ĐGH Phanxicô – Thông Điệp Ngày Truyền Thông Thế Giới Lần Thứ 50

0
38
Anh Chị Em Thân Mến,

Năm Thánh Lòng Thương Xót mời gọi tất cả chúng ta suy tư về mối quan hệ giữa truyền thông và lòng thương xót. Giáo Hội, trong sự hiệp nhất với Đức Kitô, sự nhập thể sống động của Chúa Cha Giàu Lòng Thương Xót, được mời gọi để thực thi lòng thương xót như là một đặc tính riêng biệt của tất cả mọi điều Giáo Hội là và thực hiện. Điều chúng ta nói và cách chúng ta nói, mọi lời nói và cử chỉ của chúng ta, cần phải diễn tả lòng thương cảm, sự dịu dàng và sự tha thứ của Thiên Chúa dành cho hết mọi người.

Tình yêu, tự bản chất của nó, là thông truyền; nó dẫn đến sự cởi mở và chia sẻ. Nếu tâm hồn và hành động của chúng ta được gợi hứng bởi lòng mến, bởi tình yêu thánh, thì sự giao tiếp của chúng ta sẽ được sức mạnh của Thiên Chúa chạm đến.

Là các con trai và con gái của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi để giao tiếp với mọi người, không có ngoại lệ. Cách riêng, những lời nói và việc làm của Giáo Hội đều mang ý nghĩa là truyền tải lòng thương xót, để chạm đến tâm hồn người dân và nuôi dưỡng họ trên hành trình của họ đến sự thành toàn của đời sống mà Chúa Giêsu Kitô đã được Chúa Cha sai đến để mang lại cho tất cả mọi người. Điều này có nghĩa là chính bản thân chúng ta phải sẵn lòng đón nhận sự ấm áp của Mẹ Giáo Hội và chia sẻ sự ấm áp ấy cho người khác, để Chúa Giêsu có thể được mọi người biết đến và yêu mến. Sự ấm áp ấy là điều mang lại bản chất cho lời của niềm tin; ngang qua việc rao giảng và làm chứng của chúng ta, nó thắp lên một “tia lửa” mang lại cho họ sự sống.

Truyền thông có sức mạnh để xây dựng những chiếc cầu, giúp cho việc gặp gỡ và đón nhận trở nên có thể, và do đó làm phong phú xã hội. Thật tuyệt vời biết bao khi người dân chọn lựa lời nói và hành động của họ cách cẩn trọng, trong sự nỗ lực nhằm tránh những hiểu lầm, chữa lành những ký ức bị tổn thương và xây dựng sự hoà bình và hoà hợp. Những lời nói có thể xây dựng những cầu nối giữa các cá nhân và trong các gia đình, các nhóm xã hội và các dân tộc. Điều này là khả thể cả trong thế giới vật chất cũng như trong thế giới kĩ thuật số. Những lời nói và hành động của chúng ta phải như thế để giúp tất cả chúng ta thoát khỏi những vòng luẩn quẩn của sự lên án và trả thù vốn tiếp tục đang cám dỗ các cá nhân và quốc gia, khích lệ những thể hiện của hận thù. Những lời nói của người Kitô Hữu phải là sự khích lệ liên lỉ đối với sự hiệp thông và, thậm chí ngay cả trong những trường hợp mà những lời ấy phải lên án cách mạnh mẽ sự dữ, thì chúng phải không bao giờ đoạn tuyệt với các mối quan hệ và sự giao tiếp.

Vì lý do này, tôi muốn mời gọi tất cả mọi người thiện chí hãy tái khám phá sức mạnh của lòng thương xót để chữa lành các mối quan hệ đã bị thương tổn và khôi phục lại sự bình an và hoà hợp cho các gia đình và các cộng đoàn. Tất cả chúng ta biết bao nhiêu cách thế mà các vết thương xưa và những hận thù kéo dài có thể lừa phỉnh các cá nhân và ngáng trở trên con đường của sự giao tiếp và hoà giải. Trong mọi trường hợp, lòng thương xót đều có thể tạo nên một kiểu nói và đối thoại mới. Shakespeare đã đưa ra điều này cách rõ ràng khi ông nói: “Phẩm chất của lòng thương xót không bị bẻ gãy được. Nó rơi xuống nhẹ như hạt mưa từ trời xuống nơi bên dưới. Nó được chúc phúc chấp đôi: nó chúc lành cho người trao ban và cho người lãnh nhận” (Người Lái Buôn Thành Venice, Hồi IV, Cảnh I). Ngôn ngữ chính trị và ngoại giao của chúng ta thật tốt để được thôi thúc bởi lòng thương xót vốn không bao giờ đánh mất niềm hy vọng. Tôi kêu gọi những người với trách nhiệm thuộc về tổ chức và chính trị, và những người chịu trách nhiệm về ý kiến công chúng, hãy đặc biệt chú ý đến cách mà chúng ta nói về những người nghĩ hay hành động khác biệt hoặc những người đã phạm những sai lầm. Thật dễ dàng để rơi vào cơn cám dỗ để khai thác những tình huống này để làm khơi lên ngọn lửa không tin tưởng, sợ hãi và hận thù. Thay vào đó, lòng can đảm cần thiết để hướng dẫn người dân hướng đến những tiến trình hoà giải. Thật rõ ràng là lòng can đảm mang tính tích cực và sáng tạo như thế mang lại những giải pháp thực sự trước những mâu thuẫn xưa và cơ hội để xây dựng nền hoà bình bền vững. “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5:7-9).

