Phép rửa của Đức Giêsu có ý nghĩa gì?

0
24

PHÉP RỬA CỦA ĐỨC GIÊSU CÓ Ý NGHĨA GÌ?

N-0655-00-000080

WGPQN (08.10.2021)  Những người Kitô hữu chúng ta suy ngắm và cử hành biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa theo những phương diện đáng chú ý: về mặt Phụng vụ, là thời điểm kết thúc mùa Giáng Sinh; về lòng đạo đức, là Mầu nhiệm đầu tiên của Năm Sự Sáng trong kinh Mân côi; và về phương diện thần học, như một lăng kính Kinh thánh về ý nghĩa của phép rửa Kitô giáo.

Nhưng nếu phép rửa được thực hiện bởi Gioan Tẩy giả có ý nghĩa như là dấu chỉ cho sự ăn năn và hoán cải để đến với một đời sống mới, thì thật có lý để chất vấn rằng: Tại sao Đức Giêsu, trong tư cách là Con Thiên Chúa, Đấng vô tội lại chịu phép rửa ấy?

Được thuật lại trong cả bốn sách Tin Mừng, phép rửa của Đức Giêsu đánh dấu việc khai mạc sứ vụ công khai của Ngài – việc Ngài bước ra khỏi đời sống có vẻ ẩn dật để bước vào một đời sống ngày càng được biết đến bởi việc rao giảng, các phép lạ, việc chữa lành cũng như công bố lòng thương xót và ơn tha thứ.

Đức Giêsu bước xuống sông Giođan và tiến vào sứ vụ cứu chuộc của Ngài thông qua cử hành tôn giáo công khai này. Việc chim bồ câu ngự xuống biểu trưng cho sự xức dầu Thánh Thần, điều mà Đức Giêsu nhận lãnh trong tư cách là Đấng Kitô, tiếng Hy Lạp nghĩa là “Đấng được xức dầu”.

Căn tính của Đức Giêsu

Dấu ấn thần thánh này đi cùng với tiếng nói của Chúa Cha phát ra từ trời: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17). Lời nói huyền nhiệm ấy mặc khải Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, Đấng được Chúa Cha sai đến để hoàn tất công trình cứu độ dành cho nhân loại. Nơi khung cảnh ấn tượng này, chúng ta hiểu được căn tính và chức năng của Ba Ngôi Chí Thánh – chúng ta nhận ra Chúa Cha là Đấng sinh ra và sai phái Chúa Con đến cứu chuộc nhân loại; Chúa Con là người tôi tớ tuân phục, Đấng thừa hành thánh ý Chúa Cha; và Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh hóa, Đấng trao ban năng quyền cho sứ vụ cứu chuộc.

Ngay từ thời điểm bắt đầu sứ vụ, căn tính nền tảng của Đức Giêsu đã được đặt trong tương quan Ba Ngôi vừa nêu. Đối với Giáo hội sơ thời, sự viếng thăm của các nhà Chiêm tinh, phép rửa của Chúa và dấu lạ tại tiệc cưới Cana cùng nhau làm nên ý nghĩa của lễ Hiển linh, vì mỗi sự kiện trong ba biến cố kể trên đều mặc khải, biểu lộ và vén mở việc Đức Giêsu là ai.

Khi rút ra những điểm tương đồng sâu sắc giữa phép rửa của Đức Giêsu và của chính mình, chúng ta có thể nhận ra rằng, cũng như tại sông Giođan, Đức Giêsu được mặc khải là người Con yêu dấu, thì cũng vậy, chúng ta cũng lãnh nhận một căn tính mới trong phép rửa với tư cách là nghĩa tử của Chúa Cha. Thành quả của việc Đức Kitô chiến thắng quyền lực tội lỗi và sự chết là một lời mời gọi thần linh để chúng ta được chia sẻ chính đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đức Giêsu Kitô – tức Chúa Con – tự nguyện chia sẻ chính bản tính của Ngài với chúng ta thông qua thứ nước có sức biến đổi của phép rửa. Vào thời điểm được tái sinh về mặt thiêng liêng nơi giếng rửa tội, Chúa Cha vui lòng nhìn đến chúng ta và tuyên bố: “Đây là con trai, con gái yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về các con”. Đầu tiên và trên hết, Kitô giáo hệ tại về con người chúng ta trở thành trong Đức Kitô rồi mới đến điều chúng ta làm hay cách chúng ta hành động. Việc nhận làm nghĩa tử thiêng liêng này là một hành động mang tính cứu độ khi đưa chúng ta vào trong chính đời sống của Thiên Chúa và lòng thương xót của Người.

