Công tác mục vụ của người giám mục tại giáo phận của mình

0
81

GIÁM MỤC – THỪA TÁC VIÊN CỦA TIN MỪNG ĐỨC GIÊSU KITÔ, PHỤC VỤ NIỀM HY VỌNG THẾ GIỚI 

BÀI 3:
CÔNG TÁC MỤC VỤ CỦA NGƯỜI GIÁM MỤC TẠI GIÁO PHẬN CỦA MÌNH

WHĐ (10.10.2020) – Khi kêu gọi các Tông Đồ, Chúa Giêsu đã sai họ đi, trước hết đến với con cái nhà Israel, rồi với tất cả mọi dân tộc, như Công Đồng đã nhắc lại khi tóm tắt các dữ kiện lấy ra từ Tin Mừng, để “với quyền năng của Người, họ sẽ làm cho mọi dân tộc trở thành môn đệ Người, thánh hóa và cai quản các dân tộc ấy”.[1] Khi gọi một số tín hữu làm những Người Kế Vị các Tông Đồ trong Giáo Hội, tức là các giám mục, Đức Kitô cũng ban cho các ngài một tác vụ với ba việc (“triplex munus”) là giảng dạy, thánh hóa và cai quản.

Sau khi tiếp nhận qua việc truyền chức giám mục, các giám mục sẽ thi hành ba nhiệm vụ ấy thay mặt và nhân danh Đức Kitô, nghĩa là đảm trách một cách ưu tiên và trông thấy được ba vai trò của Đức Kitô Tôn Sư, Đức Kitô Thượng Tế và Đức Kitô Mục Tử.[2] Như vậy, chính nhờ tác vụ hết sức cao cả của các giám mục, Đức Kitô đã hiện diện trở lại giữa các tín hữu. Nhờ các giám mục, Đức Kitô có dịp rao giảng Lời Chúa, cử hành các bí tích đức tin, điều khiển và cai quản dân Tân Ước trên đường tiến về cõi phúc vĩnh cửu.[3] Ba nhiệm vụ ấy, đem lại cho sứ mạng của các giám mục một khuôn mặt riêng, cũng như tạo thành nền cho cuộc sống thường nhật của các giám mục, thật ra chỉ là ba bộ mặt khác nhau của một sứ mạng duy nhất là làm Trung Gian hay chỉ là ba khía cạnh khác nhau của một hoạt động duy nhất là cứu độ, như nơi Đức Kitô vậy. Vì thế, ta phải nhìn ba nhiệm vụ trên đây trong tác vụ của người giám mục một cách thống nhất, đến nỗi khi giảng dạy, ngài cũng đồng thời thánh hoá và hướng dẫn phần dân Chúa được giao cho mình coi sóc ân cần như người mục tử; khi thánh hoá, ngài cũng đồng thời giảng dạy và hướng dẫn, và khi chăn dắt cai quản, ngài cũng đồng thời giảng dạy và thánh hoá. “Nền tảng để ngài dựa vào mà thi hành ba nhiệm vụ giảng dạy, thánh hoá và cai quản hay làm công việc cao cả ấy, tới mức hiến trọn bản thân mình và cho đi tất cả những gì mình có (x. 2Cr 12,15), chính là tâm hồn người mục tử, lấy gương sáng và giáo lý của Đức Giêsu Mục Tử nhân hậu làm quy luật tối thượng”,[4] vì Người chính là Đường dẫn tới Chúa Cha, là Sự Thật và là Sự Sống.

Dù phải nhìn ba nhiệm vụ ấy một cách thống nhất, ta cũng cần phải nắm bắt ý hướng của Công Đồng: khi nói tới ba nhiệm vụ ấy (tria munera) của người giám mục và linh mục, Công Đồng muốn đặt việc giảng dạy trên hai việc kia. Qua đó, Vatican II muốn lấy lại cách tuyệt vời thứ tự trong câu nói của Chúa Phục Sinh với các môn đệ: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20). Nhìn vào sự ưu tiên dành cho công việc rao giảng Tin Mừng, cũng là nét đặc biệt của khoa Giáo Hội học trong Công Đồng, mỗi giám mục có thể khám phá lại ý nghĩa của việc làm cha thiêng liêng mà thánh Phaolô đã giải thích: “Cho dầu anh em có ngàn vạn giám thị trong Đức Kitô, anh em cũng không có nhiều cha đâu, bởi vĩ trong Đức Kitô Giêsu, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em” (1Cr 4,15).

  1. GIÁM MỤC ĐƯỢC SAI ĐI GIẢNG DẠY

Nhiệm vụ xác định danh tánh người giám mục rõ hơn bất cứ nhiệm vụ nào và tóm tắt toàn bộ tác vụ của người giám mục một cách nào đó chính là làm người đại diện và sứ giả của Đức Kitô tại Giáo Hội địa phương đã được giao cho mình.[5] Thế mà, nhiệm vụ mang tính bí tích này hay nhiệm vụ làm biểu hiện sống động của Đức Kitô ấy, các giám mục sẽ thể hiện chính khi thi hành tác vụ Lời Chúa. Khi làm tác viên Lời Chúa dựa vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần và đoàn sủng là ơn phục vụ của người giám mục, ngài sẽ bày tỏ Đức Kitô cho thế giới, làm cho Người hiện diện trong cộng đoàn và thông ban Người cho tất cả những ai sẵn sàng dành cho Người một chỗ trong cuộc đời mình.

