5 phút Lời Chúa tháng 07/2016

0
48

5-phut-suy-niem1

01/07/16 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 13 TN
Mt 9,9-13

ÁNH MẮT ĐẦY YÊU THƯƠNG

Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người. (Mt 9,9)

Suy niệm: Dù bản văn Tin Mừng không nói rõ, chỉ nói Chúa Giê-su “thấy” Mát-thêu đang ngồi ở trạm, người đọc vẫn nghĩ đến cái nhìn của Chúa Giê-su dành cho ông. Ánh mắt này không khác với ánh mắt của Chúa dành cho Phê-rô sau khi ông chối Chúa. Ánh mắt này đang được lô-gô Năm Thánh Lòng Thương Xót họa lại với cái nhìn của Chúa dành cho tội nhân đang được vác trên vai, một ánh mắt yêu thương xuyên thấu tâm hồn vừa cảm thông vừa có quyền năng biến đổi. Cũng như Phê-rô và bao tội nhân khác, Mát-thêu được hưởng lòng thương xót Chúa qua ánh mắt của Chúa và nghe được lòng Chúa thương xót rõ ràng qua lời truyền gọi: “Hãy theo tôi.” Lời này có quyền năng làm bật dậy con người của ông khỏi chiếc ghế bẩn thỉu, đứng thẳng như con người được phục sinh và bước theo Chúa. Lời này đi thẳng vào trái tim của Mát-thêu và tâm hôn ông được chữa lành, cuộc đời của ông thay đổi từ đây.

Mời Bạn: Chúa đâu chỉ thương Phê-rô hay Mát-thêu, mà thương hết mọi tội nhân, nên ánh mắt của Chúa vẫn nhìn bạn trìu mến và vẫn cho bạn nghe được lời quyền năng “hãy theo Tôi” để bạn bật dậy khỏi tình trạng u ám của bạn, đứng thẳng như người môn đệ của Chúa đang hăng hái với sứ mạng tông đồ.

Sống Lời Chúa: Nhìn vào đôi mắt nhân từ của Chúa trên thánh giá và dâng lời cảm tạ Chúa vì được làm môn đệ Ngài.

Cầu nguyện: Đọc kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót.

02/07/16 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 13 TN
Mt 9,14-17

CHỈ VÌ YÊU CHÚA MÀ THÔI!
“Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay.” (Mt 9,15)

Suy niệm: Trong một đám cưới, cô dâu chú rể là “cái đinh” của sự kiện. Điều này càng đúng đối với một đám cưới theo phong tục Do Thái. Mọi sự long trọng bậc nhất đều dành cho đôi tân hôn. Ngay cả những việc đạo đức quan trọng như ăn chay cũng phải nhường bước cho niềm vui của bữa tiệc cưới khi chàng rể còn đang hiện diện. Chúa Giê-su ví mình như chàng rể và các môn đệ như những bạn thiết của chàng. Mọi niềm vui hay nỗi buồn của các môn đệ đều qui hướng về Đức Ki-tô, nghĩa là họ có làm gì cũng vì Chúa muốn và vì yêu mến Ngài.

Mời Bạn: Giống như tâm sự một thiếu nữ đang yêu: “Có chàng, đánh phấn tô son. Vắng chàng, điểm thắm trang hồng với ai?”, việc trang điểm không chỉ là để làm đẹp cho bản thân mà còn để diễn tả tình yêu chung thuỷ. Cũng thế, làm các việc đạo đức không phải để hoàn thiện bản thân – sự hoàn thiện ấy đương nhiên sẽ có; tôi làm hay không làm việc gì đó chỉ vì ý Chúa muốn, chỉ vì lòng tôi yêu mến Ngài. Nếu mọi việc chúng ta làm đều “vì chàng rể”, nghĩa là vì yêu mến Đức Ki-tô thì việc gì cũng trở thành việc đạo đức, có giá trị, có công phúc trước mặt Chúa.

Chia sẻ: Làm việc tốt với ý hướng ích kỷ khác làm việc tốt với ý hướng tốt thế nào?

Sống Lời Chúa: Trước khi sắp làm việc gì, bạn hãy dâng lên Chúa lời nguyện này: Lạy Chúa Giê-su đáng mến, con xin dâng lên Chúa công việc con sắp làm đây. Con ước ao làm việc này vì yêu mến Chúa. Xin Chúa giúp con làm việc này hết sức tốt đẹp theo thánh ý Chúa. Amen.

03/06/16 CHÚA NHẬT TUẦN 14 TN – C
Lc 10,1-12.17-20

HÀNH TRANG TÔNG ĐỒ
“Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép.” (Lc 10,1-20)

Suy niệm: Người đi đường cần phải mang theo bao bị, túi xách. Đi càng lâu càng xa, bao bị càng lớn, va li càng to. Vậy mà Đức Giê-su lại căn dặn người môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng không túi tiền giắt lưng, cũng chẳng bao bị, túi xách, va li. Lỡ hết tiền dọc đường chẳng lẽ ngửa tay xin? Không có đồ dùng cá nhân thì lấy gì lo cho những nhu cầu tối thiểu? Chúng ta cần phải hiểu đúng lời Đức Giê-su, Ngài muốn hành trang người tông đồ phải là hành trang gọn nhẹ, đơn giản hết sức. Đúng hơn nữa, hành trang ấy phải là lòng yêu mến Thiên Chúa, tâm tình nhiệt thành đối với các linh hồn, những con người chưa biết Tin Mừng Nước Trời. Chính lòng yêu mến Chúa và công cuộc Nước Trời mới là hành trang cho sinh hoạt mỗi ngày của những ai muốn làm tông đồ.

Mời Bạn: Hãy ghi nhớ lời Thánh Gandhi: “Một vật cứng rắn đên đâu, cũng sẽ tan chảy trong lửa tình yêu. Nếu vật ấy không tan chảy, chính vì ngọn lửa không đủ mạnh.” Bạn sẽ làm gì để lửa yêu mến các linh hồn làm tan chảy sự dửng dưng của bạn đối với công cuộc truyền giáo và sau đó làm tan chảy các tâm hồn khác?

Chia sẻ: Tại sao cuộc sống của tôi chưa là lời chứng về Tin Mừng Chúa Ki-tô cho người chung quanh?

Sống Lời Chúa: Gia đình tôi sẽ kết nghĩa với một gia đình ngoài Công giáo để cầu nguyện cho họ, bắc nhịp cầu thông cảm, để nhờ đó chia sẻ tình yêu Chúa với họ.

Cầu nguyện: Sốt sắng hát bài: “Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán…” để cầu cho việc truyền giáo.

04/07/16 THỨ HAI TUẦN 14 TN
Th. Ê-li-sa-bét, Bồ Đào Nha Mt 9,18-26

SỰ NHẠY BÉN CỦA TÌNH YÊU

Đức Giê-su nói với bà: “Này chị, cứ yên tâm, lòng tin của chị đã cứu chữa chị.” Và từ giây phút ấy, bà được khỏi bệnh. (Mc 9,22)

Suy niệm: Nhà văn Công giáo lão thành người Pháp là Jean Guitton nói rằng: “Nhạy bén trước nhu cầu của người khác, đó là nét tinh tế nhất của tình yêu”. Nhìn vào cách ứng xử của Đức Giê-su, ta thấy Ngài đã nhiều lần bày tỏ nét tinh tế nhất của tình yêu ấy, chẳng hạn qua Tin Mừng hôm nay. Một người đàn bà bị bệnh hoại huyết đã 12 năm lẫn trong đám đông như bao người vô danh khác, thế nhưng, Ngài nhận ra nhu cầu cấp bách của bà, để rồi cho bà lành bệnh. Hơn thế nữa, Ngài còn ban cho bà niềm tin, để bà không còn tiếp xúc với Ngài một cách vô danh, ẩn mặt, nhưng mặt đối mặt, trái tim đến trái tim, giữa hai bên: Đấng Cứu Độ và con người cần được cứu độ. Ngài không muốn bà chỉ dừng lại ở việc chữa lành thân xác, nhưng đi đến tận nguồn: ơn cứu độ, sự sống đời đời, là chính Ngài.

Mời Bạn: Hãy tập sự nhạy bén trước nhu cầu của những người bên cạnh bạn: họ cần lời an ủi, sự quan tâm, sự ân cần, lòng dịu dàng, sự kiên trì, một sự nâng đỡ vật chất. Bạn hãy tỏ ra nét tinh tế nhất của tình yêu, như Giê-su.

Chia sẻ: Tại sao tôi chưa hoặc ít nhạy bén trước nhu cầu của người lân cận?

