Chết trong an bình?

0
18

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

Bài 28: CHẾT TRONG AN BÌNH?

Câu hỏi: Tại sao không đồng ý cho những người bị bệnh rất nặng, được tiêm thuốc để chết nhẹ nhàng hơn?

Bạn có bao giờ xem bộ phim Bệnh nhân người Anh (1996) được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của Ondatjee? Đó là một hành trình của các số phận, tình yêu và sự mất mát xảy ra vào thời cuối Thế chiến II ở Ý. Phim kể về một bệnh nhân mà người xem sẽ đau với cái đau của Almásy khi ông bị giam trong tù và biết người yêu Katherine đang chết dần mòn trong hang động vì lỗi lầm của mình. Nhân vật này sống khắc khoải với cơn đau thể chất vì bị phỏng và nỗi đau tinh thần vì cái chết của Katherine. Ông xem như mình đã chết từ lâu, kể từ khi trái tim ông đã chết. Cuối cùng, ông chọn cách nhờ y tá chích mũi thuốc để ra đi…

Trên đây chỉ là một trong nhiều bộ phim nói về vấn đề an tử. Người ta có quyền được chết để ra đi êm ái hơn? Đó có phải là lựa chọn đúng đắn và nên được chấp nhận không? Gây chết êm dịu có thực sự là “liều thuốc nhẹ nhàng” để từ bỏ cuộc sống? Những vấn đề xoay quanh câu chuyện quyền được chết vẫn còn khá nhiều tranh cãi.

  1. Vài thuật ngữ

An tử, gây chết êm dịu nghĩa là “giết vì xót thương” (tiếng Anh: euthanasia). Nó đề cập đến việc thực hành chấm dứt cuộc sống với mục đích giảm thời gian chịu đau đớn về mặt thể lý cho người bệnh. Nếu pháp luật cho phép, cộng thêm sự đồng ý của bệnh nhân và gia đình, bác sĩ có thể thực hiện việc kết thúc sự sống người bệnh bằng biện pháp không gây đau.

Trợ tử (assisted suicide) là việc tự sát được cam kết bởi người nào đó với sự trợ giúp từ người khác, để chấm dứt sự đau đớn từ bệnh tật thể lý trầm trọng. Trợ tử là hành vi mà người trợ giúp cho bệnh nhân đủ nhận thức và để gây ra việc tự kết liễu đời mình. Ví dụ bác sĩ kê đơn theo yêu cầu của bệnh nhân liều thuốc tử vong[1].

Để dễ hiểu, trợ tử là có sự trợ giúp của bác sĩ; còn an tử thì bác sĩ là người thực hiện hành vi cuối cùng, thường với một mũi tiêm.

Vấn đề bạn hỏi đã là cuộc tranh luận từ rất nhiều năm nay quanh các quan niệm luân lý, tôn giáo và pháp lý.

Ở Việt Nam, quyền an tử hay trợ tử được đề cập với nhiều ý trái chiều từ hơn 10 năm nay. Cho tới nay, pháp luật Việt Nam không cho phép gây chết êm dịu hay trợ tử. Điều 101 luật hình sự 2009 quy định “Tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát, hoặc việc đưa ra quyền được chết là vi phạm điều luật này.”

Tuy vậy, vài nước trên thế giới đã chấp thuận đạo luật cho an tử hoặc trợ tử. (Bỉ, Luxembourg, Hà Lan,Thụy Sĩ, Argentina,…).

  1. Quan điểm ủng hộ gây chết êm dịu

Cái chết, nói tới người ta đã sợ. Ở đây nó được mặc cho cái tên mỹ miều: an tử, trợ tử. Người ta vẫn có lý ở một góc độ nào đó, khi cho rằng việc kết thúc sự sống là một cách tránh cho bệnh nhân những đau đớn mà họ phải chịu. Cũng có những luận điệu ủng hộ như sau:

– Quyền tự do: Quyền được chết nên được xem như các quyền cơ bản khác. Thể hiện quyền tự quyết định cuộc sống, kiểm soát vận mệnh, cách thức và phương pháp chết của mình là vấn đề do cá nhân tự chủ.

– Chất lượng cuộc sống: Chỉ có bệnh nhân mới thực sự biết bản thân cảm thấy thế nào. Nỗi đau về thể xác và tinh thần có thể khiến cuộc sống chỉ còn là chịu đựng. Việc sớm kết thúc sẽ khiến họ đỡ dằn vặt về thể xác lẫn tâm lý.

– Điều kiện thực tế: Đối với những người bệnh không còn thuốc chữa thì việc duy trì cuộc sống chỉ là thời gian. Chi phí điều trị hay sự chăm sóc của người thân không thể cứu vãn tình hình.

