Đồng hành với tuổi vị thành niên

0
15

ĐỒNG HÀNH VỚI TUỔI VỊ THÀNH NIÊN

WGPXL (22.10.2021) – Trong nhiều dịp gặp gỡ cha mẹ hay Giáo lý viên tại các buổi học chuyên đề hay thảo luận, cũng có khi trao đổi trong các giờ tham vấn, tôi lắng nghe được những ưu tư, trăn trở và cả buồn bã, đôi khi thất vọng bế tắc trong việc đồng hành đức tin với các em tuổi vị thành niên. Nhiều cha mẹ từ yêu thương quay sang trút hết những cơn tức giận lên con mình. Nhiều anh chị Giáo lý viên cảm thấy chán nản trong các giờ lớp giáo lý. Bên cạnh đó, một số em tuổi vị thành niên đang khủng hoảng vì sự thay đổi bản thân lại thêm hoảng loạn vì hành vi và cách đối xử của cha mẹ; anh chị Giáo lý viên với mình trở nên gắt gỏng, lạnh lẽo, và coi thường. Đâu là nguyên nhân của vấn đề và cách thức nào để có thể đồng hành với các em cho hiệu quả?

Trong bài viết này, tôi muốn trình bày hai điểm giúp người đồng hành đạt hiệu quả.

– Hiểu một số điểm tâm lý căn bản của giai đoạn phát triển tuổi vị thành niên.

– Những bước đồng hành cho tuổi vị thành niên.

  1. Hiểu biết một số điểm tâm lý căn bản của giai đoạn phát triển tuổi vị thành niên

Theo tâm lý học phát triển[1], tuổi vị thành niên là thời kỳ chuyển tiếp cả về phương diện sinh lý, tâm lý và xã hội của một con người. Giai đoạn này rất quan trọng vì có nhiệm vụ làm nền tảng cơ bản cho những bước phát triển nhân cách, căn tính và tình cảm người trưởng thành sau này.

Một số thay đổi về tâm sinh lý của tuổi vị thành niên trong giai đoạn này:

– Sự biến đổi nhanh về thể lý và tâm sinh lý. Đây là giai đoạn cuối cùng cho sự hoàn thiện các bộ phận của cơ thể. Điểm đặc biệt của bước chuyển đổi từ trạng thái thiếu niên sang ‘người lớn’ là hiện tượng sinh lý sinh dục: nam xảy ra hiện tượng mộng tinh hay còn gọi là giấc mơ ướt; và nữ xảy ra hiện tượng kinh nguyệt. Yếu tố thay đổi này dễ gây ra khủng hoảng tâm lý nếu các em không nhận được sự hướng dẫn, giải thích cho biết đó là điều bình thường và cần thiết của sự phát triển của mỗi người.

– Các em quan tâm nhiều đến sự thay đổi của cơ thể, hay nghĩ về hình ảnh cơ thể, dễ băn khoăn, buồn rầu về những nhược điểm của cơ thể. Các em nữ để ý hơn đến hình dáng, trang điểm và ăn mặc.

– Cái tôi của cá nhân được xác định và cần được công nhận. Nghĩa là khả năng biết mình là ai và mình sẽ hội nhập vào môi trường đời sống gia đình, bạn bè và xã hội như thế nào? Các em bắt đầu thể hiện bản thân bằng việc tạo ra những hành vi và lối ứng xử riêng của mình hoặc pha trộn từ những gì các em học được. Tuy nhiên, các em cũng dễ rơi vào nhầm lẫn về vai trò của mình: vừa muốn làm người lớn lại vừa thấy mình như trẻ con.

– Các em tuổi vị thành niên muốn được người lớn tôn trọng, muốn được đối xử công bằng, muốn khám phá cái mới nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào gia đình.

