Chuyện hội nhập văn hóa

0
107

Vì sao người Công giáo Việt Nam lại phải “Hội nhập văn hóa”?

Trong vài thập niên trở lại đây trong Giáo hội Công giáo Việt Nam thường nghe cụm từ “ Hội nhập văn hóa”. Tại sao người Công giáo Việt Nam lại phải hội nhập văn hóa Việt Nam?

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi vào năm Nguyên Hòa đời vua Lê Trang Tông (1533) có người Tây dương là I-nê-khu đi đường biển vào giảng đạo Thiên Chúa ở làng Ninh Cường, Quần Anh huyện Nam Chân (tức Nam Trực) và ở làng Trà Lũ huyện Giao Thủy.

Vào thời ấy người theo đạo Công giáo được các giáo sĩ dòng Tên (Société des Jésuites) cho phép đặt bài vị trong nhà, thi hành các nghi lễ vốn dành cho người quá cố theo phong tục; được cúng tế đức Khổng tử; được phúng điếu hương nến cho nhà hiếu; quỳ lạy trước bài vị hoặc trước  xác người chết, khấu đầu bài vị trong ngày đầu năm; đốt hương nến trước bài vị (Lm Bùi Đức Sinh, Lịch sử Giáo hội Công giáo tập 1, Veritas Edition Calgary Canada, trg 155)

Sau này các giáo sĩ dòng Đa minh, Phanxico cũng đến Á đông để truyền giáo và nhận thấy những lễ nghi thờ cúng tổ tiên mà các giáo sĩ dòng Tên cho phép lâu nay là “không phù hợp với giáo lý Công giáo”. Các giáo sĩ dòng Tên cho nghi thức thờ cúng tổ tiên chỉ là những cử chỉ tỏ tình hiếu thảo với người quá cố. Các giáo sĩ dòng Đa minh, Phanxico cho rằng thờ cúng tổ tiên có màu sắc tôn giáo và pha lẫn mê tín dị đoan. Cuộc tranh luận này được gọi là tranh luận Lễ nghi Trung Hoa.

Cuộc tranh luận Lễ nghi Trung Hoa được đưa về Rome giải quyết. Sau nhiều năm nghiên cứu, ngày 12/09/1645 Giáo hoàng Innocent X ký sắc lệnh nghiêm cấm những người Công giáo Á đông không được thờ cúng tổ tiên vì cho là mê tín dị đoan, tôn thờ ngẫu tượng.

Thấy có những phán đoán không đúng, dòng Tên cử người sang Rome trần tình vấn đề. Nghe việc tôn kính tiền nhân là hợp lý nên ngày 23/03/1656 Giáo hoàng Alexander VII ký sắc lệnh chuẩn thuận những nghi thức mà ngài coi như những tập tục dân sự, kể cả việc tôn kính Khổng tử và thờ kính tổ tiên. Khẳng định rằng đây ở trong phạm vi dân sự, chớ không phải tôn giáo.

Năm 1659 Bộ Truyền giáo ra Huấn thị sử dụng cho các đại diện Tông tòa đi các nước Trung Hoa, Tonkin, Cochinchine trong đó có ghi những lời căn dặn này: “ đừng dùng nhiệt tâm nào, đừng xúc tiến luận chứng nào để bắt dân này thay đổi nghi lễ, những lề thói và những phong tục của họ, ít nữa khi nó không hiển nhiên ngược với đạo và luân lý. Còn gì chướng hơn mang một nước Pháp, Tây Ban Nha, Italia hoặc một xứ châu Âu nào vào chỗ người Trung Hoa? Đừng đưa một xứ nào của chúng ta vào xứ họ, nhưng hãy mang đức tin vào, đức tin này không ruồng bỏ, cũng không đả thương các nghi lễ hoặc thói quen của dân tộc nào miễn chúng không ghê tởm, trái lại, đức tin muốn người ta cứ giữ, cứ bảo vệ những phong tục đó…”

