Phút lắng đọng Lời Chúa từ ngày 19.08 đến ngày 24.08.2019
19.08.2019
THỨ HAI TUẦN XX THƯỜNG NIÊN
Mt 19,16-22
Lời Chúa:
“Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ, tôi còn thiếu điều gì nữa không?” (Mt 19,20)
Câu chuyện minh họa:
Dov Ber là một con người rất không bình thường. Những ai đến gặp ông đều run cầm cập. Ông là một học giả Thánh Kinh có tiếng tăm, cứng cỏi không chút khoan nhượng trong lập trường của mình. Không ai trông thấy ông cười bao giờ. Ông tin tưởng mãnh liệt vào những khổ chế tự nguyện. Ông thường giữ chay liên tục nhiều ngày. Sự khổ hạnh của Dov Ber cuối cùng đã có tác dụng trên ông. Ông ngã trọng bệnh và các bác sĩ đành bó tay không thể chữa chạy được. Cuối cùng, có người đề nghị: “Tại sao không cầu cứu đến Baal Shem Tov?”
Dov Ber đồng ý, dù ban đầu ông phản kháng ý kiến đó – bởi vì ông rất dị ứng với Baal Shem, người mà ông cho là một kẻ dị giáo. Thật vậy, trong khi Dov Ber tin rằng đời sống chỉ có ý nghĩa xuyên qua các nỗi thống khổ, thì Baal Shem lại tìm cách xoa dịu các nỗi đau và công khai giảng dạy rằng chính tinh thần vui tươi phấn khởi mới đem lại ý nghĩa cho cuộc đời.
Baal đến vào lúc đã quá nửa đêm. Ông vận áo khoác len và đội một chiếc mũ lông thú rất đẹp. Bước vào phòng người bệnh, ông chìa ra một quyển sách. Dov Ber cầm lấy, mở sách và bắt đầu đọc lớn tiếng.
Dov Ber đọc được chừng một phút, Baal Shem nói cắt ngang: “Thiếu một cái gì đó rồi. Thiếu một cái gì đó trong đức tin của ông.”
“Cái gì?” Dov Ber hỏi.
“Linh hồn.” Baal Shem trả lời.
Suy niệm:
Người thanh niên nhận thấy sự khôn ngoan nơi Đức Giêsu nên muốn gặp Ngài. Nhưng khi gặp Ngài, của cải đã chiếm hết tâm hồn anh, anh không thể tìm kiếm điều quý giá. Anh ta thiết nghĩ chỉ tuân giữ những gì cha ông truyền lại là đủ rồi. Nhưng Đức Giêsu muốn anh đi xa hơn nữa, là đón nhận sự sống đời đời, đó là nghe và thi hành Lời Chúa. Thật ra, của cải tự nó không là tội, nhưng khi người ta quá bám víu vào nó, thì nó trở thành vật cản ta đến với Chúa. Chúa không đòi hỏi chúng ta sống không có của cải, nhưng không bám víu vào nó, biết chia sẻ với anh chị em mình, mở rộng tương giao với anh chị em mình… thì Nước Trời sẽ gần chúng ta.
Lạy Chúa, xin cho con tin nhận Chúa là sự sống của con, để không gì làm cản trở con đến với Chúa. Amen
20.08.2019
THỨ BA TUẦN XX THƯỜNG NIÊN
Thánh Bernarđô, viện phụ, tiến sĩ Hội thánh
Mt 19,23-30
Lời Chúa:
“Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào nước Thiên Chúa.” (Mt 19,24)
Câu chuyện minh họa:
Nhà văn Anderson viết một câu chuyện rất ngắn khá ý nghĩa. Một người hành khất đói khổ đến gõ cửa nhà một người giàu có để ăn xin. Anh chàng nhà giàu nứt khố đổ vách nhưng lại rất keo kiệt, nhất định không cho cái gì. Nhìn quần áo lôi thôi lếch thếch và khuôn mặt lem luốc của người ăn mày, tên nhà giầu đã không bố thí còn từ trong nhà mỉa mai nói vọng ra: “Hình như anh vừa mới từ dưới hỏa ngục chui lên thì phải. Nhìn bộ mặt và quần áo của anh, tôi đoán thế”. Người hành khất nuốt nhục trả lời: “Thưa ông, đúng vậy. Ông nói quả không sai chút nào, tôi mới ở dưới hỏa ngục chui lên đây. Ở dưới đó hết chỗ rồi. Những người giầu có và keo kiệt như ông đã đầu tư tiền bạc mua hết đất rồi. Đất ở dưới đó ngày càng mắc, nhất là đất mặt tiền. Không còn chỗ để ở, tôi phải chui lên đây.”