Đồng hóa với các tội nhân

Trong cuốn “Đức Giêsu thành Nazareth”, Đức Giáo hoàng danh dự Bênêđictô XVI đưa ra một khía cạnh khác về phép rửa của Chúa. Việc Gioan thực hiện phép rửa có sự khác biệt rõ rệt với bất kỳ nghi thức tôn giáo nào đã có từ trước. Phép rửa mà ông mời gọi cho đám đông dân chúng từ Giêrusalem được thực hiện một lần duy nhất, biểu thị sự đoạn tuyệt hoàn toàn đối với đời sống tội lỗi trước kia và lối sống mới trong suy nghĩ và hành động – tất cả được định hình bởi sự sắp xuất hiện của một Đấng cao cả hơn Gioan, Đấng “làm phép rửa bằng lửa”. Đám đông dân chúng đã hưởng ứng phép rửa của Gioan như sự đáp lại việc nhiệt tâm rao giảng chống lại tội lỗi và kêu gọi hoán cải của ông.

Đức Giáo hoàng Bênêđictô, nay đã về hưu, xem phép rửa của Đức Giêsu như một biểu lộ về sự tùng phục tận căn đối với thánh ý Chúa Cha và sự đồng hóa trọn vẹn của Ngài đối với các tội nhân. Bởi được dìm vào nước sông Giođan, Đức Giêsu được nhìn nhận cách công khai như là người cần đến sự ăn năn và tha thứ, dù thực tế Ngài không cần đến nó. Đức Giêsu đã đón nhận gánh nặng tội lỗi khủng khiếp của nhân loại, cũng như Ngài sẽ lại làm điều này theo một cách thế dứt khoát và chung cục trên thập giá – bị liệt vào hạng vô đạo và báng bổ. Các biến cố huyền nhiệm tại sông Giođan đã tiên báo cho cái chết và sự Phục Sinh mang tính cứu độ của Đức Kitô.

Đức Giáo hoàng Bênêđictô lưu ý rằng, các ảnh tượng của Giáo hội Đông Phương hiển hóa mối liên hệ nội tại giữa phép rửa của Chúa và Mầu nhiệm Vượt Qua bằng việc mô tả vùng nước sông Giođan “như một ngôi mộ bằng nước mang hình dáng của một hang động tối tăm, là dấu mô tả hình tượng về Hades, âm ty hay hỏa ngục”. Cũng như Chúa bước xuống vùng nước xoáy của sự chết khi chịu phép rửa, Ngài cũng xuống ngục tổ tông sau khi chịu đóng đinh để giải thoát linh hồn của những người đã mất.

Sự hạ cố thần linh

Nơi việc hạ mình xuống này, tức việc đồng hóa trọn vẹn với các tội nhân, chúng ta gặp thấy sự khiêm nhường triệt để của Đức Giêsu. Ngài là Đấng đã trút bỏ chính mình, không hề níu giữ địa vị đồng hàng cùng Thiên Chúa nhưng mặc lấy thân nô lệ vì ơn cứu độ của chúng ta. Điều này được quảng diễn cách đặc sắc trong thánh thi về sự tự hủy ở chương II thư thánh Phaolô gửi tín hữu Philípphê. Thiên Chúa có thể cứu độ chúng theo bất kỳ đường lối nào mà Ngài chọn, nhưng Ngài lại chọn lấy con đường khó khăn và cam khổ nhất – con đường Nhập thể và đồng hành.

Kitô giáo là tôn giáo duy nhất trên thế giới tin rằng Thiên Chúa toàn năng và nhiệm mầu đã tự hạ mình để đồng hàng với chính những thụ tạo của Ngài, đón nhận trọn vẹn nhân tính để cứu chuộc chúng ta khỏi chính bản tính và tình trạng của chúng ta. Giáo hội chưa bao giờ thôi ngỡ ngàng về sự hạ cố thần linh này. Chúng ta cử hành biến cố Ngôi Lời hóa thành nhục thể không chỉ trong vinh quang của lễ Giáng Sinh, nhưng còn trong sự trọn vẹn của Phụng vụ, cầu nguyện và đời sống luân lý theo truyền thống Kitô giáo.