Huấn thị đặc sắc ấy còn tiên liệu cả đến hậu quả trầm trọng nên đã cảnh giác bằng những lời sau: “ Không gì có sức tạo nên xa lạ và ghét bỏ bằng việc đòi thay đổi những tập tục riêng của dân tộc,nhất là những tập tục lưu truyền từ cổ nhân. Sẽ ra sao đây, nếu bạn bãi bỏ những truyền thống ấy để mang tập tục quê hương bạn từ ngoài vào?” (Lm Nguyễn Thế Thoại, Giáo hội đi trong lòng nhân loại,[Lưu hành nội bộ], trg441,442)

Tưởng rằng cuộc tranh luận đến đây chấm dứt, nhưng sau đó cuộc tranh luận còn tiếp diễn dài dài giữ hai nhóm. Năm 1704 Tòa thánh quyết định gồm 4 điểm:

– Cấm dùng chữ THIÊN hay THƯỢNG ĐẾ để chỉ CHÚA TRỜI.

-Cấm treo bảng có hai chữ KÍNH THIÊN trong thánh đường.

– Cấm cúng tế đức Khổng tử và ông bà cha mẹ.

-Cấm đặt bài vị tổ tiên trong nhà.

Năm 1715 Tòa thánh ra lệnh phạt vạ tuyệt thông những ai bất tuân lệnh về những lễ nghi mà Tòa thánh đã bác bỏ. Với quyết định trên, người Công giáo Á đông phải mang tiếng là “bỏ ông bỏ bà”. Trong thư của Giám mục Bá Đa Lộc gởi cho linh mục Letondal đề ngày 17/08/1789 kể chuyện Hoàng tử Cảnh sau khi theo Giám mục sang Pháp và khi trở về đã né tránh không chịu lạy trước bàn thờ tổ tiên khiến cho Nguyễn vương Phúc Ánh tức giận: “…Ngài ngạc nhiên vì sao đạo Da tô có thể dung túng cho những tín đồ quên hết ông bà tổ tiên làm vậy”. Cụ Nguyễn Đình Chiểu thốt lên: “ Thà đui mà giữ đạo nhà/ Còn hơn có mắt ông cha không thờ” hoặc “ Sống làm chi theo quân tả đạo, quăng vùa hương, xô bàn độc thấy lại thêm buồn”. Người Công giáo không còn thờ cúng ông bà khiến các vua chúa Á đông nghiêm cấm dân theo đạo Công Giáo: “ Vì nước ta tự xưa đến nay vẫn theo Nho giáo, lấy sự thờ cúng ông cha làm trọng, lấy sự tế tự thần thánh làm phải, mà lệ nước lấy sự cúng tế làm một việc rất quan trọng. Đột nhiên thấy nhiều người mình theo đạo Thiên Chúa, bỏ cả các thói cũ, chỉ chuyên về một mặt theo đạo mới, bởi vậy cho nên trong Nam ngoài Bắc, vua chúa đều cho đạo ấy là một tà đạo, làm hủy hoại cả cái phong hóa của nước nhà xưa nay, bèn xuống chỉ cấm không cho người trong nước theo đạo mới nữa, và đặt ra phép nghiêm để bắt tội những kẻ không tuân theo chỉ dụ ấy” ( Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb  Văn hóa Thông tin, trg 367)

Vào những năm của nửa đầu thế kỷ XX, sau khi nhìn nhận sự việc, Tòa thánh ra những sắc lệnh loại bỏ những quan điểm của thế kỷ XVIII đối với một số lễ nghi quốc gia. Ngày 03/02/1939 huấn dụ Plane Compertum est nói về lễ nghi Trung Hoa với đức Khổng tử và tổ tiên. Huấn dụ này bãi bỏ những lệnh cấm người giáo dân trước đây.

Năm 1958 các Giám mục Việt Nam đã làm đơn thỉnh cầu Tòa thánh cho phép người Công giáo Việt Nam được áp dụng phụng tự gia tiên và nghi lễ dân tộc như người Công giáo Trung Hoa đã áp dụng từ năm 1939. Ngày 20/10/1964 Tòa thánh chính thức ban sắc dụ cho người Công giáo Việt Nam được áp dụng. Ngày 14/06/1965 Hội đồng Giám mục Việt Nam (nhưng kỳ thực chỉ có các Giám mục miền Nam Việt Nam mà thôi) họp tại Đà Lạt đã ra Thông cáo của Hội đồng Giám mục Việt Nam về việc tôn kính tổ tiên và các bậc anh hung liệt sĩ  . Thông cáo có đoạn:

“Dân Việt Nam rất quý trọng đạo hiếu đối với tổ tiên. Nhưng ngày xưa có nhiều hành vi mang nặng tính cách dị đoan đến giáo lý Công giáo, nên người Ki tô không được phép làm, ngày nay hầu như dân trí đã thay đổi hẳn, người ta chỉ còn coi một số cử chỉ hay việc làm đó như những tập tục biểu lộ lòng hiếu thảo biết ơn đối với tổ tiên hay anh hùng liệt sĩ, không có tính cách tôn giáo, nên Hội Thánh đã cho phép làm. Đừng ai bỡ ngỡ điều đó. Và sau đây là mấy nguyên tắc để phân biệt: lúc nào nên làm, lúc nào không.

      -Những việc rõ ràng là thế tục, cốt để tỏ tinh thần ái quốc hay lòng hiếu thảo, thì được thi hành hay tham dự cách chủ động, như treo hình ảnh, dựng tượng, nghiêng mình bái kính, chưng hoa đèn, hương nến…”( Lịch Phụng vụ năm 1973 Giáo phận Nha Trang, trg 89-90).

Cần hiểu rõ sự việc trước khi hội nhập văn hóa

Hiện nay trong nhiều gia đình Công giáo Việt Nam có lập bàn thờ cho tổ tiên, ông bà , cha mẹ. Trên bàn thờ cũng có di ảnh và bát nhang…Khi đến nhà có tang để phúng điếu cũng thắp hương vái trước linh cửu. Theo phong tục của người Việt Nam từ xa xưa là khi cha mẹ qua đời, con cái phải để tang cho cha mẹ và mảnh khăn tang ấy được quấn trên đầu. Tại sao không quấn ở nơi nào khác mà lại quấn trên đầu? Do người Việt chúng ta quan niệm cái đầu là để thờ cha kính mẹ cho nên khăn tang phải quấn trên đầu. Trong những năm gần đây trong hàng giáo sĩ, tu sĩ Việt Nam khi để tang cho cha mẹ hoặc người thân không còn quấn trên đầu mà lại choàng dải khăn tang trên cổ. Cách để tang ấy nay bắt đầu lan sang một số giáo dân. Tại sao lại hội nhập nửa vời như vậy? Theo quy định của Giáo hội Phật giáo là những người xuất gia khi cha mẹ chết không phải để tang, bởi vì trước ngày xuất gia người ấy đã làm lễ quỳ lạy trước cha mẹ rồi. Nhưng những người xuất gia (môn đồ và pháp quyến) vẫn còn phải quấn khăn tang (khăn tang màu vàng- màu nhà Phật ưa chuộng) trên đầu một lần khi thầy bổn sư của những người ấy qua đời.

Nhiều gia đình khi gia đình có người thân qua đời cũng xin lễ vào ngày thứ 49 (chung thất) và ngày thứ 100 sau khi chết. Tôi có hỏi rất nhiều gia đình Công giáo : Tại sao không xin lễ vào ngày thứ 50 hoặc ngày thứ 99 mà lại phải xin lễ vào ngày thứ 49 và ngày thứ 100 sau khi chết? Tất cả đều trả lời: Thấy người ta xin lễ ngày ấy thì tôi cũng làm theo như vậy!

Ông bà ta nói “vô tri bất mộ” (không biết không mến mộ). Xin lễ cho người thân vào ngày thứ 49 sau khi qua đời là ảnh hưởng của nhà Phật. Theo giáo lý nhà Phật, con người sau khi chết, thọ thân trung ấm (linh hồn còn đâu đó chưa tái sinh) tối đa là 49 ngày thì sẽ tái sinh vào trong một cảnh giới nào đó trong lục đạo, tương ứng với nghiệp của họ.

Sau khi chết cho đến 49 ngày thì hầu hết các thần thức sẽ tùy nghiệp tái sinh vào một trong những cảnh giới của lục đạo (Trời; Atula; Người; Súc sinh; Ngạ quỷ và Địa ngục) (Tuần báo Giác ngộ số 497 ra ngày 08/08/2009). Sau khi chết giáp tuần thì gia đình tổ chức cúng thất  và cúng 7 thất và tuần thứ 7 gọi là cúng chung thất

Đối với đức tin Công giáo con người vừa tắt thở thì linh hồn bèn được Thiên Chúa phán xét và số phận linh hồn của người ấy được định đoạt ngay chứ không phải lãng vãng đâu đó và chờ đến ngày thứ 49 mới định đoạt!