Tôi mong muốn biết bao rằng cách giáo tiếp của chúng ta, cũng như việc phục vụ của chúng ta trong tư cách là các mục tử của Giáo Hội, sẽ không bao giờ đưa ra một kiểu kẻ cả đầy kiêu hãnh và thắng thế trên một kẻ thù, hoặc hạ thấp những người mà thế giới coi là đã hư hỏng và dễ dàng bị loại trừ. Lòng thương xót có thể giúp xoa dịu những rắc rối của cuộc đời và mang lại sự ấm áp cho những người chỉ biết đến sự lạnh lùng của phán xét. Chớ gì cách chúng ta giao tiếp giúp vượt thắng não trạng vốn một cách khéo léo tách lìa các tội nhân khỏi những người công chính. Chúng ta có thể và phải lên án những tình huống của tội lỗi – chẳng hạn như bạo lực, tham nhũng và khai thác – nhưng chúng ta đừng kết án các cá nhân, bởi vì chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể nhìn thấy chiều sâu của tâm hồn họ. Nhiệm vụ của chúng ta là khiển trách những người sai lỗi và khước từ sự dữ và sự bất công của một số cách hành động, vì sự nghiệp giải thoát các nạn nhân và vực dậy những người đã sa ngã. Tin Mừng Gioan nói cho chúng ta biết rằng “sự thật sẽ giải phóng anh em” (Ga 8:32). Sự thật cuối cùng chính là Đức Kitô, mà lòng thương xót dịu dàng của Ngài là thuớc đo cách thế chúng ta loan báo sự thật và lên án sự bất công. Nhiệm vụ chính yếu của chúng ta là cổ võ sự thật bằng tình yêu (x. Ep 4:15). Chỉ những lời nói được nói bằng tình yêu và đi kèm với sự hiền lành và lòng thương xót mới có thể chạm tới những tâm hồn tội lỗi của chúng ta. Những lời nói và hành động cay nghiệt và lên lớp sẽ có nguy cơ làm xa cách hơn nữa những người mà chúng ta muốn dẫn đến sự hoán cải và tự do, làm gia tăng cảm thức của họ về sự bị khước từ và phòng vệ.

Một số người cảm thấy một tầm nhìn về xã hội bén rễ trong lòng thương xót là một sự khoan dung mang tính lý tưởng hay thái quá cách vô vọng. Nhưng chúng ta hãy nỗ lực và gợi nhớ lại kinh nghiệm đầu tiên của chúng ta về các mối quan hệ, ngay bên trong gia đình của chúng ta. Cha mẹ chúng ta đã yêu thương chúng ta và quý trọng chúng ta vì chúng ta là hơn là vì các khả năng và những thành tựu của chúng ta. Các bậc cha mẹ một cách tự nhiên muốn điều tốt nhất cho con cái mình, nhưng tình yêu đó không bao giơ tuỳ thuộc vào việc đáp ứng một số điều kiện nhất định. Mái ấm gia đình là một nơi mà chúng ta luôn luôn được đón tiếp (x. Lc 15:11-32). Tôi muốn khích lệ hết mọi người hãy nhìn xã hội không phải như một diễn đàn nơi những người xa lạ cạnh tranh và nỗ lực để leo lên hàng đầu, mà trên hết là như một mái ấm hay một gia đình, nơi mà cánh cửa luôn luôn mở và nơi mà mọi người cảm thấy được đón tiếp.

