Làm sao để kể chuyện chiến tranh cho trẻ em?

0
27

LÀM SAO ĐỂ KỂ CHUYỆN CHIẾN TRANH CHO TRẺ EM?

WGPHN (05.03.2022) – Có thể bắt đầu với từ chiến tranh? Giải thích từ ấy với trẻ em như thế nào? Và phải làm gì sau khi đứa trẻ tỏ ra lo lắng hoặc buồn bã sau khi nghe câu chuyện? Những câu hỏi này cùng với nhiều câu hỏi khác được giải đáp bởi nhà tâm lý học Ezio Aceti.

Có rất nhiều câu hỏi không có lời giải đáp, nhưng cũng có những thắc mắc mà chúng ta không thể im lặng làm ngơ. Việc nỗ lực giao tiếp là một điều tự nhiên, đáng trân quý, và là bản chất của mỗi con người. Vì vậy, là con người cũng có nghĩa là gắn liền với ngôn ngữ, lời nói, đối thoại, không bỏ qua những khúc mắc, hiểu rõ nguyên do và không lãng quên lịch sử. Khi những sinh linh bé nhỏ nghe kể một thảm họa không được lường trước như là chiến tranh, thì việc biết cách can thiệp kịp thời, kể lại vấn đề theo cách đúng đắn lại là một yếu tố thật cần thiết. Tuy nhiên, làm thế nào để giải thích cho trẻ em nghe về chiến tranh? Làm sao để đề cập tới cuộc xung đột đang xảy ra tại Ucraina? Nhà tâm lý học Ezio Aceti, người sáng lập hội Parvus, phụ trách liệu pháp trị liệu cho trẻ sơ sinh và hỗ trợ nuôi dạy con cái sẽ giúp chúng ta trả lời những câu hỏi này.

Hãy bắt đầu với từ chiến tranh. Có nên sử dụng từ này hay không? Nó nên được giải thích như thế nào cho trẻ em? Nói rằng chiến tranh thì đối lập với hòa bình hay là một điều gì đó hơn thế?

Từ chiến tranh khơi dậy hai cảm xúc mà người ta có thể hiểu được: đó là sợ hãi và buồn rầu đến mức đau khổ. Khi nhắc đến từ chiến tranh, chúng ta phải đính kèm với hai trạng thái xúc cảm này. Trẻ em có thể hiểu được vì chúng cũng đã từng trải qua những cảm xúc như vậy. Vì thế, được dùng từ chiến tranh, miễn là kèm theo những cảm xúc nói trên.

Trong những trường hợp như thế này, đâu là mục đích của việc nói cho trẻ em biết về những gì đang xảy ra? Cần phải chuẩn bị thật cẩn thận trước khi nói với trẻ nhỏ?

Đúng là như vậy! Con người chúng ta dùng ngôn từ, nhưng động vật thì không. Cho nên từ ngữ là công cụ giúp ta giải nghĩa, gắn cho cuộc sống một ý nghĩa nào đó. Ngay cả trong Tin mừng thánh Gioan có viết rằng Chúa Giêsu chính là Ngôi Lời. Lời nói có thể làm nên những điều tốt đẹp, nhưng cũng có thể gây nên chiến tranh. Mục đích của việc giải thích là để nâng cao nhận thức, giúp chúng ta cùng nhau chia sẻ nỗi thống khổ, thậm chí có thể đưa tới những việc làm chính là lời đáp trả của cái thiện dành cho cái ác, cái xấu. Một mục đích nữa cũng là khuyến khích mọi người cầu nguyện. Từ ngữ được dùng với âm thanh, chữ viết, có nhiều cách thức khác nhau nhưng đâu là nội dung? Tôi phải luôn tôn trọng người nghe, nhưng điều quan trọng là từ ngữ phải chứa đựng 3 ý chính. Tôi chắc chắn rằng nếu học cách dùng ngôn từ, chúng ta có thể cứu cả thế giới. Vì cũng chính những từ ngữ, lời nói ấy Thiên Chúa đã dùng để dạy chúng ta. Điều đầu tiên là đồng cảm, giống như Chúa Cha, Người luôn đồng cảm với chúng ta. Thứ hai là sự thật, là thực tại – chính là Chúa Con. Và điều thứ ba, chính là trợ giúp, động viên, giống như Chúa Thánh Thần luôn phù trợ, giúp chúng ta biến đổi cái xấu trở nên điều tốt đẹp.

Nếu cha mẹ nhận thấy con cái thể hiện sự lo lắng, có sự thay đổi trong hành vi sau khi nghe kể về chiến tranh thì họ nên làm gì?