Chúng ta có thể đặt phép rửa của Đức Kitô vào trong một bối cảnh tổng thể về việc Ngài hạ mình đồng hóa với chúng ta, bắt đầu từ sự kiện Ngôi Hai vĩnh cửu của Thiên Chúa Ba Ngôi đảm nhận lấy nhục thể trong cung lòng của Trinh Nữ Maria và tiếp đó là sứ vụ của Đức Giêsu dành cho kẻ tội lỗi và bệnh tật, việc Ngài đồng bàn cùng quân thu thuế, cuộc đối thoại yêu thương của Ngài với những người mang điều tiếng, sự mỏng manh của Thánh Thể – khi Đức Giêsu hoàn toàn trao bản thân Ngài để chúng ta tùy ý sử dụng nơi bí tích Mình Máu Thánh kỳ diệu – và việc Ngài làm công việc của một người tôi tớ khi rửa chân [cho các môn đệ] trong bữa Tiệc ly.

Thập giá Đức Kitô trở thành giao điểm thánh thiêng giữa lòng thương xót mang lại ơn cứu chuộc của Thiên Chúa với nỗi bất hạnh xưa cũ của chúng ta là tội lỗi và sự chết. Dẫu không hề phạm tội, Đức Giêsu vẫn đón nhận hậu quả của tội lỗi chúng ta, là cái chết và sự xa lánh, và chấp nhận một cái chết khủng khiếp, đầy dẫy đớn đau và thống khổ. Tự ràng buộc mình với tội lỗi chúng ta, Ngài nâng tất cả lên tới Chúa Cha như một sự dâng hiến trọn vẹn – hiến mình làm của lễ toàn thiêu. Bị giết chết như một tên tội phạm và một kẻ báng bổ, chịu đóng đinh bên ngoài cổng thành như kẻ dường như đã bị Thiên Chúa chối bỏ, Đức Giêsu đóng ấn cho sự đồng hóa với các tội nhân bằng chính máu của Ngài.

Chúa Cha đáp lại thế nào đối với việc Chúa Con bị sát hại, đối với sự vâng phục cho đến chết này? Khi viên bách quản đâm xuyên cạnh sườn Đức Kitô, điều gì đã tuôn ra từ cạnh sườn của Đấng chịu đóng đinh? Không phải sự báo oán, cơn thịnh nộ hay sự trừng phạt của Thiên Chúa, nhưng là máu và nước, những biểu tượng của phép rửa và Thánh Thể – những công cụ của lòng thương xót, tình yêu, ơn tha thứ và cứu chuộc. Bằng cách hoàn tất hành động mang lại ơn cứu độ qua cái chết và sự Phục Sinh, chính Đức Giêsu trở nên nguồn nước thánh tẩy cho Giao ước Mới.

Sự rõ ràng về sứ vụ

Bằng phép rửa Kitô giáo, chúng ta trở nên nghĩa tử của Chúa Cha, thành viên của Giáo hội – tức Thân thể Đức Kitô, và đền thờ của Chúa Thánh Thần. Phép rửa tẩy xóa tội Nguyên tổ và xác nhận chúng ta thuộc về vương quốc Thiên Chúa. Qua bí tích ơn cứu độ này, Thiên Chúa đổ đầy trên chúng ta ơn thánh hóa, cùng với sự sung mãn của đời sống Ba Ngôi. Hiểu được ý nghĩa và những hệ quả của phép rửa là nắm bắt được bản chất của căn tính, ơn gọi và sứ vụ của chúng ta trong tư cách là những môn đệ của Chúa Giêsu và là những thành viên thuộc gia đình Thiên Chúa.

Nơi phép rửa của Đức Giêsu tại sông Giođan, chúng ta nhận ra việc Ngài là Đức Kitô, Đấng được Chúa Thánh Thần xức dầu, chúng ta nghe thấy Chúa Cha tuyên bố căn tính nền tảng của Ngài là người Con yêu dấu, và chúng ta hiểu được sứ vụ của Ngài, về sự khiêm hạ, tình yêu tự hủy và việc đồng hóa với chúng ta trong mọi sự để chịu mất mát, khổ đau và chịu chết.

Chúng ta sẽ dành thời gian và công sức để tìm lại đồ vật bị mất dựa theo mức độ về giá trị của nó đối với chúng ta. Ta sẽ dành nhiều thời gian hơn để tìm kiếm ví tiền hay điện thoại di động của mình hơn là tìm kiếm một tờ báo bị thất lạc. Chúng ta phải có một giá trị lớn lao biết chừng nào đối với Thiên Chúa đến mức Người đã sai Con của Người đến tìm lại và cứu độ chúng ta trong lũng sâu của sự chết! Toàn bộ biến-cố-Kitô đạt tới sự sáng tỏ về sứ vụ khi Đức Giêsu được đôi tay Gioan Tẩy giả dìm xuống dòng nước sông Giođan.

Tác giả: Donald J. Hying
Chuyển ngữ: Grêgôriô Võ Trần Nhựt
Nguồn: simplycatholic.com/

Nguồn: gpquinhon.org