– Chấm dứt đau đớn: Không chỉ cho người bệnh mới cảm nhận mà thân nhân cũng phải qua những cảm xúc bi lụy, buồn bã.

  1. Quan điểm phản đối an tử, trợ tử

Về tổng quan, quyền được sống, tự do,…đã quy định trong Hiến pháp các nước. Họ quy định sinh mạng là bất khả xâm phạm; nếu thi hành an tử sẽ mâu thuẫn vì người này có thể tước đoạt sinh mạng người khác.

Hầu hết người ta đều xác tín rằng sinh mệnh là do Tạo Hóa ban tặng. Do đó không ai có quyền chấm dứt sự sống. Dưới đây là chút tóm gọn mà bạn có thể đọc thêm trên wikipedia (Quyền được chết). Những người phản đối cái chết êm dịu cho rằng:

Về pháp luật, có thể xảy ra trường hợp:

– Con cháu bệnh nhân thông đồng với bác sĩ sửa bệnh án hoặc cưỡng ép ông bà bị bệnh ký giấy nhằm thi hành “án tử” để tránh nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc tranh giành tài sản.

– Lợi dụng để giết người có chủ ý mà không bị trừng phạt (thí dụ: dùng vũ lực hoặc tình trạng không tỉnh táo của bệnh nhân – trong hoàn cảnh bệnh nhân bị bệnh tật dày vò, không đảm bảo trí óc hoàn toàn minh mẫn để tự quyết định – ép họ ký vào giấy).

Người bệnh chọn cái chết (dù bệnh có thể chữa) để trốn nợ hoặc gian lận bảo hiểm.

Về y tế:

– Nếu bệnh đó có cách chữa trong tương lai gần, áp dụng an tử thì bệnh nhân không còn cơ hội. Nếu thi hành sẽ dẫn tới bệnh nhân không có tinh thần đấu tranh với bệnh tật, việc chữa trị sẽ giảm hiệu quả.

– Bác sĩ Huỳnh Văn Bình, chuyên ngành ung bướu, chia sẻ: “Chẩn đoán có tỉ lệ sai sót không mong muốn, không chính xác tuyệt đối, phụ thuộc vào trình độ chuyên môn của bác sĩ, trang bị kỹ thuật của bệnh viện. […] Làm sao chắc ‘quyền được chết’ thực hiện đúng người?”

Về đạo đức, xã hội:

– Việc ký giấy an tử đối với người bệnh để lại hối hận cho người thân. Nếu người thân của họ bất đồng về an tử, dẫn tới rạn nứt tình cảm gia đình, thậm chí căm hận nhau.

– Người trực tiếp tiến hành an tử gánh chịu di chứng tâm lý vì hành động của họ là tước đoạt sinh mạng. Nếu thân nhân không đồng ý, người tiến hành an tử có thể bị trả thù.

– Việc cho phép này làm “bình thường hóa”, vô tình cổ súy suy nghĩ về nạn tự sát (ai cũng có thể chọn như biện pháp giải quyết bế tắc mà không có nghị lực vươn lên, không quan tâm nỗi đau của người thân); dù không bị nan y nhưng chỉ cần thấy bế tắc trong cuộc sống… đã vội tìm cái chết (nhất là ở nước nghèo có hệ thống an sinh kém)[2].

Với những lý do trên, ông bà ta nói có nghĩa tình: “còn nước còn tát”. Hoặc trong vai trò y bác sĩ, hy vọng ai cũng trung thành với lời thề Hippocrates. Chẳng hạn, “Tôi sẽ kê toa vì lợi ích của bệnh nhân, tùy theo khả năng và thẩm định của tôi, và không bao giờ làm hại ai.” Y đức Đông phương cũng chủ trương thầy thuốc đem hết tài trí cứu bệnh nhân đến hơi thở cuối cùng. Họ nỗ lực “tìm sự sống trong cái chết”; họ không thể thay Đấng Tạo Hóa giết người dù nhân danh lòng thương xót. Đáng mừng!

  1. Giáo Hội Công Giáo nói gì về vấn đề này?

Dĩ nhiên “Giáo Hội bảo vệ quyền được sống, vì liên quan đến Đấng ban sự sống, vì tôn trọng sự thiện hảo thiết yếu của nhân vị.”[3] Sự sống con người là thánh thiêng và bất khả xâm phạm vì mang hình ảnh Thiên Chúa và được chính Ngài giữ gìn chăm sóc. Sự sống và sự chết đều do chính Đấng Tạo Hóa và chỉ mình Ngài làm chủ (x. EV 47)[4].

