Giáo lý viên và những sáng tạo thú vị

0
272

Là người trực tiếp giảng dạy để truyền đức tin của Hội Thánh cho nhiều đối tượng khác nhau, các giáo lý viên (GLV) ngày nay đã vô cùng năng động, sáng tạo trong những bài giảng và sinh hoạt tại lớp, mà họ gọi vui là “sáng kiến kinh nghiệm” dạy giáo lý.

Từ kinh nghiệm thực tiễn đồng hành cùng các lớp giáo lý ở giáo xứ, GLV ít nhiều đã tự suy nghĩ, sáng tạo các hình thức giảng dạy mới, song song việc cung cấp kiến thức. Loanh quanh nhiều xứ đạo, có thể thấy được đội ngũ GLV bên cạnh sự nhiệt tình, tươi trẻ còn có những suy tư sao cho các em “thấm” bài và ghi nhớ thật sâu.

Giúp các em ghi nhớ bài tốt hơn đòi hỏi người giáo lý viên phải sáng tạo nhiều hơn.

Gắn bó với việc dạy giáo lý từ khi còn trẻ, chị Nguyễn Kim Hương (GLV Gx Hạnh Thông Tây) đã có hơn 30 năm đứng lớp. Những ý tưởng, phương pháp mới để phục vụ môn học luôn được chị canh cánh trong lòng. Theo chị, để có một bài giảng trôi chảy, gây được sự hứng thú cho các em, việc chuẩn bị luôn phải bắt đầu từ trước đó ít là một tuần. Với những buổi học đã định hướng trước sẽ dùng các dụng cụ giảng dạy bằng thủ công hay cho đóng kịch, múa rối, và khâu chuẩn bị sẽ được chị lên lịch trước một tháng. Chủ đề đưa ra được phân chia, giao cho mỗi tổ thực hiện. Lúc này, chị Hương và nhiều GLV khác chỉ đóng vai trò hướng dẫn, đồng hành, trợ giúp…, vì xác định, chính khi để các em tham gia vào việc xây dựng bài học sẽ giúp nhớ lâu và thích thú hơn. “Nhờ tận dụng những thứ sẵn có như quần áo cũ, vải vụn, giấy báo…, đầu tư thêm chút màu vẽ, kim chỉ, giấy màu, mà rất nhiều buổi học trở nên sinh động, thu hút”, chị Hương kể.

Ngoài ra, các hình thức sinh hoạt đố vui, tìm ô chữ, giải mật thư… cũng được chị cùng các GLV trong xứ áp dụng nhiều. Chị bật mí: “Mình chủ động đan xen cứ một tuần học đơn giản thì tuần sau lại nhiều hoạt động cao trào để kích thích, thu hút các em. Tránh tình trạng bình bình như nhau dễ gây nhàm chán”.

Giúp các em “động não” để ghi nhớ bài là một trong những điểm trọng tâm trong phương cách giảng dạy giáo lý để người học nhớ lâu, hiểu sâu hơn. Câu hỏi phải làm sao để kiến thức mình giảng tác động đến các em là vấn đề luôn được đặt ra với bất cứ GLV nào. Vì vậy, việc thúc đẩy để các em suy nghĩ, đào sâu, khám phá, nhận định về những bài học được chú ý nhấn mạnh. Theo anh Nguyễn Văn Thông (Huynh đoàn trưởng giáo xứ Thái Bình – TGP.TPHCM) chia sẻ, thường GLV phải cố gắng phát triển những kỹ năng của các em bằng cách đặt câu hỏi và trình bày sao cho hay, ấn tượng và có mối dây liên kết với thực tế. “Tùy theo khối lớp mà phương pháp giảng dạy có khác nhau. Nhưng dù là khối lớp nào cũng đòi hỏi GLV chuẩn bị, đầu tư kỹ lưỡng. Hiện nay cách dùng phim ngắn, clip, tranh ảnh, cắt dán chữ… khá phổ biến và được sử dụng tại nhiều nơi”, anh Thông cho biết.

Giáo lý viên nhiều nơi thưởng bỏ công sưu tầm phim, truyện tranh nhà đạo

Hiện giáo xứ Thái Bình có trang bị một số tivi, máy chiếu. “Kho” phim, clip, tài liệu được các GLV trong xứ lưu giữ dùng chung, phần còn lại thì tùy vào lớp mà mỗi GLV có sự chuẩn bị thêm thắt, chỉnh sửa phù hợp. Ngoài phần nội dung cơ bản của bài học được truyền tải đến các em bằng cách nói, kể, viết hoặc lắng nghe rồi bổ sung, những người đứng lớp còn bỏ công in tranh, ảnh trong Kinh Thánh cho các bé nhỏ như lớp Chiên Con tô màu, ghi nhớ câu chuyện qua từng nét bút màu đậm nhạt.

