Người trẻ với đời sống hôn nhân

0
309
Kết quả hình ảnh cho người trẻ với đời sống hôn nhậnBế mạc Đại hội lần thứ XIII (từ 3/10 đến 7/10/2016), Hội đồng Giám mục Việt Nam đã gửi Thư Chung (đề ngày 7/10/2016) đến cộng đồng Dân Chúa. Thư Chung dẫn chứng ĐGH Phan-xi-cô trong Tông huấn Niềm Vui Tình Yêu “Amoris Lætitia” (ban hành ngày 8/4/2016) đã nhấn mạnh đặc biệt đến lãnh vực “Ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong thế giới ngày nay”. Hội đồng GMVN nhận định kết hôn là một quyết định rất quan trọng, vì thế cần được chuẩn bị chu đáo hết sức có thể. Cần khuyến khích người trẻ tham dự những lớp chuẩn bị hôn nhân. Từ nền tảng đó, hình thành chủ đề mục vụ dành cho chu kỳ 3 năm (2017-2019): * Năm 2016-2017: Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân; * Năm 2017-2018: Đồng hành với các gia đình trẻ; * Năm 2018-2019: Đồng hành với những gia đình gặp khó khăn.
Sau đó, HĐGMVN giới thiệu logo chính thức cho Năm Mục vụ 2017 với chủ đề “Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân”. Logo lấy ý tưởng từ hình ảnh 3 thế hệ trong gia đình: ông bà, cha mẹ và con cái như là một biểu tượng truyền thống của gia đình Việt Nam với nhiều thế hệ. Và hình ảnh đó được bao bọc bởi trái tim như là biểu tượng của tình yêu – nền tảng cơ bản đầu tiên của gia đình. Thiết kế logo toát lên được hình ảnh của gia đình Thánh Gia là khuôn mẫu trọn hảo cho mọi gia đình Công giáo. Gói trọn trong hình ảnh trái tim, còn có thể thấy hình ảnh của ba thế hệ: ông bà, cha mẹ, và con cái phản ánh hình ảnh của Thánh Gioakim và Thánh Anna trong gia đình Thánh Gia, phần nào đó nói lên tình yêu, niềm vui đoàn tụ, hiệp nhất của các thành viên trong gia đình và sự kết nối trọn hảo của Thiên Chúa Ba Ngôi (xc “Giới thiệu Logo chính thức cho Năm Mục vụ Gia đình 2017” của VP/HĐGMVN). Có một điều đặc biệt là tiêu đề của logo “NIỀM VUI TÌNH YÊU GIA ĐÌNH” đã gói ghém trong đó chủ đề của Tông huấn “NIỀM VUI TÌNH YÊU – AMORIS LÆTITIA”.
Trên nền tảng “Niềm Vui Tình Yêu Gia Đinh”, Thư Chung tập trung vào chủ điểm: “Những lớp chuẩn bị hôn nhân cần phải được đào sâu nhận thức thông qua 4 bước cụ thể: 1- Hiểu biết ý nghĩa của ơn gọi hôn nhân; 2- Dẫn vào bí tích Hôn Phối; 3- Tạo cơ hội cho đôi bạn thảo luận với nhau; 4- Giúp đôi bạn tìm hiểu trước những vấn đề và khó khăn có thể xảy ra.” Xin cùng tìm hiểu vấn đề:
I- Hiểu biết ý nghĩa của ơn gọi hôn nhân:
1- Hôn nhân trong chương trình của Thiên Chúa theo giáo huấn của Hội Thánh: Khi Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của Thiên Chúa, có nam có nữ trở nên một xương một thịt với nhau, Thiên Chúa đã ghi dấu nơi đó những khả năng và trách nhiệm để mời gọi con người sống tình yêu và hiệp thông theo mầu nhiệm Hiệp thông trong Tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chính tình yêu thương đã trở nên căn tính bẩm sinh của con người. Con người có hồn và xác, là đỉnh cao của công trình sáng tạo của Thiên Chúa trước toàn thể tạo vật hữu hình. Con người được khai sinh từ lời mời gọi bước vào sự hiện hữu nam nữ bình đẳng với nhau. Từ đó con người được cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo của Người (“các con hãy sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất và thống trị mắt đất” – St 1, 28).