Sống Lời Chúa: Thực hành cách cụ thể tâm tình mời bạn trên đây với một người anh em cụ thể ở bên cạnh tôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cứ gởi chúng con vào khu xóm, đem an hoà cho những ai bất thuận, đem thanh bình cho kẻ sống âu lo, đem ủi an cho người đang sầu khổ, đem niềm vui cho những ai bất hạnh, đem vận may cho người gặp rủi ro. Xin cứ dùng chúng con làm tất cả cho mọi người. (Rabbouni)

05/07/16 THỨ BA TUẦN 14 TN
Th. An-tôn Ma-ri-a Da-ca-ri-a, linh mục Mt 9,32-38

HÀNH ĐỘNG VÀ XÓT THƯƠNG

Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng không người chăn dắt. (Mt 9,36)

Suy niệm: Như biết bao lần khác, hôm nay, Chúa Giê-su lại chạnh lòng thương. Ngài chạnh lòng thương khi thấy đám đông tất tưởi bơ vơ. Ngài chạnh lòng thương khi thấy bao nhiêu lầm than, vất vả mà họ đang gánh nặng. Chạnh lòng thương, ngay lập tức, Ngài đã ra tay trừ quỷ, rao giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh tật. Không những thế, Ngài còn kêu gọi các môn đệ cùng chia sẻ sứ mạng “chạnh lòng thương” ấy với Ngài. Tức là cũng biết thổn thức, cưu mang và hành động trước nỗi khổ của con người. Hành động chứ không nói suông, không “phủi tay” như “các kinh sư và người Pha-ri-sêu” thường làm. Và hơn cả, Chúa Giê-su dạy các môn đệ cầu nguyện cùng Chúa Cha, là “chủ ruộng”, để được như thế. Cầu nguyện cùng Chúa Cha vì Ngài là nguồn cội của Lòng Thương Xót; vì một khi đã cảm nghiệm được Tình Cha họ sẽ bị lôi vào tâm tình xót thương trọn vẹn: tâm tình của Thầy Giê-su, tâm tình của người môn đệ, tâm tình của người “yêu mến nhiều vì đã được thứ tha nhiều.”

Mời Bạn: Nhạc sĩ Nguyễn Tân Xuân than thở: “Bao nhiêu năm qua dân ta sống xa nhà. Bao nhiêu năm qua dân ta sống không nhà…” Bạn có loanh quanh đi tìm “nhà mình” như thế? Bạn có nhận ra mình đang sống dưới mái nhà của “Đấng chạnh lòng thương” không? Bạn có cảm thấy mình đang cần thương và được thương nhiều hơn hay không?

Sống Lời Chúa: Nhìn và yêu thương mọi người vì có một Cha chung trên trời và một mái nhà chung là Giáo Hội.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin biến đổi tâm hồn con, để con biết rung cảm trước nỗi đau của anh em con.

06/07/16 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 14 TN
Th. Ma-ri-a Gô-rét-ti, trinh nữ, tử đạo Mt 10,1-7

ĐIỂM “NÓNG” SỨ ĐIỆP TIN MỪNG

“Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Sa-ma-ri. Tốt hơn hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en. Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.” (Mt 10,5-7)

Suy niệm: Khi sai mười hai môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, điều đầu tiên Chúa căn dặn các ông là: đừng đi về phía dân ngoại, nhưng hãy đến với những con chiên lạc nhà Ít-ra-en. Có vẻ như Chúa Giê-su đang giới hạn việc rao giảng trong phạm vi quá nhỏ hẹp so với tầm mức hoàn vũ của chương trình cứu độ. Thế nhưng, đó lại chính là điểm “nóng”, là việc phải làm ngay. Quả thế, sứ điệp Ngài rao giảng là không thể trì hoãn: “Nước Trời đã đến gần,” và việc rao giảng phải được khởi đầu từ dân Ít-ra-en, dân riêng Chúa tuyển chọn, và trải rộng đến mọi dân tộc. Trước khi về trời, Chúa còn nhắc lại cho các môn đệ “phải rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem” và “cho đến tận cùng trái đất” (Lc 24,47; Cv 1,8).

Mời Bạn: “Nước Trời đã gần đến.” Bạn có tự hỏi, tại sao sứ điệp của Chúa lại “nóng” đến như vậy? Việc rao giảng Tin Mừng không phải là chuyện xa xôi, mơ hồ nữa. Đó là đến với những người vốn mang danh là ki-tô hữu, nhưng vì quá bận tâm đến cuộc sống đời thường, hoặc đang thoả mãn với cuộc sống hưởng thụ nên đã lơ là việc thờ phượng Chúa và thờ ơ trước hạnh phúc Nước Trời.

Sống Lời Chúa: Bạn làm chứng “Nước Trời đã gần đến” bằng cách phục vụ những người thân cận trong tinh thần vui tươi và khiêm tốn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xưa đã Chúa sai các tông đồ đi loan báo Nước Chúa đã gần đến. Hôm nay, xin Chúa cũng sai chúng con đi làm chứng về Chúa cho anh chị em và gia đình chúng con.

07/07/16 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 14 TN
Mt 10,7-15

ĐEM TIN MỪNG BIẾU KHÔNG

“Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy. Đừng kiếm vàng bạc hay tiền đồng để giắt lưng.” (Mt 10,8)

Suy niệm: Trong cuốn “Chút này làm tin”, đức cha Nguyễn Thái Hợp thuật lại hành trình gặp Chúa của chị Thu Thủy, một câu chuyện thật cảm động. Theo chị kể, hành trình Thiên Chúa dắt dìu chị đi từ một người vô thần đến làm người Ki-tô hữu là một hành trình dài, có bàn tay Thiên Chúa hướng dẫn. Ngài dùng nhiều người chỉ lối dọc theo đường chị đi. Khởi đầu, khi đang tuyệt vọng, có người giới thiệu chị đến cầu xin với thánh Giu-se, dù bấy giờ chị chưa phân biệt thánh Giu-se với Chúa Giê-su; người thì dẫn chị đi vào nhà thờ lần đầu; người giới thiệu chị vào học khoá giáo lý; người giảng giải giáo lý cho chị; các học viên cùng khóa tỏ lòng thân thiện với chị… Điều đáng nói, tất cả mọi người đều giúp chị cách “miễn phí”. Dễ hiểu thôi, bởi họ đã “được cho không, thì cũng phải cho không như vậy”. Những chứng nhân này sẵn sàng “miễn phí” cho mọi thì giờ, miễn sao Đức Kitô được “nối mạng” với hết mọi người.

Mời Bạn: Lời Chúa đây vẫn còn hiệu lực cho mỗi Ki-tô hữu hôm nay, để không ai được viện bất cứ lý do gì làm gián đoạn hành trình gặp Chúa của tha nhân.

Chia sẻ: Vì sao Ki-tô hữu phải đem Lời Chúa biếu không?

Sống Lời Chúa: Thay vì tán gẫu vô bổ, bạn dùng thì giờ để nói về Chúa cho người khác.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, có gì nơi con mà không là ân huệ Chúa ban? Mọi sự con có đều là ân huệ Chúa ban cách nhưng không. Xin cho con biết phân phát ân huệ con lãnh được theo cách thức không điều kiện như Chúa.

08/07/16 THỨ SÁU TUẦN 14 TN
Mt 10,16-23

LÀM CHỨNG CHO CHÚA

“Anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và dân ngoại được biết.” (Mt 10,18)

Suy niệm: Làm chứng cho Chúa luôn là một thách đố lớn lao đối với Ki-tô hữu. Như Chúa Giê-su đã báo trước, thánh giá sẽ quyện lấy cuộc đời người làm chứng cho Chúa. Thánh Phê-rô và Gio-an đã bị người Do Thái giam giữ và cấm không được rao giảng về Chúa Giê-su Ki-tô trước khi được thả về. Tuy nhiên, hai thánh tông đồ đã dõng dạc tuyên bố phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm và các ngài tiếp tục loan báo Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng Cứu Độ, dù bị đe dọa tính mạng. Người Ki-tô hữu thời đại hôm nay vẫn đang bị sự cấm đoán vô hình đến nỗi không dám mang theo mình một cuốn Thánh Kinh, không dám làm dấu thánh giá trước mặt mọi người trong một đám tiệc. Nỗi sợ hãi làm cho nhiều người không còn nghe được tiếng Chúa mời gọi làm chứng cho Ngài và tưởng rằng họ sẽ tìm được bình an trong sự lẩn trốn. Nhưng, người ta không thể làm chứng cho Chúa mà không có can đảm và hy sinh, như Barclay quả quyết; và cần phải biết rằng con đường dễ dãi không thu hút người ta; trái lại những gì đòi hỏi sự dũng cảm rốt cuộc sẽ có sức thuyết phục hơn.

