Hành Động Của Lòng Thương Xót: THA THỨ

0
117

Khi nói đến hành động của lòng thương xót, ta không thể không nói đến hành động tha thứ. Vì thương xót con người tội lỗi mà Thiên Chúa tha thứ cho họ những lỗi tội mà họ đã phạm đến Ngài. Ngài tha thứ không phải là để bao che cho tội lỗi của họ, nhưng là để cho họ có cơ hội sống. Chính vì thế, khởi đầu cho sứ mạng cứu độ con người, Chúa Giêsu đã rao giảng sự sám hối, để những ai tin theo Ngài, sám hối những lỗi tội của mình thì sẽ được cứu. “Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: ‘Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng'” (Mc 1,14-15). Và Gioan tẩy Giả, Vị Tiền Hô dọn đường cho Đấng Cứu Thế đã nói rất rõ. Tin Mừng ghi lại: “Ông Gioan Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” Mc 1,4).

Thiên Chúa thương xót chúng ta và đã tha thứ cho chúng ta những lỗi tội, đến lượt mình, chúng ta cũng cần phải sống lòng thương xót đó đối với những anh chị em của mình, hầu có thể tha thứ cho họ những lỗi phạm mà họ gây ra. Thực vậy, việc chúng ta biết tha thứ cho người khác chính là điều kiện cần và đủ để Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta. Trong kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải biết tha thứ như Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”, và Ngài nói rất rõ: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” Mt 6,14-15).

Khi ta không biết xót thương và tha thứ cho người khác, chúng ta sẽ phải lãnh hậu quả như tên đầy tớ trong dụ ngôn “Tên Mắc Nợ Không Biết Thương Xót”, trong Matthêu chương 18 câu 23-35. Hậu quả đó là: “‘Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?’ Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (c. 32-35).

Thực vậy, tha thứ là hành động của lòng thương xót, và là một trong những bài học trọng tâm của đời sống và những giáo huấn của Chúa Giêsu. Tha thứ đóng một vai trò quan trọng cho sức khỏe tinh thần của mỗi người, vì nó chính là liều thuốc bổ để nuôi dưỡng, đồng thời cũng là bài thuốc chữa lành mỗi một mối tương quan của con người – tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính mình. Chính vì thế, tha thứ cũng là yếu tố cần thiết cho đời sống của bất cứ cộng đoàn lành mạnh nào, cho dù đó là một cộng đoàn nhỏ bé như gia đình, hay một cộng đoàn rộng lớn như là một quốc gia, nhất là trong một cộng đoàn giáo xứ và Giáo Hội.

Khi chúng ta tha thứ, chúng ta chia sẻ tình yêu của Thiên Chúa với những người khác, và giải thoát chính mình khỏi những độc hại làm ngăn cản chúng ta trưởng thành về đời sống thiêng liêng. Nhưng tha thứ không phải là việc dễ làm. Khó nhưng với ơn trợ giúp của Chúa, chúng ta vẫn có thể thực hiện, và đây là một đòi hỏi triệt để mà Chúa Giêsu muốn nơi mỗi người chúng ta. Tha thứ là một đòi hỏi triệt để là vì, nếu người khác xúc phạm đến chúng ta bao nhiêu lần và xin sự tha thứ, thì chúng ta phải tha thứ bấy nhiêu lần; cũng như bao nhiêu lần chúng ta phạm tội và biết ăn năn sám hối thì Thiên Chúa cũng vẫn tha thứ cho chúng ta. “Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Đức Giêsu mà hỏi rằng: ‘Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?’ Đức Giêsu đáp: ‘Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy'” (Mt 18,21-22).

Không tha thứ, chúng ta để cho tâm hồn mình đầy những sự giận dữ, oán hận, thất vọng, và băn khoăn lo lắng. Chọn lựa không tha thứ cho một ai đó giống như chúng ta chọn uống thuốc độc và mong muốn người đó phải chết. Khi chúng ta chọn không tha thứ, chúng ta quay lưng lại với Thiên Chúa.

Nếu nói tha thứ cho người khác là hành động của lòng thương xót, nhưng đó mới chỉ là mặt tiêu cực. Mặt tích cực đó là phải yêu thương họ khi chúng ta tha thứ cho họ những lỗi phạm. Trong giáo huấn của Chúa Giêsu về tha thứ, Ngài mời gọi chúng ta phải vượt lên trên sự tha thứ. Tính triệt để của lòng thương xót là: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5, 44). Tha thứ cho ai những lỗi phạm, nhưng rất có thể ta không yêu thương họ, và như thế sự tha thứ đó chưa phải là do lòng thương xót. Sự tha thứ phát xuất từ lòng thương xót, đó phải là vì yêu thương.

Yêu thương, tha thứ cho những người lỗi phạm đến mình, và cầu nguyện cho họ là một thách đố quyết liệt mà Chúa Giêsu đặt ra cho chúng ta. Đây là một thực hành tâm linh, và có thể nói là đặc tính của người Kitô hữu, những người môn đệ của Ngài. Vậy chúng ta đã, đang và sẽ thực hành và sống đặc tính của mình như thế nào trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, và trong suốt hành trình đời sống của chúng ta trong tương quan với những người sống chung quanh mình?

Hương Quê