Việc xưng tội năm được hiểu như thế nào?

0
54

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, giáo sư phụng vụ tại đại học Regina Apostolorum (Nữ vương các thánh Tông đồ), Rôma.

Hỏi: Nhiều linh mục khuyên các tín hữu phải xưng tội trong một năm ít là một lần, như qui định trong điều răn thứ hai của Giáo Hội (“Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo số 2042: “mọi tín hữu buộc phải xưng tội trong một năm ít là một lần”, Bản dịch Việt ngữ Sách Giáo lý của Tổng Giáo phận Sài Gòn). Nhưng tôi nghe một linh mục nói rằng điều này là không nhất thiết, trừ khi mình phạm tội trọng, như Bộ Giáo luật, Điều 989, nói: “Mọi tín hữu, sau khi đã đến tuổi khôn, buộc phải xưng kỹ càng các tội trọng ít là mỗi năm một lần” (Bản dịch Việt ngữ Bộ Giáo luật của các Linh Mục Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh).

Về mặt lý thuyết, một hệ quả của sự khẳng định này là rằng sau khi người ta đã xưng tội lần đầu (trước khi Rước lễ vỡ lòng), người ta có thể không cần xưng tội lại, nếu người ta không phạm tội trọng. Về thực hành, một số giáo dân không lãnh bí tích Hòa giải trong nhiều năm, bởi vì “họ cho là mình không phạm tội trọng nào”. Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo số 1457 cũng đề cập đến điều luật trên (“Theo luật Giáo Hội, mọi tín hữu đến tuổi khôn, phải xưng các tội trọng mình nhận thức được, một năm ít là một lần”, bản dịch Việt ngữ Sách Giáo lý, như trên). Ở đây, rõ ràng rằng việc xưng tội chỉ buộc khi người ta có tội trọng. Như Cha đã biết, Giáo luật Điều 989 có một nghĩa vụ pháp lý. Tuy nhiên, Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo số 2041 nêu ra tính cách bắt buộc của năm điều răn của Giáo Hội nữa. Sự giải thích của tôi là rằng không có mâu thuẫn, nếu chúng ta có thể phân biệt một nghĩa vụ “pháp lý” của Điều 989, và nghĩa vụ “mục vụ” của điều răn thứ hai. Thưa cha, tôi hoàn toàn ủng hộ sự thúc giục xưng tội đều đặn và thường xuyên. Nhưng nói cho chặt chẽ, liệu điều răn thứ hai chỉ bắt buộc khi người ta có các tội trọng chăng? – G. M., Hong Kong.

Đáp: Tôi tin rằng câu hỏi hóc búa này có thể được giải quyết bằng cách nhìn vào bối cảnh. Trước hết, Điều 989 được xây dựng trực tiếp trên Điều 988 trước đó:

“988 § 1. Tín hữu buộc xưng thú, sau khi xét mình kỹ lưỡng, hết mọi tội nặng, theo từng loại và số, mà mình ý thức đã sa phạm sau khi chịu phép Rửa Tội mà chưa được trực tiếp tha thứ bởi quyền tháo gỡ của Giáo Hội, hoặc chưa thú nhận trong việc xưng tội riêng.

“§ 2. Tín hữu được khuyến khích nên xưng hết cả những tội nhẹ nữa. (Bản dịch Việt ngữ Bộ Giáo luật, như trên).

Như thế, Giáo luật Điều 989 nêu ra rằng thời gian tối đa để hoàn thành luật buộc của Điều 988.1 là một năm. Vì lý do này, một chuyên viên bình giải về luật cho rằng, về mặt hiệu quả, nghĩa vụ xưng tội một năm một lần của Giáo luật Điều 989 liên quan đến tội trọng. Về giả thiết rằng một người đã không phạm tội trọng, điểu luật ấy sẽ không áp dụng cho họ.

