01/12/16 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 1 MV
Mt 7,21.24-27
VỮNG MẠNH NHỜ LỜI CHÚA
“Ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ.” (Mt 7,24-25)
Suy niệm: “Không thầy đố mầy làm nên.” Chẳng ai nên người hay thành danh mà không cần đến thầy dạy. Học sinh cần nghe lời thầy cô, sinh viên trường thuốc cần học nơi thầy thuốc, cầu thủ phải tuân thủ lời huấn luyện viên, v.v… Để nên thánh, Ki-tô hữu cần lắng nghe và thực hành lời dạy của Chúa Giê-su, “Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,69).Trước hết, Chúa Giê-su mở lòng chúng ta ra đối với Lời Chúa như đã mở lòng hai môn đệ làng Em-mau. Chúa đồng hành với hai ông và “giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24,27). Họ đã mở lòng ra với Lời Chúa và lòng họ bừng bừng niềm khát khao tìm kiếm Thiên Chúa. Ngay lúc ấy, họ quay trở về Giê-ru-sa-lem, bất chấp con đường dài trong đêm tối đầy hiểm nguy, để chia sẻ với các môn đệ khác về niềm vui họ vừa lãnh nhận. Quả thật, một khi Ki-tô hữu để Lời Chúa làm bừng cháy lên niềm khao khát trong lòng, họ sẽ mạnh dạn sống Lời Chúa trong mọi hoàn cảnh và chia sẻ kinh nghiệm đức tin ấy ngay cả lúc sóng gió trong đời.
Mời Bạn: Hoàn cảnh nào khiến bạn không dám sống theo Lời Chúa? Bạn biểu lộ đức tin mạnh mẽ trong trường hợp thuận tiện hay không thuận tiện sống theo Lời Chúa?
Sống Lời Chúa: Trung thành đọc Lời Chúa mỗi ngày và chọn một việc để thực hành theo Lời Chúa dạy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết tín thác vào Chúa, dù khi thuận tiện hay không thuận tiện. Xin Chúa cứ để Lời Chúa làm bừng cháy lòng con.
02/12/16 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 1 MV
Mt 9,27-31
ĐẶT NIỀM TIN ĐÚNG ĐỊA CHỈ
Đức Giê-su sờ vào mắt họ và nói: “Các anh tin thế nào, thì sẽ được như vậy.” (Mt 9,29)
Suy niệm: “Tôi có người bạn đi bằng hai tay, ước mơ đến trường để vẽ mây bay”. Bài hát của một ban nhạc khuyết tật đã nói lên ước mơ thật giản dị của bạn bè cùng cảnh ngộ. Và nếu được hỏi ước mơ lớn nhất của đời mình, hầu chắc bạn ấy sẽ không trả lời vẽ mây bay, mà là có đủ hai chân lành lặn như bao người khác. Thế nhưng, đó chỉ là ước mơ và mơ ước. Hai người mù trong bài Tin Mừng hôm nay thật may mắn, vì họ có thể trình bày mơ ước lớn nhất đời mình cho một Đấng họ tin rằng có thể biến mơ ước đó thành sự thật. Họ đã đặt niềm tin đúng địa chỉ: “Các anh tin thế nào, thì hãy được như vậy”. Thật vậy, với Đức Giê-su, mọi sự đều có thể; với Ngài, những mơ ước tốt đẹp nhất sẽ được thực hiện; với Ngài, các Ki-tô hữu có thể an tâm bước đi trên con đường dài nhất cuộc đời: con đường về trời.
Mời Bạn: Nhớ rằng Đức Giê-su thực hiện mơ ước tốt đẹp của bạn theo cách của Ngài, chứ không phải theo cách của bạn. Bạn đừng ‘xìu’ khi nghe như vậy, bởi vì để Ngài lo liệu, bạn được bảo đảm hơn nhiều. Bạn hãy tin rằng mình đã đặt niềm tin đúng điạ chỉ. Xin bạn nhớ rằng: “Phúc thay ai phó thác đời mình trong bàn tay Chúa, Ngài sẽ đặt chính Ngài trong bàn tay họ” (Vô danh).
Sống Lời Chúa: Dâng lên Chúa ước mơ lớn nhất của tôi hiện nay và xin Chúa giúp tôi thực hiện ước mơ ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, nơi Chúa, chúng con đã tìm đúng địa chỉ để phó thác cuộc đời. Xin dâng lên Chúa những mơ ước, nhất là những mơ ước cho một thế giới tốt đẹp hơn, giàu tình người hơn. Xin cũng giúp chúng con nỗ lực để góp phần thực hiện ước mơ ấy.
03/12/16 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 1 MV
Th. Phan-xi-cô Xa-vi-ê, linh mục Mc 16,15-20
TIN MỪNG CHO MỌI NGƯỜI
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15)
Suy niệm: Lời Chúa Giê-su mời gọi chứa đựng một sự thật rất rõ ràng: Tin Mừng mà Người loan báo là dành cho mọi người, không trừ ai. Đành rằng khi Người còn tại thế, sứ mạng của Chúa Giê-su không vươn ra khỏi miền Pa-lét-tin, nhưng Ngài đã trao cho các môn đệ tiếp nối sứ mạng ấy, để mọi người mọi nơi, mọi thời đều có thê nghe Tin Mừng. Thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê là một trong những vị tông đồ kiệt xuất của sứ mạng ‘đến với muôn dân’ này. ‘Đến với muôn dân’, theo nghĩa địa dư, vẫn còn là một đòi hỏi của sứ mạng hôm nay. Tuy nhiên, thế giới toàn cầu hoá và thế tục hoá đang đặt ra cho chúng ta một đòi hỏi sâu sắc hơn, đó là ‘đến với muôn dân’ tại chính môi trường sống và làm việc của mình. Cả phương cách loan báo Tin Mừng cũng cần được xét lại: Trong khi việc rao giảng bằng lời vẫn mãi có giá trị của nó, thì kinh nghiệm cho thấy ‘lời’ rao giảng thuyết phục nhất đối với con người hôm nay không phải là lời nói suông, mà còn là lời chứng của đời sống thể hiện sắc nét các giá trị của Phúc Âm. “Lời nói bay đi, gương bày lôi kéo.”
Mời Bạn: Nhìn lại chính mình, gia đình mình, và xung quanh, để nhận ra ở đâu còn thiếu vắng chất Tin Mừng, và do đó cần phải tăng cường.
Chia sẻ: Hãy chia sẻ kinh nghiệm của bạn về sức thuyết phục mãnh liệt của chứng tá đời sống.
Sống Lời Chúa: Hôm nay, bạn hãy là nhà thừa sai loan báo Tin Mừng bằng một gươngsáng cho người xung quanh.
Cầu nguyện: Hát: “Vì con muốn là men, muốn là muối ướp cho mặn đời. Vì con muốn liều thân đem Tin Mừng đi khắp nơi.”
04/12/16 CHÚA NHẬT TUẦN 2 MV – A
Mt 3,1-12
KÊU GỌI AI SÁM HỐI?
“Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” (Mt 3,2)
Suy niệm: Trong hoang địa, Gio-an rao giảng kêu gọi sám hối cho ai nghe? Nếu rao giảng cho đám đông dân chúng có lẽ Gio-an đã chọn những nơi dân cư đông đúc. Trong hoang địa cô vắng Gio-an cất tiếng lên: “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần”, thì hơn ai hết chính Gio-an là người nghe rõ nội dung của tiếng ấy vọng lại trong tâm hồn mình. Gio-an cũng là người hưởng ứng lời kêu gọi ấy đầu tiên. Cách sống đậm màu sắc khắc khổ và sẵn sàng của Gio-an như mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng là những dấu chỉ biểu lộ một tâm hồn sám hối.
Mời Bạn: Với vai trò ngôn sứ được lãnh nhận từ bí tích Thánh tẩy, mọi Ki-tô hữu có trách nhiệm kêu gọi người khác sám hối. Nhưng thực hiện công việc này bằng cách nào? Chân phước giáo hoàng Phao-lô VI đã từng nói rằng: “Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là những thầy dạy, hoặc nếu có nghe những thầy dạy bởi vì các thầy dạy đó cũng là những chứng nhân” (Tông huấn Loan Báo Tin Mừng, số 41). Lời rao giảng sám hối của chúng ta sẽ có kết quả khi chính mình là chứng nhân về việc sám hối.
Chia sẻ: Bạn có kinh nghiệm thế nào sau khi đã sám hối, rồi khuyên người khác sám hối. Xin chia sẻ?
Sống Lời Chúa: Trong mùa Vọng này, bạn gia tăng việc hy sinh, hãm mình, bác ái để xin Chúa ban cho bạn thêm lòng sám hối ăn năn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa kêu gọi chúng con sám hối. Xin giúp chúng con biết sám hối thực tâm để chính cuộc sống chúng con trở thành lời mời gọi người khác cùng sám hối.