Hiến chế Mục vụ “Gaudium et Spes” (số 48) đã khẳng định: “Đấng Tạo Hóa đã thiết lập và ban những định luật riêng cho đời sống chung thân mật và cho cộng đoàn tình yêu vợ chồng. Đời sống chung thủy này được gầy dựng do giao ước hôn nhân, nghĩa là sự ưng thuận cá nhân không thể rút lại. Như thế, bởi một hành vi nhân linh, trong đó, hai vợ chồng tự hiến cho nhau và đón nhận nhau, nhờ sự an bài của Thiên Chúa, phát sinh một định chế vững chắc có giá trị trước mặt xã hội nữa. Vì lợi ích của lứa đôi, của con cái và của xã hội, nên sợi dây liên kết thánh thiện này không lệ thuộc sở thích của con người. Chính Thiên Chúa là Đấng Tác Tạo Hôn Nhân, phú bẩm những lợi ích và mục tiêu khác nhau.” Đồng một quan điểm, Đức Chân phước Giáo Hoàng Phao-lô VI cũng xác nhận trong Thông điệp “Humanæ Vitæ” (Sự Sống Con Người): “Hôn nhân không phải do ngẫu nhiên hay do sự biến hóa của các sức mạnh vô tri trong thiên nhiên tạo thành. Hôn nhân là do một sự sắp đặt khôn ngoan của Đấng Tạo Hóa để thực hiện ý định yêu thương của Ngài giữa nhân loại.”
2- Phẩm giá và vẻ đẹp của hôn nhân: Tông huấn Gia Đình “Familiaris Consortio” (số13) đã nhấn mạnh đến phẩm giá cao quý của hôn nhân: “Tình yêu vợ chồng bao gồm một tổng thể trong đó có đủ mọi yếu tố cấu tạo nên ngôi vị: tiếng gọi của thân xác và của bản năng, sức mạnh của cảm tính và của lòng yêu mến, khát vọng của tinh thần và của ý chí; tình yêu thương ấy nhắm đến một sự hiệp nhất sâu xa về ngôi vị, không chỉ là sự kết hiệp thành một thân xác, nhưng là sự hiệp nhất đến độ chỉ còn một trái tim, một linh hồn; tình yêu ấy đòi hỏi sự bất khả phân ly và trung tín trao hiến cho nhau một cách dứt khoát, nó moi ra cho việc sinh sản. Tắt một lời, đó chính là những yếu tố thông thường của tình yêu vợ chồng nhưng với một ý nghĩa mới mẻ, một ý nghĩa không chỉ thanh luyện và củng cố những yếu tố ấy, nhưng còn nâng chúng lên cao đến độ biến chúng thành lời diễn tả những giá trị đặc biệt của Ki-tô giáo.”
Cứ nhìn vào vũ trụ cũng đủ thấy vẻ đẹp lộng lẫy trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Đến như việc sáng tạo con người có nam có nữ và đặt họ vào trong Bí tích Hôn phối thì càng thấy mầu nhiệm sáng tạo vô cùng kỳ diệu. Quả thật Bí tích Hôn Nhân là một hành vi nhân linh có một phẩm giá lớn lao của niềm tin và tình yêu: nó làm chứng cho sự can đảm để tin vào vẻ đẹp của hành vi sáng tạo của Thiên Chúa và chính tình yêu đó thúc đẩy con người vượt ra khỏi chính bản thân và cũng vượt ra khỏi chính gia đình, để sống chan hòa trong đại gia đình Dân Chúa. Từ ơn gọi Ki-tô hữu tiến đến ơn gọi Hôn nhân, biểu hiện cụ thể nền tảng của một khế ước – một giao ước – như kết ước giữa Đấng Hôn phu Giê-su Ki-tô với Giáo hội.
