Cha Tổng Đại Diện là ai?

0
42
Xưa nay, các thành phần Dân Chúa thường gọi Cha Tổng Đại diện cách kính cẩn là Cha Bề Trên hay Cha Chính Địa phận. Ai cũng quý mến và kính trọng Cha Tổng Đại diện, nhưng một số vấn đề liên quan đến ngài, đại thể như Cha Tổng Đại là ai, có vai trò như thế nào, quyền hạn ra sao và ai có thể được đặt lên giữ chức ấy… thì không mấy giáo dân nắm rõ. Với sự thuận tiện nhờ mạng lưới điện toán, những vấn đề như thế nên được trình bày, ít là cơ bản, để anh chị em giáo dân hiểu thêm hầu yêu mến và cộng tác với Cha Tổng Đại diện cách đắc lực hơn. Bài viết này có ý hướng như thế.

1. Cha Tổng Đại diện là ai?
Trong một giáo phận của Giáo Hội Công Giáo, Cha Tổng Đại diện là một Linh mục được Giám mục giáo phận tuyển chọn và bổ nhiệm, để cộng tác với ngài trong việc điều hành giáo phận. Tổng Đại diện cũng có thể là Giám mục phó hay phụ tá.
Giáo luật quy định mỗi giáo phận phải có một Tổng Đại diện. Trong trường hợp giáo phận quá rộng lớn, đông giáo dân hay vì lý do mục vụ đặc biệt, Giám mục giáo phận có thể bổ nhiệm hơn một Tổng Đại diện (đ. 475).
Một khi Tổng Đại diện đã được bổ nhiệm, các danh hiệu như Niên trưởng hay Linh mục trưởng… tự động biến mất. Trong mọi sinh hoạt của giáo phận, các danh hiệu này không thể duy trì. Niên trưởng không phải là một giáo vụ.
Thông thường, Tổng Đại diện được bổ nhiệm vô thời hạn. Nhưng với thẩm quyền và sự khôn ngoan của ngài, Giám mục giáo phận có thể đưa ra hạn định về thời gian cho Tổng Đại diện. Ngài có toàn quyền để tái bổ nhiệm.
Giám mục giáo phận hoàn toàn tự do và không cần phải tham khảo ý kiến ai khi ngài bổ nhiệm Tổng Đại diện. Ngài cũng có quyền cách chức Tổng Đại diện đương nhiệm để lập một vị mới nếu hoàn cảnh đòi buộc; nhưng quyền này bị hạn chế trong trường hợp Tổng Đại diện là một Giám mục. Thủ tục Giáo luật về việc cách chức Linh mục Tổng Đại diện còn đơn giản, gọn nhẹ hơn nhiều so với việc thuyên chuyển một Linh mục Chánh xứ.

2. Ai được đặt làm Tổng Đại diện?
Khi giáo phận có Giám mục phó hay Giám mục phụ tá, các vị này sẽ là những ứng viên đầu tiên của chức Tổng Đại diện. Vì có chức Giám mục, các ngài thường được đặt làm Tổng Đại diện hay ít ra là Đại diện Giám mục. Nhưng khi một vị được tấn phong và bổ nhiệm làm Giám mục phụ tá với những năng quyền đặc biệt theo Giáo luật đ. 403 § 2, Giám mục giáo phận buộc phải đặt ngài làm Tổng Đại diện.
Nếu Tổng Đại diện là Giám mục thì về cơ bản quyền hạn vẫn giống như Linh mục Tổng Đại diện. Sự khác biệt là (1) vị Giám mục Tổng Đại diện có quyền Thánh Chức của một Giám mục,(2) khi trống tòa (tức Giám mục giáo phận qua đời, về hưu, thuyên chuyển hay bị cách chức), Linh mục Tổng Đại diện sẽ mất chức Tổng Đại diện; nếu đó là Giám mục phó, ngài đương nhiên trở thành Giám mục giáo phận và đặt người khác làm Tổng Đại diện; nếu là Giám mục phụ tá, ngài vẫn tiếp tục làm Tổng Đại diện và đảm trách việc chăm sóc mục vụ giáo phận trong giới hạn quyền hành đã được ban, cho đến khi có Giám quản giáo phận và (3) trong trường hợp Giám mục giáo phận bị huyền chức, nếu là Linh mục, quyền Tổng Đại diện bị đình chỉ; nếu là Giám mục, quyền Tổng Đại diện không bị đình chỉ. 
