Các Mầu Nhiệm Sự Sáng Trong Kinh Mân Côi

0
48
Toàn bộ Kinh Mân Côi là kinh nguyện phát xuất từ Kinh Thánh, là lời cầu nguyện của Tân Ước. Không những chỉ vì Kinh Lạy Cha và một phần của Kinh Kính Mừng là kinh nguyện phát xuất trực tiếp từ Phúc Âm, nhưng còn vì hầu hết các “mầu nhiệm” được  suy niệm trong kinh Mân Côi cũng là những sự kiện trong Phúc Âm. Các mầu nhiệm Vui suy niệm về cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu, trích từ hai chương đầu của Phúc Âm theo thánh Luca. Các mầu nhiệm Thương dựa trên trình thuật về cuộc khổ nạn của bốn Phúc Âm. Các mầu nhiệm Mừng suy niệm về các biến cố sau cùng trong Phúc Âm và việc mở ra kỷ nguyên mới của Chúa Thánh Thần và của Giáo Hội.
Các Mầu Nhiệm Sự Sáng Trong Kinh Mân Côi
Tuy nhiên, Kinh Mân Côi vẫn còn thiếu sót, các mầu nhiệm Vui chỉ suy niệm đến việc Chúa Giêsu trong Đền thờ khi ngài lên mười hai tuổi. Các mầu nhiệm Thương bắt đầu với biến cố trong vườn Giếtsêmani. Không có “mầu nhiệm” nào suy niệm về các sứ vụ công khai của Chúa Giêsu! Hiển nhiên là không thể hiểu được cách trung thực cái chết của Chúa Giêsu nếu không đặt nó trong bối cảnh của cuộc sống Ngài. Cái chết của Ngài không đơn thuần – Ngài bị giết chết. Ngài bị lên án chết chính vì chứng từ của Ngài, vì những gì Ngài sống, những gì Ngài làm trong suốt sứ vụ của mình. “Các con bảo thầy là ai?” là một thách đố của Chúa Giêsu cho chúng ta trong Phúc âm theo thánh Marcô (Mc 8:29).

Câu trả lời không chỉ qua cái chết của Ngài mà thôi nhưng còn qua những gì đưa đến cái chết này. Việc Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thêm vào – hay nói đúng hơn là lồng vào – những mầu nhiệm Sự Sáng đã tạo cho kinh Mân Côi thành kinh nguyện cân xứng hơn.

Trong các mầu nhiệm Sự Sáng: Chúa chịu Phép Rửa, Tiệc cưới Cana, Rao giảng Nước Trời, Biến Hình, và Lập Phép Thánh Thể ở nhà Tiệc Ly, Chúa Giêsu là trung tâm điểm. Trong khi các Phúc Âm trình bày về Ngài phản ánh việc gặp gỡ với Chúa Phục Sinh, nhưng thực sự Ngài còn là Giêsu người Nazarét. Ngài là đấng “được sinh ra bởi người nữ, và sống dưới lề luật” (Gl 4:4), đấng “giống như  anh chị em mình trong mọi sự” (Dt 2:17). Đây là sự thật cần được nhấn mạnh. Nó rất quan trọng để có được một Kitô học quân bình. Các mầu nhiệm Sự Sáng tỏ lộ Sự Sáng là sự sáng cho thế gian, là sự sống cho thế gian. Các mầu nhiệm này mạc khải Ngôi Lời nhập thể. Tự bản chất Kinh Mân Côi là một suy niệm về Con của Mẹ Maria, đấng là mạc khải và là sự hiện diện của Thiên Chúa giữa loài người.

MẦU NHIỆM

Chúng ta cũng cần quan tâm đến từ “mầu nhiệm” ở đây. Theo cách dùng chung chung, “mầu nhiệm” có nghĩa là những gì ẩn dấu chưa hiểu thấu được. Trong sách giáo lý cũ, mầu nhiệm được định nghĩa là ‘chân lý đã được mạc khải nhưng chúng ta chưa hiểu thấu’. Trong cách dùng của KinhThánh – là cách chúng ta theo ở đây – mầu nhiệm (misterion) không còn có nghĩa huyền bí! Một “mầu nhiệm” là một chương trình hay mục đích mà Thiên Chúa ẩn dấu trong quá khứ nhưng nay đã được mạc khải (xem Rm 11:15-16). Thư gửi tín hữu Colossê nói về “mầu nhiệm” được Thiên Chúa giữ kín từ lâu nhưng nay đã “biểu lộ cho dân người” (Col 1:26). Điều nổi bật ở đây là ‘mầu nhiệm’ được đồng nhất hóa với con người Chúa Giêsu Kitô. Nói tóm lại, mầu nhiệm là điều được tỏ lộ. Các mầu nhiệm kinh Mân Côi mạc khải về Chúa Kitô cho chúng ta, đưa chúng ta đến việc thấu hiểu sâu xa hơn về ngài.

PHÉP RỬA
(Mc 1,9-11; Mt 3,13-17; Lc 3, 21-22; Ga 1,29-34)

Việc lãnh phép rửa của Gioan Tẩy Giả đã đánh dấu việc khởi đầu sứ vụ ngắn ngủi nhưng sống động của Chúa Giêsu Nazarét. Lúc đầu Ngài là môn đệ của Gioan, nhưng sau đó Ngài thi hành sứ vụ đặc biệt của Ngài. Mục đích của Ngài là canh tân Israel: đưa Israel về lại những gì mà Chúa muốn cho dân Ngài. Trong khi lãnh phép rửa, Chúa Giêsu được long trọng tuyên bố là Con Thiên Chúa, người lãnh đạo Dân Chúa trong thời sau hết, là Chúa của dân

Khởi đầu sách Tin Mừng của mình – “Khởi đầu Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,1) – thánh Marcô đã cho người đọc biết về căn tính của Chúa Giêsu. Trong trình thuật phép rửa, tiếng nói từ trời (tiếng của Thiên Chúa) tuyên bố: “Con là con yêu dấu của Cha” (1, 11). Khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai của mình, Thiên Chúa đã xác định về địa vị và ơn gọi của Ngài. Cũng vậy, trong trình thuật biến hình Thiên Chúa Cha cũng tuyên bố cho ba môn đệ hiện diện: “Đây là con yêu dấu của ta, hãy nghe lời người” (9:7). Trong phép rửa và biến hình, Thiên Chúa Cha đóng vai chính trong diễn tiến trình thuật. Trong hai trình thuật Ngài không chỉ tuyên bố Chúa Giêsu là “Con”,  nhưng tuyên bố này còn là  sự xác nhận. Tuyên bố trong phép rửa xác nhận đầu đề của Tin mừng, tuyên bố trong trình thuật biến hình xác nhận sự thật mà Phêrô tuyên tín Chúa Giêsu là đấng Messia (8,29) – vượt quá những hiểu lầm của Phêrô (cc 32-33). Sau cùng, trong giây phút tuyệt đỉnh của cái chết của Chúa Giêsu lại xuất hiện tước vị Con Thiên Chúa: “Thực người này là Con Thiên Chúa” (15,39).

Viên đội trưởng là người đầu tiên trong Tin Mừng Marcô thấu suốt được bí nhiệm về căn tính của Chúa Giêsu – vì ông là người đầu tiên nhìn nhận ý nghĩa của thánh giá.

Trong Tin Mừng nhất lãm, liền sau phép rửa là trình thuật về cám dỗ. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng giống anh chị em mình trong mọi lãnh vực. Ngài bị thử thách, và ngài đã đưa ra những quyết định cho suốt cuộc đời. “Dù là Ngôi Con, ngài đã học biết vâng phục trong mọi việc ngài chịu đựng” (Dth 5,8). Ngài đã học biết phải trả giá thế nào khi thưa tiếng “xin vâng” với Thiên Chúa, và tiếng xin vâng này đã đưa Ngài đến thập giá.

Thánh Phaolô đã tìm được nguồn linh hứng và an ủi nơi Chúa Giêsu: “Cuộc sống mà tôi đang sống trong thân xác này là sống bằng niềm tin vào Con Thiên Chúa, đấng yêu tôi và trao hiến mạng sống ngài cho tôi” (Gal 2,20). Chúa Con trung thành là nguồn nâng đỡ cho chúng ta trong cơn thử thách.

TIỆC CƯỚI Ở CANA
(Gn 2,1-12)

Trình thuật trong chương 2, 1-12 là trình thuật được cấu trúc cẩn thận theo phong cách của Phúc Âm thánh Gioan và  giàu những biểu tượng của phúc âm này. Nhân vật đầu tiên trong câu chuyện này là Mẹ Chúa Giêsu, ngài bắt đầu hành động bằng một thỉnh cầu có tính cách ám chỉ: “Họ hết rượu rồi”. Nước “dành cho việc thanh tẩy theo tập tục Do Thái” được biến thành rượu, biểu trưng cho trật tự cũ đã nhường chổ cho cái mới. Theo thánh sử, trình thuật này biểu trưng cho điều sẽ diễn ra suốt  sứ vụ của Chúa Giêsu: sự biểu lộ “vinh quang” của Chúa Giêsu. “Vinh quang” là từ ngữ của Phúc âm Gioan dùng chỉ về mạc khải. Mạc Khải, theo Gioan, là việc tự mạc khải của Chúa Giêsu – sự mạc khải viên mãn về Thiên Chúa Cha. Tất cả những cái khác đều bắt nguồn từ đây. Tiệc cưới Cana đánh dấu khoảnh khắc đầu tiên của doxa, ‘vinh quang’. Sự viên mãn của mạc khải là lúc Con Người được “đưa lên”. Ngài là Đấng Được Sai Đến đấng nói Ta Là với sự hiện diện và quyền năng của Thiên Chúa Cha. Ngài đã nói Lời đó trên thánh giá.

“Phúc cho bà vì bà đã tin” (Lc 1,45) – bà Elizabét đã xác định được nét đặc thù của Mẹ Maria trong Phúc âm: là người nữ của đức tin. Phúc âm theo thánh Gioan cũng đặc biệt xác nhận điều này. Trong tiệc cưới Cana, Mẹ đã tự mình làm ví dụ, và xin người khác làm, về việc hoàn toàn tín thác vào lời của Con Mẹ. Mẹ trở nên gương mẫu cho mọi tín hữu và là trạng sư cho Con Mẹ. Mẹ đã chỉ vẽ những điều vượt quá chính Mẹ. Trong cách của Mẹ, Mẹ đã chứng thực tuyên bố của Con Mẹ: ‘Ta là cây nho, chúng con là nhánh…Tách biệt khỏi ta các con không làm được gì’ (Gn 15,5). Và Mẹ tiếp tục khuyên chúng ta: “Hãy làm những gì ngài bảo” (2,5).

Vai trò của Mẹ đuợc tiếp tục xác định trong ‘giờ’ của Con Mẹ. Mẹ và Môn Đệ Yêu Dấu, theo thần học của Phúc Âm Gioan, là những người tin tuyệt vời nhất. Họ là hạt nhân của một gia đình mới của những người tin. Họ là chứng nhân của ‘giờ’: mạc khải dứt khoát của Thiên Chúa. Và Mẹ được trao phó: ‘đây là con Bà’(19,26). Vì trở nên Mẹ của Môn Đệ Yêu Dấu, Mẹ cũng là Mẹ của mọi Kitô hữu.

RAO GIẢNG NƯỚC THIÊN CHÚA
 
Ý nghĩa căn bản của ‘Nước Thiên Chúa’, như Chúa Giêsu hiểu và muốn nói đến, là sự thống trị của Thiên Chúa trong thời sau hết khi mà, như thánh Phaolô đã viết, Thiên Chúa sẽ là ‘tất cả trong mọi sự’ (1 Cor 15,18). Khi đó lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: “Xin cho nước Cha trị đến. Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6,10) sẽ được thành toàn. Tuy nhiên, Chúa Giêsu nhấn mạnh qua cuộc sống cũng như sứ vụ của mình rằng sự thống trị của Thiên Chúa đã trở thành hiện thực lúc này và tại đây (xem Lc 11,20; 17,21). Vì thế, cách tốt nhất để hiểu được bản chất của nước Thiên Chúa và sự thống trị của Ngài là là thấy nó đang hành động qua việc làm và lời nói của Chúa Giêsu –  trong chính con người của ngài.

Trong khi loan truyền về Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã bao hàm Thiên Chúa là Cha và nhân loại như là con cái Thiên Chúa và là anh chị em với nhau . Đó là lý do cho lối giải thích về quyền bính của Ngài. Bởi vì cộng đoàn của những người theo Ngài được mang dấu ấn của koinonia, sự hiệp thông, không có chỗ cho những cách thức thống trị, ‘còn đối với các ngươi thì khác’ (Mc 10,40). Quyền bính tìm được lối diễn tả trong phục vụ.

Trong một thế giới đầy bất công và bất bình đẳng, Chúa Giêsu quan tâm đặt biệt đến những người bị áp bức và bỏ rơi. Ngài không muốn và không thể coi ai là ‘mạt hạng’. Ngài biểu lộ sự tôn trọng đặc biệt phụ nữ và trẻ em. Ngài nhạy cảm trước những đau khổ và rộng lòng chữa lành những bệnh tật của con người. Ngài quan tâm đặc biệt đến cơn bệnh tàn phá là tội lỗi,  đến độ Ngài được mệnh danh la ‘bạn của người tội lỗi’. Theo Ngài không phải là một chọn lựa nhẹ nhàng: những môn đệ nam cũng như nữ của Ngài phải từ bỏ tất cả. Đường của Ngài là đường dẫn đến Thập Giá: “Không tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì bạn hữu” (Gn 15,130. Sự thống trị của Thiên Chúa là con đường yêu thương.

BIẾN HÌNH
(Mc 9,1-8; Mt 17,1-8; Lc 9,28-35)

Biến cố biến hình giống như một cảm nghiệm cầu nguyện trong đó Chúa Giêsu chấp nhận cuộc xuất hành, cuộc ‘ra đi’: cái chết của mình. Hiển nhiên là cảm nghiệm này rất sâu đậm, đã để lại một ấn tượng không thể xóa nhòa trong lòng các môn đệ đã chứng kiến biến cố này. Được hồi tưởng lại với ánh sáng của biến cố Phục Sinh, biến cố biến hình là một tiên kiến Chúa Giêsu trong vinh quang của người. Giờ đây nó được viết lại vì lợi ích cho các môn đệ, một mạc khải được ban tặng cho họ. Chóp đỉnh của trình thuật biến hình là lời nói từ trên trời: “Đây là con yêu dấu của Ta, hãy nghe lời người” (Mc 9,7).

Trong trình thuật, Môisen và Êlia đại diện cho Lề luật và các Tiên tri, cho Thánh Kinh của Israel. Việc thánh Phêrô xin dựng ba ‘lều’, một cho Chúa Giêsu, một cho Môisen và một cho Êlia, đã đặt cả ba ngang hàng với nhau. Thánh Phêrô thực sự ‘không biết mình đang nói gì’. Tiếng nói từ trời đã đặt lại đúng vị trí: chỉ mình Người Con mới nói trọn vẹn lời của Chúa. Trong trình thuật theo Phúc Âm thánh Mátthêu, các môn đệ hoảng sợ đã được Chúa Giêsu xác quyết lại điều đó: “Và khi ngước mắt lên, các ông không còn thấy ai trừ một mình Chúa Giêsu” (Mt 17,8). Môisen và Êlia vẫn còn nói lên lời của Chúa, nhưng chưa là lời dứt khoát. Lúc này Thiên Chúa “nói với chúng ta qua Người Con”.

TIỆC LY – LẬP BÍ TÍCH THÁNH THỂ
(Mc 14,12-28; Mt 26,20-29; Lc 22,14-23; 1 Cr 11,17-33)

Điều thánh Marcô quan tâm trong chương14, 12-25 là nối kết bữa tiệc ly của Chúa Giêsu với lễ Vượt Qua (của người Do Thái) –trong câu 14, rõ ràng muốn mô tả đó là bữa tiệc lễ Vượt Qua. Điều đó muốn nói lên Chúa chịu chết trong lễ Vượt Qua, và Phúc Âm theo thánh Mátthêu và  thánh Luca cũng đã theo cách nói này. Tương tự như thế Phúc Âm theo thánh Gioan  cũng nói cách rõ ràng  (Ga 18,28; 19,14) Chúa chịu chết trong buổi chiều trước lễ Vượt Qua. Trong thực tế dường như bữa Tiệc Ly là bữa tiệc chia tay trọng thể – không phải là bữa tiệc lễ Vượt Qua truyền thống. Đó là tuyệt đỉnh của một loạt các bữa ăn mà Chúa Giêsu cùng chia sẻ với các môn đệ. Chúng ta có thể nói rằng dù ý nghĩa chính xác của bữa Tiệc Ly là gì đi nữa thì nó vẫn được đặt trong bối cảnh bữa tiệc Vượt Qua. Các thánh sử đã khai thác yếu tố này.

Chúa Giêsu đã làm theo tâp tục của người chủ gia đình trong các bữa lễ tiệc của ngươì Do thái là bẻ bánh và phân chia cho mọi người. Ngài ‘cầm lấy bánh’, ‘chúc tụng’, bẻ ra’, ‘trao’ – cũng là những động tác Ngài làm và những lời Ngài nói trong các câu chuyện Ngài nuôi dân chúng (6,41; 8,6). Rõ ràng là sự  giống nhau ở đây là có chủ ý; những tự vựng ở đó được nhắc lại bằng ngôn ngữ Thánh Thể ở đây. Lúc đó các môn đệ ‘không hiểu về phép lạ bánh’ (6,25). Bây giờ mầu nhiệm đã được mạc khải. Chúa Giêsu là ‘một tấm bánh’ (xem 8,14) cho người Do Thái và cho dân ngoại vì chính Ngài đã nói với họ thân xác Ngài được trao ban, máu ngài đổ ra là cho mọi người (14,23-24).

Trừ hai đoạn trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô (10,16-17; 11,17-34) dường như thánh Phaolô không viết gì về bí tích Thánh Thể. Dù sao đoạn thư 1 Cr 11,23-26 cho biết rõ Tiệc Ly của Chúa đã là một phần trong niềm tin và tập tục của các Kitô hữu sơ thời. Đoạn văn này là đoạn đầu tiên trong Tân Ước nhắc đến Tiệc Thánh Thể. Điều đáng ngạc nhiên là thánh Phaolô không nghĩ về bí tích Thánh Thể và sự hiện diện của Chúa trong đó ở trạng thái tỉnh. Ngược lại trình thuật được diễn tả đầy tính năng động. Đó không chỉ là làm cho thịt máu Chúa Giêsu hiện diện; nhưng còn là lời rao truyền và tưởng nhớ cái chết của Ngài, tưởng nhớ một biến cố. Tương tự như thế, chén là ‘chén giao ước mới trong máu ta’, tức là một biến cố, việc thiết lập giao ước có hệ quả tồn tại và dứt khoát cho đời sống của dân giao ước. Lệnh truyền lập lại hành động của Chúa ‘Hãy làm việc này…’ không những kết buộc cộng đoàn cử hành Tiệc Thánh Thể thường xuyên và vì thế giữ cho sống động ý nghĩa của cái chết của Chúa Giêsu, nhưng qua đó còn đòi buộc loan truyền ý nghĩa cứu độ của cái chết của Ngài.

“Này là mình Ta..này là máu Ta’. Máu thịt nói lên chính mình Ngài, con người của Ngài: Chúa Giêsu trao ban chính mình, và trao ban chính mình trong cái chết. Thánh Phaolô đã nắm bắt được ý nghĩa của ân huệ:  ân huệ của “Con Thiên Chúa, đấng yêu thương vào trao ban chính mình cho tôi” (Gl 1-20).  Cái chết của Chúa Giêsu là ‘cho’ chúng ta. Và như một lệnh truyền, “Hãy làm việc này để nhớ đến Ta”, bí tích Thánh Thể là mộtanamnesis, ‘tưởng niệm’, nhớ đến là một hình thức của sự hiện diện. Bí tích Thánh Thể thành toàn lời Thiên Chúa hứa “Hãy nhớ, Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Thánh Phaolô tuyên bố: “Chén chúc tụng mà chúng ta nâng để chúc tụng không phải là thông phần vào máu Đức Kitô sao?  Tấm bánh chúng ta bẻ ra không phải là thông phần vào thân thể của Đức Kitô sao?”(1 Cr 10,26). Điểm nhấn mạnh của thánh Phaolô không chỉ ở một bánh và một chén, nhưng là sự thông chia cùng một bánh và một chén. Là vì trong cách thế thông chia, họ dự phần vào một tấm bánh, và những người cử hành trở nên ‘một thân thể’ – thân thể của Đức Kitô. “Vì có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều nhưng là một thân thể, vì tất cả dự phần cùng một tấm bánh” (10,17). Phép Thánh Thể có nghĩa là mối dây hiệp nhất. Việc cử hành Thánh Thể phải là một chứng cứ tỏ hiện cho hiệp nhất. Quan điểm của thánh Phaolô cho rằng ở đâu không có sự hiệp nhất là không có Thánh Thể (11,20) khiến chúng ta phải suy nghĩ. Việc cử hành Thánh Thể, thánh lễ của chúng ta có là một dấu chứng tỏ tường về sự hiệp nhất chưa? Đó có thực là Tiệc Thánh của Chúa không?

 
 Lm. Antôn Bùi Kim Phong chuyển ngữ 
Nguồn : Gpquinhon.org