Mời Bạn: Mỗi ngày sống là mỗi cơ hội Chúa ban cho bạn làm chứng cho Chúa. Tuy nhiên, đó cũng là thời gian thách thức đức tin của bạn vào Chúa và thách đố lòng trung thành của bạn vào việc làm chứng cho Chúa.

Sống Lời Chúa: Làm một việc bày tỏ đức tin mà trước đây bạn từng e ngại.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thêm đức tin và lòng mến cho con, để con dám sống cho Chúa và không e thẹn vì Chúa.

09/07/16 THỨ BẢY TUẦN 14 TN
Th. Âu-tinh Dao Rong, linh mục và các bạn tử đạo
Mt 10,24-33

ĐỪNG ĐỂ MẤT LINH HỒN

“Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục.” (Mt 10,28)

Suy niệm: Thế giới không khỏi ngưỡng mộ người phụ nữ gan dạ của đất nước Myanmar, bà Aung San Suu Kyi. Vì dân tộc, vì lý tưởng, bà chấp nhận dấn thân, dù phải chịu nhiều năm tháng bị giam cầm không được nhìn thấy con cái lớn lên, không chứng kiến được nhịp sống xã hội của dân mình. Nói đúng hơn, vì muốn sống nên người, bà không sợ hãi sự đe dọa nào. Vậy thì lòng mến Chúa nơi mỗi Ki-tô hữu còn khích lệ họ dám sống đến cùng niềm tin của mình hơn. Vì mến Chúa, Ki-tô hữu chấp nhận sống cho sự thật bất chấp mọi thiệt thòi. Vì mến Chúa, Ki-tô hữu sẵn sàng chịu mọi gian nan, miễn sao Tin Mừng được rao giảng. Vì mến Chúa, Ki-tô hữu nỗ lực bảo vệ gia đình trong đức tin, mặc người đời tránh xa. Người đời có thù ghét cũng chỉ giết được thân xác chứ không giết được linh hồn. Và nếu sự kiên trì sống nên người của người phụ nữ Myanmar kia lúc này được đáp đền, thì sự kiên tâm chịu đựng vì đức tin và lòng mến Chúa chắc chắn được Thiên Chúa bảo đảm như Ngài đã hứa.

Mời Bạn: Điều gì khiến bạn ngần ngại không dám bày tỏ và sống đức tin trước mặt mọi người? Phải chăng vì bạn chỉ nghĩ đến đời này mà quên đời sau, nơi linh hồn và thân xác bạn phải được vui hưởng trong Chúa, Đấng có quyền trên hồn và xác của bạn?

Sống Lời Chúa: Dành riêng 5 phút trong tĩnh lặng, gặp Chúa và nhìn lại đức tin của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa biết con được nhồi nắn bằng gì. Xin cho con được mạnh sức và nâng đôi mắt con hướng về Chúa mỗi khi gặp thử thách.

10/07/16 CHÚA NHẬT TUẦN 15 TN – C
Lc 10,25-37

HÃY ĐI VÀ LÀM NHƯ CHÚA

“Theo ông, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Chúa Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.” (Lc 10,36-37)

Suy niệm: Thương mến tha nhân đôi lúc đòi chúng ta một sự mạo hiểm. Trong câu chuyện Chúa Giê-su kể hôm nay, vị tư tế và thầy trợ tế không dám đến gần nạn nhân, vì sợ mắc nhơ uế theo Luật cấm sờ chạm vào một người ngoài Do Thái. Nhưng một người Sa-ma-ri mạo hiểm, đến cạnh nạn nhân, chăm sóc và chấp nhận mọi liên lụy. Tâm lòng của người Sa-ma-ri mở ra, không vô cảm hay lạnh lùng, nhưng chạm đến vết thương ngoài da thịt lẫn vết thương tâm hồn của nạn nhân bằng hành động cụ thể chữa lành cho nạn nhân. Từ thời các giáo phụ, người Sa-ma-ri nhân hậu được hiểu là hình ảnh của Chúa Giê-su. Thánh Clê-men-tê đã viết: “Ai thương xót chúng ta hơn Chúa Giê-su?” Đấng với lòng thương cảm sâu xa có khả năng cúi xuống đỡ nâng và đổ dầu bí tích chăm sóc tội nhân, Đấng như người Sa-ma-ri nhân hậu rời nhà trọ và sẽ trở lại thanh toán vào ngày cánh chung cho những ai chăm sóc anh chị em mình.

Mời Bạn: Bạn có dám để mắt, để tâm lòng và rộng tay chấp nhận liên lụy giúp đỡ anh chị em vùng biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, những người đang phải chịu khốn khổ vì mong có bữa cơm, nhất là bữa cơm sạch chưa?

Sống Lời Chúa: Tâm niệm lời Chúa: “Hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thương anh chị em con đang phải khốn khổ. Xin cho con biết rộng tay và rộng lòng khi nghĩ đến anh chị em con, với những hành động cụ thể của lòng thương xót.

11/07/16 THỨ HAI TUẦN 15 TN
Th. Bê-nê-đi-tô, viện phụ Mt 10,34-11,1

NGHỊCH LÝ THẬP GIÁ

“Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.” (Mt 10,38-39)

Suy niệm: Một học sinh lớp 5 nói với bạn mình là người công giáo rằng: Chúa của bạn ác lắm, vì Chúa của bạn đòi hễ ai tin Chúa thì phải bỏ những thứ mình có và phải vác thập giá mà theo Chúa!!! Lời con trẻ đơn sơ nhưng chứa đựng một chân lý nhức nhối về phía chúng ta. Theo tính tự nhiên, ai mà chẳng dị ứng đối với thập giá! Chúa cũng biết thế – Ngài đã chẳng run sợ đến mướt mồ hôi máu trong vườn Cây Dầu là gì? Thế nhưng Ngài vẫn mạnh mẽ tuyên bố: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy thì không xứng với Thầy.” Chúa không phải là người thích chịu đau khổ để tự hành hạ mình hay thấy người khác đau khổ mà lấy làm vui. Chúa phát biểu một qui luật mà thoạt nghe có vẻ như nghịch lý: Khư khư giữ lấy thì bị mất; còn dám liều chịu mất cả mạng sống vì Chúa thì lại lấy lại được. Chúa Giê-su hoá giải nghịch lý thập giá và chứng minh tính đúng đắn của qui luật đó qua cái chết và phục sinh của chính Ngài: “Phải qua đau khổ mới tiến được vào vinh quang.”

Mời Bạn: Nếu bạn biết Chúa chịu khổ nạn như thế là để đền bù thay cho bạn, vì tội của bạn thì bạn còn nghĩ Chúa “ác” nữa không? Nếu bạn biết Ngài mời bạn cùng vác thập giá để được hạnh phúc với Ngài, thì bạn còn nghĩ Chúa “ác” với bạn nữa không?

Sống Lời Chúa: Bạn thấy việc bổn phận nào đang là thập giá cho bạn? Bạn hãy chu toàn việc đó cách vui lòng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con thương Chúa đã chịu khổ vì con. Xin cho con biết vác thập giá mình để đáp lại tình thương của Chúa.

12/04/16 THỨ BA TUẦN 15 TN
Mt 11,20-24

THÔI ĐỪNG CỨNG LÒNG!

“Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên tận trời ư ? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ.” (Mt 11,23)

Suy niệm: Xu hướng hưởng thụ đang lên ngôi trong tâm trí con người. Của cải vật chất được bày biện ngày càng nhiều lại càng hấp dẫn khiến dường như việc kiếm tiền của là mục đích duy nhất của người thời đại. Lý tưởng sống cao đẹp đã bị “di dời, giải toả” khỏi sinh hoạt thuờng nhật. Mối quan hệ với người nghèo, người cô thế, người bất hạnh cần được an ủi không còn nằm trong kế hoạch hằng ngày nữa. Mọi thứ đã bị qui đổi ra tiền, kể cả giá trị con người cũng được đánh giá dựa trên những gì nó sở hữu. Đi theo sau xu hướng hưởng thụ vật chất là hưởng thụ thú vui thể xác. Đáng thương thay! Người ta đang “xuống cấp” mà lại tưởng mình “lên đời”. Chúa Giê-su cảnh báo người thời đại đừng ảo tưởng mình đang “được nâng lên tận trời”, nhưng hãy cấp thời tái lập vị trí tối thượng của Thiên Chúa trong cuộc đời mình, phục hồi địa vị cao đẹp của người làm con Chúa và nối lại mối thân tình với tha nhân.

