Dấn thân phục vụ trong tinh thần tổ chức

0
66

imageNhìn vào Chúa Giêsu, chúng ta thấy Ngài đã tổ chức đời sống của mình, giáo lý của mình, tư tưởng của mình, đường hướng của mình thật tuyệt diệu. Mục đích là để làm nổi bật lên cái chính yếu là đức ái: yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương tha nhân như chính mình. Ngài cũng tổ chức nhân sự bằng cách tuyển chọn và đào luyện một nhóm người thành những người hiểu biết công việc, yêu thích công việc và có khả năng làm việc, đúng nhu cầu, đúng lúc, đúng Thánh ý Chúa. Tinh thần tổ chức của Chúa Giêsu là hiết lập một Hội thánh chan hòa đức ái, báo hiệu về Nước Trời đang đến.
1. Tổ chức đời sống cá nhân
Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta dấn thân phục vụ trong tinh thần tổ chức, mà trước tiên là tổ chức đời sống bản thân của mình cho có một sự thống nhất hài hoà từ bên trong đến bên ngoài, từ tư tưởng, đường hướng cho đến phương cách làm việc.
– Tổ chức nơi chốn và phòng ốc làm việc sao cho thuận tiện, thoáng mát, hợp phong thủy, dễ tập trung, dễ cầu nguyện, tránh luộn thuộm, bề bộn.
– Đồ đạc và mọi vật dụng phải ngăn nắp, trật tự, gọn gàng, sạch sẽ.
– Sách vở, giấy tờ, tài liệu phải đặt để theo hệ thống, trình tự, vị trí phù hợp theo tầm quan trọng của nó.
– Lập thời khóa biểu: chương trình ngày sống phải rõ ràng, thời biểu không thể đại khái hay chung chung. Phải luôn linh động trước những tình huống đột xuất, bất thường, nhưng luôn trở về với cái khung bình thường.
– Dành ưu tiên cho những việc thuộc về bổn phận, trách nhiệm; xếp thứ tự từ việc nhỏ đến việc lớn, việc ngắn hạn đến dài hạn, việc chung tới việc riêng. Không ôm đồm, bao sân, bao cấp, bao thầu…
– Kỷ luật bản thân: phải có những qui định riêng cho mình trong mọi sinh hoạt để biết sống chừng mực, điều độ, khôn ngoan, cẩn trọng, hầu tránh được những lôi kéo, cám dỗ, hay những hứng khởi quá lố.
– Mọi quan hệ trong sáng, đơn sơ, bình dị; tránh những liên hệ tầm thường, những chuyện vô bổ, những tình cảm vu vơ, những vui chơi quá đáng, khiến mất giờ và làm phân tán nội lực.
– Dám khơi gợi lên những ước mơ, những hoài bão, những kế hoạch, những công trình tốt đẹp cho đời, để từ đó nghiên cứu, khám phá, sáng tạo, và thực hiện dần dần theo khả năng của mình.
– Tạo sự thống nhất và quân bình cho đời sống mình từ ý hướng bên trong tới việc làm bên ngoài: nội ngoại hợp nhất. Tránh sự phân rẽ và mâu thuẫn với mình và với người, nói một đàng làm một nẻo: ngôn hành bất nhất.
– Trong việc tổ chức đời sống cá nhân, ta hay đi tìm mình, nên cần phải tập xóa mình và qui hướng mọi sự về Chúa, cho vinh danh Ngài và ích lợi cho tha nhân.
– Nghỉ ngơi, giải trí: tìm cách để nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần, bằng thể dục, thể thao, thuốc men, dinh dưỡng, giải trí lành mạnh, đều hòa và điều độ trong mọi sinh hoạt.
– Bí quyết để sống từng ngày thật bình an và chí thú bằng 3 cách thế: giữ tâm hồn sạch tội; say mê học tập, làm việc; nhiệt tình phục vụ mọi người.