Khi bị cản tòa (tức Giám mục giáo phận bị tù tội, quản thúc, lưu đày hay mất năng lực), Tổng Đại diện, dù là Linh mục hay Giám mục, sẽ điều hành giáo phận với trách nhiệm và quyền hạn của một Giám quản giáo phận (đ.413 và đ. 414). Giám quản giáo phận không phải là Bản quyền địa phương.
Về ứng viên cách chung, Giáo luật đ. 478 quy định:
– là Tư tế;
– không dưới ba mươi tuổi;
– có bằng tiến sĩ hoặc thạc sĩ (Licentiate theo hệ thống văn bằng của Giáo hội thì tương đương với bằng đại học đệ nhị cấp, tức thạc sĩ) về Thần học hay Giáo luật hoặc thực sự thành thạo về các môn đó;
– trổi vượt về đạo lý lành mạnh, đức độ, khôn ngoan, và từng trải khi xử sự công việc.
– không là bà con huyết tộc của Giám mục giáo phận cho đến cấp thứ bốn.
Các qui định trên được hiểu như qui định về tình trạng Giáo luật, phẩm tính cá nhân và khả năng chuyên môn. Quy định cuối cùng nhằm tránh tiêu cực.
Tổng Đại diện phải là Tư tế, tức là Giám mục hay Linh mục. Qui định này hợp với vị trí của vị Tổng Đại diện khi ngài đại diện cho và như là “cái tôi khác” của Giám mục giáo phận. Nó cũng hợp với qui định Giáo luật về người thi hành quyền tài phán do chức vụ; người đó phải là giáo sĩ (đ. 129 § 1).
Bên cạnh việc ngài là Tư tế, vị Tổng Đại diện còn cần trổi vượt về những đức tính cá nhân như đạo lý lành mạnh, đạo đức hay sự thống nhất trong đời sống, sự khôn ngoan khéo léo và từng trải trong xử sự. Giáo luật đưa ra số tuổi tối thiểu là ba mươi, ám chỉ sự trưởng thành về tâm tính và các đức tính cá nhân cần thiết cho chức vụ này có thể đạt được từ tuổi ấy trở lên.
Giáo luật cũng qui định về việc Tổng Đại diện cần có bằng tiến sĩ hay thạc sĩ về Thần học hay Giáo luật, hay ít là thông thạo về các lãnh vực đó. Thông thường bằng cấp cho thấy khả năng tri thức và chuyên môn của một người, nhưng Giáo Hội biết rõ rằng nhiều người không sở hữu bằng cấp khoa bảng, vẫn thông thạo không kém gì những người có bằng cấp. Bên cạnh đó, năng lực lãnh đạo nhiều khi không phụ thuộc vào bằng cấp cho lắm.
Giáo luật loại trừ khả năng thiên vị trong việc bổ nhiệm nên qui định rằng Giám mục giáo phận không được bổ nhiệm người trong thân tộc của ngài cho đến cấp thứ bốn. Như thế, các anh hay em ruột ngài; cháu gọi ngài bằng cậu ruột, bác ruột, chú ruột hay con của những người này; các bác ruột chú ruột cậu ruột ngài hay con những người này; các anh em bà con khác tức con của dì ruột cô ruột ngài, đều không được bổ nhiệm.
Sau khi Giám mục giáo phận đã xem xét, việc bổ nhiệm là hoàn toàn thành sự. Tính hợp pháp của nó nằm ở chỗ Giám mục giáo phận thể hiện bằng một Văn thư Bổ Nhiệm.
 
3. Cha Tổng Đại diện làm gì và có quyền như thế nào?
a- Về các chức vụ nắm giữ, Giáo luật qui định một linh mục không nên vừa là Tổng Đại diện vừa là Kinh sĩ xá giải (đ. 478 § 2). Lý do là vì Tổng Đại diện thi hành quyền ở tòa ngoài, còn Kinh sĩ xá giải ở tòa trong. Hai chức vụ không tương thích thì không nên giao cho một người. Ở đ.1420 § 1, Giáo luật cũng qui định Tổng Đại diện và Đại diện tư pháp không nên là một người, trừ khi giáo phận quá nhỏ bé, thiếu nhân sự và vị Đại diện tư pháp quá nhàn hạ.