Xin lễ vào ngày thứ 100 sau khi chết cho người thân là ảnh hưởng của nghi lễ cổ truyền của dân tộc. Theo sách Thọ Mai gia lễ sau khi chết 100 ngày là tuần  Tốt khốc, có nghĩa là đến tuần này mới thôi khóc (bớt buồn). Tuần này tế lễ một tiệc, rồi thôi không phải cúng cơm hàng ngày nữa ( Tây Hồ Bùi Tấn Niên, Đất nước 4.000 năm gia lễ, Nxb TP.HCM, trg 50) (Trong chữ Hán , Khốc có nghĩa là khóc to, khóc thành tiếng; Khấp là khóc nhưng khóc không ra tiếng. Trong báo tang thường gặp hai chữ “ Khấp báo”)

Ngoài ra theo nghi lễ cổ truyền còn có Tế Ngu ( Ngu là yên vui; Tế Ngu là cúng yên hồn phách). Sau khi chôn xong, rước linh vị về nhà là tế sơ ngu. Làm Sơ ngu xong gặp ngày “nhu” ( ngày có can Ất, Đinh, Kỷ, Tân, Quý) thì là lễ Tái ngu. Sau  khi làm lễ tái ngu gặp ngày “cương” (ngày có can Giáp, Bính Mậu, Canh, Nhâm) làm lễ Tam ngu. Nếu gia đình nào không Tế ngu, trong 3 ngày sau lễ an táng thì chỉ có cúng cơm mà thôi (Đất nước 4.000 năm gia lễ, Sđd, trg 49).

Như vậy người Công giáo Việt Nam nên xin lễ cầu cho người thân đã qua đời vào ngày thứ 1,2,3 sau khi chôn cất xong gọi là cầu cho linh hồn người chết được yên vui nơi cõi vĩnh hằng và xin lễ ngày thứ 100 sau khi mất gọi là lễ Tốt khốc. Riêng xin lễ ngày thứ 49 sau khi chết xem ra có vẻ trái với giáo lý Công giáo.

Người chết giáp đúng một năm thì tổ chức lễ Tiểu tường (giỗ đầu). Từ lễ này con cái bỏ các hung phục như đồ sô gai, mũ gậy…Nhưng vẫn giữ tang phục thường trong ba năm tang trở. Tuy gọi ba năm tang trở nhưng kỳ thực chỉ có 24 tháng mà thôi( vì theo cách tính âm lịch dẫu có chết vào ngày cuối năm âm lịch vẫn tính là một năm). Người chết giáp đúng 24 tháng thì tổ chức lễ Đại tường ( lễ mãn tang). Nếu trong ngày lễ Đại tường chưa gặp ngày tốt thì trong ba tháng sau đó chọn được ngày nào tốt  để trừ phục (đốt bỏ tang phục), gọi là Tế Đàm. Từ ngày này thân nhân bỏ hết tang phục và coi như đã mãn tang.

Phương Tây không thấy tổ chức lễ mãn tang, chỉ có vài nước Á đông tổ chức mà thôi, nhưng nhiều người Công giáo Việt Nam tổ chức lễ tang cho những vị chức sắc hoặc người thân không phải vào ngày giáp 24 tháng mà vào ngày giáp 36 tháng! Không biết đây là lễ mãn tang kiểu gì đây?

Nhiều gia đình Công giáo khi chưng hoa quả trên bàn thờ tổ tiên ông bà cha mẹ theo cảm tính, có nghĩa nơi nào thuận tiện là đặt không tuân theo quy tắc “đông bình tây quả”. Nhiều người lý luận: Bàn thờ của nhà tôi quay về hướng đông (hoặc hướng tây) thì đông, tây là chỗ nào? Đông- Tây là một hình thức gọi khác của Tả – Hữu. Bởi vì theo quy định: “ Đông vi tả, Tây vi hữu”( Đông là phía tay trái, Tây là phía tay mặt). Để xác định đúng Tả – Hữu ta phải đặt câu hỏi: Tả- Hữu của ai hoặc của cái gì? Như vậy bình hoa đặt phía tả của bàn thờ (phía tay mặt của người đứng ngoài nhìn vào) và  mâm trái cây ở phía hữu của bàn thờ.