Như vậy, loan báo Tin Mừng là một bổn phận đứng đầu trong các bổn phận của các giám mục, vì các ngài là “những phát ngôn viên đức tin(…) những vị tiến sĩ chính hiệu, được ban cho quyền năng của chính Đức Kitô, để giảng dạy cho những người được giao cho các ngài chăm sóc những chân lý đức tin để họ tin và áp dụng vào đời sống”.[6] Từ đó, ta có thể nói, tất cả mọi hoạt động của giám mục đều phải nhắm mục đích là làm sao công bố Tin Mừng, “là sức mạnh của Chúa dành cho bất cứ ai biết tin” (Rm 1,16), hay là làm sao hướng dẫn và giúp đỡ dân Chúa biết tỏ thái độ vâng phục của đức tin (x. Rm 1,5) đối với Lời Chúa và biết đón nhận toàn vẹn giáo huấn của Đức Kitô.

Thế nhưng, nói giám mục là “thầy dạy đức tin” (“magister fidei”) và “tiến sĩ chân lý” (“doctor veritatis”) như thế không có nghĩa: qua dấu chỉ ngài là chủ nhân của sự thật. Qua dấu chỉ đặt sách Phúc Âm lên trên đầu người giám mục trong lúc đọc lời nguyện truyền chức, ta có thể suy ra rằng giám mục phải là người phục vụ sự thật. Chính vì thế, thay vì lèo lái và công bố sự thật thế nào tuỳ thích, ngài phải truyền đạt nó một cách hết sức trung thành và phải giới thiệu cho mọi người, khi thuận lợi cũng như khi bất lợi, không cưỡng ép, nhưng, với lòng khiêm tốn, can đảm và bền chí, luôn đặt hy vọng vào Lời Chúa (x. Tv 119, 114).

Nội dung quyền Giáo Huấn của các giám mục đã được Công Đồng Vatican II trình bày rất sáng sủa khi nhất trí đồng hoá nó với đức tin phải tin và phải thực hành trong đời sống.[7] Vì trung tâm điểm sống động của việc rao giảng là chính Đức Kitô chịu đóng đinh và sống lại, nên Người chính là đối tượng mà các giám mục phải loan báo: Đức Kitô, đấng cứu tinh duy nhất của loài người, Đức Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một (x. Dt 13,8), là trung tâm điểm của lịch sử và của toàn bộ đời sống người tín hữu.

Từ trung tâm điểm này, tức là từ mầu nhiệm của Đức Kitô, Con đời đời của Chúa Cha đã nhờ Thánh Thần nhập thể nơi Đức Trinh Nữ Maria, đã chết và đã sống lại để cứu độ chúng ta, mà rút ra mọi chân lý đức tin khác, cũng như phát ra niềm hy vọng cho mỗi một người. Đức Kitô là ánh sáng soi chiếu mọi người và tất cả những ai đã được tái sinh trong Người đều sẽ nhận được những hoa quả đầu mùa của Chúa Thánh Thần, giúp họ có khả năng thi hành luật mới của tình yêu.[8]

Nói tới công việc loan báo đức tin trung thành gìn giữ kho tàng đức tin, mà các giám mục thi hành trong sự liên kết với Đức Thánh Cha và các anh em giám mục khác, là nói tới bổn phận bảo vệ Lời Chúa, bằng những phương cách thích hợp nhất, khỏi bất cứ điều gì có thể làm cho Lời Chúa mất đi sự nguyên tuyền và trọn vẹn, dù vẫn nhìn nhận sự tự do chính đáng trong công việc đào sâu đức tin.[9]

Không giám mục nào được thiếu sót trong bổn phận này, dù phải trả giá bằng những hy sinh và hiểu lầm. Như thánh tông đồ Phaolô, người giám mục cũng ý thức rằng mình được sai đi để công bố Tin Mừng “không phải bằng miệng lưỡi khôn ngoan, kẻo vì thế mà thập giá Đức Kitô bị hoá thành hư vô” (1Cr 1,17). Như thánh Phaolô, người giám mục cũng loan báo “tiếng nói của Thánh Giá” (1Cr 1,18), không phải như một kết quả đồng tình của nhân loại, mà như một sự mặc khải của Thiên Chúa. Giám mục phải quan tâm tới sự hiệp nhất trong đức ái không thua kém sự hiệp nhất trong sự thật. Thật vậy, Tin Mừng mà ngài được đặt làm thừa tác viên để phục vụ là ngôn ngữ của chân lý.

Giám mục phải thi hành công việc bênh vực Lời Chúa với một tinh thần thực tế thật điềm tĩnh, không phóng đại cũng chẳng giảm thiểu những sai lầm và lệch lạc, mà với trách nhiệm mục tử ngài có bổn phận phải nhận ra, cũng chẳng ngạc nhiên khi nhận ra trong thế hệ hôm nay của Giáo Hội, cũng như trong quá khứ, không phải chỉ có tội lỗi mà có thể nói, còn có sai lầm và lệch lạc nữa. Điều sắp nói sau đây vẫn luôn còn giá trị: chuyên cần lắng nghe và học hỏi Lời Chúa, cũng như bảo vệ kho tàng mặc khải và giữ gìn đức tin cho nguyên vẹn và thuần khiết, đó là những kiểu nói đồng nghĩa với nhau diễn tả đức ái của người mục tử.[10]

Là thầy dạy đức tin, giám mục cũng là nhà giáo dục đức tin dựa vào Lời Chúa và Huấn quyền của Giáo Hội. Việc tham gia giáo dục đức tin gắn liền với việc nuôi dưỡng đức tin của dân Chúa qua công tác huấn giáo đích thực. Đó chính là thời điểm then chốt của toàn bộ công việc phúc âm hoá, xứng đáng được sự quan tâm của các giám mục, vừa là các mục tử và thầy dạy, vừa là các “giảng viên giáo lý đúng nghĩa nhất”. Chính vì những tư cách ấy mà các giám mục sẽ cộng tác với Chúa Thánh Thần đào tạo một dân có khả năng truyền bá Tin Mừng và giảng dạy giáo lý, vừa nhiệt tình vừa năng nổ do đã tuyên xưng đức tin một cách trung thành và đã sống đức tin một cách hân hoan.

