con người tội lỗi  mà đã vui lòng chịu mọi khốn khó, vác thập giá quá nặng lên Núi  Sọ  để bị đóng đanh và chết rất nhục  nhã trên thập giá để hòa giải con người với Chúa Cha và xin ơn tha thứ cho toàn thể nhân loại đáng phải phạt vì tội lỗi.

Như thế chỉ vì lòng thương xót vô biên mà Thiên Chúa đã cứu chuộc con người nhờ Chúa Kitô , Đấng cũng vì thương  xót mà vui lòng chịu chết thay cho nhân   loại để những ai tin và cậy nhờ công nghiệp cực trọng  của Người thì sẽ được cứu rỗi để sống hạnh phúc đời đời  với Chúa trên Nước Trời mai sau.

Như thế, đủ cho thấy Thiên Chúa xót thương con người đến mực nào. Chúa Giê su cũng  đã nói  với các môn đệ  về tình yêu cụ thể  của Người đối với  nhân loại như sau:

        Không có tình thương  nào cao cả hơn tình thương  của người đã hy sinh tính mang vì bạn hữu của mình , anh  em là bạn hữu của Thầy..” ( Ga 15: 13-14).

Chúa đã thực  sự hy sinh mạng sống của Người trên thập giá năm xưa để chứng minh  tình thương cao cả mà Người  đã dành cho hết mọi người chúng ta. Sự thật này  đã quá đủ để minh chứng lòng thương xót vô biên củaThiên Chúa đối với loài  người tội lỗi và không có lợi gì cho Chúa khiến Người phải thương xót đến như vậy.Người thương xót vì bản chất của Người là tình yêu, là từ bi nhân hậu vô vị lợi. Người tạo dựng con người và cứu chuộc con người cũng hoàn toàn vì lòng xót thương vô vị lợi đó, chứ không vì lợi lộc nào của riêng Người. Vì thế, chúng ta phải ta phải hết lòng ca ngợi tình thương bao la của Thiên Chúa Cha thể hiện nơi Chúa Con Giêsu, Đấng đã vâng lời Chúa Cha đến trần gian làm Con Người để cứu chuộc cho nhân loại khỏi bị luận phạt và chết đời đời vì tội.

Khi chọn Năm Thánh lòng Thương Xót , Đức Thánh Cha Phanxicô đã có ý muốn cho mọi người trong Giáo Hội suy niệm sâu xa thêm về tình thương bao la vô vị lợi của Thiên Chúa thể hiện nơi Chúa Kitô :

       Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người

             Đó là một con người , Đức Kitô- Giê su

         Đấng đã tự hiến làm giá chuộc cho muôn người.  ( 1 Tm 2: 5-6)

Suy niệm sâu xa để thêm xác tín vào lòng thương xót của Thiên Chúa và vào công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô, là niềm hy vọng được cứu độ của mọi người tín hữu chúng ta.

Nếu không có lòng thương xót và công nhiệp trên thì tuyệt  đối con người không có hy vọng nào  được cứu rỗi để vào Nước Trời hưởng phúc vĩnh cửu với Chúa là Cha đầy yêu thương , tha thứ. Nhưng  là con người ai trong chúng ta cũng đều  rất yếu đuối trong bản tình đã bị  băng hoại vì tội Nguyên Tổ. Chúa Kitô đã chết thay cho con người, nhưng Chúa  không  trả  lại cho con người bản tính tốt lành nguyên thủy, vì thế chúng ta vẫn còn rất yếu đuối và dễ sa ngã,  vì ma quỉ- kẻ thù của chúng ta- mà Thánh Phêrô ví chúng như “sư tử đói gầm thét  rảo quanh tìm mồi cắn xé”.( 1Pr 5: 8).Nghĩa là cám dỗ cho ta sa ngã, phạm tội nghich cùng Thiên Chúa  để mất hy vọng được cứu rỗi.

Nhưng vì lòng thương xót, Chúa luôn sẵn lòng và vui lòng ban ơn nâng đỡ để giúp ta đứng vững trước mọi cám dỗ của ma quỉ và gương xấu dịp tội của thế gian. Dầu vây,  ơn thánh này không tự động ban phát cho mọi người mà chỉ ban phát nhưng không ( gratuitously) cho những ai tin tưởng nài xin Chúa mà thôi. Nghĩa là dù tội lỗi đến đâu mặc lòng, nhưng nếu còn tin tưởng nơi lòng thương xót của Chúa mà chạy đến xin Người tha thứ, thì Chúa sẽ hoan hỉ ban ơn cần thiết  cho ta lấy lại tình thương của Người mà ta đã đánh mất mỗi khi phạm tội trái nghịch với tình thương ấy.Chỉ có một tội không thể tha thứ được đó là tội  hoàn toàn chối bỏ Thiên Chúa và tình thương của Người để không chạy đến mà xin tha thứ  nữa .