– Các em bắt đầu quan tâm đến bạn bè, muốn tách rời khỏi sự quản lý và kiểm soát của cha mẹ. Nhu cầu tình bạn của các em trở thành cấp thiết và quan trọng nhất, đặc biệt là nhu cầu về bạn khác giới. Tuy nhiên, giai đoạn này các em cũng dễ nhầm lẫn giữa tình bạn và tình yêu. Các em cũng bắt đầu muốn khám phá năng lực về tình dục nhưng thiếu khả năng làm chủ cảm xúc tính dục.[2]

– Tuổi này có xu hướng hay căng thẳng, hay thay đổi tình cảm, muốn được thỏa mãn nhu cầu ngay, dễ có những hành động bất chấp hậu quả.

– Các em cố gắng phấn đấu và khám phá xem mình là ai. Các em có khuynh hướng trung thành với những giá trị nhân cách mà các em có ấn tượng. Nếu không phát triển bình thường, các em dễ rơi vào khó khăn, lúng túng, rối loạn hành vi, tâm lý và mất phương hướng.

Những đặc điểm căn bản nêu trên của tuổi vị thành niên cho thấy các em rất cần sự đồng hành để đối diện và vượt qua giai đoạn khủng hoảng cho quá trình trưởng thành. Sự quan tâm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội là hết sức cần thiết để các em vượt qua khủng hoảng, hoàn thành nhân cách, và vững tin bước vào đời.

  1. Những bước chân đồng hành đức tin cho tuổi vị thành niên.

2.1. Bốn “đừng” mong người đồng hành áp dụng triệt để nhằm tránh tổn thương và lòng tự trọng của các em.

– Đừng bao giờ sửa dạy các em trước mặt người khác khi bản thân đang tức giận. Lúc đó, chúng ta không thực hiện nhiệm vụ dạy và dỗ các em nhưng là đang đổ cơn tức giận lên các em. Nếu làm điều này sẽ để lại một hậu quả tai hại cho tâm hồn các em.

– Đừng bao giờ áp đặt suy nghĩ của mình lên các em (người lớn nói, các em phải nghe). Như đã nói ở trên, các em tuổi vị thành niên đã hình thành lòng tự trọng rất cao. Các em mong chờ người lớn lắng nghe các em chứ không mong đợi người lớn chỉ dùng quyền để áp đặt và khống chế. Hơn nữa, suy nghĩ của người lớn không phải lúc nào cũng đúng.

– Đừng bao giờ mất bình tĩnh khi các em có những thái độ và hành vi trái với ý muốn. Các em bị cảm xúc chi phối nên đôi lúc tỏ ra bốc đồng, đặc biệt với điều trái ý các em và với những người không cùng sở thích với các em. Thái độ tốt nhất của người đồng hành trong hoàn cảnh này là lắng nghe và nhẫn nại.

– Đừng bao giờ dạy các em điều mà chúng ta không hề làm. Các em tuổi vị thành niên rất nhạy cảm với gương sáng. Các em không thích nghe nhiều, nhất là nghe những lời lên lớp, khuyên răn không hợp với tâm lý các em. Đặc biệt, tránh nói đến những điều mà các em biết rõ chúng ta chẳng bao giờ thực hành, vì như thế các em sẽ coi thường những gì chúng ta nói và cả khinh thường cách sống của chúng ta thêm thôi.

2.2. Những bước cần thiết để đồng hành có hiệu quả.

Tôi xin gợi lên một số điểm cản bản cả về đời sống nhân bản lẫn hành trình giáo dục đức tin để giúp các bậc cha mẹ, thầy cô giáo và anh chị em GLV có thể đồng hành với các em tuổi vị thành niên.