Giám mục phục vụ Lời Chúa dưới các hình thức vừa nhiều vừa đa dạng, về vấn đề này, bản Kim chỉ nam Ecclesiae imago đã lưu ý hình thức đặc biệt nhất để giảng dạy cho những cộng đoàn đã được nghe Tin Mừng là “giảng lễ”, phải là hình thức vượt trội mọi hình thức khác do nội dung phụng vụ của nó cũng như do nó được móc nối với việc công bố Lời Chúa bằng cách đọc Thánh Kinh. Một hình thức khác để rao giảng Lời Chúa là các thư mục vụ của các giám mục.[11] Mỗi giám mục phải tự xét lại các văn kiện mà mình dùng để thi hành bổn phận giảng dạy.

Khi rao giảng Lời Chúa, giám mục phải cảm thấy và phải tỏ ra mình đang dấn thân vào con đường đối thoại đại kết, mà Công Đồng Vatican II đã mở ra để đẩy mạnh hơn cuộc đối thoại này, nhằm tái tạo lại sự hiệp nhất hưu hình của các Kitô hữu.

Giám mục là người đầu tiên phải rao giảng Tin Mừng theo chiều hướng chú ý giới thiệu mầu nhiệm hiệp nhất của Giáo Hội, theo đúng những nguyên tắc Công Giáo về đại kết như đã được vạch ra trong sắc Lệnh Công Đồng Unitatis redintegratio và đã được Đức Gioan Phaolô II xác nhận trong Tông thư Ut unum sint.

Đoàn sủng làm thầy mà các giám mục đảm trách chỉ có một, nên không thể uỷ lại cho ai. Thế nhưng, giám mục không hề bị cô lập trong Giáo Hội. Mỗi giám mục đều thi hành công tác mục vụ này trong một Giáo Hội nhất định. Tại đó, các ngài có các linh mục, kết hợp chặt chẽ với tác vụ của các ngài và đặt mình dưới quyền của các ngài, làm cộng sự viên trước hết, rồi tới các phó tế. Các ngài cũng tìm được sự giúp đỡ rất có giá trị của các nam nữ tu sĩ và số giáo dân ngày càng đông cộng tác bằng cách loan báo và thi hành Lời Chúa.

Nhờ các giám mục, đức tin Công Giáo được truyền đạt cho các bậc cha mẹ, rồi đến lượt mình, họ truyền lại cho con cái. Cũng nhờ các giám mục, các người giảng dạy và các nhà giáo dục thuộc mọi trình độ mới nhận được sự xác nhận cho đức tin của họ. Tất cả các giáo dân đều chứng tỏ đức tin của họ rất nguyên tuyền, một sự nguyên tuyền mà các giám mục đang ra sức giữ gìn. Mỗi giám mục cần phải luôn luôn tỏ ra mình không bao giờ thiếu sự nâng đỡ giáo dân, cũng như thông qua các trung tâm thích hợp, cung cấp cho giáo dân những phương tiện cần thiết để họ được đào tạo một cách thích đáng và thường xuyên.

Muốn thực hiện công việc rao giảng này, thật là hết sức hữu ích khi được sự cộng tác của các nhà thần học, những người theo phương pháp riêng của mình cố gắng đào sâu mầu nhiệm phong phú vô tận của Đức Kitô. Mặc dù mang những chức năng khác nhau, huấn quyền của các vị mục tử cũng như công tác của các nhà thần học đều phải lệ thuộc một mình Lời Chúa thôi, và đều cùng theo đuổi một mục tiêu là gìn giữ dân Chúa trong chân lý vốn có sức giải thoát chúng ta. Từ đó, cũng nảy sinh ra tương quan giữa huấn quyền và thần học: các giám mục có nhiệm vụ phải khuyến khích và nâng đỡ các nhà thần học tiến hành các hoạt động của họ, nhưng vẫn trung thành với truyền thống và đồng thời quan tâm tới các sự việc cấp bách trong lịch sử.[12]

Khi đối thoại với mọi tín hữu của mình, các giám mục sẽ tập nhìn nhận đức tin của họ, tiếp nhận các trực giác của họ, củng cố đức tin của họ, giải gỡ đức tin ấy khỏi mọi thứ thêm thắt hời hợt và cho nó có một nội dung giáo lý thích hợp. Trong mục tiêu ấy, nếu muốn soạn thảo các sách giáo lý địa phương phù hợp với các hoàn cảnh và nền văn hoá khác nhau, ta sẽ lấy sách giáo lý của Hội Thánh Công giáo làm điểm tham chiếu giúp tạo sự thống nhất trong đức tin và sự trung thành với giáo lý Công giáo.[13]

Giám mục được kêu gọi công bố ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô, nên qua việc công bố ấy, ngài phải trở thành dấu hiệu của sự chắc chắn trong đức tin giữa lòng dân Chúa. Cũng như Giáo Hội, nếu ngài không có sẵn giải pháp nào để giải quyết các vấn đề của con người, ít ra ngài vẫn là thừa tác viên giới thiệu một chân lý có sức soi sáng đường đi nước bước của con người.[14] Tuy không có kiến thức chuyên môn trong việc thăng tiến trật tự trần thế, nhưng khi thi hành tác vụ và dạy dỗ những con người và những cộng đoàn sống đức tin, các giám mục cũng đã góp phần chuẩn bị người giáo dân, để một khi được biến đổi trong tâm hồn, các giáo dân sẽ thay đổi thế giới bằng những giải pháp mà họ có bổn phận phải đưa ra, phù hợp với khả năng chuyên môn của mình.