Lần đầu tiên tôi ra Hà Nội và dự thánh lễ sáng Chúa nhật tại nhà thờ Cửa Bắc. Cứ đinh ninh cách ngồi như ở các giáo xứ miền Nam nên tôi cứ cắm cúi đi vào chỗ ngồi nhưng khi ngước lên toàn là giới nữ, tôi phải lui ra đi sang phía bên kia. Theo quy định của người xưa trong nơi thờ tự thì “nam tả , nữ hữu”(nam đứng bên trái, nữ đứng bên phải và quy tắc này được thực hiện chặt chẽ trong các thánh thất Cao đài). Chắc có lẽ nhà thờ Cửa Bắc nghĩ rằng “nam tả, nữ hữu” là tính theo người đứng ngó lên bàn thờ nên mới có cách sắp xếp như vậy, nhưng kỳ thực “nam tả ,nữ hữu “ là tính theo bàn thờ. Theo lối suy nghĩ như nhà thờ Cửa Bắc nên một số nhà thờ miền Bắc có cách sắp xếp vị trí cho nam nữ như vậy. Thay vì nam ở vị trí bên tả bàn thờ thì đổi sang bên hữu của bàn thờ. Ngay cả tượng Đức Ma ri a và thánh Giu se cũng hoán đổi vị trí như vậy.

Lâu nay các nhà thờ Công giáo ở Việt Nam chỉ dùng chiêng, trống mà không dùng hồng chung. Nay để gọi là hội nhập văn hóa nên có vài nhà thờ sắm hồng chung để sử dụng. Do sắm hồng chung đã đúc sẳn, trên thân hồng chung có những chữ Hán như : “ Phật nhật tăng huy” mà không hay biết. Khi có người phát hiện dòng chữ ấy  thì “ván đã đóng thuyền”.

Hiện nay nhiều giáo xứ có gốc gác từ Huế trở ra Bắc thường dùng lọng để đón rước các vị chức sắc.Khi đoàn rước vào nhà thờ ,có nơi thì có lọng màu vàng hầu thánh giá đi đầu đoàn rước, có nơi thì không. Riêng chủ tế được che lọng màu vàng. Nếu xác định là hội nhập văn hóa mà sử dụng lọng màu vàng cho chủ tế được gọi là “tiếm lạm”. Màu vàng chỉ dùng cho thần thánh và vua chúa mà thôi. Tháng 5 năm Bính Thìn (1916) vua Khải Định “Thân định khôi phục điều cấm về màu vàng( màu chính hoàng là màu áo ngự dụng, gần đây nhân dân có kẻ trái lệnh cấm lạm dụng, nên thân định lại)” (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ[ Cao Tự Thanh dịch],Nxb Văn hóa- Văn nghệ, trg 85).

Thần thánh được chia làm ba bậc: Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần, Hạ đẳng thần cho nên việc sử dụng lọng cho thần thánh cũng tuân theo đẳng trật. Bốn góc long đình (ngôi đình thu nhỏ dùng để khiêng đi nghinh sắc và hồi sắc) có 4 lọng vàng chóp thếp vàng, mỗi lọng có 20 bông bèo ( chùm tua rủ xuống chung quanh vành lọng) nếu là Thượng đẳng thần; Trung đẳng thần dùng 4 lọng vàng, mỗi lọng có 16 bông bèo; Hạ đẳng thần dùng 4 lọng vàng, mỗi lọng có 12 bông bèo( Huỳnh Ngọc Trảng& Trương Ngọc Tường, Đình Nam bộ xưa& nay, Nxb Đồng Nai, trg 204) Riêng việc dùng lọng cũng phân chia đẳng cấp để khi nhìn vào có thể phân biệt , chứ không phải “cá mè một lứa”.