Suy niệm:
Trong thực tế, tiền bạc là một rào chắn khiến người ta không thể ra khỏi đó để thực hiện điều tốt lành. Chúa Giêsu không lên án người giàu có nhưng lên án những người giàu mà keo kiệt, ích kỷ, bám víu vào của cải vật chất tiền bạc… Trong lịch sử Giáo hội có những vị thánh từ bỏ cuộc sống giàu có mà sống cuộc đời thanh thoát, đến với những người nghèo như thánh Phanxicô Assisi. Chúa Giêsu đã từng khẳng định rằng “Không ai có thể làm tôi hai chủ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được”.
Khi sống trên trần gian, Chúa Giêsu đã là một tấm gương sống khó nghèo chứ không phải trên lý thuyết “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự nguyện trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình làm cho anh em nên giàu có” (2C 8,9). Vì thế, chúng ta là những môn đệ của Chúa, chúng ta phải sống tinh thần nghèo khó như Ngài, chấp nhận những sự từ bỏ của Tin mừng: cha mẹ, vợ con, ruộng vườn,… và Ngài sẽ trang bị cho chúng ta hành trang cần thiết cho việc phục vụ Tin mừng.
Lạy Chúa, tiền bạc rất cần thiết cho đời sống chúng con, nhưng xin Chúa giúp chúng con biết sử dụng tiền bạc, của cải vật chất, như là phương tiện giúp chúng con bác ái với người khác, và đem lại niềm vui cho anh chị em con.
21.08.2019
THỨ TƯ TUẦN XX THƯỜNG NIÊN
Thánh Piô X, giáo hoàng
Mt 20,1-16a
Lời Chúa:
“Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn…”. (Mt 20,13).
Câu chuyện minh họa:
Tại các thành phố hiện nay, cơn sốt về nhà đất mỗi ngày một gia tăng. Một mảnh đất hôm qua chẳng có giá trị gì, thế mà hôm nay có thể trở thành tài sản lớn.
Có một bác nông dân sống ở ven đô, bác nhẩm tính trong đầu rằng: Theo thời giá, miếng đất của bác có thể bán được hai mươi cây vàng. Nhưng rồi có người đến trả cho bác những hai mươi lăm cây. Bác mừng rỡ bán vội.
Liền sau đó, người bên cạnh bán miếng đất chỉ bằng nửa miếng đất của bác mà cũng được hai mươi lăm cây. Bác tiếc ngẩn tiếc ngơ và lên tiếng cự lại người mua hai miếng đất ấy. Và người mua đã trả lời bác:
– Này bác, bộ tôi phỉnh gạt bác à. Bác đã chẳng thỏa thuận với tôi hai mươi lăm cây sao? Hay là bác ganh tị vì tôi đã rộng lượng.
Suy niệm:
Thường khi chúng ta hay so đo với những người có phúc, may mắn, giàu có… hơn mình. Khi chúng ta làm như thế là chúng ta phạm phải sai lầm là xét đoán người khác theo kiểu thế gian. Hôm nay Chúa mời gọi chúng ta biết chấp nhận cuộc sống của mình. Chúa không xét chúng ta theo một tiêu chuẩn nào hết, Ngài chỉ xét nơi mỗi người chúng ta về hành vi chúng ta thuộc về Chúa đến đâu, tình yêu của Chúa đối với chúng ta tới mức độ nào.