Mời Bạn: Bạn ơi! Thôi đừng cứng lòng nữa! Nhưng hãy là cánh tay hữu hình của Chúa nơi trần gian, thực hiện lý tưởng sống đẹp của người Ki-tô hữu để chuyển giao sứ điệp đó cho mọi người trong thế giới hôm nay.

Chia sẻ: Kể cho nhau gương sống Tin Mừng của một người bạn quen biết.

Sống Lời Chúa: Xét xem bạn dành cho Thiên Chúa vị trí nào trong tâm trí bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con nhớ rằng con là cánh tay hữu hình Chúa dùng nơi trần gian để thức tỉnh mọi người khỏi cơn mê vật chất, bằng một đời sống thanh bần và kính sợ Chúa.

13/07/16 THỨ TƯ TUẦN 15 TN
Th. Hen-ri-cô Mt 11,25-27

TRỞ NÊN BÉ MỌN

“Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.” (Mt 11,25)

Suy niệm: Những người thông thái đây là ai vậy? Đối với người Do Thái, người thông thái là người sành sỏi sách Luật. Niềm tự mãn thông biết Lề Luật đã biến họ thành con người giàu kiến thức nhưng lại nghèo thiện chí tìm kiếm Nước Trời. Còn những người bé mọn mà Chúa Giê-su đề cập tới khi Ngài cầu nguyện với Chúa Cha, họ là những ai? Họ là những người nghèo khó, thất học, bệnh tật, bị bỏ rơi v.v. Tấm lòng chân thành là điểm chung ở họ. Kinh nghiệm truyền giáo đã cho Chúa Giê-su một kết luận “trên cả tuyệt vời” là: chính Thiên Chúa mở lòng cho con người biết mầu nhiệm Nước Trời. Ngài là tác nhân cho những tâm hồn dễ mở lòng đón nhận đức tin. Nơi họ không có thành kiến, không tự mãn về tài trí mà chỉ có lòng chân thành, niềm khao khát được ủi an, chia sẻ. Kinh nghiệm này củng cố tinh thần Ki-tô hữu biết bao, nhất là những lúc chưa thấy được kết quả trong việc truyền giáo.

Mời Bạn: Lần sau cùng bạn cảm tạ Chúa về công việc truyền giáo tới nay là bao lâu rồi? Con tim bạn có rung động trước hành động Thiên Chúa mạc khải cho bạn và những người bạn đang truyền giáo về mầu nhiệm Nước Trời không?

Chia sẻ: Lời tạ ơn như Chúa Giê-su gây niềm cảm hứng cho Ki-tô hữu trong việc truyền giáo thế nào?

Sống Lời Chúa: Dâng lời cảm tạ Chúa cách chân thành như Chúa Giê-su.

Cầu nguyện: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn.”

14/07/16 THỨ NĂM TUẦN 15 TN
Th. Ca-mi-lô Len-li, linh mục Mt 11,28-30

NGHỈ NGƠI BỒI DƯỠNG NƠI CHÚA

Khi ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,28)

Suy niệm: “Bồi dưỡng” là một khái niệm đang phổ biến trong xã hội chúng ta. Dù mức sống càng ngày càng nâng cao: từ ăn no mặc ấm, đến ăn ngon mặc đẹp, rồi ăn sung mặc sướng đến ăn kiêng mặc mốt, nhưng người ta vẫn chưa thấy như thế là đủ. Và như vậy cần phải “’bồi dưỡng”: “bồi dưỡng” cho sức khoẻ, cho sắc đẹp. Về phương diện tinh thần cũng không kém cạnh. Không chỉ người lớn phải bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên, mà cả các bé chưa đi mẫu giáo cũng phải chạy đua học bồi dưỡng để trở thành “thần đồng”. Chúa Giê-su dạy chúng ta hãy đến với Ngài để được “nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Bồi dưỡng theo kiểu thế gian lắm khi làm người ta thêm căng thẳng, bất an. Còn nơi Thiên Chúa, chúng ta được hưởng trước sự an bình thư thái mà chúng ta sẽ hưởng trọn vẹn trên thiên đàng.

Mời Bạn: Người thời nay dễ bị rơi vào tình trạng căng thẳng tâm lý (stress). Để xả “stress” có người tìm đến những liệu pháp tâm lý; có người lại sa đà vào lối sống buông thả, bê tha trong các tệ nạn như rượu chè, cờ bạc, ma tuý, v.v…, những điều chẳng những không giảm bớt mà còn làm người ta thêm căng thẳng và suy sụp. Mời bạn đến với Đức Ki-tô để nhận được liệu pháp tâm linh: học với Ngài tính “hiền hậu và khiêm tốn”; phó thác nơi Ngài, trong Lời Chúa và Thánh Thể, chúng ta sẽ được sự an bình thư thái của thiên đàng.

Sống Lời Chúa: Thường xuyên cầu nguyện bằng cách nhẩm đi nhắc lại nhiều lần câu Lời Chúa và xin ơn bình an trong tâm hồn: “Không có gì tách tôi ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, trong Đức Ki-tô” (Rm 8,39).

15/07/16 THỨ SÁU TUẦN 15 TN
Th. Bô-na-ven-tu-ra, giám mục, tiến sĩ HT Mt 12,1-8

CHỈ CẦN MỘT TẤM LÒNG

“Nếu các ông hiểu ý nghĩa câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế…” (Mt 12,7)

Suy niệm: Chỉ có mỗi một việc các môn đệ Chúa Giê-su bứt ít gié lúa, chà xát trong tay để ăn cho vui miệng quên đói mà các ông Pha-ri-sêu cũng chộp lấy để dựa vào đó lên án Chúa Giê-su và các môn đệ vi phạm luật ngày sa-bát. Đối lại, Chúa Giê-su trưng dẫn việc vua Đa-vít và các tuỳ tùng khi đói được phép ăn bánh dâng hiến trong đền thờ, bánh chỉ dành riêng cho các thầy tư tế. Trong khi quan điểm của các ông Pha-ri-sêu là con người vì lề luật thì Chúa Giê-su nhấn mạnh lề luật vì con người. Và đã vì con người thì tấm lòng mới là quan trọng: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.” Quả vậy, Chúa từ chối làm một dấu lạ từ trời theo lời thách thức của người Do Thái vì Ngài muốn họ đến với Thiên Chúa bằng tấm lòng. Ngược lại, tại tiệc cưới Ca-na, Chúa sẵn lòng hoá nước thành rượu cho dù “giờ chưa đến” chỉ vì một tấm lòng biết cảm thông.

Mời Bạn: Nếu bạn hiểu rằng “Chúa muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế” thì tại sao bạn sống giả hình giữ luật cách chi li hình thức mà không yêu mến Chúa lại còn chểnh mảng việc phục vụ tha nhân? Nếu bạn biết Chúa muốn tấm lòng, sao bạn không dâng cho Ngài tất cả tấm lòng trong mỗi việc nhỏ bé bạn làm vì lòng yêu mến Ngài?

Sống Lời Chúa: Bí tích Thánh Thể chính là phương thế tuyệt hảo để bạn dành cho Chúa tất cả tấm lòng của mình. Bạn đã lãnh nhận Thánh Thể hôm nay chưa?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con ước ao khát khao được Chúa ngự vào lòng con. Dù con không được rước Chúa cách hữu hình lúc này, xin Chúa ngự vào lòng con cách thiêng liêng.

16/07/16 THỨ BẢY TUẦN 15 TN
Đức Mẹ Núi Cát-minh Mt 12,14-21

GIẢI GIỚI BẰNG TÌNH YÊU

…Để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sa-i-a đã nói: “Cây lau bị dập, người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng.” (Mt 12,20)

Suy niệm: Có nhà phân tích lý luận về chiến tranh nói rằng: muốn có hoà bình phải chuẩn bị chiến tranh. Chính vì thế, chiến tranh cứ nối tiếp chiến tranh, hận thù chồng chất hận thù. Cứ thế, chuỗi chiến tranh-hận thù mãi kéo dài không bao giờ kết thúc. Chúa Giê-su “đưa công lý đến chỗ toàn thắng” bằng cách khác. Chúa dạy chúng ta làm thế nào để giải giới chiến tranh. Thay vì dùng bạo lực, Chúa yêu thương; thay vì tiêu diệt, Chúa nâng niu, trân trọng và nâng dậy. Thay vì vô cảm, tàn nhẫn, Chúa đồng cảm và đầy lòng xót thương.

Mời Bạn: Chiến tranh đâu phải chỉ xảy ra trên bình diện quốc gia, quốc tế. Có những cuộc chiến dai dẳng, âm ỉ đang xâu xé các gia đình, các cộng đoàn dưới nhiều hình thái. Và có thể chính cộng đoàn của bạn cũng đang gánh chịu tai hoạ chiến tranh đó. Tại sao bạn không thử áp dụng bài học giải giới chiến tranh Chúa dạy chúng ta hôm nay?