Thiếu tinh thần tổ chức đời sống cá nhân, ta sẽ hành động một cách tuỳ tiện, ngẫu hứng theo cảm tính của mình, không chỉ tầm thường hóa bản thân, thiếu trách nhiệm với chính mình mà còn dễ va chạm với người khác, và gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống cộng đoàn.
Vì thế, nói tới tinh thần tổ chức là trước tiên nhằm tới sự thể hiện một nhân cách tốt nhất trong công việc, chứ không đặt nặng hình thức bên ngoài của sự việc. Công việc sẽ cho thấy tính cách một con người, và con người sẽ cho thấy ý nghĩa sâu xa của việc mình làm.
2. Tổ chức công việc chung
Tinh thần tổ chức chủ yếu nhằm tới cái chính yếu là sự liên kết mọi người trong công việc chứ không phải là những cách thức để tạo uy thế cho mình hay cộng đoàn mình. Đáng tiếc là có những người hoặc những thành phần lãnh đạo nhiều khi tìm cách khẳng định mình trong mọi tổ chức sinh hoạt của Giáo hội, chứ ít khi nhằm nâng cao đời sống đức tin dân Chúa. Nhiều người chỉ lo cho mình có nhiều khả năng để thành công trước mặt người khác chứ không đặt nặng việc sống giá trị Tin Mừng.
Thực tế cho thấy có những tổ chức giáo xứ với những ban bệ rất qui củ, nhưng lại không thể hiện được tinh thần đạo đức; các sinh hoạt hội đoàn rất sầm uất, nhưng lại có nhiều chia rẽ và sâu xé nhau; cố gắng tổ chức phụng vụ cho hấp dẫn và lôi cuốn nhưng lại không khơi dậy đức tin chân chính và đời sống công bình bác ái, v.v…
Có một điều khác đáng lưu tâm trong việc tổ chức đời sống giáo xứ là người ta hay quan tâm đến trật tự, nề nếp, đồng bộ, ổn định. Do đó, nhiều mục tử trở thành nhà quản trị, bận tâm đến nề nếp và hình thức bên ngoài hơn là quan tâm đến đời sống của tín hữu. Với cung cách quản trị thì người giáo dân ít được tôn trọng và cảm thông trong những hoàn cảnh và nỗi niềm riêng của họ.
Bước vào nhà thờ hay đi vào những tổ chức của giáo xứ, người giáo dân trở thành những con người thụ động hoàn toàn của tập thể, mang “cung cách đoàn lũ” (servile pecus), vì phải tuân thủ theo mọi qui định, chỉ dẫn và cách thức của cha xứ, không còn thể hiện được tâm tình, sáng kiến và lựa chọn riêng của mình để thể hiện tấm lòng. Tổ chức tôn giáo mà đánh mất tính cách và ý thức cá nhân thì cũng đánh mất hiệu quả tâm linh và tâm tình sống đạo.
Với những gì đang có trong Giáo hội, chúng ta phải làm sao cho các tổ chức và sinh hoạt tôn giáo có chiều sâu nội tâm, phát triển một niềm tin cá vị, một đức tin trưởng thành. Chúng ta đừng quá nhấn mạnh đến những luật buộc, những cấm đoán, những chế tài… Những điều đó đối với đa số con người ngày hôm nay chẳng có giá trị gì, mà còn biến tôn giáo thành một thứ cơ chế ngặt nghèo và ấu trĩ. Đức Phanxicô cũng đã lên tiếng: “Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ quan tâm đến việc nằm ở trung tâm và cuối cùng bị vướng vào một mạng lưới của những cố chấp và thủ tục. Nếu có một điều gì làm cho chúng ta lo âu một cách chính đáng và làm cho lương tâm chúng ta áy náy, đó là một thực tại rằng nhiều người trong anh chị em của chúng ta đang sống mà không có sức mạnh, ánh sáng và sự an ủi phát sinh từ tình bằng hữu với Đức Chúa Giêsu Kitô, không có một cộng đồng đức tin chào đón họ, không có chân trời ý nghĩa và sựsống”.
Điểm nhấn bao giờ cũng là tình yêu của Thiên Chúa trên cuộc đời của mỗi người, để mời gọi họ nhận biết, cảm nghiệm và đáp trả cũng bằng chính tình yêu trong đời sống cộng đoàn nhưng cũng rất riêng tư và sống động theo tính cách của mình.
3. Mục vụ thời nay
Mục vụ thời nay là một thứ phục vụ cần được nghiên cứu và đổi mới sao cho thích hợp: đúng nơi, đúng lúc, đúng đối tượng, đúng hoàn cảnh, đúng nhu cầu… Đức Cha Bùi Tuần có lần đã nói về việc tổ chứ: vừa phải có lòng đạo đức vừa có tinh thần khoa học thì mới mong có kết quả tốt. Phục vụ với tâm hồn đạo đức, nhưng một cách khoa học. Phục vụ với tinh thần khoa học, nhưng một cách đạo đức. Vì thế, muốn làm gì hay tổ chức công việc gì cũng phải kết hợp sóng đôi hai yếu tố đó:
– Lòng đạo đức: sự phục vụ nào cũng đòi ta trước tiên phải đặt mình trước sự hiện của Chúa, với ý hướng ngay lành, hoàn toàn vì nhu cầu và lợi ích chung của cộng đoàn. Chúng ta là những người được sai đi để thực hiện công việc của Chúa chứ không phải của chúng ta. Vì thế, phải phục vụ với tâm tình của người tôi tớ, với tính cách hiền lành và khiêm nhường của Chúa. Đừng để mình bị lôi kéo theo lợi lộc, danh giá hay thị hiếu của quần chúng mà đánh mất lòng đạo đức. Đừng quá đòi kết quả như mình muốn, nhưng tin rằng Chúa sẽ làm nên điều Ngài muốn.
– Tinh thần khoa học: là phải có sự suy tư, nghiên cứu, bàn hỏi cho thấu đáo. Từ đó mới lên chương trình, kế hoạch, phương cách và mục đích để thực hiện (Xem – Xét – Làm). Là những người đã được đào luyện trí thức, chúng ta không thể đi vào công việc phục vụ cách thiếu tổ chức, thiếu hiểu biết, mơ hồ, luộm thuộm, thô thiển… gây ra nhiều phiền toái, khó khăn và hư hại cho việc chung cũng như cho những người cộng tác với mình. Đừng để mình trở nên trò cười cho thiên hạ giữa một thế giới càng ngày càng đặt nặng tính cách làm việc cách khoa học và trí thức.
Cần phân biệt tinh thần tổ chức với công việc tổ chức. Tinh thần tổ chức bao giờ cũng quan tâm đến con người hơn là công việc, quan tâm đến ý nghĩa và mục đích bên trong hơn là những chỉ tiêu nhất thiết phải đạt tới bên ngoài.
Chỉ lo đạt tới những kết quả bên ngoài ta sẽ làm tổn hại đến những thiện ích bên trong, khiến cho việc phục vụ trở nên trống rỗng không còn ý nghĩa gì. Tinh thần tổ chức không bao giờ là một diễn biến từ ý định riêng tư do khả năng đề xuất của mình, nhưng là một cảm nhận sâu xa về sự hiện diện và tác động của Thánh Thần, Đấng đang gieo mầm sống mới trong sự chan hoà yêu thương qua việc phục vụ của chúng ta.
4. Giáo huấn từ Lời Chúa
a. Mc 1, 29-38:ngày sống “mẫu” của Đức Giêsu
Bài Tin Mừng cho thấy việc tổ chức đời sống cá nhân mỗi ngày của Chúa Giêsu với khởi đầu là cầu nguyện, rồi rao giảng và chữa lành thể xác cũng như tâm hồn cho con người. Ngày sống của Chúa Giêsu tạo nên khuôn mẫu cơ bản cho tất cả các môn sinh.
– Cầu nguyện: “Sáng sớm, Chúa Giêsu tìm nơi thanh vắng cầu nguyện” (Mc 1,35). Suốt ngày lo toan với bao nhiêu là công việc, tiếp xúc đủ thứ hạng người, Chúa Giêsu dành buổi sáng tinh mơ để tâm sự và trao đổi với Cha. Cầu nguyện là nhu cầu thật sự của Chúa Giêsu. Người cần có thời gian sống riêng một mình. Người cần sống bên Cha, tâm sự về gánh nặng công việc, về nổi đau khổ của loài người, về cuộc chiến chống Satan. Người thấy mình cần được Cha cảm thông và nâng đỡ, cần ánh sáng và nghị lực để làm tròn sứ mạng. Người cầu nguyện vì yêu mến, khao khát được kết hiệp với Cha. Một ngày mới khởi đầu như thế để múc nguồn sức mạnh cho hoạt động truyền giáo.
– Rao giảng: Việc quan trọng thứ hai là rao giảng Tin mừng: “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền” (Mc 1, 22). Cả phương pháp và bầu khí giảng dạy của Người đều như một sự mạc khải mới mẻ. Chúa Giêsu giảng dạy với một uy quyền vượt xa các luật sĩ và kinh sư thời đó. Người giảng như Đấng có thẩm quyền của chính Thiên Chúa tối cao, và hoàn toàn độc lập khi giảng dạy. Người chẳng phải dựa vào sách vở hay truyền thống đã có sẵn. Vì thế, giáo lý của Người mới mẻ, người nghe đón nhận như luồng gió mát dịu từ thiên đàng thổi tới. Sở dĩ thánh Marcô không nói gì về nội dung giáo huấn, vì đối với ông điều quan trọng là hướng sự chú ý của chúng ta vào người đang giáo giáo huấn là Đức Giêsu, để khám phá ra cách sâu xa về Người trong cuộc đời mình.

– Chữa lành thể xác và tâm hồn: Lời giảng dạy thể hiện bằng hành vi yêu thương. Lời nói đi đôi với việc làm. Đó chính là yếu tố làm cho lời nói có sức thuyết phục. “Ra khỏi hội đường, Chúa Giêsu vào nhà ông Simon… Bà nhạc của ông Simon đang bị sốt. Chúa Giêsu đến bên giường, cầm tay bà mà đỡ dậy;cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài” (Mc 1,29-31). Chúa Giêsu làm một cử chỉ thân ái là cầm lấy tay bà và nâng dậy, như sau này Người cầm tay đứa con gái ông trưởng hội đường, một cô bé mười hai tuổi đã chết lại đứng dậy được (Mc 5,41), như sau này Người cầm tay cậu bé bị động kinh nằm trên đất, nâng cậu dậy và cho cậu đứng lên (Mc 9,27).
“Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người” (1,32). Căn nhà ông Simon nhỏ hẹp, các bệnh nhân phải đứng thành nhiều vòng bên ngoài chờ đợi đến lượt mình. Tất cả đều được Chúa chữa lành. Thánh Phêrô trong sách Công vụ Tông đồ cũng đã làm chứng: “Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người” (Cv 10,38).
Bệnh tật đeo đuổi con người như hình với bóng. Người ta tìm ra phương cách chữa được bệnh này thì bệnh khác lại xuất hiện. Càng ngày nhiều căn bệnh mới càng khó trị và bất trị cho dù y học hiện đại tiến bộ vượt bậc. Chúa Giêsu đụng chạm đến bể khổ của nhân loại. Người không mong múc cạn, chỉ mong làm vơi đi, chỉ mong cùng chia sẻ và ban cho nó một ý nghĩa.
Nhịp sống mỗi ngày của Chúa Giêsu đầy ắp yêu thương trong mọi công việc phục vụ. Người có một trái tim rung động luôn “chạnh lòng thương”, có một tấm lòng bao dung vô bờ bến. Gặp Chúa, những ai sống ích kỷ đều trở nên quãng đại, những ai ghen ghét hận thù đều trở thành yêu thương tha thứ. Gặp Chúa, con người tìm được mùa xuân cuộc đời.
Qua ngày sống của Chúa Giêsu, việc tổ chức đời sống cá nhân của Người cho ta thấy nền tảng và cốt lõi của đời sống mình là gì? Ngoài việc phải có chương trình, dự định, kế hoạch và tính cách phù hợp cho mọi công việc; phải có thứ tự ưu tiên, ý hướng và mục đích cho việc phục vụ, ta còn phải có điều chính yếu là trái tim rộng mở và ngập tràn tình yêu thương. Vì thế, ta không thể cứng đọng theo một lề thói và khuôn khổ nào, nhưng luôn sinh động theo tác động của Chúa Thánh thần.
b. Mc 6,7-13: tổ chức rao giảng Tin Mừng
Chính Chúa Giêsu tuyển chọn nhóm 12, và sau một thời gian ở với Người, họ đã được Người sai đi rao giảng. Điều này nói lên sự quan trọng trước hết là người được sai đi phải có đời sống gần gũi thiết thân với Chúa. Để cho đồ đệ lên đường, Người trao cho các ông những quyền năng: quyền rao giảng, quyền chữa bệnh, quyền trừ quỉ. Đó là tất cả những hành trang cần thiết, mọi hành trang khác chỉ là phụ thuộc.
Nội dung rao giảng là loan báo tin mừng về Nước Thiên Chúa đang đến với con người, nhưng đòi mỗi người phải hoán cải. Hoán cải là điều chẳng ai ưa, nhưng rồi phải can đảm nói điều mình phải nói. Người tông đồ không được tránh né điều đó, và cũng không tìm cách thế để làm cho nó nhẹ đi để tìm thành công cá nhân, cũng không mỵ dân để vuốt ve dư luận, càng không chiều theo thị hiếu của người đời để được cảm tình của họ.
Để đạt kết quả sâu xa, Đức Giêsu không chỉ đưa ra nội dung, mà còn sắp xếp và tổ chức nhân sự, cách thức, đường hướng, cả đến thái độ ứng xử, đồng thời tiên liệu trước những trường hợp bất thường có thể xảy ra. Đức Giêsu ra chỉ thị rõ ràng: không được mang theo lương thực, bao bị, tiền bạc. Không lương thực để khỏi phải bận tâm để dành; không bao bị để tránh việc gom góp của cải; không tiền bạc để khỏi phải đua đòi. Các môn đệ ra đi là để cho đi chứ không phải để thu tích cho mình. Chúa muốn tránh cho họ tất cả những kiểu cách mang lại lợi lộc cho bản thân. Ngài muốn họ hoàn toàn cậy dựa vào sự quan phòng của Thiên Chúa mà thôi. Cao đẹp và ý nghĩa biết bao hai chữ Quan Phòng trong đời sống của người tông đồ. Chính ở chỗ đó mà người ta nhận ra sự hiện diện sống động của Chúa nơi họ.
Theo cách thức tổ chức và tinh thần của Thầy, các môn đệ đã ra đi khắp nơi từng hai người một, để nâng đỡ và đùm bọc lẫn nhau. Họ không được đóng đô ở một nơi, không được cố thủ ở một chỗ, dù thành công hay thất bại. Tính cơ động là đặc tính thiết yếu của người được sai đi. Sẵn sàng đến và cũng sẵn sàng đi, sẵn sàng đón nhận và cũng sẵn sàng từ bỏ, không nuối tiếc và cũng không bám níu vào cái gì khác ngoài sứ mạng mình được giao phó để có thể sống thanh thoát và an vui.
c. Lc 9, 51-56: nhắm đến con người hơn là công việc.
Tin Mừng Luca coi việc lên Giêrusalem của Đức Giêsu như một hành trình dài (9, 51-19, 27). Ngài cố ý đi ngang qua vùng đất của người Samari. Người Samari vốn ác cảm với người Do Thái (Ga 4, 9), và đặc biệt chống lại khách hành hương lên Giêrusalem, nên người ta thường tránh đi qua đất của họ (Mt 10, 5). Chỉ có Lc và Ga (4, 1-42) nhắc tới việc Đức Giêsu đi qua vùng đất lạc giáo này. Người Do Thái vốn tránh mọi giao tiếp với người Samari, ghét họ vì nguồn gốc tạp chủng và vì những dị biệt về tôn giáo (Hc 50, 25-26; Ga 4, 9). Chúa Giêsu muốn chấm dứt những tranh chấp này (Lc 10, 33-37; 17, 16-19). Giáo Hội sơ khai đã rất sớm noi theo gương Thầy (Cv 8, 5-25).
Giacôbê và Gioan, từng được Thầy gọi là con của thiên lôi (Mc 3, 17), đã muốn xin cho mình được chia sẻ quyền năng trừng phạt của Thầy. Họ tức giận đến điên lên vì dân làng vùng Samariakhông đón tiếp Chúa. Họ muốn làm như ngôn sứ Êlia ngày xưa (2 V 1, 10. 12), “khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy bọn chúng” (c. 54). Nhưng Thầy Giêsu đã quay lại quở mắng hai ông, vì đó không phải là tinh thần của Thầy. Thầy chẳng bao giờ dùng quyền lực để trừng phạt kẻ từ chối mình. Thầy đến không phải vì bản thân Thầy, nhưng vì loài người: để sống và chết cho mọi người (Lc 6, 29), để hồi phục, để cứu chữa và cứu vớt mọi tình trạng.
Quyền lực của Thiên Chúa không đe dọa, không áp đặt, cũng không bóp chết tự do mà Ngài đã ban cho con người. Sự bao dung của Đức Giêsu cho ta thấy sự bao dung của Thiên Chúa. Chúng ta có thể học được nhiều điều từ thái độ này. Như các môn đệ, chúng ta cũng thích thi thố quyền lực. Chúng ta cũng thích dùng lửa khi có lửa trong tay. Chúng ta dễ bị cám dỗ không chấp nhận một Kitô giáo có vẻ yếu đuối và chịu lép vế.
Tiêu diệt đối phương không phải là cách thức của Kitô giáo, nhưng là làm cho họ trở thành bạn hữu Khi A. Lincoln bị phê bình là quá mềm dẻo trong cách đối xử với kẻ thù và được nhắc nhở bổn phận của ông là diệt trừ họ, ông trả lời: “Chẳng phải tôi tiêu diệt kẻ thù khi tôi làm họ trở thành bạn hữu?”.
Cuộc sống của người môn đệ Chúa Giêsu là một cuộc hành trình không ngừng. Cùng với Chúa, chúng ta luôn được mời gọi từ giã con người cũ của tội lỗi và ích kỷ, để tiến về con người mới của ân sủng và tình yêu. Chông gai thử thách vẫn luôn có đó, nhưng chúng ta tin rằng có Chúa Giêsu đồng hành với chúng ta và phần thưởng đang chờ đợi chúng ta chính là niềm vui được lớn lên và tìm gặp lại bản thân mỗi ngày một cách sung mãn hơn. Điều đó chỉ có thể được khi ta để lòng mình hòa nhịp với trái tim của Thầy mình trong sự hiền lành, khiêm tốn và nhân từ.
Trong mọi cuộc tổ chức, ta dễ ngang nhiên hành quyền cách nóng nảy, độc đoán, bất chấp, muốn loại trừ những ai không thuận theo mình, muốn tiêu diệt đối phương đang cản trở hay coi thường mình,v.v. Việc làm như vậy là muốn thống trị chứ không muốn phục vụ. Được việc mà mất người, mất phẩm cách, mất đạo đức, thì cũng là đánh mất chính mình trong việc tổ chức.
Đi vào tổ chức là gặp nhiều khó khăn, thách đố, cả những chống đối, nhưng đó là cơ hội để tập làm chủ mình, tập kiên nhẫn và bao dung để khéo léo kết hợp mọi người trong tình mến. Việc có thể không thành, kết quả có thể không tốt, nhưng tình người và lòng đạo lại lớn lên. Đó mới là thành công mà Chúa thật sự mong mỏi, vì qua chúng ta, Người muốn đem lại an vui và hạnh phúc cho con người.

d. Xh 18,13-27: tổ chức với tinh thần đạo đức
Trong lịch sử Dân Thiên Chúa, Môsê là một nhân vật trung tâm trong cuộc giải phóng dân Do Thái khỏi ách nô lệ ở Ai Cập, ông đã xuất hiện như một con người lạ lùng. Ông không hề có quyền lực, không có tài trí hay lợi khẩu, càng không biết đến nghệ thuật tổ chức hay lãnh đạo. Trái lại, ông nhiều khiếm khuyết và nhiều giới hạn, cả về kinh nghiệm lẫn tri thức, nhưng Thiên Chúa đã dùng ông, đã đi cùng ông trong suốt hành trình nhiều gian lao, khó khăn, sóng gió.
Trong cả hành trình giải phóng của dân tộc, ông không hề được biết con đường phải đi, đường lối phải đấu tranh, kể cả phương pháp đấu tranh, ông không hề lên kế hoạch chuẩn bị lẫn chiến lược thực hiện. Từ đầu đến cuối ông chỉ lặng lẽ hỏi Đức Chúa, lắng nghe Đức Chúa, thực hiện những gì Ngài dạy bảo, từng việc, từng chặng, từng giai đoạn, từng tình huống, ngay cả những tình huống Thiên Chúa nói với ông qua người cha vợ là một người “dân ngoại” (Xh 18, 13-27).
Môsê hiến mình theo tiếng của Đức Chúa, hiến mình cho sự sống của đoàn dân Chúa, cho lợi ích và sự tồn vong của dân tộc mình, thế nhưng ông lại chỉ nhận được toàn là những lời oán trách, tiếng kêu ca và cả những chống đối. Có lẽ điều làm ông đau lòng nhất là chính những người ông hy sinh cho họ, mà chính họ lại cắn đắng ông, lại còn liên kết với quyền lực bên ngoài mà ám hại ông. Ông đã học được cách phản ứng của một người tin vào Chúa sau những kinh nghiệm đau thương. Ông đi gặp gỡ Đức Chúa mỗi khi bị chống đối, mỗi khi đối diện với đau khổ và cô đơn. Ông đã không tìm sự an ủi nơi người đời, chỉ có Đức Chúa là nơi ông tin cậy hoàn toàn.
Bài học về việc tổ chức cho ta nơi Môsê cho ta thấy rằng, một quyết định được đưa ra trong hấp tấp và khẩn cấp mà không hỏi ý kiến của Đức Chúa dẫn đến thất bại. Ở Xh 18, trước tiên, đòi ta phải phân tích hoàn cảnh và phát hiện vấn đề phải giải quyết. Tiếp theo, chấp nhận lời phê bình có tính xây dựng đến từ bên ngoài và lắng nghe cả ý kiến người ngoài. Nhờ vậy, ông đã tổ chức nhân sự và phát triển đời sống dân Chúa thật tốt.
Chúng ta thường nhắm vào công việc tổ chức để được như ý mình, mà ít xét tính cách hành xử của mình xem có đúng theo ý Chúa không? Trong việc tổ chức, ta làm thì không được bao nhiêu nhưng đòi hỏi kẻ khác rất nhiều; ta coi người khác như phương tiện chứ không như người anh em cùng chung nhau xây dựng cộng đoàn. Vì thế, phải luôn luôn nhìn lại tính cách hành xử của mình, kiểu cách của mình, lời ăn tiếng nói của mình… có đáng để người khác nể trọng và hợp tác không? Có khéo léo, nhẹ nhàng và có sức thuyết phục không? Có nhiều giáo dân rất đạo đức và tài giỏi, nhưng vì sao họ không thể cộng tác với các “đấng” để xây dựng Giáo hội, cụ thể là nơi các giáo xứ?
Trong tinh thần tổ chức, mỗi người và mỗi thành phần phải được quan tâm, khích lệ, huấn luyện để tự lập càng sớm càng tốt, không quá lệ thuộc vào cha xứ. Mọi tổ chức phải giúp người giáo dân mỗi ngày trưởng thành hơn trong đời sống nhân bản, đức tin cũng như mọi hoạt động truyền giáo. Mỗi gia đình đều phải trở nên thành phần thiết yếu trong xứ đạo.
Kitô giáo bắt đầu từ nhà, từ chính gia đình của họ. Chúng ta đừng lợi dụng họ vào việc chung cách bất công, khiến họ bỏ bê nhà cửa, xao lãng việc gia đình, xã hội… Đang khi nhà xứ thì ăn uống thỏa thuê, còn gia đình của họ thì thiếu thốn và khốn đốn tư bề. Chúng ta được đẹp mặt nở mày trong mọi việc tổ chức nhờ có họ, còn họ thì phải cực khổ hy sinh âm thầm. Nhiều khi họ bị chúng ta la mắng, nặng lời, không được gì mà còn mất danh dự, lại thêm ngặt nghèo trong gia đình.
Linh mục là người đem lại an vui và hạnh phúc cho đoàn chiên, nhưng thực tế có nhiều giáo dân phải đau khổ rất nhiều vì linh mục. Nhiều khi chúng ta xây dựng thành công của mình trên bằng sự bất công đối với họ. Họ phải chịu nhiều khốn khó để ta được an nhàn thư thái trong công việc tổ chức của mình.
Giáo xứ là một gia đình. Mọi việc tổ chức phải tạo cho giáo dân có cảm thức mình thuộc về giáo xứ, là thành viên có trách nhiệm trong gia đình giáo xứ. Khi đó họ mới tích cực dấn thân góp phần xây nên tòa nhà Giáo hội địa phương, bằng cách tham gia vào các hoạt động mục vụ, để xây dựng giáo xứ mình. Khi Giáo xứ có sự quan tâm, gần gũi, lo lắng cho các gia đình, thì dần dần các gia đình sẽ biết quan tâm và lo lắng cho Giáo xứ. Có lẽ tất cả đều bắt đầu ở người làm chủ gia đình giáo xứ là cha xứ. Thật vậy: “Việc chiếu tỏa niềm tin trong địa bàn giáo xứ phải được bắt đầu từ chính hàng linh mục là những người đã được đặt làm mục tử và tông đồ. Các anh em linh mục không được quyền tự mãn với những gì đã làm, nhưng phải không ngừng canh tân đời sống và cung cách thi hành tác vụ linh mục của mình” (Thư mục vụ 2014 của HĐGMVN, số 6).
Lời nguyện
Lạy Chúa Giêsu! Chúa đã tuyển chọn Nhóm Mười Hai,
và sai các ngài đi rao giảng Tin Mừng sau một thời gian ở với Chúa.
Chính khi được ở với Chúa, các ngài mới được Chúa dạy bảo,
khám phá ra con người của Chúa và hiểu được sứ vụ mà mình sẽ lãnh nhận.
Cách thức Chúa tổ chức, mục tiêu Chúa đặt ra,
nội dung Chúa truyền dạy, chủ yếu là nằm trong thái độ tinh thần.
Như các tông đồ, Chúa cũng mời gọi chúng con sống thoát tục,
không mưu cầu vật chất và danh lợi, không chiếm hữu và thu tích,
không đóng đô một nơi, không cố thủ một chỗ,
sẵn sàng đến và cũng sẵn sàng đi,
sẵn sàng đón nhận và cũng sẵn sàng từ bỏ,
hoàn toàn cậy dựa vào Chúa và theo sự thúc đẩy của Thánh Thần.
Đường hướng và tổ chức của Chúa tuy đơn giản nhưng lại sâu xa,
đòi con phải vượt qua thì mới mang lại hiệu quả.
Xin cho con hết lòng yêu Chúa thì cũng yêu công việc của Chúa,
làm tông đồ với tinh thần tông đồ, để Nước Chúa ngày càng rộng lan. Amen.

Lm. Thái Nguyên