Đây là tội phạm đến Đức Chúa Thánh Thần, vì nhờ Người mà ta nhận biết có Thiên Chúa là Cha nhân từ, hay thương xót và tha thứ.Do đó, khi chối bỏ Thiên Chúa và lòng thương xót vô biên của Người thì cũng  xúc phạm nặng nề đến  Chúa Thánh Thần, là Đấng đã cho ta niềm tin và lòng mến yêu Thiên Chúa.Vì thế,  chối bỏ Thiên Chúa là xúc phạm đến Chúa Thánh Thần  và do đó không thể tha thứ được nữa vì không  còn tin có Thiên Chúa và lòng thương xót vô biên của Người.

Thiên Chúa biết rõ những yếu đuối của con người cũng như những nguy cơ khiến con người dễ sa phạm tội. Nhưng vì con người còn có ý muốn tự do ( free will) mà Thiên Chúa đã ban tặng và tôn trọng cho con người sử dụng. Nếu con người dùng tự do này mà sống theo đường lối của Chúa để bước đi theo Chúa Kito là “ Con Đường, là Sự Thật và là sự Sống” ( Ga 14:6), thì Chúa sẽ ban ơn nâng đỡ để giúp

Con người tiến bước trên đường đi đến hạnh phúc vĩnh cứu là  Nước Thiên Đàng.

Ngược lại, nếu ai dùng tự do mà quay lưng lại với Thiên Chúa để sống theo bản năng tội lỗi, nghe  theo xúi dục  của ma quỉ và mời mọc của thế gian, thì Chúa sẽ không can thiệp, và để mặc người ấy sống theo tự do chọn lựa của mình và sẽ phải chịu mọi hậu quả của tự do chọn lựa đó.

Đó là lý do phải có Thiên Đàng và hỏa ngục để dành cho những ai chọn Chúa và sống theo đường lối của Người, và cho những ai  khước từ Chúa để sống theo ma quỉ và thế gian.Thiên Chúa không tiền định cho ai phải xuống hỏa ngục, mà chính con người đã tự do chọn nơi này khi làm những những sư dữ như hận thù, giết người, giết thai nhi, khủng bố và gây chiến tranh để buôn bán võ khí  sát hại người lành vô tội, trộm cướp, dâm đãng ô uế.. mà không  hề  biết sám hối để xin Chúa tha thứ.Vì thế phải có hỏa ngục cho những người chọn cách sống đi ngược với lòng thương xót của Chúa.

Nghĩa là lòng thương xót của Chúa không bao giờ là cái bình phong để cho con người lọi dụng , cứ tự do phạm tội , làm sự dữ  là điều trái nghịch hoàn toàn với lòng thương xót, công bình và thánh thiện của Thiên Chúa, Đấng yêu thương con người đến hy sinh Con Một mình là Chúa Kitô chết trên thập giá để đền tội thay cho cả loài người tội lỗi và đáng phải phạt. Nhưng công nghiệp cực  trọng này của Chúa Cứu Thế Giê su cũng không hề  bao che cho những ai  chọn sống trong tội để làm mọi sự dữ mà không biết ăn năn từ bỏ con đường tội lỗi dẫn đến hư mất đời đời.

Năm Thánh Lòng Thương xót Chúa  sắp mở ra trong Giáo Hội là cơ hội quí giá cho mọi tín hữu  nhớ đến lòng thương xót bao la của Thiên Chúa để thêm quyết tâm sống cho phù hợp với lòng thương xót đó. Cụ thể, những ai đang thờ ơ hay sống xa cách lòng thương xót của Chúa, đều được mời gọi cách riêng  chậy đến với lòng thương xót của Chúa để lãnh nhận lòng thương xót này qua bí tích hòa giải  và bí tích Thánh Thể,  là hai bí tích rất quan trọng cho con người được thứ tha mọi tội lỗi, trừ tội phạm đến Chúa Thánh Thần,  và được bổ sức thiêng liêng và bảo đảm cho sự sống đời đời, như Chúa Kitô đã hứa :

               Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì được sống đời đời. Và Ta sẽ cho người ấy sống lại vào  ngày sau hết. ( Ga 6: 54)

Đón nhận lòng thương xót Chúa qua bí tích hòa giải, cũng là dịp mời gọi chúng ta phải làm hòa với nhau ngay  trong gia đình cũng như trong cộng đoàn và với người khác.