Ngoài những qui định trên, Linh mục Tổng Đại diện hoàn toàn có thể đảm nhận các chức vụ khác trong giáo phận, như Cha xứ, Cha Hạt Trưởng hay Đặc trách một hội đoàn… Giáo luật ưu tiên cho Tổng Đại diện việc làm Giám Đốc giáo phủ, tức làm người điều phối các hoạt động của giáo phận liên quan tới công tác hành chánh, cũng như làm sao để tất cả các nhân viên giáo phủ hoàn tất chu đáo trách vụ đã ủy thác cho họ (đ. 473 § 3).
b- Về quyền hạn của Tổng Đại diện trong giáo phận, Giáo luật cho biết Tổng Đại diện có quyền hành pháp như quyền của Giám mục giáo phận, trừ những gì Giám mục dành riêng cho chính ngài và những gì cần phải có ủy nhiệm đặc biệt của ngài. Do vậy, bàn về quyền của Tổng Đại diện đòi nỗ lực dài hơi. Sau đây xin trình bày những điểm chính yếu.
b1. Theo Giáo luật đ. 134 § 1 và 2, Tổng Đại diện là
– Bản quyền vì ngài có quyền hành pháp thông thường tổng quát;
– Bản quyền địa phương.
b2. Theo Giáo luật đ. 479 § 1 và 3, Tổng Đại diện
– có quyền hành pháp cách thông thường do chức vụ, nhưng thi hành quyền ấy cách đại diện hay nhân danh Giám mục giáo phận;
– có thể đưa ra các văn bản hành chánh cá biệt như nghị định, mệnh lệnh và phúc nghị, trừ qui định nói ở đ. 76 § 1;
– có thể thi hành quyền hành pháp trong toàn giáo phận và đối với mọi việc hành chánh, trừ những điều Giám mục giáo phận dành riêng cho chính mình và những điều luật đòi phải có ủy nhiệm từ Giám mục giáo phận;
– được hưởng trong phạm vi quyền hạn của mình các năng quyền thông thường mà Tòa Thánh ban cho Giám mục giáo phận, cũng như thi hành các phúc nghị, trừ khi có quy định minh nhiên cách khác hay khi Giám mục giáo phận đã được chọn để thi hành các phúc nghị ấy do tài cán cá nhân của ngài.
b3. Khi được Giám mục giáo phận ủy quyền, Tổng Đại diện có thể ra các văn bản hành chánh dành riêng cho Giám mục giáo phận, như:
– bổ nhiệm một linh mục vào một chức vụ thuộc mục vụ (đ. 524 và đ. 539);
– ban hành văn bản xuất tịch và nhập tịch cho các giáo sĩ (đ. 267 § 1);
– viết thư giới thiệu ủy quyền phong chức giáo sĩ triều (đ. 1018 § 1, số 1);
– cho phép thiết lập một nhà thờ hay chuyển đổi nó sang mục đích sử dụng khác (đ. 1215 § 1 và đ. 1222).
b4. Quyền miễn chuẩn:
Là Đấng Bản quyền địa phương và với quyền hành pháp thông thường tổng quát, Tổng Đại diện có thể miễn chuẩn cho các tín hữu thuộc giáo phận, cả khi họ hay chính ngài ở ngoài lãnh địa của giáo phận (đ. 85 và đ. 136), các trường hợp cụ thể như sau:
– trong trường hợp việc thượng cầu lên Tòa Thánh gặp khó khăn trì hoãn và do đó có nguy cơ gây thiệt hại cho đương sự khi ngài xét rằng sự miễn chuẩn ấy vẫn thường được Tòa Thánh ban, Tổng Đại diện có thể miễn chuẩn các nố dành riêng cho Tòa Thánh, trừ luật độc thân linh mục theo đ. 291 dành riêng cho Đức Thánh Cha (đ. 87 § 2);
– khỏi giữ luật giáo phận và khi xét thấy lợi ích thiêng liêng cho giáo hữu, ngài có thể miễn chuẩn cả luật của công đồng miền, giáo tỉnh hay của Hội đồng Giám mục (đ. 88);
– ngăn trở đối với hôn nhân khác đạo và hôn nhân hỗn hợp (đ. 1125 và đ. 1127 § 2);
– các ngăn trở hôn phối theo luật Giáo Hội, trừ những điều dành riêng cho Tòa Thánh (đ. 1078 § 1); trong lúc nguy tử, ngài có thể miễn chuẩn các hình thức cử hành hôn phối và tất cả ngăn trở theo luật Giáo Hội dù công khai hay kín đáo, trừ những ngăn trở thuộc về Thánh Chức linh mục (đ. 1079 § 1).
b5. Ban phép hay cấm chỉ:
– ban phép hay cấm chỉ việc cử hành bí tích Hôn Phối theo đ. 1071;
– cấm chỉ trong trường hợp đặc biệt, cá biệt và trầm trọng đối với một hôn phối của giáo dân thuộc quyền, dù họ ở ngoài giáo phận và của những giáo dân không thuộc quyền đang hiện diện trong giáo phận (đ. 1077 § 1);
– ban năng quyền giải tội (đ. 969 § 1) và thu hồi năng quyền ấy (đ. 974 § 2);
– ban phép cho một linh mục già yếu được ngồi khi cử hành Thánh lễ cho giáo dân (đ. 930 § 1);
– hạn chế hay cấm chỉ một giáo sĩ thi hành việc giảng Lời Chúa (đ. 746), bổ nhiệm hay cách chức một giáo viên dạy về tôn giáo (đ. 804 và đ. 805);
Tất cả những điều Giáo luật dành cho Bản quyền và Bản quyền địa phương đều nằm trong phạm vi quyền hạn của Tổng Đại diện, miễn là Giám mục giáo phận không minh nhiên dành riêng cho ngài và luật không minh nhiên đòi sự ủy nhiệm đặc biệt từ Giám mục giáo phận.
c- Quyền của Tổng Đại diện không bao giờ tách rời khỏi quyền của Giám mục giáo phận.
c1. Theo Giáo luật đ. 480, thì Tổng Đại diện phải tường trình cho Giám mục giáo phận về những hoạt động quan trọng phải làm và đã làm. Ngài không bao giờ được mảy may hành động trái với ý muốn và mục đích của Giám mục giáo phận.
c2. Đ. 481 § 1 cho biết quyền hành của Tổng Đại diện chấm dứt ngay khi sự ủy nhiệm đã mãn hạn hay do chính ngài từ chức và được Giám mục giáo phận chấp nhận và, nếu ngài không phải là Giám mục, khi ngài bị Giám mục giáo phận cách chức, cũng như khi giáo phận trống tòa.
Khi Giám mục giáo phận bị huyền chức thì quyền của vị Tổng Đại diện không là Giám mục, cũng bị đình chỉ nốt (đ. 481 § 2).

Kết luận
Tổng Đại diện là vị đại diện chính của Giám mục giáo phận trong việc thi hành quyền hành pháp. Ngài là Bản quyền địa phương. Do chức vụ Tổng Đại diện, ngài nhận lãnh quyền hành pháp thông thường chứ không phải quyền thừa ủy, nhưng ngài thi hành quyền ấy cách đại diện, vì ngài đại diện và nhân danh Giám mục giáo phận.
Ngài thi hành quyền hành pháp trong toàn giáo phận và vì thế trong giáo phận, ngài là quan chức cao cấp nhất sau Giám mục giáo phận. Ngài được Giám mục giáo phận tự do tuyển chọn và bổ nhiệm, nhưng chức vụ và quyền hạn của ngài sẽ mất ngay khi thời hạn bổ nhiệm qua đi hay khi giáo phận trống tòa.
Trước mặt Chúa Ki-tô, không một nam nhân nào dám tự cho mình xứng đáng để lãnh nhận thiên chức Linh mục. Nhưng qua cộng đoàn Dân Chúa, qua các vị hữu trách và nhất là qua sự tuyển chọn của Giám mục giáo phận, những con người tài hèn sức mọn và yếu đuối tứ bề “được xem là xứng đáng”. Tình yêu và ơn thánh Chúa bù đắp cho những thiếu sót của con người.
Chức Tổng Đại diện cũng vậy. Không ai dám cho mình là xứng đáng. Nhưng chính sự lựa chọn và bổ nhiệm của Đức Giám mục giáo phận, làm cho vị Tổng Đại diện nên xứng đáng hơn mọi người. Mầu nhiệm và ơn tuyển chọn luôn là bí quyết và là quyền năng của Chúa Thánh Thần trong lịch sử cứu độ và lịch sử Giáo Hội. Trở nên khí cụ của Chúa Thánh Thần mới là điều thiết yếu cho mọi chức vụ.
Do đó, đừng đòi hỏi nơi Cha Tổng Đại diện những bài giảng nảy lửa, những tuyên bố rợn người hay những cải tổ có tính cách mạng, vì đó không phải là trách nhiệm của ngài. Nhưng hãy kính yêu, vâng lời, cộng tác trong mọi sự và cầu nguyện cho ngài, để ngài luôn gắn bó cách hiệu quả với Đức Giám mục trong việc coi sóc và điều hành giáo phận, như “cặp đôi hoàn hảo” trong “vũ điệu mục vụ” luôn chan chứa những luyến láy của ơn trời và in đậm những thăng trầm lặng của cuộc nhân sinh.

WGP.Phan Thiết 08.08.2015 
Linh mục GB. Nguyễn Hồng Uy