– Dành thời gian cho các em và học để hiểu về các em bằng ngôn ngữ các em. Đây là điều quan trọng cho những ai đồng hành đời sống và đức tin với các em tuổi vị thành niên. Dẫu chúng ta hiểu những đặc điểm tâm lý chung, nhưng mỗi em lại có những điểm đặc biệt, không giống ai. Nếu ở trên, chúng ta biết nói với chính mình ‘đừng áp đặt suy nghĩ của mình lên các em’ thì thật quan trọng để hiểu tính tình, sở thích, dự tính, khả năng… và môi trường sống của các em. Trong những buổi tham vấn tâm lý, tôi nghe rất nhiều các em phàn nàn: cha mẹ hoặc người lớn chẳng hiểu các em và cũng chẳng chịu lắng nghe các em. Đó là lý do các em không muốn nói chuyện. Các em cho rằng có nói cũng chẳng thèm nghe và người lớn chỉ đưa ra những lời khuyên sáo rỗng.

– Nhận ra điểm tốt và dùng điểm tốt để khuyến khích, động viên các em. Đây là điểm tâm lý chung và rất cần để giúp các em tuổi vị thành niên vượt qua khủng hoảng. Các em mong được thông cảm hơn bỏ rơi; các em cần được động viên hơn là mắng nhiếc… Cha mẹ Việt Nam rất tiết kiệm lời khen mà lại hào phóng chê bai. Khi con cái hay các em mình có điều gì sai lầm, chúng ta cứ lấy điều đó mà nói đi nói lại làm tổn thương thêm các em mà thôi. Hãy cố gắng học biết những điểm tốt của các em và khen các em cũng như khích lệ các em mạnh mẽ tự tin hơn.

– Sử dụng ‘lời cám ơn’ và cả ‘lời xin lỗi’ với các em. Đây không chỉ là thái độ tôn trọng các em mà còn là mẫu gương sáng dạy các em thực hành. Người đồng hành cần tập cho mình một thói quen nói lời “cám ơn” và “xin lỗi” với các em bằng sự khiêm tốn thật của mình.

– Trao nhiệm vụ và quyền lợi cho các em trong gia đình hay đoàn thể với sự tin tưởng. Huấn luyện cho các em tính tự lập và biết chịu trách nhiệm về việc mình đã làm. Đừng coi các em là trẻ con nữa. Các em đang tập làm ‘người lớn’. Hãy cho các em cơ hội thực hành làm người lớn. Người đồng hành cần đi bên cạnh để động viên, đi phía trước đôi khi để nắm tay các em kéo lên; và có lúc đi phía sau để đẩy các em tới.

– Khuyến khích các em chia sẻ những khó khăn đang gặp, đặc biệt, tình cảm với người khác phái/cùng phái đang lẫn lộn trong tâm trí các em. Muốn đạt được điểm này, người đồng hành cần tạo được sự tin tưởng, thân thiện, không kết án để các em có thể mạnh dạn chia sẻ.

– Trở thành người bạn của các em. Người đồng hành trước tiên phải là người bạn của các em, mà phải là người bạn thân và tin tưởng. Khi các em coi cha mẹ/ thầy cô/ hay anh chị GLV là người bạn thân, các em mới cởi mở tâm hồn và bộc bạch cuộc sống, chia sẻ cảm xúc và ước mơ thầm kín của các em.

– Biết những gì đang nói với các em. Nếu người đồng hành muốn chia sẻ điều gì với các em, họ cần biết nội dung và mục đích của việc chia sẻ này. Đừng nói theo cảm tính và thích gì nói đó. Điều này sẽ phản tác dụng đồng hành và càng làm các em coi người đồng hành như ‘kẻ thù’.