Trong chiều sâu của mầu nhiệm sáng tạo, một chân trời lớn lao thứ hai mở ra mang nét đặc trưng là Bí tích Hôn nhân. Phẩm giá cao quý của hôn nhân chính là đôi bạn dứt khoát quyết định để “kết hôn trong Chúa”. Điều đó cũng hàm chứa một chiều kích sứ vụ, nghĩa là có trong tâm hồn thiện chí để nên như thế thông qua phúc lành của Thiên Chúa và ân sủng của Người được san sẻ cho tất cả mọi người. Thực ra, các đôi bạn Ki-tô giáo dự phần thật nhiều vào sứ vụ của Giáo hội; vì thế, lòng can đảm thật là cần thiết để yêu thương nhau như Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh, nên để quảng bá vẻ đẹp hôn nhân, lòng can đảm thật cần thiết cho việc này.
            3- Ý nghĩa sâu xa của tính dục:  Thánh Phao-lô đã dạy: “Vợ không có quyền trên thân xác mình, nhưng là chồng; cũng vậy, chồng không có quyền trên thân xác mình, nhưng là vợ. Vợ chồng đừng từ chối nhau, trừ phi hai người đồng ý sống như vậy trong một thời gian, để chuyên lo cầu nguyện; rồi hai người lại ăn ở với nhau, kẻo vì hai người không tiết dục nổi mà Satan lợi dụng để cám dỗ.” (1Cr 7, 4-5).
Quan điểm Ki-tô giáo xác nhận thân xác và tính dục là công trình của Đấng Tạo Hóa, nó là quà tặng lớn lao đặt để trong thân xác con người khả năng sinh sản, cho con người tham dự vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Tính dục như một thứ tinh thần nhập thể trong con người. Cần phân biệt “Tính dục” và “Tình dục”: Phạm vi “Tình dục” (情 欲) chỉ giới hạn trong tình yêu (eros) nam nữ (sự ham muốn chiếm đoạt thân xác); còn “Tính dục” (性 欲) thì phạm trù bao quát hơn, đó là tình bác ái (agape) là thành phần căn bản của cá tính, cách thức tự thể hiện, giao tiếp với kẻ khác, cách thức cảm nghiệm, diễn tả và sống tình yêu nhân bản. Tính dục tự nó có bản chất hướng đến tương quan liên vị hay hiệp thông nhân vị. Tính dục của con người là một điều thiện hảo được tặng ban từ Đấng Tạo Hóa. Tính dục là ngôn ngữ của tình yêu vợ chồng, giúp vợ chồng thông hiệp với nhau, đem lại cho nhau niềm hoan lạc chính đáng và trao ban một sự sống khác.
            4- Trách nhiệm xây dựng một gia đình mới: Trách nhiệm là làm tròn nghĩa vụ, bổn phận, dám đối mặt với kết quả hành động bản thân quyết định. Trách nhiệm người Ki-tô hữu đối với gia đình có tính cách Hội Thánh riêng biệt và độc đáo (Tông huấn “Familiaris Consortio”, số 49-50). Gia đình này được Bí tích Hôn Phối thiết lập. Bí tích Hôn Phối làm cho đôi bạn và cha mẹ Ki-tô hữu có khả năng sống ơn gọi giáo dân, vì đó là trách nhiệm của họ, và do đó có khả năng “tìm kiếm nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa… Vì thế, họ có nhiệm vụ đặc biệt soi sáng và xếp đặt những thực tại trần gian có liên hệ mật thiết với họ, để chúng không ngừng phát triển và bành trướng theo Thánh Ý Chúa Ki-tô, hầu ca tụng Ðấng Tạo Hóa và Ðấng Cứu Ðộ.” (Hiến chế. Tín Lý về Giáo Hội “Lumen Gentium”, số 31).
