Vai trò của Lời Chúa trong kế hoạch mục vụ giới trẻ

0
63

VAI TRÒ CỦA LỜI CHÚA TRONG KẾ HOẠCH MỤC VỤ GIỚI TRẺ

Dẫn nhập

Thánh Giêrônimô nói: “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô”. Thật vậy, nếu không biết Chúa Kitô là ai, Ngài đã sống, đã dạy con người cái gì, và cuối cùng Ngài cứu chuộc nhân loại bằng cách nào, thì có lẽ chúng ta là những người dại dột nhất trên đời. Nhưng, thật hạnh phúc cho chúng ta vì được Lời Chúa hướng dẫn, chỉ bảo, để rồi chúng ta biết Ngài là ai, tin và đi theo Ngài.

Không ai trong chúng ta có thể phủ nhận tầm quan trọng của Lời Chúa trong đời sống của mình. Quả thật, đời sống tín hữu được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và các Bí tích. Chính Hội Thánh, Mẹ chúng ta đã, đang và sẽ không ngừng khuyến khích con cái mình năng tiếp cận, lắng nghe, học hỏi và nhất là thực hành Lời Chúa trong cuộc sống. Hội Thánh không ngừng đề nghị và trao ban cho chúng ta nhiều cơ hội và phương cách để mỗi người trong chúng ta được gần gũi với Lời Chúa, được thấm nhuần Lời Chúa, để cho Lời Chúa nên sức mạnh và ánh sáng giúp chúng ta sống và hoạt động như những người con đích thực của Thiên Chúa là Cha chúng ta. Lời Chúa thật sự đóng vai trò quan trọng, căn bản, nền tảng và bao trùm việc giáo dục đời sống Kitô giáo.Chính vì thế Lời Chúa phải là kim chỉ nam cho công tác giáo dục giới trẻ.

Bài thuyết trình này không có tham vọng như là một hướng dẫn mà chỉ là những chia sẻ cá nhân về vai trò của Lời Chúa trong kế hoạch mục vụ giới trẻ, nên chỉ mang tính tham khảo mà thôi.

I/ GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI VỀ LỜI CHÚA

Khi nói về tầm quan trọng của Lời Chúa và sự cao trọng của Bí tích Thánh Thể trong đời sống của người tín hữu, Thánh Công Đồng Vaticanô II, trong Hiến chế Tín lý về Mặc Khải đã khẳng định: “Giáo hội luôn tôn kính Thánh Kinh như chính Thân Thể Chúa, nhất là trong Phụng Vụ Thánh, Giáo Hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu” (MK, số 21). Bởi vì : “Lời Chúa là lời sáng tạo” (x. St 1, 3-26); “sống động và linh nghiệm” (x. Dt 4,12) “Lời là chân lý” (x. Lc 1, 2-4); “giúp ta sự hiểu biết chân lý” (x. Lc 24, 44 – 45); “Lời hằng sống” (x. Ga 6,68); “Lời là ánh sáng” (x. Ga 8, 12); “là đèn soi” (Tv 118, 105 ); “Lời mang ơn cứu độ cho muôn dân”… và làm phát sinh hoa trái cứu độ: “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời, không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Is 55, 10-11). Lời Chúa trở thành lời cật vấn lương tâm: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Ðấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” (Dt 4,12-13); Lời Chúa trở nên nguồn dịu ngọt “ngọt hơn mật ong nguyên chất” (x. Tv 118, 103), nên những người yêu mến, khi vừa gặp được đã nhanh chóng nuốt vào (x. Gr 15,16). Lời Chúa như là luật và những huấn lệnh để chỉ dẫn đường lối phải theo (x. Tv 118, 97-98).

Như một điếm nhấn, Công Đồng Vaticanô II, trong hiến chế Tín Lý về Mặc Khải viết: “Trong các Sách Thánh, Chúa Cha trên trời bằng tất cả lòng trìu mến đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ.Vậy sức mạnh và quyền năng chứa đựng trong Lời Chúa lớn lao đến độ trở thành điểm tựa đầy năng lực cho Hội Thánh và là sức mạnh của đức tin, lương thực nuôi linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái của Hội Thánh” (MK số 21).

Tiếp theo dòng suy tư ấy, Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Tông Thư Khởi Đầu Ngàn Năm Mới ngài viết: “Lời Chúa phải trở nên một sự gặp gỡ ban sự sống, theo truyền thống xa xưa và luôn vững chắc về việc đọc Sách Thánh (lectio divina), cho phép rút ra từ bản văn Thánh Kinh Lời Hằng Sống, là lời chất vấn, hướng dẫn và hình thành cuộc sống chúng ta” (Tông thư Khởi Đầu Ngàn Năm Mới số 39).

Năm 1980, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã nêu lên tầm quan trọng cũng như định hướng cho mọi tín hữu về giá trị của Lời Chúa trong cuộc sống: “Yêu mến Thánh Kinh không chỉ thể hiện qua việc phổ biến sách Thánh Kinh, mà còn là siêng năng đọc Lời Chúa trong đời sống và cho đời sống cụ thể của mình. Nói cách khác, đọc Lời Chúa không những để hiểu về Chúa mà còn để tìm hướng đi cho cuộc đời” (Thư chung 1980, số 8).

II/  LỜI CHÚA LÀ NỀN TẢNG CHO VIỆC GIÁO DỤC GIỚI TRẺ

  1. Giúp giới trẻ nhận ra giá trị của Lời Chúa

Một trong những món quà quý báu mà Chúa Giêsu mang đến cho con người là Lời Ngài. Bởi lẽ, đây không phải là lời của con người nhưng là tiếng nói của Thiên Chúa từ trời cao ban xuống. Lời Chúa như là kim chỉ nam cho cuộc sống của mỗi chúng ta. Thế nhưng, một thực tại đáng buồn là không những con người không thực hành Lời Chúa mà còn có nhiều người không muốn đón nhận Lời Ngài. Chúa Giêsu đã nói đến tầm quan trọng của Lời Chúa trong đời sống của con người khi Ngài nói: người nào xem thường Lời Chúa thì cũng giống như xây nhà trên cát; còn người biết lấy Lời Chúa làm định hướng cho cuộc đời mình thì tựa như xây nhà trên nền đá. Đối với đời sống đức tin, Lời Chúa đóng một vai trò rất quan trọng như là bản định hướng đời sống cho con người trong mọi khía cạnh của cuộc sống.

Thế nhưng, khi mà sự phát triển của xã hội ngày càng được nâng cao thì dường như hương vị của Lời Chúa cũng vắng dần trong cuộc sống. Lời Ngài ngày càng bị nhiều người từ chối và xem thường. Đó là những người có tâm hồn sỏi đá, tâm hồn khô cạn hay đầy gai góc bởi sự phủ lấp của thế giới bên ngoài. Lời Chúa xem chừng chẳng còn giá trị gì so với bao nhiêu điều mới mẻ và hấp dẫn chung quanh chúng ta. Từ những trò giải trí đẳng cấp đến những cuốn sách thú vị nóng hổi thì làm sao Lời Chúa có thể còn “ăn khách” hơn được. Con người thích chạy theo những xu hướng mới mẻ, giật gân và hấp dẫn hơn là khối Lời Chúa cũ kỹ, lỗi thời của hơn 2000 năm về trước.

Đừng quên, Lời Chúa là một trong những kho tàng vô giá mà đến cả thế giới phải công nhận. Đó là một trong những nền tảng cho sự tồn tại của Giáo Hội qua hơn 2000 năm nay trước biết bao biến động thăng trầm. “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119,105), đó như là một minh chứng cho sự cần thiết của Lời Chúa trong đời sống đức tin. Ngoài Lời Chúa, sẽ khó có thể tìm được một sự hướng dẫn đích thực cho người trẻ hôm nay.

  1. Cần phải trình bày Lời Chúa như thế nào cho giới trẻ:

Thật vậy, cách thế trình bày Lời Chúa cho phù hợp với con người thời đại hôm nay và đặc biệt là cho giới trẻ là quan trọng, bởi sứ điệp Lời Chúa thì bất biến, nhưng phương cách diễn tả thì có thể thay đổi.

Đối với người trẻ Công giáo thì sứ mạng này càng cấp thiết hơn nữa, bởi chính họ là sức sống mạnh mẽ trong đời sống Giáo hội. Thế nhưng ngày nay, không phải là tất cả, nhưng cũng không ít các bạn trẻ tỏ ra như “ngại” đối diện với Lời Chúa, không thích lắng nghe công bố Lời Chúa, và đọc Lời Chúa thì càng không muốn. Phải chăng Lời Chúa luôn chất vấn lương tâm người trẻ, đòi hỏi họ phải khước từ, “cắt tỉa” nhiều thứ của bản thân? Có chăng những người công bố và chia sẻ Lời Chúa luôn đặt ra những bắt buộc cho người nghe: “Ông bà phải thế này, các bạn phải thế kia…”? Có thật là Lời Chúa quá khô khan, để rồi khi cầm sách Thánh lên là “buồn ngủ” ngay không? Quả nhiên, nếu hiểu Lời Chúa như một sự “ràng buộc” nào đó thì nguy cơ khiến cho người trẻ “dị ứng” là điều dễ hiểu.

Chính trong bối cảnh đó, việc trình bày Lời Chúa cho người trẻ hôm nay, thì điều cần làm sáng tỏ là giúp họ nhận ra rằng: “Trong các sách Thánh, Chúa Cha trên trời bằng tất cả lòng trìu mến đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ. Lời Chúa còn có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Giáo Hội, ban sức mạnh đức tin cho con cái Giáo Hội, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo Hội. ” (MK số 21) Và khi đó, họ nhận ra Lời Chúa là Lời tình yêu. Để từ đây, mỗi người trẻ tự nguyện sống với Lời như một kết ước bền vững muôn đời.

Ngày nay, người trẻ có nhiều điều kiện để tiếp cận với tất cả các hình thức sinh hoạt trần thế, trong đó phải kể đến đóng góp to lớn của hệ thống mạng Internet. Thế nên, nếu chỉ cứng nhắc và khô khan trong việc trình bày sứ điệp Tin Mừng thì khó lòng thu hút người trẻ đến với Lời Chúa. Nói thế không có nghĩa chúng ta phải chạy theo trào lưu của thời đại để thoả hiệp với bất cứ hình thức nào, nhưng việc tận dụng các loại phương tiện hiện đại để truyền tải sứ điệp Tin Mừng là việc nên làm. Đó là về hình thức trình bày.

Tuy nhiên, nội dung của sứ điệp Tin Mừng còn quan trọng hơn. Nếu chỉ thuần tuý “luân lý” hoá Lời Chúa thì nguy cơ khiến người trẻ hiểu lầm về sứ điệp Lời Chúa sẽ xảy ra. Để không rơi vào tình trạng này, thì chúng ta, những người có trách nhiệm công bố và chia sẻ Lời Chúa, cần ý thức đầy đủ bổn phận của mình trong việc nghiền ngẫm và nghiên cứu Kinh Thánh. Đó là cách tốt nhất để chúng ta có thể thực hiện công cuộc rao giảng Lời Chúa cho mọi người, đặc biệt là người trẻ.

III/  VAI TRÒ CỦA NHỮNG MỤC TỬ

  1. Rao giảng Lời Chúa là bổn phận của các mục tử

Khi nói về trách nhiệm của các linh mục trong việc loan báo Tin Mừng, Giáo Luật số 757 nói rất rõ: “Nhiệm vụ riêng của các Linh mục là loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa vì các Ngài là cộng sự viên của các Giám mục; nhiệm vụ này ràng buộc cách riêng các linh mục chính xứ và các linh mục khác đã được giao cho việc coi sóc các linh hồn đối với dân đã được giao cho mình; các phó tế cũng có bổn phận phục vụ Dân Thiên Chúa bằng thừa tác vụ Lời Chúa trong sự hiệp thông với Giám mục và Linh mục đoàn của Ngài”.

Cũng vậy, trong Hiến chế Tín lý về Mặc Khải viết: “Tất cả các giáo sĩ, trước hết là các linh mục của Chúa Kitô và những người có bổn phận phục vụ Lời Chúa, như các phó tế và những người dạy giáo lý, phải gắn bó với Thánh Kinh nhờ việc chăm đọc và ân cần học hỏi, để khi họ phải truyền đạt kho tàng bao la của Lời Chúa, nhất là trong Phụng Vụ Thánh, cho các giáo hữu được ủy thác cho họ, không ai trong họ sẽ trở thành kẻ huênh hoang rao giảng lời Thiên Chúa ngoài môi miệng bởi không lắng nghe lời Thiên Chúa trong lòng” (MK số 25).

Thật vậy, người không lắng nghe Lời Chúa trong tâm hồn của mình, thì cũng giống như một nhà hùng biện giỏi, họ cất tiếng lên thì nhiều người tán dương họ, nhưng khi chia sẻ kinh nghiệm của họ thì rỗng tuếch, hay chẳng ăn nhập gì, bởi vì: “ngôn hành bất nhất”; họ là những người mâu thuẫn nội tại. Như thế, những lời hùng biện của họ không hữu dụng, làm cho người nghe ngán ngẩm vì tính vu vơ của họ. Nhất là họ không thể trở thành dấu chỉ về niềm hy vọng cho người khác, và lẽ đương nhiên, họ không thể trả lời cho con người sự chất vấn về niềm hy vọng.

Muốn được trở nên dấu chứng của niềm hy vọng, người rao giảng Lời Chúa phải kết hiệp mật thiết với Lời Chúa, coi đây như là nguồn dinh dưỡng quan trọng và cần thiết cho sự tăng trưởng đời sống tâm linh của mình. Sau đó, mình mới trở thành những người có niềm hy vọng để rồi chúng ta sẽ cho những gì của chính chúng ta có.

  1. Người Mục tử phải là người đồng hành với giới trẻ

Trong bầu khí của năm phụng vụ “Đồng hành với người trẻ hướng đến sự trưởng thành toàn diện”, có lẽ câu chuyện Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với hai môn đệ trên đường về làng Emmau (x. Lc 24,13-35) là câu chuyện đẹp mà người mục tử cần áp dụng trong việc giáo dục cũng như đồng hành với giới trẻ hôm nay. Để làm được điều này, chúng ta cần :

  • Dành thời gian cho người trẻ:

Ngay trong giây phút đang bước đi trong buồn bã, thất vọng thì Đức Giêsu đã nhập cuộc và bước đi với hai môn đệ. Dù họ không nhận ra Ngài, thế nhưng Ngài gợi cho họ câu hỏi: “các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” (Lc 24,17) Ngài muốn biết những gì đang diễn ra trong tâm trí họ. Ngài muốn tìm hiểu về hoàn cảnh của họ lúc này là gì. Ngài bắt đầu cuộc hành trình với họ mà không có bất kỳ phán xét nào. Ngài bước đi với họ bằng một cuộc đối thoại. Ngài lắng nghe và chia sẻ tâm trạng với họ. Để giáo dục người trẻ hiệu quả, các mục tử cần dành thời gian cho người trẻ. Điều này không chỉ gặp gỡ họ nơi nhà thờ, nơi lớp giáo lý mà còn nơi họ sinh sống và làm việc.

  • Giúp người trẻ khám phá ra ý nghĩa mới trong những kinh nghiệm thường ngày:

Đức Giêsu không chỉ nghe những nỗi bận tâm của hai môn đệ. Ngài đã bắt đầu giải thích Kinh Thánh cho họ “giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người” (Lc 24,27). Ngài giúp họ khám ra ý nghĩa qua những kinh nghiệm, qua những cảm xúc, nỗi niềm của họ. Chúa Giêsu vẫn thường ngồi ăn với họ, cũng bẻ bánh và chia bánh cho họ, thế nhưng hôm nay qua cử chỉ “bẻ bánh” họ lại nhận ra Ngài.
Để làm được điều này, tức tìm ra ý nghĩa của những kinh nghiệm về cuộc sống nơi người trẻ, đòi hỏi người mục tử cần bước vào một cuộc đối thoại cởi mở và cho phép người trẻ “nói”, “phát biểu” hay chia sẻ hoài bão hay ước mơ của chúng.

  • Tạo sự quyến luyến nơi tâm hồn người trẻ:

Trên con đường về Emmaus, lúc đầu, Chúa Giêsu chỉ là một người xa lạ, rồi dần dần trở nên người đồng hành, rồi cuối hành trình là một người bạn. Hai môn đệ mời người bạn đồng hành ở lại với họ “mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn” (Lc 24,29). Họ biết sự nguy hiểm sẽ xảy ra nếu tiếp tục cuộc hành trình trong đêm. Họ đã cởi mở con tim của mình cho người bạn đồng hành Giêsu và chỉ cho thấy mối quan tâm của họ. Thế là một tình bạn, một tình thân được khai sinh. Để gần gũi với người trẻ, người mục tử phải trở  những người bạn thân thiết với họ, để họ có thể tìm đến với mình bất kỳ lúc nào.

  • Mang người trẻ trở lại cuộc sống với tinh thần mới:

Cuộc hành trình đi về làng Emmaus thực sự đã không kết thúc ở Emmaus nhưng lại là khởi đầu hành trình trở lại Giêrusalem. Nhưng cuộc trở lại Giêrusalem lần này chất chứa đầy cảm xúc đã được canh tân trong đức tin và tinh thần hứng khởi, vì hai môn đệ đã trở nên chứng nhân của quyền năng phục sinh của Chúa. Họ đã vội vàng và loan báo với các môn đệ còn lại “thật Chúa đã sống lại”, nỗi buồn và sự thất vọng của họ đã tan biến. Cũng vậy, người mục tử cần khích lệ người trẻ bước vào cuộc sống với sự tự tin và kiên quyết cho dù phải đối diện những thách đố, những lo lắng và buồn phiền trong cuộc sống.

Kết Luận

Lời Chúa đóng một vai trò rất quan trọng không thể thiếu trong việc giáo dục cho những người trẻ hôm nay, thế nhưng người trẻ ngày càng thờ ơ với việc học hỏi và sống Lời Chúa. Vì vậy, trách nhiệm chính yếu trong việc giáo dục đức tin cho giới trẻ vẫn thuộc về các linh mục, đặc biệt là các linh mục trực tiếp phục vụ tại giáo xứ. Để chu toàn nhiệm vụ này, các ngài phải dành nhiều thời gian, công sức kể cả tài chánh để đầu tư vào công việc khẩn thiết và quan trọng này.
Trong thư mục vụ năm đức tin 2012 của HĐGMVN (số 9) đã nêu rõ:“Cách riêng, chúng tôi muốn ngỏ lời với các linh mục, tu sĩ, và các bậc cha mẹ trong gia đình công giáo. Giáo dục đức tin là trách nhiệm gắn liền với thừa tác vụ linh mục đến nỗi ‘các linh mục mắc nợ với mọi người về việc thông truyền cho họ chân lý Phúc Âm mà các ngài đã nhận được từ nơi Chúa’. Do đó, trong sự hiệp thông với giám mục và linh mục đoàn giáo phận, anh em linh mục hãy dành thời giờ, năng lực và nhiệt tâm cho công việc hết sức quan trọng và cần thiết này, đặc biệt trong việc giảng Lời Chúa và dạy giáo lý cho thiếu nhi và giới trẻ. Anh em cần quan tâm hơn nữa đến việc đào tạo đội ngũ giáo lý viên, những người trực tiếp cộng tác với chúng ta trong việc thông truyền đức tin cho thế hệ trẻ”.

Lm. Phaolô Nguyễn Văn Khiêm

Nguồn: gpquinhon.org