Hành Động Của Lòng Thương Xót: SỐNG HÒA GIẢI

0
38

imageSống hòa giải là ta hàn gắn lại mối tương quan bị rạn nứt đó, là phục hồi lại mối liên hệ thân thiện vốn có với họ. Sự bất đồng thường dẫn đến sự giận dữ, nên khi sống hòa giải là ta ngăn chặn sự giận dữ của ta trút lên người khác.
Trong tương quan với những người khác, chắc chắn ai trong chúng ta cũng đã có kinh nghiệm về sự bất đồng và bất hòa với họ. Trong nhiều trường hợp, chúng ta có thể giải quyết những khác biệt và tiếp tục sống mối tương quan bình thường với họ. Trong những trường hợp khác, dù chúng ta nỗ lực để quên đi những bất đồng, nhưng xem ra sự cố gắng ấy chẳng giải quyết được gì. Chúng ta cố gắng sống hòa giải nhưng người khác vẫn cố chấp và làm cho những bất hòa ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Khi nói đến hòa giải, ta liên tưởng đến việc sống mối tương quan với những người khác, mà mối tương quan đó bị rạn nứt vì những bất đồng hay vì một lý do nào đó. Sống hòa giải là ta hàn gắn lại mối tương quan bị rạn nứt đó, là phục hồi lại mối liên hệ thân thiện vốn có với họ. Sự bất đồng thường dẫn đến sự giận dữ, nên khi sống hòa giải là ta ngăn chặn sự giận dữ của ta trút lên người khác. Trong ý nghĩa này, hòa giải là tha thứ và thương xót. Không thể có hòa giải nếu không có tha thứ; không thể có tha thứ nếu không có lòng thương xót.

Thực vậy, sống hòa giải là một trong những yếu tố rất quan trọng trong các mối tương quan của con người với nhau. Trong Kinh Thánh, xem ra Chúa Giêsu coi việc chúng ta sống hòa giải với nhau còn quan trọng hơn việc thực hành tôn giáo, hơn việc dâng của lễ cho Thiên Chúa. Chúng ta thử đọc Tin Mừng theo thánh Matthêu chương 5: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (c. 21-24).

Sống hòa giải không chỉ là việc ta tha thứ cho người khác và sống thân thiện với họ, mà đó còn là việc làm mà nhờ đó, ta tránh được những nguy hiểm do sự giận giữ của người khác. Cũng theo Tin Mừng thánh Matthêu, Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng” (c. 25-26).

Sống hòa giải là ơn gọi của mọi Kitô hữu. Và muốn hòa giải, trước hết phải tha thứ. Thiên Chúa mời gọi chúng ta sống hòa giải, không phải chỉ là hòa giải với người khác, mà trước hết, là để chúng ta được hòa giải với chính Ngài, sống mối tương quan mới với Ngài, qua việc sống yêu thương người khác và hòa giải với họ.

Sống hòa giải là một sứ vụ mang tính chủ động. Nó đưa chúng ta đi vào cuộc đối thoại và lắng nghe người khác bằng một con tim rộng mở, để có thể hiểu họ tốt hơn.
Sống hòa giải giúp chúng ta thay đổi chính mình, đi ra khỏi cái tôi ích kỷ hẹp hòi, vượt lên trên những cái nhìn định kiến, đóng khung người khác theo cái nhìn ích kỷ, hẹp hòi của mình. Chúng ta có thể không đồng ý với người khác về một quan điểm hay cách sống nào đó, nhưng khi biết sống hòa giải, chúng ta sẽ khám phá nơi họ còn có nhiều điểm chung khác mà mình có thể sống với họ.

Tóm lại, hòa giải là một tiến trình của việc phục hồi lại mối tương quan đã bị rạn nứt với người khác, để có thể sống thân thiện và thích ứng với họ. Thiên Chúa đề cao việc sống hòa giải hơn những thực hành tôn giáo. Việc thực hành tôn giáo là điều quan trọng trong đời sống của người Kitô hữu của chúng ta, vì đó là việc làm giúp chúng ta sống gắn kết hơn với Thiên Chúa, và nhờ vậy mà đời sống đức tin của chúng ta trở nên vững mạnh. Tuy nhiên, để cho những thực hành tôn giáo thực sự mang lại những lợi ích thiêng liêng cho chúng ta và cho người khác, thì việc thực hành đó phải dẫn chúng ta đến việc hòa giải với anh em mình, để rồi chúng ta được hòa giải với Thiên Chúa và với chính mình. Như vậy, sống hòa giải chính là Hành Động Của Lòng Thương Xót.

Hương Quê