Thời gian của một thánh lễ kéo dài bao lâu?

0
11

THỜI GIAN CỦA MỘT THÁNH LỄ KÉO DÀI BAO LÂU?

WGPQN (20.12.2022) – Thời gian cho một thánh lễ kéo dài bao lâu? Có những chỉ dẫn cụ thể nào về điều này không? Có đúng là trong một số trường hợp thánh lễ chỉ kéo dài hơn nửa giờ, và trong những trường hợp khác thì khoảng một giờ hoặc hơn?

Linh mục Roberto Gulino, giáo sư phụng vụ trả lời:

Cám ơn quí độc giả thân yêu vì đã cho phép tôi nhắc lại một số khía cạnh rất quan trọng trong việc cử hành Thánh Thể, ngày Lễ và ngày thường, và nhắc lại điều mà Giáo hội thực sự muốn chúng ta cử hành mầu nhiệm phục sinh của Chúa.

Trước hết, chúng tôi phải trả lời ngay rằng không có những chỉ dẫn cụ thể nào liên quan đến thời lượng của một Thánh lễ và lý do đó là chúng ta thấy nơi sự đa dạng của các buổi cử hành mà nó có thể được sống và trong các bối cảnh khác nhau có thể là nét đặc trưng của các thánh lễ. Ta hãy nghĩ đến một thánh lễ trọng, chẳng hạn như lễ giáng sinh, trong nhà thờ chính tòa hoặc ở một giáo xứ thuộc vùng quê ít giáo dân: mặc dù cả hai nơi đều cử hành thánh lễ trọng nhất nhưng gần như chắc chắn rằng thời gian và cách thức của nó hoàn toàn khác nhau.

Thông thường, ở nhà thờ chính tòa có không gian rộng lớn, đòi hỏi thời gian di chuyển lâu hơn, chẳng hạn như cuộc rước đầu lễ và lúc kết thúc; đón tiếp một số lượng lớn các tín hữu (cần nhiều thời gian khi rước lễ); đòi hỏi một nghi lễ chuẩn mực và trang trọng hơn, chẳng hạn như xông hương (xông hương bàn thờ trong nghi thức đầu lễ, xông hương Tin mừng, lễ vật, bàn thờ, xông hương thừa tác viên và cộng đoàn sau phần dâng lễ); một đề xuất cho mục âm nhạc chắc chắn phong phú hơn.

Nếu như Thánh lễ Đêm Giáng Sinh được cử hành cho một nhóm khách hành hương trong một nhà nguyện ở phi trường thì nó vẫn có những đặc điểm và thời gian rất khác nhau, chắc chắn là khác so với việc cử hành trong nhà thờ chính tòa hoặc ở một nhà thờ của giáo xứ.

Mặc dù không đưa ra một hướng dẫn cụ thể về thời gian của Thánh lễ, Giáo hội, trong tất cả sự can thiệp của mình về phụng vụ, dù trong hoàn cảnh hoặc bối cảnh nào, đòi hỏi chúng ta luôn cử hành với sự tôn trọng sâu xa, cân bằng hài hòa và hết sức cẩn thận, để qua nghi lễ đó chúng ta tưởng niệm lại toàn bộ mầu nhiệm vượt qua. Trong những thập kỷ gần đây, đã có những bàn thảo minh bạch về “nghệ thuật cử hành” đích thực và riêng biệt, nghĩa là tập hợp toàn bộ những chú ý sẽ được thực hiện để bảo đảm rằng tất cả các khía cạnh của nghi thức được những người tham dự quan tâm và sống theo cách tốt nhất có thể.

Ngay trong Tông thư cuối cùng của Đức Thánh Cha Phanxicô “Desiderio desideravi”, ban hành ngày 29 tháng 6 năm 2022, đã dành trọn một chương (48-60) cho ars celebrandi, gợi lên cho chúng ta về những khía cạnh này.

Số 53, liên quan đến Thánh Lễ và các cử hành phụng vụ: “Mỗi cử chỉ và lời nói đều chứa đựng một tác động chính xác luôn mới mẻ, vì được đặt trong một thời điểm cũng luôn mới mẻ trong cuộc sống chúng ta”.

Tôi xin giải thích bằng một ví dụ đơn giản. Khi chúng ta quỳ gối để xin ơn tha thứ; để uốn gập tính kiêu ngạo của chúng ta; để dâng nước mắt của chúng ta cho Chúa; để cầu xin sự can thiệp của Chúa; để cảm ơn Chúa vì ơn lành đã nhận được: đó luôn là cử chỉ nói lên sự nhỏ bé của chúng ta trước mặt Thiên Chúa. Tuy nhiên, được thực hiện trong những thời điểm khác nhau của cuộc sống chúng ta, nó đào luyện nội tâm sâu xa của chúng ta để sau đó thể hiện ra bên ngoài trong mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và với anh em. Ngay cả việc quỳ gối cũng phải được thực hiện một cách nghệ thuật, nghĩa là với ý thức đầy đủ về ý nghĩa biểu tượng của nó và về nhu cầu chúng ta phải bày tỏ bằng cử chỉ này theo cách chúng ta hiện diện trước mặt Chúa. Nếu tất cả điều này đúng với cử chỉ đơn giản đó, thì còn đúng hơn biết bao cho việc cử hành Lời Chúa? Chúng ta được mời gọi học nghệ thuật nào trong việc công bố Lời Chúa, trong việc lắng nghe Lời Chúa, biến Lời ấy thành nguồn cảm hứng cho lời cầu nguyện của chúng ta, làm cho Lời ấy trở nên sống động?

Tất cả những điều này đáng được quan tâm tối đa, không phải hình thức bề ngoài, mà là sức sống, nội tại, bởi vì mỗi cử chỉ, mỗi lời nói của việc cử hành được diễn tả bằng “nghệ thuật” làm nên nhân cách Kitô hữu của cá nhân và của cộng đoàn.

Đây là lý do tại sao, Đức Giáo Hoàng lưu ý, cần phải tránh một số thái độ, trong đó ngài đề cập rõ ràng: “khắc khổ cứng nhắc hoặc sáng tạo quá đáng, thần bí hóa hoặc duy chức năng, nhanh chóng vội vàng hoặc chậm chạp quá mức, bất cẩn cẩu thả hoặc tỉ mỉ cực đoan, thân thiện quá mức hoặc vô cảm lạnh lùng” (DD 54).

Mặc dù chúng ta không có những tham chiếu chính xác về thời gian, nhưng về phương thức chủ sự và sống mọi cử hành phụng vụ – dù ở đâu – tất cả chúng ta đều có những chỉ dẫn rất rõ ràng và chính xác. Hãy giúp nhau để đưa chúng vào thực hành ngày càng nhiều càng tốt.

Lm. Roberto Gulino

G. Võ Tá Hoàng

Chuyển ngữ từ:Quanto deve durare la Messa? L’importante è che la liturgia sia curata
Nguồn:gpquinhon.org

#thanhlekeodaibaolau