Làm cho thế giới thấy được sức mạnh của Lời cứu độ, đó chính là hành vi bác ái mục tử cao cả mà người giám mục có thể cống hiến cho loài người. Theo gương của vị Mục Tử tốt lành mà mình có bổn phận phải giới thiệu bằng chính con người của mình, bận tâm của người giám mục sẽ là làm sao cho Lời Chúa đến với mọi tín hữu, kể cả những người đã từ bỏ đức tin Kitô giáo, trên lý thuyết hay trong thực tế. Đó là lý do trên hết khiến ngài được kêu gọi làm giám mục và được sai đến với một bộ phận dân Chúa, vì Lời Chúa mạnh đến nỗi có thể tạo ra nơi các tín hữu chứng cứ mạnh mẽ nhất cho phép họ nuôi hy vọng.

  1. GIÁM MỤC ĐƯỢC SAI ĐI ĐỂ THÁNH HÓA

Khi dân Chúa được tụ tập lại trong Giáo Hội, nghĩa là quy tụ thành một cuộc tập hợp thánh thiện (Ekklesia), ta đã thấy Lời Chúa được công bố. Nhưng Lời Chúa chỉ đạt được đúng tầm vóc của nó trong Bí Tích. Thật vậy, Lời Chúa và Bí Tích là một thực thể thống nhất, cái này không thể tách rời cái kia, mà chỉ là hai bộ mặt hay hai giai đoạn của một công trình cứu độ. Cả hai đều giúp ta thấy được trong hiện tại này, một cách sống động, ơn cứu độ do Đức Kitô thực hiện, cũng như thầy được ơn cứu độ ấy với tất cả hiệu năng của nó. Chính Đức Kitô, Ngôi Lời Vĩnh Cửu đã nhập thể, là nguồn gốc tạo ra sự liên kết mật thiết giữa Lời Chúa và Bí Tích; ta thấy dây liên kết này tạo nên sự hoà hợp và bổ túc cho cả hai bên được biểu lộ trong cuộc sống con người, như giữa lời nói với việc làm vậy. Điều này đúng cho hết mọi bí tích, nhưng một cách đặc biệt và ưu việt là với bí tích Thánh Thể, nguồn gốc và đỉnh cao của toàn bộ công cuộc phúc âm hoá.[15]

Từ sự kiện Lời Chúa và bí tích hiệp nhất với nhau như thế, các Tông Đồ được Đấng Phục Sinh sai đi để làm cho muôn dân trở thành môn đệ và rửa tội cho họ thế nào (x. Mt 28,19), thì mỗi giám mục, kế vị các Tông Đồ, do bí tích truyền chức đã nhận được một cách sung mãn, cũng tiếp nhận sứ mạng “làm người quản lý ơn tư tế tối cao”, bên cạnh sứ mạng rao giảng Tin Mừng.[16] Thật vậy, công tác loan báo Tin Mừng “có mục đích là để phục vụ cho công tác ban phát các ơn bí tích của Giáo Hội. Là thừa tác viên của ơn thánh, khi cử hành các bí tích, người giám mục chu toàn nhiệm vụ thánh hoá (“munus sanctificandi”) mà ngài luôn nhắm tới khi giảng dạy (“munus docendi”) giữa đoàn dân Chúa đã giao cho ngài”.[17]

Nhiệm vụ thánh hoá này nằm trong chính sứ mạng của giám mục. Chính vì thế, khi liên tưởng tới các bí tích (có bí tích dành để hoàn thiện các cá nhân, có bí tích dành để hoàn thiện tập thể), thánh Tôma Aquinô đã gọi giám mục là người giúp hoàn thiện người khác (“perfector”).[18] Thật vậy, trong Giáo Hội địa phương của mình, giám mục là người chính yếu ban phát các mầu nhiệm của Chúa: trước hết là bí tích Thánh Thể, trung tâm của công tác bí tích mà người giám mục phải thi hành. Khi chủ sự bí tích Thánh Thể, giám mục sẽ được toàn dân coi là người của nền tế tự mới mẻ và vĩnh cửu dâng lên Thiên Chúa, nền tế tự đã được Đức Giêsu Kitô thiết lập qua hy tế của Người trên thập giá. Sau đó, ngài ban phát bí tích Thánh Tẩy, nhờ đó, các tín hữu được tham dự vào chức tư tế vương đế của Đức Kitô. Giám mục còn là người thường xuyên ban phát bí tích Thêm Sức, ban phát bí tích Truyền Chức và thi hành kỷ luật sám hối.[19]

Công Đồng Vatican II cũng nhắc lại rằng các giám mục là những người giúp hoàn thiện người khác, nhưng Công Đồng không chỉ giới hạn vai trò này cho tác vụ cử hành bí tích, mà mở rộng ra cho hết toàn bộ sứ mạng của người giám mục. Bởi vì do đức ái mục tử, các giám mục đã trở nên những dấu chỉ sống động của sự thánh thiện; thế mà sự thánh thiện này chính là điều kiện ta chuẩn bị đón nhận Tin Mừng. Thế nên, Công Đồng yêu cầu các giám mục phải làm sao giúp mọi tín hữu tiến bộ trên con đường nên thánh tuỳ theo ơn gọi riêng của mỗi người, bằng cách chính các giám mục nêu gương trước tiên về sự thánh thiện trong đức ái, trong đức khiêm nhường và trong việc sống đơn sơ giản dị, cũng như các giám mục phải là những ngươi đầu tiên lo thánh hoá “các Giáo Hội đã được giao phó cho mình, để nơi các Giáo Hội ấy, ta thấy rõ ràng những tâm tình của Giáo Hội Đức Kitô trên hoàn cầu”.[20]

Giám mục chính là vị thượng tế của Giáo Hội địa phương, nhất là khi ngài chủ sự Tiệc Thánh Thể.[21] Tại đó, khi giây phút cao cả nhất của đời sống Giáo Hội diễn ra thì đó cũng là lúc nhiệm vụ thánh hoá mà người giám mục thi hành thay mặt Đức Kitô Thượng Tế đời đời lên tới cao điểm. Chính vì bí tích Thánh Thể là trung tâm công tác bí tích của người giám mục và chính vì khi chủ sự việc cử hành Thánh Thể, người giám mục đã thể hiện rõ nhất vai trò thừa tác viên của một nền phụng tự mới mẻ và vĩnh cửu, nên giám mục sẽ ưa thích cử hành các mầu nhiệm thánh ấy với các tín hữu của mình một cách hết sức thường xuyên và dù có phải làm việc ấy ở những nơi khác trong giáo phận, ngài cũng sẽ đặc biệt ưa thích cử hành Thánh Thể ngay tại nhà thờ chính toà của mình.

