Huynh Trưởng – Giáo lý viên: “Nghề” chơi…cũng lắm gian nan

0
187

Cuối tháng 8, khi mùa tựu trường bắt đầu nô nức, cũng là thời điểm mà các lớp Giáo lý chuẩn bị gõ nhịp. Ở các xứ đạo, có lẽ Giáo lý hay phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể, là đoàn thể có số lượng đoàn sinh với con số ấn tượng nhất. Ít thì vài chục, nhiều hơn thì vài trăm, mà cũng chẳng thiếu gì những nơi cán mốc con số vài ngàn.

Và vì thế, cái “nghề” Huynh Trưởng – Giáo Lý Viên (HT-GLV) có lẽ cũng là cái “nghề” đặc biệt nhất. Không thể gọi là thầy cô giáo, vì chưa hề và cũng chưa bao giờ cầm trên tay tấm bằng Đại học Sư phạm, hay những chứng chỉ nghiệp vụ nào cả. Nhưng, ở một phương diện nào đó, thì HT-GLV lại cũng đóng một vai trò tương tự như vậy, khi hàng tuần vẫn phải soạn bài, đứng lớp, làm điểm và lắm khi kiêm luôn cả nhiệm vụ trông coi trẻ con.

Gọi HT-GLV là một “nghề”, đó chỉ là theo cách nhìn của xã hội. Nghề gì mà chẳng bao giờ tới cuối tháng thấy lương đổ vào tài khoản? Nghề chi mà đầu tư chẳng bao giờ thấy sinh lời bằng hiện vật, lắm lúc còn lỗ đến….khét túi. Nếu có thời gian ngồi “kể khổ” cho vui đời, chắc nhiều anh chị em HT-GLV sẽ còn tếu táo ra được nhiều lắm những câu chuyện dở khóc dở cười về cái “nghề” tay trái này.

Thiếu nhi thì nhỏ có lớn có, muôn hình vạn trạng, nhưng Chúa Giê-su thì chỉ có một. Thế là, qua con mắt của các em, Chúa Giê-su trở thành một nhân vật có khả năng thiên biến vạn hóa. Với các bé Ấu nhi hay Khai tâm, thì khả năng Chúa Giê-su có họ hàng bà con với Superman là điều hoàn toàn có thể. Có một lần, vô tình mình nhìn thấy bài kiểm tra của một bé Ấu nhi; và câu chuyện của ngày lễ Thăng Thiên trở nên rất đơn giản: Chúa Giê-su là phi công, bữa nay Chúa lái máy bay về trời thăm Chúa Cha!

Một câu chuyện không nghiêm túc, nhưng lại rất dễ thương. Mặc cho anh chị HT-GLV có nói gì hay giải thích ra sao, thì hình ảnh của Chúa Giê-su trong tâm trí của các bé là vậy đó, rất gần gũi và cụ thể. Nhưng mà, câu chuyện đó không phải là không có ý nghĩa à nha! “Chúa Giê-su về thăm Chúa Cha thôi, mốt Chúa còn lái máy bay xuống đây thăm mình mà!”

Suy nghĩ của các bé, người lớn ít ai hiểu được, mình là HT-GLV lại cũng không thể công nhận hay gạt bỏ. Và đây cũng chỉ mới là hình ảnh của Chúa Giê-su qua cái nhìn bé xíu xiu của những cô bé, cậu bé lần đầu tiên đến với nhà thờ, lần đầu tiên được nghe kể những câu chuyện về cuộc đời của Ngài.

Mà Chúa Giê-su cũng tài tình thật. Lướt qua Tin mừng mà bốn Thánh sử ghi lại, mình thấy có đến vài trăm dụ ngôn, câu chuyện được Chúa Giê-su giảng dạy đó đây, cho đủ mọi tầng lớp thính giả. Từ giàu sang cho đến nghèo hèn, từ điền chủ cho đến những người tá điền. Người cao cũng có mà người lùn lại càng nổi bật hơn (Gia-kêu leo cây, chẳng hạn)…

Vậy đó, thế mà khi tóm lại ở một điều quan trọng nhất, là làm sao để được vào Nước Trời, thì một em bé đã được Chúa Giê-su ưu ái ôm vào lòng, và làm gương cho tất cả mọi người. “Nếu ai không trở nên như trẻ nhỏ, thì sẽ không được vào Nước Trời.” (Mt 18,3). Oách quá đi chứ! Tin Mừng ít khi đề cập đến trẻ nhỏ, nhưng khi trẻ nhỏ xuất hiện, thì đó lại là tiếng nói quan trọng nhất của Chúa Giê-su.

Thế giới của của các bé thiếu nhi đẹp lắm, nhưng thế giới của HT-GLV thì lại khác. Nhiều khi “kể khổ” cho vui, nhưng cũng lắm lúc kể khổ cho….người khác khổ theo. Nhiều khi đến để chung tay phục vụ, nhưng chung một hồi thế nào cũng có “đụng”. Ở ngoài đời nhiều khi người ta còn có cớ để bon chen tranh giành nhau là vì đồng tiền, miếng ăn… HT-GLV cũng nhiều lúc có những yếu đuối, cám dỗ như vậy. Nhưng nhìn tới nhìn lui, mình chẳng kiếm ra được cái cớ nào.

(Ảnh minh họa)

Rồi làm HT-GLV cũng đâu có phải là dễ như bỡn. Ví dụ, ở ngoài trường người ta dạy 1+1+1=3. Ở nhà thờ thì mình lại bảo 1+1+1=1. Chúa Ba Ngôi rõ ràng mà sao lại chỉ là một Chúa? Nhưng mà, đó mới chính là nét đẹp nơi Tình yêu của Thiên Chúa. Một nhánh hoa có đủ hoa, lá, cành bao giờ cũng đẹp hơn khi thiếu mất một trong hai yếu tố kia. Và dù hoa, lá, cành là 3 bộ phận khác nhau, nhưng nó lại hợp thành một bông hoa khoe sắc mang lại hương thơm cho đời. Chúa Ba Ngôi là vậy đó!

Vì thế, nếu các ba, các mẹ đưa bé đến trường vẫn còn nhớ câu ca dao: “Muốn sang phải bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”; thì khi đưa các bé đến với nhà thờ, đừng nghĩ rằng đó là nơi để điền vào chỗ trống cho con em mình buổi sáng ngày Chúa Nhật. Và, HT-GLV cũng cần lắm được “yêu thương” bằng những lời cầu nguyện, chia sẻ và đồng hành của các bậc phụ huynh.

Ngô Quốc Đạt (Internet)