Chia sẻ: “Cây lau bị dập, người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi”. Bạn đưa ra một việc cụ thể để áp dụng Lời Chúa trên đây.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn bày tỏ sự thân thiện, nhân ái với tha nhân bằng một hành vi, cử chỉ thích hợp (một cái bắt tay, một nụ cười, một việc làm giúp ích…).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin Chúa cho chúng con hiểu được tinh thần đích thực của Tin Mừng. Và xin để Tin Mừng cải hoá chúng con, giúp chúng con thoát khỏi ách nô lệ của hận thù, và biết lấy việc kính trọng tha nhân làm lề luật cho cuộc sống.

17/07/16 CHÚA NHẬT TUẦN 16 TN – C
Lc 10,38-42

NHƯ LÒNG CHÚA MONG MUỐN

Chúa Giê-su nói: “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng về nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị lấy đi.” (Lc 10,41-42)

Suy niệm: Gabriel Marcel, một triết gia công giáo thuộc phái hiện sinh, trong một vở kịch đã dựng cảnh một người vợ nhất quyết tặng chồng cô nhân ngày sinh nhật một đôi giày mà cô ưa thích, mặc dù trước đó, chồng cô đột nhiên bị tai nạn phải cưa đi đôi chân. Chồng cô không cần đôi giày nữa, nhưng cô vẫn tặng vì đó là điều cô ưa thích. Thật giống với tình huống của cô Mác-ta ở đây. Cô lo lắng tất bật để thết đãi Chúa một bữa ăn thật thịnh soạn. Nhưng cô không hiểu rằng Thầy Giê-su đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem để chịu chết. Ngài đang phải chiến đấu nội tâm căng thẳng. Và ngoài kia, trong đền thờ, biết bao nhiêu mũi dùi thù địch đang chĩa vào Ngài. Điều Ngài tìm kiếm nơi tổ ấm Bê-ta-ni-a này là một chốn yêu thương, một nguồn an ủi cảm thông, một sự lắng nghe, chia sẻ. Cô Mác-ta yêu Chúa. Nhưng cô không hiểu Chúa. Cô yêu Chúa theo kiểu của cô. Cô Ma-ri-a cũng yêu Chúa và hiểu Chúa. Nên cô đã chọn điều Chúa mong muốn.

Mời Bạn: Bạn có bao giờ tìm hiểu điều Chúa muốn tôi làm cho Ngài bây giờ là gì? Bạn hãy tìm cho ra điều đó và hãy làm theo ý muốn của Ngài.

Chia sẻ: Chỉ làm điều tốt theo ý riêng có phải là điều tốt thật không? Hay đúng ra, tôi, chúng ta tất cả đều phải làm điều tốt như lòng Chúa mong muốn?

Sống Lời Chúa: Luôn tâm niệm “làm điều tốt như lòng Chúa mong muốn”.

Cầu nguyện: Đọc kinh “Cúi xin Chúa sáng soi…”

18/07/16 THỨ HAI TUẦN 16 TN
Mt 12,38-42

DẤU LẠ TRONG ĐỜI THƯỜNG

Chúa Giê-su nói: “Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ của ngôn sứ Gio-na.” (Mt 12,39)

Suy niệm: Người Do thái thích thế, thích một dấu lạ “từ trên trời rơi xuống”, trong khi có biết bao nhiêu phép lạ Chúa Giê-su đã làm trước mắt họ thì họ lại không tin. Cũng thế, họ thích một Thiên Chúa cứ ở tít trên núi Si-nai đằng sau những đám mây, và phán dạy qua những tiếng “sấm nổ ầm ầm” chứ đừng tỏ vinh quang của Ngài dù chỉ là qua gương mặt của Môi-sê. Và nhất là đừng có dấu lạ một Đấng Em-ma-nu-en, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, một Đức Ki-tô đồng hành với họ trong cuộc đời thường này. Đức Giê-su từ chối lời yêu cầu của họ nhưng, trưng dẫn điển tích Gio-na lại hứa cho họ một dấu lạ còn vĩ đại hơn: đó là chính sự chết và phục sinh của Ngài.
Mời Bạn: Quả thật “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng, nhưng ban ơn cho những ai khiêm nhường” (1Pr 5,5). Cặp mắt tâm hồn bị bưng bít bởi thành kiến, kiêu căng, tự mãn không thể nhận ra những dấu lạ. Không cần tìm kiếm phép lạ đâu xa, Chúa vẫn thực hiện trong đời thường của bạn đấy thôi và chỉ những tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn mới nhận ra được.

Chia sẻ: Bạn hãy nhớ lại, chắc chắn trong đời bạn Chúa đã nói với bạn qua một sự việc lạ lùng nào đó.

Sống Lời Chúa: Khiêm tốn để khám phá ra bàn tay của Thiên Chúa quyền năng trong mọi sự, mọi biến cố và nhận ra ý muốn của Người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con một tâm hồn đơn sơ, ngay thẳng và mẫn cảm để con nhận ra tình thương, quyền năng và lời mời gọi của Chúa trong từng dấu chỉ nhỏ của cuộc sống.

19/07/16 THỨ BA TUẦN 16 TN
Mt 12,46-50

LÀ NGƯỜI THÂN CỦA CHÚA

Đức Giê-su giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em, là mẹ tôi.” (Mt 12,49-50)

Suy niệm: Chắc chắn Đức Giê-su không chối bỏ tình thân ruột thịt: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”; Ngài cũng chẳng phải là người con vô ơn: “Sắc hơn răng rắn độc là đứa con vô ơn”. Trước khi lìa đời trong cơn đau đớn, Ngài vẫn nhớ đến mẹ mình và nhờ người môn đệ thân tín chăm sóc mẹ. Điều Ngài muốn nhắn nhủ ta là bên trên gia đình, huyết thống tự nhiên như bao con người, người Ki-tô hữu còn thuộc một đại gia đình khác, gia đình của Thiên Chúa Ba Ngôi, và mỗi người là nghĩa tử của Ngài. Dấu hiệu xác định chúng ta là con cái Thiên Chúa, là người thân của Ngài là chúng ta biết nhận ra ý Chúa và thực thi ý ấy mỗi ngày.

Mời Bạn: Bạn có thể đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội để trở thành con cái Chúa. Nhưng bạn chỉ thật sự là người thân của Thiên Chúa không chỉ trên danh nghĩa, mà con cái đích thực bằng việc chăm chỉ đọc Lời Chúa và thực hành Lời Ngày trong cuộc sống hằng ngày.

Chia sẻ: Tôi là người thân thật sự của Chúa hay chỉ trên danh nghĩa? Tôi thuộc hạng người trân trọng Lời Chúa hay coi thường Lời Ngài?

Sống Lời Chúa: Luôn dành mỗi ngày ít là 5 phút để đọc và suy niệm Lời Chúa và có một quyết tâm cụ thể để thực thi Lời Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm tạ Chúa đã thương cho chúng con được trở thành người nhà của Chúa. Xin cho chúng con thật sự là người nhà của Chúa bằng việc đón nhận ý Chúa và cố gắng thực thi mỗi ngày. Amen.

20/07/16 THỨ TƯ TUẦN 16 TN
Th. A-pô-li-na-rê, giám mục, tử đạo Mt 13,1-9

THÀNH CÔNG VƯỢT THẤT BẠI

“Người gieo giống ra đi gieo giống… Có hạt rơi xuống vệ đường… Có hạt rơi trên nơi sỏi đá… Có hạt rơi vào bụi gai… Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả nhiều: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. Ai có tai thì nghe.” (Mt 13,1-9)

Suy niệm: Dụ ngôn Hạt giống khởi đầu bằng những thất bại càng tăng dần: Hạt rơi bên vệ đường chưa kịp nẩy mầm, hạt rơi trên đá sỏi vừa nẩy mầm đã bị héo khô và hạt rơi vào bụi gai đã nẩy mầm, đã thành cây con, nhưng rốt cuộc cũng chết khô. Sau những thất bại thảm thương ấy, tình thế lại thay đổi thật ngoạn mục, ba hạt giống sau rơi vào đất tốt bù đắp lại những thất bại trước đây và đem lại mùa bội thu thật dồi dào. Đức Giê-su muốn dạy ta có một cái nhìn lạc quan về Nước Trời của Ngài, Nước ấy khởi đầu thật âm thầm, không tránh khỏi được những thất bại, thế nhưng cuối cùng Nước Trời sẽ thành toàn tốt đẹp.