Thật vậy, nhà thờ chính toà, nơi có đặt Ngai Giám Mục, trên đó, giám mục sẽ ngồi dạy dỗ dân chúng bằng việc giảng dạy Lời Chúa một cách nghiêm túc, chính là nhà thờ mẹ và là trung tâm điểm của giáo phận. Nhà thờ chính toà ấy, dưới sự cai quản của giám mục, sẽ được các nhà thờ địa phương coi là dấu chỉ của sự hiệp nhất, của sức sống siêu nhiên và của việc họ tham gia vào Giáo Hội Công giáo duy nhất, nhất là khi cử hành Thánh Thể.

Một trong các bổn phận chính yếu của giám mục là lo sao cho tín hữu có điều kiện tham dự bàn tiệc của Chúa tại các cộng đoàn của Giáo Hội mình, nhất là vào ngày chủ nhật, ngày Giáo Hội cử hành mầu nhiệm Vượt Qua và là ngày các tín hữu tạ ơn Chúa trong niềm hân hoan vui vẻ và trong sự nghỉ ngơi, vì Chúa “đã tái sinh họ nhờ Đức Giêsu Kitô đã sống lại từ cõi chết để họ theo đuổi một niềm hy vọng thật sống động” (1Pr 1,3).[22]

Tại nhiều miền, không những ở các Giáo Hội mới thành lập và còn non trẻ, mà ngay cả ở các vùng có truyền thống Kitô giáo lâu đời, do thiếu linh mục hay vì những lý do nghiêm trọng khác mà càng ngày càng khó bảo đảm có cử hành Thánh Thể. Sự việc ấy càng làm tăng bổn phận của người giám mục, bổn phận trở thành “người quản lý ơn sủng”, bằng cách luôn theo dõi để nhận ra các nhu cầu thật, mức nghiêm trọng của các tình huống, bằng cách khôn khéo phân phối các linh mục, sao cho cả trong những trường hợp khẩn cấp, các tín hữu không bị thiếu thốn bí tích Thánh Thể quá lâu. Đây cũng là trường hợp của các tín hữu do bệnh tật, tuổi già và vì những lý do hợp tình hợp lý khác, chỉ có thể tiếp nhận bí tích Thánh Thể tại nhà hay tại nơi họ sinh sống.

Phụng vụ là hình thức quý nhất để ca ngợi Thiên Chúa Ba Ngôi. Qua phụng vụ, và cách riêng, qua việc cử hành các bí tích, dân Chúa tụ tập lại có thể diễn tả và thực hiện bản chất thánh thiện và sống động của mình là làm một cộng đoàn tư tế.[23] Khi thi hành nhiệm vụ thánh hoá, giám mục cũng hành động sao cho toàn thể Giáo Hội địa phương của mình trở thành một cộng đoàn những người cầu nguyện, một cộng đoàn các tín hữu kiên trì và hiệp nhất với nhau trong việc cầu nguyện (x. Cv 1,14).

Một khi chính mình là người đầu tiên đã được thấm nhuần tinh thần và sức mạnh của Phụng Vụ, cùng với linh mục đoàn của mình, giám mục sẽ quan tâm cổ võ và đẩy mạnh trong giáo phận mình một chương trình giáo dục sâu đậm, nhằm phát hiện ra trong Phụng Vụ những kho tàng phong phú, khi được cử hành theo những bản văn đã được phê chuẩn và khi được mọi người thực hành trước tiên như một biến cố thiêng liêng. Với tư cách là người chịu trách nhiệm về việc phụng tự trong Giáo Hội địa phương của mình, khi điều khiển và bảo vệ đời sống phụng vụ của giáo phận, trong sự phối hợp nhịp nhàng với các giám mục của Hội Đồng Giám Mục và trong sự trung thành với đức tin chung, giám mục sẽ nâng đỡ những nỗ lực làm cho phụng vụ được ăn sâu trong các nền văn hoá theo những yêu cầu của lịch sử và địa dư, bằng cách phân biệt những gì là bất di dịch trong phụng vụ vì do Chúa thiết lập, và những gì có thể thay đổi.[24]

Cũng trong bối cảnh tương tự như thế, giám mục chú ý tới các hình thức đạo đức bình dân của Kitô giáo và tương quan giữa chúng với đời sống phụng vụ. Vì chúng diễn tả thái độ tôn giáo của con người, nên không thể bỏ qua, lãnh đạm hay khinh thị lòng đạo đức bình dân ấy vì, như Đức Phaolô VI đã ghi nhận, chúng rất có nhiều giá trị.[25] Tuy nhiên, chúng luôn luôn cần được phúc âm hoá, để lòng tin mà các hình thức đạo đức bình dân ấy diễn tả ngày càng trở nên chín chắn hơn. Một chương trình mục vụ về phụng vụ đúng đắn, có nền tảng Kinh Thánh, sẽ biết khai thác các kho tàng phong phú của lòng đạo đức bình dân, thanh lọc lại và hướng chúng tới phụng vụ, coi đó như những lễ vật của các dân tộc.[26]