05/12/16 THỨ HAI TUẦN 2 MV
Lc 5,17-26
CHÚA CẤT GÁNH NẶNG TÂM HỒN
“Vậy để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, -Đức Giê-su nói với người bại liệt-: ‘Tôi bảo anh: Đứng dậy, vác giường mà đi về nhà!’ ” (Lc 5,24)
Suy niệm: Cuộc đời mỗi con người đều bao hàm nhiều gánh nặng phải vác: gánh nặng gia đình, công việc, bệnh tật… Nhưng khủng khiếp nhất chính là gánh nặng của tội lỗi. Được sinh ra giống hình ảnh Thiên Chúa; nhưng rồi con người đã sa ngã và chuốc lấy thân phận tội nhân! Ánh nhìn của Thiên Chúa đã đi theo Ca-in đến cùng trời cuối đất, cào cứa lòng anh… Nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương, thứ tha, và cứu độ con người nơi Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã đến để chữa lành thương tích cả thể xác lẫn tâm hồn người ta. Trong Bí Tích Hoà Giải, gánh nặng tội lỗi nơi tôi được cất đi, – không phải như một tấm áo bẩn được giặt sạch, nhưng như một tấm áo mới tinh được ban tặng cho tôi. Với con người, tha có nghĩa là bỏ qua song có thể vẫn còn ‘lưu hồ sơ’ để nhớ; còn đối với Thiên Chúa, tha nghĩa là quên luôn. Sự thứ tha của Thiên Chúa là một cuộc ‘sáng tạo lại’! Gánh tội lỗi được cất đi hoàn toàn trong tâm hồn tôi, và tôi tìm lại được sự bình an trọn vẹn!
Mời Bạn: Lòng bạn có đang bị đè nặng bởi điều gì không? Hãy tìm lại niềm an bình sâu xa trong Bí Tích Hòa Giải – như một sự chuẩn bị căn bản nhất để mừng Lễ Chúa Giáng Sinh sắp tới.
Chia sẻ tâm trạng của bạn khi vừa qua khỏi một cơn bạo bệnh hay sau khi xưng tội và lãnh nhận ơn thứ tha.
Sống Lời Chúa: Tích cực cảm thông, chia sẻ và nâng đỡ những người mang bệnh tật thể lý cũng như trong tâm hồn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin chữa lành mọi thương tích trong tâm hồn con, và ban lại cho con niềm bình an sâu xa của con cái Chúa. Amen.
06/12/16 THỨ BA TUẦN 2 MV
Th. Ni-cô-la, giám mục Mt 18,12-14
CHA KHÔNG MUỐN CON HƯ MẤT!
“Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.” (Mt 18,14)
Suy niệm: Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót kết thúc nhưng hẳn bạn vẫn chưa quên khẩu hiệu “Misericordes Sicut Pater” (Thương Xót Như Chúa Cha) cùng với biểu tượng Chúa Giê-su vác trên vai một con người trông như đang vác con chiên, hai con người nhưng chỉ có ba con mắt. Đó là “ánh mắt đầy yêu thương của Chúa” đã giúp Da-kêu, Mát-thêu, Ma-đa-lê-na đổi đời, đã đánh động tâm hồn của Phê-rô và bao người lầm đường lạc lối được ơn hoán cải. Ánh mắt bộc lộ tấm lòng thương xót của Chúa Cha trên trời “không muốn một ai phải hư mất”. Chúng ta cũng phải nhìn nhau bằng “con mắt thứ ba,” nhìn nhau bằng cái nhìn của Chúa, cái nhìn yêu thương tha thứ, cái nhìn cảm thông, quảng đại, và từ ánh mắt đó, chúng ta sẵn sàng bằng hành động dấn thân phục vụ.
Mời Bạn: Mùa Vọng, mùa trông đợi Chúa đến. Chỉ khi chúng ta yêu mến ai, chúng ta mới mong đợi người đó đến. Chúa Cha yêu thương luôn yêu thương đi tìm kiếm và đem những người con đi xa lạc trở về, chúng ta cũng phải sẵn sàng mở lòng mình ra để đón nhận lòng thương xót của Chúa, đồng thời cũng mở lòng ra với anh em để cùng với họ quay trở về với Chúa.
Sống Lời Chúa: Nhìn bằng “ánh mắt của Chúa”, tức là đối xử với nhau bằng lòng nhẫn nại và bao dung.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Cha đầy yêu thương, bao lâu chúng con lạc xa Cha là bấy lâu Cha tìm kiếm chúng con. Cha đau buồn khi thấy chúng con chìm sâu trong bóng tối tội lỗi. Cha ban cho chúng con Người Con Một để tìm và cứu chúng con. Chúng con yêu mến và tạ ơn Cha. Amen.
07/12/16 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 2 MV
Th. Am-rô-xi-ô, giám mục, tiến sĩ HT Mt 11,28-30
GIÊ-SU, CHỐN NƯƠNG THÂN
“Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái và gánh tôi nhẹ nhàng.” (Mt 11,29-30)
Suy niệm: Tình yêu đã giúp thánh Tê-rê-xa Hài Đồng kết luận rằng đời Ki-tô hữu không phải là cuộc định cư trên núi Ta-bo, mà là một hành trình trèo lên đỉnh Can-vê. Thực vậy, Chúa Giê-su không hề hứa hẹn một cuộc sống an nhàn thư thái cho những người đi theo Ngài, dù người đó là Đức Ma-ri-a, Mẹ Ngài, đi nữa. Ngài không miễn chước cho họ khỏi tuân giữ luật lệ, trái lại, còn đòi hỏi đến mức triệt để. Tám Mối Phúc mà Chúa công bố đã minh chứng cho điều này. Vậy làm sao Ki-tô hữu có thể chấp nhận “gánh” và “ách” của Chúa mỗi ngày mà vẫn cảm nhận được sự êm ái, nhẹ nhàng? Theo thánh Âu-tinh, ấy là nhờ có lòng yêu mến: “Chỗ nào có lòng yêu mến thì không cảm thấy vất vả, mà giả như có vất vả đi nữa thì người ta cũng thích cái vất vả đó.” Tình Chúa yêu và tình yêu Chúa giúp cho Ki-tô hữu tìm được an vui ngay giữa lúc chồn chân mỏi gối. Tình yêu biến mọi sự trở nên nhẹ nhàng.
Mời Bạn: Tiếng than vãn, hờn trách, nổi loạn diễn tả điều gì trong tâm hồn bạn? Bình an hay bất an? Gánh nặng của bạn cần được chia sẻ cho Chúa. Chúa mong chờ.
Chia sẻ: Có những loại gỗ không đáng bỏ công đẽo gọt, cũng có những con tim không xứng đáng nhận lấy khổ đau. Bạn nghĩ gì về câu nói đó?
Sống Lời Chúa: Dâng lên Chúa mọi sự khó khăn vất vả của ngày hôm nay.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa là nơi con náu ẩn những khi nguy nan, là niềm cậy trông mỗi khi con tìm đến, là niềm an ủi những lúc con lệ rơi, là niềm hứng khởi những lúc con hân hoan. Ôi, lạy Thiên Chúa con thờ.
08/12/16 THỨ NĂM TUẦN 2 MV
Đức Ma-ri-a Vô Nhiễm Nguyên Tội Lc 1,26-38
SỐNG MÙA VỌNG NHƯ MẸ
“Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao.” (Lc 1,30-32)
Suy niệm: Phụng vụ Lời Chúa trong mùa Vọng trình bày ba nhân vật đóng vai trò quan trọng trong việc loan báo Đấng Cứu Thế đến: đó là tiên tri I-sai-a, thánh Gio-an Tẩy Giả, và Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Tiên tri I-sai-a mô tả lòng khát mong Vua cứu tinh của dân Ít-ra-en. Ông và hối thúc dân thay đổi đời sống và chuẩn bị tâm hồn để xứng đáng đón Vua sắp đến. Gio-an Tẩy Giả là sứ giả dọn đường và là người trực tiếp giới thiệu Đấng Cứu Thế đến. Ông đã thực thi sứ mạng của mình cho tới hơi thở cuối cùng bằng việc hy sinh chính mạng sống của mình. Về phần Mẹ Ma-ri-a, Mẹ không chỉ mong mỏi Thiên Chúa đến, mà còn đón nhận Thiên Chúa làm người trong lòng Mẹ. Trước hết, như bao thế hệ Do Thái chờ trông, Mẹ mong đợi Đấng Cứu Thế đến như lời Thiên Chúa đã hứa với dân tộc của Mẹ. Thiên Chúa thực hiện lời hứa của Ngài, đến làm người trong lòng của Mẹ. Thiên Chúa đã chuẩn bị cho Mẹ đón nhận ân phúc này bằng cách ban đặc ân vô nhiễm nguyên tội ngay từ ngày đầu cuộc đời của Mẹ. Đáp lại, Mẹ luôn trông đợi Chúa, luôn tận dụng ơn thánh của Chúa để sống đẹp lòng Chúa, tuân theo lời Chúa dạy và mang Chúa đến với tha nhân. Mẹ đã sống mùa Vọng như thế và dạy chúng ta biết thế nào là sống mùa Vọng.