Mời Bạn: Có một cái nhìn lạc quan về cuộc sống nói chung và với việc sống Lời Chúa nói riêng. Nếu thất bại là một phần của hạt giống thì thất bại cũng là một phần trong đời sống của bạn. Kết quả cuối cùng sẽ đủ sức bù đắp những thất bại trước đây.

Chia sẻ: Nêu một số phương thế cụ thể để gieo hạt giống Lời Chúa.

Sống Lời Chúa: Bạn đã gặp nhiều thất bại ê chề trong nỗ lực xây dựng hạnh phúc gia đình, tình bạn, nhóm hay cộng đoàn. Đừng nản lòng, bạn hãy tiếp tục cố gắng bắt đầu từ hôm nay và rốt cuộc bạn sẽ có một mùa bội thu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con có một cái nhìn lạc quan hy vọng, một lòng nhẫn nại và quyết tâm đi gieo Lời Chúa, “dù gặp thời thuận tiên hay không” (2Tm 4,2). Amen.

21/07/16 THỨ NĂM TUẦN 16 TN
Th. Lô-ren-sô Brin-đi-si, lm, tiến sĩ HT Mt 13,10-17

KI-TÔ HỮU THẬT CÓ PHÚC

“Mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em có phúc vì được nghe.” (Mt 13,16)

Suy niệm: Trong ngày Hài Nhi Giê-su được cha mẹ Người dâng trong đền thờ, ông già Si-mê-on tràn ngập hạnh phúc vì được gặp và bồng ẵm Đấng Cứu Thế. Quá xúc động trước diễm phúc lớn lao ấy, ông đã dâng lên Thiên Chúa lời ca ngợi: “Giờ đây xin để tôi tớ này được an bình ra đi, vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ” (Lc 4,30-31). Nếu chỉ tiếp xúc với Đức Ki-tô trong giây lát mà ông Si-mê-on đã thấy mình có phúc, thì các môn đệ, những người đang thụ giáo với Thầy Giê-su, càng có phúc hơn nữa. Sở dĩ họ được gọi là “có phúc” vì họ đang được nghe tận tai những lời của Đấng mà các tiên tri loan báo nhưng không được gặp, được thấy tận mắt Đấng mà cha ông họ mong đợi nhưng không được xem thấy. Được gặp gỡ Đấng Cứu Thế là diễm phúc lớn nhất, ngoài ra không còn điều gì khác đáng mơ ước nữa.

Mời Bạn: Thừa hưởng gia tài cha ông ta trong đức tin lưu truyền, ta cũng có phúc. Giáo hội Tông truyền đảm bảo cho lý trí và đức tin của từng người. Việc còn lại của ta là làm sao tìm gặp được hạnh phúc khi sống đời Ki-tô hữu trong tương quan với Đấng hứa ban phúc trường sinh cho mình.

Sống Lời Chúa: Muốn được như thế, ta phải biết đọc các dấu chỉ của thời đại mà chúng ta đang sống. Đó là những “dụ ngôn mới” chuyển tải thông điệp của Chúa đến với ta. Đó là kho tàng mà chúng ta “các kinh sư thời đại mới” cần suy gẫm để được hạnh phúc muôn đời.

Cầu nguyện: Lạy Cha, xin giúp con biết sử dụng ngũ quan để thưởng thức cuộc sống này, đồng thời cũng nhận ra dấu vết của Chúa là Đấng Quan Phòng đang sống và hoạt động giữa chúng con.

22/07/16 THỨ SÁU TUẦN 16 TN
Th. Ma-ri-a Mác-đa-la Ga 20,1-2.11-18

PHÚC CHO AI SẦU KHỔ

Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ. (Ga 20,11)

Suy niệm: Bà Ma-ri-a Mác-đa-la khóc. Có lẽ bà đã khóc nhiều, vì bà từng theo Thầy suốt hành trình đến núi Sọ; rồi dưới chân thập giá, bà đã chứng kiến tất cả những điều bất công, cũng như sự độc ác của những kẻ chống đối Thầy. Tưởng chừng như bấy nhiêu đã quá đủ, thế mà buổi sáng ngày thứ nhất trong tuần, bà còn chứng kiến thêm một cảnh tượng càng hãi hùng hơn: “người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi” (Ga 20,13). Bà khóc vì thương Thầy. Bà khóc vì cảm thấy bất lực trước sự leo thang của sự dữ. Nhưng điều bà không thể ngờ, là Thiên Chúa có thể vẽ nên đường thẳng từ những nét cong: tội A-đam đã nên tội hồng phúc; cái chết của Đức Ki-tô trở thành phương thế cứu độ; và nỗi sầu khổ của bà Ma-ri-a Mác-đa-la đã biến thành niềm vui, để rồi bà trở thành người đầu tiên loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Đúng như lời thánh Phao-lô đã nói: “những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh” (1Cr 1,27).

Mời Bạn: Bất công vẫn lan tràn, nào là chiến tranh, khủng bố, tham nhũng, bóc lột, buôn người… Những cảnh tượng này cũng chẳng khác gì ngôi mộ trống ngày thứ nhất trong tuần. Chứng kiến điều này, nhiều người nghĩ rằng “Chúa đã chết” hay “ai đã lấy mất Chúa tôi rồi”… Nhưng đó là tâm trạng của những người kém tin, còn với kẻ tin thì vẫn luôn hy vọng, bởi “Phúc cho ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an” (Mt 5,5).

Sống Lời Chúa: Kiên trì tìm đến với Chúa mỗi khi cảm thấy chán nản hay gặp thất bại, bởi Ngài từng hứa: sẽ an ủi và bổ sức cho (Mt 11,28).

Cầu nguyện: Đọc Kinh Trông Cậy.

23/07/16 THỨ BẢY TUẦN 16 TN
Th. Bi-ghít-ta, nữ tu Mt 13,24-30

ĐỐI DIỆN VỚI SỰ DỮ

“Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt.” (Mt 13,30)

Suy niệm: Không phải đến bây giờ người ta mới đặt vấn đề tại sao Thiên Chúa là Đấng Tốt Lành lại để cho sự dữ có mặt trên đời. Dụ ngôn “Cỏ lùng và lúa tốt” hé mở cho chúng ta hiểu được ý nghĩa của nghịch lý này. Đành rằng Thiên Chúa Tốt lành không tạo ra sự dữ, nhưng Ngài có thể dùng những đau khổ do sự dữ gây ra để giáo dục con người trong hành trình thiêng liêng của mình. Đó chính là cảm nhận của chị Thea Bowman, một nữ tu tài giỏi dòng Phan Sinh. Chị mắc phải căn bệnh ung thư quái ác, nhưng đã vượt qua sự chán nản tuyệt vọng để luôn sống một cuộc đời vui tươi. Chị chia sẻ: “Tại sao có đau khổ? Tôi cũng không biết nữa… Có lẽ đó là sự khích lệ để chúng ta gặp gỡ Đức Giê-su trong thế giới của mình, để nhìn ra công việc của Người, và cảm nhận những đau khổ Người đã chịu.”

Mời Bạn: Những khi gặp đau khổ, bất công chúng ta thường tự hỏi tại sao điều bất hạnh ấy lại xảy đến với mình. Khi đối diện với đau khổ, thay vì than thân trách phận, bạn được mời gọi đón nhận điều đó để có thể đồng cảm và chia sẻ với nhiều người đang gặp đau khổ và bất hạnh khác. Và trên hết bạn được mời gọi để chia sẻ với những đau khổ trong cuộc khổ nạn của Đức Giê-su, những đau khổ có sức cứu độ chính bạn và loài người.

Sống Lời Chúa: Nghĩ về một đau khổ mình đang gặp, cầu nguyện và xin ơn được biết vui tươi đón nhận đau khổ đó vì lòng mến Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban thêm cho con lòng yêu mến, để giữa những khổ đau buồn phiền chúng con luôn biết vui lòng đón nhận và sống một cuộc đời vui tươi. Amen.

24/07/16 CHÚA NHẬT TUẦN 17 TN – C
Lc 11,1-13

TIN VÀO CHÚA QUAN PHÒNG

“Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì sẽ mở cho.” (Lc 11,10)

Suy niệm: Xem ra hôm nay Lời Chúa thật hấp dẫn với ước muốn của mọi người: “Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì sẽ mở cho.” Thế nhưng thực tế lại không như vậy. Ngày nay vẫn còn nhiều người quan niệm Thiên Chúa như vị thần của Alibaba, chỉ cần đọc câu thần chú “Vừng ơi! Mở cửa!” là tự khắc cánh cửa kho tàng sẽ mở ra cho họ. Có những người xin mà không được, tìm mà không thấy, gõ mà không cánh cửa nào mở ra cho họ. Thực ra khi chúng ta cầu xin, Chúa luôn luôn đáp lời và ban cho chúng ta điều tốt nhất “hơn cả những gì lòng người dám ước mong” (Lời nguyện Chúa Nhật XX Thường niên); Chúa không chỉ “mở cửa” khi chúng ta gõ mà hơn thế nữa, Ngài còn đứng ngoài cửa tâm hồn chúng ta gõ (x. Kh 3,20) mong chúng ta tỉnh thức mở cửa đón Ngài (x. Lc 12,36tt) để Ngài vào ân thưởng cho chúng ta, những người tôi trung của Ngài.