2.3. Cha mẹ – Người đồng hành đức tin cho các em tuổi vị thành niên.

Tôi muốn góp một vài điểm nhấn cho các bậc cha mẹ trong việc đồng hành đức tin cho con cái giai đoạn tuổi vị thành niên. Ngoài những bước đồng hành chung trên, cha mẹ-nhà giáo dục đức tin cho con cái từ những năm đầu đến hôm nay cần thêm một số điểm sau:

– Xây dựng ‘nhà thờ tại gia’. Chúng ta vẫn được nhắc nhở rằng gia đình là mái trường giáo dục đức tin đầu tiên[3]. Đặc biệt, thời gian dịch bệnh vẫn còn nguy cơ cao, các nhà thờ chưa thể mở lại các sinh hoạt đức tin, các lớp giáo lý thì cha mẹ cần xây dựng gia đình thành nơi đời sống đức tin được nuôi dưỡng và thực hành là một phần cần thiết và quan trọng. Một số việc cần thực hành:

– Cầu nguyện chung trong bữa ăn. Đây là một việc làm đơn giản nhưng hiệu quả cao và lâu dài. Một lời nguyện ngắn trước và sau bữa ăn tạo một thói quen cầu nguyện. Cha mẹ hãy làm và hướng dẫn các con làm cách ý thức.

– Duy trì giờ kinh gia đình: Dù cuộc sống bận rộn và nhiều nhu cầu, cha mẹ đừng bao giờ bỏ qua nhu cầu thiêng liêng – cùng nhau trước bàn thờ Chúa để cầu nguyện. Hãy chọn những lời kinh, lời cầu nguyện phù hợp với hoàn cảnh gia đình, với tâm lý tuổi các con.

– Kể cho nhau nghe câu chuyện Giêsu. Nhiều cha mẹ dành thời gian cho con cái vì hiểu tầm quan trọng của việc gần gũi con cái. Cũng vậy, càng dành nhiều thời gian kể cho con cái nghe câu chuyện Giêsu, tâm hồn các em càng được nuôi dưỡng của Chúa Giêsu. Trên các kênh YouTube có rất nhiều câu chuyện ngắn về Chúa Giêsu. Cha mẹ hãy dành thời gian trong ngày mở và cùng con cái lắng nghe. Sau khi nghe, cha mẹ hãy khéo léo hỏi con kể lại những gì các em đã nghe. Hãy tạo thói quen chia sẻ câu chuyện Giêsu thay vì các câu chuyện nhảm nhí và gây hại cho đức tin của con.

– Mở các bài nhạc thánh ca ngày cuối tuần: Đây cũng là cách thức mưa dầm thấm đất. Ngày trong tuần, con cái phải học online nên không tiện mở nhạc. Ngày cuối tuần, cha mẹ thảo luận với con để cùng nhau đồng ý mở nhạc thánh ca cho cả nhà nghe. Cha mẹ hãy chọn các bài thánh ca phù hợp với đời sống đức tin của con để tâm hồn chúng cảm nhận được những lời bài hát.

Ngoài ra, cha mẹ cần cho mình thêm những điểm sau:

Đừng bao giờ bỏ cầu nguyện. Có những ngày con cái tỏ thái độ chống đối và không muốn cầu nguyện chung trong gia đình. Đừng cố ép buộc các em. Cha mẹ hãy bình tĩnh vì có thể các em mệt, tâm trạng rối bời. Chỉ cần cho các em biết, “cha mẹ sẽ cầu nguyện cho con” và cho các em thấy gương sáng và sự trung thành cầu nguyện.

Đủ mạnh mẽ thừa nhận cha mẹ cũng là người tội lỗi. Mang thân phận con người, cha mẹ cũng có những yếu đuối riêng, đôi lúc làm sai. Cha mẹ cũng cần sự cảm thông và nâng đỡ của con cái khi thừa nhận sự mỏng giòn của mình. Đó cũng là bài học giúp con biết khiêm tốn chấp nhận bản thân và yêu thương cha mẹ.

Đừng hoảng loạn khi con không muốn đến nhà thờ. Các em tuổi vị thành niên bắt đầu thể hiện bản thân và muốn có những cách riêng của mình ngay trong đời sống đức tin. Khi các em tỏ thái độ này, cha mẹ cần bình tĩnh tìm xem điều gì đang xảy ra với các em? Ai đang ảnh hưởng đến suy nghĩ và chọn lựa các em? Hoặc các em cảm thấy việc đến nhà thờ trước đây quá xáo rỗng và nhàm chán… Cần tìm hiểu những hành vi hiện tại của các em và bình tĩnh xử lý tình huống.

Đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ của người ngoài khi gặp khó khăn. Tâm lý tốt khoe xấu che đôi lúc vẫn làm cho cha mẹ lúng túng khi đối diện với khủng hoảng của con. Phần vì không muốn cho người khác biết nên cứ cố che giấu. Cha mẹ cần thừa nhận giới hạn của chính mình mà tìm kiếm sự giúp đỡ của người khác (một linh mục, một chuyên viên tham vấn, một người đã kinh nghiệm…). Đó cũng là cách thức Chúa đang đồng hành và ban ơn trợ giúp cho cha mẹ.

Cuối cùngđối thoại và lắng nghe con chia sẻ về suy nghĩ và cảm nhận đời sống. Như đã nói ở trên, các em tuổi vị thành niên mong được người lớn hiểu, tôn trọng và cảm thông. Cha mẹ cần dành thời gian để nói chuyện với con, nhất là lắng nghe con chia sẻ về đời sống, cảm nhận, đức tin… Nếu con không xin thì đừng đưa ra lời khuyên. Cũng đừng bao giờ xét đoán nếu chia sẻ của con có điều tiêu cực. Hãy lắng nghe với tâm hồn thấu cảm. Hãy tỏ cho con biết là cha mẹ cảm thông và cầu nguyện nhiều cho con. Tốt nhất, cha mẹ nên kết thúc cuộc trò chuyện bằng cách mời con tự phát một lời cầu nguyện ngắn.

Đồng hành với con cái/các em tuổi vị thành niên thật cần thiết và quan trọng để giúp các em đủ sức vượt qua giai đoạn khủng hoảng hướng đến tuổi trưởng thành. Đây là một nhiệm vụ thiêng liêng và cao quý bởi người đồng hành góp phần làm thành toàn đời sống các em, góp công vào chương trình của Thiên Chúa là giáo dục con người theo đúng mục đích và kế hoạch của Chúa; và góp tâm hồn chia sẻ sứ mạng của Đức Kitô, “Ta đến cho họ được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10). Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn khó khăn của các bậc cha mẹ, thầy cô giáo và anh chị Giáo lý viên trong các lớp giáo lý. Người đồng hành dễ thất bại, buồn bã và mất kiên nhẫn vì thái độ thờ ơ, thiếu cộng tác và đôi khi tỏ ra chống đối của các em. Người đồng hành trong những tình huống như thế hãy bình tâm và đừng mất niềm hy vọng. Giây phút ấy, hãy dành khoảng thời gian và không gian thinh lặng để đọc đi đọc lại định nghĩa về “Tình yêu-đức mến” của thánh Phaolô trong thư thứ nhất Côrintô như sau, “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được” (1Cr 13, 4-8).

Tài liệu tham khảo

– Philomena Agudo (2010). I chose you, Ta đã chọn con, Nguyễn Ngọc Kính chuyển ngữ, NXB Phương Đông.

– Breig James (1992). Finding God in your house, Chicago, Illinois.

– Sprinthall & Collins (1995). Adolescent psychology: A developmental view, McGraw-Hill, New York.

– Michel Quoist (2000). Xây dựng con người nhân bản, Nguyễn Thị Chung dịch, NXB Tôn Giáo.

Tác giả: Lm. Phaolô Đinh Chí Hiền

Nguồn: giaophanxuanloc.net

[1] x. Sprinthall & Collins (1995). Adolescent psychology: A developmental view, McGraw-Hill, New York.

[2] Philomena Agudo, I chose you, Ta đã chọn con, Nguyễn Ngọc Kính chuyển ngữ, NXB Phương Đông, 2010

[3] GLHTCG số 2682

#tuoivithanhnien #donghanh #vithanhnien