Mời Bạn: Bạn có thực hành đạo đức nào mỗi ngày trong mùa Vọng để thể hiện lòng khát khao Chúa đến với bạn?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày một việc lành dâng cho Chúa với lòng khát mong Chúa đến ngự vào lòng.
Cầu nguyện: “Ma-ra-na-tha, lạy Chúa xin hãy đến.”
09/12/16 THỨ SÁU TUẦN 2 MV
Th. Gio-an Đi-đa-cô Mt 11,16-19
VỮNG VÀNG THEO CHÚA
“Ông Gio-an đến không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: ‘Ông ta bị quỷ ám.’ Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.’ Nhưng đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động.” (Mt 11,18-19)
Suy niệm: Trong bổn phận của mình, Đức Bê-nê-đi-tô XVI nhắc nhở, Ki-tô hữu là người đáp ứng một nhu cầu cấp thiết cho mọi thời đại, đó là nói với thế giới về Thiên Chúa và trình bày với Thiên Chúa về thời đại. Con người thời đại chỉ cần nơi Ki-tô hữu điều đó và yêu cầu Ki-tô hữu hãy là Ki-tô hữu đến cùng, chứ không đòi hỏi điều gì khác. Bởi thiên hạ tìm thấy nơi biết bao người khác điều mà họ đang cần về mặt tự nhiên, nhưng chỉ nơi Ki-tô hữu họ mới có thể nghe Lời Chúa và biết về Ngài. Lời này ở trên môi của Ki-tô hữu và rõ ràng trong lối sống của Ki-tô hữu. Muốn được thế, Ki-tô hữu không chiều theo thị hiếu phù du của thời đại hay ngả theo những khuynh hướng thế tục thịnh hành; trái lại, Ki-tô hữu cần thuộc về Thiên Chúa cách kiên vững, đúng với tư cách một người được thánh hiến riêng cho Ngài.
Mời Bạn dành thì giờ gặp riêng với Chúa và xét lại xem những hành động, lời nói và lối sống của bạn có đem lại lợi ích thiêng liêng cho con người thời đại như lòng Chúa mong muốn hay không. Bạn đang chiều theo tinh thần thế tục hay đang làm chứng cho Chúa giữa đời?
Sống Lời Chúa: Kiên trì thực hiện điều đã hứa với Chúa hằng ngày, nỗ lực vượt qua mọi trở ngại và dâng lên Chúa những cố gắng ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cứ sai con ra đi làm chứng nhân cho Chúa giữa đời, vì người đời cần được nghe Lời Chúa và cần được thấy những chứng nhân trung kiên của Chúa.
10/12/16 THỨ BẢY TUẦN 2 MV
Mt 17,10-13
ÔNG Ê-LI-A ĐÃ ĐẾN
“Ông Ê-li-a phải đến để chỉnh đốn mọi sự. Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế.” (Mt 17,11-12)
Suy niệm: Người Do Thái mong mỏi sự trở lại của tiên tri Ê-li-a để dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến, nhưng họ không thể nhận ra Ê-li-a đã đến trong vai trò của Gio-an Tẩy Giả. Bởi vì họ mong đợi một Ê-li-a đầy uy quyền có thể gọi lửa từ trời xuống khiến mọi người khiếp sợ, trong khi Gio-an Tẩy Giả lại là vị tiên tri của nước kêu gọi mọi người chịu phép rửa để hoán cải tâm hồn. Thực ra, Gio-an Tẩy Giả đã đảm nhận vai trò của Ê-li-a khi chuẩn bị tâm hồn con người đón nhận Đấng Cứu Thế: “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,2). Gio-an Tẩy Giả chính là vị tiên tri hoàn tất mọi điều các tiên tri trong Cựu Ước đã loan báo về Đấng Cứu Thế khi giơ tay hướng về Đức Giê-su mà giới thiệu: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29.36).
Mời Bạn: Trong Mùa Vọng này, những ai là người đang đóng vai trò của Gio-an Tẩy Giả thúc giục bạn chuẩn bị tâm hồn xứng đáng đón nhận Chúa? Những ai đang giới thiệu cho bạn Đấng Cứu Thế đang ở giữa bạn mà bạn không biết? Bạn đang quyết tâm từ bỏ thói hư nào, tật xấu nào, tội lỗi nào? Bạn đang quyết tâm thực hành việc đạo đức nào để chuẩn bị Chúa đến với bạn?
Sống Lời Chúa: Quyết tâm từ bỏ một thứ tội hoặc thực hành một nhân đức.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy đến ngự trị trong tâm hồn con và cho con luôn tìm làm đẹp ý Chúa và dám cắt đứt mọi vướng bận cản trở đường Chúa đến với con. “Ma-ra-na-tha, lạy Chúa xin hãy đến.”
11/12/16 CHÚA NHẬT TUẦN 3 MV – A
Mt 11,2-11
TIN NGÀI LÀ ĐẤNG PHẢI ĐẾN
Các môn đệ ông Gio-an đến hỏi Đức Giê-su rằng: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Lc 11,41)
Suy niệm: Khi các môn đệ đến bày tỏ sự ghen tỵ vì thấy dân chúng tuốn đến với Đức Giê-su, Gio-an Tẩy Giả đã giải thích cho họ rằng Đức Giê-su mới là Đấng Ki-tô, còn ông, trong vai trò phù rể vui mừng và chấp nhận lu mờ đi khi thấy chàng rể, là Đấng Ki-tô, được nổi bật lên (x. Ga 3,26-30). Thâm ý của Gio-an Tẩy Giả khi sai các môn đệ đến hỏi Chúa Giê-su “có thật là Đấng phải đến”, là muốn họ được trực tiếp gặp gỡ Đức Ki-tô. Hiểu ý đó, Chúa Giê-su đã giải tỏa ngộ nhận cho các môn đệ của Gio-an và cho dân chúng bằng cách chứng tỏ những lời ngôn sứ tiên báo về Đấng Thiên sai nay được ứng nghiệm qua các dấu lạ Ngài làm mà họ đang chứng kiến: “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người phong được sạch, người chết sống lại, người nghèo khó được nghe Tin Mừng” (x. Is 26,19; 29,18; 35,5-6; 42,7; 61,1). Nghiền ngẫm Lời Kinh Thánh và khám phá Lời đó được ứng nghiệm qua những dấu chỉ trong cuộc sống, đó là bí quyết để nhận biết và tin rằng Đức Giê-su chính là “Đấng phải đến”.
Mời Bạn: Những lúc yếu lòng trong đức tin, những lúc hoang mang nghi ngại, mời bạn ngồi xuống, mở sách Tin Mừng ra, đọc và suy niệm, để nhận biết Lời đang ứng nghiệm trong từng biến cố cuộc đời bạn và để xác tín rằng Ngài là Đức Ki-tô, là Đấng cứu độ, là Đấng giải thoát chúng ta khỏi cái chết đời đời và đưa chúng ta đến hạnh phúc vĩnh cửu.
Sống Lời Chúa: Đọc và suy gẫm Lời Chúa mỗi ngày để gặp gỡ Đức Ki-tô và thêm lòng xác tín vào Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban thêm lòng tin cho chúng con. Amen.
12/12/16 THỨ HAI TUẦN 3 MV
Mt 21,23-27
SỰ THẬT SẼ GIẢI PHÓNG ANH EM
“Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.” (Mt 21,27b)
Suy niệm: Khi chứng kiến những việc kỳ diệu Chúa Giê-su đã làm như mở mắt cho người mù, mở tai cho người điếc, chữa lành người què… nhiều người Do Thái tin vào Chúa Giê-su. Tuy nhiên, giới lãnh đạo lại chất vấn Ngài về “giấy phép” để làm những việc kỳ diệu ấy. Điều buồn cười là làm việc lành phúc đức cho người đồng loại cũng phải có “giấy phép”! Trước thái độ cố chấp và mù quáng của họ, Chúa Giê-su hỏi ngược lại họ: sứ vụ của Gio-an Tẩy Giả do Thiên Chúa hay do con người. Tuy biết rõ câu giải đáp, nhưng họ đành phải giả bộ như không biết. Thái độ chối bỏ sự thật của họ chắc hẳn đã làm Chúa Giê-su buồn lòng không ít.
Mời Bạn: Trong một bức thư chung, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhắc nhở về nạn “gian dối trong nhiều lãnh vực, kể cả trong môi trường cần đến sự thật nhiều nhất là giáo dục học đường.” Sống trong môi trường bị nhiễm đục bởi nạn gian dối, bạn cần huấn luyện một lương tâm trong sáng, chấp nhận sự thật về mình và người khác. Không “tô sơn trét phấn” cho cái tôi “ảo” của mình, cũng chẳng giả bộ không biết sự thật đang xảy ra cho người lân cận; như thế bạn mới là môn đệ chân truyền của Đấng xưng mình là Sự Thật.
