Gợi ý mục vụ năm 2019 – Bài 9: Hội Nhập: Trở Về Để Hiệp Thông Trọn Vẹn

0
32

Gợi ý mục vụ năm 2019 – Bài 9: Hội Nhập: Trở Về Để Hiệp Thông Trọn Vẹn

Đồng hành với các gia đình đang gặp khó khăn để cuối cùng đi về đâu? Mục đích sau cùng của việc Đồng hành là giúp phân định để rồi hội nhập hoàn toàn vào Hội thánh, hiệp thông trọn vẹn với Chúa Kitô. Sự thật được người ta nhận ra trong phân định khi đồng hành là để thay đổi đời sống, thu ngắn khoảng cách hướng về đích hiệp thông trọn vẹn qua các bí tích.

1. Hội nhập vào cuộc sống viên mãn của Đức Kitô

Tông huấn Amoris laetitia đề nghị một con đường phải đi để hội nhập hoàn toàn vào Hội thánh đặc biệt cho những ai đang sống xa cách với đời sống hợp với Tin mừng và đang ở trong tình cảnh “trái qui tắc”, nghĩa là những “gia đình” đang chịu khốn khổ vì một “tình yêu lạc lối”. Đó là những người sống chung (không hôn phối), chỉ có hôn nhân dân sự, những người li dị “tái hôn” … Hội nhập hoàn toàn vào Hội thánh hàm nghĩa hiểu đường lối sư phạm ân sủng của Thiên Chúa trong đời sống và phát triển càng ngày càng đạt đến sự viên mãn của kế hoạch Thiên Chúa nơi họ (Cf. AL 297), tức là nhận ra hôn nhân là ơn gọi phát xuất từ Thiên Chúa.

Do đó, trong trường hợp những người đã li dị, phải giúp họ sống trung tín với dây hôn phối bí tích họ đã kí kết, dây hôn phối mà Chúa đã kết hợp cuộc sống của họ với người phối ngẫu chính thức. Mỗi bước đồng hành có tốt hay không là do người ta tiến gần hơn hay xa rời mục đích sau cùng. [1]

2. Mục vụ dây hôn ước

Cần nhắc lại giáo huấn của Amoris laetitia yêu cầu các mục tử khi đồng hành với các cặp hôn nhân phải phát triển một «mục vụ dây hôn ước» (AL 211) cũng như giúp sống «linh đạo dây hôn ước» (AL 315). Dây hôn ước tức là dây liên kết hôn phối, là tình yêu phu thê, duy nhất và bất khả phân li, dây liên kết hai người là vợ chồng do chính Thiên Chúa thiết lập (cf. Mt 19,6).

Mục vụ dây hôn ước đề cao và cung cấp sự hiệp nhất cho mục vụ hôn nhân. Vợ chồng là “một xương một thịt” của nhau trong tình yêu Chúa. Cần chuẩn bị cho các bạn trẻ sắp bước vào hôn nhân – gia đình để họ có thể tuyên bố sự ưng thuận ấy mãi mãi. Cần giúp cho các cặp vợ chồng mới trong những năm đầu sau kết hôn. Đồng hành với các người vợ người chồng trong những lúc họ gặp khó khăn, gặp hoàn cảnh thách đố. Làm sao giúp họ vui vẻ sống “khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan; khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe, để họ yêu thương và tôn trọng nhau mọi ngày suốt cuộc đời”.

Nhưng mục vụ dây hôn ước cũng phải uyển chuyển thích nghi với thực tế, đặc biệt nhiều trường hợp người ta không thể tái hợp với người phối ngẫu trước, như những người li dị và “tái hôn”. Một số trường hợp người ta không thể trở về với nhau sống kết hợp “như vợ chồng” như trước. Mục vụ dây hôn ước giúp họ ý thức luôn về dây hôn ước bất khả phân li mà Chúa đã trao ban cho họ, làm sao để sống cách phù hợp với dây hôn ước đó. Cho dù không thể trở về sống chung, tốt hơn không nên nói các hoàn cảnh ấy là không thể đảo ngược. Quyết định sống trái nghịch với dây hôn phối thực ra luôn có thể đảo ngược. Khả năng đó đã hàm ẩn ngay từ đầu trong lời hứa hôn, với sự trợ giúp của Chúa Giêsu, họ nói tiếng xin vâng đến trọn đời “bất chấp tất cả” (cf. AL 118). Chính ân sủng của bí tích hôn phối hoạt động trong hướng đó, mời gọi họ xây dựng trên nền tảng Chúa đã thiết lập những mối kết hợp duy nhất khả dĩ bảo vệ gia đình. «Sự kết hợp đã là hiện thực và không thể rút lại, được Bí tích Hôn nhân xác nhận và thánh hiến» (AL 218).

Những người trong hoàn cảnh “trái qui tắc” được giúp phân định và được Chúa thúc đẩy bước trên con đường hoán cải và được tái sinh như người con hoang đàng trở về hội nhập vào nhà Cha: «Anh ta đứng lên đi về cùng cha. Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để» (Lc 15, 20). Hành động người cha ôm lấy con trở về biểu thị bí tích Giao hòa. Ngay lập tức Cha nói: «Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!» (Lc 12,22-24). Theo các Giáo phụ, cho “xỏ nhẫn, mặc áo đẹp” hàm nghĩa đối với Chúa ta vẫn còn phẩm giá của hàng con cái và của người hôn phu/hôn thê. Trở về với đời sống theo kết ước của bí tích Rửa tội và Hôn phối, người tín hữu giờ đây có thể sống một cuộc sống mới. Hành trình ấy đạt đến đỉnh điểm là tham dự vào bàn tiệc Thánh thể.

Câu hỏi gợi ý suy tư và thảo luận

1. Đối với những anh chị là người công giáo đang sống trong tình trạng “trái qui tắc”, anh chị có khao khát được “xưng tội, rước lễ” thực sự không? Tại sao? Anh chị có ý thức tính quan trọng của dây hôn ước duy nhất và bất khả phân li không? Như thế nào?

2. Anh chị có hối tiếc hành động của quá khứ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hôn nhân, phá vỡ dây hôn ước không? Anh chị làm gì với trách nhiệm và bác ái, đối xử thế nào với con cái và người bạn trong hoàn cảnh  hiện tại?

3. Xin anh chị chia sẻ kinh nghiệm “trở về” của mình, được không? Có những tình cảnh và tâm tình như trong dụ ngôn người con hoang đàng không?

                                                                                          ĐGM. Luy Nguyễn Anh Tuấn

[1] Cf. AL 293: các Mục tử  phải «xác định rõ ràng các yếu tố của đời sống họ khả dĩ giúp họ sống cởi mở hơn với Tin mừng về hôn nhân ở mức trọn vẹn của nó»; AL 294: làm sao «tiến dần tới hôn nhân và gia đình trọn vẹn trong ánh sáng của Tin mừng»; AL 297: «giúp họ đạt đến sự viên mãn của kế hoạch Thiên Chúa nơi họ»; AL 307: «không được từ bỏ đề nghị lí tưởng trọn vẹn của hôn nhân»; AL 325: «đừng bao giờ ngưng tìm kiếm sự viên mãn của tình yêu».