Chúng ta không thể cho rằng trẻ em phải được bảo vệ tuyệt đối. Sự bảo vệ tốt nhất là giúp chúng biết tự bảo vệ mình. Michel de Certau, một tu sĩ dòng Tên vĩ đại của thế kỷ trước từng nói rằng trong mỗi con người đều tồn tại một cái tai thứ ba. Đó là tai nội tâm giúp ta nghe về tình yêu, về sự siêu việt và đồng thời cho ta thêm sức mạnh để quản lý cảm xúc. Nó cũng có thể khiến một đứa trẻ bật khóc, nhưng khóc là một điều tự nhiên của con người. Có thể cảm thấy buồn, nhưng đây cũng là điều rất con người. Một cách tự nhiên, cha mẹ sẽ ôm lấy đứa trẻ và ngay sau đó chơi đùa với con mình. Đứa trẻ sẽ nghĩ rằng ba mẹ đã không che giấu sự thật với chúng, rằng ngay cả khổ đau cũng có thể giải quyết được. Yêu thương một đứa trẻ nghĩa là giúp chúng trải nghiệm những điều thực tế, quản lý chúng một cách tự nhiên bằng ngôn từ đơn giản. Cách bảo vệ tốt nhất là giúp con cái có nhận thức, biết quản lý sự thất vọng, bởi vì chúng có khả năng làm điều đó. Và, điều ấy được tìm thấy trong mỗi chúng ta. Mang lại phẩm giá cho trẻ nhỏ nghĩa là giúp chúng đi vào nơi sâu thẳm của nội tâm để kéo những điều tốt đẹp nhất ra bên ngoài. Bảo vệ trẻ nhỏ quá mức là sai lầm, giống như càng khiến chúng rơi vào hỗn loạn. Nói với trẻ nhỏ về nỗi đau khổ theo một cách hợp lý, chính xác, giúp các em bày tỏ, ôm động viên và giải thích là điều khéo léo nhất chúng ta có thể làm.

Có nhiều lứa tuổi khác nhau, hãy đi từ các em đã bước sang tuổi thứ 10, bắt đầu đi học trung học cơ sở. Chúng không chỉ xem tin tức mà có thể đã có cho mình chiếc điện thoại thông minh đầu tiên và thỉnh thoảng lướt đọc một bài báo. Vậy làm sao để giải thích chiến tranh cho họ?

Những điều chúng ta truyền đạt phải là sự thật, rõ ràng và đơn giản. Ngay ở trường trung học cơ sở đã có tư duy trừu tượng, một thứ rất nhạy cảm với bản năng, cảm xúc và lý tưởng hóa. Chúng ta có thể nói với chúng rằng chiến tranh gây ra nhiều nỗi buồn và đau khổ. Ngay cả khi chúng ta không thể giải thích hết các lý do, nhưng phải nói có ai đó tấn công người khác. Mấy ngày trước thì chưa có bom đạn rơi trong những tòa nhà, nhưng hôm nay thì có. Có nhiều người phải chết, nhiều người trẻ phải sống một cuộc đời hoàn toàn khác. Sau khi đã giải thích, điều quan trọng là chốt lại với những đề xuất có lý. Cần gieo kinh nghiệm về hòa bình, dạy cách đối xử hòa bình với người khác. Có thể tổ chức các cuộc gặp gỡ chia sẻ về vấn đề này, đề xuất quyên góp của cải vật chất, và thêm những trích dẫn, văn thơ, suy ngẫm hay cả kế hoạch hàng ngày với mục đích thể hiện sự gần gũi với bạn bè trong chiến tranh. Thoát khỏi xiềng xích kinh nghiệm xã hội. Có bao giờ ta tự hỏi tại sao Greta Thunberg (nhà hoạt động trẻ vì môi trường) lại khơi dậy phản ứng của giới trẻ trên toàn thế giới? Bởi vì không phải những người trẻ ngày xưa, nhưng chính “trẻ em thế giới”; và, người lớn chúng ta phải khơi dậy nơi họ những ý tưởng tốt đẹp nhất và cả sự đồng sẻ chia nỗi thống khổ. Tuy nhiên, ta cần đặt mình vào trong hoàn cảnh của người trẻ.

Vậy với trẻ em ở độ tuổi tiểu học, chúng ta nên hành xử như thế nào ?

Từ 6 tới 10 tuổi, trẻ em có thể nhận thức được những thứ xảy ra ở thế giới ngoài kia, nhưng chỉ ở bước đầu. Trước hết cần giải thích rằng có chiến tranh, nước này đã xâm lược nước kia. Điều này gây ra nhiều hệ lụy đau khổ, ngay cả trẻ nhỏ cũng không còn được chơi với nhau nữa. Con người không thể làm những thứ trước kia đã từng làm. Đó là cách giải thích ngắn gọn, đơn giản mà hiệu quả. Tiếp đến, cũng cần nói với các em, theo cách thật đơn giản, rằng chúng có thể góp phần xây dựng hòa bình. Giáo dục về tình bạn nghĩa là giáo dục về hòa bình. Cũng đồng nghĩa với việc cần biết xin lỗi, thông cảm cho lý do của người khác. Chính trẻ nhỏ là những người xây dựng hòa bình. Sau đó, có thể nhắc tới việc cầu nguyện. Cầu nguyện cho cả các trẻ em. Cầu nguyện cùng Chúa để Ngài lay động trái tim của những nhà cầm quyền, để họ biết vì lợi ích của tất cả mọi người. Cuối cùng, có thể tổ chức buổi quyên góp nhỏ cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Tóm lại, cần khơi dậy lòng vị tha. Cái tôi không còn chiếm hữu nữa nhưng là người xung quanh. Những ai đang phải chịu đau khổ là người giúp chúng ta có được những trải nghiệm hòa bình.