Chia sẻ về những hình thức gian dối trong xã hội hôm nay và phương cách sửa đổi theo tinh thần Tin Mừng.
Sống Lời Chúa: Xem lại những chỗ quanh co, chưa sống theo sự thật nơi cõi lòng mình, và tìm cách khắc phục.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã nhắc nhở chúng con phải sống theo sự thật. Xin giúp chúng con tôn trọng sự thật, dù phải trả giá. Amen.
13/12/16 THỨ BA TUẦN 3 MV
Th. Lu-xi-a, trinh nữ, tử đạo Mt 21,28-32
LÀM NGƯỜI BIẾT NGHĨ
“Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha? Họ trả lời: ‘Người thứ nhất’.” (Mt 21,31)
Suy niệm: Khi bảo hai người con làm vườn nho cho mình, người cha trong dụ ngôn không hẳn bắt con cái phục vụ cho mình. Quả thật, ông chỉ cần kêu mướn thợ đến làm công rồi trả lương cho họ là xong. “Chuyên nghiệp” hơn và có thể ít tốn kém hơn, ít phiền toái hơn! Nhưng ông lại muốn dành cho hai cậu con trai cơ hội để thể hiện trách nhiệm, và hơn nữa, lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mình. Nhanh nhảu hứa làm nhưng rồi không làm như người con thứ hai, đó là biểu hiện của “người không biết nghĩ”vô cảm với cha, vô trách nhiệm với công việc trong nhà cha mình. Người con thứ nhất thoạt đầu hẳn đã phụ lòng ông cách nặng nề vì lời từ chối thẳng thừng như tát nước vào mặt cha. Nhưng bù lại, anh đã kịp sửa chữa sai lầm ban đầu bằng hành động hối lỗi của mình. Anh là “người biết nghĩ.”
Mời Bạn: “Làm người biết nghĩ” chính là “thi hành ý muốn” của Thiên Chúa là Cha mình: Không như cậu con trai bất tuân, thất hứa, trái lại, biết thao thức, có trách nhiệm với công việc trong Hội Thánh là nhà của Cha mình. Có trách nhiệm với nhà Cha thì không thể vô cảm, thờ ơ trước những nhu cầu bức thiết của anh chị em mình nhất là những người đau khổ, bé mọn, dễ bị tổn thương, bị loại trừ, bị quên lãng.
Sống Lời Chúa: “Làm người biết nghĩ” là mỗi ngày dành ít phút hồi tâm xét mình: có biết lắng nghe, sửa lỗi, có tinh thần trách nhiệm, có vui tươi khiêm tốn phục vụ xây dựng cộng đoàn không?
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, là Con Chí Ái của Chúa Cha. Xin giúp chúng con noi gương Chúa luôn nhiệt tâm lo việc nhà Chúa cũng là Cha chúng con.
14/12/16 THỨ TƯ TUẦN 3 MV
Th. Gio-an Thánh Giá, linh mục, tiến sĩ HT Lc 7,19-23
“CÒN PHẢI ĐỢI AI KHÁC?”
Khi đến gặp Đức Giê-su, hai người ấy nói: “Ông Gio-an Tẩy Giả sai chúng tôi đến hỏi Thầy: Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”(Lc 7,20)
Suy niệm: Câu trả lời của Chúa Giê-su thật rõ ràng và dứt khoát: “…Về thuật lại cho ôngGio-an những điều mắt thấy tai nghe…, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi”(c.22-23). Chúa Giê-su rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa không chỉ bằng lời nói, nhưng còn bằng chính cuộc sống và hoạt động cụ thể của Ngài. Lời nói và hành động của Chúa Giê-su chứng thực Ngài là Đấng phải đến mà các tiên tri đã loan báo. Hội Thánh, qua lời của Chân phước giáo hoàng Phao-lô VI, nhắc nhở ta: “Ngày nay người ta không thích nghe các thầy dạy, mà chỉ muốn nghe các chứng nhân, và nếu người ta có nghe các thầy dạy, là vì các thầy dạy ấy, trước đó, đã là những chứng nhân”
Mời Bạn: Bản chất của Hội Thánh là loan báo Tin Mừng. Tất cả mọi Ki-tô hũu, bất kể già trẻ lớn bé, đều có bổn phận này. Tin Mừng của Chúa đã được truyền giảng vào quê hương ta gần 500 năm, nhưng kết quả thật khiêm tốn: vỏn vẹn 7,8 triệu người Công giáo trên tổng số 94 triệu dân! Phải chăng vì bạn và tôi, những người Ki-tô hữu, chưa thực thi sứ mạng loan báo này? Hay phải chăng chúng ta mới chỉ là “thầy dạy” mà chưa phải là “chứng nhân?”.
Sống Lời Chúa: Xét mình kỹ lưỡng về “những điều thiếu sót”: Tôi chưa là chứng nhân, phải chăng vì tôi còn tránh né không làm những việc tốt và những việc bổn phận tôi phải làm?
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban thêm đức tin trong hành động, để chúng con luôn là chứng nhân, và không còn chờ đợi ai hay cái gì khác ngoài Chúa.
15/12/16 THỨ NĂM TUẦN 3 MV
Lc 7,24-30
CÒN HƠN CẢ NGÔN SỨ!
“Anh em đi xem gì trong hoang địa?… Một ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết: đây còn hơn cả ngôn sứ nữa.” (Lc 7,24.26)
Suy niệm: Gio-an Tẩy giả làm gì mà được Đức Ki-tô nói là “còn hơn cả ngôn sứ nữa”? Trong thời Cựu Ước, có rất nhiều ngôn sứ. Các ngài thực thi sứ vụ vào những thời điểm nguy kịch nhất trong lịch sử Dân Chúa, nói Lời của Chúa để nhắc nhớ họ thực hiện giao ước và cũng báo trước Đấng Cứu Thế sẽ đến để thiết lập giao ước mới. Gio-an Tẩy giả còn hơn thế: bởi vì chẳng những ngài là Ê-li-a xuất hiện để báo tin “Đấng phải đến” đã đến, mà hơn thế nữa ngài còn làm phép rửa cho Đức Ki-tô và giới thiệu đích danh: “Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian”; ngài là bản lề chuyển tiếp từ Cựu Ước sang Tân Ước. Chúng ta còn nhớ những lời rao giảng của Chúa Giê-su cũng bắt đầu từ sứ điệp mà Gio-an Tẩy giả loan báo: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (so sánh Mt 3,2 và Mt 4,17).
Bạn ơi! Khi bạn lãnh nhận bí tích rửa tội, Đức Ki-tô cũng trao cho bạn sứ vụ ngôn sứ đó. Và mỗi khi bạn ôm ấp Chúa Giê-su Thánh Thể trong lòng bạn, bạn được sai đi để loan báo cho mọi người, qua đời sống chứng nhân của bạn, rằng: “Nước Thiên Chúa đã đến rồi trong lòng thế giới, trong lòng tôi”. Hơn cả một ngôn sứ, bạn đang tham dự vào sứ vụ cứu thế của Đức Ki-tô.
Chia sẻ: Nhóm của bạn cùng thực hiện một việc làm chứng cho Đức Ki-tô.
Sống Lời Chúa: Dành ít phút tâm sự với Chúa Giê-su Thánh Thể đặc biệt sau khi rước lễ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, qua bí tích Rửa Tội, Chúa trao cho con sứ vụ làm ngôn sứ. Xin cho con trung thành làm chứng nhân của Chúa.
16/12/16 THỨ SÁU TUẦN 3 MV
Ga 5,33-36
NGỌN ĐÈN ĐỨC TIN
Khi ấy Chúa Giê-su nói với những người Do Thái rằng: “Chính các ông đã cử người đến gặp ông Gio-an và ông ấy đã làm chứng cho sự thật.” (Ga 5,33)
Suy niệm: Vào những đêm trăng, nhất là đêm rằm, ánh trăng lúc dịu dàng, lúc tỏ hiện vằng vặc, thật đẹp. Nhưng trăng không tự phát sáng, nó chỉ tiếp nhận ánh sáng từ mặt trời và phản chiếu ánh sáng đó lên trái đất. Gio-an đang rao giảng, nhưng ông ý thức rõ mình chỉ là người dọn đường cho Đấng Mê-si-a đến, là người làm chứng cho sự thật, là người phản chiếu Ánh Sáng thật từ Đức Ki-tô mà thôi.
Mời Bạn: Khi lãnh nhận bí tích rửa tội, chúng ta nhận lấy ngọn nến sáng tượng trưng đức tin được thắp sáng từ Đức Ki-tô, Đấng Phục Sinh. Chúng ta có sứ mạng làm cho ngọn nến đó chiếu sáng mãi để làm chứng nhân cho Ngài.
Chia sẻ: Những tai hoạ từ thiên nhiên cũng như do con người như chiến tranh, khủng bố, huỷ hoại môi trường khiến cho không ít người lâm vào cảnh khốn cùng, chết chóc. Bạn có thể làm gì cho những anh chị em gặp cơn hoạn nạn đó để bạn có thể toả chiếu ánh sáng của Đức Ki-tô qua hoạt động bác ái của mình?
Sống Lời Chúa: Noi gương Gio-an Tẩy giả, trong những ngày còn lại của Mùa Vọng, tôi quyết làm chứng cho sự thật, cho sự sáng bằng việc bớt chi tiêu những khoản không cần thiết và chia sẻ cho những người nghèo khổ, neo đơn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, sống và làm chứng cho Chúa là sứ mạng của người ki-tô hữu. Xin Chúa ban ơn trợ giúp chúng con toàn sứ mạng ấy. Xin Chúa gia tăng sức mạnh và lòng can đảm để chúng con có thể vượt qua được chính bản thân mình cũng như những trở ngại bên ngoài, ngõ hầu ngọn đèn đức tin của chúng con luôn toả sáng. Amen.
17/12/16 THỨ BẢY TUẦN 3 MV
Mt 1,1-17
ĐƯỢC MỜI GỌI ĐỂ NÊN THÁNH
“Gia-cóp sinh ông Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su.” (Mt 1,16)
Suy niệm: Giống như bên Á Đông, người Do Thái cũng có quan niệm “trọng nam, khinh nữ”. Vì thế, trong gia phả của họ, chỉ có tên người nam, người nữ không được nhắc đến. Vậy mà trong bản gia phả của Đức Giê-su, thánh Mát-thêu nhắc đến năm người nữ: bốn người của Cựu Ước và một của Tân Ước. Điều đáng nói là bốn người nữ kia đều có vấn đề: Ta-ma loạn luân, Ra-kháp là gái điếm, Rút là người ngoại giáo, còn vợ ông U-ri-gi-a, ngoại tình. Phải chăng tác giả có ý cho thấy Đức Giê-su đã nhập sâu vào gia đình nhân loại, một nhân loại với những điều tốt đẹp, nhưng cũng lắm chuyện ô trọc? Bốn người nữ bất toàn ấy càng làm nổi bật người thứ năm: Đức Ma-ri-a, người nữ vẹn toàn, vì ngài là mẹ Đấng Cứu Thế. Đấng Cứu Thế làm người để đem lại ơn cứu độ cho cả nhân loại, không còn phân biệt nam nữ, giàu nghèo, tốt xấu… vì ai ai cũng được mời gọi để nên thánh trong ơn cứu độ.
Mời Bạn: Làm quen với một quan điểm của C. Morrison: “Hội Thánh là một hội gồm các tội nhân. Đó là hội duy nhất trên thế giới mà tiêu chuẩn hội viên chỉ dựa vào một phẩm chất là ứng viên không xứng đáng với tiêu chuẩn hội viên này”. Biết như vậy, không phải để bạn ỷ lại, hay nản lòng, nhưng là nỗ lực hơn, để sống xứng đáng tư cách thành viên Hội Thánh.
Sống Lời Chúa: Ý thức thân phận bất xứng của mình, để có thái độ tri ân với Chúa, khiêm tốn với mình, và bao dung hơn với tha nhân.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã chọn gọi chúng con là môn đệ Chúa, là thành phần của Hội Thánh. Xin giúp chúng con cố gắng mỗi ngày để xứng đáng hơn với tư cách cao cả ấy.
18/12/16 CHÚA NHẬT TUẦN 4 MV – A
Mt 1,18-24
TRUYỀN TIN CHO GIU-SE
“Này ông Giu-se là con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì Người Con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.” (Mt 1,20)
Suy niệm: Theo thánh sử Mát-thêu, Thiên Chúa thông truyền ý muốn của Ngài cho thánh cả Giu-se qua những giấc mộng: báo tin Ma-ri-a thụ thai cách huyền nhiệm, lệnh lên đường ngay trong đêm sang Ai cập, và cả chuyến hồi hương về Na-gia-rét. Trong mọi trường hợp, thánh Giu-se vâng lời cách mau mắn, vô điều kiện trong đức tin, không cần những phép lạ ngoạn mục, những cuộc hiện ra phi thường. Cũng như Đức Ma-ri-a nhận ra được ý định của Thiên Chúa trong lúc cầu nguyện, thánh Giu-se Giu-se nhận thức rõ ràng sự can thiệp của Thiên Chúa ngay cả trong giấc ngủ. Phải có một cuộc sống hết sức thân mật với Thiên Chúa mới có thể sẵn sàng nhận ra chấp nhận để Thiên Chúa hướng dẫn, sắp đặt cuộc đời mình theo thánh ý Người.
Mời Bạn: Thiên Chúa vẫn tiếp tục mời gọi bạn qua những biến cố bất ngờ xảy đến trong đời bạn. Bạn thắc mắc, chất vấn, kêu trách, chống đối Chúa, hay là bạn khiêm tốn vâng phục thánh ý Người?
Chia sẻ: Bạn hãy chia sẻ một kinh nghiệm về một cuộc viếng thăm của Thiên Chúa trong đời bạn qua một lời nói, một dấu chỉ, và ngay cả một giấc mơ.
Sống Lời Chúa: Thinh lặng, cầu nguyện, sống thân mật với Chúa để có thể nhận ra thánh ý Ngài qua mọi biến cố to nhỏ của đời sống.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết sống thinh lặng, khiêm tốn, phó thác vào Chúa như thánh cả Giu-se để chúng con cũng có thể nhận ra và mau mắn thực hành thánh ý Chúa.
19/12/16 THỨ HAI TUẦN 4 MV
Lc 1,5-25
ĐỪNG SỢ!
Này ông Da-ca-ri-a, đừng sợ vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin.” (Lc 1,13)
Suy niệm: Ông Da-ca-ri-a cầu xin và Chúa đã nhậm lời. Thế nhưng khi Ngài hứa ban cho ông một người con trai theo lòng ước nguyện thì ông lại hoang mang, sợ hãi và đòi Chúa cho một dấu lạ. “Dựa vào đâu mà tôi biết được các điều ấy vì tôi đã già…”. Hoá ra, giữa lời cầu và niềm tin là một khoảng cách xa vời vợi: con người có thể cầu nguyện nhưng chưa hẳn đã hoàn toàn để cho Thiên Chúa hoạch định chương trình của Ngài. Điệp khúc “Đừng sợ” xuất hiện 365 lần trong Kinh Thánh và hầu hết để gửi cho những người được coi là công chính, một lần nữa như gởi đến cho mỗi người chúng ta trong Mùa Vọng này.
Mời Bạn: Giữa biển đời trần gian, những phong ba bão tố của thất bại, mất mát, bệnh tật, thù oán và ghen tương… lắm phen làm cho bạn hoảng sợ, bạn có tìm đến Chúa để cầu nguyện và nội tâm của bạn đã thật sự được giải toả để ký thác hoàn toàn vào tình yêu Chúa chưa? Hay những lý luận và phân tích tự nhiên đã cản trở niềm tin của bạn? Cha Teilhard de Chardin ví đức tin như một cú nhảy: Tin là nhảy tới lao vào khoảng không mà biết rằng đó không phải là khỏang không hun hút bất tận, nhưng chắc chắn trong khoảng không ấy sẽ có bàn tay Thiên Chúa đón đỡ lấy mình!
Chia sẻ: Hiện tại, điều gì đang làm bạn sợ hãi? Chỉ trong niềm tin bất tận vào quyền năng Chúa, bạn mới được giải thoát. Hãy dành ít phút thinh lặng trong ngày để gặp gỡ Chúa.
Sống Lời Chúa: Năng tâm niệm: “Đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chỉ trong Chúa con mới có BÌNH AN. Xin cho con ĐỨC TIN cứng cáp qua những cọ sát đau thương của phận người. Amen.
20/12/16 THỨ BA TUẦN 4 MV
Lc 1,26-38
GỌI DẠ, BẢO VÂNG
Bà Ma-ri-a nói với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,38)
Suy niệm: Mặc dù nhân quyền vốn là đề tài được bàn luận hằng ngày và ai vi phạm quyền này thì dễ bị người khác lên án, nhưng cứ coi mình có quyền này, quyền nọ mà bỏ qua việc vâng lời sẽ là một tai hoạ khôn lường. Cuộc sống xã hội chỉ vận hành được khi người ta cùng chấp nhận tuân thủ mệnh lệnh của một người trọng tài chung đứng bên trên tất cả. Vị trọng tài mà mọi người đều phải vâng lời đó là lương tâm, lề luật, lẽ phải, bề trên, và trên hết là chính Thiên Chúa vì mọi quyền bính trên đời này đều xuất phát từ Ngài. Vâng lời không phải là lệ thuộc, càng không phải là sự hạ nhục. Vâng lời không là nô lệ mà là cách thế giải phóng cho thứ tự do chủ nghĩa hàm hồ, và nếu lạm dụng tự do ấy sẽ gây nên nhiều chuyện trớ trêu trong xã hội và Giáo Hội.
Mời Bạn: Chuẩn bị mừng lễ Chúa giáng sinh, mời bạn chiêm ngắm “Đấng vâng lời Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá”, và cũng chiêm ngắm Đức Ma-ri-a, “Đấng có phúc hơn mọi người nữ” vì đã tin và nói lời “Xin vâng”. Bạn kiểm điểm lại cuộc sống xem mình đã phản ứng, hành động ra sao khi được kêu gọi vâng lời.
Chia sẻ: Vì sao sự vâng lời – đặc biệt sự vâng lời của Đức Ma-ri-a, và của Chúa Giê-su – không làm phẩm giá bị hạ thấp mà trái lại được nâng cao?.
Sống Lời Chúa: Tập mau mắn nghe theo lời khuyên dạy của những người có trách nhiệm hướng dẫn bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết noi gương Mẹ Ma-ri-a: mau nghe và chóng làm theo Lời Chúa dạy bảo mỗi ngày khi con nghe đọc Sách Thánh.
21/12/16 THỨ TƯ TUẦN 4 MV
Lc 1,39-45
PHÚC TRÙNG LAI
“Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.” (Lc 1,42)
Suy niệm: Người đời thường nói “phúc bất trùng lai,” nghĩa là phúc không đến hai lần. Nhưng điều đó lại xảy ra đối với Đức Mẹ: Mẹ vừa được thiên sứ kính chào là người “đầy ơn phúc”, mà người con Mẹ đang cưu mang cách lạ lùng cũng “được chúc phúc” vì người con đó chính là Con Thiên Chúa, nguồn phúc lành cho Mẹ và cho cả nhân loại. “Phúc trùng lai” ấy xuất phát từ việc Mẹ đã dám tin vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa. Tin rằng Ngài đầy quyền năng “không có gì là không thể làm được,” và tin Ngài yêu thương nhân loại đến nỗi ban tặng chính Con Một Ngài. Trên bình diện tự nhiên, mầu nhiệm nhập thể là điều không tưởng, nhưng trong niềm tin, mầu nhiệm đó đã và đang trở thành nguồn an ủi và hạnh phúc cho nhân loại đến muôn đời. Khi cử hành mầu nhiệm Giáng Sinh, chúng ta cũng được như Mẹ, được hưởng “phúc trùng lai” mà Chúa dành cho những ai biết đón nhận Lời Ngài qua lời dạy của Chúa Giê-su.
Mời Bạn: Mẹ Ma-ri-a thực hạnh phúc vì Mẹ đã “tin rằng lời Chúa phán với Mẹ sẽ đượcthực hiện”. Bạn có cảm thấy mình được hạnh phúc vì tin vào Chúa không? Quả thật, đạo Chúa chính là con đường giúp bạn dẫn bạn đến hạnh phúc đích thực và viên mãn khi bạn đặt trọn niềm tin vào Chúa và sống theo Lời Ngài truyền dạy.
Sống Lời Chúa: Bạn hãy rà soát lại mình để tìm thấy cái “được” của bạn khi làm người Ki-tô hữu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con luôn vững tin vào công trình Chúa đã làm trong lịch sử để đem lại hạnh phúc thật sự cho chúng con. Amen.
22/12/16 THỨ NĂM TUẦN 4 MV
Lc 1,46-56
BIẾT ƠN CHÚA ĐỂ NGỢI KHEN NGÀI
Bà Ma-ri-a nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới.”(Lc 1,46-48)
Suy niệm: Cuộc gặp gỡ giữa Đức Ma-ri-a và bà Ê-li-sa-bét là cuộc gặp gỡ của hai người biết ơn Chúa bằng việc lên tiếng ngợi khen Ngài. Khi được bà Ê-li-sa-bét chúc mừng, Đức Ma-ri-a đã dâng lời ngợi khen Thiên Chúa: ngợi khen Ngài đoái thương nhìn tới “phận nữ tỳ hèn mọn”; ngợi khen Chúa với tấm lòng khiêm nhường vì Ngài đã làm cho mình những điều cao cả. Đức Ma-ri-a không chỉ tạ ơn và ngợi khen cho riêng mình; Mẹ còn nhận ra lòng thương xót Chúa trải dài “từ đời nọ đến đời kia” từ khởi đầu nơi các tổ phụ và cho cả con cháu đến muôn đời. Khi đặt mình trong mối tương quan “liên vị” đó, Mẹ càng nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa thật vô biên và chương trình cứu của thật khôn ngoan khôn dò thấu. Ai biết đặt mình trong mối tương quan “liên vị” như thế, người ấy sẽ cất lời ngợi khen không ngừng, dù đời họ gặp nhiều niềm vui hay lắm nỗi buồn.
Mời Bạn: Khắp nơi đang tưng bừng chuẩn bị mừng Đại lễ Giáng Sinh. Nhưng ít người sống tâm tình ngợi khen qua sự kiện trọng đại này. Liệu bạn có vinh dự thuộc về “số ít” này không?
Sống Lời Chúa: Nhớ đến những anh chị em đang đau khổ vì thiên tai hay vì áp bức bất công, tôi hy sinh vài món chi tiêu để chia sẻ với đồng bào mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô, Chúa đã làm người để trở nên một người trong chúng con. Xin cho chúng con trở nên người của Chúa, để cái nhìn của chúng con được khoáng đạt hơn, hầu có thể ngợi khen Chúa không ngừng. Amen.
23/12/16 THỨ SÁU TUẦN 4 MV
Th. Gio-an Kê-ty, linh mục Lc 1,57-66
Ý CHÚA TRONG GIA ĐÌNH
“Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, và chúc tụng Thiên Chúa.” (Lc 1,64)
Suy niệm: Một đôi vợ chồng trẻ mang thai đứa con đầu lòng, khi khám thai bác sĩ chẩn đoán thai nhi có khả năng dị tật và được khuyên nên phá bỏ để bảo đảm hạnh phúc gia đình. Họ đã rất hoang mang và khóc rất nhiều. Sau nhiều ngày suy nghĩ và cầu nguyện, họ quyết định giữ lại đứa bé và mong chờ ngày sinh. Khi được hỏi tại sao, họ trả lời: “Hạnh phúc gia đình chúng con có được từ những gì Chúa ban cho. Con cái chúng con dù thế nào, chúng con vẫn sẵn sàng đón nhận và yêu thương chúng.” Đó là một chứng từ của đức tin. Chuyện gia đình ông Da-ca-ri-a trong ngày lễ cắt bì và đặt tên con, cũng vỡ òa trong niềm vui nhận vì ra thánh ý Chúa đã được thực hiện, điều mà ông đã nghi ngờ và đã bị “câm lặng” để nghiền ngẫm trong chín tháng vợ ông mang thai.
Mời Bạn: Tông huấn “Niềm Vui Yêu Thương” viết: “Nhan Thiên Chúa cư ngụ trong các gia đình cụ thể, với mọi rắc rối và đấu tranh, mọi vui tươi và hy vọng hàng ngày của họ. Sống trong một gia đình khiến chúng ta khó mà giả vờ hay gian dối được… Nếu tính chân thực này được lòng yêu thương gợi hứng, thì Chúa ngự trị ở đó, cùng với niềm vui và sự bình an của Người” (số 315). Bạn có sẵn sàng để tìm kiếm và thực hiện Thánh Ý Chúa; qua những thử thách trong chính gia đình của mình không?
Sống Lời Chúa: Suy nghĩ về một thử thách gia đình bạn đang gặp, và cầu nguyện xin Chúa soi sáng cho mình phải biết đón nhận điều đó để sống Tình Yêu trong gia đình thế nào.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết sẵn sàng để đón nhận những đau khổ và thử thách trong gia đình để biết sống yêu thương hơn. Amen.
24/12/16 THỨ BẢY TUẦN 4 MV
Lc 1,67-79
CHẲNG CÒN SỢ HÃI
“Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en, đã viếng thăm cứu chuộc dân Người…, và cho ta chẳng còn sợ hãi…” (Lc 1,68.74)
Suy niệm: Sống ở đời, con người thường bị đe doạ bởi nhiều sợ hãi: sợ đói, sợ lạnh, sợ già, sợ xấu, sợ bệnh, sợ cô đơn, sợ thất bại…, và còn sợ những “khách không mời mà tới” như thiên tai, khủng bố, tai nạn… Tất cả sợ hãi này phát xuất từ nỗi sợ lớn nhất: đó là sợ chết. Sợ chết vì ham sống, vì muốn hưởng thụ cuộc sống, dù cuộc sống “méo mó”, nhưng “méo mó có hơn không”. Vì bất lực, nên sợ rồi tìm cách chạy trốn, lẩn tránh cái chết, nhưng “nhân sinh tự cổ thuỳ vô tử”…? Thiên Chúa “đã viếng thăm cứu chuộc dân Người” chính là để giải thoát ta khỏi mọi nỗi sợ hãi như thế. Ngoài Ngài ra, không ai có thể cứu thoát chúng ta, vì chỉ có Ngài là Chúa của Sự Sống, không những sự sống đời này, mà nhất là sự sống đời đời.