Để cho điều này diễn ra, thì trước hết chúng ta phải lắng nghe. Giao tiếp có nghĩa là chia sẻ, và chia sẻ có nghĩa là lắng nghe và chấp nhận. Lắng nghe thì còn hơn là việc đơn thuần chỉ nghe. Nghe là việc tiếp nhận thông tin, trong khi lắng nghe thì liên quan đến giao tiếp, và đòi hỏi sự gần gũi. Lắng nghe giúp chúng ta có được những điều đúng đắn, chứ không chỉ là người nghe, người sử dụng hay người tiêu thụ bị động. Lắng nghe có cũng có nghĩa là biết chia sẻ những vấn đề và hoài nghi, là đồng hành bên cạnh nhau, là giao nộp tất cả mọi điều khiển trách cho sức mạnh tuyệt đối và đặt toàn bộ khả năng và ơn ban của chúng ta cho việc phục vụ cho thiện ích chung.

Lắng nghe chưa bao giờ là việc dễ dàng. Nhiều khi việc giả điếc còn dễ hơn. Lắng nghe có nghĩa là chú ý, muốn hiểu, đánh giá, tôn trọng và suy nghĩ điều người khác nói. Lắng nghe có liên quan đến một kiểu tử đạo hoặc một sự hy sinh, khi chúng ta nỗ lực để bắt chước Môsê trước bụi gai bốc cháy: chúng ta phải bỏ đi dép của chúng ta ra khi đứng trước “đất thánh” của cuộc gặp gỡ của chúng ta với người đang nói chuyện với chúng ta (x. Xh 3:5). Biết cách lắng nghe là một ân sủng lớn lao, đó là một ơn mà chúng ta cần phải xin và rồi làm mọi nỗ lực để thực hành.

Thư điện tử (emails), tin nhắn, các mạng xã hội và nói chuyện trực tuyến (chat) cũng có thể là những hình thức hoàn toàn mang tính nhân bản về giao tiếp. Không phải công nghệ quyết định việc giao tiếp là đúng đắng hay không, nhưng thay vào đó là tâm hồn còn người và khả năng sự dụng cách không ngoan các phương tiện ở trong tay của chúng ta. Các mạng xã hội có thể sắp đặt các mối quan hệ và cổ võ điều tốt lành của xã hội, nhưng chúng cũng có thể dẫn đến một sự phân cực và chia rẽ sâu xa hơn nữa giữa các cá nhân và các nhóm. Thế giới kĩ thuật số là một quảng trường chung, một nơi gặp gỡ mà chúng ta có thể hoặc khích lệ hoặc làm suy giảm nhau, tham gia vào một cuộc trao đổi đầy ý nghĩa hoặc những cuộc tấn công không công bằng. Tôi cầu xin rằng Năm Thánh này, đã được sống trong lòng thương xót, “sẽ mở ra cho chúng ta thậm chí một cuộc đối thoại nhiệt thành hơn nữa để chúng ta có thể biết và hiểu nhau nhiều hơn; và rằng năm này sẽ giúp loại bỏ mọi hình thức của não trạng khép kín hay sự thiếu tôn trọng, và loại bỏ hết mọi hình thức bạo lực và phân biệt đối xử (Misericordiae Vultus, 23). Mạng lưới internet có thể giúp chúng ta trở thành những công dân tốt hơn. Đi vào các mạng lưới kĩ thuật số kèm theo một trách nhiệm về người thân cận của chúng ta là người mà chúng ta không nhìn thấy nhưng lại có thật và có một phẩm giá cần phải được tôn trọng. Mạng internet có thể được sử dụng cách khôn ngoan để xây dựng một xã hội lành mạnh và mở ra cho sự chia sẻ.

Giao tiếp, bất cứ nơi nào và bằng bất cứ cách nào mà nó diễn ra, đã mở ra những chân trời rộng hơn cho nhiều người. Đây là một quà tặng của Thiên Chúa vốn có liên hệ đến một trách nhiệm lớn lao. Tôi muốn nói đến sức mạnh này của truyền thông như là “sự gần gũi”. Cuộc gặp gỡ giữa truyền thông và lòng thương xót sẽ sinh hoa trái đến mức nó tạo ra sự gần gũi bằng sự chăm sóc, ủi an, chữa lành, đồng hành và chung vui. Trong một thế giới đã bị vỡ vụn, phân mảnh và phân cực, để truyền thông bằng lòng thương xót có nghĩa là giúp tạo nên một sự gần gũi lành mạnh, tự do và huynh đệ giữa con cái Thiên Chúa và tất cả anh chị em trong cùng một gia đình nhân loại.

Làm từ Vatican, 24/01/2016
PHANXICÔ

Joseph C. Pham (Chuyển ngữ từ Vatican Radio)
http://muoianhsang.com/