Hôn nhân là một chọn lựa dứt khoát

0
63

(Chia sẻ buổi Gặp gỡ 2: Chủ đề “Chúng mình kết hôn nhé”)

Chắc hẳn mỗi người vẫn còn dư âm của những ngày tết xum vầy bên gia đình, bạn bè, người thân. Ngày tết ai cũng chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất. Tùy vào tuổi tác và công ăn việc làm của mỗi người mà ta có những câu chúc cho phù hợp nhất, đặc biệt trong năm chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân.

Những ngày tết vừa qua, người viết bài có dịp đi chúc tết nhiều nơi, nhiều gia đình và cũng nhận lại được những lời chúc tốt đẹp. Đi thăm nhiều gia đình, trong đó có gia đình có đến 4 thế hệ đang sống chung trong một mái nhà, gọi là: Tứ Đại Đồng Đường (tứ = 4, đại = đời, đồng = cùng, đường = nhà). Thật diễm phúc và ấm cúng biết bao trong một mái nhà có đủ các thành phần: Cụ, ông, con, cháu, chắt. Niềm vui ở từng người đón nhận khác nhau, nhưng đáng chú ý nhất vẫn là những bạn trẻ sắp lập gia đình.

Ra mắt gia đình: Những ngày tết vui vẻ ở quê hay thành thị, con cái cũng thường hay mời bạn trai, bạn gái về nhà mình chơi như một dịp để dưới thiệu với gia đình “đây là người yêu của con”. Chắc chắn không người cha, người mẹ nào có thể trách móc con cái mình dám cả gan đưa bạn trai hay bạn gái về nhà để giới thiệu trong những ngày Xuân xum họp. Bởi vì khi con cái đến tuổi trưởng thành và hai người quen nhau, yêu nhau thật sự thì trước sau gì cũng phải tính đến chuyện hôn nhân. Đó cũng là chủ đề của lần gặp gỡ hôm nay: “Chúng mình kết hôn nhé”. Nhưng để đi đến quyết định kết hôn cần phải có những yếu tố cần thiết nào? Khi quyết định vấn đề hệ trọng chắc chắn sẽ mở ra một cuộc sống “phong nhiêu”, phong phú, nhưng cũng nhiêu khê.

Chuẩn bị kết hôn: Cưới hỏi ngày này vẫn còn có những khác biệt ở các vùng miền. Tuy nhiên, không thể bỏ qua các bước sau: Khi đôi bạn trẻ quen nhau, trước tiên hai người sẽ bàn tính báo cho gia đình hai bên biết. Nếu gia đình hai bên đồng ý sẽ có buổi gặp gỡ để nói chuyện và định ngày làm đám hỏi (đính hôn). Sau đám hỏi là định ngày lành, tháng tốt để làm đám cưới. Đối với các gia đình Công giáo thì phải vào Cha sở để xin các thủ tục theo quy định, học giáo lý hôn phối, xin lời rao và ngày làm lễ cưới.

Nếu quý vị để ý ở cuối lời rao hôn phối thường có câu “Xin ông bà anh chị em cầu nguyện cho đôi hôn nhân và ai thấy có điều chi ngăn trở hai người lãnh bí tích hôn phối xin cho Cha sở biết”. Như vậy, để kết hôn thì phải không có điều chi ngăn trở mới được.

Theo Giáo Luật về Bí tích Hôn phối: Ngăn trở hôn phối là tình trạng hay hoàn cảnh làm cho cuộc hôn phối không thành sự hoặc bất hợp pháp. Để có thể kết hôn thành sự, cả hai phải trong tình trạng tự do, không bị ngăn trở nào theo luật tự nhiên hoặc luật Hội Thánh. Những ngăn trở thuộc luật tự nhiên dựa trên hôn nhân như một định chế tự nhiên, chúng chi phối mọi người. Những ngăn trở thuộc luật Hội Thánh dựa trên bản chất bí tích của hôn nhân, cũng như trên mối liên hệ của hôn nhân với cộng đồng tín hữu, chỉ chi phối người Công giáo mà thôi.