Như vậy, gia đình Ki-tô hữu được mời gọi làm chứng cho mọi người thấy sự tận tâm quảng đại và vô vị lợi của mình đối với những vấn đề xã hội, mà ưu tiên là lo cho những người nghèo và những người bị bỏ rơi. Chính vì thế, khi bước theo Chúa trong một tình yêu thương đặc biệt đối với tất cả mọi người nghèo, gia đình Ki-tô hữu phải lưu tâm riêng đến những ai đói khát, túng thiếu, già cả, những ai bị đau ốm, nghiện ngập hoặc không có gia đình. Giữa các trách nhiệm căn bản của gia đình Ki-tô hữu, có một trách nhiệm có thể nói là có tính cách Hội Thánh, vì trách nhiệm này đặt gia đình vào chỗ phục vụ cho việc xây dựng Nước Thiên Chúa trong lịch sử, bằng cách dự phần vào cuộc sống và sứ mạng của Hội Thánh.
Để hiểu rõ việc tham dự ấy hệ tại ở đâu, bao gồm những gì và có đặc điểm nào, cần tìm hiểu những liên hệ sâu xa nối kết Hội Thánh với gia đình Ki-tô hữu và làm cho gia đình này trở thành một “Hội Thánh thu nhỏ” (Ecclesia domestica), đến nỗi, theo cách của nó, gia đình là một hình ảnh sống động và là một biểu hiện lịch sử của chính mầu nhiệm Hội Thánh. Vì thế, trách nhiệm xây dựng gia đình có tính cách Hội Thánh riêng biệt và độc đáo như Tông huấn “Familiaris Consortio” (số 50) khẳng định: “Gia đình Ki-tô hữu được mời gọi góp phần tích cực và có trách nhiệm vào sứ mạng của Hội Thánh với một tư thế riêng biệt và độc đáo, bằng cách tự đặt mình phục vụ Hội Thánh và xã hội cả từ trong yếu tính lẫn trong hành động của mình, với tư cách là một cộng đồng thân mật của sự sống và tình yêu.”
Sau khi đã xác định nền tảng cho phép các gia đình Ki-tô hữu tham dự vào sứ mạng của Hội Thánh như thế, việc quan trọng bây giờ là đưa ra ánh sáng những gì hàm chứa trong sự tham dự ấy, theo ba sự qui chiếu, mà thật ra chỉ là một, tức là qui chiếu vào Đức Giê-su Ki-tô, trong tư cách là tiên tri, là tư tế và là vua (ngôn sứ, tư tế, vương giả), bằng cách trình bày gia đình Ki-tô hữu như là :
a. Cộng đồng tin và loan báo Tin Mừng.
b. Cộng đồng đối thoại với Thiên Chúa.
c. Cộng đồng phục vụ con người.
II- Dẫn vào bí tích Hôn Phối:
Thư Chung 2016 nhắc nhở: Dẫn vào bí tích Hôn Phối, giúp đôi bạn đón nhận bí tích cách xứng đáng và có khởi đầu vững chắc cho đời sống gia đình. Bí tích Hôn Phối không chỉ là thời điểm cử hành hôn lễ, nhưng là thực tại tác động toàn bộ đời sống hôn nhân. Vì thế, phải giúp họ cử hành bí tích Hôn Phối như một kinh nghiệm đức tin sâu xa và trân trọng ý nghĩa của từng lời nói và dấu chỉ trong cử hành bí tích.
Giáo luật điều 1055 §2 đã xác nhận: “Chúa Ki-tô đã nâng giao ước hôn nhân giữa hai người đã được Rửa tội lên hàng Bí tích” [Bí: kín đáo, bí nhiệm; Tích: dấu chỉ, dấu tích. Bí Tích là dấu ấn bề ngoài (thân xác) Ðức Giê-su đã lập để ban ơn bề trong (linh hồn) cho người tín hữu]. Hiến chế về Mục vụ “Gaudium et Spes” (số 48) giải thích rõ ràng về bí tích Hôn Phối: “Chúa Ki-tô ban dồi dào ơn phúc cho tình yêu muôn hình ấy, một tình yêu phát xuất từ nguồn mạch tình yêu Thiên Chúa và được tác thành theo gương của Chúa Ki-tô và Giáo Hội. Thực vậy, như xưa kia Thiên Chúa đến gặp gỡ dân Ngài bằng một giao ước yêu thương và trung thành, ngày nay Đấng Cứu Thế, Bạn Trăm Năm của Giáo Hội, cũng đến với đôi vợ chồng qua Bí Tích Hôn Phối. Người còn ở lại với họ để hai vợ chồng cũng mãi mãi trung thành yêu thương nhau bằng sự tự hiến cho nhau như Người đã yêu thương Giáo hội và đã nộp mình vì Giáo hội.”
Chính là nhờ lãnh nhận bí tích Hôn phối, vợ chồng Ki-tô hữu được củng cố niềm tin để hiểu ra hồng ân thánh hiến con người và cuộc sống, ngõ hầu được lãnh nhận các bổn phận và phẩm giá bậc sống của họ. Nhờ sức mạnh Thánh Linh của bí tích này, họ được thấm nhuần tinh thần Chúa Ki-tô để chu toàn bổn phận hôn nhân và gia đình họ, nhờ đó tất cả đời sống của họ được thấm nhuần đức Tin, Cậy, Mến và càng ngày họ càng tiến gần hơn tới sự trọn lành riêng biệt của từng người và sự thánh hóa lẫn nhau, tạo nên một cộng đồng yêu thương, cùng nhau tôn vinh Thiên Chúa.
III- Tạo cơ hội cho đôi bạn thảo luận với nhau:
Nhờ bí tích hôn phối, đôi bạn có cơ hội thảo luận với nhau những điều họ mong chờ từ người bạn đời đến cuộc sống chung; từ đó họ hiểu thế nào về tình yêu, về lời cam kết và trách nhiệm xây dựng một gia đình. Trong nghi thức Hôn nhân, chính đôi bạn là thừa tác viên cử hành Giao ước Thánh. Các đương sự phải hiện diện và tự mình trả lời đầy đủ các câu hỏi lúc được thẩm vấn về sự tự do kết hôn, về bổn phận yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời cũng như bổn phận sinh sản và giáo dục con cái theo luật Chúa Ki-tô và Hội Thánh (xc. toàn bộ Thiên 7– từ chương I tới chương X – bao gồm 110 điều [1055-1165] của Bộ “Giáo Luật”). Lời ưng thuận kết hôn cũng phải được từng người diễn tả (bằng lời nói hay cử chỉ) một cách rõ ràng với đầy đủ nội dung là nhận nhau làm vợ chồng, giữ lòng trung thủy với nhau trong mọi hoàn cảnh, yêu thương và tôn trọng nhau trọn đời.
IV- Giúp đôi bạn tìm hiểu trước những vấn đề và khó khăn có thể xảy ra:
Tuy đã có sự tìm hiểu cặn kẽ về hôn nhân theo Giáo luật Hội Thánh vả đồng ý kết hôn; nhưng cũng thật cần thiết giúp đôi bạn tìm hiểu trước những vấn đề và khó khăn có thể xảy ra trong đời sống hôn nhân và gia đình. Tông huấn “Amoris Lætitia” (số 33) đã giải thích: “Giá trị cao đẹp của Bí tích hôn nhân Ki-tô giáo đang đối diện với bao thách đố của thời đại ngày hôm nay, những thách đố nhằm gạt bỏ giá trị cao đẹp của hôn nhân và nhất là loại bỏ đặc tính bí tích ra khỏi cấu trúc hôn nhân, để rồi hôn nhân đơn thuần chỉ là một cuộc “ăn ở” của hai người thích nhau. Những thách đố đó nảy sinh từ một ý thức hệ văn hóa bị chi phối bởi cuộc cách mạng tình dục trong thế kỷ qua, và nhất là bị ảnh hưởng bởi một lối sống thực dụng hưởng thụ. Ngoài ra, những thách đố này còn phát sinh từ những sự thay đổi sâu xa về xã hội, cuộc khủng hoảng lớn về kinh tế, nhất là cuộc khủng hoảng lớn về cuộc sống gia đình.” Có thể kể ra những thách đố:
1- Thách đố về trách nhiệm của Gia đình: Bị chi phối bởi chủ nghĩa đề cao tự do cá nhân, các thành viên trong gia đình đánh mất dần sự gắn bó với nhau. Những giây phút gặp gỡ chung trong gia đình càng ngày càng hiếm hoi.
