Khi người trẻ nguyện cầu

0
7

KHI NGƯỜI TRẺ NGUYỆN CẦU

Cầu nguyện cho phép chúng ta chia sẻ với Thiên Chúa mọi điều xảy ra cho mình. Cứ mạnh dạn nói với Chúa điều mình cảm thấy, điều mình suy nghĩ, nhất là những khó khăn của mình và người thân.

Các bạn trẻ thân mến,

Là người Công giáo, ít nhiều các bạn đã nghe đến hai chữ: Cầu nguyện. Đây là chủ đề quan trọng nhưng cũng rất rộng lớn. Trong khi suy tư, thao thức để viết cho các bạn trẻ về cầu nguyện, tôi gặp ba bạn trẻ. Tôi hỏi họ rằng: “Theo bạn, thế nào là cầu nguyện? Sau hồi suy nghĩ, mỗi bạn đưa ra câu trả lời ngắn gọn:

  • Cầu nguyện là tạ ơn Thiên Chúa.
  • Cầu nguyện là trò chuyện với Thiên Chúa.
  • Cầu nguyện là kết thân thâm sâu với Chúa

Các bạn nhớ lại đoạn tin mừng Lk 18,9-14 mà tôi “footnote” dưới đây[1]. Trong bài tin mừng này, chúng ta thấy cả hai người cầu nguyện đều nói chuyện với Thiên Chúa. Tuy nhiên, thái độ của hai người hoàn toàn khác nhau. Người Pharisêu tuy có tạ ơn Thiên Chúa nhưng với ý hướng tự hào, nếu không muốn nói là tự cao tự đại. Anh ta muốn chứng tỏ cho Thiên Chúa thấy những công trạng của mình đã làm được. Ngược lại, người thu thuế cầu nguyện với lòng hối lỗi, ý thức thân phận yếu đuối của mình: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Dĩ nhiên chúng ta biết ai là người thực sự cầu nguyện theo đúng ý Thiên Chúa!

Xin cho tôi giải thích rõ hơn về ba câu trả lời của các bạn nữ trên đây.

1. Cầu nguyện là tạ ơn

Nói cách khác, lúc các bạn tạ ơn Thiên Chúa cũng là cầu nguyện. Người lịch sự là người biết cảm ơn khi nhận từ ai đó một món quà. Cũng vậy, Thiên Chúa là đấng sáng tạo, Ngài quan phòng và trao ban rất nhiều món quà tốt nhất cho chúng ta. Người cho quà thì cao trọng hơn món quà. Khi nhận được món quà, chúng ta được thôi thúc để diễn tả lòng biết ơn với Thiên Chúa. Hoặc nói như thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu: “Chúa không đòi ta những công việc lớn lao, mà đơn giản là ta hiến mình cho Chúa và tạ ơn Người. Người không cần việc làm của ta nhưng chỉ cần duy nhất là tình yêu của ta.” (Youcat 341).

Nhiều bạn hỏi rằng: “Tại sao chúng ta phải tạ ơn Chúa?” Giáo hội chia sẻ với chúng ta: “Vì mọi sự ta LÀ và ta CÓ đều do Chúa ban cho. Thánh Phaolô viết: “Có ơn nào anh em không nhận? (1 Cr 4,7). Hãy tạ ơn Chúa, Đấng ban mọi ơn lành, làm cho ta hạnh phúc. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu.” (Youcat 488). Hoặc, “Những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ.” (Kinh Tiền Tụng chung IV).

Ai cũng biết Thánh lễ là đỉnh cao của phụng vụ, bởi Bí tích Thánh Thể được hiểu là lễ tạ ơn. Thánh lễ – Eucharist (Εὐχαριστία) tiếng Hy Lạp là tạ ơn, tiếng dùng để chỉ kinh nguyện tạ ơn trong phụng vụ thời Hội Thánh sơ khởi. Kinh nguyện này đọc trước khi biến đổi bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa Kitô. Về sau Giáo hội dùng chữ này để chỉ việc cử hành thánh lễ.