Mời Bạn: Bạn rất vui khi có được điều mình mong muốn, nhưng đồng thời lại thật buồn khi không được như ý. Phải chăng bạn cầu xin được như ý bạn chứ không phải cầu xin cho “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”? Phải chăng bạn đòi Chúa phải theo ý Bạn thay vì Bạn phó thác để Ngài dẫn dắt?

Chia sẻ: Người ta hay nói: “Trong cái rủi có cái may.” Bạn có thấy mình gặp may khi đối diện với rủi ro không?

Sống Lời Chúa: Cố gắng tìm thánh ý Thiên Chúa trong mọi biến cố vui – buồn của ngày sống, để biết rằng Chúa luôn có mặt khắp mọi nơi và mọi lúc.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tin Chúa đang hiện diện trong cuộc đời con, xin thêm đức tin cho con để con nhận ra thánh ý Chúa và quyết tâm thi hành.

25/07/16 THỨ HAI TUẦN 17 TN
Thánh Gia-cô-bê, tông đồ Mt 20,20-28

UỐNG CHÉN VỚI THẦY

“Các ngươi không biết các ngươi xin gì. Các ngươi có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Họ đáp: “Thưa uống nổi.” (Mt 20,22)

Suy niệm: Kể cũng lạ, Gio-an và Gia-cô-bê thuộc số những Tông đồ đầu tiên của Thầy Giê-su, được đem lên núi cao chứng kiến cuộc Hiển dung của Thầy, thế mà sau lần thứ ba Thầy tiên báo về cuộc Khổ nạn, các ông lại “được” mẹ mình dẫn đi “cửa sau” để “xí phần” trước hai chỗ ngồi gần Thầy trong vinh quang! May quá, vì Thầy biết các ông không biết điều mình đang xin, và cũng vì đang nuôi hy vọng, nên các ông khẳng khái trả lời sẽ uống nổi chén Thầy sắp uống. Thầy biết các ông cũng sẽ uống chén với Thầy, bằng chứng là Thánh Gia-cô-bê là vị Tông đồ đầu tiên được phúc tử đạo, khoảng năm 44 dưới thời Vua Hê-rô-đê A-gríp-pa.

Mời bạn: Từ những tham vọng rất trần tục, các Tông đồ đã hoàn toàn đổi khác. Sau ngày lễ Ngũ Tuần, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các ông đã mạnh dạn rao giảng, làm chứng về Thầy Giê-su bằng chính mạng sống của mình. “Uống chén” với Thầy, theo nghĩa Kinh Thánh, là thông phần Khổ nạn với Thầy, nên chẳng lạ gì, ngay từ buổi đầu của Giáo Hội đến nay, các môn đệ của Thầy Giê-su từ từ được biến đổi và trở nên “con người mới,” thấm nhuần gương sống và giáo huấn của Thầy, Đấng đã đến “để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (c. 28).

Sống Lời Chúa: Bạn dâng Chúa “gánh nặng” của ngày hôm nay, với tâm tình được thông phần với Chúa Ki-tô.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin biến đổi con, để con mến Chúa mỗi ngày một hơn, nỗ lực đem tinh thần Tin Mừng vào cuộc sống, sứ vụ của con. Amen.

26/07/16 THỨ BA TUẦN 17 TN
Th. Gio-a-kim và An-na, song thân Đức Ma-ri-a
Mt 13,36-43

HÃY LÀ HẠT GIỐNG TỐT

“Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái ác thần.” (Mt 13,37)

Suy niệm: Sau khi xem tuồng cải lương “Tấm Cám” có người khóc vì xót thương cho cô Tấm hiền lành, có người tức tưởi vì sự độc ác của mẹ con cô Cám. Quả thực, trong cuộc sống có rất nhiều người xấu nhưng cũng không thiếu những người tốt. Ngay trong con người chúng ta cũng có khuynh hướng tốt và xấu. Cho nên, Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta hãy là hạt giống tốt thì mới xứng đáng là con cái Nước Trời. Và Chúa Giê-su cũng dạy chúng ta phải biết chấp nhận thực trạng vàng thau lẫn lộn này, tích cực bồi dưỡng những yếu tố tốt và khắc phục những yếu tố xấu bằng việc khiêm nhường sám hối và kiên nhẫn canh tân đời sống và nhờ thực hành Lời Chúa, điều xấu bị triệt tiêu đi và những gì tốt đẹp ngày càng phát triển.

Mời Bạn: Một người hôm nay có thể là xấu, nhưng ngày mai có thể trở thành tốt. Bởi đó, bạn đừng nên vội đánh giá hay kết án người khác và cũng đừng vội tự mãn về mình. Mời bạn hãy tận dụng cơ hội nhất để kín múc ân sủng Chúa qua việc lãnh nhận các bí tích để ngày càng trở nên tốt như Cha chúng ta ở trên trời là Đấng tốt lành.

Sống Lời Chúa: Tâm niệm lời thư thánh Phê-rô tông đồ: “Khi chúng ta có lòng tin thì có thêm đức độ, có đức độ lại thêm hiểu biết, có hiểu biết lại thêm tiết độ, có tiết độ thêm kiên nhẫn, có kiên nhẫn thêm đạo đức, có đạo đức thêm tình huynh đệ, có tình huynh đệ lại thêm bác ái” (2Pr 1,5-7).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con biết kiên nhẫn và tha thứ cho nhau trong đời sống thường ngày ngõ hầu mỗi ngày nên tốt lành hơn trên con đường về nhà Chúa. Amen.

27/07/16 THỨ TƯ TUẦN 17 TN
Mt 13,44-46

NƯỚC TRỜI GIÁ TRỊ VÔ SONG

“Nước Trời giống như kho báu chôn giấu trong ruộng… như thương gia đi tìm viên ngọc quí .” (Mt 13,44.45)

Suy niệm: Thuở chưa có ngân hàng người ta thường cất giấu của cải bằng cách chôn chúng dưới đất. Có những kho tàng bị quên lãng, có người tìm được và trở nên giàu có. Chúa Giê-su dùng hình ảnh đó để ví với Nước Trời. Quả thế, Nước Trời là một thực tại không thể sánh ngang với những sự đời thường hằng ngày, trái lại, nó vô cùng quý giá, đáng cho chúng ta đánh cược cả cuộc đời để đổi lấy. Mặt khác, những giá trị cao quý của Nước Trời hiện đang bị che khuất giống như kho báu ẩn mình dưới đám đất tầm thường. Dù vậy, vẫn có thể tìm thấy kho báu Nước Trời ngay ở đời này, bởi vì Chúa Giê-su đã để lại cho chúng ta tấm bản đồ với những dấu hiệu chỉ đường dẫn đến kho báu, đó chính là đi theo con đường Tám Mối Phúc Thật.

Mời Bạn: Nhiều người cứ tưởng rằng kho báu Nước Trời ở chỗ nọ chỗ kia, nhưng lại không ngờ rằng nó vẫn đang bàng bạc mọi ngõ ngách trong cuộc sống, đó là kho báu của tình bác ái, sự trong sạch, liêm khiết, tôn trọng phẩm giá con người và quyền lợi của Thiên Chúa…. Lời Chúa dạy: “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa” (Mt 6,33). Bản đồ kho báu Nước Trời đã sẵn. Mời bạn lên đường tìm kiếm nó. Ngay hôm nay!

Sống Lời Chúa: Bạn được đánh động bởi mối Phúc Thật nào nhất? Bạn hãy thực hiện mối Phúc Thật đó bằng một việc cụ thể.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa xuống thế để đem con về Nước Trời với Chúa. Xin cho con nghiệm thấy tình thương vô biên của Chúa, và giá trị vô song của Nước Trời. Amen.