Trong ánh sáng này, Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo số 1457 trích dẫn Giáo luật Điều 989, bởi vì nó nói về một người cần phải xưng tội trọng, trước khi người ấy rước lễ.

Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo số 2042, mặc dù nó qui chiếu đến Giáo luật Điều 989 trong phần chú thích, giải quyết chủ đề của nó dưới tiêu đề của ơn gọi của con người và đời sống người ấy trong Chúa Thánh Thần. Như độc giả trên đây nêu ra, Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo xem xét việc thực hiện điều răn thứ hai như là một yêu cầu tối thiểu của sự tăng trưởng tâm linh.

Do đó, điều răn thứ hai không nhắc đến “tội trọng”, và buộc liệu tội trọng là hiện diện hay không. Bằng cách đó, sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo số 2042 nói rằng việc xưng tội năm “bảo đảm việc chuẩn bị rước Thánh Thể bằng việc chuẩn bị lãnh nhận bí tích Hòa Giải, nối tiếp công việc hoán cải và tha thứ của bí tích Thánh Tẩy” (bản dịch Việt ngữ Sách Giáo lý, như trên). Ở đây, sự hòa giải không chỉ được xem như là phương tiện bắt buộc để xưng thú tội trọng, nhưng là một trong các phương thế quen thuộc và thậm chí cần thiết của sự tăng trưởng tâm linh.

Sách Toát yếu Giáo Lý cũng không đề cập đến sự cần thiết có tội trọng. Như thế, số 432.2 công thức hoá điều răn là: “xưng tội để lãnh nhận Bí tích Giao hoà ít là mỗi năm một lần” (bản dịch Việt ngữ sách Toát yếu Giáo lý của Ủy ban Đức tin thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Bằng cách này, cả hai Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo và Sách Toát yếu Giáo lý (Compendium) đi từ lĩnh vực cao sang của qui định Giáo luật xuống thực tế của đời sống Kitô hữu.

Ý tưởng cho rằng nghĩa vụ xưng tội trong một năm ít là một lần chỉ bắt buộc trong trường hợp có tội trọng là đúng trên giấy tờ, nhưng kinh nghiệm của nhiều linh mục linh hướng là rằng thật rất hiếm cho ai đó không phạm tội trọng nào trong vòng một năm hoặc hơn một năm.

Thật vậy, khi tội trọng được tránh trong nhiều năm, hầu như luôn luôn xảy ra rằng người ta đều đặn và thường xuyên xưng các tội nhẹ của họ, và sử dụng Bí tích Hòa giải, để phát triển trong sự tế nhị của lương tâm và lòng yêu mến Thiên Chúa. Các linh hồn như vậy cũng có khả năng thực hành các phương tiện khác của sự tăng trưởng tâm linh, như cầu nguyện thường xuyên, Rước lễ thường xuyên, và làm việc bác ái.

Chúng ta cũng cần nhớ rằng nghĩa vụ xưng tội trong một năm ít là một lần không rơi vào các người không thể thực hiện nó, do tuổi tác, bệnh tật hoặc lý do chính đáng nào khác.

Có lẽ sự khó khăn xuất phát từ việc quá xem nhẹ khái niệm về tội trọng, nên người ta không còn nhận thức tội trọng nữa. Đôi khi, tội trọng được giảm xuống còn là sự vi phạm điều răn thứ sáu mà thôi. Là các mục tử, chúng ta cần phải nhắc nhở tín hữu của mình, và chính mình nữa, rằng có bảy mối tội đầu (Kiêu ngạo, Hà tiện, Dâm dục, Hờn giận, Mê ăn uống, Ghen ghét, Lười biếng), và mỗi một mối tội đầu đầu độc linh hồn trong cách riêng của nó.

Cuối cùng, nghĩa vụ xưng tội năm giúp chúng ta chống lại tội kiêu ngạo trước tòa phán xét của Chúa. (Zenit.org 16-2-2010)

Nguyễn Trọng Đa