Thiên Chúa đã thương xót chúng ta vì Ngài mong muốn chúng ta luôn biết thương xót. Chúng ta hãy để cho trái tim của mình được thật sự rung động trước những bất hạnh hay khổ đau của tha nhân.
Một cú điện thoại, một lá thư, hay một tin nhắn… là những phương tiện mà con người chúng ta dùng để truyền tải một thông điệp nào đó. Thông điệp đó có thể nhằm xúc tiến một công việc, hoặc trao phó một trách nhiệm; đôi khi nó lại là những hàn huyên tâm sự, hoặc một sự giải tỏa những nỗi niềm lo lắng; nhiều lúc chỉ là những cuộc trò chuyện tán gẫu, thậm chí chẳng mang lại lợi ích gì. Dù là thế nào, chúng ta vẫn nhận ra rằng mình rất cần những mối tương quan. Sự tương quan giúp chúng ta khám phá ra cái đẹp và cái xấu hiện hữu nơi chính mình. Chúng ta thường dựa vào những cái đẹp, hay nói cách khác là những mặt tốt của người xung quanh, để nhờ họ giúp chúng ta giải quyết những vấn đề của mình. Ngược lại, những điểm sáng của chúng ta sẽ là gì, để có thể giúp ích cho tha nhân? Đó là điều mà chúng ta cần phải có, như là cách chúng ta sống lòng thương xót trong Năm Thánh này.
Thiên Chúa đã thương xót chúng ta vì bản chất của Ngài là thương xót. Còn chúng ta, chúng ta thể hiện tình thương xót anh em vì những gì hiện hữu nơi chúng ta. Thế nên, chúng ta hãy mang chính hình ảnh của Thiên Chúa nơi những gì chúng ta thể hiện với anh em. Điều này không dễ để có được ngay, nhưng đòi hỏi ở chúng ta một sự cố gắng và quyết tâm. Tôi nhớ có lần, một bác xe ôm chạy đến nhà tôi và trao cho tôi một lá thư. Bác ấy ngại ngùng chẳng nói điều gì, chỉ trao rồi lẳng lặng dắt xe đi. Tôi mở lá thư ra đọc và rất ngạc nhiên bởi bác chính là tác giả của lá thư ấy. Bác trình bày hoàn cảnh rằng: một bàn tay của bác bị cụt bốn ngón, vì vậy việc chạy xe ôm rất khó khăn; bác phải dùng chính bàn chân của bác để nắn nót viết những dòng chữ này cho tôi, và xin tôi giúp đỡ cho một khoản viện phí bác cần phải trang trải… Đọc xong lá thư ấy, lòng tôi nặng trĩu! Chẳng phải vì cái cảm giác bị làm phiền, mà bởi vì những nét chữ ấy được gởi cho tôi bằng tất cả sự trân trọng của một người mà tuổi đời lớn hơn tôi rất nhiều. Hẳn là bác phải mất khá nhiều thời gian để vận dụng những ngón chân của mình mà diễn tả tâm tư của bác. Tôi vội vàng bước ra cửa với hy vọng bác vẫn còn đứng đó. Bất chợt, cái cảm giác lo lắng xuất hiện trong tôi. Nếu bác ngại ngùng không còn đứng ở đó thì sao? Hay nếu bác đang đứng chờ tôi, thì tôi sẽ làm gì? Liệu bác ấy có thành thật không?… Khựng lại trước cánh cửa, tôi thầm thỉ với Chúa, xin Ngài soi sáng cho tôi để tôi biết phải làm gì. Mở cửa ra, tôi thấy bác vẫn còn đứng đó với sự e dè đáng kể, tôi mời bác vào nhà và bắt đầu câu chuyện… Quả thật, chúng ta không thể tự mình đánh giá được cái thực, hư của sự việc; và ngay cả khi đánh giá được, lòng chúng ta cũng không dễ dàng trải ra trước cái khó khăn thật sự của tha nhân. Những lúc như thế, chúng ta chỉ biết nại đến sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Chắc chắn sống lòng thương xót luôn là điều Ngài mong muốn nơi chúng ta. Sống như thế nào cho đúng và đẹp còn là điều mà chúng ta rất cần Ngài chỉ dẫn nữa.
Thiên Chúa đã thương xót chúng ta vì Ngài mong muốn chúng ta luôn biết thương xót. Chúng ta hãy để cho trái tim của mình được thật sự rung động trước những bất hạnh hay khổ đau của tha nhân. Để làm được điều ấy, chúng ta hãy biết thật lòng trước hết với chính bản thân mình. Hãy nhìn lại một chặng đường đã qua! Có bao giờ chúng ta nhận ra một điều gì đó đã đánh động cõi lòng mình vì sự can thiệp của chính Thiên Chúa? Được đón nhận một ân huệ lớn lao về sự tha thứ của Thiên Chúa, được giải thoát khỏi một căn bệnh hay một bất ổn nào đó, được trở về hay tìm được một điều quý giá… chúng ta có hoan hỉ vui mừng thật sự trong Chúa hay không? Chúng ta có hạnh phúc vì Ngài yêu chúng không? Chúng ta có giống như Giakêu sẵn sàng chia sẻ, hay Phêrô sẵn sàng sống chết vì Chúa không? Tất cả đều phải phát xuất từ trong sâu thẳm tâm hồn chúng ta mối tương giao với Thiên Chúa, để rồi chúng ta đến với anh em bằng chính mối tương giao ấy. Tôi chẳng thể giúp đỡ cho bác xe ôm ấy, nếu tôi không nhận ra rằng Chúa đã ban cho tôi quá nhiều. Tôi chẳng thể rộng tay hơn với điều nhỏ bé mà bác ấy xin, nếu tôi không cảm được rằng Chúa đã cho tôi nhiều hơn những gì tôi đã cầu xin Ngài. Tôi cũng chẳng thể trân trọng tất cả những khiếm khuyết nơi con người bác, nếu tôi chưa lần nào sống trong tâm trạng của người Con Thứ, được đón nhận sự tha thứ của Người Cha. Đặt mình trong tất cả những hoàn cảnh ấy chính là nhìn lại tất cả tương quan của mình với Thiên Chúa và với tha nhân. Nếu chúng ta nhận ra được Thiên Chúa thương xót chúng ta như thế nào, chắc chắn chúng ta sẽ hiểu được tha nhân cần gì ở chúng ta.
Một cú điện thoại đầy nước mắt của anh em tôi ư? Họ chỉ cần tôi lắng nghe bằng tất cả con tim và dâng lời cầu nguyện cho họ là đủ. Một lá thư đầy những nỗi niềm trăn trở và lo lắng ư? Họ cần ở tôi một sự đồng hành chia sẻ và hiệp ý với họ trong tất cả những lời nguyện xin. Một tin nhắn với những bức xúc và giận hờn ư? Hãy xoa dịu lòng họ bằng sự tha thứ của Thiên Chúa và một tình yêu được gửi gắm từ trái tim chúng ta cho họ. Một cuộc tán gẫu hay một buổi trò chuyện ư? Hãy học nơi tha nhân những gì tốt đẹp mà Thiên Chúa đã ban cho họ, để chúng ta cũng biết thể hiện những nét đẹp mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Đó là cách mà chúng ta sống lòng thương xót như Chúa hằng mong muốn!
Therese Trần Thị Kim Thoa