Thiên Chúa luôn đối xử công bằng với mỗi chúng ta, và mong muốn mỗi người được ơn cứu độ. Hình ảnh ông chủ ra chợ tìm người làm vườn là hình ảnh Thiên Chúa luôn đi tìm kiếm chúng ta mỗi ngày, mỗi giờ…, đó là một Thiên Chúa luôn yêu thương con người. Vì thế, không ai có quyền ganh tị hay so đo với người khác, vì mỗi người đều được Chúa mời gọi, kẻ trước người sau.
Lạy Chúa, xin cho con thấy hạnh phúc với những gì con đang có, và biết mở rộng vòng tay đón nhận những anh chị em kém may mắn hơn con, để họ cũng được hạnh phúc.
22.08.2019
THỨ NĂM TUẦN XX THƯỜNG NIÊN
Đức Maria Nữ Vương
Lc 1,26-38
Lời Chúa:
“Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. (Lc 1,28).
Câu chuyện minh họa:
Trong đêm khuya, người đàn ông đứng một mình trên đỉnh đồi heo hút. Đó là một đêm tuyệt đẹp. Bầu trời đầy sao. Tâm hồn ông thật thanh thản và bình an. Ông cảm nhận được rằng cuộc đời là một ơn huệ. Và ông đã cho biết: Chính trong đêm hôm ấy trên đỉnh đồi cao, ông đã bắt đầu tin vào Thiên Chúa. Các nhà tâm lý học thường gọi cảm nghiệm trên đây là “khoảnh khắc cao điểm”. Đó là lúc mà chỉ trong thoáng chốc, chúng ta nhận ra một thế giới mới vô cùng to lớn và xinh đẹp.
Suy niệm:
Khi Mẹ Chúa đến viếng thăm, Gioan trong dạ mẹ đã nhảy mừng vì Gioan đã nhận ra sự hiện diện của Chúa và ngài đã thể hiện niềm vui ấy bằng hành động. Chắc hẳn mỗi người chúng ta cũng cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời của mình, như Phêrô nhận ra Chúa khi được mẻ cá lạ lùng, các môn đệ thân tín của Chúa trên đỉnh núi Tabor khi Ngài biến hình…
Trong sự thinh lặng của cõi lòng, chúng ta hãy cảm nhận tình yêu Chúa qua từng biến cố cuộc đời dù là biến cố vui buồn, nhưng chắc chắn khi chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa chúng ta sẽ đón nhận niềm vui, hạnh phúc và sự bình an mà Ngài mang đến cho chúng ta.
Lạy Chúa, Hài Nhi Gioan đã nhảy mừng trong lòng mẹ vì nhận ra sự hiện diện của Chúa, xin cho mỗi người chúng con cũng biết nhận ra Chúa trong cuộc đời, để chúng con lắng nghe sự hướng dẫn của Chúa với trọn niềm tin yêu phó thác.
23.08.2019
THỨ SÁU TUẦN XX THƯỜNG NIÊN
Mt 22,34-40
Lời Chúa:
“Thưa Thầy, trong sách luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?”. (Mt 22,36).
Câu chuyện minh họa:
Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu được giao phó trông coi một chị nữ tu lớn tuổi. Chị này nổi tiếng là khó tính trong nhà dòng. Đến giờ ăn, Têrêsa phải dìu chị xuống nhà ăn. Một thiếu sót nhỏ cũng đủ để cho Têrêsa bị trách móc. Chị ấy bực bội, không bằng lòng, nhưng Têrêsa vẫn luôn tỏ ra vui tươi hồn nhiên và chịu đựng tất cả vì Thánh nữ yêu mến Chúa; và vì tình yêu Chúa, Thánh nữ yêu mến nữ tu đáng thương này.