Mời Bạn: Bạn đang sợ hãi những gì? và Bạn làm gì trước những nỗi sợ đó? Chạy trốn lẩn tránh hay phó mặc cuộc đời như “bèo dạt mây trôi”? Bạn không tin rằng mình thuộc về “dân của Người” ư? Chúa sinh xuống làm người để trở thành Em-ma-nu-en, là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Bạn chẳng còn phải sợ!
Chia sẻ: Cái sợ nào đáng sợ nhất đang ám ảnh bạn, cộng đoàn của bạn?
Sống Lời Chúa: Bạn dành vài phút trước hang đá giáo xứ để chiêm ngắm mầu nhiệm “Chúa viếng thăm và cứu chuộc dân Người” và cầu xin cho Bạn, cũng như mọi người đừng sống trong sợ hãi, nhưng được can đảm TIN và SỐNG như “dân” của Người.
Cầu nguyện: Đọc lại cả đoạn Phúc Âm hoặc những câu Phúc Âm trên đây và tâm sự với Chúa.
25/12/16 CHÚA NHẬT LỄ MỪNG CHÚA GIÁNG SINH
Lc 2,15-20
BƯỚC ĐI TRONG ÁNH SÁNG
Những người chăn chiên bảo nhau: “Nào ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra như Chúa đã tỏ cho ta biết.” (Lc 2,15)
Suy niệm: Bầu khí ngày lễ Giáng Sinh rộn ràng khắp nơi với âm vang rộn rã của những ca khúc mùa Giáng Sinh, cùng với đủ mọi sắc mầu tươi vui nơi phố xá, nhà thờ. Những hang đá nơi nhà thờ hay tư gia được trang trí lộng lẫy và xa hoa với những đèn màu nhấp nháy, kim tuyến lấp lánh. Nhưng cánh đồng Bê-lem năm ấy thì khác hẳn. Một đêm như mọi đêm. Vạn vật chìm trong tĩnh lặng. Con người say ngủ trong sự bình thản thờ ơ. Chỉ có những người chăn chiên khiêm hạ mới nhìn thấy ánh sáng kỳ diệu từ trời, và mới nghe được “tin mừng trọng đại”: “Một Đấng Cứu độ đã sinh ra… Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa.” Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng đón nhận (Ga 1,11); chỉ những ai nghèo hèn, bé nhỏ, có quả tim rộng mở mới có thể nhận biết và đón tiếp Ngài.
Mời Bạn: Bạn thấy mình đang đóng vai trò nào trong mầu nhiệm Giáng Sinh: bạn là mục đồng, đạo sĩ, hay bạn là dân chúng, là Hê-rô-đê? Mời bạn mặc lấy tâm tình của các mục đồng vội vã lên đường “xem sự việc xảy ra như Chúa đã tỏ cho biết”, nghĩa là biết khám phá những dấu chỉ sự hiện diện và lời mời gọi của Chúa được bày tỏ cách này hay cách khác trong cuộc sống của mình. Và dưới ánh sáng đó, bạn hãy đáp lại bằng thái độ mau mắn dấn thân phục vụ tha nhân. Hãy cảm nghiệm mối tương quan rất riêng tư giữa bạn và Hài Nhi nằm trong máng cỏ, bạn sẽ cảm nhận một điều gì rất mới trong tâm hồn mình.
Sống Lời Chúa: Dành ít phút lắng đọng trước hang đá, cảm nghiệm tình thương Chúa trong đời bạn.
Cầu nguyện: Hát bài ca Giáng Sinh.
26/12/16 THỨ HAI – NGÀY THỨ HAI TUẦN BÁT NHẬT GS
Th. Tê-pha-nô tử đạo tiên khởi Mt 10,17-22
LÀM CHỨNG CHO TIN MỪNG
“Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn.” (Lc 10,28)
Suy niệm: Đang trong bầu khí tưng bừng của đại lễ Giáng Sinh, vậy mà Hội Thánh lại mừng kính thánh Tê-pha-nô, vị tử đạo tiên khởi. Hội Thánh muốn nhắc nhở ta: (1) Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người chính là sự sống vĩnh cửu; đón nhận Ngài là đón nhận sự sống ấy; (2) mầu nhiệm Giáng Sinh đi liền với mầu nhiệm thập giá, ngày Chúa ra đời cũng là ngày các thánh Anh Hài lìa đời. Tê-pha-nôâ, vị phó tế nhiệt thành, đã can đảm đối chất với Thượng Hội Đồng Do Thái về niềm tin vào Đức Ki-tô. Chính việc tuyên xưng đức tin cách công khai này đã đưa ông đến cái chết tử đạo, triều thiên vinh quang của sự sống vĩnh cửu. Tin Đức Giê-su thì phải làm chứng cho Ngài, một việc làm chứng đòi ta phải vác thập giá mỗi ngày theo chân Ngài.
Mời Bạn: Bí quyết để Tê-pha-nô can đảm đóng vai chứng nhân là nhìn thấy Chúa Giê-su đang chờ đợi chào đón mình ở thiên đàng. Ông mong muốn nên giống vị Chúa của mình nên đã xin tha thứ cho kẻ ném đá mình. Can đảm làm chứng không chút khoan nhượng, nhưng với quả tim mềm mại tha thứ. Đó có thể là điều bạn rút ra từ cuộc đời chứng nhân của thánh nhân để rồi áp dụng trong đời sống hằng ngày của bạn.
Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm giới thiệu Ki-tô giáo, đạo yêu thương, cho một người thân hay một người quen, như một cách bắt đầu vai trò chứng tá của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Hài Đồng, xin ban thêm sức mạnh và lòng can đảm cho con để con dám tuyên xưng, giới thiệu Chúa, Tin Mừng Chúa cho những người chưa biết, hay đang muốn tìm hiểu đạo Chúa. Amen.
27/12/16 THỨ BA – NGÀY THỨ BA TUẦN BÁT NHẬT GS
Th. Gio-an, tông đồ, tác giả sách Tin Mừng Ga 20,2-8
VỊ TÔNG ĐỒ CỦA TÌNH YÊU
“Môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước… Ông đã thấy và đã tin.” (Ga 20,4.8)
Suy niệm: Người ta không chạy khi người ta có thể nhẩn nha bước đi. Người ta chỉ chạy khi có một áp lực từ bên ngoài hay từ bên trong mình. Nghĩa là, người ta chỉ chạy khi người ta cảm thấy cần phải… chạy! Có phải vì Gio-an trẻ khoẻ hơn Phê-rô mà ông chạy mau hơn đến mộ của Thầy không? Chưa chắc. Cứ xem Gio-an nhường cho Phê-rô bước vào mộ trước, ta sẽ thấy người môn đệ trẻ này vẫn còn ý tứ giữ lễ ‘kính trên nhường dưới’ đó chứ. Thế tại sao Gio-an đã chạy mau hơn, dù chỉ là để ‘đến trước vào sau’? Hẳn là vì trong lòng Gio-an có một sức thúc giục rất mạnh. Gio-an thấy cần phải chạy thật nhanh, để xem thực hư thế nào về chuyện mộ thầy trống rỗng. Sức thúc giục ấy chính là tình yêu. Gio-an yêu mến Thầy tha thiết, vì ông biết mình là “người môn đệ Chúa yêu.”
Mời Bạn: Chúng ta có thể đo lường lòng mến của mình đối với Chúa Giê-su đấy bạn ạ. Cách nào? Bằng cách xem mình có ‘chạy’ tìm Chúa hay không khi lỡ lạc mất Người. Bằng cách xem mình có cảm nhận được Người thúc giục để ‘chạy’ đến gặp Người nơi những anh chị em bé mọn nhất ở chung quanh đời mình hay không.
Chia sẻ: Hình ảnh Gio-an ‘chạy’ ra mộ Thầy cho thấy trong trái tim người môn đệ này có một ngọn lửa bùng cháy. Bạn nghĩ người tông đồ hôm nay có thể nhẩn nha bước đi hay thậm chí có thể bình chân như vại vì quá ‘dư thời giờ’ được không?
Sống Lời Chúa: Yêu Chúa bằng cả trái tim, thể hiện nơi sự tận tình khi cầu nguyện cũng như khi thi hành sứ vụ.
Cầu nguyện: Xin đốt nóng trong con ngọn lửa Tình Yêu của Chúa. Amen.
28/12/16 THỨ TƯ – NGÀY THỨ TƯ TUẦN BÁT NHẬT GS
Các Thánh Anh Hài, tử đạo Mt 2,13-18
HÃY BẢO VỆ SỰ SỐNG!
Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các đạo sĩ đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh. (Mt 2,16)
Suy niệm: Bạo vương Hê-rô-đê “đùng đùng nổi giận” bởi vì đằng sau việc bị “quả lừa” của các đạo sĩ, ông còn tiềm ẩn một mối lo: lời tiên tri về một vị Vua cứu thế chào đời lại trùng khớp với điềm lạ ánh sao dẫn đường cho ba nhà đạo sĩ từ phương xa tìm đến. Một trẻ sơ sinh tưởng chừng vô hại nay lại là mối đe doạ cho ngai vàng của ông: Sẽ không còn thâu tóm trong tay mọi quyền lực. Sẽ không còn ung dung phè phỡn hưởng thụ lạc thú. Thế là… Hê-rô-đê đã “hỏi han cặn kẽ”, đã tính toán rất kỹ: Thà giết lầm hơn bỏ sót!!! Và ông đã xuống tay thực hiện tội ác!!!
Mời Bạn: Hẳn bạn cảm thấy rùng mình ghê sợ trước sự tàn bạo của Hê-rô-đê. Thế nhưng, bạn có rùng mình khi biết rằng hiện nay trên thế giới, mỗi ngày hàng triệu thai nhi bị tàn sát bằng những kỹ thuật tân kỳ? Phải chăng sự xuất hiện của những trẻ thơ ấy sẽ làm xáo trộn cuộc sống bình yên của chúng ta? Phải chăng vì chúng ta đã chỉ muốn hưởng thụ, thậm chí hưởng thụ một cách vô độ và ích kỷ nhưng lại không dám đứng ra nhận lãnh trách nhiệm?.
Chia sẻ: Dưới ánh sáng Lời Chúa, bạn cùng phân định những nguyên nhân và hệ quả của việc phá thai.
Sống Lời Chúa: Mời bạn tham gia cầu nguyện và cộng tác -nếu có thể- với các chương trình “Bảo Vệ Sự Sống”, các nhóm chôn cất thai nhi, ở nơi bạn đang sống.
Cầu nguyện: Lạy thánh Giê-ra-đô, bổn mạng các thai phụ và thai nhi, xin dạy chúng con biết tôn trọng sự sống.
29/12/16 THỨ NĂM – NGÀY NĂM TUẦN BÁT NHẬT GS
Th. Tô-ma Béc-két, giám mục, tử đạo Lc 2,22-35
MỘT LẦN ẴM CHÚA HÀI NHI
Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để làm điều người ta quen làm theo luật dạy, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay và chúc tụng Thiên Chúa. (Lc 2,27-28)
Suy niệm: Để được một lần ẵm lấy Chúa Giê-su Hài Nhi, nhà tiên tri già Si-mê-on đã phải chờ đợi suốt cả một đời người đằng đẵng, mà là một cuộc đời công chính và đạo đức. Chắc hẳn đền thờ Giê-ru-sa-lem phải là nơi ông thường xuyên lui tới, bởi vì Con Thiên Chúa sẽ xuất hiện ở nơi nao nếu không phải là nơi chính nhà của Cha Ngài? Rồi còn nữa, một lần gặp Đức Ki-tô, lập tức ông đã nói tiên tri, làm chứng cho Ngài. Và bạn có thấy không, được bồng ẵm Chúa Hài Nhi ông tràn trề mãn nguyện và không thể không thốt lên lời chúc tụng tạ ơn: “Giờ đây xin để tôi tớ Chúa ra đi bình an, vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ?…”
Mời Bạn: Chúng ta phải học mẫu gương của cụ Si-mê-on trong cách chúng ta rướcChúa Thánh Thể: – Cụ chuẩn bị cả đời để được ẵm Chúa một lần; còn bạn dọn lòng thế nào mỗi khi rước Chúa? – Được ẵm Chúa, cụ sung sướng như đạt được hạnh phúc nhất đời và tạ ơn Chúa bằng những tâm tình sốt sắng; bạn đã cám ơn sau khi rước Chúa thế nào? – Vừa gặp Đức Ki-tô, ngay lập tức cụ đã loan báo về Người; còn bạn, bạn đã bắt đầu loan báo Tin Mừng Đức Ki-tô chưa nhỉ?
Chia sẻ: Điều gì đánh động tâm hồn bạn nhất trong cách cụ Si-mê-on trông đợi và đón tiếp Chúa Hài Nhi?
Sống Lời Chúa: Trong tuần bát nhật giáng sinh, bạn đi lễ ngày thường và rước lễ sốt sắng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đến viếng thăm hồn con, và làm cho cõi lòng khô khan nguội lạnh của con được ấm lên bằng tình yêu mến Chúa nồng nàn.
30/12/16 THỨ SÁU – NGÀY SÁU TUẦN BÁT NHẬT GS
Kính Thánh Gia Thất Mt 2,13-15.19-23
SỐNG THÁNH NHƯ THÁNH GIA
Ông Giu-se liền chỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập. (Mt 2,14)
Suy niệm: “Khi mọi sự trở nên như hỏa ngục, có những người đứng bên cạnh bạn mà chẳng hề nao núng – họ là gia đình của bạn” (J. Butcher). Khi tính mạng Hài Nhi bị bạo chúa Hê-rô-đê đe dọa tựa như “ngàn cân treo sợi tóc,” thánh Giu-se đang đêm đã đưa hai mẹ con trốn sang Ai Cập. Khi bạo chúa qua đời, thánh nhân lại đưa Hài Nhi trở về quê quán. Thế nhưng, biết Ác-khê-lao là người bạo ngược lên kế vị cha mình, thánh nhân đã cẩn trọng đem Hài Nhi về Na-da-rét, xa lãnh thổ của Ác-khê-lao. Sự sống Hài Nhi được bảo vệ nhờ người cha nuôi công chính. Đời sống Thánh Gia Thất hạnh phúc, an bình nhờ việc mọi thành viên gia đình đồng tâm, đồng thuận và đồng lao cộng khổ trong việc sống tình con thảo với Chúa và sống vẹn nghĩa với nhau.
Mời Bạn: Có nơi chốn để đi về là nhà; có những người để yêu là gia đình. Cả hai đều là phúc lành của Chúa. Bạn hạnh phúc vì có một mái ấm gia đình, hãy tạ ơn Chúa. Bạn buồn phiền vì gia đình chưa là tổ ấm, đừng ngồi nguyền rủa “bóng tối,” nhưng cố gắng xây dựng hạnh phúc dựa trên Lời Chúa dạy.
Sống Lời Chúa: Tôi cố gắng ít nhất mỗi tuần đọc kinh chung gia đình với nhau một lần trước khi đi ngủ. Tôi xác tín gia đình hạnh phúc là gia đình sống đạo đức theo gương Thánh Gia.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã tôn kính, vâng lời Mẹ và cha nuôi dưới mái nhà Na-da-rét. Xin cho những người con biết nhìn vào mẫu gương ấy để sống hiếu thảo với cha mẹ mình. Xin cho những bậc cha mẹ biết noi theo mẫu gương thánh thiện, tốt lành của Đức Mẹ và thánh Giu-se. Amen.
31/12/16 THỨ BẢY – NGÀY BẢY TUẦN BÁT NHẬT GS
Th. Xin-vét-tê I, giáo hoàng Ga 1,1-18
CHÚNG TÔI ĐÃ THẤY NGÀI
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng tôi.” (Ga 1,14)
Suy niệm: Tin Mừng của thánh Gio-an được gọi là Tin Mừng của mắt phượng hoàng. Người ta tin rằng phượng hoàng là sinh vật duy nhất có thể nhìn thẳng vào mặt trời mà không bị chói mắt. Gio-an cũng nhìn thẳng vào những mầu nhiệm và sự thật muôn đời của Thiên Chúa, được bày tỏ qua Đức Giê-su Ki-tô, Đấng là Ngôi Lời Thiên Chúa, đã mặc lấy xác phàm, cư ngụ giữa con người. Gio-an mạnh dạn làm chứng rằng mình đã ở với Ngài, đụng chạm đến Ngài, tận mắt nhìn thấy những dấu lạ Ngài làm cho thấy chân tướng Thiên Chúa của Ngài. Ông mở đầu Tin Mừng bằng cách giới thiệu Ngài là sự sống, ánh sáng, ân sủng và sự thật; rồi sẽ khéo léo triển khai những đặc tính ấy trong suốt sách Tin Mừng của mình.
Mời Bạn: “Lời, dĩ nhiên, là thứ thuốc mạnh nhất được con người sử dụng” (nhà văn R. Kipling). Thánh Gio-an đã dùng lời trong Tin Mừng để làm chứng Đức Giê-su là Thiên Chúa làm người. Noi gương thánh nhân, bạn cũng có thể dùng lời của mình để giới thiệu Ngài cho người đương thời. Giới thiệu bằng lời nói xác tín về Ngài, đi kèm với lời được diễn đạt bằng đời sống tốt đẹp, yêu thương và chia sẻ của bạn.
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ không ngại ngùng trình bày Đức Giê-su, Tin Mừng của Ngài, cho một người bạn, hay cho một người thân chưa biết Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Ngôi Lời Thiên Chúa rất đáng mến, xin dạy con biết sống quảng đại, biết phụng sự Chúa cho xứng với uy linh Ngài, biết cho đi mà không tính toán, biết chiến đấu không ngại thương tích, biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào ngoài việc chu toàn Thánh Ý Chúa. Amen.