Thiên Chúa hằng thương xót những người nghèo và những người dễ bị tổn thương trong xã hội

0
48

Gợi ý mục vụ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót

Sống Năm Thánh Lòng Thương Xót

với việc Tân Phúc-Âm-hóa Đời sống xã hội

Đề tài 12. Thiên Chúa hằng thương xót những người nghèo và những người dễ bị tổn thương trong xã hội

Kết quả hình ảnh cho Thiên Chúa hằng thương xót những người nghèoChúng ta sắp đi đến kết thúc Năm Thánh Lòng Thương Xót, nhưng lại chỉ mới bắt đầu thời đại, mà Năm Thánh như một khởi động đà tiến của công cuộc Loan báo Tin mừng mới, trong đó Hội thánh thường xuyên “chiêm ngắm dung nhan Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót được tỏ hiện trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô”[1] để từ đó Hội thánh sống, làm chứng cho Lòng Thương Xót của Chúa hầu có thể chạm “đến trái tim của con người và giúp họ gặp thấy lối đường dẫn về Chúa Cha”[2].

  1. Thiên Chúa đoái thương nhìn đến những con người dễ bị tổn thương nhất

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở chúng ta trong Ngày Thế giới Truyền giáo 23 tháng 10 vừa qua rằng:

Hội thánh “được trao cho nhiệm vụ công bố Lòng Thương Xót của Thiên Chúa với một trái tim đang bồi hồi vì Tin Mừng”[3] và để công bố Lòng Thương Xót của Thiên Chúa tới mọi hang cùng ngõ hẻm của thế giới, và để đem Lòng Thương Xót ấy đến với hết thảy mọi người, bất kể là già hay trẻ.

Khi Lòng Thương Xót chạm đến một người, nó đem lại niềm vui mừng khôn tả nơi tâm hồn của Chúa Cha; bởi vì ngay từ lúc khởi đầu, Thiên Chúa Cha đã đoái thương nhìn đến những con người dễ bị tổn thương nhất, bởi vì sự vĩ đại và uy quyền của Ngài được tỏ lộ chính xác bằng việc đồng cảm với những người trẻ, những người chịu thiệt thòi cũng như những người bị áp bức (Đnl 4,31; Tv 86,15; Tv 103, 8; Tv 111, 4). Ngài là Đấng nhân lành, luôn luôn quan tâm chăm sóc và là một Thiên Chúa trung tín – Đấng luôn luôn gần gũi với những kẻ thiếu thốn, đặc biệt là những người nghèo khổ; Ngài đã cụ thể hóa tình yêu ấy nơi thực tế của con người cũng giống như một người cha người mẹ làm đối với con cái của mình (Gr 31, 20)”[4].

  1. Hội thánh truyền giáo là hình ảnh của Dung mạo Lòng Thương Xót

Đức Thánh Cha Phanxicô gợi ý: Hãy cởi mở tâm hồn đối với những anh chị em sống bên lề cuộc đời, biết cảm thương, mang lại ủi an, liên đới và quan tâm đến những người đang sống trong những tình trạng bấp bênh, đau khổ trong thế giới ngày nay. Đàng khác, Đức Thánh Cha nhấn mạnh về sứ mạng của Chúa Giêsu là: mang lại an ủi cho người nghèo, trả lại phẩm giá cho người bị tước mất, nhất là các trẻ em không được trợ giúp cần thiết để thoát khỏi cảnh nghèo. Ngài trích lời của thánh Gioan Thánh Giá: “Vào cuối đời, chúng ta sẽ bị phán xét về đức bác ái”. Chúng ta hãy khám phá lại những công việc của Lòng Thương Xót đối với thân xác: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, chôn xác kẻ chết, chuộc kẻ làm tôi. Và chúng ta cũng đừng quên những công việc của Lòng Thương Xót đối với linh hồn: lấy lời lành mà khuyên người, dạy dỗ kẻ mê muội, an ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết. Những gì chúng ta làm cho một trong những anh em bé mọn đây là làm cho Chúa (x. Mt 25,31-45). Và “Ai thực thi Lòng Thương Xót thì hãy thực thi việc ấy cách vui vẻ” (Rm 12,8).[5]