Cuối cùng, những trẻ em nhỏ tuổi nhất, chúng có thể cảm nhận được điều gì đó từ ti-vi hay nghe từ cha mẹ. Vậy có thể cư xử như thế nào với các em 3, 4 hay 5 tuổi ?

Vì các em ở lứa tuổi này, tôi và đồng nghiệp là Stefania Cagliani đã viết một bức thư cho các em nhỏ tới 6 tuổi. Không bắt buộc rằng cha mẹ phải đọc hết cho con cái nghe, nhưng tôi có thể đảm bảo từng câu chữ được viết ra là dành cho các em. Trước khi đọc bức thư, cho phép tôi nhắc lại 6 cảm xúc cơ bản mà mọi trẻ nhỏ đều có thể cảm nhận được, không trừ một ai. Đó là vui, buồn, tức giận, sợ hãi, ngạc nhiên và chán ghét. Ở đây, chúng ta đề cập nhiều tới nỗi buồn và sợ hãi.

Thư gửi các em nhỏ

Các bạn nhỏ yêu quý,

Hôm nay bác cần nói với các con một điều vô cùng quan trọng đang xảy ra ở một đất nước xa xôi. Nó tên là chiến tranh. Khi con người gây chiến tranh, họ sử dụng vũ khí để gây hại cho người khác, và đôi khi khiến ai đó phải chết. Một vài người bị thương, phải tới bệnh viện. Chiến tranh khiến chúng ta phải khóc. Mọi người đau khổ, nhà cửa, trường học và công viên cũng bị phá hủy. Khi có chiến tranh, chúng ta không thể ra đường để chơi với bạn bè, cũng không thể tổ chức tiệc được nữa. Chiến tranh rất đáng sợ. Khi sợ hãi, chúng ta sẽ không còn cảm thấy vui vẻ, vui chơi và kết bạn.

Chúng ta đang sống trong hòa bình, vì thế các con có thể tới trường, chơi với bạn bè và mời ông bà tới thăm nhà. Nhưng các con cũng biết rằng khóc và sợ hãi là điều mà các con không thực sự muốn thử. Rất nhiều trẻ em, ở nơi có chiến tranh, đã sợ hãi và khóc lóc. Vậy chúng ta có thể cùng nhau làm gì để chiến tranh kết thúc đây? Tại sao không một ai trên thế giới, kể cả hôm nay hay chẳng bao giờ, phải chịu đối mặt với chiến tranh? Các con không thể làm gì vì còn quá nhỏ? Không phải như vậy, hoàn toàn không phải vậy.

Con yêu, con có thể làm rất nhiều thứ để chiến tranh chấm dứt và hòa bình trở lại. Con có thể cho cả thế giới thấy rằng việc trở thành bạn bè, ngay cả khi khác biệt, là điều hoàn toàn có thể. Trong lớp con có một bạn có màu da khác, và đối với con, đó là người bạn của con. Con có một người bạn nói thứ tiếng khác, con hiểu bạn ấy ít thôi nhưng bạn ấy vẫn là bạn của con. Con có thể cho cả thế giới thấy rằng hòa hợp không có nghĩa là cùng ý tưởng. Có thể một người bạn của con có ý kiến khác, các con cãi nhau, nhưng sau đó hãy làm hòa ngay lập tức. Con có thể làm hòa bằng cách nói với người bạn rằng đừng tức giận, vì nếu không bạn sẽ trở nên buồn bã. Chúng ta làm hòa ngay lập tức vì như thế chúng ta sẽ vui vẻ, hạnh phúc! Con cũng có thể can thiệp nếu một người bạn cãi vã với một người bạn khác bằng cách khiến bạn ấy cười bằng một khuôn mặt hoài hước và một vài từ vui vẻ.

Cuối cùng, chúng ta có thể cầu nguyện với Chúa Giêsu rằng: “”Chúa Giêsu yêu dấu, thế giới cần Ngài biết là bao nhiêu. Ngài có thể thay đổi trái tim sắt đá của những người đang gây chiến tranh thành một trái tim tốt đem lại hòa bình. Xin Chúa giúp con trở nên một trẻ nhỏ biết đem tới hòa bình. Xin Ngài giúp con và tất cả các bạn nhỏ khác nhé. Con yêu Ngài rất nhiều”.

Tác giả: Andrea De Angelis

Chuyển ngữ: Maria Thùy Linh
Từ: vaticannews.va/it

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org