GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Bài 27: THÁI ĐỘ DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI THUỘC GIỚI TÍNH THỨ BA
Câu hỏi: Con có quen mấy bạn tự nhận mình là giới tính thứ ba. Theo con được biết, đạo Công giáo không cổ vũ cho vấn đề này, con phải làm sao?
Trả lời:
Bạn dùng từ “giới tính thứ ba”, chúng tôi ngầm hiểu là bạn đang nói đến cộng đồng LGBTQ+ (Lesbian – đồng tính luyến ái nữ; Gay – đồng tính luyến ái nam; Bisexual – song tính luyến ái; Transgender – người chuyển giới; Questioning – người đang chưa rõ về giới tính của mình và đang tìm hiểu về bản thân). Mỗi đối tượng (Les, Gay, Bi, Trans, Questioning) đều có những đặc điểm riêng mà trong bài viết nhỏ này, chúng tôi không thể diễn tả hết được. Nhưng chúng tôi đoán là có vẻ bạn đang muốn biết mình nên có suy nghĩ và lối hành xử thế nào đối với những người đồng tính sao cho phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội và tinh thần Kitô giáo. Vì thế, ở đây, chúng tôi chỉ xin được bàn về vấn đề đồng tính, quan điểm của Giáo Hội về vấn đề này, cũng như thái độ chúng ta – những người Công Giáo – cần có trước anh chị em thuộc cộng đồng này.
Xã hội và khoa học nói gì về đồng tính?
Hiện tượng đồng tính có lẽ đã xuất hiện khá lâu, nhưng vì bị những định kiến xã hội áp chế nên chỉ nằm trong vùng bí mật. Ngày trước, những người đồng tính phải mang mặc cảm về bản thân và vì sợ những tiếng dèm pha, họ đành cố che giấu xu hướng tình dục của mình. Xã hội lúc ấy cũng nhìn những người đồng tính với cái nhìn miệt thị, chê bai, xem họ như là một thứ bệnh hoạn, là kết quả của một lối sống trác táng… Điều này đã ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, khiến cho nó trở nên ngột ngạt. Nhiều người đồng tính cố gắng lập gia đình để che mắt thiên hạ, cũng như để chu toàn bổn phận làm con hay cháu đích tôn. Nhưng vì không có tình cảm đích thực, họ vô tình cũng làm ảnh hưởng đến người bạn đời và con cái.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học, những người đồng tính trở nên mạnh dạn hơn, họ sẵn sàng “come out” xu hướng tính dục của mình bất chấp hậu quả của nó. Khắp nơi, chúng ta thấy các phong trào, diễn đàn cổ võ thế giới đồng tính. Họ hoạt động rầm rộ đến độ làm người ta tưởng rằng nó chỉ mới xuất hiện, cùng với sự tân tiến của cuộc sống. Về phía xã hội, chúng ta cũng thấy một sự cởi mở hơn. Xu hướng đón nhận này được thể hiện qua những bộ phim, MV ca nhạc hay những chương trình truyền hình nói về đồng tính. Nhiều nước trên thế giới thậm chí đã công nhận hôn nhân đồng tính. Những người lớn tuổi cũng không còn quá khắt khe; họ không chỉ đón nhận chuyện con cái mình thuộc cộng đồng này mà còn đã ủng hộ chuyện kết hôn của họ. Chỉ cần Google từ khoá “đám cưới đồng tính”, chưa đến một giây đã có hơn triệu lượt trang web xuất hiện. Những câu chuyện về “chàng dâu” hay “nàng rể”, “hủ nữ”, “tiểu thụ” … không những không bị kỳ thị mà còn được đón nhận những tràng pháo tay ủng hộ người khác.
Khoa học ngày nay vẫn chưa thể đưa ra câu trả lời xác đáng về nguồn gốc của khuynh hướng này. Có những người có xu hướng đồng tính bẩm sinh (sinh ra đã thấy xu hướng tình dục của mình không khớp với cơ thể sinh học của mình); nhưng cũng có người do bị môi trường và hoàn cảnh tác động (do sống ở môi trường chỉ có người cùng giới tính như trường nội trú, hay tù, hoặc gia đình chỉ có chị và mình là em trai duy nhất hoặc ngược lại…). Cũng có khi người ta bị vấn đề tâm lý trong giai đoạn tuổi dậy thì, nên có chút hiểu lầm và chưa xác định rõ về giới tính của mình. Có trường hợp nhầm tưởng đồng tính do rối loạn cơ quan sinh dục (nhiễm sắc thể là nam, nhưng tinh hoàn bị kẹt trong ổ bụng khiến bộ phận sinh dục không giống người nam, nên bị nhầm tưởng là nữ).
Kinh Thánh và Giáo Hội nói gì về đồng tính?
Cựu Ước thuật lại cho chúng ta biết về việc Thiên Chúa đã phạt dân thành Sodoma vì tội có hành vi quan hệ đồng giới (x. St 19,1–19). Có một vài chỗ trong Tân Ước nhắc đến các tội của “những kẻ bất chính không được Nước Thiên Chúa làm gia nghiệp”, trong đó có tội “kê gian” (x. 1Cor 6,9; 1Tm 1,9–10). Thánh Phaolô cách nào đó lên án các hành vi quan hệ đồng tính và những ai phạm phải tội này thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa. Văn kiện Persona Humana của Đức Phaolo VI (1975) lần đầu tiên nhắc đến đồng tính, cho rằng hành vi tính dục đồng tính tự bản chất là mất trật tự và ngược lại với đời sống lứa đôi (số 8).
