Tại sao trước đây Giáo hội Công giáo cấm ăn chay vào ngày thứ năm?
Thời Giáo Hội sơ khai, mỗi ngày Thứ Năm là một ngày đại lễ bắt buộc, không có ăn chay.
Trong một thời gian dài, Giáo Hội Công giáo đã sống và kinh qua nhiều truyền thống nhỏ lẻ khác nhau. Một truyền thống đã ảnh hưởng đến cách thức ăn chay của người Công giáo (Mùa Chay) là từ sự liên hệ của Thánh Kinh với các ngày THỨ NĂM.
Theo truyền thống này, Giáo Hội Công giáo luôn cử hành lễ Chúa Thăng Thiên vào THỨ NĂM (40 ngày sau Lễ Phục Sinh). Điều này đã dẫn đến một truyền thống về ngày THỨ NĂM thời Giáo Hội sơ khai, THỨ NĂM là một ngày vui trọng đại nhằm tôn vinh sự thăng thiên của Chúa Giêsu.
Ngoài ra, THỨ NĂM là ngày của Bữa Tiệc Ly, ngày mà Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể. Do đó, ngày THỨ NĂM có đầy đủ lý do để mở tiệc, vì thế ngày đó nghiêm cấm ăn chay.
THỨ NĂM cũng được miễn ăn chay nhằm phân biệt sự thực hành Kitô giáo với truyền thống chay tịnh của Do-thái giáo. Ngoài những ngày chính của việc ăn chay, lúc bấy giờ người Do-thái ăn chay vào THỨ HAI và THỨ NĂM sau Lễ Vượt Qua. Người Kitô hữu đã chọn THỨ TƯ và THỨ SÁU là những ngày ăn chay, như bản Didache ở thế kỷ I đề cập đến.
Thời Giáo Hội sơ khai, THỨ TƯ liên hệ tới sự phản bội của Giuđa (ông đã phản bội Chúa Giêsu vào một ngày THỨ TƯ), và THỨ SÁU liên hệ tới THỨ SÁU TUẦN THÁNH, ngày Chúa Giêsu chết trên cây thập giá. Các Kitô hữu sơ khai xem hai ngày đó là thích hợp nhất cho việc ăn chay.
Một số bản văn thời trung cổ có một câu nói rằng “THỨ NĂM là bà con của CHÚA NHẬT”, và ngày THỨ NĂM hầu như được xem là một ngày trọng đại trong một số vùng.
Sự đề cao ngày THỨ NĂM này có thể cũng đã ảnh hưởng đến những quy định về Mùa Chay cho các Kitô hữu sơ khai. Chẳng hạn, Mùa Chay [Septuagesima, Quadragesima] dành cho một số Kitô hữu đã bắt đầu 70 ngày trước Lễ Phục Sinh. Theo Từ Điển Bách Khoa Công Giáo ghi chú, “nó [THỨ TƯ] chỉ đơn giản là ngày đầu tiên mà một số Kitô hữu bắt đầu 40 ngày Chay Tịnh, trừ Thứ Năm, Thứ Bảy và Chúa Nhật khỏi việc giữ chay”.
Tuy nhiên, việc thực hành này cuối cùng bị loại bỏ vì những ngày đại lễ dành cho các thánh trở nên quan trọng hơn trong Lịch Phụng Vụ và các hiệp hội Thánh Kinh, và những ngày ấn định trong tuần không còn được nhấn mạnh nữa (trừ Chúa Nhật).
Mặc dù truyền thống này không còn được tuân giữ trong Giáo Hội Công Giáo nữa, nhưng nó nhắc nhớ chúng ta rằng, các ngày trong tuần có thể gợi lại những biến cố đặc biệt trong lịch sử cứu độ. Theo một nghĩa nào đó, chúng ta có thể sống lại cuộc sống của Chúa Kitô hằng tuần, bằng việc nhớ về những biến cố nhất định trong cuộc sống của Chúa mỗi ngày.
Tác giả: Philip Kosloski
Hướng Dương chuyển ngữ từ aleteia.org