Dù mang nhiều hình thức khác nhau, cầu nguyện vẫn là nơi diễn tả niềm hy vọng của Giáo Hội. Mỗi lời cầu của Hiền Thê Đức Kitô, khao khát được kết hợp trọn vẹn với Hôn Phu của mình, đều được tóm tắt trong lời thỉnh nguyện sau đây, do chính Chúa Thánh Thần khơi gợi: “Xin hãy đến” (Kh 22,17).[27] Chúa Thánh Thần thốt lên lời này cùng với Giáo Hội và trong Giáo Hội. Đó là lời cầu nguyện diễn tả niềm hy vọng cánh chung, niềm hy vọng vào sự hoàn thành chung cuộc nơi Thiên Chúa, niềm hy vọng vào Nước Trời vĩnh cửu, được thực hiện bằng cách cho tham dự vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Thánh Thần được ban cho làm Đấng an ủi các tông đồ, sẽ chính là người đóng vai trò giữ gìn và làm linh hoạt niềm hy vọng ấy trong lòng Giáo Hội. “Nhìn tới ngàn năm thứ ba sau Đức Kitô”, Thánh Thần và Hiền Thê Chúa Giêsu sẽ cùng nhau thưa lên với Chúa Giêsu: “Xin hãy đến”. Như xưa nay, lời cầu nguyện này vẫn luôn luôn mang tầm vóc cánh chung, có mục đích làm cho việc cử hành năm Đại Xá 2000 được trọn vẹn ý nghĩa. Đó là một lời cầu nguyện hướng tới ơn cứu độ sắp đến, mà Thánh Thần đang mở rộng các tâm hồn con người đón lấy qua những gì Người đã làm suốt dòng lịch sử của nhân loại trên trần gian này.[28]

Ý thức được tất cả những điều đó, các giám mục sẽ cam kết mỗi ngày thông ban cho các tín hữu một cách sung mãn sự sống trong Đức Kitô, bằng đời sống chứng tá của mình, bằng lời nói, sự cầu nguyện và các bí tích.

  1. GIÁM MỤC ĐƯỢC SAI ĐI ĐỂ QUẢN TRỊ VÀ HƯỚNG DẪN DÂN CHÚA

Vai trò thừa tác viên của giám mục được bổ sung thêm bằng bổn phận hướng dẫn phần dân Chúa đã được giao phó cho mình. Truyền Thống Giáo Hội luôn luôn đồng hoá công việc này với công việc của hai khuôn mặt, mà Đức Giêsu đã tự gán cho mình, đó là làm Mục Tử Tốt Lành và làm Tôi Tớ như các sách Tin Mừng đã chứng tỏ. Thế nên, Công Đồng đã mô tả bổn phận riêng của các giám mục, tức là quản trị các tín hữu như sau: “Các giám mục quản trị các Giáo Hội địa phương đã được giao cho mình, trong tư cách là những người đại diện và đại sứ của Đức Kitô; các ngài làm việc này bằng những ý kiến, những lời thuyết phục, những gương sáng, và cả bằng những quyết định có thẩm quyền và bằng quyền thánh chức. Tuy nhiên, các ngài chỉ sử dụng quyền này để nâng đoàn chiên lên trong đường chân lý và thánh thiện, vì nhớ rằng ai làm lớn thì phải làm người nhỏ nhất và ai làm thủ lãnh thì phải làm tôi tớ” (x. Lc 22,26-27).[29]

Đức Gioan Phaolô II giải thích: “Chúng ta phải nhấn mạnh tới khái niệm phục vụ, có giá trị cho bất cứ thừa tác vụ nào trong Giáo Hội, bắt đầu bằng thừa tác vụ của các giám mục. Phải, làm giám mục chính là một sự phục vụ hơn là một vinh dự. Mà nếu có là vinh dự thì chỉ khi nào các giám mục, người kế vị các Tông Đồ, phục vụ trong tinh thần khiêm tốn của Tin Mừng, theo gương Con Người (…) Phải hiểu quyền bính mà giám mục có một cách đặc biệt, dù phải lệ thuộc quyền bính của Đức Giáo Hoàng, như một sự phục vụ trong tư cách của những người mục tử tốt lành”[30] Chính vì thế, hoàn toàn hợp lý khi bộ Giáo Luật gọi bổn phận ấy là nhiệm vụ mục tử (“munus pastoris”) và nói thêm đó là một nhiệm vụ sẽ được thi hành với sự quan tâm lo lắng (“sollicitudo”).[31]

Vả lại, đó chẳng qua chỉ là đức ái mục tử (“caritas pastoralis”). Với nhân đức này, ta sẽ noi gương Đức Kitô, vị Mục Tử “tốt lành” vì đã hiến dâng mạng sống mình. Nhân đức này được thể hiện không những khi ta thi hành các công việc của thừa tác vụ, mà nhiều hơn khi ta hiến dâng thân mình, để chứng tỏ tình yêu của Đức Kitô đối với đàn chiên của Người.

Một trong các cách biểu hiện đức ái mục tử là thông cảm, theo gương Đức Kitô, vị Thượng Tế có khả năng thông cảm nỗi yếu đuối của con người vì chính Ngài đã từng bị thử thách mọi bề như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi (x. Dt 4,15). Tuy nhiên, không thể tách rời sự thông cảm mà giám mục coi là dấu chỉ sự thông cảm của Đức Kitô với vai trò làm dấu chỉ nói lên sự thật của Đức Kitô. Thật vậy, một cách biểu hiện khác của đức ái mục tử là dám chịu trách nhiệm trước mặt Chúa và Giáo Hội. Trong khi quản trị giáo phận, giám mục cũng phải chú ý làm sao cho giáo luật của Giáo Hội được mọi người công nhận; và mục tiêu của giáo luật là ích lợi của con người và của cộng đoàn Giáo Hội.[32]

Đức ái mục tử sẽ khiến các giám mục biết lo lắng phục vụ công ích của giáo phận mình. Công ích này lệ thuộc ích chung của toàn thể Giáo Hội và là điều mà các cộng đoàn nhỏ của giáo phận phải phục vụ. Về vấn đề này, Kim chỉ nam “Ecclesiae imago” đã nêu ra các nguyên tắc căn bản hướng dẫn sự hiệp nhất, sự cộng tác một cách có trách nhiệm và sự phối hợp.[33]

Nhờ đức ái mục tử, là nguyên lý nội tại thống nhất toàn bộ hoạt động của thừa tác viên, mà ta mới “có thể thực hiện một đòi hỏi cơ bản và thường xuyên là thống nhất đời sống nội tâm với vô số các hành động và trách nhiệm của thừa tác viên. Đòi hỏi này càng cấp thiết hơn bao giờ hết, khi sống trong một bối cảnh văn hoá xã hội và Giáo Hội mang đậm nét phức tạp, xé mảnh và phân tán như hiện nay”.[34] Đức ái mục tử sẽ phải xác định những cách suy tư và hành động cho người giám mục, cũng như những quan hệ của ngài với những người mà ngài gặp gỡ.

Bởi vậy, đức ái mục tử sẽ đòi các giám mục phải có những phong cách và những hình thức sống thế nào giúp các ngài noi gương Đức Kitô khó nghèo và khiêm tôn để gần gũi với hết mọi thành phần trong đoàn chiên, từ người cao cả nhất tới người thấp hèn nhất, sẵn sàng chia vui sẻ buồn với họ không những trong tư tưởng và kinh nguyện mà còn thật sự gắn bó với họ, để nhờ sự có mặt và phục vụ của các giám mục, những vị dám đến gần họ mà không xấu hổ, cũng không làm họ thẹn thùng, họ có thể cảm nghiệm được thế nào là tình thương của Thiên Chúa dành cho con người.[35]

Truyền thống Giáo Hội đã nêu ra nhiều hình thức đặc biệt để giám mục thi hành tác vụ mục tử tại Giáo Hội địa phương. Chúng ta sẽ chỉ nhắc lại hai hình thức: một mang hình thức dấn thân cá nhân và một, trái lại, mang hình thức tập thể.

Việc kinh lược mục vụ của giám mục không phải chỉ là một định chế mang tính pháp lý, do luật Giáo Hội yêu cầu giám mục thi hành, cũng không phải là một hình thức điều tra.[36] Trong khi kinh lược, giám mục sẽ xuất hiện như một nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất trong Giáo Hội địa phương; cuộc kinh lược của giám mục sẽ diễn tả lại “cuộc viếng thăm duy nhất và vô cùng tuyệt diệu mà vị Thủ Lãnh các mục tử (1Pr 5,4) hay vị Giám Mục của linh hồn chúng ta (x. 1Pr 2,25), tức là Đức Kitô Giêsu đã làm cho nhân loại khi đến cứu chuộc dân Người” (x. Lc 1,68).[37] Ngoài ra, trước khi là một lãnh thổ, giáo phận chính là một phần dân Chúa được giao cho mỗi vị giám mục coi sóc. Thế nên, Kim chỉ nam “Ecclesiae imago” đã viết rất chí lý rằng trong cuộc kinh lược mục vụ ấy, giám mục phải dành ưu tiên cho con người. Để có thể phục vụ những con người tại chỗ tốt đẹp hơn, giám mục nên uỷ thác cho những người khác công việc xem xét các vấn đề mang tính hành chánh nhiều hơn.

Việc tổ chức Hội Đồng giáo phận, đã được Bộ Giáo Luật xác định khá rõ ràng về mặt tổ chức,[38] chắc hẳn phải chiếm một vị trí quan trọng trong số các công tác mục vụ của giám mục. Thật vậy, Hội Đồng giáo phận là tổ chức trước hết được chính Luật Giáo ấn định, và qua đó, đời sống của một Giáo Hội địa phương được thể hiện và phát triển. Cũng giống với các tổ chức “tham chính”, cơ cấu của Hội Đồng sẽ đáp ứng các đòi hỏi căn bản về Giáo Hội học và sẽ diễn tả một cách cơ chế các thực tại thần học như sự cộng tác cần thiết của linh mục đoàn với giám mục, sự tham gia của mọi người đã chịu phép rửa vào nghĩa vụ ngôn sứ của Đức Kitô, bổn phận của các mục tử là nhìn nhận và thăng tiến phẩm giá các giáo dân, bằng cách sẵn sàng lắng nghe những ý kiến khôn ngoan của họ.[39] Trong thực tế, Hội Đồng giáo phận được lồng vào một khuôn khổ rộng lớn hơn là mọi Kitô hữu trong giáo phận đều có trách nhiệm kết hợp với giám mục đem lại ích lợi cho giáo phận và, xét theo cách kết cấu Hội Đồng giáo phận như bộ Giáo Luật hiện hành đã quy định, Hội Đồng giáo phận đúng là nơi ưu tiên thể hiện sự hiệp thông trong một Giáo Hội địa phương. Sau cùng, trong Hội Đồng ấy, người ta cần lắng nghe những gì Chúa Thánh Thần sẽ nói với Giáo Hội địa phương này, bằng cách cố gắng gìn giữ một niềm tin vững chắc, trung thành với Chúa trong tinh thần hiệp thông, mở lòng nghĩ đến sứ mạng, sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu tâm linh của thế giới và luôn tràn trề hy vọng dù đứng trước những thách đố của thế giới.