Từ khởi thủy cho đến nay, những thực hành của Kitô hữu là một truyền thống dài về phục vụ bệnh nhân. Từ những dưỡng đường cổ xưa cho những khách ngoại kiều đến nhà thương phức hợp đầu tiên, chứng từ của Kitô hữu nhịp bước song hành với sự ân cần chăm sóc đối với các bệnh nhân, đặc biệt tại các nhà dòng, cơ sở Công Giáo,…

ĐGH Gioan Phaolô II nhắc nhở: dù bệnh nhân có thể tự nguyện xin được chết, thầy thuốc nên nhìn thấy nhu cầu sâu xa hơn của người bệnh ẩn dấu bên dưới: nỗi cô đơn, sợ hãi, cần được giúp đỡ thể xác và tinh thần, giảm đau đớn và được yêu thương. Ngài tuyên bố: “Tôi xác nhận làm chết êm dịu là vi phạm nặng nề luật Chúa, là giết người cách cố ý. Giáo lý này dựa trên luật tự nhiên và Lời Thiên Chúa đã được viết ra, được lưu truyền trong Truyền Thống Giáo Hội và được giảng dạy bởi Huấn Quyền phổ quát và thông thường.” (x. EV 65–67).

Đồng thời Giáo Hội quan niệm: Những người đau yếu, khuyết tật cần được nâng đỡ để sống đời bình thường như có thể được. Không thể chấp nhận việc trực tiếp làm cho họ chết êm dịu, dù với bất cứ lý do hay phương tiện nào, vì nó nghịch với phẩm giá con người[5].

Vậy bạn có thể trả lời câu này: một em bé sinh ra với dị tật. Cha mẹ hay bác sĩ có quyền “giúp” bé chết hay không? Vì nếu cho phép thầy thuốc theo yêu cầu bệnh nhân kết liễu mạng sống, thì sự việc không dừng lại ở đó. Người ta sẽ bị kéo trượt trên con đường ấy để đưa cả những bệnh nhân vô phương cứu chữa nhưng không sắp chết, bệnh nhân tình trạng thực vật vĩnh viễn, trẻ sơ sinh khuyết tật, người lão suy, người thiểu năng tâm lý,…

Ai cũng biết khao khát được sống luôn là mong muốn mãnh liệt. Mỗi người đứng ở góc độ khác nhau sẽ có những ý kiến về quyết định liên quan trực tiếp đến mạng sống của mình. Thay vì nghĩ đến cái chết khi bế tắc, chúng ta có thể tìm đến bạn bè và người thân để tìm động lực sống. Tình cảm yêu thương sẽ trở thành sức mạnh giúp chúng ta đi qua giai đoạn khó khăn và tìm được quyết định đúng đắn nhất. Hạnh phúc thay, người Công Giáo còn có Chúa làm nơi tựa nương.

Ước chi giờ cuối của mỗi người như lời Bài hát Đi Trong An BìnhGiêsu, tay Người nhẹ đỡ nâng… dương gian nở trăm lối đưa ta về quê nhà… tình yêu Chúa luôn bao bọc… ra đi với mặt trời trong trái tim… người hãy nhớ mang theo tình yêu Cha… và gieo lời ca… nguyện cầu Giêsu, Người dẫn lối ta… đưa ta về quê trời…(nhạc Peter C. Lutkin, lời Việt Nguyễn Quốc Đoạt)

Hy vọng chút chia sẻ trên đây sáng lên vấn đề mà bạn hỏi!

Phương An, CND

(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 2, Nxb Tôn Giáo, 2020)

WHĐ (15.11.2021)

[1] x. Lm Phêrô Trần Mạnh Hùng, Phân biệt giữa an tử và trợ tử (2015), Nxb Tôn Giáo.

[2] Trương Hồng Quang (2012), Bước đầu tìm hiểu vấn đề quyền được chết trong bối cảnh hiện nay, trong cuốn Những vấn đề lý luận và thực tiễn về các quyền mới xuất hiện trong quá trình phát triển, Nxb. Khoa học xã hội.

[3] Gioan Phaolô II, “Celebrate Life”, trong The Pope Speaks 24 (1979), 372.

[4] Evangelium Vitae, bản dịch của Trần Như Ý Lan, CND.

[5] x. Trần Như Ý Lan, Đức tin và luân lý sự sống: nhận định vài vấn đề luân lý y sinh học tại Việt Nam trên quan điểm y khoa và luân lý Công Giáo, Đăng trong Thời Sự Thần Học, Trung tâm Học vấn Đa Minh.

#chettronganbinh #giaidapthacmacchonguoitreconggiao