Đức Thánh Cha cũng nêu cao sự hấp dẫn của một “dung mạo” lòng thương xót nơi Hội thánh: “Hội thánh có thể được định nghĩa là một “người mẹ” đối với những ai một ngày nào đó sẽ tuyên xưng cùng một niềm tin vào Đức Giêsu Kitô. Chính vì thế, tôi hy vọng rằng dân thánh của Thiên Chúa sẽ tiếp tục thi hành sứ vụ của Lòng Thương Xót để giúp những ai chưa nhận biết Chúa có thể gặp gỡ và yêu mến Ngài […] Khi đi qua khắp các ngả đường trên thế giới, các môn đệ Chúa Giêsu cần phải có một tình yêu không giới hạn như tình yêu mà chính Thiên Chúa đã dành cho hết thảy mọi người. Chúng ta loan báo những quà tặng đẹp nhất và vĩ đại nhất mà Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta: chính mạng sống và tình yêu vô bờ bến của Ngài”.[6]

  1. Đi ra vùng ngoại vi

Công cuộc loan báo Tin mừng của Hội thánh tỏ lộ dung mạo của Lòng Thương Xót của Chúa không chỉ đến với từng cá nhân dễ bị tổn thương, nhưng còn hợp tác với xã hội dân sự thông qua những chính sách, dự án, chương trình trợ giúp người nghèo, người dễ bị tổn thương.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, tỉ lệ người nghèo tại Việt Nam đã giảm từ 44% năm 1990 xuống dưới 20% năm 2012. Số lượng người nghèo theo chuẩn mực khách quan có thể giảm, nhưng số lượng những “người nghèo” theo nghĩa “dễ bị tổn thương” hay bị gạt ra bên lề xã hội lại có thể tăng. Trong đó, ngoài người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người già, khuyết tật, người nghèo nông thôn, và ven đô dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, do “nhân tai” là thành phần đáng lưu tâm hơn trong thời đại ngày nay. Họ chịu ảnh hưởng nặng nề và dễ dàng khi thiên tai… Vì thế, theo lời kêu gọi của Đức Thánh Cha, dân thánh đang trong “vùng tiện nghi”, phải “đi ra” lên đường đến “vùng biên” nơi cần ánh sáng Tin mừng để chia sẻ, đặc biệt là đến với vùng bị tổn thương, khốn khổ vì “nhân tai” cộng với “thiên tai”. Đối với dân thánh Việt Nam, lòng không thể không quặn thắt, ruột không thể không mềm ra, vết thương do thảm họa môi trường chưa hết nhức nhối, nay lại đứng trước thảm cảnh tan hoang sau cơn lũ nhấn chìm miền Trung vừa qua: hàng nghìn ngôi nhà chìm trong dòng nước lũ, những con đường đồng ruộng hóa thành sông.

Câu hỏi chia sẻ và thảo luận

  1. Anh chị hãy kể lại một vài chứng từ truyền giáo qua Lòng thương xót hiện diện xung quanh mình hoặc ngay trong cộng đoàn mình với những người nghèo.
  2. Trong vùng miền của anh chị đang sống, ai là những người nghèo, những người dễ bị tổn thương nhất?
  3. Anh chị hãy chia sẻ chứng từ của người môn đệ nghèo với anh em nghèo của mình?

–––––––––––––––––––––

[1] HĐGMVN, Thư gửi Cộng Đồng Dân Chúa 17-09-2015, 2.

[2] ĐGH PHANXICÔ, Tông sắc Misericordiae Vultus (Dung mạo Lòng Thương Xót), 12.

[3] Ibid.

[4] ĐGH PHANXICÔ, Sứ điệp nhân Ngày Thế Giới Truyền giáo 2016, Vatican 15/5/2016.

[5] x. ĐGH PHANXICÔ, Tông sắc Misericordiae Vultus, ss. 15-16.

[6] ĐGH PHANXICÔ, Sứ điệp nhân Ngày Thế Giới Truyền giáo 2016. 

Văn Phòng HĐGMVN