2. Cầu nguyện là trò chuyện với Thiên Chúa

Tôi cũng như nhiều người trong các bạn cảm thấy cầu nguyện là nói chuyện với chính mình. Ta nói hoặc xin với Chúa điều gì đó, hình như chỉ mình ta nghe được. Đây là một thách đố không nhỏ trong cầu nguyện. Giống như hai người bạn, Chúa cũng muốn ta nói; nhưng quan trọng hơn, Chúa muốn ta lắng nghe nữa. Chẳng hạn như triết gia người Đan Mạch, Soren Kierkegaard chia sẻ rằng: “Cầu nguyện không phải là tự nghe mình nói, cầu nguyện là làm thinh và giữ thinh lặng chờ đợi cho đến khi nghe thấy Chúa.” Có khi chúng ta phải chờ lâu, nhiều lúc chẳng cảm thấy gì trong cầu nguyện…! Không sao! Chính lúc đó cũng là lúc chúng ta cầu nguyện. Nói như thánh Charles de Foucauld: “Cầu nguyện là tưởng nghĩ đến Chúa Giêsu trong tình yêu mến Người. Cầu nguyện là sự chú ý của linh hồn, tập trung vào Chúa Giêsu. Bạn càng yêu mến Chúa Giêsu, bạn càng cầu nguyện tốt hơn.” (Youcat 474).

Là người trẻ, tôi đồng cảm với các bạn về những thách đố trong cầu nguyện. Nhiều bạn không thích ở trong thinh lặng để lắng nghe Chúa. Có cái gì đó không ổn nếu bạn ở trong thinh lặng. Đây là chìa khóa để bạn vượt qua sự sợ hãi này, đó là bạn hãy thinh lặng với Thiên Chúa. Thinh lặng với mục đích cầu nguyện, bạn sẽ cảm thấy thú vị hơn.

3. Cầu nguyện là kết thân với Chúa

Từ hai ý tưởng trên, chúng ta thấy cầu nguyện giúp mỗi người kết bạn được với Chúa. Thiên Chúa của chúng ta không phải là một đối tượng, hoặc một đồ vật. Ngược lại, Thiên Chúa sống động và hiện hữu trong tương quan. Chúa cũng muốn nói chuyện riêng tư với mỗi người. Chúa thực sự muốn gặp gỡ con người. Nhiều lần Chúa đứng ngoài cửa mà gõ, ai nghe tiếng gõ cửa và mở cửa cho Chúa vào, và Chúa sẽ vào và dùng bữa với người đó. (x. Kh 3,20).

Chính khi chúng ta dám ở lại với Chúa, là lúc bạn và tôi đang liên lạc được với Ngài. Đừng quên, chính Thiên Chúa muốn dạy cho chúng ta cầu nguyện. Ngài đủ thông minh và tế nhị để giúp chúng ta tạo tương quan tốt với Ngài. Tôi kinh nghiệm điều này: Mỗi lúc tôi lười cầu nguyện, trong tôi cảm thấy Chúa đang chờ tôi đến gặp Ngài. Thời gian đó như là một cuộc hẹn thú vị của tôi với Chúa. Như vậy không chỉ tôi đến với Chúa, chính Chúa cũng muốn đến với tôi để kết bạn, để được ở cùng tôi.

Cầu nguyện cho phép chúng ta chia sẻ với Thiên Chúa mọi điều xảy ra cho mình. Cứ mạnh dạn nói với Chúa điều mình cảm thấy, điều mình suy nghĩ, nhất là những khó khăn của mình và người thân. Những giây phút thân mật ấy sẽ cho bạn nhận ra Thiên Chúa yêu bạn dường nào. Lý do là Chúa Giêsu trao ban sự sống của Người cho mỗi chúng ta. Như thế nhờ cầu nguyện chúng ta sống hạnh phúc và bình an trong mọi hoàn cảnh. Đây là hoa trái của cầu nguyện.

Các bạn trẻ thân mến,

Chúng ta hãy kết thúc chủ đề này với những tâm tình của Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi cho người trẻ, cho mỗi người chúng ta: “Kitô giáo không phải là một tập hợp các chân lý phải tin, các luật lệ phải tuân theo, và các điều cấm đoán. Nhìn cách này thấy đáng ghét. Kitô giáo là một con người đã yêu tôi rất nhiều và đòi tôi yêu lại. Kitô giáo là Đức Kitô” (Chritus Vivit,156). Theo nghĩa này, Đức Kitô thực sự muốn gặp gỡ tôi và tôi cũng cần gặp gỡ Ngài để: tạ ơn, trò chuyện và tạo tình thân với Ngài. Được như thế, mỗi người trẻ sẽ tìm cho mình một hướng đi tươi sáng, một cuộc đời ý nghĩa và một đảm bảo cho sự sống đời sau.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ(dongten.net)

…………………..

[1] Dụ ngôn người Pha-ri-sêu và người thu thuế

„9 Đức Giê-su còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác:10 “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế.11 Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia.12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.”13 Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.”14 Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”