28/07/16 THỨ NĂM TUẦN 17 TN
Mt 13,47-53

LÒNG THƯƠNG XÓT BAO DUNG

“Nước Trời giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì vất ra ngoài.” (Mt 13,47-48)

Suy niệm: Con người luôn bị cám dỗ nhân danh niềm tin, nhân danh Thương Đế của mình để loại trừ, bài bác người khác. Những người pha-ri-sêu thời Chúa Giê-su cũng có thái độ tương tự. Họ nhân danh lề luật, nhân danh Thiên Chúa để kết án và loại trừ người khác, nhất là những người bé mọn, người tội lỗi, dân ngoại… Còn Chúa Giê-su khi loan báo Tin Mừng tình thương Thiên Chúa đã không loại trừ một ai. Chúa Giê-su chính là hiện thân của lòng thương xót và bao dung. Trong gia đình của Ngài là Nước Trời qui tụ mọi hạng người, thuộc mọi dân, mọi nước, giống như chiếc lưới thả xuống biển không loại bỏ loài “cá” nào, chỉ trừ những thứ “cá xấu”, là những người cố chấp sống trong tội lỗi mà thôi.

Mời Bạn: Để được chọn bỏ vào “kho” của Thiên Chúa, bạn là loài “cá” nào cũng được, nhưng nhất thiết phải là “cá tốt”. Cũng thế đáp lại lòng khoan dung tha thứ của Thiên Chúa, bạn luôn được mời gọi nhận thức được tình trạng tội lỗi của mình trước mặt Thiên Chúa và hối cải ăn năn để xứng đáng ở lại trong Nước Trời.

Sống Lời Chúa: Loại bỏ thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử luôn đi kèm theo não trạng cố chấp hẹp hòi. Ngược lại tập sống khoan dung đón nhận mọi người, dù khác biệt chính kiến.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, mỗi khi con muốn lên án người khác, xin Chúa nhắc con nhớ Chúa đã xử khoan dung với con, và cho con biết mau mắn phục thiện và nhận ra điều tốt đẹp nơi anh em con. Amen.

29/07/16 THỨ SÁU TUẦN 17 TN
Th. Mác-ta Ga 11,19-27

TIN VÀO ĐẤNG PHỤC SINH

“Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin như thế không?” (Ga 11,26)

Suy niệm: Ngôi mộ còn tươi màu đất mới, những người thân còn chưa hết đau xót bàng hoàng vì sự ra đi của người em thân yêu, những tiếng khóc còn chưa dứt, những giọt lệ vẫn chưa khô, và chính Đức Giê-su cũng phải xúc động đến rơi lệ, chính khi ấy, Chúa Giê-su lại đặt vấn đề nhạy cảm này với Mác-ta: “Chị có tin như thế không?” Tin gì? Tin rằng “ai sống và tin vào Thầy sẽ không bao giờ phải chết”. Thế mà em mình đã chết, đã chôn rồi đây! Tin thế nào bây giờ!!! Lòng mến yêu kính phục dành cho Thầy Giê-su khiến cô Mác-ta sẵn sàng thưa: “Thưa Thầy có. Con vẫn tin.” Thế nhưng cô vẫn không thể tưởng tượng được Đức Giê-su lại truyền lệnh cất phiến đá đậy ngôi mộ để gọi La-da-rô người đã chết chôn bốn ngày sống dậy từ trong mộ bước ra. Thêm một lần nữa Đức Ki-tô rao giảng mầu nhiệm phục sinh, mầu nhiệm trung tâm điểm của đời sống ki-tô giáo. Quả thật, đúng như thánh Phao-lô nói: “Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cr 15,14).

Còn Bạn: Đức Giê-su vẫn không ngừng hỏi bạn: “Bạn có tin như thế không?” Bạn trả lời thế nào với Ngài đây? Hành vi nào của bạn có thể làm chứng rằng bạn tin vào Đấng Phục Sinh, rằng bạn sẽ được sống lại với Ngài? Mời bạn chia sẻ về kinh nghiệm sống đó.

Sống Lời Chúa: Tìm cách thích hợp để làm chứng niềm tin phục sinh mỗi khi bạn tham dự một đám tang.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con tin Chúa là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, Đấng phải đến trong thế gian.

30/07/16 THỨ BẢY TUẦN 17 TN
Th. Phê-rô Kim Ngôn, giám mục, tiến sĩ HT Mt 14,1-12

THẮNG QUẢ TIM YẾU NHƯỢC

Hê-rô-đê nói: “Đó chính là ông Gio-an Tẩy Giả từ cõi chết sống lại.” (Mt 14,2)

Suy niệm: Cuộc đời của Hê-rô-đê bắt đầu trượt dài từ ngày vua dụ dỗ em dâu mình ở Rô-ma. Để cưới người em dâu Hê-rô-đi-a, vua đã thẳng tay ly dị người vợ đang chung sống với mình. Bị ông Gio-an Tẩy Giả quở trách vì hành vi loạn luân ấy, vua lại bắt ông Gio-an đem tống ngục. Rồi cuối cùng trong bữa tiệc sinh nhật vui vẻ, vua lại lỡ lời thề thốt với con gái của bà Hê-rô-đi-a. Điều đáng trách hơn nữa là vua thà phạm một tội ác tày trời còn hơn là huỷ bỏ một lời thề bốc đồng lúc “trà dư tửu hậu” với một cô gái trẻ. Vua sợ tiếng dư luận cười chê các vị khách hơn là sợ tiếng lương tâm quở trách. Biết điều mình làm là sai trái, nhưng vua vẫn không dám sửa đổi, vì quá yếu nhược. Rất tiếc cho một vị vua, chỉ vì một lỗi lầm kéo theo bao lầm lỗi tai hại khác!

Mời Bạn: Cuộc đời bạn cũng có thể trượt dốc từ một lầm lỗi nghiêm trọng đối với bậc sống của mình. Biết mình sai lỗi mà vẫn cố chấp, yếu nhược sống trong lầm lỗi ấy sẽ đưa bạn đến những vấp ngã nặng nề hơn, và một kết cục không ngờ. Trái lại, khiêm tốn nhìn nhận vấp váp đầu tiên ấy sẽ giúp bạn sửa đổi, làm mới lại cuộc đời mình.

Sống Lời Chúa: Tôi cố gắng sửa đổi một thói xấu lâu nay mình vẫn biết là sai trái, không hợp với bậc sống mình, nhưng chưa đủ can đảm để sửa đổi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con dám hành động theo những đòi hỏi khắc khe nhất của Chúa. Xin cho con dám liều theo Chúa, mà không tính toán thiệt hơn, anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ, can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim, và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa. Amen.
(theo Rabbouni)

31/07/16 CHÚA NHẬT TUẦN 18 TN – C
Lc 12,13-21

“GIÀU CÓ” NHỜ BIẾT CHO ĐI

“Anh em phải coi chừng… không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm đâu.” (Lc 12,15)

Suy niệm: Oprah Winfrey là nữ hoàng truyền hình của Mỹ, cũng là nữ hoàng từ thiện của nhiều chương trình, nhất là tặng học bổng cho các trẻ em, thiếu nữ nghèo ở Phi Châu. Bà là người hùng, hình mẫu vĩ đại của rất nhiều người vì sự chia sẻ hào phóng ấy. Bà nói về chuyện giàu có như sau: “Tôi dễ chịu vì những gì sự giàu có mang lại, thế nhưng sự giàu có ấy không thay đổi được điều tôi là ai. Chân tôi vẫn ở trên mặt đất. Chỉ có điều tôi mang đôi giày tốt hơn thôi.” Người phú hộ trong bài Tin Mừng không hành xử được như vậy, ông chỉ mãi mê thu tích cho riêng mình. Chỉ trong một đoạn văn ngắn, ta nhận ra năm lần chữ “mình” của ông. Cái nhìn của ông về cuộc đời quá hạn hẹp, chỉ thu gọn nơi việc có nhiều của cải để hưởng thụ, mà quên mất phải tường trình cho Chúa về việc sử dụng của cải ấy trong ngày cuối đời.

Mời Bạn: “Khi giờ sau cùng của bạn giáng xuống, bạn chỉ nên dựa vào điều bạn đã trở thành” (nhà văn St. Exupéry). Với Chúa, bạn giàu có không phải vì có nhiều, nhưng vì đã cho đi nhiều. Càng cho đi nhiều, bạn càng trở thành Ki-tô hữu rõ nét hơn.

Sống Lời Chúa: Tôi chăm chỉ học hành, làm việc, để có nhiều tiền lo cho cuộc sống, nhưng không quên sử dụng tiền của ấy đúng như ý Chúa muốn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, khi chọn cuộc sống nghèo khó của đại đa số người dân lao động, Chúa muốn chia sẻ thân phận kiếp người với chúng con. Xin cho chúng con, khi nỗ lực làm việc để kiếm tiền, ý thức tiền của ấy không phải chỉ để mua sắm, hưởng thụ, nhưng còn để chia sẻ với người nghèo. Amen.