            2– Thách đố về sự  sống: Bị hạn chế bởi sinh đẻ kế hoạch hóa. Ngoài ra do bị ảnh hưởng trào lưu sống hưởng thụ, người ta ngại sinh con. Con cái trở nên một chướng ngại cho đời sống riêng tư của vợ chồng. Bởi đó các cặp vợ chồng đã không ngần ngại dùng mọi biện pháp hạn chế sinh nở như ngừa thai, hay phá thai với đủ mọi thứ lý do: không đủ khả năng để chăm lo con cái, kinh tế chưa cho phép v.v. Hoặc lấy lý do về việc khủng hoảng dân số trên địa cầu để đề ra hoặc khuyến khích kế hoạch hoá việc sinh nở.
3- Thách đố về vai trò giáo dục của cha mẹ: Ngày nay, vì vấn đề sinh kế, cả chồng lẫn vợ đều phải đi làm suốt ngày suốt tuần, thậm chí còn đi làm xa ít có dịp họp mặt chung trong gia đình. Ngoài ra, quan điểm duy thế tục đang thịnh hành trong xã hội ngày nay thường coi nhẹ vai trò người mẹ, không coi nó như một ơn gọi bản thân, nó thường bị đánh giá thấp. Điều này khiến cho việc ly thân, ly dị trở nên như một trào lưu khiến cho nền tảng hôn nhân bị phá vỡ, gia đình tan nát, con cái khổ sở.
Kết luận: 
Tóm lại, cộng đồng Ki-tô hữu cần nhìn nhận lợi ích lớn lao chính họ nhận được từ việc giúp đỡ các cặp đính hôn trong lòng yêu thương, ngõ hầu “giúp giới trẻ khám phá ra phẩm giá cao đẹp cuả hôn nhân. Họ nên được giúp đỡ để nhận thức rõ sự quyến rũ của một kết hợp hoàn toàn, một sự kết hợp nhằm nâng cao và hoàn thiện chiều kích xã hội của nhân sinh, đem lại cho tính dục ý nghĩa sâu xa nhất của nó, gây ích cho con cái bằng cách cung hiến cho chúng bối cảnh tốt nhất để chúng lớn lên và phát triển.” (Tông huấn “Amoris Lætitia”, số 205). Đừng quên rằng “những người được chuẩn bị tốt nhất cho đời sống hôn nhân là những người đã học được từ chính cha mẹ của họ thế nào là hôn nhân Ki-tô giáo” (ibid, số 208). Để có thể thực hiện được điều đó, mỗi người Ki-tô hữu khi chọn đời sống gia đình phải tìm lại ý nghĩa đích thực của Bí tích Hôn nhân, và phải cử hành Bí tích nầy với một thái độ bừng sáng đức tin.
Muốn đạt ước nguyện, hãy chạy đến với Mẹ Maria để được chiêm ngưỡng tấm gương chói lọi: Thánh Gia Thất, như Thư Chung của HĐGMVN kêu mời: “Chúng ta hãy “đem Mẹ về nhà” (Ga 19, 27) và yêu mến Mẹ với trọn tình con thảo. Noi gương Mẹ, hãy vững tin vào Chúa mọi nơi mọi lúc vì “không có gì mà Chúa không làm được” (Lc 1, 37). Cùng với Mẹ, hãy tích cực góp phần thực hiện điều mà Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô gọi là “cuộc cách mạng của tình yêu và sự dịu dàng” ngay trong gia đình mình, trong cộng đoàn Hội Thánh và giữa lòng xã hội hôm nay.” Ước được như vậy. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.