Hàng ngày chúng ta đọc Kinh Lậy Cha có câu: Xin Chúa tha nợ ( tội )cho chúng con,  như chúng con cũng tha kẻ có nợ ( có bất hòa) với chúng con” .

Chúa Giê su cũng nói rõ: “ nếu anh  em tha lỗi cho người khác, thì Cha anh  em trên Trời sẽ tha thứ cho anh  em. Nhưng nếu  anh  em không tha thứ cho người khác, thì Cha  anh  em cũng sẽ không tha thứ cho anh  em.” ( Mt 6:14-15)

Như vậy, đây là thời điểm thuận tiện để mỗi người tín hữu chúng ta tự xét mình xem mình đang có bất hòa với ai ngay trong gia đình, giữa vợ chồng và con cái, cũng như với người khác bên ngoài gia đình hay không. Nếu có, thì hãy thực hành lời Chúa dạy trên đây để làm hòa và tha thứ cho nhau, hầu xứng đáng được Chúa thương tha mọi tội và lỗi lầm của mình. Đó là cách sống phù hợp với lòng thương xót Chúa trong Năm Thánh Lòng thương xót này.

Một điều đáng chú ý  trong Năm Thánh lòng thương xót này, là các linh muc trong toàn Giáo Hội được Đức Thánh Cha Phanxicô cho phép tha tội phá thai hay giúp người khác phá thai có kết quả. Tội này, theo giáo luật hiện hành ( giáo luật số 1398) sẽ  tức khắc bị vạ tuyệt thông tiền kết dành  riêng cho Đức Thánh Cha hay thẳm quyền hợp pháp quyền tháo gỡ.  Đức Thánh Cha thường cho phép các Giám Mục quyền tháo gỡ tội này. Nhưng nay tất cả các linh mục đều được phép tha tội này để giúp các hối nhân lỡ  phạm tội  được để dàng đón nhận lòng thương xót của Chúa qua bí tích hòa giải.

Nói khác đi,  trong Năm Thánh này, mọi  tín hữu chúng ta được mời gọi suy niệm sâu xa hơn về lòng thương xót của Thiên Chúa Cha thể hiện cụ thể nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng cũng vì thương xót nhân loại mà vui lòng chịu mọi khốn khó, vác thâp  giá nặng nề  trước khi chết trên đó để đền tội cho mọi người chúng ta hầu cho chúng ta có hy vọng được vào Nước Trời sau khi chấm dứt hành trình con người trên trần thế này. Cụ thể, chúng ta được mời gọi chạy đến với bí tích Hòa giải để nhận lãnh lòng thương xót của Chúa thứ tha mọi tội chúng ta đã vấp phạm vì yêu đuối con người. Mặc dù Chúa chê ghét mọi tội  lỗi nhưng Người lại yêu thương kẻ có tội biết ăn năn để xin tha thứ, vì tình thương của Người còn lớn hơn tội lỗi của chúng ta.

Vậy chúng ta phải lấy lòng trông cậy vững vàng vào lòng thương xót của Chúa và quyết tâm canh tân đời sống , quyêt tâm đi theo Chúa Kitô là  con Đường là sự Thật và là sự Sống” ( Ga 14: 6) mặc dù phải đối đầu với bao khó khăn thử thách khi sống trong hoàn cảnh thế giới quá tục hóa ngày nay. Chính vì ảnh hưởng của trào lưu  tục hóa này,  mà nhiều người  tín hữu  đã thơ ơ với việc sống đạo, lãnh đạm trong việc thờ phượng, cầu nguyện và năng chạy đến với hai bí tích vô cùng quan trọng cho phần rỗi  là Bí tích Hòa giải và bí tích Thánh Thể.

Do đó, đây là dịp thuận lợi mời gọi mọi người tín hữu chúng ta bắt chước người con  đi hoang trong Tin Mừng Thánh Luca, đứng dậy và đi về nhà Cha, người  đang giang tay đón chờ  và ôm vào lòng để hân hoan tha thứ lỗi lầm đi hoang của  con mình.

Ước mong giải đáp trên đây thỏa mãn câu hỏi đặt ra, và xin chân thành cám ơn quí độc giả đọc bài viết này của tôi.

Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn