Chút tâm tình gửi Chúa Hài Đồng

0
33

Chúa Hài Đồng kính yêu của con!

Khi con viết thư này cho Chúa thì cũng là lúc con đang bước vào mùa thi. Những hàng chữ, con số cứ lưởng vưởng trong cái đầu của con, chúng đan xen rồi nối đuôi nhau tạo thành một vòng xoáy trên đỉnh đầu khiến đôi lúc có cảm giác khá mệt mỏi. Mà con không hiểu sao đã từ lâu rồi, cứ mỗi khi không khí Giáng Sinh về tràn ngập khắp nơi thì cũng là lúc các sĩ tử bắt đầu ra trận tuyến kiến thức, có một sự gặp gỡ nào đó ở đây chăng? Giống như Kinh Thánh đã từng ví: “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ” ấy. Và con tin rằng, giờ này tất cả các bạn sinh viên cũng đang miệt mài với đèn sách như con bởi người ta vẫn thường nói: “Khổ học” chứ không ai nói là “sướng học” cả. Nhưng Chúa ơi! bài vở sẽ không thể làm giảm bớt tâm tình đón mừng Sinh nhật Chúa nơi con đâu.

Mùa Giáng Sinh năm nay đã đến. Tại các ngả đường, nơi các con hẻm, ngay cả trong các công ty, xí nghiệp, các nhà hàng, các quán ăn,…đâu đâu cũng thấy không khí của ngày lễ. Những bài thánh ca Noel bất hủ: Jingle Bell, Silent Night… đã được vang lên khắp nơi. Nhưng Chúa thấy không, Giáng Sinh năm nay như thiếu đi một điều gì đó. Không thấy có tiếng í ới gọi nhau đi tập kịch, tập múa của đám trẻ con; cũng không thấy các ông, các anh hồ hởi đi dựng sân khấu, chuẩn bị phông bạt, loa đài cho đêm Canh thức mừng Chúa Giáng Sinh. Tất cả là vì dịch bệnh Covid-19. Hằng ngày trên các trang mạng người ta vẫn đang khuyến cáo việc phòng chống dịch Covid vì những biến chủng mới. Có lẽ vì thế mà hầu hết các nhà thờ trong TGP Hà Nội chúng con năm nay vẫn trang trí hang đá, vẫn có cây thông Noel, đèn sao lấp lánh để đón Chúa nhưng sẽ không thể tổ chức đêm Hoan ca – Diễn nguyện mừng Chúa Giáng Sinh như mọi năm được Chúa ạ.

Thực ra, đã từ lâu lắm rồi ngày sinh nhật của Chúa không còn là ngày dành riêng cho người Công Giáo, mà tất cả mọi người dù cụ già hay trẻ em, người giàu hay người nghèo, người công giáo hay không công giáo, Giáng Sinh luôn là ngày lễ hội. Ngày hội tâm linh, ngày hội xã hội. Con biết ở các nước phương tây, nhất là tại nước Mỹ người ta đã xóa tên ngày lễ Giáng Sinh trong lịch mà thay vào đó họ chỉ ghi là ngày lễ nghỉ. Nghĩa là họ vẫn mừng lễ nhưng có lẽ họ mừng một ngày hội hơn là đón mừng một CON NGƯỜI đã rời bỏ ngai vàng để đến với nhân loại. Chúa ơi! ở đất nước Việt Nam chúng con cũng thế. Mỗi dịp Giáng Sinh đến, những cây thông Noel với rực rỡ ánh điện, những ngôi sao nhiều màu sắc, những hang đá lớn nhỏ và những ông già Noel với nhiều món quà thật đáng yêu và ngộ nghĩnh xuất hiện ở khắp các trung tâm mua sắm, các khu vui chơi giải trí thậm chí ở tại các quán bar, café… chỗ nào cũng thấy biểu tượng của ngày lễ. Không biết họ hiểu được ý nghĩa của ngày lễ được bao nhiêu nhưng mục đích của họ là thu hút được sự chú ý của nhiều khách hàng vì lợi nhuận kinh tế. Như vậy, Giáng Sinh theo cái nhìn hiện sinh của con người hiện nay thì: là thời điểm “hot” để bán hàng, là dịp thuận tiện để mua sắm thì đúng hơn. Có lẽ vì thế mà lời nhận định của Đức Hồng Y Oswald Gracias chủ tịch FABC làm mỗi người chúng con phải suy nghĩ: “Ngày nay, người ta ít chú trọng đến vai trò của Thiên Chúa đối với cuộc sống con người. Họ chạy đua tiền bạc và những chân lý nửa vời”. Lời nhận định này đã được đưa ra vào đúng thời điểm mọi người đang nô nức đón mừng Đại lễ Giáng Sinh và nó vẫn luôn là điều chất vấn lương tâm mỗi người chúng con mỗi khi Giáng Sinh về.

Chúa Hài Đồng kính mến, con kể cho Chúa nghe chuyện này nhé. Mấy hôm trước con cùng với các chị đi tặng quà Giáng Sinh cho một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn, những người neo đơn, bệnh tật ở khu phố Nhà Chung. Đây là lần đầu tiên con được đến thăm họ, nhất là lại vào những ngày cuối Mùa Vọng. Giáo hội đang mời gọi mỗi người hãy thực hiện sự chuẩn bị cuối cùng để đón Chúa Hài Đồng là sống tâm tình bác ái, đem Chúa đến cho những người xung quanh, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, những người kém may mắn hơn mình. Chúa biết không, nhìn cụ bà 85 tuổi mà phải leo 2 cái cầu thang vừa cao vừa hẹp mới đến được chỗ ngủ mà con thấy chạnh lòng, một căn phòng chỉ kê được hơn 1 cái giường. Chiếc giường bà nằm nó đã quá xộc xệch, mùa lạnh thế này mà không thấy có đệm, chỉ là một tấm gỗ đặt lên trên với chiếc chăn vẫn còn bọc trong túi bóng. Chợt con nhớ đến máng cỏ năm xưa Chúa nằm. Và con biết còn có rất nhiều những máng cỏ như thế trên thế giới này nữa. Máng của ở những vỉa hè, khu chợ; máng cỏ của những người gặp thiên tai lũ lụt, những người bất hạnh,… Họ sẽ đón Giáng Sinh ở đâu?

Chúa Hài Đồng ơi! Có lẽ, con không còn quá nhỏ để cứ mỗi dịp Giáng Sinh về con lại viết thư xin Chúa điều này, điều kia bởi bây giờ con đã đủ lớn để nhận ra rằng Chúa thương con thật nhiều. Nhưng Chúa ơi, đất nước của chúng con còn thật nghèo, dịch bệnh lại đang lan tràn khắp nơi. Vẫn còn biết bao những Giêsu còn đang phải sống tạm bợ nơi những gầm cầu, những khu nhà ổ chuột không một tấm áo che thân; còn biết bao những Giêsu bán diêm đang phải lang thang nơi đầu đường, cuối phố;… Con không xin Chúa cất những điều đó đi vì như vậy chắc sẽ không đẹp lòng Chúa bởi chính Chúa cũng là người nghèo nhưng xin Chúa hãy ban cho có nhiều các nhà hảo tâm biết giang rộng vòng tay giúp đỡ họ bằng cách này hay cách khác. Và xin Chúa cũng giúp con nhận ra người nghèo là món quà Giáng Sinh mà Thiên Chúa gửi tặng cho mỗi người chúng con. Khi xưa, Chúa đã chọn giáng sinh nơi chuông bò nghèo hèn để chuyển đến chúng con một thông điệp: Thiên Chúa giáng sinh vì người nghèo và cho người nghèo. Để dù năm nay chúng con không thể tố chức Giáng Sinh như mọi năm nhưng con tin rằng mỗi người chúng con đều có Chúa trong lòng, vì thật sự Ngài đã giáng sinh nơi tâm hồn mỗi người.

Chúa Hài Đồng kính mến, xin Chúa hãy đến chạm vào tâm hồn của mỗi chúng con, để chúng con biết đón Chúa không chỉ bằng những gì là hoành tráng bên ngoài mà còn bằng một trái tim biết yêu thương, cảm thông, chia sẻ trước những khó khăn, bất hạnh của người khác.

Như thánh Augustino đã từng nói: “Hỡi bạn! vì bạn mà Chúa đã làm người”. Ước mong cuộc đời của mỗi người chúng con là một đại lễ Giáng Sinh liên lỉ, đem Ngôi Hai đến cho mọi người.

Têrêxa nhỏ