Suy niệm:
Bản chất của Thiên Chúa là tình yêu. Chúng ta cũng được dựng nên giống hình ảnh Ngài nên chúng ta vẫn mãi khao khát và tìm kiếm tình yêu. Đó cũng là điều răn duy nhất mà Chúa muốn mỗi người chúng ta phải chu toàn. Mến Chúa xem ra dễ thực hành, còn yêu người có vẻ hơi khó. Vì thể hiện lòng mến Chúa bằng việc đọc kinh, cầu nguyện, dự lễ… Còn yêu người thì làm sao được khi họ là người làm phiền lòng ta, gây phiền phức cho ta, thù nghịch với ta… Đó chỉ là những suy nghĩ theo lẽ thường tình, nhưng Chúa muốn chúng ta vượt lên trên những lẽ thường tình đó, để đạt đến mức độ yêu thương đúng mực. Nghĩa là chúng ta phải yêu người thân cận như chính bản thân mình, yêu thương kẻ thù và những người xúc phạm đến ta. Điều này thật khó khi chúng ta không yêu mến Chúa thật sự.
Lạy Chúa, xin cho con nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi tha nhân, để cùng với anh chị em con nắm tay nhau, làm thành một vòng tròn yêu thương và Chúa là tâm điểm.
24.08.2019
THỨ BẢY TUẦN XX THƯỜNG NIÊN
Thánh Barthôlômêô tông đồ
Ga 1,45-51
Lời Chúa:
“Cứ đến mà xem.” (Ga 1,46).
Câu chuyện minh họa:
Trong một cuộc họp, có hai người được mời đọc Thánh Vịnh 22 “Chúa là mục tử của tôi”.
Người thứ nhất là một diễn viên nhà nghề nhưng không có đức tin. Anh phát âm rất chuẩn, giọng rõ ràng, ngắt câu hợp ý. Nghe anh đọc xong ai cũng vỗ tay.
Người thứ hai là một tín hữu xác tín về đức tin. Anh phát âm không chuẩn lắm, anh còn đọc hơi nhanh nữa. Nhưng giọng anh rất tình cảm. Ai nghe anh đọc cũng đều xúc động.
Khi hai người đọc xong, người diễn viên đến bắt tay người tín hữu và khen: “Xin chúc mừng. Anh đã đọc rất hay”. Người tín hữu đáp: “Không, anh mới là người đọc hay, còn tôi thì tệ quá.”
Người diễn viên phân tích: “Chắc chắn là anh đọc hay hơn tôi mà. Một điều rất hiển nhiên là: Tôi thì biết Thánh Vịnh 22, còn anh thì biết Người Mục Tử.”
Suy niệm:
Ơn gọi đôi khi cần được sự giới thiệu, và sự hướng dẫn của người khác. Chúng ta có thể lắng nghe tiếng Chúa qua Kinh Thánh, giáo huấn của Hội thánh, những người có trách nhiệm và tiếng nói lương tâm.
Ơn gọi của Ông Nathanael được giới thiệu bởi Philipphê, và sau đó tự ông tìm đến Chúa và ông cảm nghiệm được kinh nghiệm thiêng liêng. Kinh nghiệm ơn gọi của Nathanael cũng là bài học cho mỗi chúng ta. Tiếng Chúa gọi mỗi người mỗi cách khác nhau, nếu chúng ta chìm sâu trong sự ồn ào náo nhiệt chúng ta sẽ không dễ dàng nhận ra. Vì thế, chúng ta cần để cho tâm hồn mình lắng đọng lại để lắng nghe, và phải có tâm hồn khao khát, lương tâm ngay thẳng, hướng về Chúa, và sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của Chúa. Và một khi đã theo Chúa thì phải chấp nhận từ bỏ con người cũ, thói hư tật xấu, tội lỗi… để chính Chúa sẽ mang lại cho chúng ta sự sống vĩnh cửu.
Lạy Chúa, giữa một thế giới hưởng thụ, xin cho con biết từ bỏ mọi sự để yêu mến Ngài; giữa một thế giới ồn ào và náo nhiệt xin cho con biết thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa; và giữa một thế giới tranh chấp và quyền lực, xin cho con tìm tựa nương Ngài.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho