GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Bài 16: TƯƠNG THÂN TƯƠNG ÁI
Câu hỏi:
Tôi thấy nhiều người giàu sẵn sàng chi tiêu thoải mái, tiếc là tại sao họ không bớt chút tiền dư bạc thừa để giúp đỡ những người nghèo?
Trả lời:
Giàu có là điều đa số con người khao khát và theo đuổi. Đơn giản vì khi giàu có thì được tôn trọng, được sống sung sướng, muốn gì được đó. Thói đời vẫn nói: “Có tiền mua tiên cũng được”. Nhìn vào trong xã hội, chúng ta nhận ra khuynh hướng sống chạy theo đồng tiền và giàu sang rất mạnh mẽ, sôi nổi và nóng bỏng, đến nỗi không có bất cứ nơi nào không “dành chỗ” trân trọng, hay nói khác đi “chỗ VIP” cho đồng tiền và giàu sang. Thực tế, có tiền bạc và là người giàu sang đâu phải là tội lỗi gì.
Nhưng điều làm cho mọi người phải suy đi gẫm lại là: Tôi trở nên giàu có bằng cách thức nào? Khi là người giàu có tôi sống thế nào, để sự giàu có và đồng tiền không là ông chủ và tôi là nô lệ, nhưng đồng tiền và sự giàu sang là phương tiện tốt để đưa lại ý nghĩa và giá trị làm người cao quý cho tôi? Phải chăng của cải và tiền bạc tôi kiếm được dù bất nhân hay với nỗ lực của bản thân là của tôi 100%, quyền tư hữu của tôi chẳng dính dáng gì đến người khác, chẳng liên hệ gì với xã hội bên ngoài?
- Hỡi thế gian, tiền là gì?
Trở nên giàu có bằng cách thức nào là một câu hỏi liên hệ đến giá trị của người giàu có. Kẻ cướp nhà băng để trở nên giàu có, người ăn hối lộ để trở nên giàu sụ, kẻ giàu có qua dối trá và giành giật tất cả mọi phần thừa kế cho bản thân mà chẳng màng đến tình máu mủ và còn sẵn sàng giở trò “lưu manh và bạo lực”… Thử hỏi trở nên giàu sang, trở nên đại gia theo những kiểu như vậy có làm cho đời người có giá trị và ý nghĩa đích thật không? Lương tâm dù “có răng hay mất răng” rồi cũng sẽ lên tiếng và trả lời cho những phận người giàu sang theo kiểu bất nhân như thế.
Ngược lại, có những cách trở nên giàu có tích cực, đó là qua cố gắng nỗ lực và hy sinh của bản thân trong công việc hằng ngày, qua tài năng và học vấn được trau dồi bao nhiêu năm với hương vị của “đổ mồ hôi sôi nước mắt”, hay qua sự thừa kế hợp lý và hợp tình với cơ hội may mắn của phận người. Đó là những cách thức giàu sang theo kiểu “đồng tiền liền khúc ruột”, nghĩa là làm ra tiền là một quá trình, do vậy khi xài tiền thì người ta biết trân trọng, và luôn ý thức phải sử dụng sao cho hợp lý, không hoang phí và đưa lại ý nghĩa và giá trị của cuộc sống.
Có tiền rồi, giàu sang rồi, là đại gia rồi, giờ đây đứng trước một thử thách không hề dễ dàng: Làm sao để tôi luôn ý thức không trở nên “kẻ nô lệ” cho đồng tiền và giàu sang. Ngược lại, đồng tiền và giàu có phải luôn đóng đúng vai trò của nó; nghĩa là, nó phải là phương tiện để tôi có thể tìm thấy được ý nghĩa và giá trị đích thực cho cuộc sống. Là con người ai cũng biết tiền bạc luôn là con dao hai lưỡi. Một đàng, tiền bạc giúp con người sống dồi dào và phong phú; đàng khác tiền bạc có thể điều khiển con người và gây ra biết bao nhiêu đổ vỡ và khổ đau.
“Tiền bạc là tên đầy tớ tốt, nhưng là ông chủ xấu”. Thật vậy, tiền bạc có sự hấp dẫn mạnh mẽ, thế lực tiềm ẩn nhưng rất nguy hiểm, nếu người ta trở nên nô lệ cho đồng tiền, nếu người ta không biết dùng đồng tiền cách tốt đẹp nhất. Chúa Giê-su đã khuyến cáo và kêu gọi thật mạnh mẽ: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được” (Lc 16,13). Chúa không cấm chúng ta làm ra tiền. Chúa cũng không cấm chúng ta để dành tiền của trong ngân hàng, mà Chúa nhắc nhớ Ki-tô hữu cần ý thức không được trở nên nô lệ của tiền bạc. Lời của Chúa nói như là một chân lý bất di bất dịch. Chúa cũng mời gọi Ki-tô hữu với sự tự do của mình có một quyết định đúng đắn và luôn ý thức trong phân định, để khôn ngoan chọn lựa và làm tôi của Thiên Chúa, nghĩa là thuộc trọn vẹn về Thiên Chúa.
Khi đã chọn Chúa là chủ của mình, người Ki-tô hữu luôn ý thức và cẩn trọng trong tâm hồn của mình, để tiền bạc không chiếm chỗ thượng phong, chỗ ưu tiên trong trái tim của mình. Khi người Ki-tô hữu đã có Chúa trong trái tim mình, thì luôn ý thức tỉnh táo trước cám dỗ của tiền bạc và sự ảo tưởng hão huyền của tiền bạc hứa hẹn sẽ đưa lại:
“Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” (Lc 12,15).
- Ông nhà giàu và anh chàng nghèo
Lòng tham thì vô đáy. Chúa Giê-su biết rõ tâm trạng và lòng người mềm yếu dễ đi theo khuynh hướng “tham lam”, “gom góp” và “tích trữ”. Tham lam là một trong bảy mối tội đầu. Có nhiều kiểu tham và trong đó nổi bật là kiểu tham lam tiền bạc vật chất. Đi đôi với tham lam là keo kiệt, hà tiện và bủn xỉn. Đó là cách sống ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân và không bao giờ muốn chia sẻ với người khác. Đó là cách sống của người phú hộ. Người giàu sang sẵn sàng chi tiêu thoải mái cho bản thân, nhưng không bao giờ bớt chút tiền dư bạc thừa để giúp đỡ những người nghèo.
Người giàu có tham lam với kho tàng kếch sù, luôn muốn sống trong nhung lụa giàu sang dư giả, lại còn ích kỷ sống trong vỏ bọc an toàn của “kho lẫm” đã được tích trữ. Đó là hình ảnh của một người phú hộ giàu có (đại gia) mà Luca diễn tả:
“Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” (Lc 12,18-19).
Theo lẽ thường tình, thì đại gia này làm rất ok và mọi người thấy chắc là sẽ khen ông ta khôn ngoan, biết hưởng thụ ở hiện tại và biết lo xa cho tương lai. Nhưng truyện đâu có kết thúc ở “cái đầu khôn ngoan” của con người giàu có. Dụ ngôn kể tiếp với lời của chính Chúa nói với “đại gia” tự cho mình là khôn ngoan:
“Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế” (Lc 12,20-21).
Trong dụ ngôn, chúng ta thấy tên của đại gia, của người phú hộ không được nhắc đến. Hay ông ta không có tên? Cha Pierre Cardon de Lichtbuer nói rằng: Người giàu không có tên! Thực chất dụ ngôn nói về một người đã mất linh hồn và tên của mình. Trong Tân Ước những người giàu có xấu xa không có tên. Đó hầu như chỉ là biểu tượng; người giàu có gắn bó với của cải vật chất của mình đến nỗi chính mình trở thành một đồ vật; người ấy đã mất nhân cách của mình. Ôi buồn thay, đại gia không tên! Dù đại gia không có tên, nhưng Thiên Chúa vẫn tìm đến được nơi ông ta sống và “đòi lại mạng” của ông ta, ngay trong đêm “đại gia” tưởng rằng an toàn thư thái hưởng thụ cuộc đời.
Rồi khi đại gia tham lam, ích kỷ và bất nhân chết đi, phận người giàu sang sẽ ra sao? Đọc lại dụ ngôn ông nhà giàu (x. Lc 16,19-31) mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình, nhưng lại ích kỷ không màng tới người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông ta, và mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta, chúng ta nhận ra kết quả của người giàu nhận được sau cái chết. Âm phủ với bao cực hình là chỗ ở của người nhà giàu keo kiệt ích kỷ chỉ sống cho mình, trong khi đó anh La-da-rô nghèo khó đang được nằm trong lòng tổ phụ Áp-ra-ham. Hai bên lại có một vực thẳm thật sâu. Vực thẳm “ngăn chặn” mọi tương quan giữa người bên này với người bên kia. Sự thông tri, thông thương và liên lạc bị ngăn trở hoàn toàn.
Giữa hai bờ vực không có chiếc cầu được xây và bắc qua. Vực thẳm quá lớn, đến nỗi không ai có thể tự mình từ bên này để qua bên kia được. Vực thẳm lớn này được quy định rõ rệt và không ai có thể thay đổi. Như thế, không còn sự thông thương giữa hai bên và anh La-da-rô không thể giúp đỡ người giàu có kia được. Điều này là một sự nghiệt ngã đối với anh nhà giàu. Không biết, đến ngày cánh chung, anh nhà giàu sẽ như thế nào?
- Dùng tiền mua lấy Nước Trời
Thánh Phaolô chia sẻ: “Cái gì chúng ta đem vào thế giới này? Chẳng có gì. Cái gì chúng ta đem ra khỏi thế giới này? Cũng chẳng có gì!” (1Tm 6,7). Như thế, khoảnh khắc được vào đời và khoảnh khắc phải lìa đời “thắm thiết ôm nhau” trong vòng tay của chữ KHÔNG. Chẳng có kho tàng nào của tiền bạc và vật chất có thể “đưa tang” và “đồng hành” với người có của, với đại gia của cuộc đời bước vào cõi chết cả. Vì thế, thật quan trọng và khẩn thiết, để cập nhật hoá, để update lại giá trị cuộc sống và kho tàng đời người, để không mắc sai lầm của người phú hộ và người giàu sang cứ yến tiệc linh đình đến nỗi vô cảm chẳng màng tới người nghèo.
“Không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu”. Đây chính là lời cảnh báo rõ rệt của Chúa Giê-su. Sự bảo đảm cho cuộc sống ai cũng muốn. Nhưng đâu là chỗ để chúng ta có thể dựa vào, để chúng ta có thể tìm sự bảo đảm và an toàn? Hơn nữa, giá trị của con người không nằm ở giá trị của những gì người ấy sở hữu, nhưng ở chỗ người ấy là ai và sống như thế nào. Con người không được đánh giá bằng những gì người ấy có trong tài khoản ngân hàng, nhưng bằng giá trị của trái tim, cuộc sống, các hành vi, các quan hệ với các người thân và với những người đồng loại của mình. Với người Ki-tô hữu, giá trị thật của con người, chính là biết mình được tạo dựng, biết mình là con cái của Thiên Chúa và ý thức tập sống đúng theo tinh thần Chúa dạy.
Tinh thần Chúa dạy dành cho người giàu thì rõ lắm. Dụ ngôn về người giàu có được nhắc ở trên đã đưa ra tinh thần Chúa dạy rồi. Câu truyện người thanh niên giàu có ao ước có sự sống đời đời làm gia nghiệp đến gặp Chúa Giê-su đưa lại một sứ điệp thật rõ ràng. Anh vừa giàu, vừa đạo đức, đến nỗi Chúa thấy và đem lòng yêu mến anh. Nhưng giàu và đạo đức theo chuẩn mực luân lý của người Ít-ra-en thời đó chưa đủ trong đôi mắt của Chúa. Điều quan trọng cuối cùng người thanh niên giàu có kia cần làm là:
“Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” (Mc 10,21).
Chúa đã đặt người thanh niên giàu có trước một thử thách lớn: “Hãy đi bán” của cải vật chất sở hữu. “Hãy cho người nghèo” khổ những gì mình có. Rồi “hãy theo Chúa”. Ba chữ “hãy” giải thoát của Chúa Giê-su dành cho người giàu sang phú quý, dành cho những đại gia của cuộc đời. Nhưng người thanh niên giàu có đã quyết định ra sao?
Ai trong chúng ta cũng biết cái kết của câu truyện là chàng thanh niên giàu có kia đã từ chối ba chữ “hãy” của Chúa, anh ta đã bỏ Chúa Giê-su và về lại với khối tài sản giàu sụ của mình. Không mở lòng thực sự thì hầu bao cũng đóng chặt. Dù đạo đức và dù đã lọt vào đôi mắt tình yêu của Chúa, nhưng người thanh niên kia vẫn không thể vượt qua được thân phận nô lệ của mình: một phận nô lệ cho tiền bạc và vật chất. Điểm tựa an toàn của anh chính là kho tàng kếch xù của anh.
Người thanh niên ra về và anh sa sầm nét mặt. Niềm vui đã tan biến. Khát vọng chân thật mà người thanh niên bộc lộ lúc ban đầu gặp Chúa, bây giờ tàn lụi, tắt ngấm. Nó không còn có thể làm nảy sinh niềm vui đến từ lòng khát vọng sống động. Trình thuật này được viết ra không phải để chúng ta buồn lòng về trường hợp người thanh niên ấy, nhưng để Lời Chúa đánh động tâm hồn ta. Lời Chúa cũng muốn vươn tới khát vọng chân thật của ta, cũng muốn khơi dậy đức tin chân thật nơi ta, cũng muốn đưa ta vào con đường khôn ngoan chân thật, đó là Khôn Ngoan của Thiên Chúa.
Khôn ngoan của Thiên Chúa dành cho người giàu có là biết dùng của cải vật chất để cho đi. Ai càng giàu mà càng cố gắng “xuất hành” ra khỏi cái tôi ích kỷ, ra khỏi đống tiền bạc lớn lao, để rảo bước đến với người nghèo, để chia sẻ lòng thương xót với họ, thì người đó đang trên đường trở thành người khôn ngoan.
Hơn nữa, tất cả những gì người giàu có làm cho người nghèo khó là làm cho chính Chúa nữa, vì người nghèo là hiện thân của Chúa đó mà (x.Mt 25,40). Khi sống được như thế, thì tới ngày Cánh Chung, sự sống đời đời chắc chắn dành cho “con chiên giàu có đạo đức”, đã ý thức sống chia sẻ với những anh chị em nghèo và bất hạnh. Nói khác đi, nếu chàng thanh niên này sống đúng như lời Chúa dạy, thì anh đã đạt được sự sống đời đời. Vâng, vật đặt cược chính là sự sống đời đời. Và cái khó ở đây là phải ưu tiên cho cái vô hình trước cái hữu hình ta đang có. Hơn nữa, sự khôn ngoan của Thiên Chúa dành cho người giàu còn nằm ở tại cửa Thiên Đàng, nơi Chúa sẽ hỏi phận người giàu có về chính tài sản mà Chúa đã trao cho họ để quản lý.
Charles Peguy từng nói rằng khi tiến đến cổng thiên đàng, chúng ta đều sẽ bị hỏi: “Nhưng những người khác đâu? – Mais où sont les autres?” Với Rolheiser, câu hỏi này dành cho cả tính nhân văn và đức tin của chúng ta. Nhưng những người khác đâu? Thật là ảo tưởng và sai lầm khi nghĩ rằng mọi thứ người giàu sang sở hữu do lao công thì phải là của mình. Nghĩ như thế là phải xem lại đời mình. Thân sinh của ông Bill Gates, cách đây hơn 15 năm, đã viết trên tờ Sojourners thách thức không chỉ người con nổi tiếng của mình, mà cả chúng ta nữa, với những lời này:
“Xã hội có quyền rất lớn trên tài sản của người giàu. Điều này không chỉ bắt rễ trong các truyền thống tôn giáo, mà còn trong việc thành thật tính đến sự đầu tư trọng yếu của xã hội để tạo nền tảng màu mỡ cho sự sinh sản của cải. Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo đều xác nhận quyền sở hữu riêng và tài sản riêng, nhưng đặt ra các giới hạn luân lý về quyền sở hữu tuyệt đối. Mỗi truyền thống đều khẳng định chúng ta không phải là cá thể đơn độc mà là những thành phần trong cộng đồng, một cộng đồng có quyền trên chúng ta. Khái niệm ‘cái này hoàn toàn là của tôi’ là một sự vi phạm những lời dạy và truyền thống này.” (Sojourners, tháng 1 đến tháng 2, 2003).
Như thế, phải công nhận rằng điều mỗi người tích lũy được là kết quả không chỉ nhờ lao công của bản thân, mà còn nhờ cơ sở hạ tầng của toàn xã hội mà người đó sống. Do đó, những gì người ta tích lũy được không hoàn toàn là của họ!
Trong kinh Lạy Cha, chúng ta đọc: “xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”. Chúng ta nhận ra đây là một lời kinh ở số nhiều. Điều này có nghĩa gì vậy? Theo Hamman, điều đó muốn dạy ta phải cầu nguyện chung với những người thiếu thốn lương thực hằng ngày, cũng như phải cầu nguyện cho những người ấy. Đừng quên rằng phân nửa thế giới ở trong tình trạng kém dinh dưỡng.
Lời cầu xin này vừa là lời cầu cứu Thiên Chúa, vừa là tiếng gọi những ai đang nắm giữ độc quyền của cải trần gian, vì Thiên Chúa ban cho của cải ấy là ban cho hết mọi người. Đó là lời nhắc nhở những người có của, những nước giàu rằng họ chỉ là người quản lý của Thiên Chúa, họ phải chịu trách nhiệm phân phối của cải sao cho công bình…Khi cầu xin lương thực như thế, người Ki-tô hữu càng đi sâu vào giữa lòng nhân loại hôm nay. Vì thế, với người Ki-tô hữu cần giới thiệu cho mọi người thấy khuôn mặt của Đức Ki-tô, Người là Đấng có đủ mọi sự giàu sang mà lại chấp nhận trở nên nghèo nàn.
Đến đây, có thể người tín hữu giàu sang thấy được chút tinh thần cần sống thế nào, để đời mình có được ý nghĩa. Tuy vậy, có thể họ sẽ lên tiếng:
“Là một doanh nhân có niềm tin vào Chúa, tôi cũng đến với Chúa thường xuyên trong Thánh Lễ Chúa Nhật, vẫn đi hành hương Đức Mẹ Tà Pao mỗi tháng, hành hương Đức Mẹ Bình Triệu mỗi tuần và mỗi năm ít nhất hai lần đến cầu nguyện với cha Trương Bửu Diệp nữa. Rồi cha xứ, Đức Giám Mục hay nhà dòng nào kêu gọi, tôi đều sẵn sàng đóng góp. Nhìn kìa bạn, khi công phúc treo gần đầy một bức tường trong phòng khách. Như vậy chưa đủ sao?”
Ôi đẹp biết bao nhiêu và tốt lành biết chừng nào! Mong sao các tín hữu là đại gia tiếp tục như vậy nhé! Nhưng không chỉ vậy. Chúa còn đòi hỏi hơn nhiều: “Ta muốn lòng nhân từ, chứ không muốn hy lễ” (Mt 12,8).
Lời của Chúa làm chúng ta nhớ lại tinh thần của Đức Khổng Tử: “Người quân tử mà bỏ đức nhân thì làm sao được gọi là quân tử? Người quân tử dù trong một bữa ăn cũng không làm trái điều nhân, dù trong lúc vội vàng cũng theo điều nhân” (Luận Ngữ, IV, 5). Như thế, trong năm đức tính (ngũ thường) người quân tử cần có, theo Khổng Tử, thì lòng nhân đứng hàng đầu.
Trong dòng chảy của cuộc đời, trong hàng hàng lối lối của những chiếc xe sang đưa của lễ đến dâng cho Thiên Chúa, cho Mẹ Maria, con chiên giàu sang của Chúa cần thành tâm và ý thức tự chất vấn mình dưới ánh sáng của Lời Chúa: “Tôi đi hành hương để làm gì? Có phải để tôi xin được bình an, mạnh khoẻ, làm ăn được khấm khá và xuôi chảy, để hầu bao của tôi mỗi ngày thêm ‘phồng to’? Trong chuyến hành hương này tôi sẽ kể cho Chúa nghe về những công phúc tôi đã làm cho các nhà thờ, cho các nhà dòng và chắc là Chúa sẽ phải trả công cho tôi? Tinh thần thờ lạy Chúa có trong cuộc hành hương của tôi không?
Giới răn đầu tiên trong 10 giới răn: ‘Thứ nhất thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự’ tôi thuộc nằm lòng, nhưng giới răn đó có đang cùng hoà nhịp cách sống động với trái tim và đôi tay của tôi không? Nhìn đến của lễ tôi chuẩn bị đang ở trong xe sang của tôi, tôi có thấy lòng nhân của tôi ở trong của lễ không? Thiên Chúa cần đến của lễ giàu sang này hay Người cần gì ở nơi tôi, một người giàu sang có nhiều của cải? Khi tôi dâng của lễ, Thiên Chúa sẽ hỏi tôi điều gì? Khi tôi đóng góp ‘tiền tỉ’ cho nhà thờ và nhà dòng, tôi đang đi tìm gì? Tìm một bản công phúc treo tường cho oai? Tìm một danh tiếng thơm làm cho ‘giá trị’ đại gia được thêm ‘lộng lẫy’? Trước những công phúc tôi làm và trước của lễ sang trọng tôi dâng Chúa, Ngài sẽ cám ơn tôi hay Ngài sẽ đặt lại với tôi những câu hỏi về chính đời sống của tôi có hương vị của tình yêu, của lòng thương xót hay không?”
Thánh Gioan Thánh Giá nói rằng: “Vào xế chiều cuộc sống này, bạn được phán xét về tình yêu”. Vì thế, thật đẹp khi của lễ dâng Chúa và Mẹ Maria của người giàu sang, lúc còn sống ở đời này, mang hương vị của Lòng Thương Xót, của chữ nhân từ là nét đẹp của chính Thiên Chúa và của con cái Người: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36).
Kết
Cám ơn bạn đã đặt câu hỏi thú vị trên. Đó là cơ hội, là động lực thúc đẩy người Ki-tô hữu giàu có của cải vật chất cần ý thức hơn để sống trong sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Đó là sống thanh thoát với tiền bạc vật chất, sống không làm “nô lệ” cho của cải và giàu sang. Sống ý thức trong việc quản lý của cải vật chất mình sở hữu, bằng cách biết dùng của cải và giàu sang không chỉ cho sự sung túc của bản thân, mà còn ý thức hướng về người nghèo khó. Đó là con đường chắc chắn dẫn tới Nước Trời. Ở cửa Nước Trời, mỗi người Ki-tô hữu giàu sang sẽ được Chúa hỏi: “Nhưng những người khác đâu?”
GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 1, Nxb Tôn Giáo, 2020)
#tuongthantuongai