Như thế, cách nào đó, Giáo Hội không ủng hộ hôn nhân đồng tính và những hành vi tình dục đồng tính, vì nó đi ngược lại với mặc khải và ý muốn của Thiên Chúa. Từ ban đầu, Thiên Chúa đã dựng nên người nam và người nữ để họ gắn kết với nhau, trở nên một xương một thịt và sinh ra những mầm sống mới (x. St 1 và 2). Cơ cấu gia đình được thiết lập dựa trên tình yêu của người nam – người nữ và hướng tới việc sinh sản để dòng giống con người được kéo dài và thống trị mọi loài thụ tạo khác. Sự kết hợp giữa hai người cùng giới không đáp ứng được hai điều kiện này. Nếu tình trạng đồng tính trở nên lan tràn và mất kiểm soát, cơ cấu gia đình có nguy cơ bị phá huỷ và xã hội sẽ trở nên rối loạn.
Nhiều người đã phản ứng rất mạnh mẽ với quan điểm này của Giáo Hội, cho rằng Giáo Hội quá bảo thủ và không đi theo tiến trình phát triển chung. Tuy nhiên, Giáo Hội có nhiệm vụ phải gìn giữ những giá trị nền tảng. Giáo Hội không tự mình quyết định điều gì nếu không dựa trên nền tảng mặc khải. Tuy nhiên, Giáo Hội không hề có cái nhìn ác cảm về người đồng tính. Chính vì lý do đó mà Đức Phaolô VI, cũng trong văn kiện Persona Humana (số 8), nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc thấu hiểu và những đường hướng mục vụ khôn ngoan dành cho những người đồng tính.
Chúng ta cần phải phân biệt giữa người xu hướng đồng tính và hành vi sinh hoạt tính dục đồng tính. Xu hướng đồng tính không phải là tội. Xu hướng tính dục bẩm sinh là cái mà con người nhận lãnh khi ra đời chứ không phải là cái con người có thể lựa chọn. Không có lỗi gì khi sinh ra đã thấy mình có xu hướng tình dục hướng về người cùng giới tính với mình.
Giáo Hội Công Giáo không kỳ thị người đồng tính, có nghĩa là: Giáo Hội nhìn nhận trọn vẹn phẩm giá làm người của người đồng tính, chứ không xếp họ vào một thứ bậc thấp hơn hay khinh thường, chê bai họ. Người Công Giáo đồng tính vẫn là con cái của Chúa, vẫn có thể đi lễ, đọc kinh, rước lễ, lãnh nhận bí tích và hưởng tất cả mọi điều mà người khác được hưởng. Nhưng Giáo Hội không đồng ý hôn nhân đồng tính và việc quan hệ đồng tính, vì nó đi ngược lại với quy luật tự nhiên. Đối với một người Công Giáo, quan hệ tình dục chỉ được chúc phúc trong một cuộc hôn nhân được Giáo Hội chấp nhận, nghĩa là sự gắn kết giữa một người nam và người nữ theo như ý muốn của Thiên Chúa.
Giáo lý Hội Thánh Công Giáo (GLHTCG) dạy rằng:
“[Những anh chị em đồng tính] phải được người ta đón nhận với sự tôn trọng, thông cảm và tế nhị. Phải tránh tất cả những dấu hiệu của sự kỳ thị bất công đối với họ. (GLHTCG, 2358). Cũng trong sống này, Giáo Hội mời gọi các anh chị em đồng tính “thực thi ý Chúa trong đời sống của mình và nếu là Kitô hữu, họ được kêu gọi kết hợp với hy sinh thập giá của Chúa những khó khăn mà họ gặp phải trong thân phận của họ”.
“Những người đồng tính luyến ái được kêu gọi sống đức khiết tịnh. Nhờ các nhân đức giúp tự chủ dạy cho biết sự tự do nội tâm và có khi nhờ sự nâng đỡ của tình bằng hữu vô vị lợi, nhờ việc cầu nguyện, ân sủng, bí tích, chính họ có thể và phải dần dần và cương quyết tiến đến sự trọn hảo Kito giáo” (GLHTCG, 2359).
Thái độ cần có
Nếu những người bạn của bạn thuộc giới tính thứ ba, bạn đừng xa lánh họ, đừng kỳ thị họ, đừng dành cho họ một sự khinh thường hay mỉa mai vì thái độ như thế là đi ngược lại với những gì Chúa dạy. Ở đâu cũng có kẻ tốt người xấu. Không phải cứ có xu hướng tình dục đồng tính là người xấu. Thực tế, ta thấy có nhiều người dị tính sống còn tệ hơn cả người đồng tính. Có rất nhiều người đồng tính sống rất tốt với người khác, được nhiều người yêu mến. Họ chân thành, tình cảm, nhiệt tình, thương người, quảng đại.. Người đồng tính thường đã phải chịu rất nhiều thiệt thòi rồi, nên bạn đừng chất thêm cho họ thánh giá nữa; trái lại, hãy nâng đỡ họ bằng sự chân thành của mình. Cùng với họ, các bạn hãy xây dựng một thế giới văn minh đầy tràn tình thương qua những hoạt động lành mạnh, giúp ích cho đời.
Có nhiều trường hợp do bị áp lực quá nhiều từ xã hội và không được cảm thông, nhiều người đồng tính đã tìm đến cái chết hoặc sống buông thả, truỵ lạc. Dẫn đến tình trạng đó, một phần cũng do lỗi của chúng ta, khi đã không cho họ một cơ hội để sống tốt cuộc sống của mình.
Nếu bạn của bạn đang gặp những khủng hoảng, bối rối, hay có vấn đề tâm lý, bị tổn thương, cũng nên khuyên họ đi gặp những người có chuyên môn, các nhà tư vấn tâm lý (hay counseling) để được hướng dẫn để tránh những trường hợp bi thảm.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 2, Nxb Tôn Giáo, 2020)
#nguoithuocgioitinhthuba #giaidapthacmacchonguoitreconggiao