Do trách nhiệm mục vụ của mình, giám mục chính là người chủ sự và thừa hành các công cuộc bác ái trong Giáo Hội địa phương của mình. Khi dùng Lời Chúa và bí tích Thánh Thể xây dựng Giáo Hội, giám mục cũng mở ra cho Giáo Hội ấy những con đường đặc biệt mà người ta không thể nào khước từ bước vào, để sống và làm chứng cho Tin Mừng bác ái. Ngay trong Giáo Hội thời Các Tông Đồ, Nhóm Mười Hai đã chọn “bảy người có tiếng tốt, đầy ơn Thánh Thần và khôn ngoan” để giao cho “công tác phục vụ bàn ăn” (x. Cv 6,2-3). Chính thánh Phaolô cũng đã chọn việc lo lắng cho người nghèo làm tâm điểm việc tông đồ của mình, coi đó như một dấu chỉ căn bản nói lên sự hiệp thông giữa các Kitô hữu. Ngày nay cũng vậy, giám mục được mời gọi hãy đích thân đảm nhận lấy công việc bác ái và tổ chức công việc ấy trong giáo phận của mình, bên trong những cơ chế thích hợp.

Bằng cách đó, ngài làm chứng rằng những buồn lo của con người, nhất là của những người nghèo và những người đau khổ, cũng là những nỗi đau dày vò các môn đệ Đức Kitô.[40] Chắc chắn, có rất nhiều hình thức nghèo khổ; bên cạnh những hình thức cũ lại có thêm những hình thức mới. Trước tình hình đó, giám mục sẽ luôn ở hàng đầu trong việc tìm ra những hình thức tông đồ và bác ái mới để đáp ứng những hình thức nghèo khổ mới. Phục vụ, cổ võ, dạy dỗ người khác biết dấn thân để liên đới và gần gũi với con người, bằng cách mỗi ngày sống lại theo câu chuyện người Samari cũ xưa kia, tự chúng đã là một tín hiệu hy vọng cho thế giới hôm nay.

Tác giả: Hội đồng Giám mục Việt Nam, năm 1998

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 1 (Tháng 12 năm 1998)

Xin đọc thêm:

Bài 1: Bối cảnh hiện nay của sứ mạng giám mục

Bài 2: Những đặc điểm xác định tác vụ giám mục

[1] “Lumen gentium”, 19.

[2] Xem như trên, 23.

[3] Xem như trên, 21.

[4] “Ecclesiae imago”, kết luận.

[5] Xem “Lumen gentium”, 27.

[6] Xem như trên, 25 ; xem “Christus Dominus”, 12-14 ; “Ecclesiae imago”, 55-56.

[7] Xem GL 386.

[8] Xem “Gaudium et spes”, 22.

[9] Xem GL 386 @ 2.

[10] Xem Đức Gioan Phaolô II, Huấn từ với các giám mục Hoa Kỳ nhân dịp viếng thăm ad limina (22-10-1983), 4-5 : AAS 76 (1984) 380-381.

[11] Xem “Ecclesiae imago”, 59-60.

[12] Xem Thánh Bộ giáo lý đức tin, Huấn thị “Donum veritatis” về ơn gọi của nhà thần học trong Giáo Hội (24-5-1990), 21 : AAS 82 (1990) 1559.

[13] Xem Đức Gioan Phaolô II, Tông hiến “Fidei depositum” (11- 10-1992), 4 : AAS 86 (1994) 113-118.

[14] Xem “Gaudium et spes”, 33.

[15] Xem “Presbyterorum ordinis”, 5.

[16] “Lumen gentium”, 26.

[17] Đức Gioan Phaolô II, Bài giáo lý ngày 11-11-1992, 1 : L’Osservatore Romano, bản pháp ngữ, số 46, 17-11-1992, tr. 12.

[18] Xem thánh Tôma Aquinô, “Summa Theoligica” III, q. 65, a. 2, II-II, q. 185, a. 1.

[19] Xem “Lumen gentium”, 26.

[20] “Christus Dominus”, 15 ; GL 387.

[21] Xem thánh Ignatiô Antiokhia, “Ạd magn.” 7 : FUNK F., “Opera Patrum Apostolicorum”, quyển I, Tubingae 1897, tr.194-196 ; “Sacrosanctum concilium”, 41 ; “Lumen gentium”, 26 ; “Unitatis redintegratio”, 15.

[22] Xem “Saprosanctum concilium”, 106.

[23] Xem “Lumen gentium”, 11.

[24] Xem “Sacrosanctum concilium”, 21.

[25] Xem Đức Phaolô VI, “Evangelii nuntiandi”. 4:8 : AAS 58 (1976) 37-38.

[26] Xem Đức Gioan Phaolô II, Huấn từ cho các giám mục của Hội Đồng Giám Mục vùng Abruzes và Molise viếng thăm ad limina (24-4-1986), 3-7 : AAS 78 (1986) 1140-43.

[27] Xem “Lumen gentium”, 4.

[28] Đức Gioan Phạolô II, Tông thư “Dommum et vivificantem” (18-5-1986), 66 : AAS 78 (1986) 897.

[29] “Lumen gentium”, 27 ; Xem “Christus Dominus”, 16.

[30] Đức Gioan Phaolô II, bài giáo lý ngày 18-11-1992, 2.4 : L’Osservatore Romano, bản Pháo ngữ, số 4:7, 24-11-1992, tr.12.

[31] Xem GL 383 @ 1 ; 384.

[32] Xem Đức Gioan Phaolô II, Huân từ cho các giám mục Hội Đồng Giám Mục vùng Bắc Braxin đến viếng thăm ad limina (28.10.1995), 5 : L’Osservatore Romano, bản Pháp ngữ, số 52, 26-12-1995. tr. 4.

[33] Xem “Ecclesiae imago”, 93-98.

[34] Đức Gioan Phaolô II, “Pastores dabo vobis” (25-3-1992), 23 : AAS 84 (1992) 694.

[35] Xem “Presbyterorum ordinis”, 17.

[36] Xem GL 396 @ 1 ; Xem GL 398.

[37] “Ecclesiae imago”, 166 ; Xem 166-170.

[38] Xem GL 460-468. Xem “Ecclesiae imago”, 163-165.

[39] Xem GL 212 @ 2 và 3.

[40] Xem “Gaudium et spes”, 1.