Ngoài công sưu tầm phim, truyện tranh nhà đạo giống như ở Thái Bình, giáo xứ Tử Đình – Gò Vấp còn lựa chọn cách giảng dạy mang tính tư duy, bàn luận nhiều, khuyến khích các em sáng tạo bên cạnh hướng dẫn của GLV. Vì vậy, công việc của các GLV ở đây dường như luôn đòi hỏi họ phải khơi mở và sáng tạo nhiều hơn. “Việc bắt các em trả lời thuộc lòng không được khuyến khích. Thay vào đó, các lớp học giáo lý thường kết hợp phương pháp dùng những từ chính làm chìa khóa rồi vẽ thành sơ đồ với nhiều nhánh nhỏ. Nhớ được trọng tâm là thuộc bài dễ dàng”- Anh Nguyễn Quốc Cường (Huynh đoàn trưởng giáo xứ Tử Đình) chia sẻ.

Cũng theo anh Cường, những lớp nhỏ như Chiên Con vì độ tuổi còn bé, không dễ dàng ngồi im vài chục phút để nghe đọc bài nên người phụ trách những lớp này buộc phải tự chuẩn bị và áp dụng các hình ảnh trực quan. Tiếp đó là những kỹ năng như vẽ, sáng tác hoạt cảnh, kịch, thơ văn, truyện, tranh, ảnh, nhạc phim, ca múa… cũng được áp dụng tạo nên sự khơi mở giúp các thiếu nhi có thêm nhiều khám phá. “Nhìn bên ngoài vào đôi lúc có thể thấy lớp học hơi náo động nhưng đó là sự ồn ã bộc lộ niềm vui thích của các em nhỏ khi biết thêm một điều mới qua cách thức các em tiếp nhận”- anh Cường khẳng định. Lớp nhỏ là vậy, với lớp lớn GLV thường sưu tầm những đoạn phim phục vụ cho bài dạy. Nhiều người còn kỳ công học sử dụng các phần mềm ghép ảnh, dựng clip sát với nội dung bài. Sự sáng tạo luôn được cha sở khuyến khích đã giúp GLV mạnh dạn tìm tòi hơn.

Tiết học sôi nổi luôn thu hút sự chú tâm của thiếu nhi

Ngoài phần học giáo lý, trong mỗi lớp học, GLV còn hướng dẫn các em cầu nguyện qua nhiều hình thức, từ im lặng đến phát ra thành tiếng, từ riêng tư đến tập thể. Những cách thức mới luôn được các GLV tiếp nhận để các em sốt sắng thưa chuyện với Chúa. Theo các anh chị GLV xứ Tử Đình, thời gian gần đây đã tổ chức những buổi cầu nguyện khoảng 20-30 phút cho các khối lớp giáo lý. Một không gian lung linh ánh nến, sỏi màu, nhịp nhàng ấm cúng cùng tiếng đàn ghita đệm nhạc làm người tham gia vô cùng thoải mái.

Với GLV ở giáo xứ Tân Việt – Tân Bình, ngoài “gia sản” chung là các tranh, tài liệu về hạnh các Thánh, phim ảnh… mà mỗi người đóng góp vào thì mỗi cá nhân lại có những nét độc đáo cho tiết dạy của mình. Như với chị Phạm Ngọc Uyên Như, những câu chuyện liên hệ thực tế cuộc sống thường được chị khéo léo lồng ghép trong buổi học. Với suy nghĩ rằng trách nhiệm của GLV không chỉ là giúp các em hiểu biết về cuộc sống và về Thiên Chúa, nhưng còn là để giúp các em phát triển mối tương quan cá nhân, nên những thông điệp có liên quan đến kinh nghiệm sống thực tế luôn được chị Uyên Như trình bày trong bài học và liên kết với bài giảng truyền thống. Việc sử dụng Power Point cũng khá phổ biến. Chị Như ví von: “Giống như các giáo viên ở ngoài trường học, giáo lý viên cũng học, tìm tòi, áp dụng những phương pháp, dụng cụ sư phạm vào giờ dạy. Chút tiền, chút thời giờ đầu tư vào cũng vì việc chung nên không ai tính toán gì, chỉ thấy các em nhỏ hào hứng chia sẻ, phát biểu trong lớp là vui cả tuần”.

*

Dù tất bật với cuộc sống hay miệt mài với việc học, nhưng những người đã chọn nghiệp “gõ đầu trẻ” trong nhà thờ vẫn luôn tìm cách làm mới bài giảng để các em thiếu nhi yêu thích trong việc tìm hiểu Thiên Chúa và Hội Thánh, cũng như trau dồi đức tin. Một vòng quanh các xứ đạo, hình ảnh những GLV hăng say loan báo Tin Mừng cho thế hệ trẻ như một dấu chỉ cho lòng hăng say truyền giáo của những giáo dân nhiệt thành.

MINH MINH

nguồn: Web GPPT