Theo lời kể lại của người lớn tuổi trong giáo xứ Cây Vông thì trước năm 1954, ông bác ruột của tôi sinh năm 1912 chuyên cầm lọng vàng hầu thánh giá. Bác tôi mặc áo dài đen, quần bà ba trắng, đầu đội khăn đóng. Trong tập III  Địa phận Qui Nhơn kỷ yếu bản thảo của linh mục Phê rô Huỳnh Kim Lăng ( 30/09/1919 – 17/06/2008) kể lại phiên chầu lượt tại địa sở Nam Bình , quê của linh mục lúc linh mục còn nhỏ: “ Phiên chầu khởi sự bằng một đám rước (procession): dẫn đầu là Thánh giá đèn hầu. Ông câu họ cầm Thánh giá, vận áo thụng xanh, đi dưới hai hay bốn lọng vàng, thêu thật đẹp. Theo sau là mấy người cầm hèo tua”. Đến ngày lễ Mình Thánh Chúa có kiệu Mình Thánh Chúa: “ Cha sở cầm hào quang đi dưới phương du, có bốn ông chức việc , mỗi họ một ông (4 họ nhánh của địa sở Nam Bình- TG). Bốn ông chức việc khiêng phương du (kiệu Mình Thánh Chúa) mặc áo rộng xanh, đầu đội khăn đóng, lưng thắt đai. Khởi đầu đoàn kiệu là Thánh giá đèn hầu, ông câu hàng huyện cầm thánh giá, mặc áo thụng xanh, đầu đội khăn đóng, chân đi giày hạ (babouche), có hai lọng vàng hầu thánh giá. Tiếp theo thánh giá là các đoàn ca viên(tông đồ) của 4 họ lớn, cùng với những nhạc công của mỗi họ với kèn, đàn. Hai bên đoàn tông đồ của mỗi họ là trống chầu và chiêng của họ ấy, cùng những người cầm cờ cán cao. Sau các đoàn ca viên và trước phương du là đoàn xông hương gồm 12 thanh niên và 12 em thiếu nữ tung hoa. Các chức việc các họ thì theo hầu hai bên kiệu Mình Thánh Chúa. Bao nhiêu tàng và lọng đều hầu hai bên kiệu Mình Thánh Chúa, trừ hai lọng hầu Thánh giá. Các chức việc đội khăn đóng, áo dài màu xanh hay màu đen, mang giày hạ. Còn giáo hữu theo kiệu thì đi sau kiệu. Phía trước các ca viên hát, kế tiếp nhau từng họ.Sau kiệu giáo hữu đọc kinh, những kinh kính Mình Thánh Chúa. Trước phương du đoàn hương hoa thỉnh thoảng nghe hiệu thì dừng lại để xông hương và tung hoa lên trước Mình Thánh Chúa. Trong khi rước kiệu thì không dứt tiếng chiêng tiếng trống của bốn chiêng và bốn trống chầu” (trang 15;16 bản thảo đánh máy)

Trên đây là cách sử dụng lọng của thế hệ ông cha chúng ta vào nửa đầu thế kỷ XX. Hiện nay việc sử dụng lọng không tuân theo một quy tắc nào cả. Có nơi thì lọng chỉ dùng cho chủ tế mà thôi, có nơi thì thánh giá và chủ tế đều dùng lọng nhưng Thánh giá thì che lọng đỏ còn chủ tế thì lọng vàng, có nơi người cầm lọng lại mặc áo dài màu vàng, đội khăn đóng màu vàng còn người cầm Thánh giá lại mặc áo dài xanh, đội khăn đóng xanh! Có nơi người cầm lọng lại mặc complet thắt cà vạt, trông vào “Tây chẳng ra Tây, Ta chẳng ra Ta”.

Trong những năm gần đây ca đoàn của nhiều nhà thờ thấy xuất hiện trang phục “Tây chẳng ra Tây, Ta chẳng ra Ta”. Gọi là hội nhập văn hóa Việt Nam mà các ca viên của ca đoàn lại mặc trên người một chiếc áo chùng (do không biết tên gọi chiếc áo ấy nên tôi tạm gọi là áo chùng) không có chút gì hồn dân tộc cả!

Để vấn đề hội nhập văn hóa có quy củ, cần phải có sự chỉ đạo thống nhất của Hội đồng Giám mục Việt Nam chứ không phải hội nhập một cách tùy thích không có bài bản nào cả!

                                         Nguyễn Văn Nghệ (Giáo xứ Cây Vông- Nha Trang)