Trung tín với nhau trọn đời: Quý ông bà anh chị em đều biết, trong thánh lễ hôn phối, sau Phúc Âm và bài giảng, chủ tế đứng trước mặt đôi tân hôn để cử hành nghi thức hôn phối: Anh chị thân mến, anh chị đến nhà thờ để tình yêu anh chị được Thiên Chúa đóng ấn trước mặt đại diện Hội Thánh và cộng đồng dân Chúa. Thực vậy, Chúa Kitô rộng rãi chúc phúc tình yêu này, và Chúa dùng bí tích đặc biệt làm cho anh chị luôn luôn trung tín với nhau, và đảm nhận những trách nhiệm của hôn nhân, cũng như chính Người đã dùng phép Thánh Tẩy để thánh hiến anh chị. Trung tín với nhau là điều quan trọng thứ nhất trong tân hôn.

Điều quan trọng kế tiếp là tự do không bị ai ép buộc, đồng thời có bổn phận yêu thương đón nhận con cái. Trước mặt Hội Thánh, chủ tế đã hỏi ý kiến đôi hôn phối: Anh chị có tự do và thực lòng đến đây, chứ không bị ép buộc, để kết hôn với nhau không? Ðôi Tân Hôn đáp: Thưa có! Chủ tế hỏi: Khi chọn đời sống hôn nhân, anh chị có sẵn sàng yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời không? Ðôi Tân Hôn đáp:  Thưa có! Chủ tế hỏi: Anh chị có sẵn sàng yêu thương đón nhận con cái mà Chúa sẽ ban, và giáo dục chúng theo luật Chúa Kitô và Hội Thánh không? Ðôi Tân Hôn đáp:  Thưa có!

Chủ tế đọc tiếp: Vậy bởi vì anh chị đã quyết định kết hôn với nhau, anh chị hãy cầm tay nhau và nói lên sự ưng thuận của anh chị trưóc mặt Thiên Chúa và Hội Thánh Người. Ðôi tân hôn cầm tay nhau, rồi bên nam nói: Tôi nhận em làm vợ, và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời tôi.

Bên nữ đáp lại: Tôi nhận anh làm chồng, và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với anh, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng anh mọi ngày suốt đời tôi.

Chủ tế đọc: Xin Thiên Chúa đoái thương xác nhận sự ưng thuận mà chúng con đã tỏ bày trước Hội Thánh, và xin Người đổ tràn đầy ơn phúc cho chúng con. Sự gì Thiên Chúa liên kết, loài người không được phân ly. Sau đó làm phép, trao nhẫn và ký khế ước trung tín với nhau trọn đời.

Như vậy, để Bí tích Hôn phối thành sự, cần những điều kiện sau: Phải là một người nam và một người nữ, đã rửa tội. Hai người có tự do để kết hôn. Tự do ở đây có nghĩa là không bị ép buộc. Không bị ngăn trở bởi luật tự nhiên hoặc luật Hội Thánh. Phải bày tỏ sự ưng thuận kết hôn của mình. Cử hành theo thể thức của Hội Thánh.

 Mượn lời cầu nguyện thay lời kết: Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa, vì với quyền năng vô song Chúa đã dựng nên người nam và người nữ theo hình ảnh và giống như Ngài, và trao ban họ cho nhau như người bạn đường bất khả phân ly, để họ không còn là hai mà chỉ là một. Như thế, Chúa đã dạy rằng phân ly điều Thiên Chúa đã kết hợp nên một không hề là điều chính đáng. Xin cho những người con cái này của Chúa biết khám phá và thực hiện cách trung tín kế hoạch yêu thương và cứu độ của Ngài. Amen.

Micae Nguyễn Ngọc Thắng 

(Giáo xứ  Lộ 20)